Nhìn ra thế giới
"Không phải là chuyện một lúc"(1)
08:35 | 07/05/2015

(Vài suy nghĩ nhân đọc thư của các bạn Việt Nam nghe đài Matxcơva)

IRINA ZISMAN MÔSCƠVINA (Nhà báo Liên Xô)

"Không phải là chuyện một lúc"(1)

"Tôi đang đi, sẫy chân, sa xuống hố
Hố rộng, sâu nhưng phía trên che cỏ
Tôi cầu cứu bạn tôi, nhưng hắn đã đi xa
Vì hắn biết, biết từ lâu hố đó
".(2)
                           Baba Takhi,
                Nhà thơ Batư thế kỷ 10




Có lần nhà văn Liên Xô Platônôv dùng câu nói hình ảnh: "Diện mạo cách mạng đã thay đổi" - ông nói điều đó về thời ông, tức là sau những năm nội chiến ác liệt, đất nước đã bước vào thời "kinh tế mới" đầy hứa hẹn. Từ đó cách mạng ở nước chúng tôi đã mấy lần thay đổi "diện mạo". Nghiêm ngặt có, lạnh lẽo có, bàng quan có... Cải tổ hiện nay nhắc nhở chúng ta về một diện mạo nữa, hằng mong đợi của Cách mạng: diện mạo đầy nhân nghĩa.

Cách đây không lâu, Truyền hình Liên Xô đã chiếu bộ phim "Phiên tòa". Kể ra chúng tôi (và có lẽ cả chúng ta) đã quen xem những bộ phim "mới" từng phải nằm 7 - 10 năm trên giá phim trong kho Truyền hình và Cục điện ảnh mà chưa được chiếu lần nào. Còn phim "Phiên tòa" chỉ bị ứ đọng ở đó... không đầy 8 tháng. Song giá trị của 8 tháng trong thời điểm hiện nay có khi còn đáng suy nghĩ hơn những mười năm kia.

Trong bộ phim này, lần đầu tiên chúng tôi được nghe và nhìn bà Larina, vợ N.N.Bukharin. Trước đó hai tạp chí và một tờ báo Liên Xô đã đăng giới thiệu những trang hồi ký của bà làm xao xuyến lòng bạn đọc nhưng trực tiếp gặp cái nhìn chua cay từ đôi mắt bà thì đây là lần đầu tiên. Trong rất nhiều thông tin và chi tiết đầy ý nghĩa mà bà đã kể về người chồng bất hạnh của mình - một người đã đi trọn con đường từ một thủ lĩnh rực rỡ, "người được toàn Đảng yêu mến" (theo nhận định của V.I. Lênin) qua những nỗi thất vọng dày vò và cuối cùng đến bị hành hình hết sức tàn nhẫn - không hiểu sao tôi xúc động nhất trước câu nói giản dị, đầy lòng trìu mến của bà: "Ông đã thua thậm chí cả những trận mà ông hoàn toàn đúng".

Ở Đài chúng tôi nhận được nhiều thư của các bạn Việt Nam băn khoăn: hiện nay ở Liên Xô đánh giá Bukharin, Stalin Khơrusôv và những nhân vật riêng lẻ khác như thế nào? Khó ở chỗ các bạn vẫn hy vọng nhận được một câu trả lời công thức. Vốn quen với những "Stalin là Lênin của ngày nay", hay "Bukharin là kẻ cơ hội", hay "Khơrusôv là người chủ quan, duy ý chí" v.v. chúng ta chỉ mong những cách đánh giá được đổi mới nhưng vẫn công thức. Tiếc thật - hoặc may ra? - chúng tôi không có sẵn nhận định mới như thế. Trong điều kiện dân chủ hiện nay trên báo chí Liên Xô chúng ta có thể gặp nhiều suy nghĩ, nhiều thông tin khác nhau và cả những đánh giá nhiều mặt không giống nhau. À "ra thế! Dân chủ của họ chỉ làm lu mờ thêm vấn đề, nói quanh đâu, không chịu nói thẳng!"... Tôi tin không hẳn như vậy.

Qua thư các bạn, chúng tôi thấy: một điều khó nhất giữa chúng ta vẫn là hình tượng Stalin. Mà nhiều người không thể không có cảm giác mình bị đánh lừa, hay bị phản bội thế nào đấy; bởi vì đã có thời các bạn tin vào tên tuổi đó như một biểu tượng của Liên Xô... Không biết nên an ủi sự thất vọng của các bạn như thế nào đây! Có lẽ bằng ý này chăng? - Chúng tôi cũng rất đau lòng và có thể còn gấp hai lần. Một lần khi nghĩ rằng nhân dân Liên Xô đã phải trải qua những hy sinh mất mát vô cùng nặng nề, những tổn thất cay đắng khôn cùng về kinh tế và dân tộc, về tâm lý và đạo đức do tội của một người, có tính tình tàn nhẫn, tiếm quyền, xảo quyệt và yếu đuối nhưng mà đó vẫn được nhiều người tin tưởng tuyệt đối. Đau lòng lần thứ hai mỗi khi gặp thái độ của các bạn, tiếp tục coi Stalin là biểu tượng của nhân dân Liên Xô và cứ dứt khoát "ông có vị trí đặc biệt trong tâm lý tình cảm của nhân dân Việt Nam".

Có thể, các bạn sẽ bảo rằng đó là chuyện riêng, nhưng chúng tôi vẫn có quyền đau buồn trước điều đó chứ!...

Vào đầu những năm 40, viện sĩ Vernadxki đã ghi trong cuốn nhật ký của mình: "Thế là cả nòi giống người Nga bị tiêu diệt!"

Nhưng có lẽ hậu quả trầm trọng nhất của thời đó chưa phải là hàng triệu sứ mệnh người vô tội bị tiêu diệt trong các trại tập trung ở Sibêri và cũng không phải là hàng triệu người khác bị chiến tranh chống phát xít cướp đi mà là hàng trăm triệu người đã sống sót. Sống, nhưng họ phải trả giá: cả họ, cả con cháu họ trong rất nhiều năm phải sống trong một thứ luân lý xã hội ghê tởm - nếu mình không viết thư vu khống người láng giềng thì người đó sẽ viết thư vu khống mình.

Kể ra trong lịch sử các nước và chế độ những giai đoạn như thế không phải là hiếm. Và đến tận bây giờ - hiện tượng bạn ta thấy trên đầu ta đám mây đen kéo tới liền tìm cách lánh xa, có còn chăng?... Câu "tìm bạn trong cơn hoạn nạn" chúng ta quen hiểu là giúp nhau trong lúc khó khăn, như gặp thiên tai, cháy nhà, mất mùa... Thế còn nếu bị cách chức? - sướng thay cho người nào mà sáng hôm sau số bạn bè không bị thưa hẳn đi.

Ấy thế mà hiện nay báo chí Liên Xô đã công bố nhiều tài liệu chứng tỏ ngay trong những năm đầy sợ hãi ấy vẫn có sự kháng cự của những người trong sạch, những người trung thành với nguyên lý xã hội chủ nghĩa trong sáng.

Đã là một sự kiện cách mạng thì cải tổ không thể và không nên mang lại sự thỏa mãn cho tất cả mọi người. Nhưng dựa vào dân chủ và công khai, Pêrêxtơrôika vẫn để tự do ngôn luận cho những người không ủng hộ nó. Tất nhiên nếu ngược lại thì họ sẽ hành động khác! Tức là nếu các lực lượng chống cải tổ nắm quyền lực thì họ sẽ chà đạp không thương tiếc. Do đó chúng ta nên rút kết luận: cải tổ phải biết tự vệ.

Tạp chí "Cộng Sản" lưu ý chúng ta: "Lênin từng nói, trong chính trị không được thù ghét. Thù ghét hờn ghen, tàn bạo, xảo quyệt - những tính nết đó do Stalin và vây cánh khuyến khích đang một lần nữa cố ngóc đầu dậy". Không thiếu gì những lời gào thét "hãy cứu chủ nghĩa xã hội!", "chủ nghĩa xã hội đang bị lâm nguy" - đó là họ nói về cải tổ. Họ ra sức dọa dẫm bằng đủ thứ nguy cơ giả tạo. Và khi làm như vậy họ không ngần ngại dùng luận điểm quá ư lỗi thời mà hiện nay dùng luận điểm đó không khác gì là hạ thấp sự tự trọng của chủ nghĩa xã hội. Ví dụ gặp khó khăn và tiêu cực nào cứ bảo đó là tàn dư tư bản, hay culắc, hay mensêvic v.v. Và cả do phương Tây nữa chứ! Ví như thanh niên ta có suy nghĩ gì thì chắc là vì đã nghe các "voix" thôi - Nói thế mà không hiểu rằng, câu nói này đã mạt sát chính thanh niên nước mình, biểu lộ cái nhìn khinh rẻ đối với thanh niên nước mình, phủ định sự thông minh, khả năng suy nghĩ và nguyên lý công dân của các bạn trẻ". ("Cộng Sản", số 7 năm nay)

Tôi nhớ mãi câu nói của một chàng sinh viên Châu Phi hồi tôi còn học ở Trường đại học tổng hợp Mátxcơva: "Votre pays, qui a produit le sputnik, ne peut pas produire de belle chaussure!" (3).

Nghe câu nói chân thành và xác đáng kia, tôi vừa muốn cười lại vừa muốn khóc... Điều đó cách đây đã 20 năm. Thế còn hiện nay? Giấu gì nhau, chất lượng hàng hóa Liên Xô còn lâu mới được các bạn xếp vào loại ưa thích hơn hàng hóa các nước xã hội chủ nghĩa khác, nói chi của Nhật, Pháp, Mỹ và còn Thái Lan và Xanhgapo. Tại sao vậy? Khái niệm "chất lượng sản phẩm" là thứ gì mà Liên Xô đã phải đưa nó vào hạng quốc sách mà chưa đảm bảo nổi.

Khi sáng kiến của Lênin về chính sách kinh tế mới "NEP" được công bố thì theo lời kể của người đương thời, ngay ngày hôm sau đất nước đã sống một cuộc sống khác hẳn trước, số hàng hóa và dịch vụ tăng vùn vụt. Hiện nay gần một năm trôi qua kể từ khi công bố Luật về lao động cá thể và thành lập các đơn vị lao động tập thể trong sản xuất nhỏ và dịch vụ ở Liên Xô, thế mà số người muốn tham gia hoạt động đó không có là bao. Chủ yếu là vì tính năng động, dám làm, chịu khó suy nghĩ kinh doanh, ngay ở các cán bộ từng làm kinh tế quốc dân cũng hầu như không còn. Và còn một lý do nữa: người ta không dám đi vào một lĩnh vực mà ở đó thu nhập không đảm bảo, lại phụ thuộc trực tiếp vào khả năng và chịu khó làm việc, chính là nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội!

Hàng mậu dịch thường kém chất lượng so với hàng sản xuất cá thể - điều đó không đáng suy nghĩ sao?

Nhưng "không chỉ bởi bánh mì"... Xét theo thư các bạn, nhiều quá trình đầy ý nghĩa trong văn học nghệ thuật Liên Xô cũng đang thu hút sự chú ý của các bạn.

Trên trang họa báo "Ngọn lửa nhỏ" một nhà văn Xô Viết kể về cuộc tranh luận hết sức gay gắt được mở ra cuối những năm 40 khi công bố nghị quyết nổi tiếng bóp nghẹt chút tự do sáng tác còn lại. Khi ấy đã tiến hành những cuộc họp của các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, các hội sáng tạo, trong đó người ta chia thành hai phe đấu tranh ác liệt. Một bên là những người hùa theo những tiếng "hô hào" chính thức, bên kia vẫn cố lên tiếng bảo vệ quyền của nghệ sĩ có cách nhìn của mình đối với thế giới và sự kiện. Thế thì tại buổi họp gay gắt đó, một nhà văn lão thành xin có ý kiến. "Theo tôi,- ông nói - một điều rất quan trọng mà ta chưa đả động đến là chưa có phân biệt rõ giữa thể loại "nouvelle", và "récit" tức truyện ngắn bình thường!

Thái độ này có thể gây cười. Cũng có thể gây phẫn nộ. Nhưng theo tôi có một khía cạnh nữa. Hiện nay nhiều người ủng hộ cải tổ cũng đòi ở mọi người có thái độ dứt khoát. Song chúng ta có thể nhớ lại Lênin từng kiên quyết không khoan nhượng với những người có chính kiến khác trong hoạt động chính trị, nhưng đồng thời ngược lại rất thận trọng đối với các văn nghệ sĩ dù là họ chưa chấp nhận cách mạng.

Một nhà văn lớn... Một nhà văn lớn không thể không chịu trách nhiệm đạo đức về hành động và tác phẩm của mình. Nếu là đảng viên thì còn chịu trách nhiệm trước Đảng, là người yêu nước thì chịu trách nhiệm trước Tổ quốc và đồng bào. Nhưng "Đảng" ở đây không thể là bí thư chi bộ cũng như "Tổ quốc" không thể là cán bộ Xô Viết khu. Mà đó là lương tâm của đảng viên và của người yêu nước. Ý muốn của Nhà nước kiểm soát và sử dụng các nhân tài không có cái gì mới. Nhưng về ý nghĩa của các tác phẩm văn học nghệ thuật lớn thì trọng tài duy nhất vẫn là thời gian. Thế còn về hành động cụ thể? Về lập trường của văn nghệ sĩ? Giữa hai cái "đối với người có tài thì đòi hỏi nhiều hơn hay tha thứ nhiều hơn"- cái nào đúng? Theo ý riêng tôi câu hỏi này không có câu trả lời phiến diện. Trong mỗi thời điểm dù có quan trọng biết bao cũng vẫn chưa thể đúc kết được cái vĩnh cửu.

Song "có tài mà cậy chi tài"... Cả một luồng những tác phẩm và những tác giả đang trên đường trở về với Tổ quốc với nhân dân Liên Xô. Bị nguyền rủa, bị khai trừ, bị bôi nhọ, bị xử bắn -nhưng không bị lãng quên.

"Thơ tôi như rượu vang quý sẽ có thời của nó" -- nữ thi sĩ lớn của chúng tôi Marina Xvêtaieva ắt không sai. Thế mà trong những năm phải sống lưu vong (trước khi trở về nước và chết bi thảm) có ai đó hỏi chị đang sáng tác thơ bằng tiếng gì? - Chị đã trả lời: "Người ta sẽ không hiểu tôi bằng tiếng gì cũng được".

Tôi không tin ở chuyện dịch thơ. Dịch ý thơ đã đành, dịch được cả hình ảnh, cả nhịp điệu. Nhưng mỗi một từ, mỗi một ý đều có vị trí nhất định của nó trong cả tổ hợp quan hệ với các từ ngữ và ý tứ của tiếng nói này, cuộc sống này truyền thống này cho nên chuyển vào tiếng khác nó cũng khác đi. (Tôi để ý chữ "bạn". "Bạn hiền", "bạn đường" - hay biết mấy. Vậy mà nghe tiếng "bạn" ở một đồng chí cấp nào tôi lại chợt thấy khô lạnh quá chừng. Đôi lúc bị gọi "bà đầm" nghe còn thân mật hơn, mới lạ!)

Nhưng đây là nói cho vui, mà thực ra chúng tôi rất mừng khi gặp trên báo chí Việt Nam những áng thơ Nga ít quen biết được dịch ra tiếng Việt. Tiện đây, xin giới thiệu thêm một số đoạn thơ như thế.

1. Grigori Ađamôvis. Thơ sáng tác khi sống lưu vong ở Pari.

"Khi nào ta trở về nước Nga, hỡi Hamlét phương Đông! Khi nào?
Băng qua đường dài đất bùn, đi trong lạnh trăm độ băng giá.
Không cần khẩu hiệu ra đón và những tiếng chào hoan hô.
Chỉ cần biết một điều: cuối cùng ta vẫn về kịp được đến nơi."

2. Bôris Pasternac. Bài thơ sáng tác vào năm 1931.

"Tại sao vào ngày của Hội đồng cao nhất
Lúc phân chia chức vụ cho những trái tim nhiệt huyết
Người ta vẫn duy trì chức vụ "Nhà thơ"?
Thật là một điều chứa đựng nguy cơ (tất nhiên nếu chỗ đó không trống)"

3. Anna Akhơnatôva.

"Anh ơi, chúng ta mãi bên nhau
Ai cũng biết, ta thân thiết biết bao,
Và những diễu cợt, chế nhạo
Không thể làm ta phật lòng.
Làm lễ kết hôn ở đâu ư? Em chẳng nhớ
Nhưng rõ ràng nhà thơ đó đã phải sáng ngời
Bằng một ánh sáng chỉ có thể chan chứa
Trên đôi cánh của vị thần do Thượng đế cử đến.
Mà quanh ta đang một thời bóng tối của một thành phố bóng tối
Thì làm sao anh xa em được, em xa anh được làm sao."

4. Vừa qua tạp chí "Octiabr" ("Tháng Mười") đã đăng 11 bài thơ của Alekxanđr Galis. Như thế anh đã trở về với văn học Liên Xô mà anh đã bị đuổi bởi chính những nhân vật các bài thơ trào phúng của anh. Cả sau năm 1971 khi bị khai trừ khỏi Hội nhà văn, anh vẫn tiếp tục sáng tác. Cả sau năm 1974 khi phải đi ra nước ngoài, anh vẫn viết: "Nước Nga mãi bên tôi, không ai cướp được của tôi nước Nga". Và cả sau khi anh chết trong tai nạn xe ở Pari, năm 1977, tiếng nói của anh vẫn vang lên trong những người yêu thơ anh:

"... Và bây giờ, khi đã đạt được những đỉnh cao
Chúng ta rất mệt với biết bao lời nói
Nhưng đằng sau những lời nói thành thạo
Sự im lặng vẫn lộ rõ bản chất:
"Hãy để người khác kêu la
Vì thất vọng, vì đau, vì đói.
Phương ngôn có câu: im lặng là vàng
Nghĩa là im lặng mới giàu thực sự!"
Thật là đơn giản để làm giàu có
Thật là đơn giản để có quyền lực
Thật là đơn giản để thành đao phủ -
Chỉ cần mỗi một cái đơn giản: im lặng".

Đã đạt đến mức chín chắn nhất định, lịch sử văn học chúng tôi không thể bỏ qua bi kịch của người Nga sống lưu vong, xa Tổ quốc. Và cả những tác phẩm hàng chục năm bị khóa chặt trong ngăn kéo. Và cả những bản thảo chưa viết nên. Mở rộng lòng, đón tất cả.

Nhà văn Nga Nabôkôv là một trong số những người đang trở về đó. Khi còn sống ông nổi tiếng ở một điều lý thú: dù ở Mỹ hay ở Pháp ông viết mỗi tác phẩm của mình ba lần - tiếng Pháp, tiếng Anh (có khi cả tiếng Đức) và tiếng Nga. Không phải là dịch mà là viết từng tác phẩm bằng các thứ tiếng. Tuy rằng khi đó hy vọng đến được với "bạn đọc Xô Viết" đối với ông quá mỏng manh.

Chúng tôi không thể không lấy làm tiếc: nhiều người trên thế giới biết tác phẩm của Pasternac và Bulgacôv, tranh của Kanđinxki và Malêvis, nhạc của Stravinxki và Sôxtacôvis như những viên ngọc nghệ thuật Nga đã lâu, thế mà công chúng rộng rãi Liên Xô vào những năm khác liên tục bị thiếu món ăn tinh thần đó... Bắt gặp trong bài hát mới về Lêningrat của Trịnh Công Sơn có câu "Anh mơ em bay trên thành phố - như tranh Sagal anh có em" - chúng tôi rất mừng: quả thật một họa sĩ trong vòng nhiều năm đã là "người Pari hơn cả những người Pari chính cống" nhưng trong tranh vẽ của mình ông vẫn mang nặng chất tâm hồn Nga.

Thực ra quá trình hiện nay không phải là "ân oán hai bên". Nhiều câu hỏi xuất hiện đối với thuyết nghiên cứu văn học Nga, Liên Xô, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhà phê bình nổi tiếng của chúng tôi Tatiana Ivanôva có nói: "Không một ngành khoa học nào có thể đúng nếu nó được xây dựng trên nền thông tin không đúng. Nếu trong hàng chục năm nền nghiên cứu văn học

Liên Xô bị tước đoạt những tác phẩm và tên tuổi vào bậc nhất thì làm sao nó nắm được thông tin đầy đủ. Bản thân nền khoa học không có tội. Nhiều năm các nhà phê bình và nghiên cứu văn học đã không thể nói được. Nhưng họ vẫn suy nghĩ được. Và bây giờ họ phải nói".

Tôi thấy ở đây rất đúng chỗ để nhắc lại câu của ông Hoài Thanh viết vào thời khác, về người khác, nhưng lại có ý nghĩa đối với chúng tôi bấy giờ: "Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt. Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai".

Thế thì ngày mai là gì? Hiện nay chúng tôi một lần nữa khẳng định sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa đã thực hiện vào tháng Mười năm 1917. Đó là sự lựa chọn của các bậc cha ông. Mà bây giờ làm thế nào truyền lại những lý tưởng đó cho con em? Có câu nửa đùa nửa thật: "Thế giới này không phải do bố mẹ tặng ta mà là do con cháu ta tạm cho mượn". Đối với thanh niên, sống trong xã hội mà đạo đức xã hội có vấn đề thì hết sức nguy hại. Đạo đức là phạm trù mất thì dễ mà thêm thì khó. Nó tựa một vốn quý như một viên ngọc: gìn giữ, bảo quản, truyền lại. Chứ từ không mà tiến đến thì khó vô cùng, có người cho rằng đạo đức thay đổi theo thời đại. Tôi không cho là như vậy. Có thay đổi chăng là thế giới quan, phong tục tập quán, tiêu chuẩn luân lý - tức là những gì thuộc hành động. Còn nội dung thì vẫn thế. Ví dụ "sống theo lương tâm", "Không có sự phản bội" - cái đó thời nào cũng là phạm trù đạo đức. Còn thế nào là "phản bội" - thì dưới những thời kỳ lịch sử và văn hóa khác nhau có thể trả lời theo kiểu khác nhau. Song vẫn có thực tế vĩnh viễn: đi lên bao giờ cũng khó hơn tụt xuống. Sống theo lương tâm thường bao giờ cũng trả giá đắt hơn là bịt chặt tiếng gọi của nó.

Hiện nay ở Liên Xô nói nhiều về vấn đề nên bãi bỏ hình thức xử tử. (Biện pháp này được "tạm" đưa vào pháp luật Liên Xô vào buổi đầu sau cách mạng). Trong cuộc bàn luận về điều này một nhà báo Liên Xô có dẫn lời của Lev Tôlxtôi rằng ông phản đối xử tử cũng là vì "khi có một người bị xử tử thì ít nhất phải có một người làm đao phủ".

Ở giới trung niên Liên Xô nhiều người đang lo lắng: làm sao đảm bảo cho cải tổ không thể đảo ngược được? Có tiếng nói là phải sửa đổi hiến pháp, thông qua những Luật gì đó mới. Nhưng có lẽ cái đảm bảo chính đó lại là từng con người và cả nhân dân. Con đường cải tổ muôn vàn khó khăn không lường trước được. Mà cũng có hai cách tiêu diệt cải tổ đang đe dọa - như nhà thơ Evtusencô nhận xét- đó là: mọi người ngụy trang mình bằng "cải tổ". Cái thứ hai là "ôm hôn nó mà ghì chặt cho đến chết".

Và một điều nữa - đó là chụp mũ "không cải tổ". Song ý này chúng tôi chưa dám phát triển thêm.

Một vấn đề phức tạp của các văn nghệ sĩ Liên Xô (rất muốn nói là trước đây nhưng có lẽ cả hiện nay)- khi sáng tác đáng lẽ họ nên cố gắng bộc lộ hết tài năng, kỹ xảo, cách nhìn nhận sâu sắc v.v… Nhưng điều đó chỉ hợp với những người mà tài năng, tầm vóc ngang với... cấp kiểm duyệt. Tất nhiên, ngày nay thì hay hơn nhiều - ở chỗ những người làm công việc chọn và xét tác phẩm được chỉ định kỹ hơn trước, hầu hết là những người trình độ rất cao. Hơn hẳn so với trước nhưng về nguyên tắc vẫn là thế.

Cho nên tình trạng vừa sáng tác vừa phải lường đến khả năng có công bố có đăng được hay không, vẫn là chuyện tự nhiên. So sánh với các vận động viên thể thao, nghĩ sao mà thèm! Đã thi nhảy cao, ném xa thì cứ trổ hết tài, nỗ hết lực mà làm... Cũng vì đó chăng mà năm này sang năm khác kỷ lục thế giới nối nhau liên tiếp đi lên. Những kỷ lục về cơ bắp và thể xác.

Có người bảo rằng, theo truyền thống nhân văn, đối với người chết không nên nói xấu. Nên tha thứ cho họ những sai lầm.

Nhưng điều đó cũng có cách đặt ngược lại: những người đã ra đi, liệu có tha thứ cho ta không? Đó là vấn đề.

Dòng chảy của thời gian không cho phép con người quay về chỗ cũ để điều chỉnh đường đi. Dù thế nào cũng phải tìm cách đi tiếp từ địa điểm và thời điểm mình đang đứng. Và một điều quan trọng là nhìn nhận những chỗ mạnh và chỗ yếu của chặng đường đã qua. Ai sẽ giúp ta trong việc đó?

Về tâm lý con người ta thường rất muốn khẳng định giai đoạn của mình, hay là trước mắt một chút, là cao điểm của mọi sự phát triển. (Tựa như truyện tiếu lâm: khởi nghĩa nô lệ ở Cổ La mã mang khẩu hiệu "chế độ phong kiến, tương lai xán lạn của loài người, vạn tuế!")

Những tấn bi kịch của quá khứ càng làm nổi bật sự can đảm của cá nhân những người lãnh đạo hiện nay. Bởi vì bất chấp đã nói về tình trạng "kinh tế tiền khủng hoảng" (lời của đồng chí M. X. Gorbasôv) nhưng cũng không đến nỗi không chịu đựng được thêm mấy đời lãnh đạo nữa. Tuy đồng chí Tổng bí thư đã nhiều lần nói rằng, tư tưởng cải tổ đã được chuẩn bị bằng hoạt động xã hội và những tác phẩm có giá trị của các nhà hoạt động văn học nghệ thuật trong nước, nhưng công lao đạo đức và lòng dũng cảm vẫn là ở chính đồng chí.

Đoạn nói trên có thể là câu trả lời đối với những bạn thính giả nào nêu ý kiến về vai trò của cá nhân trong lịch sử.

Trong một bài, tuy đã quá dài nhưng vẫn không thể nói hết được những nỗi băn khoăn và niềm hy vọng của người dân Liên Xô trên bước đường hiện nay. Thời điểm này rất quan trọng, nhưng thế nào nó cũng sẽ lùi dần vào quá khứ... Các bạn, ai từng xem phim "Sám hối" đã thấy nàng Themix, nữ thần công lý, lắm khi hành động như một con điếm. Rất mong, nàng Kliô, nữ thần lịch sử - không phải như vậy.

06.06.1988
I.Z.M
(SH34/12-88)


------------
(1) Bài viết cho tạp chí Sông Hương (bằng tiếng Việt)
(2) Thái Bá Tân dịch
(3) "Nước các bạn đã có thể sản xuất vệ tinh mà không thể sản xuất đôi giày đẹp"







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Diễn từ Nobel (22/01/2015)