Nhìn ra thế giới
Praha - bài thơ bằng đá
15:40 | 11/02/2009
NGUYỄN VĂN DŨNGCó người nói Praha đẹp hơn Paris . Tôi không tin. Nhưng bây giờ thì tôi thấy nhận xét ấy không phải không có căn cứ. Praha là thành phố cổ kính nguyên vẹn nhất châu Âu, là “thành phố của trăm tháp vàng”, là “bài thơ bằng đá”, là khúc hát đắm say, là cốc rượu nồng nàn, là bức tranh tuyệt mĩ, là mảnh thời gian còn sót lại... Năm 1992, Praha được công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Praha - bài thơ bằng đá
Thành cổ Praha

Theo truyền thuyết, hơn ngàn năm trước Praha được xây dựng từ sau giấc mơ của nàng công chúa Libuse về một thành phố lộng lẫy và vinh quang bên bờ sông Vltava . Thoạt tiên người ta cho xây pháo đài Vysehrad và Hradcany. Từ khu vực nay là thành cổ, Praha phát triển từng ngày, trong khi Hradcany dần thay thế vai trò của Vysehrad. Năm 1257 vua Premysl Otakar II cho xây thêm khu Mala Strana. Praha trở thành thủ đô lẫy lừng dưới triều hoàng đế Charles IV. Cây cầu Charles, nhà thờ Saint-Guy và khu Nove Mesto rộng lớn là những công trình tiêu biểu của thời kỳ nầy. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Praha là nơi hội tụ nhiều những phong cách nghệ thuật và kiến trúc, từ Roman, Gothique, Phục hưng, Barốc, Tân nghệ thuật, cả phong cách lập thể... Hầu hết các công trình kiến trúc đều được xây bằng đá hoa cương và được chạm khắc công phu, nghệ thuật. Nếu Praha là một bức tranh thì đó là bức tranh mà các nghệ nhân đã chuyền tay nhau tô vẽ, hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm. Và đây mới là điều kỳ diệu hơn cả: không như các thành phố khác của châu Âu, qua bao biến động lịch sử, dâu bể đời người, những cuộc chiến tranh tàn khốc, Praha chẳng suy suyển chi nhiều, và khi bước ra khỏi thế chiến II, thành phố gần như nguyên vẹn thuở sinh thành. Đặc biệt sau cuộc cách mạng Nhung 1989, Praha lại được điểm tô bởi nhiều nguồn đầu tư nước ngoài và những dự án trùng tu, trong đó có dự án dành cho hàng triệu triệu khách du lịch mà thành phố đón tiếp mỗi năm. 

Sông Vltava chia Praha thành hai nửa không đều nhau. Phía tả ngạn là khu vực đồi Strahov gồm Hradcany và Mala Strana. Đây là khu Praha xưa nhất với vô số công trình kiến trúc cổ như lâu đài Praha, hoàng cung, tu viện thánh George, tháp toà Thánh Vitus, cung điện mùa hè, nhà thờ chính toà... tất cả đều là những công trình tuyệt tác về kiến trúc và nghệ thuật - Nhà thờ chính toà là biểu tượng của Cộng hoà Czech, là nơi còn lưu giữ vương miện và di hài của các vua Tiệp. Cũng tại đây, một toà lâu đài cổ được dùng làm dinh Tổng thống; trụ sở của các Bộ, Ngành và khu ngoại giao đoàn. Bên bờ hữu ngạn là Staro Mesto - khu phố cổ. Không xa với Stano Mesto là Nove Mesto - khu phố mới, trung tâm của Praha hiện đại với những đại lộ thênh thang và quảng trường Venceslas danh tiếng. Khu phố cổ là nơi đô hội nhất: những con đường xe ngựa nho nhỏ, cong cong; những ngôi nhà ngót nghét ngàn năm tuổi, và quảng trường Staromestske Namesti chực bỏ bùa du khách. Nơi đây từng diễn ra các sự kiện lịch sử trọng đại. Quảng trường được bao bọc bởi những đền đài, nhà thờ, khách sạn mà mặt tiền được trùng tu theo phong cách Barốc tuy đó là những công trình từ thế kỷ XI và XII theo kiến trúc Roman.
 
Toà Thị chính được xây dựng năm 1338 là công trình đẹp nhất của quảng trường nầy. Trên tháp toà Thị chính có chiếc đồng hồ Orloj mà trong suốt 500 năm, cứ tròn 1 giờ, chú gà trống trên nóc đồng hồ cất tiếng gáy, rồi 12 vị thánh tông đồ lần lượt dạo quanh một vòng như để giám sát cái trần thế dưới kia - kiên trì với công việc nhàm chán ấy hẳn chỉ có các vị thánh mới làm nổi. Người ta đồn rằng những ai nghe được tiếng gà gáy thì chuyến du lịch sẽ gặp toàn may mắn. Hèn chi cứ gần đến một vòng giờ, hàng ngàn du khách đổ về. Mấy cháu bé thành người khổng lồ trên vai bố mẹ. Những khuôn mặt thành kính dõi theo chiếc đồng hồ. Đến khi chú gà tắt tiếng gáy, và 12 vị thánh tông đồ kết thúc vòng quay, đám đông mặt mày rạng rỡ cũng vội vàng tan theo về phía những con đường ngạt ngào đang vẫy chào họ. Ở một góc khác của quảng trường chói loà bức tượng thánh Jan Hus. Tiệp là đất nươc xem ra ít anh hùng mà nhiều thánh nhân. Jan Hus là nhà cải cách vĩ đại từng chống lại Giáo hội La Mã để rồi bị hoả thiêu tại đây. Quanh bệ tượng còn khắc ghi những câu nói nổi tiếng của ông. Ví dụ: “Chân lý cuối cùng vẫn là chân lý”. Trước cường quyền bạo lực, ai trong chúng ta dám nói được thế! Tôi thích lân la ở quảng trường nầy, dừng chân bên nhà hàng lộ thiên, nhâm nhi cốc bia Tiệp, nhìn đám nhân loại nhởn nhơ cười cười nói nói kia mà nghĩ về cái nhân loại một ngàn năm qua. Vinh quang thay mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ xuống để có kỳ quan hôm nay.

Từ quảng trường nầy, tôi bắt đầu những ngày ngất ngây với Praha. Hướng dẫn viên của tôi là một cô gái Hà Nội - L. Hạnh, nhỏ nhắn, dịu dàng và ít lời. Không như các hướng dẫn viên chuyên nghiệp dành hết thời gian để nói, Hạnh chỉ điểm qua, nhường lại mênh mông sắc màu cho tôi tự khám phá, tự cảm nhận. Nàng là một trong ít người Việt ở Praha hoà nhập được vào dòng chảy của nền văn hoá Trong mắt nàng hình như có cả một ngàn năm Thăng Long cùng với một ngàn năm Praha cộng lại. Hôm đưa tôi đi qua rừng anh đào trên đồi Strahov, nàng nói “mùa xuân khi hoa anh đào nở”, rồi im bặt. Mãi sau tôi tình cờ hiểu ra, đồi Strahov có khu cư xá sinh viên. Lâu lắm nàng mới trở lại, bỗng bồi hồi nhớ về những hẹn hò mùa xuân 20 năm trước. Ôi tình yêu, nó đẹp cả lúc trở thành kỷ niệm. Rời Staromestske Namesti, cứ việc trôi theo dòng người trên đường Karlova cố cựu mà mỗi viên đá dành nhau kể chuyện, không bao lâu bạn sẽ tới nơi hò hẹn của mọi người: cầu Charles. Cầu mang tên người đã khai sinh ra nó, vị quân vương để lại dấu ấn nhiều hơn bất cứ ai. Cầu được xây năm 1357, bằng đá, 16 nhịp, 515 m dài, 10m rộng. Là kỳ quan kiến trúc thời trung cổ. Là một trong những chiếc cầu ấn tượng nhất châu Âu. Hai bên vài cầu được điểm tô bằng 30 pho tượng thánh. Mỗi pho tượng gắn liền với một huyền thoại lung linh và xúc động. Ngày nay có hàng chục chiếc cầu bắt qua sông Vltava, nhưng trong suốt 500 năm trước, đây là chiếc cầu duy nhất nối liền đôi bờ. Từ trên chiếc cầu huyền thoại nầy, bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh quang vô cùng độc đáo của Praha: Vltava lặng lờ trôi, bầy hải âu chao liệng, những công trình kiến trúc đủ kiểu đủ dáng say sưa ngắm nghía dung nhan mình qua bóng nước dòng sông, tiếng vĩ cầm xao xuyến khúc Moldau, và hàng hàng lớp lớp những trai thanh gái lịch ngời ngời hạnh phúc như cái cõi trần gian nầy chưa từng nghèo đói, chiến tranh, thù hận. Có phải vì thế người ta còn gọi là “cầu tình”.

