SỰ KIỆN
Ngồi nhớ lại…
08:13 | 26/03/2025

PHẠM HỮU THU
               Ghi chép

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa
Mẹ về đứng dưới mưa
Che từng căn hầm nhỏ
Xóa sạch vết con về…

            (Huyền thoại Mẹ - Trịnh Công Sơn)

Ngồi nhớ lại…
Ảnh: tư liệu

Cuộc chiến kết thúc đã lâu nhưng mỗi khi nghe bài hát “Huyền thoại Mẹ” lòng tôi bồi hồi với bao cảm xúc. Riêng đối với cán bộ, chiến sĩ bám trụ đồng bằng, mẹ không chỉ “thế chấp” tính mạng, tài sản của cả gia đình mình mà còn âm thầm chở che cho những đứa con ở trong “từng căn hầm nhỏ”. Đây là nét độc đáo, riêng có của cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam Việt Nam trong những năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt!

*

Năm 1968. Tháng 5 Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 3 Sư đoàn 324) bị vây ở Quảng Thọ - Quảng Điền. Trong trận tử chiến ở làng Phước Yên, Tiểu đoàn này có trên 500 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Tháng 6, ở Phú Vang, Tiểu đoàn 4 của Thành đội Huế ngoạn mục thoát được vòng vây ở Trừng Hà, Mộc Trụ rút sang vùng núi bắc Truồi - Phú Lộc. Kể từ đây ở đồng bằng Thừa Thiên Huế tạm thời vắng bóng quân chủ lực.

Hình thái thay đổi khi chiến trường bị đối phương chia cắt thành ba tuyến. Tuyến 1 ở tây Trường Sơn, dưới sự yểm trợ của máy bay phản lực, kể cả pháo đài bay chiến lược B52, dựa vào sự cơ động của trực thăng, Quân đội Mỹ chiếm các mõm núi cao lập căn cứ quân sự và tung các đơn vị thiện chiến như Sư đoàn Kỵ binh bay số I, Sư đoàn Dù 101 thay nhau mở các cuộc hành quân “tìm và diệt”, đẩy phần lớn Quân giải phóng sang bên kia biên giới Việt - Lào.

Tuyến 2 ở đông Trường Sơn, nơi thành phố Huế và các huyện chọn làm hậu cứ do bị chia cắt với tuyến 1 và tuyến 3 ở đồng bằng nên lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Từ giữa năm 1968, mặc dù số cán bộ, chiến sĩ được phân công bám trụ đồng bằng (tuyến 3) nhiều nhưng sau những đợt phản kích, số cán bộ, chiến sĩ còn lại không nhiều nên 1969 được ghi nhận là năm đen tối của phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế.

Sau khi cưỡng bức cư dân ở những vùng “mất an ninh” vào các khu tập trung, Sư đoàn I Quân đội Sài Gòn, chủ yếu là Trung đoàn 54 phối hợp với lực lượng tại chỗ như: Địa phương quân, Nghĩa quân, Cảnh sát… liên tục mở các cuộc hành quân truy tìm “Việt cọng nằm vùng”.

Không ai nắm được trong “thời kỳ đen tối” này có bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ còn bám trụ ở đồng bằng nhưng biết chắc chắn con số đó không nhiều, xã nhiều nhất không quá chục người, số còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thậm chí có xã không còn ai nên trong báo cáo thường dùng hai từ “vùng trắng”. Do cán bộ, chiến sĩ nằm vùng phần lớn hy sinh, số sống sót không nhiều nên sau chiến tranh mới lan truyền câu: “nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết”. “Trụ” ở đây được hiểu là những cán bộ, chiến sĩ bám trụ ở đồng bằng trong bối cảnh đối phương đã “Bình định nông thôn” và đang tập trung triệt hạ “hạ tầng của Việt cọng”. Hoạt động này do CORDS triển khai nhưng thật chất chỉ là trá hình của CIA. Theo sau đội quân áo đen của các “Đoàn cán bộ Xây dựng nông thôn” là nữ nhân viên của Biệt đội Phượng Hoàng, Thiên Nga. Núp dưới vỏ bọc hoạt động dân sự, bọn chúng tổ chức mạng lưới chỉ điểm, gieo rắc hoài nghi bằng thủ đoạn “Dĩ Cọng trị Cọng”; đồng thời mua chuộc, dụ dỗ thân nhân người tham gia kháng chiến rời bỏ hàng ngũ… Tại khu vực phía tây quốc lộ I trải dài từ bắc chợ Phù Lương đến giáp phía nam ga Hương Thủy (nay thuộc phường Phú Bài), sau 1968 xuất hiện “làng Chiêu Hồi” dành cho những người “hồi chánh”.

Tôi không rõ, dưới hàng trăm liếp nhà tole san sát ấy trước đây có gia đình của ông M. cư ngụ hay không nhưng nhờ người trong cuộc kể lại, tôi biết, trước khi rời hàng ngũ, ông M. đã viết giấy nhắn lại, nhờ vậy mà những người tham gia kháng chiến ở Phong An kịp thoát trước khi ông dẫn “Nghĩa quân” vào tận nơi xăm hầm. Những đồi cây lúp xúp còn sót lại ở vùng gò đồi sau nhiều lần bị chà đi xát lại cuối cùng cũng bị thiêu rụi bởi bom napan hoặc trơ trụi vì thuốc khai quang.

Tình thế đó buộc phải chuyển hướng “căn cứ lõm” ở ngay trong từng thôn xóm mà yếu tố sống còn là phải làm cho được hầm bí mật trong nhà dân.

Đến tận bây giờ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn vẫn nhớ như in câu hỏi của mẹ Lại Thị Nhược khi ông xin mẹ được làm hầm bí mật ở trong nhà. “Chú ở một mình hay với ai?”. Mẹ Nhược cật vấn như thế tức là mẹ chưa tin, chưa biết rõ về người mà mình cho ở trong nhà. Chỉ cần người đó “chiêu hồi” chắc chắn gia chủ bị bắt, đánh đập, tù đày vì tội “chứa chấp Việt cọng”! Khi biết ông Mãn sẽ trú ẩn cùng ông Trần Văn Minh mẹ Nhược mới hết do dự, đồng ý cho làm hầm bí mật trong nhà. Do không gian trong nhà hẹp nên mẹ Nhược đồng ý cho hai ông làm hầm bí mật dưới ngay hầm trú ẩn tránh canon của gia đình. Nhà mẹ Lại Thị Nhược ở Thượng An, cùng với Bồ Điền ở dưới quốc lộ I nên thuộc những khu vực vùng sâu của Phong An, Phong Điền. Do phần lớn các cồn và lùm lòi cây xung quanh bị cày ủi, xăm xoi nên hầm bí mật dễ bị phát hiện. Muốn tiếp tục bám trụ họ phải làm hầm bí mật trong nhà dân nhưng phải là những cơ sở trung kiên mới bảo toàn tính mạng.

Nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hoàng Thế Đoàn đã kể cho tôi nghe chuyện tổn thất nặng nề ở Hương Thái do chọn nhầm đối tượng để gây dựng cơ sở. Ông cho biết: Sáng đó ở làng La Chữ, anh Năm (Xã đội trưởng) và Ân (cán bộ Đội công tác Quận I - Huế) đang ở dưới hầm bí mật trong nhà L.Q.P để dụ anh em, P. giở miệng hầm và nói vọng xuống “Địch đi xa rồi, lên trên này ăn cho thoải mái” nhưng hai anh ấy không lên. Lúc này địch đã ở trong nhà. Chúng ném xuống một quả lựu đạn cay buộc hai anh phải tháo thân. Chỉ chờ có vậy, hai anh bị bắt. Chúng dẫn anh Năm và Ân đi sang nhà bà Lê Thị Cám - nơi chị Nguyễn Thị Chồn (Huyện ủy viên, Bí thư Hương Thái) và chị Hà Thị Cúc (Trưởng An ninh xã Hương Thái) đang ẩn nấp. Chưa vào nhà, ở ngoài Ân đã gọi “Chị Chồn ơi, Cúc ơi! Lên cho rồi. QLVNCH đã bao vây!”. Ngỡ hai chị ngoan ngoãn nghe theo lời của Ân nhưng đáp lại là một tiếng nổ. Căn hầm bí mật rung lắc. Hóa ra, hai chị đã dùng lựu đạn M26 tự sát! Sau sự kiện này, nhân dân La Chữ trông thấy hình ảnh trái ngược, phía gia đình có kẻ chỉ điểm chúng cho GMC chở đồ đạc mang đi trốn, còn gia chủ “chứa chấp Việt cọng” - mẹ Lê Thị Cám bị bắt, đánh đập và đày đi Côn Đảo!

Trong vườn nhà anh Phan Văn Diên (trái) - nơi ông Nguyễn Quang Yên hy sinh


Từ lâu tôi đã nghe chuyện hy sinh của ông Nguyễn Quang Yên ở nhà cụ Phan Văn Chiểu nhưng mãi đến gần đây mới tường tận sự việc. Về làng Thanh Thủy Chánh tôi được người con út của cụ là anh Phan Văn Diên đưa đến khu nhà bếp của gia đình mình và giới thiệu:

- Dưới đó, trước đây có căn hầm bí mật mà gia đình tôi nuôi giấu hai anh cán bộ An ninh Nguyễn Quang Yên, Nguyễn Quang Lộc. Để có căn hầm này, theo đề nghị của bà Phan Thị Thủy, cha tôi đã huy động vợ chồng anh Phan Văn Cháu - Nguyễn Thị Sữa và tôi đêm đêm thay nhau, người cảnh giới, người đào, người mang đất đi đổ. Gần cả tháng trời căn hầm mới làm xong.

Kể về trường hợp hy sinh của ông Nguyễn Quang Yên, anh Phan Văn Diên cho biết:

- Sau Hiệp định Paris - 1973, ở Thủy Thanh ban đêm ta cắm cờ Giải phóng, ban ngày địch nhổ. Địch nhận định sở dĩ có tình trạng này là do có “Việt cọng nằm vùng” nên mở chiến dịch tảo thanh, chủ yếu tìm cho được hầm bí mật. Chúng tổ chức thành từng toán và lệnh, nếu toán đi trước bỏ qua nhưng toán tiếp theo phát hiện thì toán trước bị nghiêm trị. Chà đi xát lại, cuối cùng phát hiện cạnh nhà tôi có hầm bí mật. Sau khi bắn bị thương và bắt ông H., chúng ập vào nhà tôi, giở nắp hầm kêu gọi nhưng anh Nguyễn Quang Yên không đầu hàng. Chúng giật quả lựu đạn M.26 ném xuống. Nhờ có chiếc hàm ếch khoét sâu trong hầm nên anh Nguyễn Quang Yên thoát chết. Sau khi nghe tiếng chúng hô “ngưng”, lập tức anh Yên lao lên và dùng cây AK báng xếp bắn chết một tên tại chỗ. Bắn tiếp nhưng súng bị hóc. Địch tập trung xả đạn và anh Nguyễn Quang Yên hy sinh!

Kể về cái chết của cụ Phan Văn Chiểu, người con trai út cho biết, anh Nguyễn Quang Yên hy sinh khi từ hầm bí mật trong nhà xông lên. Chứng cứ rành rành, biết khó thoát khỏi tội chết nên cha tôi đã uống thuốc diệt chuột quyên sinh nhằm tránh liên lụy cho gia đình!

Nhận nhiệm vụ về đồng bằng tìm kiếm gần 300 thương binh đang gửi nhờ nhân dân hai huyện Phong Điền, Quảng Điền chăm sóc sau chiến dịch Xuân 1968, Thiếu tướng, nguyên Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công Trung đoàn I Sư đoàn 324 Lê Huy Mai đã gần một tháng trú ẩn ở Phong Nhiêu nay là xã Phong Hiền, Phong Điền. Tại đây ông được địa phương bố trí ở chung hầm bí mật với K. ở thôn Cao Ban.

Trừ nơi ông ẩn nấp các căn hầm còn lại ở Cao Ban hay Sơn Tùng phần lớn đều bị phát hiện. Hầu như ngày nào ở Phong Nhiêu cũng có tiếng súng vì mỗi khi vây ráp, đối phương rải quân chốt chặn các ngả đường và cho trực thăng bay thấp giám sát, sẵn sàng xả đạn vào những người tháo chạy và sau khi vào làng, chúng cho becgie lùng, khi phát hiện hơi người mới dùng thuổng sắt dài để xăm. Bí thư Phong Nhiêu, Thân Ngọc Trung cho ông Mai biết, chỉ riêng tháng 7/1968 Phong Nhiêu có tới gần 50 cán bộ, du kích hy sinh và bị bắt do bị quật hầm. Riêng Phân đội Trinh sát của ông Mai có hai chiến sĩ thông tin: Bùi Ngọc Thành và Trần Xuân Quang hy sinh ở thôn Sơn Tùng. Trước khi hy sinh, chiến sĩ Bùi Ngọc Thành chiến đấu kìm chân địch để chiến sĩ Trần Xuân Quang ở dưới hầm kịp đốt mật mã và phá hủy máy truyền tin.

Phong Nhiêu tổn thất lớn như Bí thư Thân Ngọc Trung cho ông Lê Huy Mai biết là do tên K. chỉ điểm. Tên này sau khi bị địch bắt giam ở Huế đã nhận làm gián điệp, lợi dụng việc ta giải phóng các nhà lao hắn đã quay về quê xin vào du kích. Biết anh là cán bộ to lại nằm chung hầm nên hắn chưa vội ra tay. May mà sau khi thẩm tra, An ninh Phong Điền kịp bắt, nếu không hắn sẽ gieo không biết bao nhiêu là tội ác!

Thủy Thanh là xã vùng sâu được bao bọc bởi ruộng đồng và sông nước. Trong chiến tranh đây không chỉ là “căn cứ lõm” của Khu 3 Hương Thủy mà còn là bàn đạp của Phú Vang nên có rất nhiều hầm bí mật. Ông Nguyễn Viết Giám, một đảng viên hoạt động hợp pháp đã kể cho tôi nghe vụ tổn thất “chưa từng có“ xảy ra ở Thủy Thanh. Do bị chỉ điểm mà các ông Lê Duy Khánh (Phó Bí thư Huyện ủy), Chân Văn (Chánh văn phòng Huyện ủy) và Trần Duy Thành (Bí thư Thủy Thanh) cùng lúc bị sát hại ở Lang Xá Cồn. Người chỉ điểm là L.T.X., sau này bà ta khai, vì bị dụ dỗ, mua chuộc nên đã cam tâm làm phản. Sáng đó, theo y ước, địch bố trí một Trung đội Địa phương quân tiến hành vây bắt khi nhìn thấy nắm nhang mà bà X. đã cắm trên miệng hầm. Địch kêu gọi đầu hàng nhưng các ông quyết không để bị sa vào tay giặc đã cùng chiến đấu và cùng hy sinh!

Một khi bị chỉ điểm hoặc bị phát hiện cán bộ ở hầm bí mật phần lớn đều hy sinh hoặc bị bắt.

Khu 3 Phú Lộc bao gồm 5 xã bên kia đầm Cầu Hai, dưới chế độ Sài Gòn thuộc quận Vinh Lộc. Phó Bí thư Huyện ủy Phú Lộc Lê Công Đăng (bí danh Cao) được phân công chỉ đạo 5 xã ven biển này. Sau đợt đồng khởi tháng 7/1964, địch mở nhiều trận càn quét nhằm chiếm lại những xã đã được giải phóng. Để giảm áp lực, đầu năm 1966 ta quyết định tấn công quận lỵ Vinh Lộc. Trên đường rút về nơi ẩn nấp, do không kịp xóa dấu vết, địch truy tìm và phát hiện hầm bí mật. Chúng kêu gọi đầu hàng nhưng Phó Bí thư Huyện ủy Lê Công Đăng đã kịp hủy tài liệu trước khi bị chúng sát hại.

Ở Vinh Thái, nhân dân nhớ mãi hình ảnh Trung đội trưởng Trinh sát An ninh vũ trang Hồ Ngọc Ba. Trong trận chống càn quét không cân sức, để tránh tổn thất ông đã cho anh em tản sang Phú Đa còn mình rút xuống hầm bí mật. Địch phát hiện, bao vây và gọi hàng. Không để sa vào tay giặc, ông đã bật miệng hầm tung lựu đạn và chiến đấu chống trả. Hết đạn ông đã phá hủy súng và ném quả lựu đạn cuối cùng, trước khi hy sinh.

Tại làng Vân Thê Đập, Thủy Thanh (Hương Thủy), khi hầm bí mật bị phát hiện, ông Phạm Văn Thanh đã chủ động dùng AK hạ sát lính “Địa phương quân”. Hết đạn, ông Thanh và cơ sở cùng ẩn nấp trong hầm là Lê Hiện, Nguyễn Thị Chuột, Nguyễn Thị Mai bị bắt. Chúng giải tất cả ra nhà thờ họ Lê tra tấn. Mặc dù bị móc mắt, xẻo tai nhưng ông Phạm Văn Thanh vẫn giữ vững khí tiết. Thấy không khai thác được gì chúng hạ sát cả 4 người!

Nguyên Xã đội trưởng Phong Bình Trần Thanh Đấu cho biết, ở thôn Siêu Quần, sau khi bị bắt ở nhà mẹ Trần Thị Cúc, địch giải hai cha con đồng chí Nguyễn Ngọc Khởi - Nguyễn Ngọc Trập (đều là cán bộ nằm vùng) lên đồn Lương Mai (ở Phong Chương) tra khảo. Dưới sự chỉ huy của viên Cảnh sát trưởng ác ôn khét tiếng trong vùng tên C., chúng đã treo ngược đồng chí Khởi lên cành cây đánh đập. Do kiên quyết không khai nên chúng đã bắn chết đồng chí Khởi để uy hiếp. Hành động dã man của bọn chúng bị nhân dân thôn Đại Phú kịch liệt phản đối nên người con của đồng chí Khởi chỉ bị tống giam ở lao Thừa Phủ. Xuân 1968, sau khi thoát khỏi nhà lao, đồng chí Nguyễn Ngọc Trập quay về quê tiếp tục hoạt động cách mạng và sau đó hy sinh. Còn mẹ Trần Thị Cúc vì tội “chứa chấp hai cha con Việt cọng” bị bắt và tống giam ở quận lỵ Phong Điền.

Tại Thủy Phương (Hương Thủy), khi biết hầm bí mật của mình bị lộ, ông Nguyễn Đình Xướng đã ngoan cường đánh trả. Do chân bị trúng đạn, biết không thể thoát nên ông tiếp tục bắn cầm chân để một Huyện ủy viên và Xã đội trưởng tẩu thoát. Hết đạn, ông đợi địch ập đến mới bung mỏ vịt quả lựu đạn M.26 cuối cùng chấp nhận hy sinh.

Sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ nằm vùng làm quân thù khiếp sợ, nhân dân tiếc thương, đồng đội nể phục.

*

Sau khi “bình định” được Phú Vang, đối phương tập trung lực lượng nhằm vô hiệu hóa “hạ tầng cơ sở Việt cọng” mà Phú Đa là trọng điểm. Trong một trận càn ở đây, đối phương phát hiện hầm bí mật ở một khu lăng mộ nên viên Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng nông thôn Nguyễn Ngọc Cứ đã huy động xe ủi định xới tung tất cả để kiếm tìm hầm bí mật. Dựa vào thế “hợp pháp” của mình, nhân dân Phú Đa đã trực diện đấu tranh. Dù bị đánh đập nhưng nhân dân Phú Đa không lùi bước, quyết bảo vệ mồ mả cha ông. Nhờ “cầm chân” đối phương nên cán bộ ẩn nấp ở khu vực đó đã kịp tẩu thoát, trong số này có ông Lộc, cán bộ Thành đội Huế được bà Ngô Thị Lệ, lợi dụng lúc hai bên giằng co đã dẫn ông về ở trong hầm bí mật của mình.

Trong trận Phước Yên, ông Nguyễn Đức Thuận bị thương, nhờ nhân dân Quảng Điền chăm sóc, chở che nên sống sót. Kể về những ngày nằm hầm bí mật ở xã Quảng Phú, ông cho biết: “Tôi được đưa xuống hầm bí mật của gia đình chị Nguyễn Thị Niềm ở xóm Đình và được cô Tiểu trực tiếp điều trị. Tôi nhớ nhất là đêm đầu tiên được đưa tới nhà chị Niềm. Tôi vào nhà chưa đầy chục phút thì địch đóng ở Hạ Lang đã đến xóm Đình. Nghe tin, chị Niềm đã nhờ ông Trọng cõng tôi ra giấu ở hầm bí mật. Tôi vừa xuống hầm thì địch đã ở trong nhà chị Niềm. Hai ngày đầu nằm hầm, có lẽ do địch chưa rút nên chưa có ai tiếp tế. Mãi đến ngày thứ ba mới có người kéo nắp hầm thả thức ăn xuống rồi vội vàng đậy nắp hầm lại.

Nằm trong bóng tối một mình tôi thèm nghe tiếng người. Mãi đến khi ngứa ngáy không chịu nổi, theo đề nghị, chị Niềm mới đưa tôi lên tắm rửa. Đến lúc này tôi mới biết để chăm sóc và bảo vệ tôi, ngoài chị Niềm còn có vợ chồng em của chị là Nguyễn Văn Thạnh - Võ Thị Quyên. Họ phân công nhau người cảnh giới, người múc nước, người kỳ cọ cho tôi”. Tình sâu nghĩa nặng này, Đại tá Nguyễn Đức Thuận không bao giờ quên!

Khi còn đương chức, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng thường về Ấp 5 Mỹ Thủy (nay là Thủy Phương, Hương Thủy) thăm các bà: Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Thị Lớn, Nguyễn Thị Vịt - những gia đình đã từng che chở, nuôi dưỡng ông trong những ngày bám trụ ở đồng bằng để chỉ đạo cuộc tấn công đợt I/1975. Tính ông xởi lởi, chị chị em em. Chỉ vào bà Nguyễn Thị Gái ông nói, “nếu không có gia đình của chị bình tĩnh, gan dạ che chở và nếu không có anh em du kích Mỹ Thủy dũng cảm chiến đấu ngoan cường bảo vệ, lúc đó tôi và anh Giai (Nguyễn Thanh Giai - Phó Ban Dân vận tỉnh) e khó thoát”.

Kể về trường hợp “thoát hiểm” của Bí thư Tỉnh ủy ở Mỹ Thủy, nguyên Đại đội phó Đại đội 1 (C1) Huyện đội Hương Thủy Nguyễn Đình Kiên cho biết, đêm đó (13/3/1975), đơn vị ông được giao nhiệm vụ về nhà bà Nguyễn Thị Gái đón chú Vũ Thắng. Bà Gái là cô ruột của Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Chư vì có hai hầm bí mật nên anh Chư và du kích nấp ở đây. Khi biết cấp trên về đông người, anh Nguyễn Văn Chư bàn giao hai hầm bí mật ở nhà bà Nguyễn Thị Gái cho đoàn chú Vũ Thắng, còn anh chuyển sang ẩn nấp tạm tại nhà bác Nguyễn Văn Khuôn gần đó. Sáng 13/3, địch mở cuộc “hành quân cảnh sát”. Chúng ập vào nhà bác Khuôn và giở nắp thùng phuy (dùng để đựng lúa) kiểm tra. Anh Chư nấp trong đó liền nổ súng và chạy ra vườn bị địch bắn, hy sinh. Chúng tiến hành lục soát, cán bộ đường dây Hương Thủy Nguyễn Văn Luận tháo chạy bị chúng bắn bị thương. Địch bắt bác Nguyễn Văn Khuôn đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ tù, sau này ông thọ bệnh mà chết.

- Chính tối đêm đó (13/3) tôi đã đến nhà bà Nguyễn Thị Gái đón chú Vũ Thắng đưa sang động Sầm và ngay trong đêm, Q. Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng đưa đoàn lên hậu cứ. - Nguyên Đại đội phó Nguyễn Đình Kiên khẳng định.

Bà Hoàng Thị Hai ở thôn Vân Thê, phường Thủy Vân hiện nay, thời chiến tranh là Huyện ủy viên hợp pháp Hương Thủy. Nhờ có những căn hầm bí mật và mạng lưới cơ sở do bà tổ chức che chắn, bảo vệ nên các ông như: Hoàng Lanh, Nguyễn Trung Chính, Lê Quý Cầu, Trần Phong, Nguyễn Việt Hùng... và nhiều cán bộ, chiến sĩ mới bảo toàn được tính mạng trước sự truy sát của kẻ thù. Lịch sử Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên Huế ghi nhận công lao khi bà Hai làm 6 hầm bí mật (1 ở trong nhà, số còn lại bà tổ chức làm ở các gia đình gần đó). Tất cả cán bộ ẩn nấp ở đây đều an toàn. Điều ấy cho thấy uy tín của bà và tấm lòng của nhân dân Vân Thê đối với cách mạng.

Nhớ hôm Đại tá Công an Nguyễn Việt Hùng đưa tôi đến thăm căn hầm mà ông ẩn nấp ở nhà thờ họ Nguyễn. Ông kể, suýt chút nữa tôi đã bắn nhầm chị Hai rồi! Đó là vào một chiều hè của năm 1972. Sau một đêm và cả buổi sáng chiến đấu căng thẳng, ba anh em chúng tôi tìm xuống đây trú ẩn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu (lúc này anh Lê Duy Vy, Quận trưởng Biệt động Hữu ngạn - Huế bị thương). Phát hiện cửa miệng hầm bị lật, tôi định bóp cò (quy ước chỉ dùng lỗ thông hơi khi cấp báo). May mắn chị Hai chủ động lên tiếng và vội ném cho tôi mảnh giấy, báo tin: Anh Đỗ Dũng, Bí thư Bích Thủy hy sinh. Địch đang ở khắp làng”.

Ông Hồ Xuân Mãn và ông Đỗ Chiêm (trái, con bà Sâu)


Bà Trần Thị Sâu ở xóm Bồ có chồng là bộ đội, hy sinh năm 1966. Lúc các ông Hồ Xuân Mãn, Trần Văn Minh, Hoàng Văn Kiếm - cán bộ bám trụ ở Phong An (Phong Điền) xin làm hầm bí mật trong nhà, bà chỉ mới 36 tuổi đang nuôi hai con nhỏ là Đỗ Chiêm và Đỗ Thị Hạnh. Mỗi khi xăm hầm chúng thường tìm buồng ngủ, chuồng heo. Để đánh lạc hướng, theo đề nghị, bà Sâu đồng ý cho các ông làm hầm bí mật dưới gian nhà thờ. Miệng hầm được ngụy trang bằng một cái rổ sắt khá to đựng chén, đọi.

Ông Mãn nhớ lại, khi đang đào hầm, chị Sâu hỏi: “Mấy chú định đem đất đổ chỗ mô?”.

- Tụi em định đưa ra đổ ở bụi tre sau hồ.

- Không được mô, chỉ nhìn màu đất, màu nước là chúng phát hiện ngay.

- Vậy chị có cách chi không?

- Các chú cứ mang ra sau vườn rồi đổ giữa hai vồng khoai cho chị. Sáng mai cắt rau xong chị sẽ cào đất vồng cũ lấp lên làm vồng mới rồi chư ngọn khoai lên đó, tụi nó có ba đầu sáu tay cũng không biết được mô!

Theo thu xếp của bà Trần Thị Sâu, trong thời gian bám trụ để xây dựng “căn cứ lõm” ở vùng sâu xóm Bồ, các ông được bà bố trí ăn ở nhà bà Hoàng Thị Thí, giặt quần áo ở nhà bà Trịnh Thị Thĩu, khuya về trước khi xuống hầm mới ăn ở nhà bà. Để đảm bảo an toàn, chiều đến bà Trần Thị Sâu thường cắp theo cái rổ đi một vòng lên nhà cơ sở bà Gái rồi quay về. Khi biết chắc chắn không có địch bà Sâu mới vần rổ chén đọi sang một bên, gõ tín hiệu để các ông leo lên. Ở hầm bí mật nhà bà Trần Thị Sâu gần cả năm nhưng khi diễn ra sự việc các ông không hề hay biết.

Đỗ Chiêm kể lại, sáng đó, sau khi các chú đã chui xuống hầm, thình lình có toán “Địa phương quân” ập vào, có thằng chửi, hỏi vu vơ: “Đ.M có ba thằng Việt cọng mới chạy vô đây nấp mô rồi?”

Mẹ tôi bình tĩnh đáp:

- Thưa các anh, nhà tui không có Việt cọng, nhà tui không chứa chấp ai hết. Các anh cứ lục tìm đi!

Mẹ bấm vào tay, ngầm dặn tôi không hở một lời.

- Chúng lục tung buồng ngủ, xăm chuồng heo, xăm các thùng phuy đựng lúa. Thấy chúng vén tấm màn che bàn thờ, mẹ tôi kể, lúc đó “tim tau như ngừng đập” vì chỉ cần chúng kéo rổ chén đọi ra thấy miệng hầm thì nhà cửa tan hoang, bị tra khảo, tù tội. Không tìm thấy gì, bọn nó nằm dài trên bộ phản. Để tìm cách đuổi khéo, mẹ tôi hỏi: “Nhà có con gà đang nhốt ngoài chuồng các chú có ăn không, tui làm?”

- Có! Có! Hành quân cả đêm, đói thấy mồ!

Thế là mẹ tôi ra chuồng bắt gà, sai tôi đi rút rơm còn em Hạnh nhen bếp. Bên góc chuồng gà gần cây rơm mẹ dặn nhỏ tôi “múc sẵn thau nước, đợi lửa đỏ một chặp, khi thấy mẹ cắt tiết gà thì con tranh thủ tưới ít nước vào bếp”. Rơm khô đang cháy phần phật gặp nước, khói bay mù mịt. Thời đó nhà tôi lợp tole, thấp lè tè, xung quanh toàn thưng ván ép nên khói xộc lên nhà trên. Đang nằm, bọn chúng vùng dậy, ho sặc sụa. Không chịu được nên bọn chúng chửi đổng rồi bỏ đi!

Ở dưới hầm, cả ba ông “cán bộ nằm vùng” không hề hay biết gì, mãi đến sau này nghe hai mẹ con chị Sâu kể lại, ông Hồ Xuân Mãn vô cùng cảm phục và quả quyết: “Tôi xem chị Trần Thị Sâu như người mẹ sinh ra tôi lần thứ hai, vì một khi đã chấp nhận cho mình làm hầm bí mật trong nhà, đồng nghĩa với việc chị đã tự đặt trong nhà mình “quả bom nổ chậm”. Nó sẽ nổ tanh bành khi đối phương phát hiện dẫn đến máu đổ, gia chủ bị bắt, nhà cửa tan hoang. Nhân dân mình sáng tạo, ứng biến thế đó. Không có dân chở che, mấy anh em chúng tôi khó sống sót!”

Với chiều dài không quá 2 mét, chiều rộng khoảng 1,5 mét và cao chỉ hơn 1 mét, dù đã có lỗ thông hơi nhưng do cùng lúc ở 3 người nên thiếu dưỡng khí, đặc biệt là vào tháng bảy, tháng tám. Ngột ngạt, bí bức quá, nghĩ không có ai nên chúng tôi lên ngồi xả hơi dưới bàn thờ. Không biết cháu Chiêm vào lục tìm cái gì bất ngờ trông thấy chúng tôi. Cháu hốt hoảng chạy một mạch xuống bếp la oai oải:

- Mạ ơi, nhà mình có trộm!

- Ở mô?

- Dạ dưới bàn thờ.

Chị Sâu cố tình nói to cho chúng tôi nghe:

- Trộm mô mà trộm. Ma đó. Đừng lên đó, ma nó bắt chừ!

Nghe mẹ dọa ma cu Chiêm không dám lai vãng.

Cũng liên quan đến chuyện “nhà có ma”, ông Hoàng Thế Đoàn cho biết, trong thời gian ở trong nhà bác Phan Văn Sanh ở Phú Ổ (Hương Chữ), ông và Chính trị viên Đội Biệt động thành phố Huế Nguyễn Huy Ngọc (sau này là Phó Bí thư Tỉnh ủy) được gia đình thu xếp ẩn nấp trong hai chiếc thùng phuy. Sáng hôm đó, chị Hà Thị Theo (con dâu) mang cơm cho hai ông. Thấy vậy, cu Hòa, hỏi chị Theo “mạ đưa cơm đi mô rứa?”, chị trả lời “đem lên cúng”. Khi chị Theo vén tấm màn đưa cơm cho tôi, cu Hòa đi sau lưng nhưng chị không biết. Khi thấy có người đưa tay lấy, cu cậu mới đem chuyện “nhà có ma” kể cho bạn bè nghe. Chị Lài hàng xóm sang nhà hỏi chị Theo “nhà có ma chỗ mô mà cu Hòa kể rứa?” Nghe chuyện, cả nhà hoảng hồn và thuật lại cho tôi và anh Ngọc biết.

Bà Nguyễn Thị Dư

Mỗi khi kể về sự đùm bọc của nhân dân, nguyên Bí thư Huyện ủy Phong Điền Lê Sáu luôn nhắc đến sự kiện “có một không hai” lần đầu tiên mà ông đã trải qua. Ông Lê Sáu cho biết, sáng ngày 15/3/1965 tại xóm Hóp, làng Phò Trạch, xã Phong Bình, ông chủ trì cuộc họp của Huyện ủy Phong Điền tại nhà bà Nguyễn Thị Dư (gọi theo tên chồng là bà Gà). Họp xong, ông Luyện mời tất cả sang nhà ăn trưa. Đang ăn thì ông Sáu được báo “lính quàng khăn đỏ” đã vào làng. Ông Lê Sáu và Phó Bí thư Huyện ủy Võ Xuân Quyệt cùng người bảo vệ tên Tuân vội quay lại nhà bà Gà ẩn nấp. Giữa chừng, do để quên chiếc thắt lưng ở nhà ông Luyện nên ông Tuân quay lại thì chạm trán với địch. Súng nổ, ông Tuân hy sinh.

Lúc này hai ông đang đứng trước ngõ nhà bà Gà thì bọn Địa phương quân cũng vừa đến. Thấy hai ông mặc thường phục đầu lại đội mũ beret, mũ fedora chúng tưởng là cán bộ ngụy quyền đang thị sát cuộc lùng sục nên không chú ý; theo chúng hai ông đi vào nhà. Thấy lính và hai chúng tôi xuất hiện ngoài ngõ nhà mình, bà Gà miệng thì chửi: “Tụi bây đừng đem mấy thứ này để vu oan giá họa cho nhà tao”, còn tay thì vội lôi mấy chiếc áo len của anh em mình đang phơi trên sào ném xuống ao. Sau đó bà lại chạy vào trong nhà vừa chửi vừa lôi mấy chiếc ba lô ném vào ruộng lác.

Phi tang xong cũng là lúc địch và hai chúng tôi bước vào sân. Sẵn nước và trái cây còn lại sau cuộc họp Huyện ủy, bà đon đả: “Nắng nôi thế này, các anh ngồi uống nước cái đã, rồi làm chi thì làm”. Vừa mời, bà vừa mang chuối, đu đủ ra đãi khách. Trong khi đó ở dưới bếp, chị Nguyễn Thị Vịt và con gái đầu của chị là Xinh mỗi người mỗi nơi. Chị Vịt, mặc áo dài đen trên tay bồng cháu Lớn ngồi bên miệng hầm; còn cháu Xinh bồng cháu Nhỏ ngồi bên lỗ thông hơi. Hai cháu Lớn - Nhỏ sinh đôi, mới 5 tháng tuổi, con của chị Vịt. Khi thấy hai anh em chúng tôi đi xuống bếp, chị Vịt liền bấm mạnh vào mông cháu Lớn; còn cháu Xinh cũng có hành động tương tự đối với em mình. Do bị bấm đau liên tục, hai cháu Lớn - Nhỏ quằn quại khóc la thảm thiết rồi ỉa, đái tứ tung. Thấy thế, bọn lính ngại không đến gần. Chỉ đợi có vậy, chị Vịt đứng lên vừa mắng, vừa dỗ con và di chuyển cố ý tránh đường để hai anh em chúng tôi lách, chui xuống và dùng vạt áo dài đang mặc của mình phủ lên miệng hầm. Chị Vịt và cháu Xinh tiếp tục “diễn” cho đến khi bọn chúng rút đi mới thôi. Trừ nơi hai mẹ con chị Vịt ngồi, nền nhà của bà Gà bị lật tung. Nhìn các cháu Lớn - Nhỏ thân hình bầm tím, tôi không cầm được nước mắt!

Kể xong câu chuyện, cựu Bí thư Huyện ủy Phong Điền Lê Sáu kết luận:

- Vụ này do Nguyễn Đăng D., kẻ có kinh nghiệm trong xăm hầm bí mật ở Phong Điền chỉ huy nhưng hắn đã thua mưu trí của bà Nguyễn Thị Dư (Gà) và thua cả lòng dạ sắt son của 4 mẹ con chị Nguyễn Thị Vịt. Có đứng trước làn ranh sinh - tử và trải qua thử thách nghiệt ngã mới thấm tình sâu nghĩa nặng của nhân dân dành cho cách mạng lúc nguy khó.

Đó là sự sáng tạo và lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả của nhân dân trong cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại do Đảng lãnh đạo. Chúng ta không được phép quên ơn trời biển của Nhân Dân!

P.H.T
(TCSH56SDB/03-2025)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng