Nhìn ra thế giới
Vĩnh biệt Gunter Grass!
08:10 | 19/05/2015

TRẦN PHƯƠNG LINH

Gunter Grass, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Đức, từng đoạt giải Nobel văn học năm 1999, vừa qua đời ngày 13/4/2015 tại bệnh viện ở thành phố Lubeck-Đức, hưởng thọ 87 tuổi.

Vĩnh biệt Gunter Grass!

Ngoài là tiểu thuyết gia, ông còn là nhà thơ, biên kịch, nghệ sĩ đồ họa và điêu khắc gia. Ông được xem như người phát ngôn cho thế hệ người Đức sau khi đế chế Đức quốc xã sụp đổ, phản ánh được những tác động tinh thần tồn tại sau thời kỳ này với những người cùng thế hệ.

Gunter Grass sinh năm 1927 ở Danzig-Langfuhr (Ba Lan). Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ làm nghề buôn bán nhỏ, thành phố quê hương và những ngày thơ ấu sống ở đây đã là cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông.

Trong Đệ nhị thế chiến ông đã tình nguyện đăng ký tòng quân cho quân đội Đức Quốc Xã khi 15 tuổi, sau đó bị quân đồng minh bắt tại Marienbad và đã ở trong trại giam tù binh từ 5/1945 đến 4/1946. Grass đã tự nhận với người Mỹ rằng ông là thành viên của Waffen-SS. Thế nhưng mãi đến tháng 8 năm 2006 ông mới công khai thừa nhận việc này. Trước đó, tiểu sử đã được công bố của ông chỉ là thiếu niên phụ giúp cho lực lượng phòng không trong năm 1944 và sau đó được gọi đi lính

Những năm 1947 - 1948 ông làm thợ đá ở Dusseldorf. Chính những năm tháng lao động này đã cho ông nhiều kinh nghiệm quý và ảnh hưởng đến những tác phẩm của ông sau này. Trước khi chuyển sang viết văn, ông đã học hội họa và điêu khắc ở Viện Nghệ thuật Dusseldorf (1948 - 1952) và tiếp tục học tại Đại học Mỹ thuật Berlin (1953 -1956), là học trò của nhà điêu khắc Karl Hartung.

Từ 1956 đến 1959, ông tham gia hoạt động điêu khắc, hội họa và cả viết văn ở Paris, và sau đó là ở Berlin. Trong thời gian này, những tác phẩm đầu tiên của ông đã ra đời. Thế nhưng, phải đến 1959, với cuốn tiểu thuyết đầu tiên - Cái trống thiếc (đã được dịch giả Dương Tường chuyển ngữ và xuất bản ở Việt Nam năm 2002), ông mới thực sự được văn đàn thế giới nhìn nhận. Và cũng với tác phẩm này ông đã được trao Giải Nobel Văn học năm 1999 vì tác phẩm mang tính ngụ ngôn gợi về một hình tượng lịch sử bị quên lãng. Tuy hơi muộn nhưng nó mang một ý nghĩa đặc biệt bởi nó rơi vào năm bắc cầu giữa hai thế kỷ 20 và 21. Nó đánh dấu sự trở lại của người Đức trên thảm đỏ của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Cho đến nay, cuốn tiểu thuyết này vẫn được coi như một kiệt tác hàng đầu của toàn bộ nền văn học Đức.

Năm 1960, ông tham gia vào Đảng Dân chủ Xã hội Đức và trở thành một nhân vật quan trọng của đảng này. Ông đã có nhiều bài phát biểu ủng hộ cho một nước Đức thoát khỏi sự cuồng tín, cũng như những tư tưởng chuyên chế. Từ 1983 đến 1986, ông giữ chức giám đốc Học viện Nghệ thuật Berlin.

Ngoài giải Nobel, ông đã được trao nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Georg Buchner năm 1965, Giải thưởng Fontane năm 1968, Giải thưởng Premio Internazionale Mondello năm 1977, huy chương Alexander-Majakowski ở Gdansk năm 1979, Giải thưởng Antonio Feltrinelli năm 1982, Huy chương Hermann Kesten năm 1995...

Những tác phẩm tiêu biểu của Gunter Grass là kịch Bác ơi, bác ơi (Onkel, Onkel, 1957), kịch Những đầu bếp ác tính (Die bõsen Kõche, 1957), kịch Còn mười phút nữa thì tới Buffalo (Noch zehn Minuten bis Buffalo, 1957), kịch Cưỡi ngựa phi tới, phi lui (Beritten hin und zurũck, 1958), truyện ngắn Mèo và Chuột (Katze und Mauns, 1961), tiểu thuyết Những năm của chó (Hundejahre, 1963), kịch Lụt (Hochwasser, 1963), tiểu thuyết Cá thờn bơn (Der Butt, 1977), tiểu thuyết Con chuột cái (Die Rãttin, 1986), Bãi chiến trường phía xa (Ein weites Feld, 1995)…

Gunter Grass đã bỏ ra nhiều năm để viết cuốn tiểu thuyết Cái trống thiếc. Để được xuất bản, ông phải gạch bỏ tới một phần ba cuốn tiểu thuyết. Một hôm Grass đọc lời tự thuật của nhà văn người Do Thái Josef Agnon, nhà văn cũng được giải Nobel Văn chương này viết: Tôi chỉ viết những gì Chúa khuyên. Grass thở dài và nói: - Đúng là ông ta sướng hơn tôi. Tôi phải tự mình suy nghĩ và viết.

Hầu hết các tiểu thuyết của ông đều là những câu chuyện ngụ ngôn hiện đại, nhưng cười ra nước mắt. Điều này thể hiện rõ trong tác phẩm Cái trống thiếc của ông. Tiểu thuyết này kể về cuộc phiêu lưu kỳ lạ của cậu bé Oskar Matzerath - nhân vật chính. Năm lên 3 tuổi, cậu bé này được tặng một cái trống thiếc. Từ đó, Oskar quyết định không lớn nữa, quyết dừng lại trong thân xác cậu bé 3 tuổi bởi đã quá chán ngán thế giới người lớn. Oskar quan sát thế giới xung quanh bằng bề ngoài của một đứa trẻ nhưng tâm hồn dày dặn với trí tuệ của một người lớn. Cái trống thiếc gây ám ảnh bởi đã tạo dựng nên một chuỗi biểu tượng về thời Đức quốc xã. Nhờ nó, ta hình dung rõ ràng cuộc trở về quá khứ như một nhu cầu lương tri thường trực của người Đức hiện tại. Điều quan trọng hơn là vượt qua những ghi chép thông thường về thể chế Đức quốc xã, Cái trống thiếc đi vào từng ngõ ngách tâm tưởng của con người Đức lúc bấy giờ. Cái trống đồ chơi con nít của Oskar đã làm nẩy lên một thế giới nhố nhăng, kệch cỡm và bí hiểm; một nhân loại với thân phận ê chề vùi lấp dưới những đổ nát của lịch sử. Từ điểm nhìn ở tầm cao 90cm của cậu bé Oskar, thế giới trở nên thật méo mó, xô lệch, kì dị, lố bịch, bất an…

Chối từ sự phát triển bình thường của cơ thể, chối từ cuộc sống người lớn, Oskar đại diện cho một nước Đức bị mặc cảm siết chặt. Những dồn nén ẩn ức đầy bi kịch của Oskar chỉ có thể giải thoát bằng một giải pháp duy nhất: Hét càng to càng tốt. Hét - một sự bung phá nội tâm, đã trở thành cách thế sống, ứng xử trước xã hội, khát khao chứng tỏ sự tồn tại của mình, đã là phương cách của Oskar và không chỉ riêng của Oskar.

Người Đức cho tới năm 1959 vẫn chưa hết day dứt về thảm bại của Đế chế Đức quốc xã. Lúc đó, họ tưởng chừng cả dân tộc nằm bên bờ diệt vong. Người Đức vẫn còn ở trong mông lung: không biết làm gì, không biết đi về đâu. Tiểu thuyết Cái trống thiếc xuất bản đúng lúc ấy, đã thiết lập cho người Đức cuộc đối thọai với những truyền thống hào hùng của dân tộc, nó làm bừng tỉnh trong lòng người dân tinh thần và ý chí Đức, lịch sử dân tộc Đức, nó tạo sự hồi sinh của văn chương Đức sau thế chiến thứ hai.

Tình yêu cho thành phố quê hương Danzig cũng được ông đưa vào tác phẩm của mình. Danzig - một thành phố đã mất, một thành phố bị tranh giành giữa các nước láng giềng - đã được ông miêu tả với những dòng tưởng chừng không mảy may bi lụy, nhưng vẫn thấy rõ Danzig là nỗi đau của ông. Ông đã viết hẳn một bộ truyện dài 3 tiểu thuyết về Danzig với Cái trống thiếc là phần đầu và sau đó là Mèo và Chuột (Katz und Maus - 1961) và Những Năm Chó (Hundejahre - 1963).

Gần đây nhất ông cho xuất bản Bò Ngang (Im Krebsgang - 2003, được Anh Thư chuyển ngữ và xuất bản ở Việt Nam năm 2004) cũng là một câu chuyện về quá khứ. Sau Cái trống thiếc, Bò Ngang là cuốn tiểu thuyết được xem là thành công thứ hai. Câu chuyện trong Bò Ngang kể về con tàu Wilhem Gustloff, một con tàu du lịch chuyển sang chuyên chở dân tị nạn bị tàu ngầm Liên Xô bắn chìm vào tháng 1 năm 1945. Chín nghìn người chết chìm dưới đáy biển Baltic là một thảm họa đường thủy lớn nhất trong lịch sử. Bò Ngang kể lại rất quyến rũ về tấn bi kịch trên biển, qua đó thể hiện cách nhìn hiện nay của các thế hệ người Đức về quá khứ mà không một chút sợ hãi.

Năm 1979, Cái trống thiếc được dựng thành phim cùng tên, do Volker Scholondorff làm đạo diễn, với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Đức và Pháp. Những ẩn dụ văn chương đã hiển thị một cách tài tình trong phim, với lớp hình ảnh siêu thực và khả năng tái sử dụng chủ nghĩa biểu hiện - phong cách đặc trưng của điện ảnh truyền thống Đức. Diễn xuất của diễn viên nhí David Bennent (vai Oskar) gây ngỡ ngàng vì mức độ thuần thục và thuyết phục. Cái trống thiếc đã giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes (1979) và Giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (1980).

50 năm sau khi làm náo động cả thế giới với Cái trống thiếc, tiểu thuyết gia người Đức Gunter Grass vẫn chưa hết ngỡ ngàng về thành công bất ngờ của cuốn sách. Khi trao đổi đâu là nguyên nhân khiến Cái trống thiếc trở thành một tác phẩm có sức hút trên toàn cầu, nhà văn nói ngập ngừng: “Có lẽ, nó là một cuốn sách hay”. Cuốn tiểu thuyết đỉnh cao này của Grass đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, góp phần giúp ông xác lập vị trí một trong những người khổng lồ của văn chương thế giới thế kỷ 20. Tuy vẫn ngỡ ngàng trước sức hút của Cái trống thiếc, nhưng nhà văn giải thích, cuốn sách viết về một trong những thời kỳ biến động nhất của lịch sử nước Đức nhưng vẫn chú trọng đến những chi tiết vụn vặt liên quan đến đời sống con người bình thường. Vì vậy mà độc giả tìm thấy sự gần gũi.

Trong những năm gần đây, Grass xuất bản hơn chục cuốn sách. Trong số đó có Peeling the Onion (Bóc vỏ hành) - cuốn hồi ký lần đầu tiên nhà văn thú nhận, ông từng đi lính cho Đức quốc xã. Cuốn hồi ký đã làm nảy sinh những cuộc tranh cãi nảy lửa về nhà văn từng được coi là “lương tâm của nước Đức”.

T.P.L  
(SH315/05-15)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng