CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT THỪA THIÊN HUẾ LẦN THỨ XIII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025
Trong các ngày 18 và 19/7/2020, Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra tại Huế. Giới Văn học Nghệ thuật vùng đất Cố đô có thể chờ đợi điều gì từ Đại hội? Sông Hương đã có dịp trao đổi với nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật. |
Phóng viên (PV): Cái được của nhiệm kỳ vừa qua là gì, thưa ông?
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc: Hoạt động Văn học Nghệ thuật(VHNT) chỉ bao gồm một số việc chính: phát triển hội, sáng tác, quảng bá tác phẩm.
Hội viên toàn Liên hiệp Hội đang ngày càng phát triển. Đầu nhiệm kỳ là gần 600 hội viên, cuối nhiệm kỳ là 736 hội viên, 50% hội viên là hội viên trung ương. Số lượng nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú ngày càng đông. Điều đáng nói là các tác giả trẻ xuất hiện ngày càng nhiều và nhanh chóng khẳng định tài năng. Văn học có Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Phan Tuấn Anh… Nhiếp ảnh có Lê Tấn Thanh, Lê Nhật Quang, Nông Thanh Toàn… Mỹ thuật có Trương Thế Linh, Trần Ngọc Bảy, Vũ Duy Tâm, Võ Thành Thân… Âm nhạc có Trương Pháp, Duy Dũng…
Các trại sáng tác, các chuyến thâm nhập thực tế được tổ chức ngày càng nhiều cho anh chị em văn nghệ sỹ tham gia, với nhiều địa điểm khác nhau, từ nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau. Từ năm 2018, khá nhiều cơ quan, địa phương trong tỉnh đã quan tâm mời văn nghệ sỹ về dự trại sáng tác do họ tổ chức. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Văn nghệ sỹ cũng tự tổ chức các chuyến đi, nhất là các anh em nhiếp ảnh, mỹ thuật. Anh em mỹ thuật cũng đã có những chuyến đi sáng tác cùng các họa sỹ cả nước do các doanh nghiệp tài trợ rất thú vị.
Các khuynh hướng sáng tác mới đã xuất hiện: Trong văn học có truyện ngắn của Lê Minh Phong, thơ Tân hình thức Việt của các tác giả như Hồ Đăng Thanh Ngọc, Bửu Nam, Nguyên Quân,… và một số tác giả nỗ lực làm mới thơ... Đáng mừng là đã xuất hiện trở lại những cuốn tiểu thuyết, có thể nhắc đến bộ tiểu thuyết “Từ Dụ Thái Hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai và tiểu thuyết “Phấn hoa” của Phạm Ngọc Túy.
Anh em nhiếp ảnh đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để chụp được những khoảnh khắc đặc sắc hơn. Bài trí sân khấu cho các chương trình nghệ thuật đã có những nét mới hơn, nhất là các chương trình trong Festival như “Văn hiến Kinh kỳ”, hay vở tuồng “Đường đến Tuần lễ vàng” do Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế dàn dựng. Kiến trúc đã có những thiết kế công trình mang đậm sự giao thoa giữa nét truyền thống và hiện đại, nhất là có những thiết kế tạo được nét hài hòa của kiến trúc hiện đại hòa hơp với không gian văn hóa Huế.
Việc quảng bá tác phẩm đã xuất hiện nhiều hình thức, có những nét mới. Ngoài các cuộc triển lãm mỹ thuật, triển lãm ảnh, giới thiệu tác phẩm do các hội tổ chức, đã có nhiều cuộc quảng bá tác phẩm được tác giả phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác tổ chức ở công viên, trường học, thư viện…
PV: Ông nghĩ gì khi hoạt động của văn nghệ sỹ Huế trầm lắng hơn so với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội?
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc: Hoạt động VHNT Thừa Thiên Huế không có không khí ồn ào, văn nghệ sỹ Huế trầm lặng hơn bởi tính cách Huế, song đó là sự trầm lặng của những con người chịu khó quan sát và ấp ủ sự khai mở sáng tạo. Không tính hai trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, “gia tài” lực lượng văn nghệ sỹ mà Thừa Thiên Huế đang có thì ít có địa phương nào sánh được.
Hội Nhà văn có nhiều tên tuổi lớn trên văn đàn cả nước hiện đang sinh hoạt. Hội Nhiếp ảnh đã có nhiều tác phẩm có giá trị đạt các giải cao trong các cuộc thi trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm của họ không chỉ được xướng danh ở các cuộc trưng bày tại các cuộc liên hoan nhiếp ảnh Khu vực Bắc Miền Trung, các địa phương trong nước; mà còn được xướng tên tại các giải thưởng lớn của thế giới ở Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Tiệp Khắc, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Croatia… Các tác phẩm ảnh nghệ thuật đã đưa hình ảnh đất nước con người xứ Huế đi muôn phương, giới thiệu cho người xem trên toàn thế giới.
Hội Mỹ thuật với lực lượng hùng hậu, trên 100 họa sỹ, thật sự đã nối tiếp được truyền thống Mỹ thuật Huế. Từ Huế, nhiều ca khúc về cuộc sống đương đại đã được trình diễn trên các sân khấu, được lưu truyền trong cả nước. Các nhà nghiên cứu thuộc Hội Văn nghệ Dân gian đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Nhiều kiến trúc sư ở Huế đạt nhiều giải thưởng quốc tế về kiến trúc…
Các nghệ sỹ diễn viên, ca sỹ ở các hội Sân khấu, Múa, Âm nhạc đã có nhiều đóng góp cho nền VHNT, thực hiện nhiều cuộc lưu diễn trong và ngoài nước, mang những giá trị đặc sắc của VHNT Huế đi ra với thế giới.
VHNT Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ qua đã có những hội thảo rất đáng quan tâm, đây là điểm khác so với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tầm quốc gia, Liên hiệp Hội cũng phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hội thảo “Đặng Huy Trứ - Người khai lập nghề Nhiếp ảnh Việt Nam”. Phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức tọa đàm “Di sản văn hóa làng xã vùng Huế”, giới thiệu nhân vật lịch sử Hồ Quang Đại và di sản văn hóa làng Nguyệt Biều (thành phố Huế) và làng Hương Cần (thị xã Hương Trà). Tầm khu vực, Liên hiệp Hội tổ chức hội thảo “VHNT Bình Trị Thiên, truyền thống và tiếp nối”, đăng cai hội thảo với chủ đề “Sáng tác, nghiên cứu Văn học nghệ thuật về chủ đề con người, văn hóa vùng đất địa phương” và giao lưu văn nghệ sỹ các vùng Kinh đô Việt Nam xưa; Hội thảo và giao lưu các tạp chí văn nghệ 6 tỉnh khu vực Bắc Miền Trung. Liên hiệp Hội cũng đã cùng Hội Nhà văn tổ chức hội thảo có chủ đề “Văn học Thừa Thiên Huế sau Đổi mới 1986”... Đặc biệt, cuối năm 2019, Liên hiệp Hội tổ chức thành công hội thảo “Phát huy các giá trị văn học nghệ thuật trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế” trao đổi các vấn đề liên quan đến du lịch VHNT ở Thừa Thiên Huế. Hội thảo được các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về lĩnh vực lữ hành - du lịch đánh giá cao.
PV: Đại hội kỳ này sẽ thảo luận phương hướng, giải pháp thực hiện cho nhiệm kỳ tới, trong đó có những điểm nào mới, thưa ông?
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc: Ngoài việc phát triển tổ chức Liên hiệp Hội, nâng cao trách nhiệm hội viên, các vấn đề quan tâm thảo luận là phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, sáng tác, quảng bá, phổ biến các tác phẩm. Bên cạnh đó, có thêm việc hình thành hệ thống các Câu lạc bộ VHNT để Nhân dân các huyện, đặc biệt vùng sâu vùng xa có cơ hội thực hành và thưởng thức các giá trị VHNT.
Một nội dung quan trọng là tăng cường công tác xã hội hóa để từ đó đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá tác phẩm, tổ chức công diễn các tác phẩm liên quan đến loại hình sân khấu.
Nhiệm kỳ này cần đẩy mạnh mối quan hệ giao lưu hợp tác VHNT với các nước trong khu vực, quốc tế nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh văn hóa, con người tỉnh Thừa Thiên Huế; khuyến khích cho văn nghệ sỹ tiêu biểu được tham quan học tập ở nước ngoài để nâng cao tầm nhìn, chuyên môn theo tinh thần xã hội hóa.
Đặc biệt, điều mà toàn Liên hiệp Hội luôn đau đáu là làm sao để có tác phẩm đỉnh cao, tác phẩm xuất sắc.
PV: Tác phẩm đỉnh cao - Báo cáo tổng kết của Liên hiệp Hội năm nào cũng nhắc tới mục tiêu đó. Xin ông cho biết: Thế nào là đỉnh cao, và làm cách nào?
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc: Đúng là khái niệm tác phẩm đỉnh cao có những tiêu chí khác nhau tùy theo từng giai đoạn. Trước kia, chúng ta hay dùng từ “ngang tầm thời đại” hay gần đây là “xứng tầm”. Đỉnh cao ở đây hiểu như là chất lượng xuất sắc của tác phẩm. Tác phẩm đỉnh cao là tác phẩm có tầm cao nghệ thuật, sức lan tỏa phổ biến sâu rộng, tác động tới toàn xã hội.
Nghị quyết 23-NQ/TU ngày 14/4/2015 của Tỉnh ủy “Về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững” nhấn mạnh: “Phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước”.
Chúng ta vẫn hay nhắc đến các tác phẩm của văn nghệ sỹ Huế trước đây như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Thương, Văn Giảng, Châu Kỳ, Ngô Kha, Trần Hoàn, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Điềm Phùng Thị, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Văn Lang, Bửu Kế, Ngô Viết Thụ, Nguyễn Khoa Lợi… Những tên tuổi đó đã góp phần làm nên vóc dáng lừng lẫy của VHNT Thừa Thiên Huế.
Đã đến lúc giới văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế hôm nay cần hướng đến những tác phẩm xuất sắc. Cách duy nhất để các tác phẩm xuất sắc ấy xuất hiện là tự thân mỗi văn nghệ sỹ phải tự ý thức về sáng tác tác phẩm chất lượng; thứ đến là xã hội cần có những động thái khích lệ.
Dù sao đi nữa thì đến nay, với những hoạt động của mình, các văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế đã tiếp tục vun bồi cho dòng chảy văn hóa Huế. So với nguồn “văn mạch dằng dặc không dứt” của 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, thì 75 năm vừa qua (1945 - 2020), hay 5 năm qua (2015 - 2020) chỉ là những khoảnh khắc, song những khoảnh khắc ấy đang là căn nền cho những dự phóng mới của VHNT Thừa Thiên Huế. Trong bóng dáng thời gian đó, những yêu cầu lớn của VHNT đang đòi hỏi văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế phải không ngừng nỗ lực nhiều hơn.
- Xin cám ơn ông!
Phóng viên Sông Hương
(TCSH377/07-2020)