Đất và người
Cảm nhận tinh thần của đô thị
15:51 | 21/07/2015

HUỆ VIÊN 

Ngày nay, quá trình đô thị hóa trên toàn thế giới đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Nếu như năm 1800 có 29,3 triệu người sống ở các đô thị (chiếm 3,2% tổng số dân thế giới) thì con số này vào năm 2000 là 3,35 tỉ người (chiếm 51%), dự báo đến năm 2025 là 5,2 tỉ (chiếm 61%).

Cảm nhận tinh thần của đô thị

Cùng với đó là sự gia tăng các siêu đô thị (có dân số hơn 10 triệu), nếu như năm 1950 chỉ duy nhất New York có số dân trên 10 triệu thì đến đầu năm 2015 có 32 thành phố. Sự gia tăng về số lượng cũng như kích cỡ các đô thị một cách quá nhanh đã tạo ra những thách thức lớn như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo và tỷ lệ tội phạm gia tăng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quá tải, hình thái kiến trúc cảnh quan đồng đều nhàm chán. Các đô thị mới xuất hiện nhiều hơn, nhưng các đô thị đáng sống lại ít đi. Rất nhiều đô thị hiện đại đang dần đánh mất bản sắc, đặc trưng của riêng mình, đang thiếu vắng khí chất tinh thần, vốn được chú trọng trong các đô thị cổ điển.

Các đô thị trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hiện đang rơi vào tình trạng bị giải thiêng và bị tầm thường hóa bởi tư tưởng duy lý và lòng tham của một bộ phận không nhỏ các nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư. Yếu tố tinh thần của đô thị nói chung và của các thành phần trong đô thị nói riêng (công trình, đường phố, cây xanh, hồ nước…) hiện không được chú trọng, dẫn đến những chính sách bị phản đối, những tiêu chuẩn thiếu tính nhân văn. Ví dụ việc xây dựng các khu đô thị mới ở nước ta không có các công trình tín ngưỡng để làm thiêng hóa nơi ở của người dân như trước đây các cụ nhà ta đã làm là xây dựng đình đền chùa trong các điểm dân cư.

Nhà địa lý người Mỹ gốc Hoa Yi-Fu Tuan (phiên âm Hán Việt là Đoạn Nghĩa Phu), một trong những người sáng lập ngành địa lý nhân văn, đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về cảm giác của con người trước các vùng đất mà anh ta trải nghiệm như sự yêu mến nơi chốn (gọi là topophilia), sự sợ hãi nơi chốn (gọi là topophobia), sự nhớ mong quê hương, cảm giác về không gian an toàn, sự trốn chạy khỏi không gian… Theo Yi-Fu Tuan, chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của nơi chốn (trong đó có nơi chốn đô thị) chính là cảm xúc và tinh thần mà con người thấy được từ nơi chốn đó hơn là vị trí và chức năng của nó. Người ta gọi đó là các khái niệm kiểu như tinh thần nơi chốn, tâm hồn nơi chốn, ý thức nơi chốn, cảm giác nơi chốn (genius loci, spirit of place, sense of place); nôm na là cái khí chất vô hình của nơi chốn.

Con người cảm nhận thấy tinh thần nơi chốn thông qua các giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác). Đối với các địa điểm trong đô thị, thị giác là yếu tố quan trọng nhất để cảm nhận cái hồn của nơi chốn, bởi đô thị được xác định và ghi nhớ chủ yếu thông qua các hình ảnh. Tuy vậy, để có chiều sâu cảm xúc hơn về nơi chốn, con người phải cảm nhận đô thị đồng thời bởi tất cả các giác quan. Trong khi mắt bạn ngắm những cảnh đẹp phố phường hay nhìn những con người đa dạng xung quanh, thì tay bạn chạm vào hàng rào sắt lạnh và han gỉ để nhớ về tuổi thơ trèo rào nghịch ngợm, tai bạn lắng nghe tiếng xe cộ ồn ào hối hả của nhịp sống hiện đại, mũi bạn thưởng thức mùi thơm của hoa sữa mùa thu hay hương sen mùa hè, còn lưỡi bạn đang nhâm nhi ly cà phê để tận hưởng sự thư thái của riêng mình giữa dòng chảy không ngừng nghỉ của đô thị. Một điều còn thiếu sót trong thiết kế đô thị hiện nay là người ta chưa chú trọng nhiều tới việc đánh thức cảm xúc của người dân bằng các giác quan khác ngoài thị giác. Những bản đồ về âm thanh và mùi vị cần được xây dựng, những quy định về chất cảm bề mặt các công trình kiến trúc cũng như hè phố cần được nghiên cứu kỹ hơn, vị trí và số lượng của các quán cà phê hay quán ăn ở những địa điểm công cộng quan trọng cần được tính toán cụ thể hơn…

Ngoài năm giác quan trên, con người còn có giác quan thứ sáu, gọi là linh cảm (hoặc ngoại cảm hay con mắt thứ ba), để giao cảm với tâm hồn của nơi chốn. Có một số ít người có năng lực đặc biệt này thường xuyên, mà trong lĩnh vực địa lý và kiến trúc truyền thống được gọi là những thầy phong thủy (thầy địa lý, pháp sư). Họ có thể cảm thấy dòng khí của một địa điểm hay cả một đô thị, có thể biết nó tốt hay xấu và sự thay đổi của nó trong hàng chục, hàng trăm năm sau. Đó là kết quả của một năng lực trời cho (cũng như năng khiếu âm nhạc, hội họa hay thơ văn) cộng với sự chỉ bảo của những bậc thầy cao thủ và sự khổ luyện của bản thân. Những người thường như chúng ta không thể hiểu được cách những người đặc biệt đó “thấy” tâm hồn nơi chốn như thế nào, tuy vậy thông qua những cuốn sách của họ mà chúng ta cũng có thể “thấy” cái vẻ bề ngoài của các vật hiện hữu đang ẩn giấu khí chất vô hình bên trong của nơi chốn.


Ví dụ, mô thức của một cuộc đất đẹp (với ý nghĩa bền vững, tốt tươi, phát triển) là phải hài hòa âm dương, bốn mặt xung quanh cao hẳn lên (phía sau là chủ sơn Huyền Vũ, hai bên là Thanh Long và Bạch Hổ, đằng trước là tiền án Chu Tước), có dòng nước uốn lượn vào (gọi là minh đường), tụ khí lại ở giữa. Nếu khí của trời đất tụ hội được thì con người có thể tụ hợp lại và cư trú, hình thành các điểm dân cư. Huế là một đô thị được lựa chọn trên cơ sở về cuộc đất kiểu như vậy. Núi Ngự Bình có đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, tọa lạc giữa vùng đồng bằng là tiền án che chắn trước kinh thành. Hai bên là cồn Hến và cồn Dã Viên ở vào thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành. Vua Gia Long chọn Huế làm kinh đô có lẽ vì ông đã cảm nhận thấy cái khí tốt tươi của một cuộc đất đế vương.

Phần lớn chúng ta không có linh cảm một cách thường xuyên về tinh thần nơi chốn nhưng chúng ta đều có thể cảm nhận thấy nó trong một khoảnh khắc bất chợt nào đó. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn đến một thành phố lạ nhưng bạn lại cảm thấy rất quen thuộc, và đột nhiên bạn muốn gắn bó cả phần đời còn lại của bạn với nó, giống như lần đầu tiên bạn gặp một ai đó và bạn cảm thấy đó là người bạn đời của mình. Hoặc bạn đi tìm mua nhà đất cả tháng trời mà vẫn chưa chọn được một miếng đất ưng ý hay một căn hộ phù hợp, nhưng có thể rất nhanh bạn ra quyết định mua ngay khi đặt chân lên một mảnh đất nếu bạn cảm thấy nó là của mình và mình thuộc về nơi này. Đó là những lúc linh cảm về nơi chốn của bạn xuất hiện.

Ngoài ra, có những người không chỉ cảm nhận thấy tâm hồn của nơi chốn mà còn biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật. Đó là những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư có những tác phẩm thăng hoa được sáng tác trong những khoảnh khắc họ hòa mình với cái hồn của nơi chốn, ví dụ như Bùi Xuân Phái với phố cổ Hà Nội, Phú Quang với những bài hát về Hà Nội, Hàn Mặc Tử với những bài thơ về Huế… hoặc những cảnh đời Paris trong tiểu thuyết của Victor Hugo, những cảnh đẹp của Saint Petersburg trong thơ Pushkin… Đối với các kiến trúc sư, các nhà đô thị, và cả những người dân, việc kiến tạo các địa điểm đô thị cũng cần phải được nhìn nhận như là việc sáng tác nghệ thuật. Bởi có như vậy thì chúng ta mới có thể tạo ra cái hồn của nơi chốn, để mỗi người thêm yêu mến và mong muốn khám phá môi trường sống xung quanh mình.

H.V  
(SDB17/06-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng