Nhìn ra thế giới
Dưới vòm trời xanh thẳm
14:11 | 16/03/2009
PHẠM NGUYÊN TƯỜNG              Tản mạn từ Bruxelles Dưới mái hiên trạm gác cũ Porte de Ninove gần chỗ tôi ở có sống một cư dân đơn độc và lưu niên. Gã bù xù, tôi chỉ biết gọi gã như thế, nom chỉ trạc ngoài ba mươi nhưng có vẻ như đã cũ nát lắm rồi. Không ai biết gã từ đâu dạt vào, ở đó từ bao giờ.
Dưới vòm trời xanh thẳm

Bộ dạng của gã làm tôi nhớ đến những tấm áp-phích nhỏ vẫn thường dán trên các cửa tàu điện ngầm Bruxelles, trong đó in những bức ảnh minh hoạ nhằm ngăn ngừa những hành động khó coi của một vài “quý ngài” đi tàu, chẳng hạn như viết vẽ bậy lên thành tàu, la hét om sòm, hoặc... không biết nhường ghế cho đàn bà có bầu. Nhân vật chính của các bức ảnh là một anh chàng nhớp nhúa đen đúa, tóc tai bù xù, mặt mày dữ tợn..., nói chung thoạt nhìn đã biết là văn hoá... cùng đinh. Chủ đề của những bức ảnh đại ý là: “Dịch vụ của chúng tôi tiến triển rất tốt, còn quý ngài thì sao?”. Đúng là miệng lưỡi khách sáo của người Âu, từ “vous” chỉ có một nghĩa trịnh trọng là “quý ngài”, nhưng thật tình, với những tấm ảnh như vậy ai mà hiểu là “quý ngài” cho được? Theo tiếng Việt phong phú mà suy, “chúng mày” có lẽ đúng hơn chăng? Chưa hết, từ “évoluer” ngoài nghĩa “tiến triển” ra còn có thêm nghĩa là “tiến hoá” nữa. Thế mới đểu!

Lại nói tiếp về gã bù xù. Tổ ấm của gã là một tấm nệm dày gần một tấc, của đáng tội, nó căng phồng lên vì tuồng như bên trong chứa đầy một loại mùi khai thối tổng hợp đặc trưng, mùi này không khó kiếm ở Bruxelles nơi các góc xó hẩm hiu của các ga tàu điện ngầm. Bên trên tấm nệm là một tấm chăn rách nát như chính chủ nhân mà nó hằng bảo bọc, kèm theo một cái gối xác xơ hồn vía. Một cái vỏ chuối bầm dập nằm cách tấm nệm khoảng hai sải tay, như không thể nằm xa hơn. Một hộp bánh ăn dở dang, rơi trong vãi ngoài, hệt như “bãi chiến trường” sau một bữa ăn thịnh soạn của bầy quạ đen vốn rất nhiều ở trong thành phố này.

Gã bù xù đã sống như thế bao năm nay, màn trời chiếu đất. Gã là một trong hàng ngàn người thuộc giới “bị gậy” ở cái đất nước được mệnh danh là “trái tim của châu Âu” này. Lần đầu xuất ngoại, tôi mang một niềm tin ngây thơ rằng “ăn xin” chỉ là sản phẩm của của những xứ nghèo đói, ai dè ở Bỉ cũng đầy. Người ăn xin trên các hè phố, nhà chờ xe buýt, tàu điện ngầm, trước cổng nhà thương... Ai đó nói một cách đầy lo âu, “mặt trái của toàn cầu hoá’, chính là đây chăng? Tuy vậy, gã bù xù chỉ là một hình ảnh tương đối cá biệt trong giới ăn xin ở Bruxelles. Còn phần lớn họ trông rất tươm tất, sạch sẽ, thậm chí đường hoàng, đĩnh đạc. Và đặc biệt người ta không có cái thói cực kỳ khó chịu như ở xứ mình là cứ bám theo khách như đỉa đói, xin cho bằng được tiền mới thôi. Họ có nhiều kiểu cách ăn xin khác nhau, có thể gọi một cách thời thượng là “văn hoá ăn xin” cũng được, khiến tôi có cảm tưởng sai lạc rằng “ăn xin” là một nghề hợp pháp. Họ không chỉ là những ông già bà lão hom hem, sức tàn lực kiệt mà đôi khi còn là những thanh niên trai tráng, đỏ da thắm thịt hẳn hoi. Họ ngồi một chỗ, không lê la lây lất, trước mặt để tấm giấy cạc-tông nguệch ngoạc vài chữ: “Tôi vô gia cư, vợ bỏ, hai đứa con đói. Xin giúp đỡ. Quý ngài thật tốt bụng. Xin cảm ơn”. Chẳng cần năn nỉ ỉ ôi... vẫn có tiền rơi xuống. Hoặc đôi khi có người nhảy lên tàu điện ngầm ở một ga nào đó, miệng mở vô-lum: “Thưa quý bà quý ông, xin mời quý bà quý ông thưởng thức chương trình âm nhạc”. Thế là tiếng hát cất lên, trên nền hợp âm phối khí của một cây đàn phong cầm sờn cũ, một cái xập xèng há mồm v.v... hay thậm chí nhiều khi chỉ là “hát chay”. Hát xong một bài, họ cầm cái lọ con đi từ đầu toa đến cuối toa, ngụ ý đề nghị quý bà quý ông rỏ chút lòng thương xót. Trong tiếng rít của gió, của đường ray sắt ken két qua tai, tiếng những đồng xu euro rơi vào lòng lọ con nghe như tiếng con mèo sắp chết nước, cố phát ra một chút hơi tàn. Một lần nọ ngay dưới chân cầu thang cuốn của ga metro De Brouckere, tôi nhìn thấy ba cha con  người Ả Rập ngồi thảm não. Người cha đâu chỉ lưng chừng bốn mươi, hai tay nách hai thằng con trai cỡ lên chín lên mười, cả ba cha con đều cúi gầm mặt, không một lời thưa thốt. Chỉ cần có vậy, những đồng xu euro thỉnh thoảng lại “meo”, “meo”... một chút hơi tàn, nghe đanh và lạnh. Hình ảnh ba cha con khiến tôi chạnh lòng nhớ đến câu thơ của anh bạn Huế Phạm Tấn Hầu, thủng thẳng mà chua xót:
trái và hoa hạnh phúc
đã mỏi mòn
trong tầm tay ru hỡi...

Trong bối cảnh châu Âu hợp nhất và thông thoáng hơn, dòng người tứ xứ đổ về Bỉ ngày một nhiều, trong đó nhiều nhất phải kể đến cộng đồng người Ả Rập. Người làm nhiều, kẻ đến ăn cũng lắm. Bỉ là một đất nước có chế độ phúc lợi xã hội khá lý tưởng, tiền trợ cấp thất nghiệp đôi khi gần bằng lương một anh công chức, quý bà quý ông cứ gọi là tha hồ mà sống nhé. Ở tầng trên nhà tôi trọ an toạ một gia đình “cựu thuyền nhân” Việt nam, một chữ Việt bẻ đôi không biết, phải nhờ người khác viết hộ thư về quê hương dặn dò người ở lại không được một ngày bỏ bê coi sóc lăng mộ cha ông (tiền đâu có thiếu), ba mươi năm nay từ khi thuyền dạt vào xứ Bỉ, chỉ ăn không ngồi rồi, tụ tập xóc dĩa tổ tôm, vẫn được hưởng trợ cấp 800 euro một tháng, ngon ơ. Chồng ăn đường chồng, vợ ăn đường vợ, đẻ con ra lại được hưởng thêm tiền sinh con, đẻ càng nhiều hưởng càng bộn. Chỉ tội mấy anh mấy chị tóc vàng da trắng phải nai lưng ra làm việc chết ông chết cha mỗi ngày đừng nói là tám tiếng, để mà còn gánh thêm tiền thuế vừa nặng vừa dày. Thế có tức không?

Chỗ tôi ở là một khu tập trung khá lớn cộng đồng người Ả Rập, những “quý ngài” ở ngôi thứ hai số nhiều này được gọi chung một cái tên thật gọn nhẹ là “dân rệp”. Rệp ở đây là... những con rệp (puces)! Có người giải thích rằng, ngày xưa dòng người Ả Rập qua Bỉ làm công nhân hầm mỏ, đào tuyến đường hầm để làm tàu điện... cuộc sống chui rúc khác nào những con rệp nên mới gọi như thế. Lại có người xấu mồm gọi “dân rệp” vì họ ăn ở bẩn lắm, xả rác lung tung, ba trợn ba trạo, chặn đường cướp giật, xin đểu... khác nào loài chấy rệp... Thôi thì chẳng biết tin ai, chẳng biết đường nào mà lần. Tuy thế, sống gần họ mấy tháng, thấy họ cũng hiền, xóm làng bình yên, chỉ thiếu mỗi cái cổng chào “khu phố văn hoá” như ở bên mình thôi. Trong vùng có khu chợ Abbatoir khá nổi tiếng, tục gọi là “chợ rệp” (marché aux puces). Khung cảnh chợ rệp nó từa tựa như chợ trời ở Việt nam, hàng hoá thôi thì đủ cả, từ cây kim sợi chỉ cho đến băng đĩa máy móc, rau củ cá tôm tươi ngon ngồn ngộn... đúng như “tôn chỉ mục đích” của mọi chợ trời trên... trái đất này: “ai mua chi cũng bán, ai bán chi cũng mua”. Những anh chàng “tiểu thương” Ả Rập tay bán miệng rao thật nhanh nhẹn, hoạt bát và... buồn cười.

Chợ chỉ mở vào những ngày cuối tuần nên người đi chợ càng đông, nhộn nhạo đủ các màu da vàng với đen chen trắng. Trong dòng người chộn rộn đó, tôi đâm ra thọc mạch vẩn vơ. Không biết trong đầu họ đang nghĩ ngợi điều gì? Họ có nghĩ về nhau? Như những quân cờ trong bàn cờ vây, họ đang hoà hợp hay chia rẽ? Những thiếu phụ khăn đen trùm đầu, mắt đen sâu thẳm... họ đến từ đất nước Hồi giáo nào? Họ có một tổ quốc không? Trong số những ông những bà nước da đen như cột nhà cháy kia, ai là người gốc Ru-an-đa, Công-gô, Su-đăng..., những đất nước ngập ngụa triền miên trong nội chiến, bệnh tật, đói nghèo? Một thống kê công bố nhân ngày thế giới chống Sida vừa rồi, cứ bốn người Công-gô thì có đến ba người bị nhiễm HIV. Khiếp thật. Hay người ta nói vống lên? Có may mắn không khi họ đã rời bỏ cố quốc để trở thành một người dân Bỉ? Làm một người dân Bỉ thì khi bị nhiễm HIV sẽ được chữa trị không mất một đồng xu, con vi-rút hãi hùng này có nằm mười năm trong máu cũng không phát thành bệnh Sida vì nó bị thuốc men chặt chân khoá tay rồi còn đâu. Làm một người dân Bỉ, họ có nhiều thời gian hơn để nghĩ về những chuyện trời mây non nước, chẳng hạn chuyện hôn nhân đồng tính, nên chăng, không nên chăng? Chẳng hạn chuyện thuê người khác mang bầu, chứ thời nay ai lai đi mang một khối tình ễnh ạng như thế cho nặng nề, nhọc mệt, vừa “bể phọt” vừa mất thời gian “của mấy bà”.

Hôm đầu tháng 11 vừa rồi, ở bệnh viện chỗ tôi thực tập người ta có tổ chức một buổi sáng dành cho ngài Đạt Lai Lạt Ma của xứ Tây Tạng đến nói chuyện về hoà bình, về dân chủ, về... tất cả mọi thứ ngổn ngang trong thế giới này. Không biết có ai trong chợ rệp này đã có mặt trong buổi trò chuyện tôn giáo ấy? Họ không đến dự đám này thì rồi cũng theo một cuộc khác mà thôi. Là người, ai mà chẳng luôn mong được an ủi, vỗ về? Những thao thức tôn giáo khôn nguôi của họ đã được giải đáp thoả đáng đến đâu? Rồi những người ăn xin kiếm được dễ đến mấy chục euro mỗi ngày kia họ có đang đi chợ rệp, có đang kén cá chọn canh như một “tên da vàng ngơ ngác” là tôi không nhỉ? Tôi nhìn lên bầu trời Bruxelles xanh thẳm không một gợn mây, chỉ thấy những dải khói trắng sau đuôi máy bay đan dọc đan ngang thật là ngộ nghĩnh. Trên bầu trời Bruxelles máy bay bay dày, ai cũng công nhận như vậy. Trái tim của châu Âu mà. Bao nhiêu người đến rồi đi. Bao nhiêu người ở lại đất này? Rồi ra ai cũng phải tìm cho mình một cách để sống chứ, một mảnh đất để sống chứ. Chao ôi là.

Từ ga tàu điện De Brouckere trồi lên mặt đất, nơi có ba cha con người Ả Rập cúi đầu ăn xin dưới chân cầu thang cuốn, đi một đoạn ngắn là tới khu Bourse, khu trung tâm tài chính và thương mại của Bruxelles. Ngựa xe như nước áo quần như nêm! Trong cái dáng bộ hành hấp tấp đặc trưng của người Âu, có cảm tưởng như họ làm ra tiền ngay cả trên mỗi bước chân! Trong lòng còn trĩu nặng hình ảnh ba cha con người Ả Rập mệt mỏi bơ thờ, hình ảnh gã bù xù hôi hám, dữ tợn và cô độc lạnh lẽo dưới mái hiên trạm gác cũ... bỗng dưng tôi nhớ câu nói cuối cùng của nhân vật bị săn đuổi triền miên trong tiểu thuyết lừng danh “Bản du ca cuối cùng” của Remarque, không đành được mà thốt lên: “Người đâu mà đông thế?”.
           Bruxelles, mùa Noel 2004
                         P.N.T


(196/06-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ấn tượng Seoul (11/03/2009)
Trà Trung Hoa (18/02/2009)