Đất và người
Về người anh vợ tài hoa nhưng lận đận của Nguyễn Du
10:25 | 19/11/2020

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Phò mã Nguyễn Văn Thuyên, con trai của Nguyễn Văn Thành, làm thơ ngông bị tố, bị bắt và bị tra khảo.

Về người anh vợ tài hoa nhưng lận đận của Nguyễn Du
Ảnh chỉ mang tính minh họa: internet

Ban đầu Thuyên tranh biện không nhận tội, nhưng bị tra tấn, sức người chịu đựng cũng có hạn, Thuyên phải nhận tội. Còn người cha Nguyễn Văn Thành đang ở tột đỉnh vinh quang, phút chốc bị vua Gia Long tước hết chức tước. Vua Gia Long vốn nghi Nguyễn Văn Thành, nhân “sự cố” Nguyễn Văn Thuyên nhà vua càng nghi ông làm phản. Vua im lặng để các đại thần như Lê Văn Duyệt nghị án, tội Nguyễn Văn Thành càng ngày càng tăng… Bị tước hết quyền, ngồi uống rượu suông, trong tâm cảm tuyệt vọng, u uất ông hạ bút viết hai câu thơ để đời “Chung dải quan hà bao kẻ đứng? Chạnh niềm sương tuyết một mình đi...”, rồi quyết định dùng thuốc độc để tuyệt mệnh. Nguyễn Văn Thành viết thế thôi, ông vẫn biết có người tri kỷ mà ông rất trọng vọng, một người học rộng tài cao đã cùng ông soạn nên “Hoàng Việt luật lệ”, “Quốc triều thực lục”… và nhất là thầy học của con trai Nguyễn Văn Thuyên; đã dũng cảm bênh vực học trò, cùng vào ngục chia khổ với ông khi con trai ông mắc tội, đó là thầy Vũ Trinh.

Vũ Trinh [1759, 1828] thuộc dòng dõi khoa bảng, trọng thần thời Lê-Trịnh, quê quán làng Xuân Lai, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc, cha là Vũ Chiêu đỗ Hương giải, chức Tham nghị, ông nội là Vũ Miên đỗ Hội nguyên, chức lên đến Tham tụng. Vũ Trinh thông minh từ nhỏ, sách đọc qua là thuộc, nổi tiếng thần đồng. Năm 17 tuổi, Vũ Trinh đỗ đầu khoa thi Hương tiến, được bổ làm Tri phủ Quốc Oai. Ông là anh vợ Nguyễn Du, bạn tâm giao với Ngô Thì Nhậm. Ông thuộc lớp trí thức Bắc hà chủ trương phò Lê, không theo Tây Sơn. Tây Sơn ra Bắc ông ẩn ở Hồ Sơn (Nam Định). Từ năm 1793, triều đình Cảnh Thịnh bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên khuynh loát,… Ngô Thị Nhậm cùng người bạn tâm giao Vũ Trinh, Ngô Thì Hoàng, Nguyễn Đăng Sở, Nguyễn Đạm mở Thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu (Thăng Long) để nghiên cứu Phật học. Khi Hải Lượng đại thiền sư Ngô Thì Nhậm viết “Trúc lâm tông chỉ nhất nguyên thanh” thì Vũ Trinh tham gia chú giải sách này. Vua Gia Long Bắc phạt, thanh toán Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản thì Vũ Trinh là một trong những danh sĩ Bắc Hà như Nguyễn Duy Hợp,… được vua Gia Long thu dụng. Những chế cáo, biểu văn từ mệnh,… đầu đời Gia Long một phần do Vũ trinh chấp bút. Năm 1804, nhân sự kiện đưa hài cốt vua Lê Chiêu Thống về nước, ông xin cáo quan nhưng vua không chấp thuận. Ông từng làm chánh sứ năm 1808 qua Yên Kinh. Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành, vốn là con quan, có học vấn nên sớm kết giao với Vũ Trinh. Khi quan tổng trấn được vua giao Tổng tài soạn luật và quốc sử, Nguyễn Văn Thành đã tiến cử Vũ Trinh, Trần Hựu cộng tác để soạn “Hoàng Việt luật lệ”, “Quốc triều thực lục”. Nguyễn Du viết “Đoạn trường tân thanh” từng nhờ ông đọc bản thảo và bình…

Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành rất trọng tài năng và nhân cách của Vũ Trinh, liền cho con Nguyễn Văn Thuyên làm học trò. Thầy Vũ Trinh do nho học xuất thân nên “trọng văn khinh võ” là lẽ thường, không thể không ảnh hưởng người học trò Nguyễn Văn Thuyên. Ngay từ thời Nguyễn vương đang đánh nhau với Tây Sơn, trong nội bộ đã có chia rẽ giữa những quan văn và quan võ mà đứng đầu nhóm văn là Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường,… đứng đầu nhóm võ là Lê Văn Duyệt, Lê Chất,… Vì Thuyên là phò mã, cha lại là đại công thần, ông nội là trung tiết công thần nên thù tiếp có phần chủ quan bất cẩn. Nguyễn Văn Thuyên kết giao với những văn nhân Bắc Hà, văn nhân Thanh Nghệ, khi xướng họa thi văn có dụng tửu, trong bối cảnh hàng văn hàng võ có mâu thuẫn, mà thầy học Vũ Trinh là phe hàng văn nên Nguyễn Văn Thuyên quá đề cao bạn văn. Cùng là phò mã nhưng đa phần “anh em cột chèo” là võ quan tập ấm, con của những thống chế, đô thống… làm cho phò mã trọng văn Nguyễn Văn Thuyên không phục. Nguyễn Văn Thuyên muốn thay đổi từ “võ trị” sang “văn trị”, đâu dám tạo phản, với tâm cảm ấy ông viết bài thơ ngông, tặng hai người có tiếng hay chữ xứ Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, có đoạn:

“Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.
Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác,
Thiện tướng, phương tri Ký-bắc Kỳ.
U-cốc hữu hương thiên lý viễn,
Cao vương minh-phượng cửu thiên tri.
Thư hồi được đắc Sơn trung tể,
Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.”

Dịch nghĩa là:

Ái-châu nghe nói lắm người hay,
Ao ước cầu hiền đã bấy nay.
Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó,
Ngựa Kỳ Ký-bắc biết lâu thay.
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
Sơn tể phen này dù gặp gỡ,
Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.
               (Ng.Wikividia)

Cũng như thân phụ, phò mã Thuyên đã làm việc “sửa dép vườn dưa”, “tình ngay lý gian”, những người cố hại cha con Tổng trấn đã căn cứ vào hai câu kết của bài thơ để “làm tội”. Thầy Vũ Trinh, lúc bấy giờ là quan Tham tri Bộ Hình, ra sức “giải oan” cho học trò. Sử chép: “Vua bảo thị thần rằng: “Thuyên không có lòng làm giặc, sao thơ lại bội nghịch”. Trinh nói: “thơ ấy là quê hẹp trái lẽ, nhưng ở trong có câu: u cốc sinh hương thiên lý viễn, nghĩa là lan mọc ở hang sâu mùi hương bay xa nghìn dặm, chữ “hương” nên làm đích chữ, trên có bộ thảo dưới chữ đông, chữ môn bọc ở ngoài, vì tránh quốc húy, đổi làm chữ hương, ngay một chữ ấy còn biết kính tránh có lẽ không phải người thực lòng bội nghịch tự làm được”. Vua giận lắm bảo rằng: “bênh vực như thế, chẳng phải là a dua bè lũ ư! Bèn sai đoạt mất chức giao xuống giam trong ngục, về sau Thành uống thuốc độc chết, người hoặc khuyên Trinh tự phải tính, Trinh bảo rằng: “Nếu phải tội với triều đình, xin đem cổ chịu chém, nếu không có tội, tội gì tự hại thân mình, để mang tiếng xấu”. Chữ “蘭”(hoa lan) là chữ quốc húy, tên của vợ chánh vua Gia Long, theo thầy Vũ Trinh là Nguyễn Văn Thuyên định viết u cốc sinh lan, vì sợ phạm húy nên viết thành u cốc sinh hương (香). Thực vậy, ngay mở đầu bài thơ Nguyễn Văn Thuyên đã dùng cụm từ “Văn đạo”; thế thì trong dòng mạch bài thơ dẫu có “ngựa kì”, “thiện tướng”, “cao vương”, “xoay đổi”, “hội cơ”,… chỉ là khát vọng muốn thay đổi “làng văn trận bút” trong tình hình như sau này Cao Chu Thần nhận định trong lời đề cuối tập thơ của Thi ông Thương Sơn: “Hiện nay lối học khoa cử thấm sâu vào người ta đã mấy trăm năm. Tiếng vang của Phong, Nhã hầu như đã dứt hẳn. Quốc triều ta trị giáo sáng suốt, các tác gia lại nối gót nhau ra đời. Nhưng thói ủy mị yếu ớt còn rơi rớt lại, mấy ai đã vượt ra được. Người yếu thì sa vào thứ tầm thường, dễ dãi; kẻ làm ra thế mạnh lại rơi vào bệnh ăn sống nuốt tươi. Kẻ cậy sức học dồi dào, hý hửng tự đắc, chỉ lăm le vét trăm nhà, thâu tóm mọi thể, thành ra mô phỏng quá nhiều mà phong cốt chưa cao, tô điểm có khéo mà tinh thần không đạt.” (Ngô Văn Phú, Tùng Thiện vương, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1991, tr.11). Do vua Gia Long đã ngờ vực Nguyễn Văn Thành từ lâu, do ông sửa mộ mẹ quá phép, táng mẹ ở huyệt đế vương, lại kết giao danh sĩ Bắc Hà (nặng lòng hoài Lê), không được lòng đồng liêu ban võ như Lê Văn Duyệt; hơn nữa Vũ Trinh là cựu thần nhà Lê, lòng ngờ của vua tăng lên bội phần, trong cơn nóng giận nhà vua đã xử nặng Vũ Trinh.

Vũ Trinh, sau 3 năm tù ngục, hơn 13 năm bị “an trí” ở Hội An, Quảng Nam, tự đáy lòng ông chắc rất buồn, mang tâm trạng “Chữ trinh còn lại chút này/ Chẳng cầm cho vững mà giày cho tan”, có thể có những “hành xử” bất cập. Tuy nhiên Vũ Trinh là một người trí dũng, được trau luyện qua những đổi thay “kinh thiên động địa” của thời cuộc, khi đã quyết làm quan triều Nguyễn, họ Vũ đã đem tài học, kinh nghiệm,… để giúp vua trị nước thông qua việc góp phần soạn “Hoàng Việt luật lệ”; vì thế khi bị hàm oan, ông đã nhẫn nhục chấp nhận “án lệnh” của vua không qua xét xử, vẫn ung dung “giảng sách dạy học trò, lấy văn chương sách vở làm vui, như được yên phận, không có dáng uất giận”. Bởi vậy, vào năm Minh Mạng thứ 9, vua Minh Mạng tuần thú Quảng Nam, Vũ Trinh lúc bấy giờ đã già yếu, sai con viết trần tình, vua Minh Mạng cảm thương, đã tha và cho ông về thăm nhà, đến cố hương vài hôm thì mất, thọ 70 tuổi. Do ít nhiều đã giác ngộ triết lý “cư trần lạc đạo” khi cùng Ngô Thì Nhậm trao đổi ở Thiền viện Trúc Lâm (Thăng Long), Vũ Trinh đã “tùy duyên” mà vui sống ở Hội An, Quảng Nam, dưới dạng bị “lưu đày”, để minh chứng ông “không có tội”. Tất nhiên khi vua Minh Mạng tha cho Vũ Trinh về quê thì trong thâm tâm vua Minh Mạng đã thấy tiên đế “nặng tay” đối với cha con đại công thần Nguyễn Văn Thành; do vậy đến thời vua Tự Đức các oan hồn đã được giải oan vậy. “Luật sư” Vũ Xuân Cẩn thành công trong “vụ án Nguyễn Văn Thuyên”, gỡ xích sắt trên “mộ xiềng” Nguyễn Văn Thành, là trên cơ sở mầm “văn trị, pháp trị” đã được một trong những người gieo ban đầu, dẫu quá gian truân, ấy là Vũ Trinh vậy.

T.V.Đ
(SHSDB38/09-2020)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng