Đất và người
Quyết ra Kinh khiếu kiện
09:22 | 20/04/2018

PHẠM XUÂN DŨNG

Từ một hòn đảo hoang vu chưa được nhiều người biết đến, bỗng một ngày đầu thế kỷ 20, Phú Quý được cả người trong nước lẫn người Phú-lãng-sa (Pháp) phải chú ý đến mảnh đất này.

Quyết ra Kinh khiếu kiện
Đảo Phú Quý

Người dân Phú Quý vốn có tiếng hiền hòa, thuần phác đã có vượt biển đi bộ ra tận kinh đô Huế để khiếu kiện. Đây là sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đảo Phú Quý qua một trăm năm có lẻ.

KHỐN KHỔ VÌ THUẾ

Trưa nắng chang chang, tôi theo anh Đỗ Châu Thọ, một “thổ địa” Phú Quý, tìm đến nhà của một người có công lớn với dân đảo. Một nhân vật khả kính đã làm chuyện động trời. Trong ngôi nhà cổ khang trang được xây dựng từ năm 1912 ở làng Phú An, xã Ngũ Phụng, tôi thoáng nhìn thấy bức họa chân dung trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

“Thưa, bà có phải bà là người nhà ông Bùi Quang Diệu không ạ?” - tôi hỏi. Bà lão nhìn tôi thoáng một chút dò xét rồi trả lời: “Phải, tôi là vợ ông Bùi Uông, cháu nội của cụ Bùi”. Sau vài câu chuyện trò, tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu chuyến ra kinh khiếu kiện của cụ Bùi Quang Diệu. Bà Đỗ Thị Phai, cháu dâu ông Diệu, nói ngay: “Hồi tôi mới về nhà này đã nghe chuyện cụ đi ra ngoài Huế, xin thuế cho dân”.

Thời ấy, dân Phú Quý nhiều bề cơ cực. Họ không chỉ gian nan khi phải đương đầu với biển khơi tìm kế sinh nhai, phải chật vật chống chọi với nạn cướp biển mà còn chịu sưu thuế nặng nề do triều đình nhà Nguyễn đặt ra. Ông Đỗ Muộn, bô lão ở làng Triều Dương, xã Tam Thanh kể rằng: “Người nào không nộp thuế thì bị bắt phạt, đánh đập nặng nề, mà nộp cho đủ thuế thì trời ơi là khổ. Không chỉ khổ nhọc mà còn nguy hiểm đến tính mạng con người. Nghe kể lại cũng đã rùng mình”.

Ba thứ thuế mà ông Muộn nói đến chính là: vảy đồi mồi, mắm cá cơm và vải Hòn (đảo Phú Quý) mà tên chữ gọi là bạch bố. Mắm cá cơm thì nhiều nơi có nhưng đặc sản này ở Phú Quý mới là thượng hạng nên vua chúa ưa dùng. Chỉ tội cho dân đảo phải oằn lưng cống nộp mà chẳng biết kêu ai. Còn nhà nghèo ở đảo thì tự dệt vải nộp thuế cho triều đình làm trang phục cho lính tráng. Nhưng cay đắng nhất vẫn là thuế vảy đồi mồi. Muốn tìm được cống vật này, người dân phải ra tận hòn Vích hay còn gọi là hòn Đồi Mồi. Công việc tìm kiếm đồi mồi cực nhọc, nguy nan thật khó lòng diễn tả. Nhiều người dân Phú Quý đã bỏ mạng giữa biển khơi vì săn tìm vật phẩm làm trò tiêu khiển của vua quan.

THẮNG KIỆN

Đang lúc người dân Hòn rên xiết vì các sắc thuế thì xảy ra một chuyện khiến cả đảo như ong vỡ tổ. Số là tàu chiến của người Tây mà hồi đó thường gọi là Phú-lãng-sa (France - Pháp) thình lình ập vào đảo bắt một lúc 50 tráng đinh lên tàu rồi chạy đi mất dạng. Ai nấy hốt hoảng với tin đồn người Tây đem thanh niên Hòn vào làm phu ở Phan Thiết, có khi chở sang nước họ hành hạ, chỉ biết ngày đi mà mù mịt ngày về. Giọt nước đã tràn ly. Dân đảo cấp tốc họp bàn đưa ra một phương án táo bạo chưa từng có. Quyết một phen ra kinh đô để kiện, cho dù nhiều người cho rằng đó là việc làm liều lĩnh, tánh mạng khó bảo toàn. Nhưng ông Bùi Quang Diệu đã quyết thay mặt cho dân đảo ra kinh để kiện.

Ông Bùi Quang Diệu là người giỏi chữ nghĩa, tháo vát lại khéo biện luận, được cử làm “chánh sứ” của dân Hòn. Đoàn của ông gồm những người tâm huyết, gan dạ và nhanh nhẹn trải qua một cuộc hành trình gian nguy 4 tháng trời mới hoàn thành sứ mệnh nặng nề. Dũng cảm, kiên trì và mưu mẹo, cuối cùng họ đã đòi được công lý. Triều đình đã bãi bỏ các sắc thuế nặng nề, người Pháp phải trả lại những tráng đinh mà họ đã bắt cóc, lực lượng lao động trụ cột của đảo về quê hương bản quán. Đó là một dấu son không thể phai mờ trong lịch sử Phú Quý.

Chân dung ông Bùi Quang  Diệu trên bàn thờ ngôi nhà hương hỏa của ông ở đảo Phú Quý, trưởng đoàn ra kinh khiếu kiện và là tác giả “Vè đi Kinh”.

Ông Bùi Quang Diệu sinh năm Tân Dậu (1861) tại Phú Mỹ, xã Ngũ Phụng. Sau chuyến đi kinh về, ông được thăng chức Chánh tổng (thường gọi là Tổng Deo). Ông tạ thế ngày mồng 2 tháng 6 năm Quý Sửu (5/7/1913) hưởng dương 52 tuổi.

THƯỢNG KINH KÝ SỰ MIỀN NAM

Không chỉ thắng kiện, ông Bùi Quang Diệu còn kể lại hành trình gian nan lên kinh thưa kiện bằng bài “Vè đi Kinh”. Bài vè được xem như là một kiểu “Thượng kinh ký sự” của dân đảo Phú Quý. Bà Đỗ Thị Phai nói gia đình đã giữ bản vè này như báu vật, nhưng một sự cố mới xảy ra đã khiến tập thơ này lưu lạc chưa được trả về cho gia chủ. Bà nói bằng giọng rất buồn pha phẫn nộ. Dù vậy nhiều người dân Hòn vẫn nhớ đến tác phẩm. Có người thuộc một đoạn, có người nhớ vài câu.

“Vè đi Kinh” gồm 1282 câu được làm theo thể lục bát là một tác phẩm bằng chữ Nôm của tác giả Bùi Quang Diệu, kể lại cuộc hành trình có một không hai kéo dài suốt bốn tháng trời của người dân đảo Phú Quý đến kinh đô Huế xin miễn bắt xâu, giảm thuế vào năm 1901. Tác phẩm cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết hiện thực, sống động về cuộc phiêu lưu trên biển từ Phú Quý đến Huế, cùng nỗi cơ cực trăm bề của người dân thấp cổ bé miệng trước chế độ hà khắc thực dân, phong kiến.

Mở đầu tập thơ chữ Nôm kể: “Tháng sáu, mồng ba, ngày dần/ Bổn điền nhóm lại lạy thần ra đi/ Thuyền vào La Gàn một khi/ Đi qua Thương Chánh xin ghi cho rồi/ Các chức thôi mới than ôi/ Xin ghi đã rồi ta liệu mần răng/ Bây giờ phải kiếm cơm ăn/ Mua sắm mắm gạo vậy thời đem theo”...

Ông Lê Hoàng Kim, 70 tuổi, người làng Hội An, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý được coi là người học hành chữ nghĩa ở đảo, cho hay rất rõ chuyện này. Ông còn nói trong đoàn người ra kinh đô Huế năm 1901 còn có mặt cả dân làng Hội An (Quảng Nam). Ông đọc hai câu trong “Vè đi Kinh” cho chúng tôi nghe để chứng minh: “Hội An chẳng phải đơn côi/ Có người tóc trắng như vôi trong bình”.

Ra đến kinh, đoàn dân khiếu kiện thăm dò đường đi nước bước đặng tiếng kêu oan đến tai thiên tử: “Đoái nhìn thấy lố thành đô/ Mênh mông thế giới biết vô hướng nào/ Bây giờ kiếm quán ta vào/ Hỏi thăm cho đặng người nào làm quan/ Cùng nhau đương nói đương bàn/ Quán nhơn mới hỏi việc làng đi đâu/ Đáp rằng tầm lá vạch sâu/ Hỏi thăm quan lớn tới hầu hầu việc dân/ Chúng tôi đã có thuế thân/ Lại còn bắt lính bắt dân làm đàng/ Cho nến tách dặm băng ngàn/ Hỏi thăm ông quán nhà quan chỗ nào/ Quán nhân nghe nói âm hao/ Như kim châm dạ như dao cắt lòng/ Bây giờ tỏ nỗi đục trong/ Chỉ đường làm phước giấu lòng mà chi…”.

Kinh thành Huế nguy nga tráng lệ được bài vè ghi lại với những địa danh: “Đông Ba, Gia Hội hai cầu/ Có chùa Diệu Đế một lầu bốn chuông”.

Người kinh kỳ trong mắt dân xứ Hòn (Phú Quý) được miêu tả: “Nam thanh nữ tú thấy xinh/ Chạnh lòng nghĩ tới gia đình khôn nguôi/…Người Kinh tiếng nói thanh thanh/ Hình dung thanh nhã xứ nào dám đương/ Thấy người nhan sắc mà thương/ Vấn vương chưa đặng vấn vương mối hồng…”. Vào triều đình, đoàn người bẩm báo: “Chúng tôi ở huyện Tuy Phong/ Tỉnh là Bình Thuận ở trong đất liền/ Chúng tôi thôn ở ngoài duyên/ Hướng về hải đảo là miền hòn Lao”. Bài vè cũng đã tố cáo nạn hối lộ ngay ở cửa kinh lúc bấy giờ: “Thầy đội vừa nói vừa cười/ Rằng ai khéo chỉ các người tới đây/ Muốn cho lo đặng việc này/ Bạc lo cho sẵn đem đây trăm đồng”.

Bền bỉ kêu khổ kêu oan đến tới tai vua. Cuối cùng tâm huyết công lao của họ không uổng. Triều đình đã bỏ sưu cao thuế nặng khắc nghiệt cho dân Phú Quý, còn can thiệp với tòa Khâm sứ Trung Kỳ thả 50 dân Hòn bị tàu Pháp bắt đi.

Đoạn kết tác phẩm mừng vui pha lẫn nỗi chua xót, ngậm ngùi: “Trông cho mau sáng ngày ra/ Nhờ ơn bóng hạt kẻo mà lạnh thay/ Mẹ cha con vợ có hay/ Ra đi tính tháng tính ngày mà trông/ Có khi làm cánh làm đồng/ Làm dò làm quế chẳng không đâu là/ Sợ bề một nỗi ở nhà/ Chẳng nghe tin tức lo mà đặng không/ Gối loan nằm dựa mà trông/ Từ ta rời gót như rồng lên mây/ Dường như dao cắt ruột này/ Trong lòng bứt rứt như dây buộc mình/ Sáng mai đi chợ Bao Vinh/ Mua đồ trả lễ thần linh cho rồi/ Cùng nhau đương nói một hồi/ Trả lễ đã rồi ta kíp nhổ neo/ Xét ra nhiều lúc hiểm nguy/ Thân ta thất thế như bèo trôi sông/ Buông lời vái hết cá Ông/ Thuận buồm xuôi gió nước ròng ta ra”...

“Vè đi Kinh” xứng đáng là tập “thượng kinh ký sự” đặc sắc của người dân đảo Phú Quý. Người dân nơi đây coi như tài sản văn hóa, thuộc lòng như người đất liền yêu chuộng “Truyện Kiều” hay “Lục Vân Tiên”. Tập thơ lưu truyền đến hàng hậu duệ. Cháu nội ông là Bùi Uông giữ gìn như báu vật gia truyền.

P.X.D
(SHSDB28/03-2018)

................................
(Theo tạp chí Nghiên cứu và phát triển - Thừa Thiên - Huế số 4 (75) năm 2009)  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng