khi hay tin Lê Văn Ngăn mất,
Đinh Cường
Và người thi sĩ ấy đã rời xa bếp lửa
bếp lửa ngày xưa của mẹ
như Nguyễn Xuân Thiệp cũng luôn
nhắc đến bếp lửa ở Vỹ Dạ
thời thơ ấu và Vương Phủ
người thi sĩ ấy đã ra đi. tới phương trời nào
ôi những phuơng trời xưa
Huế, Đà Lạt đầy sương mù
chúng ta đã có một thời gặp nhau
để nghe người thi sĩ ấy
đọc những câu thơ như văn xuôi của mình
giờ gặp lại nhau chắc Xuyến sẽ không nhìn ra tôi nữa
con đường đi qua cầu nửa khuya bao giờ cũng gần
nhưng con đường đi qua dấu lửa binh
sẽ xa vời như nước mắt
như lời Xuyến nói trong gió
như bước chân Xuyến vũng nước mưa trên sân trường
như đôi guốc quai nhung đỏ
như tiếng thì thầm vĩnh biệt …[1]
với giọng Huế trầm buồn rất Lê Văn Ngăn
dạo đó chàng hay mặc chiếc áo ka ki vàng
khuôn mặt luôn tư lự. dưới lớp da ngăm đen
cả những tháng ngày lang thang Đà Lạt
cùng Hoàng Đăng Nhuận .
Nhuận vẽ Những người đi mua không khí
khi chiều xuống Nhuận bán cà phê
trên mấy bậc cấp rạp xi nê Hoà Bình
người thi sĩ luôn đứng về phía những người nghèo khó
luôn làm những bài thơ '' Viết dưới bóng quê nhà “
đã ra đi tại Qui Nhơn. Qui Nhơn thành phố mang nhiều
kỷ niệm của những bạn bè. Qui Nhơn và mây núi
bay xuống thấp. và sóng biển ru chàng ngủ.
người thi sĩ ấy đã rời xa chúng ta
để đi đến những con đưòng trong các xứ sở lạ mặt [2]
Virginia, February 3, 2015
Đ . C
[1] Xuyến Và Vĩnh Biệt – Lê Văn Ngăn
trích trong Thơ Tự Do Mìền Nam – Thư Ấn Quán 2008
trang 231
[2] câu Bửu Ý trích của Rilke – Lê Văn Ngăn “Viết duới bóng quê nhà”
Ngày tháng thênh thang – Nhà xuất bản Văn Học 2011, trang 263
Lê Văn Ngăn sinh ngày 15.1.1944 tại Quảng Điền – Thừa Thiên
mất ngày 27.2.2015 tại Qui Nhơn
Những tập thơ đã in :
- Vào Một Thời Im Bóng ( 1974 )
- Viết Dưới Bóng Quê Nhà ( 2008 )