Trang viết đầu tay
Phía trước có ba-ri-e
15:10 | 14/03/2011
DƯƠNG PHƯỚC THUMười năm xa cách, nay gặp lại nhau mừng hết chỗ nói! Hòa - anh bạn tôi cứ nằng nặc mời về chơi nhà anh. Thôi thì cũng liều mình chậm phép một ngày ghé lại chỗ anh.
Phía trước có ba-ri-e
Ảnh: Internet
Hòa đã xây dựng gia đình - Cúc làm cùng một cơ quan, chị là thợ điện của phân xưởng điện ô tô. Cả hai người cũng lính Trường Sơn cả. Chả là khi chuyển ngành chúng tôi mỗi người một ngã. Hòa lúc ấy có cô bạn mới quen (Cúc bây giờ) còn tôi vẫn cô đơn.

Tôi nhận công tác tại Đà Nẵng. Còn Hòa, anh sinh ra trên thành phố Huế lớn lên ở miền Bắc, đi bộ đội rồi vào Nam chiến đấu, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hòa có cái may trở lại Huế: anh đã đạt được nguyện vọng.

Những kỷ niệm của đời bộ đội đã gắn bó với tôi với Hòa thành đôi bạn tri kỷ, tuy anh hơn tôi ba tuổi. Cùng vào trường một ngày, học cùng lớp. Ra trường cả hai được về cùng một đơn vị vận tải của Đoàn 559. Là người lính, chúng tôi làm sao quên được những năm tháng gian khổ của chiến tranh, của anh bộ đội Trường Sơn.

- Thì cậu ở lại với tớ một bữa đã sao? Bây giờ ngồi lên đây tớ đèo về.

Chiếc xe đạp chở nặng ngược dốc Nam Giao. Xích líp cứ trật mãi vì quá nhão!

Tôi theo anh vào nhà, bóng chiều ngã sau ngọn núi xa, ánh lên màu vàng nhạt, một mái nhà tôn đã cũ, vách bằng gỗ ép. Giàn hoa giấy trắng trước hiên, đang lên xanh mơn mởn.

- Vợ chồng tớ sống đơn giản có vậy thôi - Anh giới thiệu.

- “Một mái nhà tôn hai trái tim vàng” mà lại! Tôi nói anh cười:

- Bây giờ cậu rửa ráy, nghỉ ngơi cho đỡ mệt, tớ đi chợ Bến Ngự kiếm tí gì ăn cho vui.

- Thôi thôi! Có gì ăn vậy. Tôi chứ có phải khách đâu mà!

- Anh em lâu ngày gặp nhau lai rai chút gì. Hơn nữa tối nay là thứ bảy.

- Lệ thường của thứ bảy à, anh uống có nhiều không?

- Đâu có - vui thì nhấm tí chơi thôi, mình đâu nghiện.

- Thôi thế tùy anh.

Hòa dắt xe ra, chiếc xe đạp Phú Xuân đã cũ. Anh treo cái giỏ ở phía trước ghi đông, cái líp xe khô dầu kêu tênh tách nhoắng một cái anh đã ngoặt ra đường cái, Hòa đi rồi, tôi dạo quanh tổ ấm của đôi chim câu này. Một mảnh vườn nhỏ trồng rau khoai, bên cạnh nhà bếp cái chuồng lợn nhỏ sạch sẽ, thoáng mát, trong chuồng có hai “chú” lớn độ mười cân. Thấy có người đến nó nhảy lên kêu eng éc đòi ăn. Loanh quanh một lúc tôi vào nhà. Hòa đã về, cái giỏ được chuyển ra phía sau boóc-ba-ga. Anh mua nào là cá chép, thịt bò, rau sống, ớt, tỏi v.v… vừa cởi sợi dây cao su buộc giỏ thực phẩm anh vồn vã:

- Tối nay chiêu đãi cậu món canh cá chua với rau sống, thịt bò xào tái, chính tớ “đạo diễn”.

- Anh làm gì mà nhiều thế! Tôi chân thành. Điều kiện bây giờ mà cứ chén như thế này một ngày là hết tháng lương như chơi.

