Văn hoá nghệ thuật
Những hoạt động của Nguyễn Chí Diểu trên lĩnh vực báo chí trong cao trào dân chủ 1936 - 1939
09:00 | 18/12/2018

ĐỖ XUÂN TUẤT*   

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Kể từ khi ra đời, Đảng ta đã coi báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị tư tưởng. Đặc biệt, trong Cao trào Dân chủ 1936 - 1939, đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam.

Những hoạt động của Nguyễn Chí Diểu trên lĩnh vực báo chí trong cao trào dân chủ 1936 - 1939
Nhà văn Hồng Nhu thắp hương trước mộ cụ Nguyễn Chí Diểu. Ảnh: Internet

Trong thời kỳ này, Đảng ta đã chiếm lĩnh trận địa công khai, triệt để sử dụng báo chí làm công cụ tuyên truyền hết sức sắc bén, báo chí cách mạng gắn liền với phong trào vận động dân chủ, đồng thời tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, thức tỉnh quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đã xuất hiện chói sáng trở lại trên mặt trận báo chí cách mạng những cây bút sắc sảo, trong đó có người chiến sĩ cộng sản tiền bối ưu tú, kiên cường của Đảng - nhà báo cách mạng Nguyễn Chí Diểu.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908 - 1941) đầy oanh liệt, gian khổ, hy sinh. Sớm tham gia cách mạng, cuối năm 1930, Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt và sau đó bị kết án khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo[1]. Giữa năm 1936, phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ và thả tù chính trị dấy lên ở Pháp và Đông Dương. Thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải thả một số tù chính trị, trong đó có Nguyễn Chí Diểu. Những người cộng sản thoát khỏi ngục tù, được tôi luyện trong lao tù và thực tiễn cách mạng, trong đó có Nguyễn Chí Diểu là một nguồn cán bộ bổ sung và làm tăng sức mạnh cho hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu trở thành một chiến sĩ tiên phong trong trận tuyến đấu tranh tư tưởng trong cao trào dân chủ 1936 - 1939.

Giữa những năm 30 của thế kỷ XX, tình hình thế giới biến chuyển mau lẹ. Năm 1936, ở Pháp, Mặt trận Bình dân thắng cử và nắm chính quyền, chủ trương trả tự do cho các tù chính trị, nới lỏng quyền tự do dân chủ, thi hành một số cải cách dân chủ ở thuộc địa. Trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 7/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh mới, với những nhiệm vụ mới phù hợp với bối cảnh mới. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và dựa trên sự phân tích đúng đắn tình hình thế giới, nước Pháp và Đông Dương, Đảng ta xác định: mục tiêu của cách mạng nước ta lúc này là chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống chế độ phản động thuộc địa của thực dân Pháp, đòi các quyền tự do dân chủ. Khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ, phong kiến để giành độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày tạm thời gác lại[2], thay vào đó là nhiệm vụ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tự do, cơm áo và hòa bình.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Đảng ta chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương (từ 1938 đổi là Mặt trận Dân chủ Đông Dương) và quyết định chuyển những hình thức tổ chức đấu tranh bí mật, bất hợp pháp sang hình thức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp để nhanh chóng tập hợp đông đảo quần chúng đấu tranh với các hình thức từ thấp lên cao[3]. Sự điều chỉnh này đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng và mở ra một thời kỳ mới, làm nên một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp, với sự tham gia đông đảo của các giai tầng xã hội - Cao trào dân chủ 1936 - 1939.

Trong Cao trào dân chủ 1936 - 1939, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo nhiều hình thức phong phú tạo thế và lực mới đưa phong trào cách mạng nước ta tiến lên. Trong số những hình thức tạo được uy tín và tiếng vang lớn của Đảng, phải kể đến hình thức đấu tranh nghị trường, đấu tranh trên mặt trận báo chí. Hoạt động báo chí của Đảng diễn ra sôi động. Hàng loạt tờ báo được xuất bản công khai. Khi tờ này bị cấm, tờ khác lập tức xuất hiện, chiếm lĩnh trận địa dư luận. Việc đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, báo chí công khai kết hợp vận động nghị trường để phục vụ cho đấu tranh cách mạng là hình thức đấu tranh mới, nổi bật về tư tưởng chính trị của Đảng trong giai đoạn 1936 - 1939.

Ra khỏi nhà tù thực dân do phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta và trào lưu tiến bộ lúc bấy giờ, trở về Huế, Nguyễn Chí Diểu theo sự phân công của Đảng hăng hái cùng các đồng chí lao vào cuộc chiến đấu mới. Chủ trương hoạt động báo chí công khai đã tạo điều kiện cho Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí của mình phát huy ưu thế về năng lực trên lĩnh vực báo chí, tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động công khai hợp pháp trên báo chí và nghị trường. Trong đó, những tờ báo như Nhành Lúa, Sông Hương tục bản, Dân Tiếng Dân đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế và Trung Kỳ.

Tiếp theo phong trào Đông Dương Đại hội, Đảng ta chủ trương vận động quần chúng đón Gôđa - Bộ trưởng đại diện cho Chính phủ Pháp đi điều tra tình hình Đông Dương. Đây là một cơ hội đưa quần chúng xuống đường đấu tranh, nêu nguyện vọng dân sinh dân chủ. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Chí Diểu thảo luận với Hải Triều và các đồng chí hoạt động công khai thường xuyên lui tới hiệu sách Hương Giang - Huế về việc cần kíp phải ra một tờ báo để tuyên truyền, cổ động kịp thời cho hoạt động đón Gôđa.

Sau thời gian gấp rút chuẩn bị các điều kiện, ngày 15/1/1937, tờ tuần báo Nhành lúa đã ra đời, xuất bản thứ sáu hằng tuần, 8 trang. BáoNhành lúa do nhà báo Nguyễn Xuân Lữ làm Giám đốc; Hải Triều là Tổng Thư ký Tòa soạn. Tòa soạn báo Nhành lúa đặt tại phố Giuyn Phery - là một trụ sở hoạt động công khai của Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ. Báo được in ở Nhà in Đông Tây, 193 phố hàng Bông, Hà Nội[4], khổ 450 x 310mm; riêng số 5, ngày 12/2/1937 in khổ 225 x 320mm[5]. Đúng ngày xuất bản số đầu tiên - ngày 15/1/1937, tại Tòa soạn báo Nhành lúa, đồng chí Nguyễn Chí Diểu cùng Phan Đăng Lưu và một số đồng chí khác đã tổ chức cuộc họp để phân tích tình hình, đề ra biện pháp nhằm đẩy mạnh phong trào dân chủ tiến lên phía trước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào, tờ đầu tiên của báo đã tuyên truyền cho phong trào Đông Dương Đại hội, tổng kết, đánh giá và tiếp tục phản ánh phong trào “dân nguyện” ở Trung Kỳ và ở Huế.

Cũng tại trụ sở của báo Nhành lúa, Nguyễn Chí Diểu dựa vào ảnh hưởng của mình đã triệu tập cuộc họp đại biểu các nhà báo của Thừa Thiên Huế bàn việc đón Gôđa. Cuộc họp nhất trí cử ra một ban chỉ huy cuộc đón tiếp do Nguyễn Chí Diểu đứng đầu. Cuộc đón tiếp phái đoàn Gôđa đến Huế sáng 26/2/1937 đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng quy mô và náo nhiệt chưa từng có ở Huế. Sự kiện đấu tranh chính trị quan trọng này đã được Hải Triều tường thuật tỉ mỉ trên báo Nhành lúa - số đặc biệt (số 8) dưới đầu đề “Hơn một vạn quần chúng công, nông, học sinh và tiểu thương tiếp rước viên Lao công đại sứ của Chính phủ chiến tuyến bình dân”. Sau cuộc biểu dương lực lượng to lớn này, Nguyễn Chí Diểu lại tiếp tục đi về các huyện hoạt động tuyên truyền và tích cực gây dựng cơ sở cách mạng ở Phong Điền, Quảng Điền và các huyện phía nam.

