Tôi khoác ba lô trên vai, chào già bản và bắt tay hết lượt mọi người trong nhà, rồi khom người bước ra cửa đi xuống cầu thang. Đồng chí trinh sát an ninh huyện ló đầu qua ô cửa sổ dặn với theo: “ Nhớ nghe! Cứ đi theo đường xe, chừng giữa trưa là tới bản N. Anh ghé vào đó hỏi đường, nếu muộn thì nghỉ lại mai đi!”. Nhìn ánh mắt lo lắng của anh, tôi bật cười, nói to: “ Nhớ rồi! Anh yên tâm!”. Tôi vẫy tay chào và hăm hở bước đi. Anh là người được Ban An ninh huyện cử đi dẫn đường cho tôi trong chuyến công tác này. Mục đích của tôi là tới bản A, để gặp một nhân chứng trong vụ án mà tôi sẽ không kể ra đây, vì nó chỉ là lý do dẫn tới câu chuyện tôi đang định kể. Chúng tôi đã đi được hai ngày đường. Nhưng tối qua lúc lội sang một con sông nhỏ, anh trượt chân ngã trên tảng đá bên bờ sông và ít phút sau thì cổ chân trái sưng vù lên, không bước được nữa. Tôi phải chặt cho anh một cây gậy để chống và dìu anh đi. Rất may chỉ nửa giờ sau chúng tôi tới được bản T. Già bản nắn lại khớp và đắp lá thuốc cho anh, nói phải năm ngày sau mới đi được. Vậy mà chúng tôi chỉ còn cách bản A chưa tới một ngày đường. Tôi hỏi đường, được biết: từ nơi chúng tôi đang nghỉ tới bản N. đi mất một buổi, từ bản N. tới bản A. chỉ đi non buổi. Ba bản nối nhau bằng con đường mà già bản gọi là “ đường bộ đội”. Đây là một nhánh của đường Trường Sơn, nhưng gần hai năm nay ta không dùng tới vì đã mở tuyến mới ở phía Đông. Tôi hình dung trong đầu con đường phải đi và thấy tất cả rõ ràng như ba điểm trên một đường thẳng. Thật đơn giản! Chỉ mình tôi cũng đi được. Công việc tuy không khẩn cấp nhưng nó là một trong những mấu chốt cơ bản của vụ án mà Ty an ninh Quảng Trị đang thụ lý, cần có kết quả càng nhanh càng tốt. Thế là sáng nay tôi dậy sớm quyết chí ra đi. Già bản định cho người dẫn đường nhưng tôi từ chối. Dân bản đang vào vụ suốt lúa trên nương. Quả là vô lý khi để một người đang bận rộn như vậy phải bỏ công việc để dẫn đường cho mình trên một con đường xe pháo chạy được, lại là vùng an toàn và chỉ đi chưa tới một ngày... Mặt trời lên cao xua hết sương. Núi rừng hiện ra uy nghi rực rỡ trong nắng mai vàng óng. Tôi càng bước càng dẻo chân. Con đường lúc luồn dưới những tán cổ thụ, lúc băng qua đồi cỏ tranh, thỉnh thoảng lại đi xuống một cái khe cạn lắp xắp nước ven bờ bông lau trắng phất phơ. Nhiều đoạn cỏ mọc um tùm, lá vươn dài quệt vào người loạt soạt. Ven đường vẫn còn sót lại vài căn hầm tránh bom gỗ lát nóc đã mục, đất sụp lở lấp gần đầy. Như còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng xe rì rầm leo dốc... Gần trưa thì gặp một rẫy lúa đang chín, màu vàng mơ xen lẫn với màu xanh. Sắp tới bản N.. Mươi phút sau, lúc leo lên một đoạn dốc, tôi nhìn thấy phía trái con đường cách chừng hai cây số những nóc nhà sàn khum khum, mái tranh vàng hươm dưới nắng trưa. “Mình chỉ đi non một buổi chặng đường mà ai cũng bảo phải đi cả buổi...”. Tôi tự tấm tắc đôi chân thiện nghệ của mình, và quyết định không ghé bản N. Quảng đường còn lại không xa, với tốc độ này thì giữa chiều là tới, việc gì phải ghé hỏi đường cho mất thời gian. Tôi dừng bên suối dở cơm nắm ra ăn. Lúc sáng già bản đã cẩn thận bỏ vào ba lô tôi nắm cơm với muối ớt. Chặng đường buổi chiều vẫn thế! Vẫn con đường xe chạy bỏ hoang lòa xòa cây cỏ, vết cuốc in mờ trên vách taluy. Lúc lúc lại gặp vài chú sóc bay liệng giữa những cành cổ thụ. Xa xa nghe có tiếng gà rừng gáy te te. Nắng chiều xuyên qua tán lá soi lỗ chỗ những đốm vàng trên nền rừng. Bốn giờ chiều. Theo dự tính của tôi thì đã tới bản A. lâu rồi. Lạ nhỉ? Có lẽ ở đâu trước mặt! Con đường giờ chỉ còn như một lối mòn, nhưng là lối mòn đã lâu không người qua. Tuy vậy tôi vẫn yên tâm khi vẫn còn nhìn thấy vài cái hố cá nhân lấp ló dưới cỏ và dây leo. Tôi bước vội, mặc cho mồ hôi ròng ròng trên mặt. Nắng nhạt dần. Bóng núi từ từ loang ra. Hình như... còn đường xe không? Cỏ mọc dày quá, không nhìn được mặt đường. Đi thêm đoạn nữa, tôi bỗng nhận ra mình đang ở trong rừng sâu. Những thân cây cổ thụ xáp lại gần, vô số dây leo lòng thòng đung đưa chắn lối. Bị lạc rồi! Nhưng ở đoạn nào? Tôi hối hả quay lui tìm dấu con đường, không biết được là trong lúc luống cuống mình chẳng hề trở lại lối vừa đi. Đến lúc dừng bên một gốc cây nhìn quanh, chỉ còn thấy cảnh rừng hoang nhập nhoạng. Bóng tối đang lan ra từ những tán lá rậm rịt, lấp dần mọi khoảng trống trong rừng. Vài tiếng chim lạc đàn kêu thảng thốt. Phút hoàng hôn giữa rừng âm u đến rợn người. Tôi cắn môi suy nghĩ, cố trấn tĩnh để chọn một giải pháp tối ưu cho tình thế hiện tại. Nếu tìm được chỗ trống, lát nữa sẽ nhìn thấy chòm sao Bắc Đẩu. Nhưng chẳng ích gì vì không thể lần đi trong rừng rậm vào lúc này. Tốt nhất là kiếm một cái cây mắc võng nằm qua đêm. Nhưng thật oái ăm khi xung quanh chỉ toàn những gốc đại thụ và lùm bụi. Tôi rút súng ngắn lên đạn, nhét trở lại vào bao nhưng không cài nắp, rồi dò dẫm lội trong đám cây lá rậm rạp. Muộn mất rồi! Dường như vừa có một chiếc vung khổng lồ chụp kín không gian, tất cả tối sầm lại trong chốc lát. Chỉ mấy phút sau tôi đã chìm trong màn đêm sâu thẳm. Sao lại tối nhanh thế nhỉ? Tôi ngơ ngác, tiếp tục lò dò sờ soạng. bây giờ niềm hạnh phúc lớn lao nhất là gặp được một thân cây có thể leo lên, điều mà bình thường chẳng ai xem là hạnh phúc. Xung quanh lặng phắc, chỉ có tiếng sột soạt do tôi gây ra. Nhưng đó chỉ là sự im lặng giả tạo. Giờ này vô số những con vật chuyên sống về đêm đang mò ra, cả thú dữ và rắn rết... Những đốm lên tinh trên thân gỗ mục sáng lấp lóe như mắt thú. Hình như có tiếng động ở phía sau! Tôi đứng lại nghe ngóng. Im lặng! “ Chắc mình tưởng thế thôi...”. Định đi tiếp, tôi lại nghe tiếng “ soạt” nhẹ của cành lá lay động. Tôi rút súng quay ngoắt lại. “ Đừng bắn! Anh bị lạc phải không?”. Một giọng nói đột ngột bật ra từ màn đêm đặc quánh. Tôi giật bắn người, tim thót lại. “Anh là ai?”, tôi hỏi vào bóng đêm. “Tôi là thợ săn. Anh cất súng đi, đừng lo!”. Như cái máy, tôi nhét súng vào bao. Giọng nói điềm tĩnh và có chút gì đó quen thuộc khiến tôi tin chắc đó không phải là tiếng của ma qủy, điều mà những lúc như thế này không chỉ người yếu bóng vía mới nghĩ đến. “Anh bước tới đi! Tôi sẽ dẫn anh ra khỏi đây!”. Tôi đưa tay quờ quạng, bước tới chỗ phát ra giọng nói. Lát sau có một bàn tay nắm lấy tay tôi dắt đi. Tôi vững tâm khi cảm nhận thấy mùi mồ hôi xa lạ tỏa ra từ thân thể người đàn ông lúc này đang hòa lẫn trong bóng tối. Mắt tôi chẳng nhìn thấy gì, nhưng anh ta vẫn đi rất nhanh và dễ dàng. Chúng tôi cứ im lặng đi như thế rất lâu, có dễ phải cả tiếng đồng hồ rồi. Tôi thấm mệt thở hổn hển. Hình như trời đang sáng lên... Đúng rồi! Lúc này đã có thể nhìn thấy mờ mờ bóng người đàn ông và cánh ná anh mang sau lưng. Tới một vạt cỏ bằng phẳng, người đàn ông đứng lại nói: “Anh nghỉ một lúc”, rồi biến vào màn đêm. Tôi hơi lo, đưa mắt nhìn quanh. Rừng vẫn tối om. Mấy ngôi sao nhấp nháy trên khoảng trời ló ra giữa những vòm cây. Có tiếng nước chảy róc rách đâu gần đây. Ít phút sau, người đàn ông quay lại giúi vào tay tôi chiếc bi đông nặng trịch: “ Anh uống nước!”. Tôi mừng rỡ mở nắp bi đông dốc nước vào miệng. Nước lạnh buốt, uống vào tới đâu biết tới đó. Người đàn ông ngồi xuống bên cạnh. Tôi nói để bắt chuyện: - May có anh chứ không thì... Tôi cũng định leo lên cây ngủ, không ngờ tối nhanh quá! Mắt tôi không quen với ban đêm trong rừng... - Không phải đâu! Người đàn ông ngắt lời tôi. Anh vừa lạc vào Lũng Ma đấy! - Lũng Ma? Tôi kêu lên. - Đúng vậy. - Anh... đi săn ở đây? Tôi không nghĩ ra câu hỏi nào hơn. - Không! Chẳng ai đi săn ở Lũng Ma, nhất là vào ban đêm. Tôi mải theo dấu một con gấu ngựa, tình cờ gặp anh từ lúc nửa chiều. Đoán anh bị lạc nên tôi đi theo. Đã lâu rồi chẳng có ai đi vào con đường đó. - Tôi chỉ mất dấu đường có mấy phút, nhưng không sao tìm lại được... - Không phải! Anh lạc lâu rồi! Anh định tới bản A. phải không? Con đường xe tới đó. Nhưng anh đã lạc sang một nhánh đường cụt ngay từ lúc mới qua bản N. - Đường cụt? - Vâng! Có lẽ hồi trước nhánh đường này dẫn tới một khu kho. Gần đấy tôi thấy có nhiều dãy lán đã mục nát. “ Hèn gì...”, tôi nghĩ, và chợt nhận ra điều quen thuộc trong giọng nói của người đàn ông: Anh nói giọng nằng nặng như người vùng đồng bằng Quảng Trị quê tôi, chứ không cứng và thiên về thanh huyền như cách phát âm của người dân tộc thiểu số vùng này. Cách dùng từ cũng vậy! Nếu người ở đây sẽ nói “ mình”, “bộ đội”, còn anh thì nói tiếng phổ thông “tôi”, “anh”. Tôi hỏi tiếp: - Sao lại gọi là Lũng Ma. - Đồng bào dân tộc đặt tên như thế! Nguyên nhân thì anh đã biết một phần. Ở đó trời tối rất nhanh, tối mịt mùng! Ngoài ra nếu anh đến đó lúc gió to sẽ nghe như có cả ngàn oan hồn khóc lóc gào thét. Người lọt vào Lũng Ma thường bị căng thẳng, có khi đến mức hoảng loạn. Nghe nói có người lạc vào lũng lúc trở về hóa điên. Tôi không tin chuyện ma quỷ, chỉ nghĩ ở đấy núi cao bao bọc xung quanh, tán rừng rậm rạp nên mặt trời vừa khuất núi là tất cả tôi sầm lại. Tiếng gió cũng vậy! Gió lùa qua hẻm núi rồi xoáy quanh lũng, thổi vào các hốc đá tạo nên những âm thanh quái đản. Có thể còn những nguyên nhân khác nữa mà tôi chưa biết đến. Anh giải thích rạch ròi ngắn gọn, rất dễ hiểu. Cách nói của người có trình độ văn hóa cao?... Tôi hỏi: - Anh người bản nào. - Tôi... không bản! Anh đáp cụt lủn. Tôi hơi băn khoăn nhưng biết không nên hỏi thêm, nên nói sang chuyện khác: - Từ đây tới bản A. xa không anh? Người ngồi bên tôi im lặng, vẻ cân nhắc điều gì. Lát sau mới nghe anh trả lời: - Xa lắm! Giờ không thể tới đó được. Anh về nhà tôi nghỉ lại, mai hẵng hay! Anh đứng dậy. Tôi khoác chiếc ba lô nhẹ tênh lên vai, đứng lên theo. Chúng tôi lại len lỏi trong rừng rậm, lúc lên dốc lúc xuống khe. Tôi không thể nhận biết mình đi về hướng nào, chỉ có cảm giác đang đi lên cao. Chúng tôi đi như thế chừng ba giờ, hoặc có thể hơn. Trời tối không nhìn được kim đồng hồ, và rất khó xác định thời gian khi đi trong một không gian đen kịt trong hoàn cảnh như vậy. Tôi thở phì phò, mũi hít vào từng búi không khí lạnh buốt. Người đàn ông lặng thinh trên suốt chặng đường. Mãi đến khi tôi đã mệt lử tưởng chừng không theo nổi, anh mới dừng lại, bình thản nói: “Anh xuống suối rửa. Tới nhà rồi!”. Anh kéo tôi bước xuống khúc suối nhỏ nước ngập ngang đầu gối, và bắc tay lên miệng hú hai tiếng ngắn. Tiếng hú như có phép màu làm bật ra một khoảng sáng hình chữ nhật ở trên cao, cách độ năm chục mét. Có tiếng chó sủa. Một vệt đen vút qua khoảng sáng biến vào màn đêm, thoáng chốc đã hiện nguyên hình thành con chó chồm cả hai chân trưóc lên ngực chủ rít ư ử mừng rỡ. Lát sau nó quay sang lội lũm chũm quanh tôi, dí dỏm chờn vờn hít hít, rồi lao đi. Chắc nó trở lại nhà báo cho người trong nhà biết ông chủ đã về và có dẫn theo một người khách lạ. Tôi cúi xuống vốc lên mặt lên cổ thứ nước như vừa tan ra từ nước đá. Lạnh đến rùng mình! Chỉ lát sau tôi đã run cầm cập. Lúc ngẩng đầu lên, tôi chợt thoảng thốt khi nhìn thấy giữa lưng chừng trời một quầng sáng rực rỡ nổi bật trên nền trời đêm. Ở giữa quầng sáng có hình dáng người mẹ bồng con, tay giơ cao ngọn đuốc, mái tóc dài bay bay trong gió... Con chó lại chạy xuống, ăng ẳng rối rít quanh chân chủ như thúc giục. Người đàn ông dẫn tôi lao lên đoạn dốc cao. Lúc tới gần hơn, tôi nhìn thấy một người thiếu phụ tay bồng đứa trẻ đang đứng ở đầu sàn vươn người giơ đuốc soi đường cho chồng. Chị chào đón chúng tôi bằng một chuỗi tiếng dân tộc líu ríu như tiếng chim, trong giọng nói có cả vẻ mừng rỡ lẫn ngạc nhiên. Đứa bé cũng hòa theo mẹ những âm tiết có vần “a” ở cuối. Người chồng đáp lại một câu ngắn hơn, tôi hiểu được hai tiếng “ bộ đội”. Leo hết những bậc cầu thang, tôi lên tiếng chào người thiếu phụ. Chị cười không đáp, đứng tránh sang bên cho chồng và khách bước vào nhà, rồi dụi tắt ngọn đuốc tẩm nhựa cây. Mùi nhựa cháy tỏa thơm hăng hắc. Người đàn ông dựng ngọn lao và cành ná bên vách, cởi vội chiếc áo ướt sương đêm, đang tay đón đứa trẻ từ tay vợ, nét mặt rạng rỡ. Lúc này anh không còn nhớ tới việc mình vừa đưa một người khách lạ về nhà. Tôi đặt ba lô xuống sàn, đứng nhìn quanh. Ngôi nhà sàn không lớn nhưng kín gió và chắc chắn. Bếp lửa giữa nhà đang cháy rừng rực, soi rõ những chiếc xương đầu của nhiều loại thú treo quanh vách. Đồ đạc trong nhà không nhiều: mấy chiếc gùi, vài bộ áo quần vắt ở dây, bộ nồi nấu rượu gò bằng ống pháo sáng, một khẩu ARI5 móc nơi cột nhà và rất nhiều băng đạn vàng chóe... Tôi chưa kịp quan sát hết lượt quanh nhà thì người thiếu phụ đã bày ra cạnh bếp típ cơm cùng nậm rượu làm bằng vỏ quả bầu khô đã lên nước nâu bóng, nom nhỏ nhắn xinh xắn như một món đồ mỹ nghệ. Chị với tay lên gác bếp lấy xuống mấy xâu thịt khô, gác nướng trên những cục than đỏ hồng. Chỉ ít phút sau, mùi thịt nướng đã tỏa ra thơm phức. Lúc này người đàn ông mới thôi nựng con. Anh đặt đứa bé ngồi gọn trong lòng mình, kéo tôi ngồi xuống: “Ta nhấp chút rượu cho ấm rồi ăn cơm! - Anh cầm nậm rượu rót ra hai cái chén cũng làm bằng nuốm vỏ bầu khô, nói tiếp, - rượu ngâm với thuốc và mật ong đấy! Uống vào khỏe người ngay!” Tôi bưng chén rượu nhấp một hớp, thấy cả vị ngọt lẫn vị cay nồng đến tê đầu lưỡi. Chỉ lát sau là người nóng lên. máu chảy rần rần dưới da. Chúng tôi ăn cơm với thịt nướng chấm muối ớt. Tôi véo từng nắm cơm viên lại rồi cho vào miệng. Cơm gạo nương đồ kỹ dẻo quánh răng, thịt khô nướng càng nhai càng ngọt, rất ngon. Chú bé ngồi yên trong lòng bố, giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Người đàn ông rót thêm rượu ra chén, giục tôi uống. Ngắm kỹ anh, tôi đoán anh cùng trang lứa với tôi, có hơn cũng chỉ vài tuổi. Vóc người anh cao to, những bắp thịt cuồn cuộn dưới lớp da màu đồng hun. Với mái tóc dài buộc túm sau gáy, vành miệng hơi mím và đôi lưỡng quyền nhô cao, trông anh có vẻ quyết đoán đến lạnh lùng. Nhưng lúc cười, nét mặt anh trở nên nhẹ nhõm rất dễ mến nhờ ánh mắt ấm áp và nụ cười đôn hậu. Hai chúng tôi ăn hết típ cơm. Người thiếu phụ gác mấy xâu thịt nướng tiếp, rồi bồng con ngồi sát cạnh chồng. Nãy giờ chị chưa nói câu nào, chỉ cười. Chị mặc váy đan và chiếc áo khâu bằng bao cát, loại bao sợi tổng hợp chứ không phải bao nhựa. Không ngờ bao cát may áo mặc lại đẹp đến vậy. Mà hình như chị cũng không phải người vùng này...? Đúng là mái tóc chị hơi quăn nhưng dài và đen bóng. còn màu da thí rám nắng chứ không phải nâu đen. Đôi mắt đen láy, đuôi mắt dài hơi xếch, sống mũi thẳng, hàm răng trắng và đều đặn... Lại nữa trên tai chị không đeo khuyên, cũng không thấy xâu lỗ... Đôi vợ chồng này là ai?... Chừng thấy tôi trầm ngâm, người đàn ông hỏi: - Anh mệt phải không? - Không sao đâu anh! Tôi đi rừng cũng quen rồi, chỉ chưa tới vùng này khi nào nên mới bị lạc. Tôi đáp và hỏi sang chuyện khác. À, từ đây tới bản A.... Anh nói ngay: - Anh đừng lo! Để rồi tôi dẫn anh băng rừng theo lối ngắn nhất. Thế này nhé... Anh cầm hòn than vạch lên sàn nhà. Đây là nhà tôi, đây bản N., bản A. ở đây... Anh nối ba điểm lại thành hình tam giác... Tôi sẽ dẫn anh đi theo lối này! Tôi ngạc nhiên nhìn hình vẽ. Những cạnh tam giác được kẻ rất thẳng, mấy chữ “bản A.”, “bản N.”, “nhà tôi” viết bằng kiểu chữ in hoa rõ và đẹp. Như biết tôi đang nghĩ gì, anh nói: - Hồi trưóc tôi đã học gần xong tú tài... Tôi sửng sốt ngẩng lên nhìn anh, trong đầu thoáng nghĩ: “Một người lính ngụy đào ngũ?...”. Người vợ bỗng lay chồng, nói một câu rất dài, vẫn bằng thứ “ngoại ngữ” ngoài sức hiểu biết của tôi. Người chồng cười, dịch lại: - Vợ tôi bảo, anh ở lại chơi một ngày hẵng đi! Anh là người khách đầu tiên của vợ chồng tôi. Tôi ngạc nhiên: - Thế... quanh đây...? - Gia đình tôi sống ở đây một mình. Tôi chợt nhớ lúc trước anh đã nói “Tôi không bản” và hiểu rằng có rất nhiều lý do khiến mình không thể từ chối lời mời chân tình của chủ nhà. - Sợ... phiền anh chị... Tôi khách sáo một cách ngớ ngẩn. - Vậy là đồng ý rồi nghe! Anh mừng rỡ, vỗ vào vai tôi một cú nặng trịch. Người vợ cười rạng rỡ, nét mặt tươi rói. Cả con chó vàng cũng vẫy đuôi rối rít. Chỉ có chú bé là đã ngủ say trong lòng mẹ. Người đàn ông rót rượu ra chén, bưng ấn vào tay tôi: - Anh uống đi! Vợ tôi không nói được tiếng Kinh nhưng nghe thì hiểu hết đấy! Anh ở lại chơi là cô ấy mừng lắm! Lúc đầu tôi cũng không định đưa anh về nhà, đến khi nghe giọng nói của anh... Anh người vùng X... phải không? - Vâng!... Tôi nói tên quê mình và hỏi lại. Hình như anh cũng người dưới đó? Anh cúi mặt đăm chiêu. “ Đáng ra mình không nên hỏi...”, tôi áy náy. Đột nhiên anh nói: - Tôi họ Chế. Điều đó có gợi cho anh suy nghĩ gì không? Tôi ngập ngừng: - Anh muốn nói... anh người miền trong... - Đúng vậy! Giòng họ tôi lưu lạc lâu rồi. Riêng gia đình tôi ra sống ở đất Quảng Trị từ đời ông nội tôi, nhưng cũng ở dưới xuôi. Chỉ sau này tôi mới lên rừng... Anh nhìn tôi đắn đo. Chuyện của tôi... dài lắm! Sợ anh buồn ngủ? Tôi cười: - Thú thực lúc này có nằm xuống tôi cũng chưa thể ngủ được! - Vậy hả? Ờ, để tôi kể cho anh nghe... Thực ra tôi cũng không biết nhiều về giòng họ của mình, lúc lớn lên chỉ thấy có cha tôi và ông chú ruột. Mẹ tôi cũng người ngoài này. Ngoài ra còn mấy người bà con ở đâu trong Thừa Thiên, mỗi năm cha tôi có vào thăm một lần. Qua những câu chuyện ông kể lại, tôi mang máng hiểu rằng thời xa xưa chúng tôi đã từng có một dân tộc, một đất nước, có nền văn hóa riêng. Nhưng rồi thời cuộc biến đổi, đất nước ấy tiêu vong. Giòng họ tôi dần dần nhập vào tộc người Việt. Năm tôi mười lăm tuổi, cha tôi có cho xem hai vật gia bảo của giòng họ: một con voi bằng vàng và cuốn gia phả. Con voi thì tôi được xem kỹ. Nó to bằng này này. Anh chìa ra ba ngón tay, đúc bằng vàng ròng, rất đẹp. Tôi còn nhớ trên cái vòi cong cong của nó có những nếp nhăn và đôi tai mỏng tang mềm mại như đang ve vẩy. Còn cuốn gia phả tôi chỉ nhìn qua chứ chưa được đọc. Cha tôi là trưởng họ nên giữ những vật đó. Tôi là con trưởng, sau này sẽ đến lượt tôi giữ. Nhưng theo quy lệ của giòng họ thì phải đến lúc tôi mười tám tuổi mới được truyền cho những điều chép trong đó, nhưng chỉ những điều về tập tục, về họ tộc. Cha tôi bảo thế! Như vậy trong cuốn gia phả còn có những điều khác không chỉ ghi chép về phả hệ. Ây là sau này tôi mới nghĩ ra chứ lúc đó không mấy chú ý. Tuổi mới lớn thường sống sôi nổi với hiện tại, về tương lai thì chỉ quan tâm những việc trước mắt, và hầu như không tưởng tới qúa khứ. Có lẽ khi về già người ta mới nghĩ tới quá khứ nhiều hơn... Nhưng rồi tôi đã qua tuổi mười tám mà chẳng bao giờ được đọc gia phả, chẳng còn có dịp để biết thêm về giòng họ, về dân tộc của mình... Anh nghẹn giọng ngừng lại. Người vợ ngước mắt nhìn chồng, rồi tựa đầu vào vai anh, một tay vòng qua lưng ôm lấy bờ vai bên kia. Chúng tôi ngồi lặng yên. Bên ngoài gió đang thổi mạnh, tiếng gió rít ù ù qua khe núi. Tôi với tay đẩy mấy khúc củi. Ngọn lửa bùng lên uốn éo, than củi nổ lép bép làm bắn ra những đốm hoa lửa. - Anh đã biết Quảng Trị những năm sáu tư, sáu lăm... Người đàn ông kể tiếp... Tôi đang trọ học ở thị xã thì được tin cả nhà tôi bị bên Cách mạng giết chết... Về tới quê chỉ còn nhìn thấy ngôi nhà cháy rụi cùng bốn ngôi mộ của cha mẹ và hai đứa em. Cha tôi làm ấp trưởng nên bị Cách mạng giết, nhưng mẹ và các em tôi thì có tội tình chi? Mà tôi biết cha mẹ tôi có liên lạc với bên Cách mạng. Nhiều lần thấy bà đi chợ Đông Hà mua về những thứ nhà tôi chẳng dùng bao giờ, như pin, thuốc tây... rồi mấy hôm sau chẳng còn thấy đâu nữa! Suốt mấy ngày liền tôi hết ra ngồi bên mộ lại đi vật vờ trong xóm như người mất hồn. Chiều hôm đó tôi đi qua nhà anh Nghĩa thì anh ngoắc tay gọi vào. Tôi lững thững đi vào. “Mi biết chi không?”, anh hỏi. Tôi nhìn anh không đáp. Anh ghé tai tôi nói nhỏ: “Dì dượng không phải bị bên Cách mạng... Tôi vẫn gương mắt nhìn anh. Tối đó nghe súng nổ xóm ngoài, tau sợ qúa, bèn giấu khẩu cácbin trong bụi chuối rồi luồn ra trốn ngoài bờ tre trước nhà mi. Tau thấy... chú mi đi vô nhà, có mang khẩu “ a e”. Lúc sau nghe súng nổ rẹt rẹt cả băng, lúc sau nữa nhà cháy...”. Tôi tỉnh hẳn trợn mắt nhìn anh chằm chằm. Chắc vẻ mặt tôi có gì lại lắm nên anh hoảng hốt lắp bắp: “ Mi không tin tau à? Khi chú mi đi ra, lửa cháy nhà sáng lắm, tau nhìn không lầm mà! Ông ấy đứng trước ngõ tay vẫn xách khẩu “ a e”, ngó tới ngó lui rồi mới chạy đi...”. Tôi bước tới mấy bước, anh lùi lại. Chợt hiểu ra, anh nhào tới chụp vai tôi lắc lắc: “ Đừng... đừng nói với ai... tau chết...”. Nói xong anh chạy vụt vào nhà. Tôi đờ đẫn bước đi, choáng voáng như vừa bị sét đánh bên tai. Chẳng lẽ anh ấy bịa? Để làm gì? Anh Nghĩa là anh họ tôi, gọi mẹ tôi bằng dì. Tính anh thật thà chất phác, cả nhà tôi đều mến. Anh thọt chân nên không bị bắt đi lính nhưng phải vào nghĩa quân... Tôi về nhà, ngẩn ngơ nhìn quanh. Trên cái cột nhà máy cháy sém có vết đạn. Tôi tìm dao đẽo chỗ đó, moi ra được hai cái đầu đạn nhọn hoắt nhỏ như đầu đũa. Đạn ARI5! Loại súng này lúc đó đang hiếm lắm! Những điều anh Nghĩa nói đều khớp. Nhưng tại sao chú tôi lại giết cả nhà tôi? Tôi không tin! Tôi ngồi thụp giữa sân, ôm đầu... Hai anh em ruột, hai người đại diện cho cả một giòng họ ở đất này... Chợt một ý nghĩa bật ra: “ Vật gia bảo?”. Trước đây có lần cha tôi nói: “ Chú con đòi giữ những thứ này, nói trước sau gì con cũng phải đi lính. Nhưng cha không chịu...” Chú tôi là người đầy tham vọng. Lớn lên ông ta không làm ruộng như cha tôi mà lên thị xã buôn bán, nghe nói có vào đảng gì đó. Đùng một cái thấy ông ta về làm xã trưởng. Tôi chạy vào nhà, gạt hết tro than và lấy dao đào đám đất dưới bàn thờ, chỗ chân bàn phía trong bên trái. Cha tôi chôn những vật gia bảo ở đó, những cái hũ sành miệng rộng. Tay tôi chạm phải những mảnh sành và lớp đất tơi. Đào tiếp những nơi khác: đất cứng và chẳng có gì. Tôi ném cây dao, người rã rời. Hồi đó chính lão ta năm lần bảy lượt hối thúc cha tôi nhận làm ấp trưởng. Một tội ác có tính toán từ trước! Mấy ngày sau, tôi giấu một lưỡi lê trong người rình bám theo lão chú, nhưng không dám tới gần. Lão đi đâu cũng có một toán nghĩa quân đi theo, tối lên ngủ trên nhà hội đồng có người gác. Lão sợ Cách mạng chứ không phải sợ tôi. Trong mắt lão tôi chỉ là một đứa nhãi ranh trước sau gì cũng phải giết. Rồi tôi cũng tìm ra cơ hội. Lão ta có đi lại với một mụ góa ở cuối xóm, nhưng giấu rất kỹ vì sợ mụ vợ dữ như chằn. Bởi thế mỗi khi đến với mụ ấy lão chỉ lén lút một mình. Tôi rình ba ngày liền từ chập tối đến nửa đêm, nhưng không gặp. Ngày thứ tư tôi đến nấp trước nhà từ trưa. Nửa chiều thấy lão mò tới. Lão vừa đưa tay mở cánh cổng tre thì tôi nhào tới chụp vai xoay người lão lại và đâm một nhát vào ngực trái lút đến cán. Lão khuỵu xuống không kịp kêu một tiếng, mắt vẫn trợn trừng kinh hãi. Sau đó tôi bỏ trốn. Lên đến Đông Hà lúc chập choạng tối, tôi gặp đoàn quân xa từ trong cảng ra chạy về hướng nam. Tôi lén bám được một chiếc vén bạt nhảy lên nấp trong thùng xe. Nếu lúc đó tôi không nằm mê man trên những thùng đạn thì đã biết đoàn quân xa chỉ chạy dọc quốc lộ một đoạn ngắn rồi rẽ vào đường Chín lên miền Tây. Chỉ đến khi không bị nhồi xóc, tôi mới tỉnh lại hé bạt nhìn ra, hoảng hốt thấy xung quanh toàn là núi rừng sương phủ trắng xóa. Đoàn xe đứng dừng nghỉ giữa đèo. Có tiếng người lao xao. Sợ họ đi kiểm tra thùng xe, tôi vội nhảy xuống chạy vào rừng... Vậy đấy! Anh bưng chén rượu uống một ngụm, nói tiếp. Cũng là do số phận đưa đẩy, anh ạ! Trước đó tôi không hề có ý định trốn lên rừng. Nhiều năm về sau này, mỗi khi nhớ lại những ngày kinh hoàng ấy, tôi vẫn nghĩ: với những con người như chú tôi thì bất cứ một giòng họ, một dân tộc, một đất nước nào rồi cũng tiêu vong... Anh ngừng kể ngồi lặng, trong mắt có ngọn lửa chập chờn xa xôi. Tôi sững sờ nhìn anh. Câu chuyện thật lạ lùng và bi thảm. Ngoài trời gió vẫn hú từng đợt, quất vào mái tranh rào rào. Anh chợt nhỏm dậy như choàng tỉnh: “ Ây chết! Khuya quá rồi, anh nằm xuống đó ngủ. Tôi ra lấy thêm củi.”. Anh trải tấm chăn xuống sàn, bế đứa con từ tay vợ đặt lên đó, hé cửa bước ra. Một luồng gió lùa vào mang theo những hạt bụi nước li ti lạnh buốt. Mây đang trùm kín mái nhà. Đêm ấy trong giấc ngủ, tôi mơ thấy mình lạc vào một xứ sở kỳ lạ. Ở đó có rất nhiều ngọn tháp đất nung và những vũ nữ đang khuỳnh chân múa rất đẹp trong tiếng nhạc réo rắt phát ra từ chiếc vỏ ốc biển khổng lồ... (Còn nữa) P.V.L (138/08-00) |