Văn học dân gian
Con Lợn ủn ỉn… đừng hành thân tôi!
15:08 | 06/02/2019

NGUYỄN DƯ  

Sách báo ngày xưa có nhiều bài viết về tranh Tết, tranh Gà, tranh Lợn. Ai cũng khen tranh đẹp. Không có gì phải thắc mắc.

Con Lợn ủn ỉn… đừng hành thân tôi!
Tranh Đặng Mậu Tựu

Tranh Lợn có ba tấm: Lợn ỉ, Lợn ăn cây dáy (biến thể của Lợn ỉ) và Lợn nái. Điểm đặc biệt là tất cả lợn trong tranh đều có cái khoanh tròn trên mình và trên đùi.

Ý nghĩa cái khoanh tròn này là gì?

Xưa kia, một số làng miền Bắc có tục đóng góp, chung nhau nuôi lợn ỉ để làm lễ tế thành hoàng, thần thánh nhân dịp làng mở hội. Lợn ỉ màu đen, mặt ngắn và nhăn, tai vểnh, lưng võng, chân thấp (Từ điển Hoàng Phê).

Tại sao lại đặt tên là lợn ỉ?

Ỉ hay Ỷ (chữ Hán, bộ Nhân) nghĩa là dựa vào sự giúp đỡ của người khác. Nôm na là ỉ lại vào người khác.

Lợn ỉ là “ông lợn” được dân làng nuôi với mục đích là nhờ ông đi sang thế giới bên kia cầu xin thần thánh phù hộ cho mọi người.

Một vài nước khác cũng có tục nuôi lợn, tuy không gọi là lợn ỉ, nhưng mục đích cũng là dùng để tế thần. Dumoutier kể rằng tại ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Hồ Nam (Trung Quốc), các nhà sư có nuôi lợn để cúng tế. Các giáo sĩ Hi Lạp nuôi lợn trong khuôn viên đền thờ Déméter. Dân chúng đến đền Cuide dâng hiến một pho tượng hình lợn để xin “sinh năm đẻ bảy được vuông tròn”(1).

Nuôi ông ỉ phải cẩn thận từ việc ăn uống đến việc tắm rửa hàng ngày cho ông. Để bảo vệ ông chống lại ma quỷ, yêu quái người ta vẽ bùa “thái cực âm dương” lên mình và đùi ông.

“Thái cực âm dương” là một hình tròn, chia thành hai phần màu đen và màu trắng bằng nhau. Trong phần trắng có một chấm đen, trong phần đen có một chấm trắng.

Muốn khắc in đúng hình “thái cực âm dương” thì chỉ có hai cách: hoặc phải “trổ tài” thao tác khắc ván, hoặc phải tô vẽ bằng tay.

Nhiều nghệ nhân đã chọn giải pháp thứ ba là… “xí xóa”, bỏ hai cái chấm, không tô màu đen.

Rốt cuộc, hình “thái cực âm dương” của tranh Lợn vẽ đúng thì chỉ có sách của Dumoutier (1908). Tranh Oger (1908 - 1909) và tranh Đông Hồ vẽ sai.

Nuôi ông ỉ trên thực tế là một cái vạ. Chẳng có ai dại dột ăn cơm nhà, thổi tù và hàng tổng. Làng bắt phải tình nguyện mới xong!

Nhà nào nghèo không đóng góp nổi vào việc nuôi ông ỉ thì tự an ủi bằng cách mua tranh vẽ ông ỉ về dán lên cửa, lên cột. Một cách khuyến khích chơi tranh Tết.

*

Làng Th. L. (Phúc Yên), làng Niệm Thượng (Bắc Ninh), làng Tích Sơn (Vĩnh Yên) có tục chọc tiết, chém lợn ỉ tại sân đình để làm lễ tưởng nhớ thành hoàng làng xưa kia hành nghề… tướng cướp(2) (3).

Chọc tiết lợn giữa tiếng chiêng trống, hò reo có thể kích thích tính hung bạo, gây ảnh hưởng xấu lên đám trẻ con. Tuy vậy, chọc tiết lợn vẫn chưa dã man bằng chém lợn. Đồ tể chờ lúc con lợn bị nhốt trong cũi thò đầu ra ngoài thì lập tức khua dao, chém một nhát thật ngọt! Chém lợn gợi nhớ cảnh Bát Lê múa thanh quất chém tử tù trong Bữa rượu máu (còn có tựa khác là Chém treo ngành) của Nguyễn Tuân.

Có người đề nghị sang thế kỉ 21, nên bỏ tục chém lợn dã man.

- Chém lợn là lễ hội truyền thống của làng, không bỏ được!

- Tục đốt pháo của cả nước còn bỏ được thì tục chém lợn của hai, ba làng là… chuyện nhỏ. Muốn bỏ thì cũng dễ thôi. Nên bỏ trước khi bị Hội bảo vệ súc vật của thế giới phê bình, phản đối.

Miền Nam có heo ỷ (Tự vị Huỳnh Tịnh Của). Heo ỷ của miền Nam không bị chém để tế thần, lại còn được hân hạnh tham dự vào lễ cưới, được chú rể mang biếu bố mẹ cô dâu (Từ điển Génibrel).

Bên cạnh cái bùa “thái cực âm dương” để bảo vệ ông ỉ, dân gian còn có thêm một cái bùa khác cũng để bảo vệ lợn.

- Lợn không ăn, lấy giấy vàng viết mấy chữ “Khương Thái công tại thử” (Khương Thái công ở tại đây) dán ở chuồng thì khỏi(4).

