Khác với mọi lần, năm nay, tin nhà văn Pháp Patrick Modiano được Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn trao giải thưởng Nobel Văn học có phần làm cho báo chí, truyền thông ngoài nước Pháp ngỡ ngàng.
Thật vậy, cả ở châu Âu và Mỹ, cái tên Patrick Modiano hình như khá xa lạ. “Modiano (...) nổi tiếng ở Pháp, nhưng ở đây, hầu như không ai nghe nói đến ông,” Alexandra Schwarz viết trên tạp chí văn học nổi tiếng New Yorker. Tờ Times giật tít “Tại sao bạn chưa bao giờ nghe nói đến Patrick Modiano?” và viết rằng sự lựa chọn này làm cho độc giả Mỹ “bối rối”, kể cả những người say mê văn chương nhất. Một số nguồn như BBC và New York Times thì đành chỉ lặp lại lời đánh giá của Viện Hàn lâm Thụy Điển, mô tả nhà văn Pháp thứ 15 đoạt giải Nobel Văn học như “một Marcel Proust của thời đại chúng ta.” Thậm chí một số trang mạng ở Mỹ như The Daily Beast, LA Times còn giật tít: “Vậy Patrick Modiano là ai?”
Từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, độc giả Việt Nam đã tìm thấy một phần câu trả lời ở hai tác phẩm của ông: Những đại lộ ngoại vi, Phố những cửa hiệu u tối do tác giả bài viết này chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Jean Patrick Modiano sinh ngày 30/7/1945 ở Paris. Cha ông là người suốt đời phiêu bạt và mẹ ông là một nữ diễn viên quanh năm lưu diễn, cậu bé Patrick có một tuổi thơ hầu như hoàn toàn vắng thiếu tình phụ mẫu. Sau một thời gian sống với ông bà ngoại, Modiano không ngừng bị luân chuyển hết nhà ký túc này đến trú xá kia. Không khó hiểu khi một tuổi thơ bất hạnh như vậy tạo nên tâm thế khiến Modiano muốn tìm đến nghiệp viết văn như một giải thoát. Và người đưa Modiano vào môi trường văn chương nghệ thuật chính là Raymond Queneau, một kiện tướng của nhóm Oulipo trứ danh và trào lưu Tiểu thuyết Mới.
Năm 1968, ra mắt với cuốn tiểu thuyết đầu tay Quảng trường Ngôi Sao (La Place de l’Étoile), chàng trai 23 tuổi Modiano lập tức được chào đón như một sự kiện của văn học Pháp đương đại: cùng một lúc, tác phẩm giật hai giải thưởng văn học Roger Nimier và Fenéon đầy uy tín. Sau cuốn thứ hai, Tuần tra đêm (La ronde de nuit - 1969), và một quãng lặng sáu năm, tác phẩm thứ ba của ông, Những đại lộ ngoại vi (Les boulevards de ceinture - 1975) được Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng lớn về tiểu thuyết. Và ba năm sau, Giải Goncourt, giải văn học quan trọng nhất của Pháp, được trao cho ông với cuốn Phố những cửa hiệu u tối (Rue des Boutiques obscures). Từ đó, đều đặn, mỗi năm ông cho ra một tác phẩm, trong đó có thể kể: Biệt thự buồn (Villa triste), Sổ gia đình (Livret de famille), Một thời thanh xuân (Une jeunesse), Những chàng trai tốt biết mấy (De si braves garcons), Khu phố hẻo lánh (Quartier perdu), Phòng để quần áo thời ấu thơ (Vestiaire de L'enfance), Chuyến du hành tân hôn (Voyage de noces), Một gánh xiếc đi qua (Un cirque passe), Cô Bé Nữ Trang (La Petite Bijou), Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (Dans le café de la jeunesse perdue), Chân trời (L’horizon), Cỏ đêm (L’Herbe de nuit)... Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Để em khỏi bị lạc trong khu phố (Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier), xuất bản vào đầu mùa sách năm 2014, được giới phê bình xếp vào một trong năm tác phẩm tiêu biểu của Modiano.
Một điều rất đặc biệt ở Modiano: ông sinh năm 1945 khi Thế Chiến II vừa kết thúc, nhưng ưu tâm văn học của ông lại chốt vào thời kỳ nước Pháp bị phát-xít Đức chiếm đóng (1940-1944). Nhà văn tìm kiếm gì trong hình ảnh nước Pháp bại trận ấy? Ngay từ đầu, hệ chủ đề (thématique) của Modiano đã được xác định với hai chủ đề khắc khoải xuyên suốt đời văn của ông: 1/ khảo sát quá khứ, đi tìm bản ngã (của mình và của những người xung quanh mình); 2/ sự bất lực không thể hiểu những hỗn mang của thời đại, luôn che khuất quá khứ. Tiểu thuyết của Modiano không bao giờ quá 200 trang khổ trung bình, nhiều khi mượn cái thủ pháp “treo lửng” của tiểu thuyết trinh thám để giữ người đọc hồi hộp đợi chờ. Văn phong Modiano giản dị, không khó đọc, và thường đượm một nét buồn xa vắng, để lại dư vị nao lòng, những trang viết thao thức đầy ám ảnh dai dẳng triền miên của quá khứ. Hình như mối ưu tâm của Modiano đối với quá khứ có một cái gì khiến ta nhớ đến Marcel Proust, nhưng khắc khoải hơn, hoang mang hơn ở tác giả Tìm lại thời gian đã mất. Ra đời vào lúc kết thúc Thế chiến II, Modiano thuộc một thế hệ chỉ biết về chiến tranh qua những vang vọng xa nhòa, song cách nào đó, dấu vết của những cơn binh lửa trên quy mô hành tinh lại hằn sâu trong tâm thức ông như một ám ảnh thường trực. Không phải tình cờ mà người ta gọi Modiano là nhà khảo cổ hồi ức.
Patrick Modiano một mình chiếm một vị trí riêng biệt trên văn đàn Pháp. Ngay từ năm 1981, tuần báo Nouvelles Littéraires (Tin văn học) đánh giá ông “là người tuyệt vời nhất, kỳ diệu nhất và chắc chắn là có tài nhất trong các nhà văn trẻ của nước Pháp” (số 2774 năm 1981). Giới phê bình Pháp coi ông trước hết như là người lật nhào các quy tắc của tiểu thuyết tiên phong mới. Điều làm cho Modiano trở thành gương mặt độc đáo là nỗi băn khoăn day dứt về bản thể và hiện hữu của mình. Modiano coi bản thân cũng như cả thế hệ ông là những người không có thời gian xác định. Suy nghĩ định vị mình trong lịch sử, tìm hiểu quá khứ của mình trong quá khứ lịch sử và dưới ánh sáng ấy, hình dung rõ hơn những đường nét của tương lai, đó là quan tâm chủ yếu của ông, thể hiện qua các tác phẩm. Sự sụp đổ của những ảo tưởng tháng 5/1968 [thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình và đình công lớn trên toàn nước Pháp do sinh viên khởi xướng nhằm chống lại chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tiêu thụ] lại càng khiến cho sự tự vấn rất “Hamlet” ấy thêm nhức nhối trong Modiano. Ông cho rằng một khi qua được cuộc sát hạch ngược trở về mê cung quá khứ thì sẽ có thể trả lời câu hỏi mình là gì hiện nay. Dường như ông muốn thử thách bản thân bằng cách đặt mình trong hoàn cảnh gay go của những năm chiến tranh, đặc biệt trong thời kỳ Đức chiếm đóng, tự kiểm nghiệm xem mình có thể ứng xử như thế nào và làm gì trong những điều kiện ấy. Ba tác phẩm đầu tay: Quảng trường Ngôi Sao, Tuần tra đêm, Những đại lộ ngoại vi được gọi là “Bộ ba về Thời kỳ chiếm đóng”. Ý đồ xác định vị trí của mình trong lịch sử, ở các tiểu thuyết của Modiano, vượt lên thành một vấn đề có tầm rộng lớn hơn: con người có quan hệ như thế nào với sự vận-động-tàn-phá-tất-thảy của thời gian? Câu trả lời cho vấn đề có vẻ siêu hình ấy đòi hỏi phải xác định minh bạch vị trí của mình trong sự vận động - không những anh là anh như hiện nay, mà còn có thể là những gì có trước anh nữa. “Con người bao giờ cũng tò mò muốn biết cội nguồn của mình”, Modiano thổ lộ. Việc đi tìm những “cội nguồn” ấy trở thành nét chủ đạo ở các nhân vật của Modiano, khiến cho tất cả các tác phẩm của ông đều như cộng hưởng với nhau. Như những mảnh rời của một trò chơi chắp hình, cuối cùng, lồng khớp vào nhau, song bí ẩn thay, dường như vẫn lạc loài một cái gì không xác định nổi.
Tác phẩm của Modiano đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới nhưng cho đến trước ngày ông đoạt giải Nobel Văn học thì mới chỉ có chưa đến 1/3 trong số 30 tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Anh. Những tác phẩm của Modiano đã được xuất bản ở Việt Nam: “Những đại lộ ngoại vi” (Dương Tường dịch, NXB Tác phẩm mới, 1989), “Quảng trường Ngôi Sao” (Vũ Đình Phòng dịch, NXB Văn học, 2000), “Phố những cửa hiệu u tối” (Dương Tường dịch, 2003), và mới đây nhất là “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” (Bạch Lan dịch, Nhã Nam, 2014). Sắp tới, Nhã Nam không chỉ tái bản “Phố những cửa hiệu u tối” (bản dịch của Dương Tường) mà còn xuất bản hai cuốn “Từ nơi xa nhất của lãng quên” (Du plus loin de l'oubli) và “Để em không lạc trong khu phố” (Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier). |
Ở Những đại lộ ngoại vi, đó là những tìm kiếm đau khổ của nhân vật chính dò theo dấu vết của cha mình - không chỉ theo nghĩa đen, mà còn là (và thậm chí là chủ yếu) theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ: tìm sự gần gũi bên trong với con người ấy, đúng hơn, với quá khứ ấy.
Nỗi đau quằn quại trong tìm kiếm một cái gì đã mất cũng là chủ đề của cuốn Cô Bé Nữ Trang xuất bản năm 2001. Cô gái 19 tuổi Thérèse, “Cô Bé Nữ Trang”, tình cờ gặp ở ga xe điện ngầm một phụ nữ giống hệt người mẹ đã chết nhiều năm trước ở Morocco, theo như thông báo chính thức. Sau nhiều cố gắng vô vọng dò theo “người mẹ” ấy, và sau một toan tính tự sát không thành, Thérèse trở lại với cuộc sống không màu sắc của một Paris ghẻ lạnh.
Suy nghĩ về con người như một hạt cát xoáy trộn trong dòng thác thời gian, cố gắng tập trung vào số phận con người, Modiano dường như nhằm chủ yếu vun đắp một ý thức về hiện hữu, hơn là dựng lên một bức tranh hình tượng cụ thể về thế giới. Điều đó cũng khá rõ ở Một gánh xiếc đi qua. Một chàng trai không biết từ đâu tới, một cô gái không biết còn trong trắng hay đã mang nặng một quá khứ đầy xáo động, một cuộc gặp gỡ khó tin và nàng kéo chàng vào một Paris kỳ ảo rồi biến mất. Gánh xiếc đã đi qua, chân trời vừa thoáng thấy lại khép lại, nhưng dấu hằn để lại là mãi mãi.
Phố những cửa hiệu u tối, giải thưởng Goncourt năm 1978, một trong những tác phẩm chủ yếu của Modiano, là nỗi khắc khoải triền miên về nguy cơ đánh mất nhân thân và bản cách. Điều gì đã thúc đẩy anh chàng Guy Roland mất trí nhớ, nhân viên của một hãng thám tử tư, lao theo dấu vết của một người không quen biết đã mất tích từ lâu? Đó là nhu cầu da diết tìm lại được mình qua dấu vết nhòa nhạt của con người vốn xưa kia có thể là anh, kiên nhẫn mò về những nơi có thể đã từng chứng kiến cuộc tình của anh ta với một người đàn bà giờ đây đã biệt tăm, cố bấu víu vào những bóng mờ của những nhân chứng duy nhất từng tham dự vào thời thanh xuân của gã môi giới hàng mang hộ chiếu đáng ngờ dưới cái tên Patro Mc Evoy mà cuối cùng anh ta tin rằng chính là mình. Như trong một vòng đu quay, những mẩu ký ức loang loáng, chập chờn, rời rạc không ngừng xoáy trộn với những câu hỏi đau đớn: “Tôi là ai?... có đúng đó là đời tôi không? Hay là đời một người khác mà tôi đã lẻn vào?”. Hình như đây không chỉ là một bi kịch cá nhân, mà còn là bi kịch của cả nhiều cộng đồng. Chúng ta đã chẳng chứng kiến những quá trình đau đớn tìm lại danh tính và bản sắc bị thất lạc của nhiều dân tộc những năm hỗn mang của đoạn cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21 này sao?
Modiano có cái tài “phù phép” với thời gian, xóa nhòa được ranh giới giữa các lớp thời gian khác nhau khiến cho những sự vật hiện ra như không thể tin được dưới một ánh sáng lung linh kỳ ảo. Với Phố những cửa hiệu u tối, ông đã khẳng định vị trí đặc biệt của mình trong văn học Pháp nửa sau thế kỷ 20. Tất cả các tiểu thuyết của ông đều được xếp vào danh sách các tác phẩm hay nhất hằng năm ở Pháp. Và có lẽ giá trị lớn nhất của Modiano là nỗ lực không mệt mỏi khôi phục một ý thức nhân bản - quan tâm tìm về và bám chắc không rời xa cội nguồn nếu muốn khỏi bị tha hóa.
Tháng 10 năm nay, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao giải Nobel văn học cho Patrick Modiano “vì cái nghệ thuật của kí ức mà ông đã vận dụng để gợi lên những phận người bẽ bàng, khó thoả nguyện nhất”, điều không quá bất ngờ đối với tôi, bởi từ nhiều năm, tôi đã mong chờ một sự tôn vinh xứng đáng cho tác giả yêu mến của mình như mong chờ một điều đương nhiên trước sau tất phải đến.
Nguồn: Dương Tường - Tia Sáng