Văn học dân gian
Đồng dao của người Tà Ôi
09:10 | 30/06/2015

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

So với các thể loại văn học dân gian khác của người Tà Ôi thì đồng dao đứng ở vị trí khiêm tốn, nghĩa là từ trước đến nay chưa có ai sưu tầm, giới thiệu và khảo cứu thấu đáo. Điều này gây ra một sự thiệt thòi lớn cho vốn di sản văn hóa tinh thần vốn rất phong phú của người Tà Ôi.

Đồng dao của người Tà Ôi
Đồng bào Tà Ôi - Ảnh: internet

Người Tà Ôi gọi thể loại đồng dao là Ba bơq, dùng để hát đồng thanh của một nhóm người có thể từ 5 - 8 người nhằm tạo nên một âm thanh vui nhộn, rộn rã xua tan đi mệt nhọc, buồn bực, đồng thời cũng phê phán những kẻ lười biếng, xấu xa trong xã hội đương thời.

Những bài đồng dao của người Tà Ôi được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, mỗi thế hệ được họ thêm thắt nội dung cho dài ra hoặc tạo ra nhiều bài mới mang tính dị bản đều xoáy quanh các chủ đề, chủ điểm quen thuộc của đời sống. Đi sâu vào từng bài đồng dao Tà Ôi, chúng ta sẽ bắt gặp cảnh những sinh hoạt thường ngày của người Tà Ôi như các bài: Bắt con heo vui nhộn, Đào bắt con dế về làm thức ăn, Bắt con ve của bọn trẻ con, Xúc cá của những người phụ nữ đảm đang, Cho con tắm là những công việc thường ngày của người mẹ, Canh rẫy của những chủ đất, Châm biếm những hạng người siêng ăn nhác làm...

Nếu như ở đồng dao người Việt thì trẻ em thường hay hát và nội dung phong phú thì ở đồng dao Tà Ôi cả người già, người lớn và trẻ em đều hát, nội dung chủ yếu xoay quanh các công việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm nương rẫy, đánh bắt cá, săn bắt thú rừng, các trò chơi ở sông, suối, hồ, ao của lớp trẻ và các công việc trong gia đình của người phụ nữ.

Các bài đồng dao quen thuộc

* Cho con tắm (Ta hôm đăq)

Đối với người Tà Ôi xưa kia cũng như ngày nay, trước khi cho đứa trẻ tắm hay muốn dỗ dành khi đứa trẻ khóc, họ thường vui đùa bằng động tác và hát những câu đồng dao ngộ nghĩnh gây cười. Mặc dù đứa bé còn nhỏ chưa nói được, nhưng thông qua lời hát đồng dao và động tác nhẹ nhàng cùng nét mặt chan chứa tình thương yêu của người lớn dành cho con trẻ, thì tâm hồn trong sáng đầu đời của trẻ thơ cũng cảm nhận rất rõ những tình cảm trìu mến của người lớn dành cho chúng.

Từ chỗ đứa trẻ khóc đòi hay lười tắm khi thấy chậu nước rồi sau đó là tiếng cười giòn tan trong trẻo và tiếng nấc vui sướng tột độ của đứa trẻ và chúng vui vẻ vùng vẫy trong cái chậu nước rất hồn nhiên và đáng yêu. Câu đồng dao này chỉ sử dụng cho đứa trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi, bởi ở cái tuổi đó trẻ con rất ngại tắm, hay khóc đòi, bởi vậy, mỗi lần chuẩn bị tắm hay khóc đòi, người lớn trong nhà thường đùa với trẻ bằng tư thế: người lớn nằm ngửa, co quắp đôi chân lại, hai bàn chân để xát vào nhau và gấp lại, sau đó, bồng đứa bé đặt vào bàn chân và giữ cho chắc bằng cách gấp hai bàn chân xát vào mông của đứa trẻ rồi đưa lên hạ xuống theo nhịp chậm vừa. Đồng thời theo nhịp đó người mẹ hát theo câu đồng dao, hát câu đầu tiên thì đôi chân cùng đứa bé đưa lên cao, đến câu thứ hai thì hạ xuống, cứ như vậy cho đến khi thấy đứa trẻ vui cười thì mới hạ xuống và cho tắm:

Gấp bàn chân/ Con nằm vào/ Cuộn lá mây/ Thấy con khỉ/ Xì địt ra/ Nhà con quạ/ Trên cành cây/ Nó bay vào/ Cây cà kheo/ Nó trèo lên/ Trên cái bẫy/ Nó nhìn vào/ Cái ống nứa/ Thấy bông kê/ Bế con tôm/ Xuống tắm thôi.

* Lên dốc (Xâr tưc cưh)

Trong những lần đi lên rẫy hái rau, để đến được tấm rẫy đó phải vượt qua một con dốc khá cao và dài, sợ trẻ con nhụt chí người già liền hát câu đồng dao lên dốc. Hát nhịp nào thì trẻ con bước theo nhịp đó. Trẻ con liền hát theo lời người già với câu đồng dao ngắn gọn dễ nhớ nên chỉ cần nghe hai lượt là đã thuộc ngay và mọi người vui vẻ leo dốc vừa hát say sưa:

Con chim lên dốc/ Bà cháu mình cũng lên dốc/ Con chim bay lên trời/ Bà cháu mình cũng bay lên trời/ Con chim cắt đuôi/ Bà cháu mình cũng cắt đuôi/ Con chim hỏi khách/ Bà cháu mình cũng hỏi khách/ Con chim chưa đến đỉnh/ Bà cháu mình cũng chưa đến đỉnh/ Con chim ở trên đỉnh dốc/ Bà cháu mình cũng ở trên đỉnh dốc.

* Canh rẫy (Bar pưt đay)

Để bảo vệ mùa màng nương rẫy, ngoài các vật dụng vũ khí như: bẫy, chông… người Tà Ôi còn có câu đồng dao nhằm hù dọa các loại thú rừng vào phá hoại các loại cây trồng. Thay cho đỡ vất vả phải đi vòng quanh tấm rẫy để xua đuổi bầy thú, người đi canh chỉ ngồi một chỗ trên cái chòi cùng với cây đàn Ân toong a tuục(1) vừa gõ vừa hát câu đồng dao. Các loài thú khi nghe câu đồng dao này chúng hoảng sợ chạy tán loạn không dám đến nữa:

Ơ hơ ơ hơ/ Ở đầu rẫy có cái chông tre/ Ở chân rẫy có cái chông nứa/ Bên phải rẫy có dấu chân mèo/ Bên trái rẫy có dấu chân chó/ Con dao mỏng mỏng để xẻo lấy xương/ Cái gùi thưa thưa để đựng gan ruột/ Con dê loang trắng để dành mua Tal/ Con dê mảng đen để đổi lấy Têl(2)/ Ơ hơ ơ hơ.

* Bắt con ve (Cốp atier)

Sau những cơn mưa giông xối xả trút xuống xua đi cái nóng oi bức của tháng 5 tháng 6. Trời vừa chạng vạng tối, mỗi nhà lại ra sau vườn hay trước sân đốt lửa cháy thật to và mọi người đứng xung quanh theo hình vòng tròn, họ mang theo một cặp Târ neh(3) được làm từ tre già để gõ. Ngoài những tiếng gõ của Târ neh họ còn có câu đồng dao để dụ đàn ve tới, để dễ dàng bắt lấy con ve. Người Tà Ôi thường chọn những khoảng sân rộng có cây nhỏ thấp vừa tầm, nếu khoảng sân đó không có cây thì mỗi người tự hái lấy một cành cây hay một bông đót và cầm trên tay giơ lên cao để làm cái bẫy, khi cầm cành cây đó chú ý không được động đậy không được xiêu vẹo mà phải dựng đứng như cành cây tự nhiên vậy, nếu không đàn ve sẽ không đậu mà bay đi nơi khác. Đôi Târ neh cũng được thay đổi luân phiên trong vòng tròn đó, người gõ cũng chính là người hát câu đồng dao.

Tiếng gõ léc kéc hòa cùng lời hát đều đặn theo nhịp 2/4 để gọi đàn ve kéo về thật đông, đậu vào người, đậu vào lá, vào cành cây làm cho mọi người hò reo tranh nhau bắt lấy. Đây cũng là cơ hội để cho mọi người đặc biệt là nam nữ vui đùa chọc ghẹo nhau bằng những hành động bắt trống những con ve không hề có trên cơ thể của người mà họ muốn trêu ghẹo. Có người thì bí mật ném hòn đá vào cơ thể, để người đó tự bắt lấy, gây cười hơn nữa là người bị lừa đó lại xuýt xoa tiếc nuối vì tưởng rằng mình đã chậm tay để con ve kịp bay đi đậu vào cành cây người khác. Mặc dù người chọc, người đồng mưu rất buồn cười nhưng phải cố nín, nếu không sẽ bị lộ mặt, bị ăn đòn và lần sau không chọc được nữa. Đây là một dạng sinh hoạt, một dạng trò chơi đầy dí dỏm và đầy thú vị của tộc người Tà Ôi:

Hỡi con ve ve/ Đang bay vèo vèo/ Mùa mưa dông bão/ Đã về đến rồi/ Hãy gọi bầy đàn/ Về mặc A mưng(4)/ Về đậu thật đông/ Về uống nước lã/ Về ăn nước cơm/ Về say rượu cần/ Hỡi con ve ve.

Ngoài ra, người Tà Ôi còn có bài đồng dao tiếp theo, người lớn nhất trong nhóm cầm thẻ đánh và kết hợp đọc:

Mùa nắng đã đến/ Mùa mưa tới rồi/ Thấy người mặc váy/ Thì mày bay đi/ Thấy người mặc a nóp(5)/ Thì đậu cho nhiều.

* Xúc cá (Tả tủa boaiq)

Sau một ngày lao động mệt nhọc trên nương rẫy, chiều chiều các mẹ các chị người Tà Ôi lại cầm trên tay dụng cụ Anúa(6), Anóc(7) tranh thủ xuống suối đơm bắt cá để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Khi bắt đầu đặt Anúa, Anóc xuống dòng suối, lật hòn đá đầu tiên, các mẹ các chị thường có câu đồng dao nhằm cầu xin con cá đừng trốn đi nơi khác mà hãy xông vào Anúa, Anóc mong bắt được đầy ắp Cà oi, Cà rìa(8) con cá ngon ngọt mang về nhà cùng chồng con, cha mẹ già được bữa ăn ngon lành, đầm ấm tình thương yêu.

Câu đồng dao ngắn gọn nhưng chan chứa tình mẹ, tình vợ cùng với hình ảnh luôn bươn chải, luôn vất vả sớm hôm vì chồng con, vì cha mẹ: Cầu mong cầu mong/ Cá to lẫn cá nhỏ/ Xông vào thật đông/ Cho đầy Anúa, Anóc của ta.

* Châm biếm (Ti bưn)

Người đời thường nói “Ăn có mời, làm có mượn”. Không mời không mượn mà tự vác mặt đến ăn thì bị đánh giá là người vô duyên, nhưng ở trên đời này vẫn không thiếu những người vô duyên như thế.

Có những người khi mượn đi làm việc gì đó thì vắng mặt và ngược lại trong những dịp lễ hội thì cho dù không mời nhưng lại tự đến, đã thế lại ngồi ăn uống nói chuyện một cách tự nhiên cùng các vị khách quan trọng thì làm cho chủ nhà cay con mắt, nóng cái bụng.

Để giáo dục và đuổi khéo những vị khách vô duyên đó, người Tà Ôi có câu đồng dao nhằm để châm biếm. Lời lẽ thâm thúy dùng để chửi khéo cùng giọng điệu mỉa mai của chủ nhà cất lên như xoáy vào tim gan, làm những vị khách không mời mà đến đó tự nhận biết, xấu hổ và tự bỏ đi:

Cái điếu Tu Ko(9) to to dài dài/ Cái rìa cây đa rủ xuống lưa thưa/ Cái đuôi tê giác bỏ mặc lòng thong/ Cái lưng con mèo cong cong ngồi ăn/ Cái đít con chó tồng ngồng ngồi chờ.

* Chơi ném đá trên mặt nước (Ưm par bul)

Đây là một trò chơi dành cho tất cả mọi giới mọi lứa tuổi, trước khi bơi tắm trên hồ nước, sông, suối thì họ thường tìm hòn đá nhỏ, lép, sau đó lần lượt từng người một thi nhau ném, ném làm sao cho hòn đá vừa bay vừa dội nẩy trên mặt nước, ai ném hòn đá bay xa hơn thì người đó thắng cuộc trong sự hò reo của mọi người.

Phần thưởng cho người thắng cuộc là được xuống hồ trước và lần lượt người chiến thắng tiếp theo. Đây vừa là thú vui vừa là cái mẹo muốn thử xem người tắm có biết phòng tránh nguy hiểm đến tính mạng của mình, nếu có vật gì nguy hiểm đang ở dưới đáy hồ thì khi hòn đá dội xuống mặt nước nó sẽ ngoi lên đớp lấy và họ sẽ tránh xa cái hồ đó, nhưng nếu ném đá xong mà hồ nước vẫn tĩnh lặng thì đó là nơi vui đùa bơi tắm an toàn dành cho mọi người. Người ném đá chính là người hát câu đồng dao trong tư thế chuẩn bị ném.

Cầu hòn đá này,
Bay sang hồ nước.


Còn có câu khác như sau, đọc xong câu này rồi ném hòn đá qua mặt nước:

A zăng zeq,
Mày xin bên kia,
Rồi về bên này.


* Gọi nắng (Paxool púa)

Trẻ em hoặc người lớn thường khi tắm lâu lúc lên bờ thấy lạnh và gọi nắng lên sưởi ấm. Thực ra trước khi gọi thì đã có nắng rồi. Qua bài hát đồng dao này thấy được sự sáng tạo trong vui nhộn của người Tà Ôi trước đây và còn giữ được đến tận bây giờ.

Nắng ơi lên đi,
Mía Tru
(10) lên mầm,
Mía Doan
(11) nó mập.

* Chặt củi (Câl uh)

Hoạt động kinh tế nương rẫy của người Tà Ôi ngoài việc thu hoạch hoa màu thì họ còn phụ thu từ những vật dụng khác phục vụ cho nhu cầu cuộc sống con người. Việc khai thác chất đốt trong đó củi là công việc hầu như quanh năm. Để giảm bớt mệt nhọc trong những lần kiếm củi, người Tà Ôi đã sáng tạo ra những câu hát đồng dao rất ngộ nghĩnh, lấy cảnh vật quanh họ để hát. Bài hát này dành cho những trẻ em mới lớn theo mẹ, cha đi lên rẫy gùi củi về:

Tay cầm con dao/ Làm sao cho sắc/ Để mà dễ cắt/ Để mà dễ chặt/ Chặt lấy củi cành/ Trèo lên rừng xanh/ Chạy quanh sườn núi/ Một mình thui thủi/ Chặt cây chặt củi/ Tìm chốn ta ngồi/ Ngồi mát thảnh thơi/ Kìa một đàn chim/ Ở đâu bay đến?/ Ở đâu bay lại?/ Con đang cắn trái/ Con đang tha mồi/ Qua lối nọ ăn/ Cái con hươu kia/ Mày đang ăn lá/ Lá vả lá sung/ Mày trông thấy tớ/ Tớ không đuổi mày/ Mày qua lối nọ làm chi?

*

Trước đây, người Tà Ôi đang còn sống khép kín trong bức rào kiên cố của hủ tục, mê tín và còn hạn chế rất nhiều về kiến thức khoa học, đời sống kinh tế gần như lệ thuộc vào thiên nhiên, truyền thống cần cù trong lao động không đủ để có một đời sống kinh tế ổn định. Cho đến khi những quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội cũ bị phá vỡ trước những bước tiến lên của đất nước, người Tà Ôi đã nhanh chóng hội nhập với đời sống mới và điều này đã được họ gửi gắm qua những lời nói có vần, có lớp toát lên đầy đủ những điều mà họ suy nghĩ, họ muốn nói, căn dặn, khuyên răn. Và họ đã lấy đồng dao và trò chơi dân gian để quên đi những nhọc nhằn trong công việc nương rẫy, săn bắn ở núi rừng.

