HOÀNG PHƯỚC
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền Nhân dân 5 cấp (cấp xã, huyện, tỉnh, xứ - kỳ và cấp trung ương) được thành lập; cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp được tiến hành một cách dân chủ bằng hình thức phổ thông đầu phiếu lần đầu tiên được tổ chức trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cùng với rất nhiều nhiệm vụ phải lo toan, gánh vác nặng nề của chính quyền mới, nhất là công việc giữ vững an ninh trật tự, tổ chức lực lượng trấn áp những kẻ phản động, bảo vệ thành quả Cách mạng; đồng thời ban hành các chính sách quản trị xã hội và củng cố lực lượng vũ trang chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chính quyền mới vẫn chủ trương tổ chức các hoạt động văn hóa, sáng tác thơ văn, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, kịch nghệ và các hoạt động thể dục, các buổi diễn thuyết… phục vụ tốt nhất đáp ứng đời sống tinh thần của Nhân dân.
Ngày 18 tháng 9 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh Trung Bộ, một hội nghị dân chủ gồm nhiều văn nghệ sĩ đã tiến hành thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên với các ban chuyên ngành: Văn học, Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc, Âm nhạc, Ca kịch, để tổ chức cho các văn nghệ sĩ hăng hái tham gia phục vụ quần chúng và chiến sĩ ngoài mặt trận.
Ở thành phố Thuận Hóa (tức Huế) nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra rộng khắp và thực sự đi vào chiều sâu tư tưởng, toát lên tinh thần lạc quan cách mạng trước những khó khăn của chính quyền còn non trẻ.
Hai chuyên ngành Hội họa và Âm nhạc là thế mạnh.
Cuộc triển lãm thanh niên
Để mở đầu cho một phong trào thanh niên mạnh mẽ, ngày 21/6/1946, Ty Thanh niên Thể dục Thừa Thiên đã tổ chức một cuộc Triển lãm Thanh niên tại Trường Thượng Tứ ở Thuận Hóa (nay là Trường Tiểu học Phú Hòa). Cuộc triển lãm này có thanh niên đủ các giới dự, công nhân, viên chức, học sinh, hướng đạo, Phật giáo, Công giáo, văn hóa, phụ nữ v.v, đã cho người ta thấy những khả năng quý hóa của thanh niên về mọi phương diện. Trong mấy ngày triển lãm lại có những cuộc thi để thanh niên tranh đua biểu lộ tài năng.
Buổi tối ngày 25/6, tại nhà Đại Chúng (Hội Quảng Tri cũ) ở đường Hàng Bè, thành phố Thuận Hóa có cuộc nói chuyện về thanh niên. Diễn giả là các ông Trần Đình Giám nói về “Thanh niên với văn hóa”. Ông Phạm Hữu Bình nói về “Thanh niên với việc bài trừ mê tín”. Cô Nguyễn Thị Hường nói về “Phụ nữ với vấn đề hôn nhân”.
Cuộc triển lãm thanh niên và những ngày thanh niên đã thâu được kết quả khá tốt đẹp. Chúng tôi ước mong phong trào thanh niên sẽ được thúc đẩy thêm hơn nữa1.
Về chương trình âm nhạc
Kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1946, vào tối thứ bảy hàng tuần chương trình hòa nhạc do Ban Âm nhạc thuộc Nha Tuyên truyền Trung Bộ tổ chức tại thành phố Thuận Hóa.
Cuộc hòa nhạc hàng tuần của Ban Âm nhạc Tuyên truyền Trung Bộ sẽ cử nhạc vào lúc 20 giờ tối thứ bảy tại vườn hoa đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Trần Hưng Đạo), trước nhà sách Hương Giang.
Để khai mạc buổi hòa nhạc đầu tiên này, tối thứ bảy ngày 1 tháng 6 năm 1946, Ban Âm nhạc Nha Tuyên truyền Trung Bộ sẽ biểu diễn hiến tặng anh chị em đồng bào một chương trình gồm những bản hành khúc quốc tế rất đặc biệt sau đây, để anh chị em đồng bào cùng thưởng thức:
1. Quốc dân hành tấu khúc (Việt Nam).
2. Pháp quốc võ bị trường hành tấu khúc (Pháp Quốc).
3. Sư tử thức dậy (Trung Hoa).
4. Hồng quân hành tấu khúc (Liên Xô).
5. Mỹ quốc hành tấu khúc (Hoa Kỳ).
6. Ái quốc hành tấu khúc (Nhật Bản).
7. Chào lá quốc kỳ (Anh Quốc).
8. Việt Nam hành quân (Việt Nam).
Trưởng ban Âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Khoa Châu.
Nhạc trưởng điều khiển - Nhạc sĩ Phạm Văn Huynh2.
Nhạc sĩ Nguyễn Khoa Châu là một người hoạt động hăng hái trong ngành nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, ông là em trai của nhà văn hóa Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, ngày Huế vỡ mặt trận, đầu năm 1947, nhạc sĩ Nguyễn Khoa Châu chuyển ra vùng tự do Nghệ Tĩnh. Tại đây ông được cử làm Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc Khu Bốn. Vào năm 1951, trong một lần công tác đi qua bến đò Vạn Rú bên dòng sông Lam, ông bị máy bay quân Pháp thả bom và đã hy sinh - Theo gia đình Nguyễn Khoa thì đến nay nhạc sĩ Nguyễn Khoa Châu vẫn chưa được công nhận là Liệt sĩ!
Về các cuộc thi văn nghệ
Cũng trong dịp kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, ngoài những đêm kịch đặc biệt có tổ chức những buổi nói chuyện về cải cách chữ quốc ngữ, những phòng triển lãm và những cuộc thi về văn chương, hội họa và âm nhạc, có giải thưởng đặc biệt:
A. Phòng triển lãm sẽ trình bày những tác phẩm văn hóa: sách, báo, bản đàn, bản kịch và nhất là tranh ảnh.
Về hội họa sẽ có một phòng riêng. Các họa sĩ muốn trưng bày họa phẩm xin gửi về gấp, chậm nhất là trước ngày 10/8/1946, để Ban Tổ chức đủ thì giờ sắp đặt.
Những bức hội họa phải có sẵn khung. Xin cho biết những tranh nào muốn bán và giá bao nhiêu, những tranh nào chỉ trình bày chứ không bán. Họa sĩ có thể nhờ Ty Tuyên truyền các tỉnh chuyển giao những tranh của mình cho Ban Tổ chức triển lãm tại Thuận Hóa và sau cuộc triển lãm sẽ đến Ty Tuyên truyền tỉnh nhà mà nhận về. Trong trường hợp ấy, mỗi người chỉ có quyền gửi nhiều nhất là năm bức tranh.
B. Những giải thưởng về sáng tác văn hóa đều đứng trên nguyên tắc văn hóa mới: Mỗi thứ sẽ có hai giải thưởng, giải Nhất là 300 đồng, giải Nhì 200 đồng.
1. Về tiểu thuyết: Một đoản thiên tiểu thuyết chưa xuất bản, chưa đăng báo, từ 10 đến 20 tờ giấy học trò, viết một mặt. Tác giả được tự do lựa chọn đầu đề, không bó buộc về một phương thức nào.
2. Về kịch: Một kịch ngắn chưa xuất bản, chưa diễn. Không hạn chế cảnh màu, vai, nhưng khi đem diễn không quá 2 giờ đồng hồ.
3. Về thơ: Một bài thơ (dùng lối thơ nào cũng được) chưa xuất bản, chưa đăng báo.
4. Về nhạc: Một bản nhạc cải cách, có lời, chưa xuất bản, chưa đăng báo.
5. Tranh tuyên truyền (afiches). Tranh vẽ trên giấy từ 0,45 x 0,60 thước đến 0,90 đến 1,20 thước nhằm vào những mục đích cứu quốc, kiến quốc và đời sống mới.
Tất cả tác phẩm dự thi phải gởi đến trụ sở Đoàn Văn nghệ Cứu quốc Thừa Thiên, chậm nhất là trước ngày 1/8/1946, trừ những tranh tuyên truyền.
Hạn cuối cùng nạp các tranh này là ngày 10/8/1946. Mong các ban văn hóa nhiệt liệt tham gia vào các cuộc triển lãm và dự thi3.
Mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật đang diễn ra sôi nổi, với nhiều sáng tác mới mang hơi hướng cách mạng và đại chúng được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng. Trước tình hình chiến tranh sắp xảy ra. Đầu năm 1947, mặt trận ở Huế vỡ, quân Pháp đánh chiếm thành phố Huế, các đơn vị của cách mạng phải rút về vùng nông thôn, lên chiến khu và một số ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật được dàn dựng công phu theo lối mới thường biểu diễn phục vụ quần chúng tại thành phố Huế đành phải tạm dừng lại. Cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới… Nhưng với tinh thần tin tưởng, lạc quan, và trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ở Huế đã có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thấm sâu vào lịch sử cách mạng.
Những hoạt động nghệ thuật tích cực đó được báo Quyết Thắng - cơ quan của Xứ ủy Trung Bộ nhận xét: “Thật không gì cảm động, kích thích bằng những bức tranh, những bản nhạc chứa chan tình yêu nước của những nhà nghệ sĩ Việt Nam, trong những ngày chiến đấu quyết liệt này. Nghệ thuật Việt Nam được hướng dẫn bởi tinh thần cách mạng bỗng có một giá trị cao quý, và các nhà nghệ sĩ cứu quốc, những tinh hoa của đất nước, đều là những chiến sĩ đáng hưởng lòng mến yêu của toàn thể quốc dân”.
“Các bạn ấy đã nhận thấy lẽ sống duy nhất của nghệ sĩ Việt Nam lúc này là phụng sự dân tộc. Và các Liên đoàn văn hóa thành lập. Các họa sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ v.v… trên mặt trận văn hóa, đều nỗ lực chiến đấu với một hăng say phi thường”.
“Nhưng trong địa hạt nghệ thuật, những quan niệm khác nhau có khi đưa các nhà nghệ sĩ yêu quý của chúng ta đến những sự xích mích đáng tiếc. Có nghệ sĩ nóng nảy chốc lát muốn bỏ anh chị em về… phụng sự Tổ quốc, một mình. Thế cũng chả sao lắm, nhưng giá chúng ta đoàn kết nhau để cứu nước thì có phải vui vẻ, lợi ích hơn không? Giá mỗi chúng ta tự biết giá trị của mình một chút, biết thẳng thắn, công bình đánh giá tác phẩm của mình và của bạn, giá chúng ta biết thành thực phê bình những tác phẩm của nhau, phê bình để nâng cao nghệ thuật Việt Nam chứ không phải để giảm giá trị nhau, thì đến nỗi gì, chúng ta hờn giận nhau, các bạn?”.
“Ở đây chúng tôi thấy cần tỏ bày một mong mỏi với các nghệ sĩ tài hoa. Mục đích chính của chúng ta bây giờ đây là thống nhất dân tộc, chống ngoại xâm. Bởi vậy, tất cả những tài năng cứu quốc đều đáng được khuyến khích, và những tác phẩm của họ, dầu giá trị nhiều hay ít, cũng đáng được các bạn để ý, để cho những tài hoa của dân tộc được sự chiếu cố, giúp đỡ của các bạn mà phát triển đến bậc thiên tài!”.
Văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thật sự đi vào cuộc sống đại chúng một cách tích cực, sôi nổi, rộng khắp; các nghệ sĩ đã thổi vào đời sống xã hội một tinh thần mới, lạc quan mới, truyền một nguồn năng lượng sống đòi hỏi cần thiết phục vụ cho quần chúng nhân dân và chiến sĩ trên các mặt trận.
H.P
(TCSH50SDB/09-2023)
--------------------------
1 Báo Quyết Thắng, số 62 ra ngày 26/6/1946.
2 Theo báo Quyết Chiến, số 229 ra ngày 1/6/1946.
3 Báo Quyết Thắng, số 62 ra ngày 26/6/1946.