[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Có lẽ trong độ tuổi này chỉ có lão mới có một đôi mắt to, và thứ ánh sáng phát ra vẫn còn chói chang, thẳng thắn, hơi dò xét, thách thức, và hình như sẵn sàng bùng lên ngọn lửa tức giận giữa những buổi trưa hè rơm rạ đã giòn khô.
Người ta kể rằng, khi lão Khứ còn là trai tráng, lão mạnh khỏe và cao to hơn bây giờ nhiều, mỗi khi bắp thịt tay lão cuộn lên, là báo trước một sự quật ngã. Lão Khứ và những đám trai trẻ trong vùng này bị Tây bắt đi xây bốt. Nhà lão nghèo, lão phải làm thuê đó đây. Những người làm ăn kha khá nghe đến chuyện làm cu ly là run bắn lên. Công việc nặng nhọc, ăn uống kham khổ lại thêm cái kiểu quan Tây cầm hèo theo sát sau lưng. Lão Tiềm hồi bấy giờ, đi cu ly một tháng về tới nhà sống chỉ được hôm nữa, bỗng dưng máu miệng hộc ra mà chết, lão Khứ nhận làm thay cho những người đến lượt phải đi cu ly lấy vài đấu gạo. Có một hôm, lão phải vác một cây gỗ to. Đường xa, gỗ nặng, thằng lính Tây lại luôn tay dùng hèo quất vào sườn lão. Lão Khứ sôi máu lên, lao ném cây gỗ ra xa, hai tay chống nạnh, lão nghiến răng và trợn đôi mắt đục ngầu nhìn vào mặt thằng Tây. Thằng Tây há hốc mồm, nó buông cây gậy và đứng sững người. Lão Khứ chộp lấy hòn đá cuội có khía nhọn giương lên trước đỉnh trán của nó. Hốt hoảng quá, thằng Tây hét lên một tiếng và bỏ chạy...
Cho đến bây giờ, lão Khứ vẫn còn giữ lại bóng dáng của cái ngang tàng thời trẻ trung đó, tuy lão già hơi lập dị, và giọng nói vẫn còn âm vang. Khi lão nói, tay phải vung lên hạ xuống, khi lão nhìn thì tay chắp sau lưng. Lão quen chắp tay như vậy và chẳng có gì bí ẩn trong ấy. Đó là đôi bàn lay của một thợ cày đã quá thâm niên. Những khối chai cứng nổi lên trên bàn tay, cứ tưởng là cái thời đại hạn trước đây lão già chuyên vắt sỏi lấy nước tưới ruộng, và để nắm lấy cái sừng lắc lấy lắc để mỗi khi con trâu ông chủ không chịu nổi buổi cày trưa nóng ngáp.
Tính lão vẫn thế, tuy về già thì càng bộc trực hơn. Người ta nói rằng lão nóng như thiên lôi đánh sét cháy bụi tre sau vườn nhà bà Tám, và khi lão hiền thì cười hì hì như cây bồ đề trong chùa mỗi lần gió nồm mát rượi đi qua.
Ai hỏi đời tư của lão, chắc lão thật khó nói. Lão sinh hạ được hai người con, một gái và một trai. Đứa con gái được sáu tuổi thì vợ lão vĩnh biệt lão mà đi. Lão đã chùi nước mắt và cam chịu cảnh gà trống nuôi con cho đến khi thằng Khứng và con Lụa đều khôn lớn. Thằng Khứng thật giống bố nó. Giống nhất là đôi mắt, mà tính tình nó cũng chẳng khác chút chi. Thằng bé có tâm hồn sáng mịn như thước đất phù sa mới có ở bãi bồi, và ngạt ngào rung rinh như đám lúa nếp vừa mới khô sữa tỏa mùi ngây ngất, lão vẫn thường nghĩ thế. Lão chỉ còn nhớ một đêm. Một đêm mưa, trời chớp giật những đường sáng lóe, Lão nhớ rất rõ, thằng Khứng vừa đi cuốc ruộng về dưới mưa. Nó dựng cuốc vào vách thềm và gọi:
- Ba ơi!
- Mày kêu chi đó? Lão Khứ hỏi.
Thằng Khứng không nói không rằng chạy vào ôm lấy bụng lão. Nó nói nhỏ vào tai lão: «Ba ơi, con lên chiến khu». Lão hỏi: «Mày đi với ai?, chừ hả?». Thằng Khứng không nói, nó siết chặt lưng lão, rồi ôm vội cái bọc vút ra giữa trời đêm giông bão.
- Khứng! Khứng ơi!
Lão gọi nó lần chót và để mặc cho những giọt nước mang vị mặn chảy ròng trên gò má... Từ đó lão mong chờ những đoàn quân giải phóng trở về...
Nhưng, Khứng đã hy sinh anh dũng...
... Mãi cho đến bây giờ, lão Khứ vẫn sống như thế. Lụa đã hai mươi tuổi. Con bé đã trở thành bí thư chi đoàn trong cái làng này rồi, nó lại là cán bộ hợp tác xã. Cứ như thế, mỗi lần Lụa đi làm về, mới bước lên cửa lão đã hỏi:
- Hợp tác có gì mới không con?
- Dạ có.
- Có cái gì nói tao nghe nào!
Lão già hít một hơi thuốc lá đợi chờ. Lụa vào nhà làm gì đó, một lúc lâu tiếng cô gái mới vọng ra:
- Hôm nay hợp họp về khâu nâng cao sản lượng.
- Nâng cao để làm gì? Nâng chỗ nào?
Lụa biết mỗi lần bố hỏi như thế là tiếp theo đó ông cụ sẽ to tiếng dần lên, và có khi cả đấm bình bịch xuống bàn. Cô đành phải nín thinh. Quen lệ như thế, hai bố con thường to tiếng với nhau chuyện không phải chuyện gia đình. Lão Khứ vẫn rung tay khoát khoát:
- Tao biết! Tao biết mà, các thầy cứ ngồi trên giấy tờ mà chỉ chõ chỗ này ba tạ chỗ kia bốn tạ, như cái đồng Nến thì gì tới hai tạ hai?... hừm! phải nói cho rõ!
Lão Khứ vừa lầm bầm, vừa mò mẫm, cây rựa vót. Lão vác lên vai và đi ra ngõ...
Cả làng này ai cũng biết lão Khứ. Có lẽ lão biết được hết bao nhiêu chuyện có trên đời này! Trên cái xứ sở keo kiệt của đất đai này vốn dĩ tạo cho lão cái tài năng đó. Một cơn giông có thể báo trời mưa hay không, hãy cho lão lắng nghe tiếng sấm ắt là thiên lôi không dấu được trời mấy tuổi. Một con trâu cày giỏi hay không lão chỉ nhìn vào đôi mắt của nó là đoán được. Và lạ thay, cái bàn chân gân guốc với mấy cái móng chân cùn thâm mà lão cũng biết được ruộng nào tốt, ruộng nào xấu.
Nhưng ở lão, có lẽ thích thú nhất là chuyện làm ăn của hợp tác xã. Ở các ông già khác, người ta thích suy tư chuyện đời mình, còn lão - lão vẫn thường đăm chiêu chuyện ruộng khoán, chuyện đắp mương, chuyện bơm thuốc- nhưng đó không phải chuyện tào lao.. Người ta cũng kêu rằng lão hay xúc xiểm. Chẳng là cách đây mấy hôm lão đã sừng sộ với ông Kiểm cán bộ hợp tác đó là gì? Chuyện là thế này: Hôm ấy, ban quản trị tổ chức việc đấu gỗ. Trời vừa qua mấy cơn bão lớn, những cây bạch đàn, dương liễu cao to ngã sóng soài. Đoàn người dự đấu đã dừng lại trước ngõ nhà lão.
- Lên giá: Ba mươi đồng!
- Tôi ba mươi hai đồng!
- Ba mươi lăm đồng!
Lão Khứ dừng lại, đứng ngắm cây gỗ to một lát, lão hắng giọng nói:
- Mấy ông làm ăn hay quá ha! Ai có tiền thì đấu đá cây này, cây kia... còn ai không có tiền là đứng nhìn.
Kiểm quay lại đôi mắt bừng bừng:
- Ai nói vậy đó? Ông Khứ hả!
- Tôi nói đây, Lão Khứ nói đây!
- Ông không có quyền nói ai giàu ai nghèo, ông nói ai đứng nhìn?
Lão khứ bắt đầu vung tay:
- Hừm... tôi nói như vậy có đúng không? Như vậy là bất công, vì sao tôi không đấu được vì tôi không có tiền nộp, còn mấy người kia - lão chỉ vào đoàn người - họ có tiền bỏ ra ngay. Nhà ngói thì cứ nhà ngói, nhà tranh thì thành nhà gì? hứ! anh nói nghe thử? Tôi sẽ nói với anh chủ nhiệm nữa kia!
Thấy lão Khứ toan nổi giận, ông Kiểm đành đấu dịu:
- Thôi mà! làm sao cũng chỉ có lợi hợp tác, chứ có lợi riêng ai đâu?
- Được rồi, lợi hợp tác. Tôi hỏi ông bữa nào ông có bắt tôi góp tre hay không? góp tre thì ai cũng đều góp, còn đấu thì ai có tiền mới đấu được!
Lão Khứ bỏ đi, lão đã nghe rõ ông Kiểm nói nhỏ sau lưng một câu gì đó với người khác. Tối ấy, như thường lệ, Lụa đi họp về. Vừa bước lên cửa, lão Khứ đã hỏi:
- Họp hành có gì mới không con?
- Dạ có.
- Việc gì nói tao nghe chơi!
Lụa vẫn im lặng chưa chịu kể cho bố nghe. Đến tối. Lão Khứ ngồi khoanh chân trên chiếc chõng trên. Lão phì phèo trong tay chiếc điếu cày tỏa đặc khói. Lúc lâu. Lụa mới hỏi:
- Ba nói gì với ông Kiểm lúc chiều thế?
Lão vẫn phì phèo:
- À tao đã nổi khùng lên với ông ta.
- Dạ. Chi bộ khen ba nói đúng.
Lão Khứ rút phắt cái điếu cày ra khỏi miệng:
- Sao? Chi bộ khen tao nói phải à. Chi bộ nói sao?
- Anh Tâm nói là bác Khứ nói đúng. Còn ông Kiểm thì bảo đúng cái gì mà đúng.
- Rồi sao nữa?
Anh Tâm nói là hiện nay kho của ta chưa có gỗ làm, nhà hợp tác thì thiếu nhiều gỗ để tu sửa. Trường học lại thiếu bàn ghế, tại vì sao không đem về để dùng vào các việc nói trên mà đem đấu... Đem đấu thì người nghèo không đấu nổi, còn ai có tiền thì mới đấu được, như vậy là mất công bằng, dân phải dư luận.
- Thế lúc đó ông Kiểm nói gì?
- Dạ. Ông ấy không nói gì hết.
Đôi mắt lão Khứ sáng lên, lão lẩm nhẩm trong miệng: « Thằng Tâm, Thằng Tâm ». Lụa không hiểu bố cô nói gì. Cô hỏi:
- Ba nói gì đó?
- Ừ. Tao nói thằng Tâm thật là sáng suốt.
- Dạ, anh ấy là bí thư Chi bộ, anh ấy đang bồi dưỡng con thành đảng viên.
Trầm ngâm lúc lâu, lão Khứ bỗng hỏi:
- Bồi dưỡng là bồi dưỡng cái gì?
- Bồi dưỡng là... là giáo dục, rèn luyện con thành người Cộng sản, chẳng hạn - Lụa ấp úng không biết nói kiểu nào cho bố hiểu - Làm việc hết mình để cho hợp tác xã giàu mạnh, vì quyền lợi của nhân dân mà hy sinh, phấn đấu. Cuối cùng Lụa mới chọn ra một câu nói thích hợp:
- Giống như anh Khứng vậy ba à.
Lão Khứ chớp mắt lia lịa và lão cười:
- Ồ! Nó hy sinh cả tính mạng. Phải gắng lên con, không dễ đâu!
Phút chốc, Lão Khứ ngồi lặng như ông phỗng đá, bóng lão được ánh đèn dầu hắt lên trên phên nứa thành hình pho tượng lặng yên như tờ như đang nhìn vào từng dòng suy nghĩ của lão.
Đêm đó, lão Khứ nằm thao thức không ngủ...
Lão khứ có thói quen, thỉnh thoảng vài ngày lão phải ghé vào văn phòng hợp tác xã một lần. Lão đến để nghe có tin gì mới về làm ăn và ở đây lão cũng nói toạc ra những việc làm xấu mà lão nhìn thấy. Thành ra, người ta thường to tiếng với lão. Mỗi lần, lão đều có mỗi chuyện.
Cách đây mấy tháng, cũng ở chỗ này, lão lại « găng» với ông Biếm. Ông Biếm là người giữ chân đem nước vào ruộng ở cánh đồng trên. Mỗi lần vào văn phòng hợp ông ta lại hay than phiền:
- Tôi xin giao lại việc này cho hợp thôi. Suốt ngày làm cả suốt đêm nữa mà công điểm thật thua người khác nhiều.
- Thế chú thua mấy? - Lão Khứ lên tiếng.
- Không! tôi không nói với ông.
Lão Khứ bắt đầu hoa tay:
- Này, ông không nói với tôi thì tôi nói với ông. Nếu ông làm không nổi thì nên thôi chứ để vậy lôi thôi quá. Ruộng ông thì nước lúc nào cũng chừng mực cả, mà ruộng người khác, ruộng hợp thì lúc ông để khô lúc thì nước lút đầu. Mình là nhà nông mình đẻ ra trên ruộng, ai lại cho nước kiểu đó.
- Thôi, thôi đi ông. Ông Biếm bắt đầu tía tai - Ruộng có chín mười mẫu, tôi có phải ba đầu sáu tay mà làm như ông nói?
- Thế sao ông không nói với hợp chuyện đó là lại cứ xổ ẩu như vậy? Đúng rồi, ông có mất chi, lúa ông vẫn cứ tốt mù trời! Thôi tôi phải nói với cán bộ hay hơn... Chuyện đó lão Khứ đã làm mất lòng ông Biếm. Nhưng không, lão già không bao giờ làm khác như thế, cho dù có thể làm mất lòng nhiều người hơn thế nữa.
Cho đến hôm nay, lão lại vác cây rựa vót ghé vào văn phòng hợp tác thăm chơi. Anh Quyết chủ nhiệm mời lão ngồi xuống bàn và hỏi lão.
- Bác đến có việc gì với tụi cháu đấy?
Lão Khứ nhấp một hớp trà rồi thong thả trả lời:
- Ờ có chứ. Nghe nói hợp nâng sản lượng tui cùng muốn biết cho ra lẽ.
Anh Quyết đốt xong điếu thuốc vấn và vui vẻ nhìn lão:
- Dạ, thưa bác, kế hoạch của hợp là phân hạng sản lượng thế này, cháu đọc bác nghe có hợp lý không.
Anh Quyết cầm tờ giấy trong cặp ra đọc chậm từng chữ cho lão nghe. Đọc xong, Quyết hỏi:
- Ra sao bác? được chứ?
- Ừ cũng được, nhưng tôi muốn nói hai chỗ này, đồng Trén hai tạ hai một sào như thế quá cao. Tôi đã từng làm vùng này nên tôi biết, đất đây chua đến nỗi cua cũng phải bò đi, trâu cũng phải nhác cày, chân đất lại quá cạn. Tôi nghĩ chỉ khoảng tạ chín đến hai tạ là cùng.
Quyết vội vã lôi cuốn sổ tay ra chép lại. Lão Khứ lại tiếp:
- Còn cái vùng Phát Lát này lại thấp đấy, ai lại cho nó chỉ tạ tám? cái vạt này đã cứu đói nhà tôi mấy năm liền rồi đó, nó phải hai tạ mới đúng.
Lão Khứ nhấp một ngụm trà và nhồi thuốc vào điếu cày. Lão bật lửa châm tẩu và kéo một hơi dài. Phút lâu, lão lại hỏi: - Này, anh Quyết, tôi muốn hỏi một cái không biết được không?
- Dạ, bác cứ nói.
- Thế này nhé, tôi nghe một số người nói với nhau về cái chuyện nâng sản lượng này. Họ nói là khi sản lượng tăng lên thì lúa chia cho phần công cao lên. Mà họ lại làm được ít công chỉ vì làm trên ruộng khoán ba sào vài công đắp mương không đáng kể. Chỉ trừ vài người là có công trực tiếp gì đó quá cao thôi. Còn cán bộ thì công phần trăm gì gì ấy lúc nào cũng cao, như thế là cán bộ khôn, có đúng thế không.
Lão Khứ thấy Quyết thả cây viết xuống bàn và mặt bỗng tái đi.
- Ai đã nói với bác một cách kệch cỡm như thế? Chúng tôi đã ăn quỵt của hợp tác cái gì chưa? Thật là đồ nói điêu! Ai nói như vậy, bác?.
Lão Khứ lặng lẽ rít một hơi điếu cày và nhả khói. Tâm từ bàn bên kia bước tới. Anh kéo ghế và ngồi đối diện với hai người:
- Đồng chí Quyết, đồng chí nên bình tĩnh thì hơn. Có lẽ đó là một dư luận có thật. Nhưng tôi nghĩ rằng nó do hoàn cảnh khách quan tạo ra. Họ nói như thế rất có lý. Nguyên nhân sâu xa là do kiểu đọc canh cây lúa của hợp chúng ta tạo ra. Nếu chúng ta có vài cái lò gạch, nếu chúng ta có đàn bò hai, ba trăm con, nếu chúng ta có thêm vài chục hồ nuôi cá thì lao động trong hợp không bao giờ dư luận như thế. Đấy, anh xem mỗi lao động mỗi tháng có tới hai lăm, hai sáu công thì họ thu nhập cao hơn, người nào cũng làm số công tương đương nhau hơn. Đấy, thế đấy! có đúng không bác Khứ?
Lão Khứ nhìn Tâm, đôi mắt lão sáng lên diệu kỳ, lão cười hể hả:
- Khá, khá lắm! Các anh hơn bọn tôi nhiều!
Suốt mấy hôm nay lão Khứ nghĩ ngợi nhiều hơn cả. Cả cái làng này, ngay cả chính lão đều thấy mến thằng Tâm. Nó sống cuộc đời nó như con đẻ của cái làng này vậy. Đúng là Đảng của Cụ Hồ.
Tự dưng lão thấy buồn. Giá mà thằng Khứng còn sống chắc nó cũng như thế.
Nhưng rồi lão thấy vui. Con Lụa của lão nó đang vui với đời của nó. Có khi nó đi làm suốt ngày, suốt đêm. Khi họp hành, khi công tác xa, nhiều khi đi quên cả ăn uống. Lão thấy lão sống vắng vẻ nhưng không hề cô độc. Nhiều khi lão tự nấu lấy cơm nước và ngồi ngậm chiếc điếu cày nhả khói chờ lúc con Lụa về cùng ăn. Lão cảm thấy lòng hân hoan khi biết dân làng này cũng rất mến yêu con gái lão.
Nhưng bây giờ khác hẳn mọi lần, khi Lụa vừa về tới nhà lão đã hỏi vọng ra:
- Sắp được vào Đảng chưa con?
Triệu Hải, ngày 16 tháng 11-1985
L. Q. V
(17/2-86)