Khi làm nhà, làm lễ cất nóc (thượng lương), dân quê cũng thường treo bùa “Thái công tại thử”(5).

Lợn được nâng lên ngang hàng với người à? Khương Thái công là ai?

Khương Thái công là Khương Tử Nha, tên chữ là Lữ Vọng, người đời Châu, học đủ sáu thao. Thuở hàn vi bị vợ bỏ đi lấy chồng khác. Tử Nha không màng, cứ ngồi bàn thạch ở sông Vị Thủy câu cá chờ thời. Tới 80 tuổi, vua nhà Châu rước về làm thừa tướng đánh Trụ, dựng nghiệp cho nhà Châu hơn tám trăm năm(6).

Tại sao Khương Thái công hay Thái công Vọng là một nhân vật lịch sử có thật lại trở thành một vị thần hộ mệnh như vậy?

- Vì đời sau… bắt chước Ngô Thừa Ân!

Ngô Thừa Ân (1500 - 1581) là tác giả bộ Tây du kí, kể truyện Đường Tăng đi thỉnh kinh Phật. Ngô Thừa Ân đã biến đổi một truyện có thật thành một truyện thần tiên ma quái, phù phép biến hóa.

Tây du kí được nhiều người thích. Nhân vật Tôn Ngộ Không được tôn lên hàng Tề thiên đại thánh và được một số nơi thờ.

Noi theo Ngô Thừa Ân, nhiều tiểu thuyết thần tiên ma quái được ra đời, trong đó có Phong thần diễn nghĩa.

Phong thần diễn nghĩa dựa vào truyện lịch sử “Vũ Vương diệt Trụ”, nhưng tác giả đã cho quan thừa tướng Khương Tử Nha phò trợ Vũ Vương tha hồ tung hoành đánh dẹp đủ thứ ma quỷ yêu quái, để cuối cùng là chiến thắng Trụ Vương.

Thái công Vọng, một nhân vật lịch sử bỗng dưng được dân gian tôn lên là đứng đầu các thần, bảo vệ tất cả mọi nơi, chống lại ma quỷ.

Mấy ông biết đọc sách Tàu ngày xưa, đọc xong Tam quốc chí bèn rủ nhau thờ Quan Công. Đọc xong Tây du kí là thờ Tề thiên đại thánh. Đọc xong Phong thần diễn nghĩa là thờ Khương Thái công. Bụt chùa nhà không thiêng, đi cầu Thích Ca ngoài đường.

*

Ngành chăn nuôi lợn của nước ta phát triển được là nhờ công sức của mấy con lợn hạch, lợn nái.

Lợn hạch (còn gọi là lợn dái hay lợn cà) là lợn đực nuôi để lấy giống. Lợn nái nuôi để cho đẻ con.

Tự điển Khai Trí Tiến Đức lợn cấn (được định nghĩa là lợn đực nuôi để làm giống). Theo Từ điển Hoàng Phê thì lợn cấn là lợn bột (lợn đã thiến hoạn, nuôi để lấy thịt).

Trở lại chuyện lợn hạch, lợn nái…

Lợn hạch có số đào hoa, lúc nào cũng sung sức, bừng bừng khí thế, sẵn sàng đi gieo giống. Lợn nái thì hiền lành, vui đâu nằm đấy, ai muốn trồng khoai đất này cũng được.

Hai bên chỉ còn chờ ông chủ đi gặp bà chủ để thỏa thuận giá cả. Đúng ngày lành, giờ tốt, lợn hạch ủn ỉn đi phối. Lợn nái đang sốt ruột chờ. Bảo đảm kết quả sẽ… con đàn con đống.

Bên mua, bên bán, bọn dắt mối, tất cả cùng được hưởng lợi… hợp pháp.

Vui vẻ cả làng.

*

Năm Tuất sắp qua, năm Hợi sắp đến… Thầy bói, thầy tướng ngắm nhìn trời đất, bấm đốt tay đoán rằng Lợn, Heo sẽ mang lại an nhàn, hạnh phúc, “ăn no lại nằm” cho mọi người. Riêng đám trẻ con thì Lợn, Heo cho ăn Cái lưỡi:

“Một hôm, người chủ nhà bảo tên đầy tớ rằng: “Mày ra bắt con lợn đem làm thịt, và xem cái gì ngon hơn cả thì đem về đây cho tao”.

Tên đầy tớ vâng lời, bắt lợn giết, và lấy cái lưỡi đem vào hầu chủ.

Mấy hôm sau, người chủ muốn thử tên đầy tớ, lại bảo nó đi làm thịt con lợn khác và dặn rằng: “Xem có cái gì không ngon hơn cả thì đem vào.

Tên đầy tớ làm lợn xong, lại đem cái lưỡi vào cho chủ. Người chủ hỏi: “Thằng này láo! Sao lần này mày lại đem lưỡi vào cho tao như lần trước?”.

- Thưa ông, cũng một cái lưỡi, khi tử tế ra thì không có gì tốt bằng, nhưng khi độc ác thì lại không có gì xấu cho bằng”. (Quốc văn giáo khoa thư).

Lyon, 11/2018
N.D
(TCSH360/02-2019)

------------------
(1) Gustave Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, IDEO, 1908, tr. 286.
(2) Ngô Tất Tố, tập 2, Tập án cái đình, Văn Học, 1977, tr. 159.
(3) Toan Ánh, Hội hè đình đám, quyển hạ, tr. 60.
(4) Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Hà Nội, 2008, tr. 103.
(5) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Đông Nam Á, 1985, tr. 179.
(6) Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954, tr. 193.




 

 

Các bài mới
Chùm ngụ ngôn (21/09/2023)
Các bài đã đăng