Ngày 10/3/1937, báo Nhành lúa sau hơn hai tháng xuất bản, bị Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cấm, phải đình chỉ hoạt động; số cuối cùng, số 9 ra ngày 19/3/1937[6]. Sau khi Nhành lúa bị đóng cửa, thì yêu cầu xây dựng tờ báo mới trở nên cấp bách. Nguyễn Chí Diểu đưa vấn đề thành lập tờ báo mới của Xứ ủy Trung Kỳ ra để các đồng chí của mình bàn bạc.

Ngay sau thời điểm Nhành lúa bị đóng cửa, đã diễn ra sự kiện lịch sử báo chí đặc biệt ở Trung Kỳ, thể hiện rõ vai trò của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, đó là: Nguyễn Chí Diểu đã tham gia việc tổ chức Hội nghị báo chí Trung Kỳ tại Huế, để tập hợp những người viết báo tiến bộ, hướng báo chí vào mặt trận đấu tranh chung của dân tộc. Ngày 27/3/1937, Hội nghị báo giới Trung Kỳ khai mạc tại Đông Pháp Lữ quán (số 7 - Đông Ba Huế) với 70 đại biểu các báo Trung Kỳ”[7]. Hội nghị đã lên tiếng tố cáo mạnh mẽ chính sách phát xit của bọn phản động thuộc địa đối với báo chí và đã thông qua hai nghị quyết về quyền tự do báo chí và nghị quyết về tình hình chính trị chung... Hội nghị báo giới Trung Kỳ đã mở đầu cho cuộc vận động mở hội nghị báo giới ở các địa phương khác trên cả nước. Đây là một thắng lợi chính trị quan trọng trên mặt trận đấu tranh báo chí cách mạng và cũng là thắng lợi của đường lối Mặt trận do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Trong những năm 1937 - 1938, trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương, phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ, Nguyễn Chí Diểu đã chỉ đạo báo chí ở Huế tích cực tham gia vào việc tuyên truyền cho cuộc vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa 3 theo tinh thần của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương trong thông báo gửi các cấp Đảng bộ, ngày 20/3/1937: “Vô luận là cuộc tuyển cử gì, Đảng ta có thể tham gia được, là nên tham gia. Chúng ta lợi dụng các thời kỳ tranh thủ mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng vào các cơ quan gọi là lập hiến mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các dân chúng bị áp bức. Các cấp Đảng bộ tương đương phải dự bị những người ra ứng cử trong các viện dân biểu, các hội đồng thành phố”[8].

Đúng thời điểm “nước rút” của việc chuẩn bị tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, báo Nhành lúa bị cấm hoạt động, Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ không còn báo chí trong tay. Nhận thấy cần phải có phương tiện cho việc vận động tranh cử, tuyên truyền cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu cùng với các nhà báo cách mạng Hải Triều, Tôn Quang Phiệt… đã thương lượng với Phan Khôi mua lại bản quyền tờ Sông Hương đang lay lắt và đổi tên thành tờ Sông Hương tục bản. Số 1 của Sông Hương tục bản ra ngày 19/6/1937, khổ 40 x 32,5cm (có số báo khổ 49 x 42,5cm), ra 4 trang. Tòa báo đóng tại 68 Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi, thành phố Huế). Báo vẫn để tên người sáng lập là Phan Khôi nhằm giữ thế hợp pháp về hình thức, song chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạnh[9] - một nhân sĩ dân chủ có cảm tình gần gũi với Đảng Cộng sản; Ngô Đức Mậu được phân công làm Thư ký tòa soạn.

Sông Hương tục bản ra đời, tiếp tục nhiệm vụ của tờ Nhành Lúa cổ vũ cho cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ, tự do báo chí, đòi bỏ thuế thân, giảm thuế điền, đặc biệt báo cổ động cho các đại biểu tiến bộ ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Tờ báo đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ và tỉnh Thừa Thiên Huế, là công cụ phục vụ đắc lực cho việc chỉ đạo của Xứ ủy trong cuộc tranh cử Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa 3.

Ngay sau khi ra mắt bạn đọc, Sông Hương tục bản đã đăng tải nhiều bài về kinh tế, chính trị, xã hội, yêu cầu chính phủ Pháp cải cách dân chủ, hướng dư luận vạch trần bộ mặt thật của bọn phản dân hại nước. Trong số đầu tiên, ngày 19/6/1937, báo đã có bài viết vận động bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, như: bài Nhân tuyển cử sắp đến. Nhìn lại các cuộc tuyển cử vừa rồi ở trong nước và ngoài nước. Trong bài Cuộc tổng tuyển cử dân viện Trung Kỳ (số 2, ra ngày 26/6/1937), báo đã cho tuyên bố công khai lập trường của Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm định hướng cho quần chúng. Đặc biệt trong số 5 (ra ngày 14/7/1937), báo đã đăng bản Chương trình của chúng tôi, gồm 4 phần trong đó nêu ra các mục tiêu cải cách nhằm bảo đảm các quyền dân sinh, dân chủ, thiết thực và tối thiểu cho các tầng lớp dân chúng; nêu cao tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Bản Chương trình được đông đảo dân chúng Trung Kỳ hoan nghênh, hưởng ứng. Đi đôi với các bài xã luận, bình luận, báo cũng có nhiều thể loại văn học xoay quanh chủ đề trên, làm cho Sông Hương tục bản thể hiện những nét sắc sảo, đậm đà, nhưng cũng nhẹ nhàng, vui tươi. Báo còn có nhiều bài tiểu phẩm đả kích sâu cay, trực diện những quan lại tay sai của thực dân Pháp[10].

Sông Hương tục bản ra được 14 số thì bị đình bản vì nội dung tuyên truyền cách mạng. Ngày 11/3/1937, Toàn quyền Đông Dương J. Brévier ra nghị định cấm và đến ngày 14/10/1937 (số báo cuối cùng), báo bị đình chỉ hẳn. Sông Hương tục bản, đúng như nhận định trong cuốn Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), “tuy chỉ tồn tại gần 4 tháng, nhưng đã ghi lại những chiến công bất hủ trong một thời kỳ lịch sử đấu tranh ở Trung Kỳ”.

Sau khi Nhành lúa Sông Hương tục bản bị đóng cửa, Xứ ủy Trung Kỳ tìm cách ra các tờ báo khác để tiếp tục định hướng đấu tranh trên lĩnh vực chính trị tư tưởng. Xứ ủy vận động một số dân biểu tiến bộ đứng ra xin phép xuất bản tờ báo lấy tên là Dân. Ngày 6/7/1938, số 1 báo Dân ra mắt bạn đọc. Tòa soạn báo Dân đặt trụ sở tại 11 Doundart De Lagrée, thành phố Huế, nay là trụ sở Báo Thừa Thiên Huế (61 Trần Thúc Nhẫn, thành phố Huế). Là tờ tuần báo khổ lớn 640 x 500mm, có Ban biên tập, có Tòa soạn được tổ chức bài bản, báo Dân xuất bản được 17 số, mỗi số phát hành 5.000 bản, trong đó có số in 8.000 bản. Dân là cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ. Nội dung báo Dân được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy được phân công trực tiếp chỉ đạo nội dung. Tham gia chỉ đạo và biên tập có các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu - Ủy viên Thường vụ Trung ương, phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ; Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn phụ trách công tác tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên; Bùi San - Xứ ủy viên Trung Kỳ; Tôn Quang Phiệt - nhà giáo, Trịnh Xuân An - nhà thơ và sau này có thêm đồng chí Tố Hữu... Những người viết chính của báo Dân là những người cộng sản[11]. Đây cũng là tờ báo công khai có khổ lớn đầu tiên ở Huế và của Xứ ủy trong những năm trước Cách mạng tháng 8/1945.

Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của tờ báo, ngày 7/10/1938 lấy lý do “đăng tin thất thiệt”, gây “náo động nhân tâm”[12], thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa tờ báo. Mặc dù tồn tại hơn 3 tháng với 17 số, nhưng báo Dân đã đi vào đời sống của thợ thuyền, nhân dân lao động. Báo đã đăng nhiều bài theo chủ trương đấu tranh để thực hiện đường lối Mặt trận Dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, đoàn kết các lực lượng quần chúng trong mặt trận thống nhất; giác ngộ chính trị cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong công cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn tại miền Trung[13].

Tháng 11/1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, nhà cầm quyền thực dân Pháp ở Đông Dương thẳng tay xóa bỏ những điều cải cách, tiến hành chính sách đàn áp báo chí tiến bộ, khủng bố các nhà báo dân chủ và cách mạng. Nhiều tờ báo phải đình bản. Các nhà báo cách mạng từ hoạt động công khai chuyển vào hoạt động bí mật. Do diễn biến của cuộc chiến tranh, sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, sau thêm phát xít Nhật, báo chí cách mạng không còn mang hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp như trước. Trong tình hình mới, chính sách báo chí của Đảng Cộng sản Đông Dương đã có những thay đổi. Một mặt, Đảng chỉ đạo kịp thời việc rút vào bí mật, hạn chế sự đàn áp, bắt bớ của địch; mặt khác, tìm tòi phương cách mới để xây dựng một hệ thống báo chí toàn diện hơn trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939 - 1945.

*

Có thể khẳng định, báo chí Việt Nam ra đời do nhu cầu tất yếu và cấp bách của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Vì thế, báo chí cách mạng đã đồng hành với lịch sử dân tộc, gắn bó hữu cơ, thực sự là một bộ phận không thể tách rời của tiến trình cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Người chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Chí Diểu - người chiến sĩ cộng sản kiên trung lớp đầu tiên thời dựng Đảng và là nhà báo cách mạng xuất sắc trên trận địa tư tưởng đã luôn suy tìm và sử dụng báo chí như một phương tiện đặc biệt và có sức mạnh to lớn để tuyên truyền, đấu tranh cách mạng.

Trong cao trào dân chủ 1936 - 1939, Nguyễn Chí Diểu đã kiên trì lập trường và quan điểm báo chí cách mạng đúng đắn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, sách lược của Đảng trên mặt trận báo chí, tuyên truyền, làm báo “hợp pháp” trong khuôn khổ luật lệ hà khắc của chế độ thực dân. Qua những hoạt động đấu tranh báo chí và hoạt động cách mạng thời kỳ 1936 - 1939, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã có nhiều công lao, đóng góp quan trọng trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Thừa Thiên Huế và ở Trung Kỳ. Nguyễn Chí Diểu đã thông qua mặt trận báo chí, theo sự chỉ đạo của Đảng, bằng trí lực, tài năng, bám sát sự vận động của thực tiễn cách mạng, với tâm niệm “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ” (thơ Sóng Hồng), đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động, giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành một nhà cách mạng, nhà báo bút lực dồi dào trong môi trường đấu tranh dân chủ ở Trung Kỳ và Thừa Thiên Huế, trong một giai đoạn đấu tranh vô cùng sôi nổi, hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Sống và hoạt động trong một môi trường chính trị rất đặc biệt của thời kỳ Mặt trận dân chủ, Nguyễn Chí Diểu đã để lại một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam trong đó có lĩnh vực báo chí cách mạng. Thời gian hoạt động trên lĩnh vực báo chí của Nguyễn Chí Diểu ngắn, nhưng đầy sôi động và mang ý nghĩa to lớn trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng, rất cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ hơn.

Đ.X.T  
(TCSH358/12-2018)

------------------
* Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Khi bị thực dân Pháp bắt vào cuối năm 1930, trong hồ sơ của mật thám Pháp có viết: “Nhà báo  Nguyễn Chí Diểu (số 30) 22 tuổi bị kết án khổ sai chung thân vì đã giữ một chân trong kế hoạch đầu tiên của tổ chức cộng sản, đã rải truyền đơn, tổ chức những ủy ban và biên soạn một tập sách: “Những nhiệm vụ của chủ nghĩa cộng sản”.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6, Nxb. CTQG, H, 2002, tr.148.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.6, Nxb. CTQG, H, 2002, tr.153-155.
[4] Ở Trung Kỳ thời kỳ đó, do sự kiểm soát ngặt nghèo, gắt gao của chính quyền thực dân phong  kiến đối với báo chí, nên việc xuất bản gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, những người làm báo  chí cách mạng của Đảng đã dùng phương cách in ở nơi này nhưng phát hành nơi khác. Cùng  với Nhành Lúa, về sau, khi tờ báo Dân bị cấm, Xứ ủy Trung Kỳ ra tờ Dân tiến, biên tập ở Trung Kỳ,  nhưng Tòa soạn lại đặt ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm - Sài Gòn. Xem thêm: Lịch sử báo chí cách  mạng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H,2015, tr.45.
[5] Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, 2001, tr.379.
[6] Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Sđd, tr.379.
[7] Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1936 -  2005), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2008, tr. 43-44; Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Báo Thừa Thiên Huế, Lịch  sử báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2014, tr. 68.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 6, tr.213-214.
[9] Nhà báo Nguyễn Cửu Thạnh sinh ngày 15/6/1905 tại Phú Hội, thành phố Huế. Ông bước vào nghề báo từ năm 1929 và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ tại Huế và  hoạt động báo chí do Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo. Xem thêm: Cao Huy Hùng, “Phan Đăng Lưu với báo  chí yêu nước và cách mạng ở Thừa Thiên Huế”, Báo Thừa Thiên Huế, 20/6/2002, tr. 3.
[10] Thu Nhuần: Vai trò của báo “Sông Hương tục bản” trong cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 tại  Trung Kỳ. Nguồn tin: Bảo tàng Lịch sử quốc gia; ngày 19/06/2015.
[11] Hồng Chương: 120 năm báo chí Việt Nam, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr.49.  
[12] Ngày báo Dân bị đóng cửa, cụ Huỳnh Thúc Kháng (Chủ bút báo Tiếng Dân; số đầu tiên ra đời  ngày 10/8/1927, số cuối cùng (24/4/1943) đã sẻ chia với đồng nghiệp của mình trên báo Tiếng Dân (10/1938): “Báo Dân đã chết rồi, có nói gì cũng không sống lại được... Song lấy lòng ngay thực nói cho đúng với thực tế thì báo Dân có phạm chăng là phạm cái tội khác chứ không phải cái tội náo động nhân tâm”… “cái tội khác” mà cụ Huỳnh muốn nói ở đây chính là: Dân là tờ báo luôn bênh vực quyền lợi người dân và vạch trần những hủ bại của chính quyền thực dân phong kiến tay sai, góp phần thức tỉnh tinh thần yêu nước và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân ở Huế và Trung Kỳ.
[13] Nhân kỷ niệm 80 năm ngày báo Dân - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ ra số đầu tiên tại  Huế (6/7/1938), ngày 6/7/2018, tại TP Huế diễn ra Hội thảo khoa học “Báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam”. Tham luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Khoa Điềm nhận xét: “Là tờ báo công khai đầu tiên ở Huế và của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ, báo Dân đã tận dụng thời cơ được hoạt động công khai, hợp pháp và đã động viên, giác ngộ chính trị cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn thời điểm bấy giờ. Mặc dù ra đời trong thời gian ngắn nhưng mỗi số báo đều có những bài viết kêu gọi đấu tranh mang ý nghĩa sâu sâu sắc, nhưng lời lẽ nhẹ nhàng, ôn hòa gần gũi”.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng