Trang viết đầu tay
Củi
09:12 | 01/06/2022

NGUYỄN NGUYÊN NHUNG

L.T.S.: Nguyễn Nguyên Nhung, sinh năm 1977 tại Huế. Cô gái 16 tuổi này hiện là nội trợ một gia đình nghèo đông người. Cô đang cặm cụi học nghề để giúp bố nuôi đàn em nhỏ. Và cô bắt đầu viết...

Củi
Ảnh: internet

Tôi kéo hộc áo quần cũ của cu Nô ra tìm cái khăn. Tôi chợt thấy củi! Những thanh củi đã vàng sạm khói bếp, lẫn lộn với áo quần Nô. Hèn chi, ông nội tôi đứng ở cửa bếp chửi vọng qua nhà tôi: "Cha cô bà, sẵn họ chẻ, họ hong khô rồi lấy chụm, cha cô bà...". Tôi giặt khăn lau mặt, lau cho em, cùng ngồi bàn ăn cơm. Tiếng chửi của ông vọng qua đều đặn. Miếng cơm nuốt vào cứ nghẹn lại, ực cả lời chửi bới của ông. Lòng tôi nhớ mẹ tha thiết, tám năm rồi còn gì, mẹ ơi! Ba mẹ bỏ nhau, nhưng tụi con tội tình chi mà mẹ lại bỏ? Con nhớ mẹ quá, con nhớ... Thằng cu Nô ăn bình thường, ông chửi nó càng ăn bạo, nhìn cái mang tai phùng lên, xẹp xuống tôi đâm ghét.

- Xì, lười biếng không đi kiếm củi, cứ ăn cắp.

Nó nuốt ực một cái.

- Ăn cắp à, sao chị chụm, giấu chỗ nào chị cũng ăn cắp. Mỗi bữa chỉ sáu lẻ thôi, không đủ ra vườn kiếm rác mà chụm độn.

Tôi nghĩ đến lúc, vừa học bài, vừa nấu cơm, nấu nước, vừa ra vườn bóc từng bẹ tre chưa kịp rơi xuống đất mà phát ớn. Có khi chụm độn với lá chuối chưa khô, khói lên um, cay xè, nước mắt tự động rơi vào tập, chẳng cần phải khóc, đành đấu dịu với cu Nô.

- Ngày mai cho chị mười lẻ, chị còn chụm nước uống nữa chứ.

- Hì... hì... hì...

Nó ăn phưỡn bụng rồi đứng dậy, loay hoay tập vở chuẩn bị đi học. Nó thường đi học sớm la cà đánh bi, đáo... Tôi nhắc lại:

- Mười lẻ nghe.

- Không, hì...hì...

Những ngày giáp Tết cu Nô đâm ra siêng năng, sáng nào cũng rủ mấy đứa bạn lên đồi Từ Hiếu khèo trái thông và nhánh thông khô. Trưa tôi đi học về thấy trên bếp củi thông chất cao dần, dù vậy, cu Nô chẳng nghỉ buổi nào. Có nhiều củi nó đâm ra hào phóng, không hà tiện như trước, tôi chụm thoải mái, chẳng thèm lo củi nữa. Biết Nô đi kiếm củi, buổi sáng trước khi đi làm, ba dặn cu Nô đừng trèo cây. Nô đem ra khoe ba một cái khèo dài hơn 4 mét, trên đầu có một cái móc sắt dấu hỏi khoảng 4 tấc. Ba hứa sẽ dành một số tiền mua củi, để cu Nô ở nhà quan tâm việc học. Tôi nghĩ ba hứa vậy, chứ ba lo gạo nuôi bốn đứa tôi là cũng quá nhọc nhằn, nhiều khi cứ sợ ba ngã dụi giữa đường. Ba đi rồi thì Nó lại hếch mặt với tôi, rồi vác khèo lên đường, nói:

- Tui sẽ lo củi chụm ra Tết cũng chưa hết, tới hè luôn.

- Sức mấy.

- Sức mấy à, tui nói là làm được, có như chị lười biếng số một.

- Ai nấu cơm, ai giặt giũ, ai đi chợ...?

- Ai ngủ trưa cho tới chiều...?

Như thường lệ, mỗi sáng cu Nô đi khèo ở đồi Từ Hiếu. Trưa, tin cu Nô té cây bị thương nặng như một tiếng sét đến với gia đình tôi. Nội tôi, ba tôi, các chú đều chạy xuống bệnh viện, khu vực của đại gia đình tôi vắng tanh. Tôi xuống bệnh viện thăm cu Nô, qua chẩn đoán sơ khởi, chuẩn bị vào mổ tay trái. Nô bị gãy lòi xương tay trái, gãy chân phải, nghi chấn thương não, mặt bị cây xóc loang lỗ máu, sau khi chụp phim quang tuyến X xong còn nứt xương chậu nữa. Tôi thấy ba đang đi chụp hình, ba đi chụp vụ mùa ở Thủy Dương về thấy nội ngồi trên xe cấp cứu nên cũng lao theo và biết tin cu Nô bị té. Ngày hôm đó là ngày 27 giáp Tết Nhâm Thân. Ba tôi cho biết là đã điện tín cho mẹ tôi từ trưa khi ba theo xuống cấp cứu, rồi trở lại bệnh viện nhanh vì Bưu điện cũng gần. Mẹ tôi sẽ nhận điện tín trong ngày 28 tết.

Cả tháng tôi lên xuống bệnh viện thăm em và bới xách, chẳng biết Tết là gì, cả nhà tôi như có đám tang lớn. Trong suốt tuần đầu tiên và tuần cu Nô chuẩn bị xét nghiệm máu, để mổ lắp sắt chân phải. Ba và tôi đòi hiến máu cho Nô, nhưng sau đó lại không thử máu, nghe nội nói ở ngân hàng máu, đã có loại máu của Nô. Tôi lại mong mẹ về để cho cu Nô máu. Đêm đêm cứ nghe tiếng chó sủa rộ ngoài xóm là tôi thức giấc ngồi dậy trông mẹ, tôi nghĩ mẹ về cả gia đình tôi đều mừng, nội cũng bớt nhọc nhằn bởi săn sóc cu Nô, riêng tôi, tôi cần nhất, là con gái tôi rất cần mẹ.

Tết vẫn đến, mứt bánh trong nhà không có. Chòm xóm đến cho, kể cả tiền và lời an ủi. Trong danh sách ba tôi ghi lại có linh mục, ni cô, bạn bè thân hữu, chòm xóm láng giềng, nhất là trường Trường An Huế, anh em nhiếp ảnh, báo chí. Ở thành phố Hồ Chí Minh có dì Nga bạn của ba tôi quen cách đây 20 năm. Bà con tôi ở thành phố và có cả bà Cúc, báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt liên đoàn thiếu niên tiền phong trường Trường An đã vận động quyên góp, nhịn quà sáng giúp bạn đã đến thăm hỏi và tặng quà, tặng tiền.

Hôm, tôi về bệnh viện dìu cu Nô đi khập khiểng những bước đầu liên. Cu Nô hỏi:

- Rứa mẹ không về chị Ni há?

- Ừ...

- Mẹ tệ thiệt, em nhờ Nội không thôi chết rồi. Chị có viết thư cho mẹ không?

- Có, ba cũng viết nói mẹ về để lo cho Nô.

- À! Chị Ni, dạo em lấy củi của nội, thu trong bàn thờ, trong cái cặp đen cũ, chị lấy ra mà dùng, chắc nhà hết củi rồi.

- Trời, lại củi nữa!

Một năm qua, Nô đi học lại lớp sáu. Lẻ sắt trong chân phải chưa có tiền mổ lấy ra, Nô đi hơi khập khiểng, tay trái cũng hơi vẹo và yếu nhiều. Mùa đông Huế mưa liên miên, buồn da diết. Củi vẫn là vấn đề khó khăn cho gia đình chúng tôi sau gạo. Mặc dù, ba tôi có bốn giải thưởng ảnh nghệ thuật trong năm 1992 và tiền nhuận ảnh nhiều nhưng cũng không đủ, tôi đã nghỉ học, học may ở chú Tuấn em thứ 8 của ba.

Mẹ tôi vẫn chưa về, tám năm rồi sắp đến là tết thứ 9. Điệp khúc của ông nội: "Cha cô bà, sẵn họ chẻ rồi qua lấy chụm... cha cô bà..." vẫn còn vang...

Huế, ngày 1/11/1992
N.N.N.
(TCSH53/01&2-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Tĩnh vật (16/03/2016)