Văn học dân gian
Nhàn đàm về “dâm trường” và “hôn trường”
09:36 | 24/04/2014


LÊ QUANG THÁI

Nhàn đàm về “dâm trường” và “hôn trường”
Ảnh: internet

GỢI CHUYỆN

Có một điều hơi là lạ, là mới đây nhân dịp ra mắt tác phẩm mới Lá trúc che ngang - Chuyện tình của cô tôi của tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa vào lúc 15 giờ 30 ngày 14/9/2013 tại Trung tâm Văn hóa Phương Nam, 15 Lê Lợi Huế, thính giả lại được nghe thuật ngữ “dâm trường” của một thầy giáo nào đó vì thiếu thực tế cho nên đã lên mặt báo gọi thôn Vỹ(1) là này, là nọ. Người xưa nói “Ai dám bảo chữ dâm đã bậy/ Không dâm sao lại đẻ ra hiền”. Bên ngoài dân gian mà ai đó đã ghép chữ hai từ “dâm” và “trường” đi đôi với nhau để thay thế sự tích Bình Khang(2) là bất ổn. Có lẽ ở chốn thi đàn không mấy ai dùng thuật ngữ cũ mà “mới” mới ấy trước khán thính giả được chọn lựa mời tham dự mừng tác phẩm mới.

Trường hợp khá phổ biến hơn là trong lễ cưới, một thuật ngữ khác đã được dùng một cách tự nhiên như nhiên giữa thanh thiên bạch nhật. Đó là thuật ngữ “hôn trường”. Nghe mà ngờ ngợ xót xa và xôn xao. Khách nước ngoài tham dự các lễ ấy chắc rằng họ sẽ phân vân không biết phải dịch sao cho tương đối chuẩn mực ra ngôn ngữ nước ngoài.

Tra các từ điển Hán Việt thông dụng của các học giả uy tín, tuyệt nhiên chúng tôi không tìm thấy các thuật ngữ “hôn trường”, “dâm trường”. Điều này chứng tỏ các danh từ ấy mới ra đời vào khoảng những 20 năm trở lại. Ngôn ngữ tự phát theo lối “sính chữ” để kinh doanh như vô tình đã làm giảm đi những nét đặc sắc và phong phú của tiếng Việt có giá trị vừa hàn lâm vừa công pháp sánh cùng các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga, Hoa... đang thịnh hành.

Còn nhớ, rõ và đúng một ngày sau ngày 28/01/1973, hòa bình được lập lại, tiếng Việt được thế giới thừa nhận, công nhận có giá trị ngang hàng với các ngôn ngữ của các nước vừa kể trong các văn kiện pháp định của công pháp quốc tế.

I. CHỮ “DÂM” VÀ CÁC THUẬT NGỮ LIÊN QUAN KHÁC

1.1. Chữ “dâm”

Từ Hán Việt đã được viết và gọi mưa dầm là “dâm vũ” (淫雨). Vũ là mưa. Cái gì quá lắm đều được gọi là “dâm” (淫). Hình phạt khắc nghiệt, man rợ được gọi là “dâm hình” (淫刑). Kết bạn với người xấu tính là không nên. Từ Hán Việt nói và gọi người bạn bất chính là “dâm bằng” (淫朋).

Từ “dâm” còn có nghĩa là “động; mê hoặc”. Câu nói của Mạnh Tử “Phú quý bất năng dâm” (富貴不能 淫) có nghĩa “giàu sang không làm động nổi người”.

1.2. Các thuật ngữ liên quan

“Dâm” còn có nghĩa là quá chừng. Dâm dục = lòng tà dâm. Học giả Đào Duy Anh cho biết “dâm tự” (淫祀) có nghĩa là miếu thờ thần không chính đáng. Thiều Chửu lại viết “dâm từ” (淫祠) có nghĩa là đền thờ “dâm thần”. Dâm thần là vị thần không chính đáng chớ không hẳn là vị thần hoang dâm. Hai thuật ngữ dâm từ hoặc dâm tự đồng nghĩa. Đồng âm với dâm từ (淫祠) có thuật ngữ dâm từ (淫辭), dịch ra tiếng Pháp là paroles obscenes. Từ là lời nói; dâm từ thì thô dục, kích dâm. Thế gian thường răn dạy con cháu: tai dừng nghe những dâm từ không hay. Thưởng thức âm nhạc thì người xưa khuyên chớ nghe những giọng điệu dâm thanh. Xã hội lên án những màn trình diễn âm nhạc kích dục, những bài hát nhép vớ vẩn và nhất là cách phục sức của nghệ sĩ nửa kín nửa hở, múa may quay cuồng lố lăng mang tính cách câu khách bằng con đường không chính đáng: kích dục.

1.3. Không thể nào đặt ra từ mới tùy tiện

Trong từ điển thông dụng không có thuật ngữ dâm trường (淫場). Chữ “trường” (場) còn có nghĩa khu đất bằng phẳng, thoáng rộng như quảng trường Phu Văn Lâu, trường thi Phú Xuân(3) chẳng hạn. Không mấy ai gọi không gian tổ chức tiệc cưới, nơi cư trú của kỹ nữ ngày xưa là “trường” bao giờ. Phịa chữ nghĩa theo lối nói tếu, nói đùa giữa tay hai, tay ba để giết thời gian một cách oan uổng mà thôi.

II. HÔN TRƯỜNG

Trong ứng xử theo 4 lễ lớn ngày xưa của đời người hôn, quan, tang, tế thì không ai gọi chốn trang nghiêm là “trường” cả. Có “hôn trường”, thì lẽ nào không có “tang trường”, “tế trường”...

Quan là lễ đội mũ cho con trai đến tuổi trưởng thành thể hiện mong cầu con trai ở tuổi trưởng thành lớn lên theo năm tháng sẽ có sự nghiệp tỏ rõ thỏa nguyện thực hiện chí nam nhi: Trai thời trung hiếu làm đầu (Lục Vân Tiên).

Nguyễn Công Trứ đã từng viết: Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn biển.

2.1. Hôn nhân

Hai nhà kết tình thông gia được gọi là hôn nhân. Việc con trai lấy vợ được gọi là “thú” theo thuật ngữ Hán Việt. Thú (娶) nghĩa là: lấy vợ. Con gái đến tuổi trưởng thành đi lấy chồng gọi là “giá” (嫁). Cheo làng cưới họ, giấy giá thú (嫁娶) là văn bản pháp quy, quy định được gọi là khế ước kết hôn (contrat de mariage).

Cha vợ là hôn (婚), cha chồng là nhân (姻). Nhân là nhà rể, hôn là nhà gái. Nhà trai, nhà gái gọi nhau là nhân. Thời cổ đại, thanh nữ 20 tuổi thì đi lấy chồng như kinh Lễ đã định. Đó là nét tiến bộ hơn cả ngày nay. Nạn tảo hôn đã bị lễ giáo ngăn ngừa. Tác phẩm Nhị Độ Mai có câu: “Hôn nhân đã định về nơi họ Hàn.

2.2. Hôn trường

Đến đây thì dường như thuật ngữ “hôn trường” đã hé nụ bất ổn nghĩa lý về mặt cấu tạo từ mới. Hôn kỳ là định ngày để làm lễ kết hôn. Hôn lễ là lễ kết hôn giữa đôi trai gái, giữa họ nhà trai và họ nhà gái. Tiệc bày trong lễ kết hôn để đãi khách gọi là hôn yến.

Trong cưới hỏi thì “giàu làm kép, hẹp làm đơn”. Việc tiến hành lễ thành hôn tại nhà trai và lễ vu quy tại nhà gái là lễ trọng. Làm lễ cúng gia tiên trước sự chứng kiến, sự thừa nhận của hai họ trai và gái để tiến tới đích tiến hành thủ tục lập giấy hôn thú.

Xong lễ là tiệc mừng cưới tại nhà trai, nhà gái. Những nhà khá giả, có điều kiện tổ chức lễ chiêu đãi họ hàng, khách mời vào hôm trước ngày cử hành lễ Thành hôn hoặc lễ Vu quy.

Trong tiệc chiêu đãi tại nhà trai, nhà gái (chớ không phải tại nhà hàng, khách sạn) mà xướng ngôn “kính mời Quý khách, quý bà con nội ngoại, quý bằng hữu tiến vào hôn trường” là nghe ra bất ổn, nghe nó sao sao. Khó nói quá: “Nao nao sự thế nực cười./ Nhà ta sao gọi là nơi hôn trường.

Nhà thơ Sãng Đình Nguyễn Hy Thích (1891 - 1979)(4) đã từng ngợi ca ngôi nhà của chúng ta đang ở:

Cái nhà là nhà của ta
Công khó cha ông làm ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà


Có tiền, có của, bỏ ra nhiều công sức để tổ chức lễ thành hôn hoặc vu quy cho con cái mình thành thất mà sao lại khờ dại đến mức thuê đội nhạc, thuê xướng ngôn đến nhà mình để họ gọi ngôi vườn nhà của mình đang ở là “hôn trường”. Bậy thật! và kể ra cũng ngụy thật.

LỜI KẾT

Hiện nay, chủ trương mới đang được đề cao là “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, gìn vàng giữ ngọc là hoàn toàn đúng, hợp lòng dân, thu phục tâm công. Thiết nghĩ những gì còn mang tính cách “sính của”, “trưởng giả học làm sang” trong nghi lễ cưới hỏi, tang ma cần phải chấn chỉnh, chấn hưng. Nhất thiết không vọng ngoại, đi chệch hướng, sai căn cơ để phô trương một cách xa xỉ, cầu danh, cầu lợi, cầu lộc một cách vừa oan uổng vừa hoang tưởng.

L.Q.T
(SDB12/03-14)


-------------------------
(1) Thôn Vỹ ở Hữu ngạn sông Hương chảy qua kinh thành Huế xưa, cách ly bởi Đập Đá. Nguyên miền Vỹ Dã là cánh đồng lau trở thành thôn Vỹ Dạ, đây là xứ thơ mộng sản sinh nhiều nhà thơ nổi tiếng và là miền gái đẹp nết na, có đạo hạnh và lại học giỏi - Hàn Mặc Tử thầm yêu thiếu nữ Hoàng Thị Kim Cúc là cô ruột của tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa. Kể từ giữa thế kỷ 19, thi bá Tuy Lý Vương về lập phủ đệ ở thôn Vỹ thì nơi đây nổi tiếng là đất thơ ở chốn kinh kỳ.

(2) Bình Khang: chổ các kỹ nữ ở. Truyện Kiều có câu: Bình Khang nấn ná bấy lâu. Người Pháp dịch: Maison des chantenses thì không lột tả được ý nghĩa của câu thuật ngữ này.

(3) Trường Thi Phú Xuân: ở địa phận phường Ninh Bắc trong kinh thành Huế nay là phường Tây Lộc. Đầu đời Gia Long dựng ở xã Đốc Sơ, triều Minh Mạng đời đến địa phận làng Nguyệt Biều.

(4) Sảng Đình Nguyễn Hy Thích: còn tên là Nguyễn Văn Thích - Ngoài là một linh mục, giáo sư, dịch giả ông còn là một họa sĩ. Nổi tiếng trong dân gian 2 bài hát: Vui ca lên Ngôi nhà Việt Nam. Quê quán: thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Ông thi Hương trúng cách Tam trường khoa Mậu Ngọ, 1918. Không đỗ Tú tài Hán học, ông chuyển qua học trường Pháp Việt và đỗ bằng Cao đẳng Tiểu học.











 

Các bài mới
Chùm ngụ ngôn (21/09/2023)
Các bài đã đăng
Rủ nhau đi cầu (03/07/2012)