- Mấy hôm nay Cúc về thăm ông bà ngoại. Mấy bữa rồi mình chả ăn uống gì nhân tiện có cậu thì phải có tí gì để cay cay chứ - Tớ nói thật: Cậu là: “đại khách” của tớ đấy - anh hạ giọng.

- Tiếc rằng Cúc về ngoại nên không gặp được cậu!

Hòa cười vui vẻ - Chao ôi! Mới mười năm đã làm cho khuôn mặt ấy thêm nhiều nếp nhăn trên má. Vẫn cái cười ấy Hòa gợi cho tôi nhớ lại kỷ niệm ở Trường Sơn.

Hồi ấy chúng tôi thèm rau quá, chẳng biết kiếm đâu ra, da anh nào cũng bũng bệu cả. Đến bữa cơm, thường có thịt hộp, ruốc bông. Xài loại này mãi cũng chán, ớn cả người. Rồi có hôm anh chàng “Ba cầu” - một lính mới to khỏe được đơn vị đặt cho cái tên ấy (khỏe như xe Ba cầu) trong lúc đang ăn, nói:

- Giá như bây giờ có bát canh chua nấu dấm, thêm ít rau cải cay thì có lẽ tôi chén hết nồi năm cơm gạo mới.

- Chà ăn gì mà dữ vậy.

Còn tôi thú thật, nghe tới rau là sướng vô cùng, thèm quá lâu ngày rồi còn gì, thịt, cá lâu lâu cũng có bữa, chứ rau thì lấy đâu ra?

Thiếu rau lâu ngày xanh xao cả người. Hòa xin đại đội đi rừng một ngày, anh kiếm đâu ra cái bì tải, hái về nửa bì rau tàu bay (lính mới chúng tôi làm gì biết rau tàu bay), xuống suối rửa sạch, bỏ vào cái chảo luộc, lấy ít muối giả nhỏ trộn tí mì chính hòa với nước rau làm nước chấm. Chúng tôi hì hụp một lúc thì rau và nước chấm hết sạch. Cũng từ bữa rau ấy, mỗi ngày cử một người đi hái về luộc hoặc nấu canh. Tôi cảm thấy bữa cơm có phần ngon hơn.

Nhưng tôi đâu có hết thèm rau? Bà cụ nhà tôi cứ thường bảo: mày sinh “năm Hợi”, và có lẽ vì thế nên tôi ăn rau nhiều. Sau đó, những lần bữa cơm có rau xanh, mỗi lúc thấy tôi ăn ngốn ngấu, Hòa nheo mắt cười:

- Rau rừng chỉ nên thỉnh thoảng mới ăn một bữa, và ăn ít thôi, ăn nhiều là sốt ngã nước đấy!

Lúc ấy có mà ngã! Ngã sấp ngã ngửa tôi còn không sợ nữa, là ngã nước!

- Cơm xong đi chơi chứ? Hòa hỏi tôi.

- Đi đâu tùy anh “Đất có thổ công” mà.

- Lâu nay sống ra sao? Đã có đám nào chưa? Làm ăn thế nào? Nghe nói cậu dạo này thôi lái rồi hả?

- Cũng tàm tạm thôi anh ạ! Bữa nay tôi làm kỹ thuật, kể ra thôi lái cũng buồn! Được cái vẫn sống với xe máy, có điều ít đi lại hơn. Chuyện riêng tư đã có gì đâu? - Gin!

- Ôi dào! - cái nghề này lâu cũng chán - nhất là hiện nay.

Tôi ngồi nghe Hòa tâm sự, giọng anh lúc lên lúc xuống, có lẽ trở thành cái bệnh của nghề xe.

- Tớ thấy cái cảnh làm ăn bây giờ tùm lum lên, ai cũng như ai. Con sâu làm rầu nồi canh! Mang tiếng hết! - lặng đi một lúc anh tiếp: - Còn tớ, cậu hiểu chứ! Tớ yêu nghề này đâu có phải để kiếm tiền, tớ mê lái xe từ nhỏ giờ chán nghề kể cũng tức cười. Anh chua chát nhìn tôi nói.

- Nhưng cánh mình cũng quá quắt lắm, bạt mạng, ngang tàng bất chấp mọi cái ở trên đường, nhân dân kêu cả về mấy ông “giặc lái” mình nghĩ đâu có oan? Tôi nói.

Cậu tính, xế với nhau cả nhưng chúng tớ có cái gì? Anh giơ tay chỉ những đồ vật trong nhà được sắp xếp cẩn thận gọn gàng: một bộ bàn ghế, cái tủ gỗ được kê giữa nhà, hai cái giường đôi, và một chiếc xe đạp Phú Xuân đã cũ. Có thế! Cúc cứ nói mãi “Sống như anh chỉ tổ cho họ cười. Thà anh chuyển nghề đi còn hơn. Anh không tính đến chuyện nhà cửa, con cái sau này, bộ cứ ở như thế mãi sao? Bây giờ có phải một mình ai đâu mà anh sợ!” Thú thật, nhìn bạn bè mình thấy ngán thật! Nói vậy chứ dù sao Cúc vẫn tin ở mình! Cuộc sống đâu phải chỉ có tiền…!

- Đúng - Tôi nhất trí với anh, thời thế phức tạp thật, “bàn tay có ngón ngắn ngón dài”. Con người có gì cao hơn tâm hồn, cái quí là ở tình cảm, cái tình người!

- Hay tối nay chúng mình lên khu tập thể Công ty chơi vậy. Ở đấy toàn những ông xa nhà, chưa vợ - nói chung là sống độc thân. Nghe họ nói chuyện cậu sẽ hiểu ngay thời buổi của lái xe. Có thằng khốn khiếp còn cho là thời “hoàng kim” của xế nữa chứ!

Nét mặt anh đanh lại, tôi hiểu trong anh đang nổi lên cơn thịnh nộ. Tôi đồng ý đến chơi với cánh “đồng nghiệp” cùng Hòa.

Những dãy nhà dài lợp tôn, vách trát xi. Dưới ánh sáng xanh của ngọn đèn nê ông trong cái phòng bốn chủ, anh em xế đang ngồi tán gẫu, những câu chuyện không đầu không đuôi. Thấy chúng tôi vào, câu chuyện có phần lắng xuống. Hòa giới thiệu tôi với mấy ông “chủ nhà”. Được biết tôi cũng là xế, câu chuyện lại tiếp tục hăng lên theo quán tính của nghề máy nổ. Một anh lái dáng cao to, có giọng nói ồm ồm, mồm ngậm điếu thuốc Samit phì phèo ngả người lên thành ghế, hai chân duỗi thẳng về phía trước.

- Tao nói thiệt, “chuyện lái xe” có kể vài năm cũng không hết, quay về phía Hòa anh ta tiếp: Chuyện gì mà họ không gán cho lái xe - Thôi thì đủ chuyện!

Tôi quan sát những anh chàng xung quanh: Anh này hút thuốc ngửa mặt nhả khói lên trần nhà; anh kia nhấp nháp ngụm nước trà. Cảnh thật nhàn hạ của tối thứ bảy xa nhà. Họ vào chuyện, bao giờ cánh lái xe cũng đi từ chuyện đường, chuyện xe - theo một quy luật nhất định.

- Đường sá bây giờ chán thật - một anh gầy gầy trạc hai cúc áo ngực lên tiếng: - Họ phơi rơm dài hàng chục cây số! đã thế còn vác đá chàn hai bên lề đường nữa chứ- khoán cái kiểu gì lạ vậy:

- Đường công cộng mà lại…

- Đường đi chưa hết họ đã qua xe rồi.

- Xe cộ dạo này nhiều loại thật, to nhỏ đủ các kiểu, bọn mình đâm ra lạc hậu với các loại mới. Công ty mình cứ tằng tằng ba cái giải phóng, ba cầu, chán thật! Vừa tốn nhiên liệu lại hay hỏng hóc, có mà năng với suất!

- Thì giai đoạn quá độ mà lại! Anh này tỏ ra am hiểu chuyện trong nước, ngoài nước, rồi chuyện anh chàng nọ quen mấy cô mậu dịch viên cửa hàng số I. Anh chàng kia quen nhiều cô thủ kho vật tư… Thôi thì vô số chuyện! Sau cùng quay về chuyện làm ăn.

Hòa bấm nhẹ tay tôi nói nhỏ:

- Xem ra chuyện này là lý thú nhất đấy, nội dung chính là ở đây, cậu cố gắng mà ghi nhận nhé!

- Việc làm ăn bây giờ khối người - anh ta quay về tôi có ý xin lỗi, tôi hiểu ý gật đầu mời anh ta cứ tự nhiên - tôi cũng xế mà!

- Ừ thì khối, nhưng loại người nào? Tôi, anh, hay ai?

- Là lái xe chứ còn ai.

Một anh mập lùn, để lộ ria mép rậm, tóc quăn tít, nãy giờ ngồi im bắt đầu lên tiếng:

- Thế nghề khác họ không làm ăn à! Coi bộ chỉ có cánh mình mới ăn thôi! Thật buồn cười cho các cậu - giọng kể cả anh ta chả ý tứ gì.

- Bọn họ còn có cả một tổ áp phe ghê gớm. Hôm nọ tao chứng kiến công an Thanh Hóa đã bắt gọn năm tên buôn lậu thuốc tây giả. Này các cậu có biết không? Trông người nào cũng có vẻ là cán bộ đàng hoàng, thế mà?... Anh ta tiếp. Bây giờ đi đường gay go lắm, xe 39A mình đi ra cũng khó, đi vào cũng gay, nói tóm lại có cái gì đó thì liệu liệu. Trạm kiểm soát liên tục, có thân hãy giữ thân.

- Trạm thì trạm, sợ gì. Được ăn cả ngã về không, cứ “dô” rồi quen tất!

- Nếu trạm đột xuất thì có chết!

- Ừ nhỉ - cái anh có giọng ồm ồm nói - tớ chưa gặp những đột xuất, có mà chạy đằng trời - Thôi thế là hết!

- Lúc ấy gặp tao, thì phải tỏ ra mình là con người biết điều chứ. Anh mập khi nãy lại lên tiếng “Dạ - Dạ thưa các anh em ít đi đường dài lắm ạ, lần nầy là lần đầu tiên em vi phạm đấy ạ!” - anh ta kéo dài chữ ạ nghe nó khúm núm làm sao ấy!

- Nếu không, phải dùng cách khác… miễn là đi lọt…

Hàng loạt mánh khóe được tung ra trong cuộc sống phức tạp, họ xem đó như một biện pháp cần thiết để làm ăn.

Đi chở nhiên liệu họ cố gắng nhận lúc trời mát, khi trả hàng, tìm mọi cách kéo dài đến trưa trưa, xăng dầu sẽ nở ra khi gặp nóng. Có khi chỉ cần nghiêng xe là được vài trăm lít. Đi đêm đi ngày cần đón giờ nghỉ hay đổi ca của các trạm kiểm soát giao thông dọc đường…

Tôi lắng nghe những câu chuyện như thế, hình như không bao giờ chấm dứt.

Chia tay mấy ông bạn “Đồng nghiệp” chúng tôi ra về. Im lặng một lúc Hòa hỏi:

- Cậu thấy thế nào? Mới chỉ một lần gặp nhau mà chuyện trò cởi mở quá hè!

- Anh Hòa! Tôi phát ngượng lên, chả hiểu ra sao cả? Nếu cứ như thế này không khéo rồi họ bán cả xe của Nhà nước như chơi.

- Ôi! - anh cười sặc sụa - cậu tưởng không có à? Cách đây gần hai tháng có thằng đã bán cả bốn bánh xe rồi kêu mất trộm (kể ra thì bọn trộm nào đây cũng tài thật, lấy luôn bốn bánh) cơ quan quy trách nhiệm qua loa cũng xong. Thế còn nói gì được nữa?

- Còn vô khối việc cần phải phanh phui. Mình rất ủng hộ những việc làm này.

Đã khuya, ngoài dốc Nam giao tiếng xe cũng thưa thớt dần, đâu đó bên hàng xóm trẻ con khóc thét. Trong góc nhà tôi om cóc nghiến răng ken két, có lẽ trời sắp cơn giông.

Tôi trằn trọc mãi không chợp mắt, câu chuyện của mấy anh bạn “đồng nghiệp” cứ dày vò khó chịu mãi, trở mình mấy lần trời đã gần sáng, còi tàu ga Huế kéo một hồi dài trong đêm yên tĩnh báo hiệu giờ xuất phát. Không biết tàu ra hay vào?

Cơm sáng xong, chúng tôi đành chia tay. Hòa đưa tôi xuống bến xe An Cựu để vào Đà Nẵng.

- Mai là ngày làm việc anh Hòa ạ!

- Mình biết thế nên mới để cậu đi!

Khi tôi lên xe Hòa còn nói theo:

- Cậu cứ yên tâm, mình cũng hiểu thế nào là con người mới chứ. Anh nháy mắt tinh nghịch.

Chiếc xe Rờ-nôn chật ních người từ từ lăn bánh, đi được một quãng thì dừng lại vớt thêm khách. Tôi ngồi phía trước, sau bác lái già, gật gật mấy cái trán chạm vào thành ghế lái, bừng tĩnh (lên xe tôi đã thấy cơn ngủ cứ kéo đến thế là mắt díu lại) chốc chốc chiếc xe lại rơi xuống ổ gà dội lên, bên ngoài một buổi sáng mát lành.

Trong xe khói thuốc ngột ngạt - đủ mùi vị các loại thuốc. Xe vẫn chạy bỗng đằng sau có ai đó kêu lên:

- Nước gì chảy cả lên đầu tôi thế này?

- Nước mắm.

- Không phải, nước đổ mui xe - người phụ lái nói.

- Ông nầy đạp lên cả người ta.

- Xin lỗi bà, xe chật quá ạ!

- Cô gì ơi! Nón của cô đâm cả vào mắt tôi đây này, trong xe phải bỏ ra chứ!

- Xe đò chật chội kêu ca làm quái gì - cái bà ngồi ở đằng sau cùng trông phốp pháp như bà bán phở lên tiếng, ra điều ta đây, làm mọi người phản ứng.

- Người chứ có phải heo à? Tôi mua vé, lên chậm tí thành ra phải đứng, đã thế còn bị chèn ép đến toát mồ hôi thế này. Bác ta vừa nói vừa đưa ống tay áo quệt mồ hôi trên khuôn mặt xương xương, mái đầu bác đã điểm bạc.

Mặc cho hành khách kêu ca, chiếc xe đò vẫn dừng lại lấy thêm khách.

Đến trạm kiểm soát Lăng Cô chiếc xe được giữ lại khá lâu. Chiếc xe đò phía sau đã đi trước. Chúng tôi xuống xe để công an làm nhiệm vụ. Ai ngờ hôm đó chiếc xe đò ấy lại chở hàng lậu. Đến ba giờ chiều mới vào tới Đà Nẵng.

Kiếm ổ mì ăn qua loa, lên giường nằm cho hết ngày chủ nhật. Mới hai ngày thôi mà tôi đã nghe, đã chứng kiến bao nhiêu chuyện về lái xe, nghề xe. Cuộc đời con người, nếu ở trong nghề ấy, chắc rằng những bạn có lương tri sẽ thấy chính mình trong xã hội mà không cần hai tấm gương soi. Nếu bạn nghĩ rằng - như có người đã nói “chỉ sợ trạm kiểm soát”. Theo tôi cái trạm ấy ở trong bạn, trong chính tâm hồn anh.

Trạm Ba-ri-e này không gác, nhưng anh phải dừng lại, vì nó đã kiểm soát được việc anh làm.

Buồn ngủ mà tôi không ngủ được, câu chuyện đêm qua và ngày hôm nay cứ bứt rứt trong tôi. Bất giác nhìn lên trần nhà nơi hai sợi dây điện bắt cái bóng đèn, con tò vò đang mãi miết với công trình dang dở. Bên cạnh chú nhện đã chăng sẵn mạng lưới chờ đợi con mồi nào dại dột lao vào.

D.P.T
(13/6-85)






Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Hương lục bình (14/02/2011)
Biển tuổi thơ (11/02/2011)
Ngôi nhà ấy (14/12/2010)