[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Đúng hẹn, 6 giờ sáng tôi đến ngôi biệt thự nhỏ ở đường Lý Thường Kiệt. Nghe tôi hỏi, một người dáng thanh niên, tóc húi cua, nước da ngăm đen bước ra cười, bắt tay, nói đùa ngay:
- Nhiều người nhầm tôi với thi sĩ Huy Cận. Người Pháp vẫn thường nói rằng “không nên nhầm giẻ với khăn trải bàn”.
- Dạ, người Huế mình lại bảo rằng trầm và hương thì không thể nhầm lẫn với bất cứ thứ gì khác, phải hương thì bén, phải trầm thì thơm…
Anh Cận choàng lấy vai tôi cười vang và như thế là cái khoảng cách ban đầu của những cuộc tiếp xúc đã biến mất, tôi bắt đầu cuộc “phỏng vấn báo chí” này trong không khí anh em một nhà.
Đây là lần đầu tiên anh Huy Cận trở về gặp lại thành phố quê hương của anh sau ba mươi bốn năm xa cách. Anh sang Pháp du học từ năm 1951, tốt nghiệp Viện Công nghiệp Lille, công tác tại Tổng Công ty Điện lực Paris (Công ty của cả nước Pháp và nhiều nước thuộc Pháp) từ hai mươi lăm năm qua. Hiện nay anh là Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tại Pháp, đồng thời là Tổng thư ký Hội Người Yêu Huế (HNYH) trên đất Pháp.
- Thưa anh, xin anh cho biết một ít “khí hậu Huế” trên đất Pháp?
Tôi hỏi anh Huy Cận, trước hết là do một nỗi tò mò có tính chất tình cảm của chính bản thân tôi.
- Huế là một thành phố tương đối nhỏ, bà con đi lại quan hệ chằng chịt với nhau. Như chị Song Xuân đây là quen tất cả những người Huế ở Pháp. Đặc điểm của người Huế là nặng chất đại gia đình, và gắn bó với mảnh đất của mình. Người ta thường cho rằng người Huế có vẻ như tình cảm hơn so với người ở những miền quê khác. Tôi nghĩ rằng đặc tính Huế này là có thật, và do nhiều yếu tố đặc trưng của chính mảnh đất. Yếu tố địa lý: Huế nằm ở giữa đất nước, hoàn cảnh kinh tế lại nhiều khó khăn từ xưa đến nay, nên người ta sống gắn bó với nhau. Yếu tố văn hoá: ngâm thơ Huế, âm nhạc Huế, món ăn Huế và cả thiên nhiên Huế nữa, rất đẹp; gặp nhau là nhớ sông Hương núi Ngự. Với mọi người Việt Nam sống xa Tổ quốc, phải hòa nhập vào một cộng đồng dân tộc khác, thì vấn đề văn hoá dân tộc trở nên một nhu cầu cấp bách, để khẳng định: “mình là ai”? Huế đáp ứng rất sâu nhu cầu tinh thần này của những đứa con hải ngoại của nó, vì bản sắc Huế rất mạnh và đậm nét. Có thể nói rằng những người Huế xa Tổ quốc lại càng quấn quít hơn với mảnh đất nguồn cội của mình trong cuộc sống tinh thần của riêng mỗi người. Thường năm vẫn có chợ Tết do Hội người Việt Nam ở Pháp tổ chức, bao giờ cũng có ba gian hàng chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành và chợ Đông Ba.
Như nhớ ra điều gì, anh Huy Cận xin lỗi, đứng lên đi vào phòng riêng, lát sau anh trở lại, đưa cho tôi xem một tấm hình trong đó, ở một gian phòng khách sạn lớn, anh Cận nâng cốc giữa những người bạn Pháp.
- Đây là Hội trường Nhà Tương Tế (Maison de Mutualité), trong cuộc gặp mặt hàng năm của những người Pháp đã từng sống ở Huế, anh Cận chỉ cho tôi xem từng người trong tấm ảnh - Đây là hai chị em bà Hê-len, con của ông Xô-nhi (Sogny); ông Giăng Mê-tông (Jean Méton), hồi xưa bố của ông này dạy ở trường Kỹ thuật Huế; đây là con ông Lơ Bri-xơ (Le Bris), xưa là giáo sư trường Quốc Học. Con người mang kính trắng và có nhiều râu đây là linh mục Lơ-pha (Lefas), trước dạy ở trường Thiên Hữu. Mỗi năm một lần, vào một ngày chủ nhật quanh ngày 9-3, những người Pháp ở Paris, cả ở Mạc-xây, Li-ông vẫn gặp nhau một lần, có một bàn ăn đặc biệt dành cho Huế. Tôi may mắn được mời tham dự ở table Huế ấy. Họ chuyển cho nhau những ảnh Huế xưa, những kỷ niệm về Huế kể cả truyền đơn cách mạng hồi đó. Ngày họ đi, họ gỡ những ảnh Huế ở khách sạn Mô-ranh, và cả những tấm bản đồ Huế, mang theo về Pháp. Huế tồn tại trong tâm trí họ sâu đậm đến nỗi nhiều lần tôi đi chơi cùng họ ở Pa-ri, họ chỉ nhà chỉ phố để nhớ lại nhà hàng Sáp-făng-jông, Mô-ranh, trường Đồng Khánh, đường bờ sông Bến Ngự hồi đó gọi là Quai de la Suisse v.v… Tôi có cảm tưởng như họ cũng nhớ Huế da diết giống như mình vậy.
Tôi chợt thấy có cái gì thật lạ lùng trong câu chuyện của anh Cận. Hiển nhiên họ là những người đã đến sống ở Huế trong bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp. Thế thì tại sao cái thành phố thuộc địa nho nhỏ này lại có thể ngự trị tâm hồn họ một cách sâu bền đến như vậy? Tôi hỏi anh Cận:
- Anh có nghĩ rằng chính yếu tố văn hoá đã tạo ra sức mạnh riêng của Huế trong tâm hồn người ta không?
- Nhất định là như thế. Tôi nghĩ rằng báo chí thời Pháp, chỉ có một tờ được tôn trọng ở cả châu Âu, là “Tạp chí của những người bạn cố đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux Huế - BAVH). Văn hoá Huế đã chinh phục người nước ngoài từ lâu. Bác Hoàng Xuân Hãn còn giữ được trọn bộ tạp chí BAVH này, mua lại của cựu toàn quyền Đờ-Cu.
- Vậy là Hội “Những người Yêu Huế” ra đời bởi lý do đó, trước hết là cái lẽ riêng của tâm hồn. Như tình yêu ấy mà, em là nỗi xa vắng ở trong anh…
- Có thể diễn tả theo ngôn ngữ các nhà thơ như thế, được lắm. (Anh Huy Cận cười to) “Tôi yêu Huế” đó là mệnh lệnh của trái tim. Và nếu viết câu đó trên áo phong theo mốt hiện nay, thì chữ “Yêu” sẽ được thay thế bằng cái dấu vẽ hình trái tim. Thực tế hơn, chúng tôi bị thôi thúc thực sự bởi lời kêu gọi của ông Tổng giám đốc UNESCO, tiếp theo đó là những chuyến về thăm Huế của chị Cẩm Hà, chị Song Xuân, chị Điềm Phùng Thị, anh Lê Bá Đảng v.v… Và thật là may mắn tháng 10 năm 1983, Việt kiều Huế ở Pháp được tiếp đón một vị sứ giả quan trọng của Huế sang tận Pa-ri, là bà Nguyễn Đình Chi. Món quà quý nhất mà bà mang đến cho chúng tôi là mấy số Sông Hương, lần đầu tiên ra mắt bạn đọc ở Pháp. (Và món quà quý nhất bà đã mang về Huế từ Pháp, là những giống hồng của hãng vườn Đen-ba. Cây hồng mang tên “Madame X.”, mùa thu vừa rồi đã nở hoa ở vườn An Hiên, màu lam tím rất lạ, trông nghiêm nghị và trầm mặc như thể không phải là hoa hồng. Tôi liên tưởng đến màu hoa ấy sau chuyến đi Pháp về của bà, nhưng im lặng, không nói ra, để khỏi làm gián đoạn câu chuyện sôi nổi của anh). Anh Huy Cận tiếp tục:
- Ngày 23-10-1983, một bữa cơm Huế đặc biệt được tổ chức ở cư xá sinh viên Đông Nam Á, với sự hiện diện của bà Nguyễn Đình Chi. Người chủ trì là anh Trương Nguyên Trân, tiến sĩ vật lý, hiện là giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp. Chính trong cuộc gặp mặt xúc động này, chúng tôi đàm luận và nhất trí về sự cần thiết phải thành lập một Amicale (Hội thân hữu) của những người yêu Huế. Với sự vận động tích cực của những người sáng lập, 5 tháng sau, HNYH nhận được giấy hoạt động của chính quyền Pháp.
Anh Cận lấy từ cặp da trao cho tôi xem tấm giấy phép lập “Amicale des Huế” do ông cảnh sát trưởng Pa-ri cấp ngày 21-3-1984, ghi:
Chủ tịch Hội: ông Võ Quang Yến.
Trụ sở Hội: 1, phố Poliveau 75.005 Paris.
- Như thế này là HNYH đã trở thành một thực thể - tôi nói, với một nỗi vui thầm lặng muốn san sẻ cùng anh Huy Cận - Thưa anh, xin anh cho biết về phương hướng và một số công việc cụ thể của Hội.
Anh Huy Cận: Mục đích của HNYH được nêu rõ là: 1. Thắt chặt tình bạn giữa những người yêu Huế. 2. Góp sức mình vào công cuộc phát triển Huế thành một trung tâm văn hoá du lịch xứng đáng, trong tinh thần lời kêu gọi ngày 25-11-1981 của UNESCO.
Chỉ ba hôm sau khi được cấp giấy phép hoạt động, chúng tôi tổ chức ngay một “Đêm Huế” ở Pa-ri. Trên 200 người tham dự có cả những người bạn Pháp đã từng sống ở Huế. Ý kiến nêu lên được mọi người vỗ tay nhiệt liệt, như thế này: “Mọi người Việt Nam ở nước ngoài, dù chính kiến có khác biệt, nhưng ai cũng thương nhớ và nghĩ đến quê hương của mình. Vì thế, chúng ta có thể chung sức với nhau để cùng làm cho quê hương trên tinh thần bằng hữu, tin cậy lẫn nhau. Do đó, chúng tôi cảm thấy cần thắt chặt giữa chúng ta một tình bạn chân thành và gắn bó”. Cảm tưởng của mọi người là Đêm Huế gặt được thành quả lớn.
- Cũng tổ chức ở Maison de Mutualité?
- Lần này thì ở một tiệm ăn Huế chính cống. Chuyện này cũng thú vị lắm. À, mà đấy là công của chị Song Xuân, để chị kể nghe hay hơn tôi.
Chị Song Xuân vừa khép cửa phòng, cầm nón định đi đâu đấy. Anh Huy Cận níu tay chị lại, kéo chị ngồi xuống ghế. Chị không từ chối, tiếp nối ngay câu chuyện:
- Ở Pa-ri, tìm chỗ cho sinh hoạt Hội là rất khó. Một chỗ lịch sự, vừa ý cho vài trăm người, mà tránh được hành động quấy rối của những người chực phá đám, càng rất khó. Tôi với chị Cẩm Hà ngồi bàn, mới sực nhớ ra chỗ tiệm ăn Sông Hương của chị Phạm Hoàng; chị Phạm Hoàng là chị em ruột của nhạc sĩ Phạm Tuyên ở Hà Nội, chắc các anh biết. Con chị, cháu Quốc Vinh, là một thiên tài piano, nổi tiếng ở Pháp; chị lại có tài ngoại giao, giao thiệp rất rộng, đủ mọi giới, chỗ chị có thể là nơi gặp gỡ rất tốt của nhiều người dù có khác nhau về chính kiến. Đã năm bảy năm nay tôi không gặp chị. Tôi đánh bạo gọi điện thoại cho chị; ngỏ ý nhờ. Tôi nói: “Quê chị ở núi Nùng sông Nhị, nhưng chị vẫn là người con gái núi Ngự sông Hương”. Tưởng chị có thể khó tính. Không ngờ ở đầu dây, tôi nghe tiếng cười của chị rất vui, chị nói: “Tôi thương Huế suốt đời”. Thế là tôi nhẹ người. Tôi và anh Cận phóng xe tới Sông Hương, xung phong đi ăn thử trước. Thấy “Huế” lắm: gỏi sông Hương, bánh canh, chè hột sen v.v… À có cả cơm hến nữa (Nghe nói ở Pa-ri lại ăn được cơm hến, tôi “ồ” lên vì quá phục; chính ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh người ta cũng chưa bao giờ có khái niệm vật lý gì về cái món ăn Huế này). Chị Song Xuân đón ý tôi: Ở bên đó có con “Coque”, nhưng không thực là hến. Tại sao Huế lại không làm hến khô, cho vô bao đưa sang để Việt kiều tự làm lấy cơm hến. Bữa cơm Huế đó có cả chị Ng.- vợ ông Nguyễn Tiến Lãng, vợ chồng anh Trần Đình Lan, nhiều cặp vợ chồng người Pháp. Đó là buổi ra mắt của HNYH. Sau đêm đó, chị Phạm Hoàng tham gia như thành viên tích cực của Hội; chị ca, hát, ngâm thơ. Cả cháu Quốc Vinh, cũng yêu thương Huế bằng trái tim của mẹ cháu. Chính trong Đêm Huế, chúng tôi để cho lớp trẻ các cháu tự tổ chức theo sáng kiến để lấy tiền góp phần vào quỹ cho Huế.
- Còn thế hệ thứ hai của gia đình chị? Tôi hy vọng rằng nếu về thăm quê, các cô các chú ấy chắc sẽ khỏi cần nhờ mẹ làm phiên dịch…
- Ồ, cái đó anh khỏi lo. Trong nhà tôi không nói tiếng Pháp. Gia đình tôi có một tủ sách khá đầy đủ về Việt Nam. Nhà tôi bảo: Muốn cho nó là Việt Nam thì phải cho nó đọc sách báo Việt Nam. Cứ vất ra đủ sách báo chung quanh nó, mọi thứ in ấn của trong nước mà chúng tôi tìm thấy ở Pháp (chồng chị Song Xuân là bác sĩ Nguyễn Khoa Phồn, vừa qua đời cách đây mấy năm). Tụi nó đều thích ăn cơm Việt: ruốc mắm, rau sống. Anh Cận thèm bún bò thì cứ tới nhà tôi. Còn con bé Xixi của tôi, năm nay nha khoa 4 thì ăn ớt rất ghê, nó nói không ăn cay là không phải con gái Huế. Các con tôi đều là Phật tử, thích đi chùa, trước hết chùa là một môi trường văn hoá Việt Nam trên đất Pháp.
Chị Song Xuân đứng dậy cầm nón, thoát cái chị đã biến mất ra phía cổng. Đúng là tác phong cơm áo gạo tiền, chị là ủy viên tài chánh của HNYH đấy!
Chúng tôi tiếp tục câu chuyện với nhau. Anh Huy Cận nói:
- Chúng tôi đã gởi một số thuốc men, dụng cụ phẫu thuật nhỏ và ít nhiều đồ dùng cần thiết khác cho Bệnh viện Huế, nhà trẻ, Đại học Tổng hợp. Trước kia gởi thuốc về bệnh viện Trung ương Huế, sau này vừa triển khai bệnh viện ở Kim Long chúng tôi chú ý đóng góp cho cơ sở này. Gần đây, chúng tôi đã thực hiện một bản tin làm cơ quan liên lạc của HNYH ở hải ngoại. Đây anh xem.
Anh Cận trao cho tôi “TIN HUẾ”, một bản tin rô-nê-ô khá dày dặn. Mở đầu là một bức thư tâm sự về Huế, ký tên P.L. (thay thế bài xã luận), tiếp theo là một ít văn thơ, bài tường thuật các buổi gặp gỡ, và chương trình hoạt động của Hội.
Anh Huy Cận giới thiệu:
- Tờ tin này hoạt động ra ngoài phạm vi Pa-ri. In gần 300 bản. Ban biên tập có anh Võ Quang Yến, Cao Huy Thuần, Lê Huy Cận, chị Thu Lê, tất cả đều tự nguyện góp công góp tiền ra làm. Tôi hy vọng tờ tin này sẽ gởi tới nhiều thành phố ở Đức, Canada, Mỹ, Nhật và sẽ thành lập những chi nhánh của Hội ở các nơi đó. Những người yêu Huế có mặt khắp thế giới, nói thế cũng không quá sự thật. Nhưng mà nhịp cầu liên lạc nối liền chúng tôi với quê hương bằng một sức mạnh riêng, phải nói chính là Tạp chí Sông Hương..
Tôi ngắt lời anh Huy Cận:
- Cám ơn anh. Sẽ là một nguồn động viên đối với anh chị em trong tòa soạn chúng tôi, nếu biết rằng Sông Hương có đáp ứng được chút nào tình cảm đất nước của các anh chị ở bên ấy.
- Tôi xin chuyển lại một ít không khí của Sông Hương ở Pháp. Chúng tôi biết đến Sông Hương, do bà Nguyễn Đình Chi mang sang, lúc ấy chỉ có 3 số đầu. Chuyền nhau đọc, rất thích. Do đó, nhiều người ngỏ ý mua dài hạn, ngay sau khi đọc. Thư từ trao đổi. Các anh ở bên nhà rất nhiệt tình nhưng gặp quá nhiều trở ngại về thủ tục cước phí v.v… Do đó, trong một thời gian dài, vài người nhận được một hai số lẻ tẻ, chuyền nhau đọc, tôi lại phải làm photo-copy những bài hay để gửi cho bạn bè yêu thích; báo Đoàn kết của Hội người Việt Nam ở Pháp cũng chọn in lại. Cứ thế. Mùa hè năm 84, chị Điềm Phùng Thị có tổ chức một cuộc gặp mặt ở nhà của chị, vùng quê ở Fontainebleau. Tôi chuyển một vài số nhận được cho các thân hữu xem, người ta liền đặt vấn đề mua.
Số người mua tăng lên cho đến lúc các anh bên này gởi sang cho tôi 15 tập đóng bộ. Tôi mang về gởi cho từng người, ưu tiên 15 tập cho 15 người đã đóng tiền. Bác Hoàng Xuân Hãn yêu cầu, tôi đành nhường lại tập riêng của phần tôi.
Anh Huy Cận ngồi nói chuyện với tôi khá lâu, chỉ mình tôi hút thuốc và uống trà, còn anh thì không đụng đến, chỉ nói, nói đến đâu đều cho tôi xem ảnh, sổ ghi chép, tư liệu đến đó.
Với tốc độ công nghiệp như vậy, những ngày về thăm Huế, anh chỉ ngủ từ 23 giờ đến 5 giờ sáng, còn thì làm việc, làm việc, các giờ hẹn trong ngày cứ gối lên nhau như một chuỗi bài đô-mi-nô. Ngoài nghề nghiệp và sinh kế, các anh chị chỉ có chút ít giờ rảnh rỗi để sống với gia đình vào thứ bảy, chủ nhật hoặc buổi tối; chính những giờ nghỉ ấy các anh chị lại phải dành cho xứ sở, cho Huế, bấy nhiêu công việc. Chị Song Xuân nói với tôi rằng ở Pa-ri, cũng như ở Huế, anh Cận chỉ sống trong một cái nhà thực sự, là chiếc ô tô của anh. Như chính từ lô-gic của những ý nghĩ, tôi hỏi anh Huy Cận:
- Có một lý do nào, từ phía trong nước, đã góp phần xây dựng nên “tình cảm Huế” ở những người hải ngoại không? Anh hiểu, tôi muốn nghĩ về những yếu tố xã hội hiện nay…
Anh Cận gật đầu tán thành:
- Có lẽ sẽ thiếu sót nếu chúng ta không nhìn thấy mặt này của vấn đề. Có, nhất định là có tác động của yếu tố xã hội, đặc biệt thấy rõ ở những hội viên mới của chúng tôi. Ví dụ như anh Đ.T.L., một Việt kiều đã đóng góp nhiều cho đất nước nhưng vẫn chưa lưu ý đến HNYH. Hè 1984 anh cùng gia đình về thăm đất nước. Lúc trở về Pháp, anh tìm gặp chúng tôi và ngỏ ý dốc sức giúp đỡ thành phố Huế. Vì theo anh nhận xét trong chuyến đi thực tế vừa qua ở Huế, tuy đời sống nhiều khó khăn hơn, nhưng con người chịu khó làm ăn, tình cảm vẫn hồn nhiên trong sáng. Anh nói rằng đó là phẩm cách đáng quý trọng. Một ví dụ khác, là trường hợp bác sĩ T.T.H. người Huế chính cống, đã giúp đỡ nhiều cho nước nhà trong lĩnh vực y tế, và cũng chưa đến với HNYH. Cuối tháng 3-85 vừa qua, anh H. Điện thoại cho chúng tôi hay rằng thân sinh của anh vừa mất, và anh cần mượn một số tiền rất gấp để kịp lo đám tang. Tôi liền đánh điện về Mặt trận Tổ quốc thành phố Huế nhờ giúp đỡ gia đình anh H. Đúng một tuần sau, anh H. điện thoại cho tôi biết rằng vừa nhận điện tín gia đình cho hay đã nhận kịp tiền ở ủy ban Mặt trận thành phố. Sau đó anh T.T.H. trở thành một hội viên rất tích cực. Tôi muốn nhấn mạnh rằng HNYH phát triển và hoạt động được hướng về mục đích của mình, chính là nhờ ở sự gặp gỡ của hai nguồn tình cảm Huế - trong - nước và Huế - ngoài - nước.
- Một câu hỏi cuối cùng, xin anh đừng xem là có tính cách thủ tục: cảm tưởng, hoặc là những ý nghĩ của anh sau chuyến về thăm Huế lần này?
Anh Huy Cận xòe hai bàn tay trong một cử chỉ biểu lộ sự thẳng thắn:
- Tôi cũng xin trả lời một cách không có tính chất thủ tục. Tôi đã đi thăm một số nơi, trước hết xin gợi ý một vài điều, có thể là chưa suy nghĩ kỹ lắm, nhưng cũng tự cho phép mạnh dạn. Chỉ là những ý kiến rời, nhưng tôi cũng thấy là cần thiết, và xin nói trước kẻo chốc nữa sợ quên đi. Như sau:
- Ở lăng Khải Định, chúng tôi nhận thấy nhiều mảnh sành trang trí trong đền lăng đã bị gỡ ra, một số trong Cửu đỉnh có nhiều dấu vạch. Đó là những việc vi phạm đến vốn cổ rất đáng tiếc, do các khách tham quan gây ra. Xin gợi ý nên tìm những biện pháp thích ứng (thí dụ làm hàng rào một cách mỹ thuật) để ngăn ngừa những vi phạm trên.
- Lúc đi thăm nhà bà Từ Cung, chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước sẽ giữ lại như một di tích bảo tồn, khôi phục các đồ đạc, trang trí, dù sao ngôi nhà ấy cũng gợi lại một khái niệm về “nhà ở” của vua chúa nhà Nguyễn sau khi những cung điện đã bị chiến tranh tàn phá.
- Đến thăm nhà riêng của cố họa sĩ Tôn Thất Đào, chúng tôi được biết về sự việc mất mát hai bức tranh rất có giá trị của họa sĩ sau một cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc; trách nhiệm về việc mất mát này chưa được rõ ràng. Chúng tôi mong việc này được cơ quan hữu trách lưu ý thích đáng.
Anh Cận nói tiếp:
- Phần tôi, chuyến đi thăm Huế lần này thật là phấn khởi. Tôi vui mừng và xúc động được gặp lại thành phố thân thương sau 34 năm xa cách. Chuyến đi rất bổ ích, nhờ đó tôi biết rõ những nhu cầu của quê hương và khả năng đóng góp của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết sau mười năm thành phố giải phóng, dần dần đã thiết lập nên sự hài hòa giữa những con người xứ Huế vượt qua những hoàn cảnh lịch sử lúc ban đầu. Đúng là như thế, cần phải có sự hài hòa giữa con người mới có thể nói tới sự hài hòa giữa cảnh vật, vẻ đẹp của Huế từ lâu đã được thế giới ca ngợi. Chúng tôi cũng rất vui mừng được biết rằng đời sống của nhân dân thành phố trong mấy năm gần đây đã được cải thiện, tuy vẫn chưa hết những khó khăn. Chúng tôi tin tưởng, vì thấy thành phố chúng ta đã mạnh dạn sử dụng những cán bộ trẻ có năng lực và nhiệt tình.
Anh Huy Cận như chợt nhớ ra:
- Nhân thể, tôi cũng xin phép được thông báo một tin vui nho nhỏ: chúng tôi có mang theo về một món quà tương trợ riêng của anh Lê Bá Đảng gởi tặng anh em văn nghệ sĩ.
Tôi chưa có dịp tiếp xúc với anh Lê Bá Đảng dù có lần anh đã về Huế; nhưng chính anh đã trở thành một kỷ niệm thân thiết ở trong tôi. Cuối năm 1974, tôi có dịp đi công tác ở một số nước xã hội chủ nghĩa Châu Âu trong đoàn đại biểu văn hoá của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Dịp ấy tôi được ủy nhiệm chuyển đến họa sĩ Lê Bá Đảng một bức thư của Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị; bức thư cảm ơn và nhận lời đề nghị của họa sĩ được tự mình đảm nhận việc xây dựng lại toàn bộ xã Triệu Đông (thuộc huyện Triệu Hải bây giờ) quê của anh đã bị bom đạn hủy diệt. Nhưng rồi đoàn chúng tôi được lệnh phải trở về đột ngột để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới (chiến dịch Hồ Chí Minh), không tiếp tục sang Pa-ri được như đã dự định. Do đó, tôi đã không được dịp gặp anh và trao tận tay anh bức thư nặng trĩu tình nghĩa ấy của quê hương chung của hai chúng tôi.
Tôi đem chuyện ấy kể lại với anh Huy Cận. Anh Cận nói, trong một cái nhìn thật xa đến bâng khuâng:
- Có lẽ anh Lê Bá Đảng vẫn đeo đẳng mãi với cái ước mơ thiêng liêng ban đầu của anh. Có lần tâm sự với tôi, anh Đảng ngỏ ý mong muốn được tự mình trang trải hết mọi kinh phí để xây dựng làng Bích La Đông của anh thành một làng trồng hoa và sản xuất những hàng mỹ nghệ truyền thống; đồng thời xây dựng ở Huế một nhà bảo tàng Mỹ thuật Lê Bá Đảng, để lưu lại ít nhiều vốn liếng tâm hồn của anh nơi thành phố quê hương mà anh mãi mãi tự hào về di sản văn hoá lớn lao.
Một lần nữa, qua lời anh Huy Cận ; họa sĩ Lê Bá Đảng lại gây xúc động đối với tôi. Tạm biệt, nắm chặt bàn tay anh, tôi không biết nói gì hơn với anh Huy Cận ; nhưng tôi tự cho phép chia sẻ với anh Lê Bá Đảng trên cương vị nghề văn của tôi, rằng điều tôi tin chắc hơn mọi cái gì khác ở trên đời này, là thời gian ủng hộ mọi ước vọng tốt đẹp của con người.
Huế, tháng 9-1985
H.P.N.T.
(16/12-85)