Huế bốn phương
Huế dưới bom đạn
08:39 | 12/02/2014

VÕ QUANG YẾN
(Nhân xem một cuốn phim về Tết Mậu Thân)

Tết Mậu Thân. Một nhà báo và một nhà nhiếp ảnh quân đội Mỹ đáp trực thăng từ Đà Nẵng ra Huế, tìm theo một toán quân Marines.

Huế dưới bom đạn
Thủy quân lục chiến Mỹ được xe tăng M48 Patton yểm trợ tấn công vào Huế (Tết Mậu Thân) - Ảnh: wiki

Ngay trên trực thăng, khán giả đã hình dung được cuộc chiến tranh không cân bằng. Một quân binh xổ liên thanh bắn xuống dân quê đang làm việc giữa đồng ruộng: "Ai chạy là Việt Cộng, ai đứng yên là Việt Cộng có kỷ luật!". Buồn nôn, anh nhiếp ảnh hỏi: "Làm sao anh bắn được cả đàn bà con trẻ?" Nó cười: "Dễ quá, chỉ việc đừng bắn quá trước!" Sau khi nghe anh quân binh này tự hào đã một mình tiêu hủy hằng trăm quân địch, người kể chuyện tâm tình: "Tôi mơ được đi Đông Dương, hòn ngọc Á Châu, để gặp những người mang một nền văn minh xưa hàng ngàn năm rồi... để giết họ?".

Trực thăng đổ xuống một khu nhà đổ nát. Lửa cháy rực trời. Khói bốc nghi ngút. Toán quân dè dặt tiến bước, nhắm hướng sông Hương. Đây là Huế chăng? Tôi cố tìm mãi chẳng nhận ra được một góc đường nào quen, một tấm bảng gì đánh dấu nơi mình đã sống. Khu vực tang tóc này có thể là bất cứ thành phố nào trên đất Việt Nam cũng có thể là bất cứ thành phố nào trên thế giới sau một cuộc dội bom pháo kích. Thật ra phim đã được quay bên Anh, trong một xưởng làm khí bỏ trống, trên bờ sông Thames với 100.000 cây nhựa chở từ Hồng Kông qua.

Tôi không phải là nhà bình phẩm phim ảnh để phân tích cơ cấu cuốn phim. Tôi chỉ là một khán giả như trăm nghìn khán giả khác. Có điều Huế là quê hương tôi, tôi đi xem phim với đôi mắt tò mò, với một trái tim phồng nở.

Toán quân đột nhiên phải dừng lại vì nhiều loạt súng nổ đằng trước. Đội trưởng bị trúng mìn. Một anh lính da đen được cử đi tiền phong, bị bắn chết. Một anh bạn chạy lại cứu cũng bị bắn nốt. Gần cả toán quân, tức giận, phóng lên tìm cho được quân địch. Tìm kiếm, lục lạo, chạy săn. Chính nhà báo lại tìm ra được địch quân độc nhất: một cô gái, khăn quàng cổ kiểu người nam. Tôi đã từng đọc chuyện các cô du kích, cũng đã được xem một vở kịch "Cô bắn lén" trên sân khấu Paris, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thấy ở màn ảnh: Bị tử thương, cô kêu "đau quá" và yêu cầu được giết chết ngay. Anh nhà báo nhăn mặt nhưng cũng đã làm phận sự khó khăn ấy. Anh chàng này tuy trên mũ để mấy chữ "sinh để mà giết" lại đeo ở ngực dấu hiệu hòa bình, như để "nhấn mạnh tính nhị nguyên của loài người" theo lời anh ta giải thích cho ông đại tá và bị ông này dội cho một bài học về bổn phận quân binh. Đi qua Việt Nam với ước vọng tiếp xúc một nền văn hóa mới, anh ta chỉ tìm thấy chết chóc, giết hại và ở cuối phim đi tới mong ước: sống, vì dù sao sống cũng hơn chết!

Một góc thành phố Huế bị tàn phá trơ trụi nhìn từ máy bay Mỹ - Ảnh: wiki


Thật vậy, trong suốt cuốn phim, ngoài một xen ở Sài Gòn với mấy anh lính ngồi uống nước trên vỉa hè, mặc cả cô gái điếm và bị bọn du côn ăn cướp máy ảnh, khán giả chỉ thấy trại quân đội Mỹ ở Đà Nẵng và nhà cửa bốc cháy ở một nơi gọi là Huế. Lầu đầu tiên một phim chiến tranh về Việt Nam mà không có rừng rậm cây ngàn, vùng lầy ruộng nương, trừ mấy cảnh thấy xa từ trên trực thăng. Văn hóa Việt Nam? Chẳng thấy đâu. Người Việt Nam? Ngoài những người đóng phụ ngồi trên hè phố, làm ngoài đồng ruộng hay chạy nạn trên lề đường, chỉ đếm được bảy mạng: trong số bốn người trai thì có hai anh bộ đội, một bên này, một bên kia, một đã chết, một còn sống, hai người còn lại là dân du côn Sài Gòn ; ba người đàn bà thì có cô gái du kích và hai người kia là gái điếm. May quá, cô ở Huế lại nói giọng Nam! Tôi sẽ hết sức đau đớn nếu nghe giọng Huế êm dịu trên đôi môi đầy son kia. Tôi khó tưởng tượng một cô gái Huế từ bỏ chiếc áo dài tha thướt, che mình sau cái nón thanh thanh đổi lấy một cái áo cụt, một cái quần jean bó sát, khêu gợi để mặc cả 5 đô la một chầu. Vô tình hay hữu ý, tác giả cuốn phim đã trình bày hai bộ mặt của phụ nữ Huế: trong lúc một người bán mình sinh sống, cô kia anh dũng tranh đấu để rồi ngã gục trước quân thù.

Nhưng một cô "cô bắn lén" làm sao chặn đứng lại được cả một đạo binh rầm rộ, xe tăng đại bác hùng hổ, một đạo binh mạnh nhất thế giới! Thêm nữa, một phần lớn đoạn đầu phim đã dành cho cách luyện tập công phu quân binh Marines. "Không phải cái súng giết mà chính là trái tim tôi kỹ. Cái súng chỉ là dụng cụ, chính trái tim băng đá mới giết người" không ngớt nhắc đi nhắc lại anh cai trưng tập trong suốt tám tuần huấn luyện. Thì ra quân đội Mỹ đã lấy trai tráng đôi mươi để luyện thành những bộ máy giết người không cần lý luận. Lẽ tất nhiên khi thất vọng, anh lính lấy làm lạ: "Tôi không hiểu, mình lại đây đánh giúp người ta, người ta phải cám ơn mình chứ?" Và lại càng bối rối hơn khi chỉ giáp mặt có một địch quân mà địch quân ấy lại là một cô gái trạc tuổi mình!

Nhà đạo diễn Stanley Kubrick, đã từng nổi tiếng với những phim A clock­work orange (Orange mecanique) Barry Lyndon, 200, lưu ký trong không gian, Shining... sau bảy năm vắng bóng, đã trở lại đập mạnh vào phim trường quốc tế, trong loại đam mê thống khổ. Nhan đề phim Full metal Jacket là tên bao kim loại bọc viên đạn để khi đạn lọt vào cơ thể nó không nổ ra: viên đạn đã giết người một cách sạch sẽ, ôi quá nhân đạo! Sau những phim về chiến tranh Việt Nam: The deer hunter, Apocalypse New, Platoon..., cuốn này đã vượt ra khỏi giới hạn một chứng tích lịch sử. Có người cho nó là một khúc hòa tấu của cái chết. Theo ngay lời của tác giả, trong thời gian tập dượt trước khi ra trận, những thanh niên đã được huấn luyện theo kiểu nghi thức truyền thụ của trai tráng thời xưa. Có điều những tráng sĩ thuở trước hạ sơn để đi làm việc nghĩa, cứu dân độ thế, đây các binh sĩ được đưa đi gây thảm họa u sầu, ở phương trời xa lạ. Khổ cho mình nơi ấy là quê hương yêu dấu của ta.

V.Q.Y
(SH29/02-88)









 

Các bài mới
Huế tha hương (29/06/2018)
Các bài đã đăng
Về thăm quê (22/11/2012)
Thư về Huế (06/08/2012)