Tiếp theo sau đó điện ảnh Việt nam thường xuyên có mặt tại Liên hoan phim này và riêng bản thân tôi đã có 5 phim trong số 20 phim của Việt Nam được trình chiếu trong 12 lần liên hoan phim từ đó đến nay. Trở lại
Fukuoka lần thứ 4 này với phim Mùa ổi tôi có cảm tưởng như trở về một nơi rất thân thuộc. Vẫn khách sạn ấy nơi tôi đã từng ở, vẫn những rạp chiếu phim ấy trên những đại lộ nhộn nhịp người xe. Không có gì cũ đi, tất cả vẫn còn nguyên như vậy. Ân tượng hơn cả đối với tôi và diễn viên Bùi Bài Bình lần này là những cuộc tiếp xúc với khán giả
Fukuoka , trong số đó không ít người đã xem tất cả các phim của tôi từng được chiếu tại đây. Tôi nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc. Kể từ sau khi mối quan hệ của điện ảnh Việt Nam với điện ảnh các nước XHCN cũ không còn nữa, thì LHP Fukuoka là bệ phóng đầu tiên để đưa phim ảnh Việt Nam đến với thế giới bên ngoài, trước hết là với các nước châu Á. Công lao này thuộc về vợ chồng ông bà Tadao và Hisako Sato, nhà phê bình phim, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh của Nhật Bản và Châu Á.
Năm 1990 lần đầu tiên hai ông bà đến Việt Nam, xem hầu hết các phim truyện của ta sản xuất trong vòng 20 năm trước đó, để rồi phát hiện cho LHP Fukuoka một nền điện ảnh còn hết sức mới lạ với công chúng Nhật Bản. Từ đó cứ hai năm một lần ông bà đều đặn sang Việt Nam, xem các phim mới sản xuất, tuyển chọn để mời những phim xuất sắc nhất tham gia LHP Fukuoka mà ông Tadao là Giám đốc và người bạn đời luôn có mặt bên cạnh ông - bà Hisako, là điều phối viên. LHP này không có chấm thi trao giải, nhưng không phải vì thế mà kém vui. Trái lại vì không bị áp lực của việc chấm thi, kẻ được người không, nên LHP Fukuoka lại có được cái không khí đầm ấm, thân mật của một cuộc hội tụ đúng với nghĩa của hai chữ: Liên hoan. Những người làm phim đến đây để biết những thành tựu mới của nhau, giao lưu cùng khán giả sau mỗi buổi chiếu phim, có khi kéo dài hàng giờ. Qua những câu hỏi của khán giả tôi nhận ra được một điều: Đừng sợ khán giả không hiểu những gì mình muốn nói (cho dù là khán giả ngoại quốc). Chỉ sợ không có gì để nói với khán giả mà thôi. Khán giả
Fukuoka vô cùng tinh tế, họ nắm bắt hết tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất trên phim. Tôi vui mừng thấy người xem Nhật Bản nhận ra rằng phim Mùa ổi không phải nói về chuyện mất nhà hay đòi nhà mà nói về phẩm giá và nhân cách của con người. Một khán giả đã nói trong cuộc giao lưu: xem phim xong, tôi muốn sống tốt hơn, nhân ái hơn với mọi người. Diễn viên Bùi Bài Bình được khán giả
Fukuoka thực sự yêu mến. Qua anh họ biểu lộ tình thương và thông cảm với ông Hoà, nhân vật chính trên phim, như một người có thật trong cuộc đời vậy.
Tôi được gặp ở đây đạo diễn Im Kwon Taek, cây đại thụ của điện ảnh Hàn Quốc và được xem bộ phim Chiwaseon của ông vừa được Giải đạo diễn tại LHP Cannes năm ngoái. Phim kể về cuộc đời của một hoạ sỹ nổi tiếng Hàn Quốc sống vào giữa thế kỷ thứ 18, không bao giờ hài lòng với những gì mình vẽ ra trên giấy ... cuối cùng đã chui vào lò nung gốm đang rừng rực lửa, góp thân mình vào ngọn lửa lưu giữ cho đời những hình vẽ và sắc màu trên những chiếc bình gốm. Năm nay 64 tuổi, Im Kwon Taek đã có sau lưng hàng trăm phim truyện, hàng chục giải thưởng quốc tế nhưng tiếc rằng ở Việt chưa ai được xem phim của ông. Nếu không có LHP Fukuoka có lẽ tôi không bao giờ được biết tới phim của Nêpal, Siri Lanca, Bangladesh... kể cả những phim có giá trị của Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc (những phim nghệ thuật có giá trị chứ không phải những phim được xem hàng ngày trên TV ở ta) và nếu không có LHP Fukuoka thì các đồng nghiệp của chúng ta ở ngay trong khu vực cũng chẳng mấy ai biết đến phim ảnh của Việt Nam. Tôi hết sức ngạc nhiên khi một đạo diễn Nêpal cho biết anh đã xem phim Thương nhớ đồng quê tại Katmandou (thủ đô Nêpal) cũng là nhờ có LHP Fukuoka giới thiệu. Lần này sau khi xem Mùa ổi xong, anh bạn Nêpal và tôi bỗng thành những người bạn tâm đắc. Chẳng có gì trên phim mà anh không nhận ra và cái mà anh thích nhất là chất thơ ở trong phim. Có một điều rất lạ là sau khi xem xong Mùa ổi rất nhiều khán giả, nhà báo kể cả một vài đồng nghiêp đều nói với tôi rằng có đến Fukuoka mới được xem phim 100% Việt.
Tại sao có sự nhìn nhận như vậy? Vì trước đây đông đảo khán giả nước ngoài chỉ biết đến những phim của một vài đạo diễn gốc Việt sống ở nước ngoài, được chiếu rộng rãi trên hệ thống rạp chiếu bóng khắp thế giới. Họ đã xem tất cả những phim đó, có người thích, có người không. Nhưng đến bây giờ thì cả những người thích lẫn không thích đều có chung một suy nghĩ: họ đã được ăn một món ăn không hẳn là Việt. Đó là một thứ Speciality Vietnamese (đặc sản VN) nhưng đã được chế biến cho hợp khẩu vị của người nước ngoài. Tại một cuộc giao lưu với khán giả khi được hỏi về nhận xét trên, tôi chỉ biết trả lời rằng: phần tôi, tôi chỉ biết đem đến cho quý vị một món ăn Việt Nam. Món ăn đó nếu hợp khẩu vị quý vị, tôi xin cám ơn, nếu không hợp khẩu vị quý vị, tôi thành thật xin lỗi. Tôi không biết cách xào xáo cho hợp với khẩu vị của quý vị được. Lời bộc bạch đó đã được tất cả khán giả trong rạp tán thưởng bằng một tràng vỗ tay. Trong thời gian LHP khách được mời đi thăm Viện lưu trữ phim
Fukuoka . Tất cả các phim được chiếu tại LHP, Viện đều mua lại để bảo quản. Ông Viện trưởng nói với chúng tôi: Quý vị hãy yên tâm. Phim của quý vị được bảo quản tại đây phải 600 năm sau mới hỏng. Tôi chợt nghĩ đến ngày nào đó không còn trên cõi đời này, nhưng năm bộ phim tôi làm ra còn tiếp tục sống đến hàng trăm năm nữa. Một cảm giác lâng lâng thật khó tả.
Ngoài hoạt động về điện ảnh
Fukuoka còn có nhiều những hoạt động văn hoá khác trong các lĩnh vực như: sân khấu, âm nhạc, hội hoạ. Viện Bảo tàng tranh châu Á của
Fukuoka có lẽ là một trong những sưu tập nhiều tác phẩm hội hoạ có giá trị nhất trên thế giới. Tôi nhìn thấy ở đây có những tranh của hoạ sỹ Lê Phổ cùng nhiều hoạ sỹ nổi danh khác của Việt . Hàng năm Fukuoka trao giải thưởng cho nhưng nhà họat động văn hoá xuất sắc của châu Á và Nhật Bản. Trong số những người được giải năm nay có đạo diễn điện ảnh Trung Quốc Trương Nghệ Mưu (cánh đây 5 năm có nhà sử học Phan Huy Lê của Việt ). Đến Fukuoka đã 4 lần mà bây giờ tôi mới được biết mảnh đất này là nơi đã 2 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông (một lần vào năm 1274 và một lần vào năm 1281). Thú thực khi còn đi học, tôi chưa bao giờ được biết về điều đó. Tôi lại càng cảm thấy ân hận hơn về sự thiếu sót của mình khi nhìn thấy trong tài liệu hướng dẫn khách tham quan khu di tích chống Nguyên Mông Genko-Borui ở Fukuoka có ghi rõ một nước châu Á khác là Việt Nam cũng đã hai lần chiến thắng Nguyên Mông vào các năm 1253 và 1284.
Bà Seino, người nữ trợ lý của cha tôi trong những ngày nghiên cứu về Y học ở Nhật cách đây đã hơn 50 năm, nghe tin tôi đến Fukuoka đã cùng chồng từ
Tokyo đáp máy bay xuống. Cả anh Kato Norio, Trưởng Ban tiếng Việt Đài Phát thanh NHK Nhật Bản, người bạn thân thiết của nhiều nhà văn, nhiều người làm điện ảnh Việt cũng có mặt ở
Fukuoka . Anh Kato tặng tôi cuốn băng ghi lại chương trình của Đài NHK vừa mới phát xong nói về cha tôi - bác sỹ Đặng Văn Ngữ, một trong những du học sinh đầu tiên của Việt Nam du học ở Nhật vào đầu những năm 40. Trong cuộn băng đó Bà Seino kể lại rằng năm 1946, sau khi Thực dân Pháp đánh chiếm lại Đông Dương, Bà đã cùng 10 nhân viên trong phòng thí nghiệm của Trường Đại học Tokyo theo cha tôi đi biểu tình trên phố Gin- da, một phố sầm uất nhất của Tokyo, hô vang khẩu hiệu đòi Độc lập cho Việt Nam. Câu chuyện cảm động đó đến nay tôi mới được biết. Đến Fukuoka lần này tôi được gặp cô bạn trẻ - Okada Yuki, vừa mới tốt nghiệp Khoa tiếng Việt Trường Đại học Tổng hợp
Osaka với luận văn tốt nghiệp viết về các sáng tác của tôi trong điện ảnh. Một điều quả bất ngờ đối với tôi. Cô hứa sẽ gửi cho tôi đọc bản luận văn đó.
Trong thời gian LHP có một hoạt động sôi nổi khác cùng diễn ra tại đây: Hội chợ Thương mại Á Châu. Hàng chục gian hàng trình bầy sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nước châu Á được trưng bầy cùng với những quầy bán các món ăn đặc sản dân tộc. Đông nhất là quầy bán hàng ăn của Việt và Thái Lan. Món ăn Việt Nam được ưa thích nhất là phở và nem với giá đồng loạt mỗi món 400 yên (tương đương 45.000đ VN), một giá quá mềm đối với người Nhật. Đêm đến có các chương trình diễn văn nghệ của các nước tham gia hội chợ. Fukuoka có 1 triệu rưỡi dân nhưng có tới 5 nhà hát, 8 viện bảo tàng và một dàn nhạc giao hưởng với 71 nhạc công. Ca kịch dân tộc Kabuki và No luôn luôn chiếm thời lượng lớn trong các chương trình biểu diễn của các nhà hát. Hàng năm thành phố chi cho các hoạt động văn hoá 20 tỷ yên (trên tổng số 750 tỷ yên tổng thu nhập của thành phố). Đặc biệt thành phố còn chi một ngân sách khá lớn cho việc giáo dục pháp luật về văn hoá trong nhà trường (Luật Di sản văn hoá, Luật Bảo tàng, Luật Thư viện v.v...). Đến những khu phố cổ
Fukuoka tôi bỗng nhớ tới Hội An. Đứng giữa những ngôi chùa tĩnh lặng trong tiếng thông reo... tôi ngỡ như mình đang đứng trên núi Ngự Bình hay trên dốc Nam Giao.
Chùa Nhật không có cảnh hương khói nghi ngút nhưng không kém phần trang nghiêm. Đó là nơi giúp cho du khách tĩnh tâm, hơn là nơi để cầu nguyện, nơi mỗi hòn sỏi, mỗi phiến đá đều nhắc cho ta về một cõi thiền. Người Nhật có lẽ là người biết kết hợp tài tình nhất giữa hiện đại và cổ xưa, giữa thiên nhiên và con người, giữa cái hữu hạn và vô hạn... Tôi đã có lần thử học những nghi thức trà đạo tại nhà một người Nhật. Đó là một chuỗi những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển, chính xác và có phần công thức nữa... Người ta đến đây không chỉ để thưởng thức vị ngon của trà, mà đúng hơn là để hưởng cái không gian thanh khiết của việc pha trà. Sau buổi học đó tôi đã hiểu được tại sao người Nhật lại tỷ mỉ, chu đáo trong xã giao đến vậy. Dù xã hội có hiện đại đến đâu thì trong cách cư xử với nhau và với bạn bè người Nhật vẫn giữ vẻ cung kính như đã có từ ngàn đời nay. Cái dáng cúi gập mình khi chào nhau cũng như khi chia tay nhau là cử chỉ điển hình nhất của người Nhật Bản. Sang Nhật đã nhiều lần, lần này tôi mới đánh bạo hỏi anh Kato: Người Nhật nào tôi gặp cũng đều niềm nở, xã giao, nhũn nhặn, ăn nói nhỏ nhẹ... không bao giờ từ chối điều gì, không bao giờ nói chữ: không! ...Vậy thì lúc nào ta mới gặp được người Nhật với những giận dữ buồn vui của đời thường như mọi người? Anh Kato không trả lời ngay.
Tối đó, anh đưa tôi và diễn viên Bùi Bài Bình đến một quán nhậu. Trong cái không gian ồn ào sôi động, vào giờ này, có nghĩa là sau những giờ làm việc căng thẳng ở công sở, những người Nhật ở đây nói cười xả láng như muốn trút đi cái vỏ bọc mà họ phải khoác suốt 8 tiếng đồng hồ trong ngày. Họ hát, họ cười... (cười rất to) họ nói... (nói rất to)... họ bá vai khoác cổ nhau, hồn nhiên như bất cứ người nào hồn nhiên nhất... Những quán rượu về đêm đó đã thành một nơi không thể thiếu trong sinh hoạt phổ biến của đa số người đàn ông Nhật. Hiếm có người đàn ông Nhật nào về nhà trước 11 giờ khuya, và điều đó gây không ít nỗi bi kịch cho người phụ nữ đất Phù Tang. Hình ảnh chiếc áo kimono vẫn còn là biểu tượng cho những giá trị tinh thần của người phụ nữ Nhật, nhưng bắt gặp trên đường một bóng dáng kimono quả là hiếm trừ những dịp lễ hội. Các cô gái Nhật ngày nay ăn mặc theo đúng mốt của các trung tâm thời trang
Paris và Newyork. Nhưng đấy chỉ là dáng vẻ bề ngoài. Thế hệ thanh niên Nhật vẫn còn gắn bó với những giá trị tinh thần của dân tộc mình.Trong ngày lễ chúc thọ những người già (gần trước Tết Trung thu) từng đoàn thanh niên nam nữ mặc quần áo dân tộc múa hát trên đường để tôn vinh những người già cả là một cảnh tượng thật cảm động . Trong suốt hơn 5 thập kỷ phát triển như vũ bão, nước Nhật ngày nay đang phải đối đầu với những cơn suy thoái về kinh tế. Sẽ không có sự thần kỳ nào nữa trong lĩnh vực kinh tế, nhưng tôi tin rằng, người Nhật sẽ làm ra những điều thần kỳ trong lĩnh vực văn hoá, lĩnh vực tinh thần. Chính Fukuoka đã củng cố cho tôi lòng tin đó. Tokyo - Hà Nội, cuối Thu 2002 Đ.N.M (167/01-03) |