Nhìn ra thế giới
Ấn tượng Seoul
15:17 | 11/03/2009
TRẦN THÙY MAI.Năm giờ sáng, máy bay chở chúng tôi đáp xuống sân bay Incheon. Giọng nói ngọt ngào của nữ tiếp viên vang lên với lời cảm ơn và câu chào tạm biệt, sau khi báo một thông tin làm chúng tôi ớn lạnh: Nhiệt độ bên ngoài là 4 độ C...
Ấn tượng Seoul

Sân bay quốc tế Incheon nằm biệt lập trên một hòn đảo. Từ đó vào Seoul , phải đi đến hơn trăm cây số. Một cây cầu rất đồ sộ đưa chúng tôi vượt qua biển, rồi một cây cầu đưa chúng tôi vượt qua sông Hàn. Bên kia sông là Seoul . Tôi hỏi ông bạn Hàn Quốc ra đón: “ Seoul nghĩa là gì?” “ Seoul nghĩa là thủ đô”. Anh bạn tự giới thiệu bằng tiếng Việt: “Tên tôi là Kim Nam’ il. Người Hàn Quốc chúng tôi gọi nhau bằng họ chứ không bằng tên như các bạn. Vậy hãy gọi tôi là Kim”

Kim cho chúng tôi biết, mười người Hàn Quốc thì có khoảng sáu người họ Kim. Vì vậy không biết tên ai thì có thể gọi liều là ông Kim hay cô Kim, có đến 60% xác suất đúng. Hai phần mười còn lại là họ Pak, họ Lee, còn hai phần mười chia cho các họ khác. Tiếng Việt của Kim tuy phát âm chưa chuẩn các dấu nhưng rất chuẩn về mặt ngữ pháp. Thì ra ở trong Hội Nhà văn Vì Văn Hóa Dân Tộc có một nhóm tác giả trẻ muốn tìm hiểu Việt Nam, họ học tiếng Việt đã nửa năm nay và rất nhiều người đã sang du lịch, riêng anh Bang Hun Suk đã viết một cuốn sách để giới thiệu Việt Nam với bạn đọc Hàn Quốc.

Seoul tháng mười rất lạnh nhưng không khô, thỉnh thoảng có cơn mưa phùn lấm tấm như tiết đông xuân Hà Nội. Đường trong thành phố có lúc bằng phẳng, có lúc lên dốc xuống đồi, có những khúc quanh, nét lượn rất nên thơ. Cây lá vào thu đã đổi hết sang màu vàng, màu đỏ. Một thủ đô mấy triệu người ở, mà không có vẻ bon chen tấp nập, ngã tư không kẹt xe, trên đường phố không hề thấy cảnh chen lấn. Đó là nhờ một nửa nhân gian đã chui xuống dưới những đường hầm của xe điện ngầm. Một phần nữa là ở các ngã tư lớn đường được xây hai tầng, một đường cao, một đường thấp bắt chéo nhau. Và có lẽ không thể quên sự đóng góp của rất nhiều cây cầu đủ các kiểu dáng và những đường hầm dành cho ô tô ngay trong thành phố.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Seoul là sự trang nhã bao trùm lên toàn thể cảnh quan thành phố. Hầu như các tòa nhà đều màu trắng, hoặc một màu nào đấy gần gũi với trắng, như màu kem, màu xám nhạt, màu hồng phơn phớt rất nhạt. Ban đầu tôi tưởng có một qui định chung về màu sơn, như các thành phố lớn của Pháp chẳng hạn. Nhưng Kim
bảo tôi không phải, đó là vì người dân ở đây thích thế. Xe ô tô chỉ có hai màu: đen hoặc trắng. Quần áo người đi đường cũng vậy. Tôi cố tìm nhưng không thấy ai mặc áo màu xanh đỏ sặc sỡ trên đường, trừ trẻ em. Người Seoul ngày nay mặc âu phục, những bộ vest cắt rất khéo và thanh lịch. Bảy ngày ở đất Hàn, tôi cố tìm bóng dáng chiếc “Hanbok” cổ truyền của phụ nữ Cao Ly xưa, nhưng không thấy đâu, chỉ trừ cô hướng dẫn du lịch trong sân Cố Cung (Bi Won) là mang một chiếc hanbok đã được giản dị hóa. Cánh đàn ông xem ra có lưu luyến dĩ vãng hơn: trong buổi hội thảo “Vì văn học và Hòa bình Châu Á” ngày 25-10-02, nhà thơ Kim Ji Ha đến đọc đề dẫn, đã diện một bộ quốc phục Triều Tiên dành cho nam giới với áo chùng hai màu trắng đen cùng chiếc khăn quàng cổ. Ở những buổi tiếp xúc sau đó, cũng có nhiều nhà thơ nam mang áo dài truyền thống.

Cuộc hội thảo, mặc dù mang tính hữu nghị và được tổ chức chỉ với mục đích tạo cơ hội cho giới cầm bút hai bên làm quen lẫn nhau, vẫn được phía chủ nhà tổ chức vô cùng chu đáo. Phương tiện giao thông đầy đủ nên ban tổ chức không ngại công khó mời cho được tiến sĩ Bae Young Soo, nhà Việt học đầu tiên của Hàn Quốc đến dự. Bae Yong Soo nói tiếng Việt rành rẽ như người Việt, các thanh dấu phát âm rất thuần thục. Nhờ có ông ở giữa hỗ trợ nên cuộc hội thảo đã được tiến hành rất tốt đẹp. Bae Young Soo dạy ở Đại học Pu San, đáp máy bay lên dự hội thảo một hôm rồi quay lại với trường lớp. Người phản biện, giáo sư Sang Ung Shyn thì dạy ở một trường phía đông Seoul, ông đáp máy bay đến dự từ 16 giờ đến 18 giờ lại từ biệt để lên máy bay trở về. Ông Sang Ung Shyn tìm hiểu rất kỹ những vấn đề liên quan đến Việt . Khi chú Anh Đức nhắc đến chuyện hoàng tử nhà Lý ngày xưa đến tỵ nạn ở Cao Ly, cả hội trường rất bỡ ngỡ vì không ai biết chuyện đó, có người phát biểu: “Nghe như chuyện cổ tích”. Chỉ một mình giáo sư Sang nhận biết: “Hậu duệ của họ là dòng họ Lee ở Wa Son”

Chỗ chúng tôi ở là một căn nhà truyền thống làm bằng gỗ tùng trong một phố cổ yên tĩnh. Khác những căn nhà rường Việt thường được chạm trổ tỉ mỉ, nhà cổ Hàn Quốc thiên về thể hiện một vẻ đẹp mộc mạc mà giản dị. Ba dãy nhà gỗ vây quanh một cái sân nhỏ trồng hoa, trông rất ấm cúng và kín đáo sau cánh cổng gỗ luôn luôn khép. Cánh cổng có cài chiếc phong linh bằng đồng, mỗi lần mở khép tiếng chuông gõ nhẹ nhàng trong bầu không khí yên lặng của ngõ vắng. Mọi thứ trong nhà đều tinh tươm, sạch sẽ và xinh xắn. Bà chủ nhà, trạc năm mươi tuổi, là một phụ nữ mạnh khoẻ và duyên dáng, từ nét mặt, dáng người, kiểu tóc...trông y như một người đàn bà trong tranh Cao Ly cổ. Anh Hữu Thỉnh khen bà có vẻ đẹp tiêu biểu của người Triều Tiên. Có lẽ lời khen đó làm bà chủ xúc động, bà săn sóc chúng tôi thật chu đáo trong những bữa ăn sáng trong gian nhà chính quay mặt ra vườn hoa: những bông hoa cúc mà đêm nào bà cũng phải dùng khăn vải ủ lại kẻo sợ chúng chết cóng vì sương giá.

Cũng nói thêm một chút về chuyện ăn uống ở Hàn Quốc. Hôm đầu vừa đến, các bạn Hàn Quốc đưa chúng tôi đến ăn ở quán phở Hòa, quán ăn do người Việt làm chủ. Tô phở rất to, thịt nhiều nhưng không có rau quế, không có rau thơm, không có ngò tây, không có ớt, cũng không có vị hoa hồi như ở Hà Nội. Kim Hoa bảo mới đi xa một hôm thôi, chưa nhớ món ăn quê, xin cứ cho ăn uống theo kiểu Triều Tiên cho biết. Thế là từ chiều đó, các bạn Hàn Quốc chiều ý cho ăn món Triều Tiên theo kiểu dáng truyền thống. Các quán ăn truyền thống Triều Tiên được trang trí rất đẹp, treo nhiều tranh cổ (Dân tộc Triều Tiên có nền hội họa rất phát triển từ thời xa xưa). Mọi thứ ở đây y như trong tranh, nghĩa là thực khách phải ngồi xệp quanh chiếc bàn thấp cách sàn chưa tới hai gang. Nói thực là, với bộ y phục của người thời nay, chúng tôi vất vả mãi mới quen với lối ngồi ăn trông như tranh cổ đó mà không thấy tê chân và thắt bụng. Thực đơn thường bắt đầu với một chén trà sâm, rồi đến món cháo bí đỏ, món khoai lang hấp với mật ong, cuối cùng là một chén cơm rất dẻo và thơm ăn với món ăn chính, thường là canh cua nấu với thịt nạc. Bữa nào trên bàn cũng bày ba bốn món kim chi, món nào cũng trộn ớt đỏ rực nhưng tôi chẳng thấy cay gì cả, phải xin nhà hàng thêm một trái ớt xanh. Ớt ở xứ lạnh hình như có vị ngọt thì phải, tôi cắn nguyên miếng mà chẳng ăn thua gì, trong khi anh Jeon Sung Tae vừa nếm một chút đã nhảy dựng lên: “Cay, cay quá!” Người Hàn Quốc hình như quen dùng nhiều rau màu, ăn cơm rất ít, dùng đạm động vật cũng ít, cua, cá, tôm của họ cũng có vẻ bé nhỏ hơn hải sản ở bên ta rất nhiều. Vậy mà những người tôi gặp ai cũng to khỏe, cân dối, không ai béo phì, cũng chẳng có ai thấp lùn bé nhỏ. Không biết là do đặc điểm nhân chủng của một tộc người đã từng  chiến đấu với Mông Cổ, Khiết Đan, Mãn Châu ngày trước, hay do chế độ ăn uống nhiều thực vật cọng với sự hỗ trợ của món nhân sâm? Tôi bỗng nhớ lại câu chuyện cổ Cao Ly: Có một thằng bé nhà nghèo ở ven rừng, hàng ngày linh hồn của cây nhân sâm biến thành một đứa trẻ đến chơi với nó. Lạ thay thằng bé kia mỗi ngày chỉ một bát cơm mà vẫn béo tốt, phổng phao...

Sau ba hôm rét đậm, trời bắt đầu ấm lên. Hà Minh Thành, sinh viên Việt Nam đang học Cao học Seoul cùng Kim Ju Ui và Bae Soo Young, hai nhà văn nữ Hàn Quốc đưa chúng tôi đi thăm Tháp Tầm Nhìn Thống Nhất, ở đó nhìn qua kính viễn vọng chúng tôi có thể thấy Bắc Triều Tiên hiện ra lờ mờ ở phía xa. Buổi chiều, sau khi thăm Sân Vận Động Worl Cup, nơi mà các trận đấu của Worl Cup 2002 vẫn còn được chiếu liên tục cho các fan nghiền ngẫm, chúng tôi có một buổi chiều thật đẹp, trên chiếc tàu thủy chở du khách đi ngắm  Seoul từ trên sông. Trước khi cho xuống thuyền, nhân viên kiểm vé bắt hành khách phải ghi tên và địa chỉ vào cùi vé. Em Thành hỏi tôi: “Đố chị biết vì sao người ta phải làm thế?”. Tôi nghĩ mấy giây rồi ớn lạnh, mới lên thuyền mà đã nghĩ đến khả năng tàu đắm thì ghê quá. Dù sao họ đã lo kỹ đến khả năng bất trắc thì chắc đã chuẩn bị tối đa để được an toàn, tự nhủ vậy tôi lấy lại tinh thần để thưởng ngoạn cảnh trời mây sông nước.

Ngày cuối sắp chia tay, các bạn Hàn Quốc hỏi tôi có ấn tượng gì về đất nước này. Điều tôi nhớ nhất về Seoul , đó là một thành phố có vẻ đẹp rất tinh tế và trang nhã, trong đó vẻ đẹp Cao Ly xưa và những dấu ấn văn minh hiện đại đan xen với nhau rất hài hòa. Thành phố sạch sẽ không một hạt bụi, các sân ga không ồn ào, những buổi đọc thơ công chúng ngồi nghe đầy tôn trọng, không một tiếng xì xầm, những tòa nhà được xây hài hòa với nhau, không đâu có dấu vết của sự kệch cỡm, thô thiển. Những điều đó với một thành phố châu Âu là chuyện bình thường, nhưng với một nước châu Á mà năm mươi năm trước còn là một nước cằn cỗi và đầy thương tích chiến tranh, quả là một thành tựu đáng nể, bởi vì chúng phản ánh một quá trình giáo dục thẩm mỹ và giáo dục ý thức công dân đã thấm nhuần trong từng mỗi con người.

Có thể trong thành tựu văn hóa đó có sự thúc đẩy của một nền công nghiệp phát triển. Người Hàn Quốc có nếp nghĩ, nếp sống, nếp làm việc chuộng chính xác và hiệu quả, răm rắp đâu ra đấy. Nhưng họ cũng có những cái thú hao hao như dân Việt ta, ví dụ như một hôm, anh Hữu Thỉnh tỏ ý muốn đi uống rượu cho vui, thế là Bang Hun Suk gọi điện, một giờ sau khi chúng tôi tới một quán rượu truyền thống thì hầu như anh em văn nghệ ở Seoul đã có mặt đủ cả. Thơ và rượu lai láng tới khuya, các bạn Hàn Quốc luôn miệng hô “Một trăm phần trăm!” Có lẽ họ đã học câu chúc rượu này nơi các quán bia ở Việt . Cũng may là họ chưa hiểu hết ý nghĩa của mấy chữ đó nên hô xong chỉ uống một ngụm, chứ không làm một hơi đến đáy cốc như bên ta. Mà dù có cạn ly thì chắc chúng tôi cũng không đến nỗi lâm nguy, vì bia Hàn Quốc chỉ có 4 độ, rượu 13 độ, nói theo thành ngữ Việt ta thì “Dư sức qua cầu”.

       T.T.M
   (168/02-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trà Trung Hoa (18/02/2009)