HOÀNG VŨ THUẬT
Văn học nghệ thuật đương đại là vấn đề rộng lớn, nhiều nhìn nhận đánh giá khác nhau, nhiều ý kiến trái chiều, đôi khi cực đoan, phiến diện; điều này trở thành phức tạp và khó tìm được đáp số chung.
Ở đây tôi muốn khu biệt trong phạm vi văn học. Chưa ai khẳng định văn học Việt Nam ngày nay đã tương xứng với sự diễn biến và đổi thay của xã hội. Văn học ta đang ở đâu? Đường đi của nó như thế nào? Những sáng tác mới cùng với sự rùm beng giải thưởng từ trung ương đến địa phương bấy nay liệu đã thực chất chưa? Những người thiết lập ra đường đi nước bước và chịu trách nhiệm trước đời sống xã hội, trước công chúng đã làm tròn bổn phận của mình hay không? Tất cả đang chờ câu trả lời.
Chúng ta còn nhớ sau năm 75, một số ý kiến đã đặt lại vấn đề về thành quả của văn học trong thời gian qua. Trào lưu và phương pháp sáng tác bấy lâu ta lấy làm kim chỉ nam cho văn học có phải thật sự mực thước? Gì thì gì không thể biết hết. Nhưng rõ ràng ta đã mắc quá nhiều sai lầm trong quá khứ và đến bây giờ vẫn còn như cũ, chưa có sự tiến triển rõ rệt. Có thể nói văn học đương đại vẫn bế tắc, không có lối ra. Chúng ta, có lẽ không chỉ một lần, mà nhiều lần bức xúc: hãy đọc lời ai điếu cho một thời văn chương minh họa, văn học phải đạo. Suy nghĩ ấy bám riết chúng ta như một định mệnh, dù chúng ta đã tìm cách hóa giải nó, phê phán nó.
Mikkail Ulyanov (1927 - 2007) là diễn viên, nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, anh hùng lao động XHCN, Chủ tịch Hội các nhà hoạt động sân khấu Nga, từng sắm vai Lênin và nguyên soái G. Zhukop trong hơn mười bộ phim, giải thưởng Lênin, giải thưởng Nhà nước Liên Xô đã dẫn lời một nhà triết học ở đầu thế kỷ: bản thân nền tảng của văn hóa Nga là nền văn hóa “biết xấu hổ”. Còn chúng ta đây, chúng ta có tự biết xấu hổ với nền văn học đương đại hay không? Sẽ có người cho rằng, vâng, chúng ta cũng có cái để mà tự hào đấy chứ. Chúng ta đều hiểu văn học thời chiến, chủ yếu là dòng văn học cổ động. Viết để tuyên truyền cổ vũ người ra trận. Văn học đồng thời là khẩu hiệu hóa, bích chương hóa nhằm đạt mục đích đường lối thời đại ấy. Tôi đã sáng tác những dòng thơ như thế và cho đó là nghĩa vụ thiêng liêng của văn chương. Nhưng văn chương đích thực cao hơn. Văn chương gắn liền với thân phận con người, sống chết với con người trong khổ đau và khát vọng. Văn chương mang hai chữ con người đầy đủ nhất, nó vực con người đứng lên với bản chất vốn có, hướng đến sự cao thượng mà tạo hóa đã ban cho. Nhìn lại chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều. Cá tính sáng tạo của nhà văn bị tước bỏ. Nhà văn sáng tác theo tiêu chí đơn đặt hàng như cái máy làm ra tác phẩm. Tác phẩm không còn bóng dáng người viết, không mang linh hồn phong cách người đẻ ra nó. Thử hỏi làm sao có tác phẩm lớn, mang ý nghĩa xã hội và xứng tầm thời đại được? Suy từ bản thân chúng ta, từ đúc kết ở Liên Xô trước đây, từ các nước anh em mà giải mã câu trả lời trên. Biết xấu hổ không phải là xấu, biết để tìm chọn cho mình con đường sáng tạo. Nghị quyết 23 Bộ Chính trị đã khẳng định tự do sáng tạo, đổi mới trong văn học nghệ thuật là điều kiện tốt nhất để nhà văn làm ra tác phẩm.
Trong bối cảnh đó, mỗi địa phương có vị thế và ý nghĩa khá quan trọng. Văn học địa phương, trước hết, là tạp chí văn nghệ - bộ mặt của nó, có vị trí như thế nào trước sự thật lịch sử. Phạm vi nào đó, người cầm bút dù ở nơi nào cũng có thể hàn gắn vết thương quá khứ, điểm tô lại gương mặt thật của mình. Văn học từng địa phương mang đặc trưng của địa phương đó. Cái nét riêng vùng miền ảnh hưởng đến sáng tạo của từng người nơi ấy. Nhưng văn học không đóng khung cho mỗi vùng đất, văn học là của chung nhân loại. Đaghestan, một vùng quê dân tộc hẻo lánh đã sinh ra nhà văn Gam Za Tốp nổi tiếng cả thế giới đều ngưỡng mộ ông là gì. Vậy tạp chí văn nghệ địa phương làm gì đây để trở thành tạp chí văn học thực sự? Bản lĩnh và nhân cách người chủ soái của một tạp chí, trước hết phải là bản lĩnh nhân cách của một người sáng tạo, dù có khi anh ta chưa là người cầm bút chăng nữa. Nhận thức về sáng tạo của anh ta phải biết xấu hổ với những gì chưa phải văn học. Anh phải là người lái tàu trên con tàu sáng tạo, nhất quyết gạt ra ngoài những sáng tác tầm thường, phi nghệ thuật, vô thưởng vô phạt, những sáng tác mô phỏng gượng gạo; đồng thời sẵn sàng đón nhận những tác phẩm thứ thiệt, dù người đó trong hay ngoài tỉnh, ở những châu lục xa xôi chăng nữa. Không thể tính phần trăm trong ngoài để khống chế bài vở và đo năng lực sáng tạo. Đã nói sáng tạo thì phải chấp nhận cái hay, cái mới, biết phát hiện cái lạ trong mọi trường hợp, tôn trọng các cây bút trẻ có triển vọng. Bởi vậy tạp chí địa phương không là cái rổ hổ lốn chứa đựng những thứ rác thải của văn chương, ai cũng ném vào đó được.
Những gì đã qua giúp chúng ta nhìn lại mình, nhìn lại văn học cả nước. Không gian của văn học đương đại Việt Nam ngày nay đã rộng mở, không chối bỏ bất cứ vùng miền nào. Văn học miền Bắc, văn học đô thị miền Nam, văn học trong vùng giải phóng, văn học hải ngoại của người Việt đều có quyền được đứng bên nhau làm nên dòng chảy, miễn sao đầy ắp tinh thần dân tộc nhân văn, đầy ắp bóng dáng con người bao dung nhân hậu và yêu thương. Mức độ đóng góp của từng vùng miền có thể chưa bằng nhau. Người quản lý phải biết xử lý đúng, biết nâng niu trân trọng mọi thành quả. Tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh và rải rác một vài tạp chí đã đăng tải bài vở viết ở hải ngoại, hoặc trong vùng tạm chiếm trước đây, đánh giá sòng phẳng giá trị đóng góp của những tác phẩm đó. Đó là việc làm đáng hoan nghênh trước xu thế đổi mới và hòa hợp dân tộc.
Về phương diện ấy tạp chí địa phương sẽ là nguồn nuôi dưỡng sản sinh ra tác phẩm thứ thiệt. Điều đó liệu có thể thực hiện được hay không là do trình độ người quản lý lẫn người sáng tác. Nhưng nhất thiết sáng tạo không phải thứ trò chơi rẻ tiền để cho những người vô công rồi nghề tìm kiếm tên tuổi háo danh trú ngụ. Thực tế hiện nay không ít tạp chí nhận nguồn và in bài viết vì mục đích phục vụ truyên truyền là chủ yếu. Nghĩa là chúng ta vẫn còn phải dẫm chân tại chỗ. Lần nữa chúng ta lại đọc lời ai điếu tự chôn mình hay sao? Cần hiểu rằng, nếu văn học trì trệ, không mang lại giá trị gì khi đất nước mở cửa, đổi mới và phát triển thì quả thật chúng ta đã có tội với nhân dân với lịch sử. Tại sao có nơi, có lúc người quản lý lãnh đạo văn học nghệ thuật không chịu học hỏi nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết, mở tầm nhìn sâu rộng đối với đời sống văn chương mà Nghị quyết 23 đã nhắc nhở? Tôi cho rằng, hiện tượng trên là sản phẩm bảo thủ, rào cản trước xu thế lịch sử.
Xin nhắc lại văn học là một loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù, là thứ sản phẩm tinh thần đặc biệt. Cái gì hợp với xu thế phát triển lịch sử, hợp với lòng người, mang lại lợi ích cho đời sống văn hóa con người thì cái đó tồn tại. Văn học xưa nay đã thiết lập nên đường gen di truyền. Nếu bắt nó làm trái phẩm chất vốn có, theo ý muốn cá nhân hoặc một bộ phận nào đó, sẽ tạo ra những khoảng rỗng trong xã hội. Văn học sẽ không kết nối được nguồn mạch từ thời cha ông cho đến con cháu sau này, không tiếp thu nổi các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại. Bức tranh toàn cảnh văn học khi ấy sẽ mờ nhạt và ảm đạm biết chừng nào. Nhờ văn học mà tính cộng đồng, hòa giải dân tộc càng ngày càng bền vững, tính nhân văn, dân chủ được nâng lên. Văn học đích thực vốn mang một ẩn số nghệ thuật, ẩn số đó là chìa khóa để mở ra chân trời khát vọng cao cả của con người.
25/5/2014
H.V.T
(SDB13/06-14)
MỘT BUỔI PHÁT HÀNH SÔNG HƯƠNG Ở ĐÀ LẠT Trần Ngọc Trác đưa tôi đến quán cà phê Ti gôn. Nơi Trác giới thiệu là điểm tập trung “khách hàng”. Lúc tôi và Trác đến, hơn chục người đã ngồi ở đó. Đa phần là những người khá lớn tuổi, tóc đã trắng trời. Qua lời giới thiệu tôi biết được các anh ấy là nhà giáo và rất Huế. Họ chờ... Trần Ngọc Trác hình như đã thông báo trước hôm nay có Sông Hương. Một hình ảnh hay hay khiến tôi phải tức khắc chớp ngay một pô ảnh. Báo đưa qua, tiền trả lại. Không lời mào đầu, ngoài những nụ cười xuề xòa vui vẻ giữa “khổ chủ” và khách hàng. Chỉ Trần Ngọc Trác là “hơi xon xót” khi cầm nắm tiền bán Sông Hương tươi rói rói, đưa qua tay cô chủ quán cũng tươi roi rói, bao sòng mấy ly cà phê mà khách hàng vừa nhâm nhi, vừa đọc từng trang báo thơm phức mùi mực. Xong! Nhà thơ quay qua tôi, nói một câu thật dễ thương rặt giọng Huế: “Luật phát hành Sông Hương ở Lâm Viên là vậy đó”. Nguyên Quân |