Đức Thánh Trần - Trần Hưng Đạo là minh chứng tiêu biểu về liên hệ giữa các yếu tố lịch sử và dân gian, là huyền thoại hóa cuộc đời và chiến công của các anh hùng lịch sử.
“Trong hệ thống thần linh người Việt, Đức Thánh Trần là một nhân thần”, TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Văn hóa đánh giá. Ông là một vị thần - người có thật trong lịch sử. Ông mang tên tuổi, quê quán gốc tích, hành trạng khá đầy đủ. Cũng chính vì thế, theo bà Phương, việc huyền thoại hóa cuộc đời ông, dù màu sắc dân gian có đậm thế nào cũng vẫn bắt nguồn từ tư liệu chân xác của lịch sử.
Theo nghiên cứu của bà Phương, căn cứ vào gia phả có nhiều giả thuyết khác nhau về tuổi tác của ông. Tuy nhiên, dựa trên nhiều yếu tố, người ta dự đoán ông sinh trong khoảng từ 1230 - 1234, phụng sự bốn đời vua Trần thịnh trị nhất. Trong những năm đó, ông đã ba lần lãnh đạo quân dân ta chống quân Nguyên - Mông xâm lược thắng lợi. Sau này, ông rời Thăng Long về sống ở thái ấp Vạn Kiếp, lập vườn cây thuốc Dược Sơn.
Người trời đánh giặc
Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần chính là trường hợp tuân thủ quy luật “Sinh vi danh tướng, tử vi thần” trong văn hóa Việt. “Trong các tư liệu dân gian, sự sinh hóa của Đức Thánh Trần được hình dung tương đối thống nhất”, bà Phương cho biết. Theo đó, mẹ Trần Hưng Đạo là Thiện Đạo quốc mẫu nằm mơ thấy có thanh thiên đồng tử/em bé áo xanh đầu thai xin được làm con. Một bản sách khác là Việt điện u linh chép rằng thời đầu nhà Trần có một dải khí trắng bốc lên đến trời. Thần Tản Viên thấy thế biết sẽ có ngoại xâm, bèn tâu Thượng Đế. Sau đó thanh tiên đồng tử xin đi quét sạch dải khí trắng đó và được cho sinh hạ vào nhà thân vương làm danh tướng.
Cũng theo bà Phương, nhiều tài liệu khác ghi khi Trần Hưng Đạo ra đời, trong nhà tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Một vị đạo sĩ do coi thiên văn thấy có một vì tướng tinh rơi xuống, liền đến xem mặt Trần Quốc Tuấn. Khi nhìn thấy, vị đạo sĩ vội lui xuống, vái lạy nói: "Người này tốt lắm, về sau cứu nước giúp đời làm sáng sủa cho non sông đó". Vương đầy một tuổi đã biết nói, năm, sáu tuổi đã biết làm thơ ngụ ngôn, bày chơi đồ bát trận, thông minh xuất chúng.
Những sách khác cũng chép về việc ông mất cũng thần kỳ như vậy. Chẳng hạn, có bản chép, trước khi ông mất, xem thiên văn thấy một vì tướng tinh cực to bay từ đông bắc sang tây nam rồi sà xuống đất, sáng lóe ra 10 trượng.
... đến thần y thánh thuốc
Theo bà Phương, chi tiết được chú ý nhất và cũng đưa Trần Hưng Đạo có một vị trí đặc biệt trong tâm thức dân gian là câu chuyện liên quan đến Phạm Nhan (còn có tên Nguyễn Bá Linh). Cha Phạm Nhan là người Quảng Đông, sang buôn bán bên nước Nam, lấy vợ ở Đông Triều. Phạm Nhan lớn lên theo cha về Tàu học hành giỏi, đỗ tiến sĩ triều nhà Nguyên. Y có phép tàng hình biến hóa, thường vào cung trị bệnh cho cung nữ, nhưng hay tìm cách tư thân với cung nhân. Sau lộ chuyện, Phạm Nhan bị định án trảm quyết. Để lập công chuộc tội, Phạm Nhan tình nguyện xin đi làm hướng đạo đánh Nam quốc.
Phạm Nhan cao tay phù thủy nên cứ bắt được lại trốn thoát, chém đầu này mọc đầu khác. Chỉ khi đích thân Hưng Đạo vương cầm kiếm chém thì Phạm Nhan mới chịu thua. Trước khi bị hành hình, Phạm Nhan có xin Hưng Đạo vương “phải cho tôi ăn gì chứ”, Vương giận bảo “cho mi ăn máu đẻ của đàn bà”. Bởi vậy sau khi chết, hồn hắn đi đâu gặp sản phụ thì lập tức hớp hồn họ. Những người đàn bà ốm này thường đến đền thờ Trần Hưng Đạo, lấy chiếu cũ đốt uống thì khỏi bệnh. Vì thế, người ta cảm nhận được anh linh kỳ diệu của Trần Hưng Đạo.
Một nghiên cứu khác cho rằng, trong tâm thức dân gian, hướng bắc được coi là hướng tà khí. Vì vậy dân gian đã ghép Phạm Nhan vào đội quân phương bắc đến xâm lược nước ta. Trần Hưng Đạo đã có đủ uy để dẹp giặc phương bắc thì tất cũng có sức mạnh dẹp giặc Phạm Nhan.
Không gian tín ngưỡng rộng
Khảo sát các di tích thờ cúng Đức Thánh Trần của bà Phương cho thấy, mặc dù địa bàn hoạt động khi sinh thời của Trần Hưng Đạo là vùng đất bắc, nhưng người ta nhận thấy ông được thờ phụng ở rất nhiều nơi. Ngược lên phía bắc, vùng Châu On, Lạng Sơn hay cả ở châu Định Hóa, Thái Nguyên xa xôi có những di tích lưu giữ thần tích thờ ông. Xuôi về phương nam, rất nhiều nơi có đền thờ.
Trong các nghi lễ thờ cúng ông, có nghi thức rước kiệu trên sông nhằm tái hiện lại trận thắng thủy chiến oai hùng của Trần Hưng Đạo trên sông Bạch Đằng. Cũng có một số hình thức khác trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần như trừ tà ma bằng bùa giấy. Cũng có hình thức bán khoán trẻ em trong vòng 12 năm để trẻ dễ nuôi nhờ oai trấn tà ma của ngài. “Thậm chí, có người còn đổi họ cho con thành họ Trần”, bà Phương cho biết.
Sử thần Phan Huy Chú viết: “Danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo vương không mấy đời có; kiêm cả văn võ, thừa trí dũng, dựng nên công lao sự nghiệp kỳ vĩ mà giữ vững trung nghĩa cùng một hàng với Quách Tử Nghi. Ông không những là anh hùng của một thời đại mà cho đến các bậc tướng thần cổ kim cũng ít ai bì kịp”. |
Nguồn: Trinh Nguyễn - TNO