Văn học dân gian
Lệ đàn
15:34 | 05/08/2014

LÊ QUANG THÁI

Âm hưởng của thuật ngữ cổ này nghe ra hơi là lạ, thật khó lòng chuyển ngữ sang tiếng Nôm cho dễ hiểu. Từ “đàn” rồi từ “lệ” đều lấy gốc từ chữ Hán. Mỗi một từ đều có nhiều chữ đồng âm nhưng dị nghĩa. Xưa nay đành lòng để nguyên xi vậy. Có nhiều chữ “lệ” và lại lắm chữ “đàn”. Vì thế mà nó đã trở thành “chuyện ít người biết”.

Lệ đàn

Cứ ra tay mổ xẻ thuật ngữ này ra thì sẽ thấy hay hay, lý thú là đằng khác khiến lòng vui lên chũm chĩm cười một mình.

I. CẤU TẠO TỪ GHÉP LỆ ĐÀN

1.1. Đàn (壇): Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: “Giải oan lập một đàn tràng bên sông” (câu 2968). Lạ thay, ngày nay hễ nói đến “đàn tràng”, “thi đàn”, “văn đàn” thì người Huế ai cũng hiểu vì chất đạo, chất thơ có sẵn trong lòng người dân sông Hương núi Ngự. Nói “đàn Nam Giao”, “đàn Xã Tắc”, “đàn Âm Hồn” thì ai cũng hiểu. Có nhiều lý do để giải thích. Có một lý do cũ mà mới, chỉ vì Festival Huế đã nhiều lần dày công cổ súy về ý nghĩa thờ phụng ở hai đàn Nam Giao và Xã Tắc qua nhiều kỳ lễ hội một cách hoành tráng và rất tốn kém công sức.

1.2. Lệ (厲): Có nghĩa là ác độc, bạo ngược khiến cho người đời thấy mà đau lòng xót dạ. Chẳng hạn như bệnh dịch truyền nhiễm đã cướp đi mạng sống của nhiều người và loài vật. Bệnh thời khí do tiết trời chuyển nên gây ra mầm bệnh. Dịch khí tức khí xấu, khí độc hại do rắn rít, côn trùng, nhà máy thải ra gây nên thành các bệnh như ho, sởi, đậu mùa. Một thời, y học gọi bệnh dịch nguy cấp mà từ Hán Việt là ôn dịch (溫疫).[1]

1.3. Sự tàn phá và hủy hoại của dịch bệnh

Ngày xưa các bệnh dịch tả, thổ tả, đậu mùa đã cướp đi hàng ngàn vạn sinh linh khiến cho rất nhiều làng xã điêu ngao hoặc tiệt tự đến nỗi phải xóa sổ. Quốc sử đã từng ghi chép. Dịch tả năm 1927 ở xứ Đông Dương quá mức trầm trọng khiến cho Toàn quyền Đông Dương phải ra lệnh hủy bỏ các lễ hội. Cụ thể là Toàn quyền Pasquier đã ký lệnh hủy bỏ đại kiệu La Vang vào mùa hè năm ấy ở tỉnh Quảng Trị. Chết! chết không kịp ngáp. Chết thì chôn liền dẫu cho giữa đêm khuya. Ông thợ Lợ làm nghề đẽo guốc ở xóm Tiêu, làng Cổ Thành, tổng Bích La, phủ Triệu Phong chết vào canh ba. Người nhà và bà con phải bó chiếu, đốt đuốc rồi vội gánh đi chôn liền, chôn lấp vội vã ở bãi cát thuộc làng tôi, về phía bên kia sông Thạch Hãn đối chênh với chùa Phật học ở tỉnh lỵ Quảng Trị. Qua canh tư ông hồi sinh, trung cát lấp vội tìm đường về nhà, khóc than kêu cửa khiến cho mọi người trong nhà khiếp sợ. Chết rồi sống lại, gây chấn động sợ hãi cả làng nước và tỉnh thành. Cha tôi sinh năm Mậu Tuất, 1898 đã một phen chứng kiến hãi hùng kể lại.

Chứng kiến cảnh hãi hùng ở các làng thuộc tổng Bích La và tổng An Cư cảnh người chết đến hàng trăm. Có xóm, có làng, người chết gần hết chỉ còn lại những người già. Đó là làng ở gần bến đò An Mô qua bờ bắc là địa phận làng Ái Tử, Quảng Trị.

Đó là một hình ảnh tiêu biểu của nạn dịch lệ năm 1927.

II. THIẾT LẬP LỆ ĐÀN

2.1. Đạo Trời: Nước ta chịu ảnh hưởng của đạo Trời, đạo Nho tôn phong trời là Ngọc Hoàng Thượng đế. Trời là Hiệu (hay Hoàng) Thiên Thượng đế và đất là Hoàng Địa kỳ. Thờ Trời trở thành việc thờ cúng của Vương triều: Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã viết trong sách Văn Minh Việt Nam:

Ngọc Hoàng thường được gọi là Ông Trời hay Trời. Trong ý thức dân gian, Trời là căn nguyên của các hiện tượng khí quyển và sự che chở cho người trần. Trời là nguyên nhân nội tại của tất cả. Trời chủ trì cái sống, cái chết, hạnh phúc, sự giàu nghèo.[2]

2.2. Lập Lệ đàn: Vào thời thượng cổ ứng với thời Tam đại (Hạ - Thương - Chu) đã sớm lập đàn Lệ, còn gọi là Lệ đàn (厲壇)

Nhà bác học Lê Quí Đôn đã viết ở bộ sách Vân Đài Loại Ngữ nói về việc thờ tự và tế Lệ như sau:

“Kinh Lễ nói: “Vua, cùng các chư hầu, các quan đại phu thờ Thái Lệ, Công Lệ và Tộc Lệ”. Sách Tả Thị nói: “Thần đã có chỗ nương tựa thì không làm dịch lệ”. Vậy tế Lệ đã có từ thời Tam Đại.

Pháp chế nhà Minh: khắp thiên hạ, từ kinh đô đến phủ, châu, huyện đều lập Lệ Đàn, mỗi năm ba lần tế vào những ngày: tiết Thanh Minh mùa xuân, rằm tháng 7 mùa thu và mồng một tháng mười mùa đông. Ở trong kinh thành thì quan Phủ doãn, ngoài kinh thành thì quan Thú lệnh chủ tế. Trước ngày tế làm sớ điệp lên thần Thành hoàng, đến ngày chủ tế, vua Thái Tổ làm văn tế, ban phát cho các nơi làm định thức. Trong bài văn nói đến tình trạng oan thảm của quỷ thần không chỗ nương tựa, rất chu đáo.” [3]

Thiết lập Lệ đàn và tế Lệ nhằm chủ đích cầu an, cầu phúc và thậm chí cầu lộc cho nhân dân vào thời nhà Minh đã đi vào qui cũ mà công đầu của vua Thái Tổ. Khai sáng ra lễ tế này khởi đầu từ các triều Đường, Tống, Nguyên. Pháp chế và điển lệ nhà Minh đi vào nền nếp nhờ nhà vua biết dùng người phò tá đầy trí tuệ và đức độ cho dù ông vua có đầu óc canh tân xuất thân từ giai cấp hạ tiện.[4] Tiếp sức cho vua Thái Tổ là Thành Tổ,[5] đã quyết tâm thực hiện cho kỳ được chính sách đổi mới trong thuật trị nước mong cầu “quốc thái dân an”, “phong điều vũ thuận”.

Tiêu trừ dịch lệ, khu trừ thần ôn dịch Thái Lệ, Công Lệ và Tộc Lệ là việc phải ra tay một cách quyết liệt và kiên trì và thường xuyên vì phòng bệnh để đón đầu những tai ương gây khốn khổ cho dân lành. Tiền thân của tế Lệ là lễ Khu Na đã được chép ở sách Chu Quan. Thiên Nguyệt lệch và sách Luận Ngữ đã từng nói đến lễ Khu Na. Lễ này nhằm khu trừ thần ôn dịch. Khu trừ có nghĩa tìm cách khôn khéo và tinh tế để như “xua đuổi” thần gây ôn dịch. Tách biệt lễ tiêu trừ ôn dịch ra khỏi lễ Tế ở Đàn Dị tức Dị Đàn[6] để thấy sáng lên việc cần thiết phải thiết lập Lệ Đàn, và Tế Lệ ở thời nhà Minh Thái Tổ khác biệt và rạch ròi khác với các triều trước.

III. DỊ ĐÀN

3.1. Nguồn gốc: Ngoài các đàn thờ lớn như Nam Giao, Xã Tắc, Sơn Xuyên,... thì các đàn thờ thần khác được gọi là “Dị đàn”. Nguyên nghĩa “dị” (易) là khác biệt, khác thường. Các thần khác là thần gió, thần mưa, thần lửa, thân nông, thần thành hoàng, thần ôn dịch... Nói chung gọi là “bách thần”.[7] Vì vậy vào thời Vua chúa triều Nguyễn mới ban lệnh lập miếu Hội đồng từ cấp phủ huyện, tỉnh thành cho đến trung ương.

3.2. Thiết lập dị đàn: Buổi đầu trong lịch sử thời thượng cổ, thiết lập dị đàn để thờ chung các vị thần ấy. Từ “dị”, ngoài có nghĩa là khác, còn có nghĩa là thanh thoát, giàu thâm hậu; là ban phát, yên ổn, hòa bình, thanh bình...[8] Cấp độ nhà nước, cấp độ làng xã, đô thị hằng năm có làm lễ cầu an (còn gọi là kỳ an, kỳ yên). Đối với làng xã, đó là lễ trọng, để tế thành hoàng. Làng xã còn mở hội.

Còn việc xây dựng dị đàn (易壇) thì tiền nhân rất kén chọn cuộc đất thoáng rộng theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, tất cả chỉ vì “có vũ trụ, có sơn hà” như đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều mà các nhà phong thủy ngày nay thường quan tâm về địa cuộc phương hướng và ngày tháng dựng đàn.

Ở sách đã dẫn Vân Đài Loại Ngữ, trang 193, Lê Quí Đôn đã phân tích và lý giải tận ngọn nguồn của việc thiết dựng và tế tự ở Dị Đàn (hay đàn Dị) và Lệ Đàn một cách rạch ròi và phân minh theo quá trình diễn tiến, chỉnh đốn từ trước và vào đời nhà Minh. Xin trích dẫn lại một cách dài hơi để độc giả chiêm nghiệm về “lý” và “sự” trong việc tế Lệ và lập đàn, xây dựng các loại đàn nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu trừ:

“Sách Chu Lễ nói: “Từ kinh đô đến các quận làng xóm đều được tế Xã tắc. Các đời Đường Tống sau, bắt các quận lập Đàn Dị thờ Phong bá (thần gió), Vũ sư (thần mưa), Lôi thần (thần sấm). Khi cúng tế có nghi tiết, có quan hữu tư hàng năm lo liệu việc tổ chức.”

Chế độ cúng tế của triều Minh: bắt các phủ, huyện, châu đều phải lập đàn xã tắc, đàn Phong, Vân, Lôi, Vũ, Sơn Xuyên, Thành Hoàng, cùng Lệ đàn. Hằng năm cứ đến các thời tiết thì làm lễ cầu phúc, báo công, đón hòa khí, tiêu trừ dịch lệ. Đó cũng là những việc lớn đối với chế độ thờ thần, trị dân”.[9]

*

Cảo thơm lần giở trước đèn, sự xưa tích cũ rành rành ra đó. Do thất truyền, truyền khẩu hơn là truyền thư cho nên người đời sau không lý giải cho con cháu hiểu được ý nghĩa lịch sử - văn hóa và nhất là chiều sâu của nền văn hóa lúa nước của chủ trương “Dĩ nông vi bổn”. Có “lý” rồi mới có “sự”, không thể nào nói một cách mơ màng và lập lòa là “xưa bày nay làm”.

Ngày nay, nhà nước đã có chủ trương đổi mới, thoáng rộng: Tế Nam Giao, Tế Xã Tắc, Lễ Tịch Điền đã được phục dựng, nâng cao ý thức trở về nguồn cho giới trẻ hiểu sâu hơn về chiều sâu của văn hóa tâm linh liên quan đến nền nông nghiệp nước nhà, trong đó bao gồm cả ngành chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm, rau quả kể cả nguồn dược liệu, tiểu thủ công nghiệp cổ truyền như dệt may, đan đát, chạm trổ, đồ mộc mỹ nghệ...

Bộ mặt, cục diện của nông thôn đang trên đà tiến phát, nhiều gương sáng của tuổi trẻ tìm đường, chọn cách lập nghiệp biến vùng đất hoang hóa trở thành đất lành sản xuất ra nguồn lợi có ích cho xã hội.

Đó là ý tưởng trùng phùng với nhận thức của kẻ sĩ ngày xưa: “Đất ruộng còn để hoang mà dân đói là một điều nhục”, đất lành sản xuất ra nguồn lợi có ích cho xã hội.

Theo quan điểm sống của người xưa thì “an ninh lương thực” là tối hệ trọng. Nếu có ai đó do bồng bột hay dã tâm cổ xúy dân cày cấy chuyên nghiệp, bỏ làng mà phiêu lưu mong sớm đổi đời mà không có nơi nương tựa ban đầu ở vùng đất hứa là mang tội “yêu thư yêu ngôn”.

Ngày nay, để thu phục tâm công theo lối “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ đến tiền nhân đã hy sinh tiền của, công sức, tính mạng để lập làng, giữ làng thì không tiếc gì không tạo điều kiện cho các thôn ấp có được một phần đất ruộng để dân làng lo việc tế tự thành hoàng, khai canh, khai khẩn và thủy tổ các dòng tộc đã dựng nên làng xã và thậm chí cả phố phường sầm uất ở các đô thị. Thiết nghĩ, đó vừa là nghĩa cử cao đẹp và mang sắc màu đậm xét giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

L.Q.T
(SDB13/06-14)

 



[1] Ôn dịch = épidémie tức bệnh dịch nguy cấp. Hiện nay, y  học đã tiến bộ cho rằng bệnh dịch do virus truyền nhiễm mầm bệnh = Dịch cúm gia cầm H5N1, H5N9 truyền sang người. Trong dân gian dùng các thuật ngữ gà dịch, gà rũ. Người nuôi vịt chạy đồng cho biết nạn dịch gây tổn hại, vịt chết tức tưởi từng đàn. Nhóm từ “kéo cờ trắng”, tiếng lóng của nghề chăn nuôi gia cầm, thủy cầm để diễn tả hiện trạng ấy.

  Tứ tự thành ngữ “ôn hầu dịch lệ” được hình thành để ám chỉ những gì xấu xa, gây độc hại cho con người.

[2] Văn Minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.336

Ý niệm Hiệu (hay Hoàng) Thượng đế của tiền Nho giáo khác với Thượng đế của Tây phương được dịch từ thuật ngữ Dieu. Đông là đông, Tây là tây mượn thuật ngữ Thượng đế để dịch thuật ngữ Dieu thì ép duyên văn tự. Ở Do Thái có đạo Trời nhưng bản chất khác đạo Trời ở Á Đông.

[3] Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quí Đôn, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch, Nxb. Miền Nam, Sài Gòn, 1973, tr.189

Vua Thái Tổ nhà Minh (1368 - 1398), ông vua độc tài nhất trong lịch sử Trung Hoa, không kém Tần Thủy Hoàng, xem Lịch sử Trung Quốc, tập II, Nguyễn Hiến Lê, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.118-120.

[4] Sử Trung Quốc, tập II, Nguyễn Hiến Lê, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.118-125.

[5] Thành Tổ (chớ không phải Thánh Tổ) như một sách ghi sai dấu. Thành Tổ (1403-1424), ông vua thứ 3 của nhà Minh, vua thứ 2 là Huệ Đế chỉ ở ngôi được 4 năm.

[6] Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quí Đôn, sđd, tr.189,193

[7] Thần gió (thần Phong bá), thần mưa (thần Vũ sư), thần sấm (Lôi thần). Tại Cố đô Huế, nhà Nguyễn lập miếu thay vì lập đàn. Xem Đại Nam Nhất Thống Chí, Kinh Sư, Quốc sử quán, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nxb. Nha Văn Hóa, Bộ QGGD, Sài Gòn, 1960, tr.43-44.

[8] Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2009, tr.322 và Tìm về cội nguồn chữ Hán, Lý Lạc Nghi, Nxb. Thế giới, 1997, tr.145.

[9] Vân Đài Loại Ngữ, Lê Quí Đôn, sđd, tr.193-195

 

 

Các bài mới
Chùm ngụ ngôn (21/09/2023)
Các bài đã đăng
Rủ nhau đi cầu (03/07/2012)