Huế bốn phương
Nguyễn Hữu Vinh - “Kẻ lưu đày trên đảo xanh”
16:52 | 20/11/2009
TÔN NỮ NGỌC HOANhư một “kẻ bị lưu đày trên đảo xanh”, Hữu Vinh luôn hướng về quê nhà với trái tim của chàng trai 18 tuổi - tuổi của ngày rời xa người mẹ thân yêu, xa tiếng chuông chùa Thiên Mụ, xa con đường đến trường xuôi theo giòng Hương quen thuộc đến chân trời mới lạ để rồi bằn bặt 18 năm sau mới có cuộc đoàn viên rưng rưng nước mắt trên quê xưa.
Nguyễn Hữu Vinh - “Kẻ lưu đày trên đảo xanh”
Bìa cuốn

Đầy trong trái tim 18 ấy là làng Xuân Hòa hiền hòa bên giòng Hương xứ Huế với những khu vườn mướt xanh cây lá, là tuổi thơ vô tư trong trẻo với những trò chơi hồn nhiên con trẻ, là tuổi mới lớn nhiều ước vọng thấp thoáng bước chân chim của cô hàng xóm trong giấc mơ. Và nhiều hơn hết, rõ hơn hết là hình ảnh người mẹ tảo tần, suốt ngày hết bếp lại vườn, hết chợ trên lại về chợ dưới. Tất bật vậy nhưng nụ cười không thiếu trên môi bởi đàn con khôn lớn từng ngày, học hành giỏi giang đã là nguồn vui vô hạn. Ngày tiễn Vinh sang xứ người, mạ Vinh đinh ninh trong dạ rằng đó chỉ một cuộc xa năm năm không hơn. Nào ngờ đất nước biến động. Những tưởng không còn gặp lại đứa con trai, nước mắt rơi gần bằng mưa Huế khiến bà mỏi mòn để khi trùng phùng cứ ngỡ không phải là sự thật. Và hình ảnh mạ ấp ủ suốt 18 năm đã trở thành tượng đài trong tâm hồn khiến Vinh bội phần thương mạ khi gặp lại người dung mạo đã khác xưa. Từ đó Vinh nguyện sẽ dành cho mạ những gì tốt đẹp nhất mình có thể. Và hạnh phúc lớn nhất của anh là mỗi năm một lần bay về Xuân Hòa quanh quẩn bên mạ dăm bữa nửa tháng.

Cũng đầy trong trái tim mười tám tuổi ấy là thanh điệu bổng trầm, là từ ngữ mộc mạc của tiếng Huế. Biết bao lần giữa tấp nập ngược xuôi trên xứ người, anh ngỡ như nghe thấy tiếng reo vui “Ê! Thằng Vinh nớ! Mi đi mô rứa?” của bạn bè ngày xưa hay nhỏ nhẻ “Anh ni dị ghê, ngó người ta hoài” của cô hàng xóm. Hóa ra đấy chỉ là mộng tưởng. Anh khát tiếng mẹ, khát âm giọng quê nhà. Nỗi khát ấy đã giúp Vinh giữ mãi âm sắc Huế, tiếng Huế dù sống giữa cộng đồng nói tiếng Hoa hoặc tiếng Anh, khiến anh em bạn bè khâm phục cảm mến. Người cảm động và tự hào nhất không ai khác là mạ của Vinh. Tôi nghĩ rằng hẳn Vinh đã phải trò chuyện với mình hằng ngày bằng tiếng VIỆT HUẾ mới được như vậy, vì không ít người xa xứ vài năm đã không còn thuần giọng huống chi Vinh đã hơn ba mươi năm không mấy khi được nghe được nói tiếng mẹ đẻ, lại là tiếng Huế trên đất người. Taiwan - nơi gia đình Vinh ở không phải là thành phố nhiều người Việt sinh sống (khác với California hay Huston bên Mỹ). Anh tâm sự rằng để được gặp đồng hương, thỉnh thoảng cuối tuần anh phải lái xe hơn hai trăm cây số đi và về. Mới biết trong muôn vàn nỗi khổ có cả nỗi thèm tiếng quê nhà.

Trong trái tim ấy, miền trung với Huế thơ mộng; nước Việt với non sông gấm vóc luôn hiện hữu. Điều này được nói lên bằng tên hai đứa con của anh với người bạn đời Đài Loan: Nguyễn Trung Việt- Nguyễn Hoài Nam. Đặt tên con cũng là một cách vừa tự dặn mình vừa để nhắc nhở thế hệ tiếp nối đừng bao giờ quên nguồn cội. Mỗi lần cả gia đình cùng về thăm quê, anh đều đưa vợ con thăm nhà thờ họ, thăm khu mộ tổ. Không cần nhiều lời, việc làm này đã thay anh nói với con về những gì chúng cần phải biết từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Khó có thể nói trước điều gì sẽ đến với mỗi chúng ta trong cuộc đời này. Riêng với Vinh anh biết đường về quê nội của thế hệ thứ hai, thứ ba trong gia đình nhỏ của anh gần đấy mà cũng xa thẳm bởi anh không thể để lại cho con - huống chi cho cháu - trái tim mười - tám - tuổi được kỷ niệm ấu thơ ủ lửa nhớ thương, càng không thể chặn guồng quay của cuộc sống được nạp bằng nhiên liệu tư duy hiện đại. Điều này day dứt anh không ít. Có lẽ đây là lý do chính khiến anh thấy mình như là kẻ bị lưu đày.

Và kẻ lưu đày ấy, sau nhiều lần về quê quanh quẩn bên mạ, đã ngộ ra rằng mình phải làm gì đó ở xứ đã nhận mình làm công dân để vừa nguôi ngoai nhớ thương vừa gắn đời mình với quê hương đất nước bằng những gì mình có được từ trí lực và ý chí bền bỉ trên xứ người.

Taiwan có thư viện lớn nơi lưu giữ một ít thư tịch cổ, sách cổ của Việt Nam; về Việt Nam. Đặc biệt là sách lịch sử, văn học, tôn giáo. Với vốn chữ Hán phong phú, từ 1994 anh bắt tay nghiên cứu Hán Nôm. Việc đầu tiên là khảo đính Việt Sử Lược - cuốn sử biên niên viết bằng chữ Hán, được biên soạn vào thời Trần - sau đó là An Nam Chí Lược - cũng là một cuốn sử xưa cùng thời. Là một chuyên gia computer thông thạo chữ Hán, anh còn phát huy thế mạnh của mình ở cả hai phương diện bằng cách góp công sức với Taiwan Chinese Buddhist Electronic Text Association trong việc hoàn thành bản điện tử bộ Đại Tạng Kinh (Tripitaka). Ở độ tuổi 40, với công việc chính là nghiên cứu Opto-electronics, và computer electronics đây là một việc làm đáng khâm phục.

Và như một cơ duyên, sau một lần về Việt Nam, qua nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, anh có được bản thảo chữ Hán trọn bộ Lộc Minh Đình Thi Thảo gồm 197 bài thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một đại quan triều Nguyễn và là thi nhân nổi tiếng của đất thần kinh. (Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương là con gái của thi nhân). Ở Taiwan anh đọc kỹ và xúc động với hình ảnh quê hương đất nước hiện rõ qua mỗi địa danh quen thuộc, với cảm xúc đa chiều của tác giả bằng ngôn ngữ cô đọng. Chưa từng làm thơ, lại là thơ chữ Hán nhưng ngôn ngữ, hình ảnh và nhất là thi tứ dạt dào đầy ắp tình người phản ánh tâm hồn, trí tuệ và cả nhân sinh quan của một tao nhân quyền quý, lập tức thu hút tâm trí anh, khiến anh khó dứt ra được. Tạm gác việc khảo đính hai bộ sách quý, anh chuyên tâm vào dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo.

Trừ khi làm việc chuyên môn, hầu hết thời gian còn lại
được anh dành cho việc khảo dịch, tra tìm các điển cố, điển tích và khó hơn hết là chuyển sang thơ Đường luật. Để thoát lẽ thường “dịch là phản” (Traduire, c’est trahir), anh đã dốc tâm tìm hiểu thêm luật thơ (vốn không thuộc lĩnh vực hiểu biết sâu rộng của anh), chọn lọc từ ngữ để vừa trung thành với ý tứ vừa gần gũi với nguyên bản mà vẫn bảo đảm nhạc tính. Có thể nói việc dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo trở thành niềm đam mê lạ lùng của Hữu Vinh và anh hoàn thành trọn vẹn công trình sau bốn năm miệt mài. Chưa bằng lòng với những gì mình đã làm, anh dành thêm nhiều thời gian chỉnh sửa, hiệu đính và sau đó chuyển thành bản điện từ để cuối cùng bản dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo được Institude of Vietnamese Studies, California, USA, xuất bản cuối năm 2008. Tập thơ dày 570 trang gồm 8 phần: mục lục, cảm tạ của dịch giả, tựa của Tôn Nữ Hỷ Khương - ái nữ tác giả, lời người dịch, tiểu sử Ưng Bình Thúc Giạ của Phan Thế Roanh, Lộc Minh Đình Thi Thảo, bạt của Trần Uyên Thi và bảng liệt kê sách tham khảo.


(Các trang 8 - 9 cuốn Lộc Minh Đình Thi Thảo)


Với phong cách làm việc của một nhà khoa học, Hữu Vinh đã chú thích, chú giải một cách cặn kẽ các điển tích, điển cố vốn nhiều trong thơ Đường nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn. Để làm việc nầy anh đã nghiên cứu gần 60 tài liệu trong và ngoài nước- phần lớn là sách xuất bản ở Taiwan. Đích thân anh trình bày bản dịch. Mỗi bài thơ ngoài bản dịch theo lối thơ Đường và bản in chữ Hán còn có bản chụp thủ bút nguyên bản chữ Hán của tác giả, phần chữ Hán được viết lại bởi người dịch, và bản dịch văn xuôi. Hẳn rằng những ai có  được bản dịch Lộc Minh Đình Thi Thảo (LMĐTT) trong tay đều sẽ không thể phủ nhận đây  là công trình dịch thuật văn học quý báu với tính khoa học rất cao. Điều thú vị khác cần nói đến trong bản dịch này là nhiều bài thơ nổi tiếng của tác giả Đường thi trong nền văn học Trung Quốc như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Vương Duy… đều được Vinh dịch kèm trong phần chú thích. (Người viết bài này rất tâm đắc gọi đây là công trình 2 trong 1 (cuốn) hoặc 7 trong 1 (trang)). Như vậy ngoài việc dịch LMĐTT, dịch thơ Đường cũng trở thành đam mê của anh; nhờ đó anh đã hoàn thành một tuyển tập nhỏ gồm 50 bài thơ Đường chọn lọc với chủ đề về tình quê và tình bạn.

Việc dịch LMĐTT đem lại hứng thú cho anh, ngoài ra còn đem đến với anh những cộng sự đắc lực và cả tri âm. Đó là người bạn đời của anh, là các con anh. Họ không những động viên khích lệ tinh thần anh mà còn góp sức với anh một cách cụ thể. Và đó là Hoài Hương, cô gái Đà Lạt trẻ tuổi nhưng giỏi giang, là tiến sĩ Thái Kim Lan - đồng hương Xuân Hòa; người rất yêu Huế và đã góp phần giới thiệu nghệ thuật tuồng Huế đến với thế giới qua vở Đông Lộ Địch (cũng của Ưng Bình Thúc Giạ Thị). Họ tiếp thêm cho anh niềm hứng thú, sự hăng say trong công việc, từ đó anh tham gia nhóm biên soạn bộ Tự điển chữ Nôm trích dẫn (TĐCNTD) (gồm Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Đặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích và Trần Uyên Thi) nhằm mục đích giúp các thế hệ người Việt có điều kiện nghiên cứu, chuyển sang quốc ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam viết bằng chữ Nôm, hiện đang tản mát hoặc được xếp kỹ trong các thư viện trên thế giới. Cuốn tự điển chữ Nôm này vừa được Institute of Vietnamese Studies xuất bản và ra mắt tại California vào đầu tháng 4, tại Paris trong tháng 5, 2009 vừa qua.

Cũng như LMĐTT, TĐCNTD được soạn thảo công phu. Ngoài phần chữ Nôm (đã từng xuất hiện trong các tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm như Hồng Đức quốc âm thi tâp, truyện Kiều hay Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc…), phiên âm, còn có thêm phần trích dẫn có chữ Nôm với từng từ loại khác nhau (vì vậy mà có tên TĐCNTD). Vẫn thế, suốt đêm sau giờ làm việc anh lại miệt mài. Thỉnh thoảng - cũng như trước đây với thơ Đường hoặc LMĐTT – theo đề nghị của tôi anh email giới thiệu vài trang anh đang chịu trách nhiệm khiến tôi vô cùng cảm phục.

Ngoài các công trình lớn trên, anh còn tham gia giới thiệu chùa Huế trên tạp chí Nhớ Huế hoặc các website của Phật giáo và cùng nhiều người khác viết sách bút ký “Sông Hương ngoài biên giới”.

Có thể nói trái - tim - mười - tám - tuổi trong người đàn ông sinh 1955 Hữu Vinh đang đập mạnh mẽ chuyển giòng máu văn hóa, văn học Việt, ngôn ngữ Việt đến với người Việt trong nước cũng như ở hải ngoại và hòa vào thế giới. Cầm gươm cầm súng chống lại ngoại xâm là yêu nước. Góp phần tỏa rạng nét đẹp trí tuệ, tâm hồn Việt, văn hóa Việt cũng là yêu nước vậy.

 Không ít người tự chia đời mình thành nhiều mốc tính theo tuổi tác hoặc thành bại, Hữu Vinh - không chia mà ngẫu nhiên có ba lần mười tám: xa xứ khi vừa qua tuổi mười tám, mười tám năm học tập; định danh trên đất người để rồi lần đầu tiên về thăm mạ và đến nay là mười tám năm sau ngày sum họp ấy anh hướng về quê nhà bằng công việc của một con ong cần mẫn trong vườn hoa Hán Nôm. Có thể nói ba mốc mười tám này đối với anh tràn đầy ý nghĩa. Thời gian chất chồng lên mỗi người bao nỗi khiến người vui thì ít kẻ buồn lo lại nhiều, nhất là với những ai không may mắn được sống trên chính quê hương mình. Nhưng với “kẻ lưu đày” Hữu Vinh - người đang “đốt” ngày tháng được nhân lên bằng niềm thương mạ nhớ quê thành nguồn năng lượng mạnh mẽ, vô hạn để đọc và biên khảo các thư tịch Việt cổ - thời gian sẽ là người ủng hộ tích cực cho các công trình đang dang dở. Hy vọng rằng anh sẽ tiếp tục với Việt Sử lược và An Nam Chí Lược để giới thiệu một cách hoàn chỉnh hai bộ sách quý giá này và nhiều nhiều bộ sách giá trị khác nữa đang tàng ẩn xứ người.

BMT, 7- 2009
T.N.N.H
(248/10-09)


---------------
* Bản còn hiện nay được lưu giữ trong “Tứ khố toàn thư” của Trung Quốc, có tên là “Việt sử lược”. Gồm 3 quyển, ghi chép từ Triệu Đà đến hết thời Lý. Quyển thượng “Quốc sơ diên cách” (những thay đổi của đất nước buổi ban đầu) đến 12 sứ quân; quyển trung và quyển hạ là “Nguyễn kỉ” (tức kỉ nhà Lý). Cuốn sách có niên kỉ nhà Trần. Có đoạn chép sơ lược, có đoạn chép khá chi tiết, sinh động. “ĐVSL” là bộ sử biên niên sớm nhất còn được lưu truyền đến nay.( theo Bách Khoa Toàn thư).





 

 

 

Các bài mới
Huế tha hương (29/06/2018)
Các bài đã đăng