(cầu tình Karluv)
Ở lưng chừng cầu, du khách nối đuôi nhau để được sờ vào bức tranh dưới chân tượng thánh Jan Nepomucky. Chuyện kể rằng, ngày nọ có ông vua đến hỏi linh mục Jan Nepomucky, “ngày nào hoàng hậu vợ ta cũng đến đây xưng tội, vậy hoàng hậu đã xưng tội gì?”.Vị linh mục im lặng. Hết dụ dỗ đến hăm doạ, vẫn chỉ im lặng. Vua tức giận cho bắt vị linh mục hành hình rồi ném xác xuống sông (quãng sông nay đặt tượng ngài). Dưới chân tượng có hai bức tranh bằng đồng, một bức cảnh hoàng hậu xưng tội, bức kia cảnh vị linh mục bị hành hình. Người ta nói rằng ai đặt tay vào một trong hai bức tranh và phát tâm cầu nguyện thì sẽ ước gì được nấy. Tôi không biết mọi người ước gì, phần tôi, vào phút tâm thành ấy, tôi phát đi lời cầu đúp: Cầu cho niềm vui đến với mọi người, cầu cho nhân loại hết chiến tranh, cầu cho Bush thất cử.


(nhìn từ đồi Strahov)
Từ trên đồi Strahov nhìn xuống thành phố, Praha với những ngôi nhà ngói đỏ, hàng trăm nóc đền vàng, những ngọn tháp cao vút... lộng lẫy như bức tranh phong cảnh thời Phục hưng. Praha làm ta liên tưởng đến Rome hơn Paris . Nhưng thích nhất vẫn là từ thành phố nhìn lên đồi Strahov mỗi hoàng hôn, đặc biệt từ nhà hàng Slavia, nơi Tổng thống Vaclav Havel thường dùng cơm chiều với mấy người bạn văn nghệ sĩ. Tự cổ chí kim, văn nghệ sĩ vốn loại người tinh như dơi, sắc như gươm dao, rỗng như tre trúc, thẳng ro như tùng như bách, và chẳng màng chi mấy thứ danh lợi phù du. Ngồi với họ chỉ tổ nhức đầu. Vậy mà ông Pavel nầy chịu làm tri kỷ tâm giao thì cũng đáng được gọi là xưa nay hiếm. Nhà hàng Slavia bên bờ sông Vltava là góc nhìn tuyệt vời chỉ những nhiếp ảnh gia sành sỏi mới phát hiện ra. Buổi chiều, khi mặt trời vừa khuất sau dãy đồi Strahov, dòng sông Vltava dậy lên màu sáng bạc, trong khi lâu đài cung điện Praha kịp khoát lên mình chiếc áo đen huyền hoặc. Đẹp đến bồi hồi. Hình ảnh toà lâu đài cổ dưới ánh tà dương bao giờ cũng gợi lên cảm thức huy hoàng đến rơi lệ!

Praha là thành phố của âm nhạc, mỗi khung trời, mỗi con đường, mỗi bước chân qua đều dạt dào âm hưởng dòng sông. Vltava như dòng kẻ nhạc lặng lẽ chảy qua thành phố rồi ngân lên giai điệu Praha say đắm lòng người. Mozart từng một thời an trú ở đây. Ngôi biệt thự Vertramka nơi ông sáng tác vở Opera nổi tiếng Don Giovanni nay là Bảo tàng Mozart vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật và cây đàn piano ông từng chơi. Trong những nhạc sĩ tài hoa của Czech tôi thích nhất Bedrich Smetana, tác giả của bản giao hưởng My Country lẫy lừng gồm 6 chương nói về vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương đất nước ông. Trong đó có đoản khúc Moldau chan chứa giai điệu dòng sông Vltava mà không một người Czech nào không biết. Và bao giờ đó cũng là khúc mở đầu Festival âm nhạc quốc tế lớn tổ chức ở Praha vào mỗi mùa xuân và mùa thu. Nhiều hình thức trình diễn âm nhạc diễn ra hàng ngày ở các nhà hát, nhà thờ, quảng trường, cung điện, lâu đài... Những nghệ sĩ lang thang chơi nhạc khắp nơi trên các nẻo đường. Đâu đây tiếng phong cầm rạo rực lùa theo gió, vang vọng qua các dãy phố làm mềm bước chân ai, làm mềm những công trình bằng đá từng thi gan với tháng năm. Trên cầu tình, có lần tôi sững sờ trước người nghệ sĩ già với cây vĩ cầm trên tay say sưa phả vào không gian một trời thanh âm mê đắm diệu kỳ, không biết của dòng sông hay của lòng ông. Trên hộp đàn dưới chân ông mảnh giấy ghi hàng chữ “Not for money”. A, thì ra ông chỉ muốn dâng tặng cho đời một ít giai điệu, một chút niềm vui.

Ở Praha, du khách luôn đông gấp 3 lần dân thành phố. Nhưng rất dễ nhận ra họ. Dân Praha chỉ đi phố ngày thứ bảy chủ nhật cùng với vợ con. Họ, nhã nhặn, hiền lành, phúc hậu, đàng hoàng... Hình như trời sinh ra họ để yêu thương, tha thứ chứ không phải để hận thù, đánh nhau. Nhiều người nói con gái Tiệp nhỏ nhắn, xinh xắn, nhẹ nhàng, dễ thương nhất châu Âu. Thiên vị quá chăng? Theo tôi, con gái thì ở đâu chẳng thế, thời nào chẳng thế. Con gái và trái tim người mẹ là hai tác phẩm tuyệt vời nhất mà Thượng đế không hề mắc chút sai lầm nào khi sáng tạo nên. Praha khoảng mười ngàn người Việt. Họ chẳng giống ai. Họ không hoà nhập được với văn hoá Tiệp, cũng không hình thành được nét văn hoá riêng. Họ co cụm thành cộng đồng biệt lập, suốt ngày đêm chỉ lo làm ăn buôn bán, chụp giựt, khích bác, thanh toán lẫn nhau... Hình như ở đâu cũng thế, nhưng ở Tiệp mức độ khốc liệt hơn. Ôi, biết đến bao giờ...

Ba đặc sản trứ danh của Tiệp là bia, pha lê và súng tiểu liên. Súng ống thì tôi không có kinh nghiệm gì. Vả lại “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, tìm cho ra người có thẩm quyền để xác minh thật không dễ. Có điều một đất nước thích hoà bình, ngại đánh nhau lại sản xuất ra thứ vũ khí giết người lợi hại. Âu cũng là một nghịch lý. Còn như bia thì hết sẩy. Người ta bảo bia Tiệp ngon nhất thế giới. Tôi đồng ý. Những ngày lang thang với Praha tôi chỉ toàn uống bia Tiệp. Bia Đức cũng ngon, chỉ cách uống có khác. Tôi chưa có cơ duyên dự hội bia truyền thống của Đức tổ chức hàng năm ở Munich , nhưng đã đôi lần thưởng thức bia Đức ở nhà hàng Hofbrauhaus 600 năm tuổi. Đó là khoảnh khắc trên cái trần gian truân chuyên nầy không hề có biên giới, người với người là “huynh đệ chi giao”. Uống bia Đức cần đông, vui, hào sảng. Uống bia Tiệp cần không khí trầm lắng, lâng lâng, dưới hầm sâu, bên dòng sông Vltava , hay nơi những toà lâu đài cổ. Đã có nhiều cuộc đấu xảo giữa vin Cali và vin Bordeaux , không biết khi nào mới có cuộc đấu xảo giữa bia Tiệp và bia Đức, hay bia Việt mình chẳng hạn? Riêng pha lê, chắc sẽ không bao giờ có cuộc đấu xảo nào. Đó là vương quốc của người Tiệp. Thế giới chỉ việc ngả mũ chào. Các cửa hàng pha lê có khắp nơi, trang trọng, đẹp và sang. Pha lê Tiệp kiểu dáng kỳ tuyệt. Con người với sức tưởng tượng đến vậy thì thượng đế cũng phải ghen. Còn màu thì, nói theo ngôn ngữ của Huế... chi lạ! Đó là loại màu không phải là màu mà lung linh của màu, xanh không còn là xanh mà lung linh của xanh, trắng không còn là trắng mà lung linh của trắng... xao xuyến, ngẩn ngơ. Những người sành điệu chỉ thưởng thức pha lê vào ban đêm. Ban ngày đã đẹp, ban đêm, dưới ánh đèn pha lê càng lộng lẫy hơn. Hôm đến thăm Viện bảo tàng quốc gia Czech, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Tiệp, vô số những viên kim cương lóng lánh sau tủ kính, mê mẩn du khách chẳng muốn rời. Nhưng tôi thì, tôi thích pha lê hơn. Cái đẹp của pha lê mong manh như bất kỳ cái đẹp đích thực nào trong đời. Cứ phô hết nhan sắc của mình ra rồi sẵn sàng tan biến, chẳng hẹn trường cửu với nhân gian.

Đón tôi ở ga Praha là mấy đệ tử Karate, lúc ấy lá trên đường hãy còn xanh. Đưa tôi rời Praha vẫn là mấy đệ tử Karate, bây giờ lá đã chuyển màu và bắt đầu rụng rơi theo gió. Cuộc đời là thế, có rồi không, hợp rồi tan, chỉ cốt cái còn lại. Chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Singapore đưa tôi về lại Việt nam bay qua không phận Praha, từ độ cao 11.000 m nhìn xuống, Praha như một vệt sáng chỉ bằng bàn tay. Ôi, lịch sử con người bé nhỏ vậy sao! Trong số ít ỏi kỷ vật tôi mang theo khi rời Praha có CD bản giao hưởng My Country của Bedrich Smetana, mỗi lần mở ra nghe lại cứ tưởng như còn ở Praha, và con sông Vltava đang dào dạt chảy qua căn phòng mình.
                                Huế, 10/2004
                                     N.V.D

(nguồn: TCSH số 192 - 02 - 2005)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trẻ trung Madrid (14/10/2008)