PHƯỚC VĨNH
Thừa Thiên Huế là vùng đất có những tính chất hết sức đặc biệt về văn học nghệ thuật (VHNT). Với 700 năm hình thành và phát triển cùng với lịch sử vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, VHNT Thừa Thiên Huế đã tạo nên những giá trị hết sức to lớn: vừa vĩ đại vừa tiên phong; vừa bác học, vừa đầy ắp chất folklo; vừa lãng mạn bay bổng song cũng rất trí tuệ, vừa cập nhật kịp thời các trào lưu trên thế giới song cũng luôn nồng nàn yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... Đóng góp vào dòng chảy VHNT ăm ắp các giá trị đó, dòng văn học cách mạng được khơi nguồn từ rất sớm, với tên tuổi của Phan Đăng Lưu, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, Tố Hữu, Hoài Thanh, Thanh Tịnh, Đào Duy Dếnh, Tôn Thất Đào...
Trước đây, với lòng mong mỏi đi tìm tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế hiện nay, anh em lãnh đạo Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã căn cứ vào các cuốn hồi ký và trí nhớ của các văn nghệ sĩ để đi tìm. Có 3 căn cứ xin viện dẫn:
- Căn cứ vào hồi ký của nhà văn Bùi Hiển “Phác thảo 91”, có tiêu đề “Thừa Thiên một thuở” đăng ở Tạp chí Sông Hương số tết Nhâm Thân 1992. Theo hồi ký này, khoảng cuối năm 1950, đã “tổ chức được một cuộc họp văn nghệ toàn tỉnh gồm hơn năm chục người tại huyện Phú Lộc, phía nam. Chúng tôi họp trong năm ngày, cũng có tranh luận, thảo luận về đủ các môn văn, thơ, nhạc, kịch, có phát giải thưởng, có tổ chức một đêm kịch (diễn cả Nhật Xuất) và sau đó có tổng kết và bầu ban chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên...”.
- Căn cứ thứ hai là bài phỏng vấn của nhà văn Đỗ Ngọc Yên, thực hiện tại Hà Nội vào mùa thu năm 2000. Tiêu đề bài phỏng vấn là “Hầu chuyện nhà văn Bùi Hiển”, đăng ở Tạp chí Sông Hương số 141, tháng 11 năm 2000. Cuộc phỏng vấn xác định: Đoàn văn nghệ sĩ và các anh chị em văn công Thừa Thiên, cán bộ và chiến sĩ Trung đoàn 101... đã cùng tập trung tại một làng trồng mía và dệt vải ở xã Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc phía nam tỉnh Thừa Thiên theo chỉ đạo của cấp trên. Đến tháng 10/1950 một cuộc Họp Bạn anh em văn nghệ toàn tỉnh Thừa Thiên đã được tổ chức, đánh dấu sự ra mắt của Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế.
- Căn cứ thứ ba là hồi ký “Cái thuở ban đầu nhớ lại” của nhà văn Hồng Nhu, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương: “Đại hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4/1994) khẳng định năm chính thức ra đời của tổ chức văn học nghệ thuật địa phương mình, bấy giờ là cuối năm 1950”.
Với những căn cứ đó, cùng với các nhân chứng gặp gỡ qua các chuyến điền dã về làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, ngày 15/5/2013, Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế mạnh dạn tổ chức buổi tọa đàm khoa học để xác định được cái nôi của văn nghệ cách mạng Thừa Thiên. Với những tư liệu thu thập được, cùng với hồi ức của một số người còn sống đã từng tham gia Hội nghị Họp Bạn năm xưa; buổi tọa đàm đó đã thống nhất tạm lấy ngày 15/10/1950 làm ngày truyền thống, và địa diểm là làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc.
Tưởng như đã yên tâm về ngày tháng và cái nôi văn nghệ cách mạng Thừa Thiên, thế nhưng rất may mắn cho những người làm công tác VHNT Thừa Thiên Huế là sau đó, nhà văn Dương Phước Thu, trong quá trình đi tìm tư liệu để làm đề cương cuốn Lịch sử báo chí Thừa Thiên Huế, đã tìm thấy một tư liệu quan trọng, cho biết cụ thể ngày giờ, tên gọi, địa điểm thành lập tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế hiện nay.
Bản tin thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên tối 18/9/1945 trên báo Quyết Chiến |
Tổ chức đó là LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA CỨU QUỐC THỪA THIÊN, thành lập ngày 18/9/1945 tại Huế.
Tư liệu đó là báo Quyết Chiến, cơ quan Thành bộ Việt Minh thành phố Huế, số 23 ngày 20/9/1945. Báo đưa tin như sau: “Hơn 50 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa họp tại Sở Tuyên truyền tối hôm 18/9/45 đã lập xong Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên”. Liên đoàn này gồm 4 ban: Văn học, Hội họa điêu khắc, Âm nhạc, Ca kịch, dưới sự điều khiển của một Ủy ban chấp hành lâm thời 5 người: Chủ tịch: Hoài Thanh; Phó chủ tịch: Đào Duy Dếnh; Thư ký: Thanh Tịnh, Hà Thế Hanh; Thủ quỹ: chị Quốc Thuận…”.
Với tư liệu quý giá đó, cho phép chúng ta xác định LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA CỨU QUỐC THỪA THIÊN là tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế hiện nay. Và Hội nghị Họp Bạn ở Mỹ Lợi, Phú Lộc năm 1950 là những hoạt động về sau của tổ chức văn nghệ Quân Khu Bốn tại Thừa Thiên Huế, đó cũng là một hội nghị rất quan trọng mà nhiều tài liệu có giá trị lịch sử đã ghi nhận.
Việc tìm ra tổ chức tiền thân và ngày truyền thống của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế là vô cùng quan trọng. Nó xác định bề dày rất đáng tự hào của tổ chức văn nghệ cách mạng Thừa Thiên, từ ngay sau Cách mạng tháng Tám đến nay, đã 69 năm.
Với ý nghĩa đó, ngày 24/12/2013, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công bố tư liệu về việc thành lập LIÊN ĐOÀN VĂN HÓA CỨU QUỐC THỪA THIÊN là tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế hiện nay. Hội nghị đã nghe nhà văn, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu trình bày kỹ hơn về bối cảnh, về các tư liệu bằng văn bản, hình ảnh liên quan đến vấn đề quan trọng nói trên.
Ngày 30/5/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1082/QĐ- UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa ký, quyết định “Lấy ngày 18 tháng 9 năm 1945 - Ngày thành lập Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên là Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế”.
Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp Các Hội VHNT Việt Nam cũng vừa có công văn số 308/CV-LH ngày 4/9/2014 nhất trí với quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 18 tháng 9 năm 2014 tới đây, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế sẽ long trọng tổ chức Lễ Công bố Quyết định mang tính chất lịch sử này.
Nhân đây, xin nhắc lại rằng Nghị quyết Tỉnh ủy lần thứ 5 (khóa XIV) về “xây dựng Thừa Thiên Huế ngang tầm là một trung tâm Văn hóa, Du lịch đặc sắc của cả nước”, có xác định lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành chức năng triển khai xây dựng đề án các thiết chế văn hóa và các công trình văn hóa trọng điểm ở đô thị Huế và các đô thị vệ tinh như: Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng; Trung tâm Hội nghị quốc tế, Trung tâm Điện ảnh; Vườn tượng quốc tế, Bảo tàng Dân gian Huế; Bảo tàng Thiên nhiên các tỉnh duyên hải miền Trung; Hệ thống tượng đài danh nhân, Cụm tượng đài An Hòa, Tượng đài 11 cô gái Sông Hương, xây dựng Bảo tàng Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và không gian lưu niệm một số văn nghệ sĩ tiêu biểu, đặc biệt là nhà thơ Tố Hữu...”.
Với chiều dài 700 năm hun đúc nên những giá trị lớn lao của văn học nghệ thuật xứ Huế như Hội thảo “Văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế” năm 2012 đã xác định; với bề dày 69 năm thành lập tổ chức văn nghệ cách mạng, một Bảo tàng Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế được xây dựng là hoàn toàn xứng đáng. Nó không chỉ đáp ứng lòng mong mỏi của giới văn nghệ sĩ mà còn là việc tỏ thái độ trân quý di sản to lớn mà tiền nhân để lại.
P.V
(SDB14/09-14)