Tính từ thời điểm mở cửa phục vụ khách tham quan thưởng lãm, đến nay, Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật (TBTPNT) Điềm Phùng Thị đã hoạt động được hơn 20 năm. Trong thời gian đầu mở của, Nghệ sĩ, Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã giới thiệu 125 tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu trong khuôn viên một ngôi biệt thự kiến trúc Pháp cổ kính mà trước đó là trụ sở của Phòng Giáo dục thành phố Huế.
Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc, sinh ngày 18/08/1920 và mất ngày 19/01/2002 tại Huế. Điềm Phùng Thị là nhà điêu khắc tên tuổi lớn của thế giới, là một trong hai nghệ sĩ tiêu biểu của Châu Á được ghi danh vào từ điển LaRousse, là những tài năng lớn của nghệ thuật của thế kỷ XX. Bà là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học - Văn hóa - Nghệ thuật của Châu Âu đã từng sống gần 50 năm tại Pháp. Thuở niên thiếu, Bà là một cựu học sinh của trường Đồng Khánh và Quốc Học Huế, sau đó học Đại học Y khoa Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ Nha khoa khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1946) và tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mãi đến năm 1960, khi đã bước sang tuổi 40, bà đến với nghệ thuật điêu khắc như một duyên mệnh. Tác phẩm Điềm Phùng Thị mang hơi thở, tiếng nói riêng cực kỳ đặc biệt và đơn nhất, không thể lẫn lộn với bất cứ nghệ sĩ nào khác trên thế giới. Đến bây giờ, những tác phẩm của Điềm Phùng Thị đã được đặt tại 38 tượng đài lớn trên thế giới (ở Việt Nam ngoài Nhà TBTPNT Điềm Phùng Thị còn có tượng đài ở Thị xã Hương Trà cao 13m và một số tác phẩm ở Hà Nội, Sài Gòn...), những kiệt tác của bà có ảnh hưởng rộng rãi với công chúng, giới nghệ sĩ, truyền thông tại Việt Nam và trên thế giới.
Các tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị là sự biến hóa linh hoạt của 7 modull mà nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự; còn giáo sư Trần Văn Khêthì gọi là 7 nốt nhạc. 7 chữ cái ấy tiền thân là những mẫu gỗ thừa mà người ta vứt đi trong xưởng mỹ thuật của trường nghệ thuật thực hành. Những mẫu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang... ngẫu nhiên, nhưng là cả một thế giới hình tượng hết sức sinh động qua con mắt của Điềm Phùng Thị. Từ trong đống những mẫu vụn ấy, bà đã chọn ra được 10 ký hiệu, rồi qua quá trình tiến hóa dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của Điềm Phùng Thị, bảng mẫu tự ấy đã cô đọng lại với 7 chữ cái. Từ hình người chấp tay, thêm vào mấy modull thành một ông quan, xoay qua xoay lại thành người phụ nữ, lật ngược, lật xuôi thành bông hoa... Với 7 chữ cái độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàn hình tượng: Thành một thế giới Điềm Phùng Thị đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông...
Sau khi bà Điềm Phùng Thị mất (19/01/2002), Nhà trưng bày được UBND tỉnh giao cho UBND thành phố Huế quản lý, mà đơn vị đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp là Phòng VHTT thành phố Huế. Đến ngày 18/12/2008, UBND tỉnh chính thức có quyết định điều chuyển Nhà TBTPNT cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý.
Khi bà Điềm Phùng Thị còn sống, cơ sở này vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi sinh hoạt. Ngoài không gian trưng bày, bà còn dành khu vực để chế tác tác phẩm nghệ thuật. Ngoài ra, bà còn rất quan tâm đến việc tuyên truyền, đào tạo thế hệ trẻ bộ môn điêu khắc với những bài học thực hành sinh động, bổ ích. Nhà trưng bày đã trở thành địa chỉ tham quan của những người yêu thích nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Sau khi tiếp nhận quản lý Nhà TBTPNT Điềm Phùng Thị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh đầu tư kinh phí để chỉnh trang, nâng cấp; tổ chức sắp xếp, bố trí nội dung trưng bày một cách khoa học, hài hòa, sinh động với không gian cảnh quan với ba mảng chủ đề chính gồm: Cuộc đời và sự nghiệp; Tác phẩm; Không gian sống. Sau chỉnh trang, nâng cấp, diện tích trưng bày được mở rộng lên đến 350m2 nhằm chuyển tải những ý tưởng, tâm tư tình cảm và tinh thần yêu quê hương, dân tộc của tác giả Điềm Phùng Thị thông qua những tác phẩm nghệ thuật đến với khách tham quan, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng và du khách.
Khi xây dựng đề cương trưng bày, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chú trọng tạo ra các điểm nhấn chủ đạo của tư tưởng nghệ thuật, tập trung làm nổi bật các thời kỳ quan trọng mang tính bước ngoặc lịch sử trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Điềm Phùng Thị để tạo ra không gian trưng bày đặc trưng với những mảng chủ đề khác nhau nhằm mục đích tạo ra tính bất ngờ, thú vị, gợi trí tưởng tượng phong phú thu hút người xem. Các tác phẩm trưng bày tại đây đều được lựa chọn cẩn thận phù hợp với từng chủ đề, giai đoạn sáng tác với nhiều loại chất liệu thể hiện nhằm làm nổi bật các chủ đề trọng tâm về những hình tượng, góc nhìn tác phẩm một cách sinh động. Du khách đến tham quan không gian trưng bày nằm ở vị trí cuối tầng hai của Nhà trưng bày, đó chính là không gian sinh hoạt của Bà lúc sinh thời, hiện nay là nơi thiết trí trang nghiêm bàn thờ phụng Điềm Phùng Thị để khách tham quan có điều kiện thắp nén tâm hương tưởng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp cống hiến hết mình cho nghệ thuật của Bà.
Với không gian trưng bày nghệ thuật giàu tính sáng tạo và hấp dẫn, trong những năm qua Nhà TBTPNT Điềm Phùng Thị đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Đặc biệt năm 2014, Nhà trưng bày đã phục vụ gần 9.000 lượt khách tham quan, trong đó có 5.000 khách quốc tế. Một điều đáng mừng là một số doanh nghiệp du lịch lữ hành đã đưa điểm tham quan Nhà TBTPNT Điềm Phùng Thị vào các tour tuyến tham quan của mình, đây là minh chứng và khẳng định tên tuổi của tác giả và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo tại Nhà trưng bày được khách tham quan du lịch trong và ngoài nước quan tâm.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại lập hồ sơ lý lịch quản lý hiện vật. Nhà trưng bày cũng đang hoàn thiện thêm phần thuyết minh để giúp khách tham quan dễ dàng tiếp nhận những giá trị nghệ thuật từ các tác phẩm vốn mang tính khái quát cao và trừu tượng của các tác phẩm điêu khắc của bà.
Về kế hoạch lâu dài, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo tăng cường sự liên kết giữa hệ thống các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn, kết nối với các tour tuyến du lịch của các hãng lữ hành để thu hút khách đến tham quan, thưởng lãm giá trị nghệ thuật có một không hai này. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng các ấn phẩm, tập gập giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị để quảng bá, giới thiệu đến công chúng, những người yêu mến nghệ thuật. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất chỉnh trang, nâng cấp khuôn viên, cảnh quan Nhà trưng bày, trong đó tập trung bảo vệ, sửa chữa, nâng cấp, chuyển đổi chất liệu các tác phẩm trưng bày ngoài trời để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan.
Về lâu dài, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất mô hình quản lý và tổ chức hoạt động Nhà trưng bày phù hợp, nhằm khai thác và phát huy thế mạnh của loại hình độc đáo này.
Theo Sở VHTT&DL