Trong quá trình tìm hiểu thể loại đồng dao Tà Ôi, chúng tôi thấy số lượng đơn vị đồng dao được sưu tầm còn quá khiêm tốn so với các dân tộc anh em khác trên đất nước ta. Trong một chừng mực nào đó, nếu không có kế hoạch sưu tầm, ghi âm, ghi hình và sớm đề ra phương án bảo tồn, biên soạn văn học dân gian Tà Ôi lâu dài thì nguy cơ thất truyền cao. Vì người Tà Ôi không có chữ viết, lưu truyền ngữ văn bằng miệng, khi những nghệ nhân diễn xướng mất đi thì vốn quý văn hóa dân gian đó vĩnh viễn không còn.

T.N.K.P
(SH316/06-15)

 

.............................................
1. Ân toong a tuục: Là loại đàn bằng gỗ, có hai loại, loại 1 gồm 4 thanh dài ngắn khác nhau, loại 2  gồm 6 thanh bằng nhau. Gỗ để làm đàn phải là thứ gỗ mềm và dễ đẽo, hai bên thân gỗ được bạt  sao cho bằng phẳng, ở hai đầu thanh gỗ thì để tròn và có chừa lỗ để xuyên dây cột vào giá đỡ đàn.  Các thanh gỗ này được treo trên một giá cao ngang với tấm ngực của người đứng gõ, âm thanh đàn  này phát ra giống như đàn Klongput của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.

2. Tal, Têl: Chỉ những thứ vật dụng do người Việt làm ra.

3. Târ neh: Là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ của người Tà Ôi, lấy một ống tre già, chặt dọc ra làm hai  miếng, sau đó vót nhỏ thon lại, vát hơi mỏng một tí, bôi nhựa cây vào để bảo quản khỏi mối mọt.  Khi có những trò chơi tập thể thì đem ra gõ, hoặc diễn xướng dân nhạc thì đem ra gõ nhịp theo  tiếng trống.

4. A mưng: Áo bằng vỏ cây của người Tà Ôi xưa.

5. A nóp: Váy của phụ nữ Tà Ôi.

6. Anúa: Thường được đan bằng mây, có dạng hình chóp, phần dưới đáy nhỏ càng lên cao vành  miệng xòe càng rộng, có độ dài khoảng 0,5m. Anúa thường được đặt ngược dòng nước chảy để cá  trôi vào và mắc kẹt ở đó không bơi ra được hoặc để dọc theo dòng nước từ trên chảy xuống để cá  trôi vào không phóng ra được nữa

7. Anóc: Hay còn gọi là cái vợt, được đan bằng sợi gai kidol, sợi gai này được những người đi rừng lấy  trong rừng sâu đem về tước sợi rồi đem phơi khô. Sau đó các thiếu phụ Tà Ôi lại tước nhỏ nối cho  thật dài rồi đan thành một tấm lưới to rộng. Lưới sau khi đan xong được buộc vào một chiếc vòng  bằng mây tròn có đường kính khoảng 0,5 - 1m, từ chiếc vòng tròn đó sẽ có một cái cán dài khoảng  1,2 - 2m cột chặt bởi nhiều sợi dây dai, chắc. Cái cán dài này chính là chiếc tay cầm. Khi đi xúc cá,  người Tà Ôi hay sử dụng chiếc Anóc này, họ có thể xúc vào bất cứ nơi nào của hai bên bờ suối, và  thường xúc được cá vừa và nhỏ.  

Ngày nay, người Tà Ôi vẫn còn đan và sử dụng Anóc nhưng vật liệu đan lại là các sợi dây nilông mua  ở chợ hoặc họ tận dụng lại các loại bao nilông đựng gạo, phân đạm... Việc đan Anóc là việc của người  phụ nữ và cũng là công cụ đánh bắt cá của người phụ nữ nên Anóc vừa bền nhưng lại vừa nhẹ, dễ dùng.

8. Cà rìa: Có cấu tạo và công dụng giống như chiếc Cà oi.

9. Tu Ko: Cái ống điếu có cán rất dài, được chạm khắc rất đẹp và loại này chỉ dành cho những vị cao  tuổi, già làng, trưởng bản dùng mà thôi.

10. Mía Tru: Mía của người Tà Ôi được trồng ở rẫy.

11. Mía Doan: Mía của người Việt trồng ở những vùng ven đồi, ven suối, đất bằng.








 

Các bài mới
Chùm ngụ ngôn (21/09/2023)
Các bài đã đăng
Lệ đàn (05/08/2014)
Rủ nhau đi cầu (03/07/2012)