Nhìn ra thế giới
Nghệ thuật kể chuyện - tấu nói Rakugo trong quá trình hiện đại hóa Nhật Bản thời Minh Trị (1868 - 1912)
16:04 | 21/07/2015

Năm 1854, Nhật Bản chính thức “mở cửa” sau khoảng 250 năm thực thi chính sách Sakoku (Tỏa quốc) dưới thời Edo (1600-1868) và không lâu sau, gấp gáp bước vào công cuộc Duy tân thời Minh Trị (1868-1912) với hàng loạt đổi thay mạnh mẽ.

Nghệ thuật kể chuyện - tấu nói Rakugo trong quá trình hiện đại hóa Nhật Bản thời Minh Trị (1868 - 1912)
Biểu diễn Rakugo tại Việt Nam [2012]

Vớikhẩu hiệu “Sonno joi” (Tôn vương nhượng di), chính quyền Minh Trị sau khi được thành lập, đã quyết tâm xây dựng nhà nước Nhật Bản hoàn toàn mới với trụ cột là các chính sách “Fukoku kyohei” (Phú quốc cường binh), “Shokusan kogyo” (Thực sản hưng nghiệp), “Bunmei kaika” (Văn minh khai hóa) và “Học tập, đuổi kịp và vượt phương Tây”. Nhờ đó, nước Nhật đã nhanh chóng phát triển thành một quốc gia hiện đại, không những thoát khỏi nguy cơ xâm lược mà còn gia nhập hàng ngũ các cường quốc.

Các nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản thời Minh Trị lâu nay thường có xu hướng tập trung vào những thành công của một số lĩnh vực trọng yếu như chính trị, kinh tế, giáo dục, ngoại giao… Điều ít được đề cập là quá trình chuyển mình của quần chúng - lực lượng đông đảo, động lực thực tế thúc đẩy tiến trình cải cách sâu rộng ở Nhật Bản thời kỳ này. Một khía cạnh khác cũng ít được chú ý là quá trình tiếp biến của các truyền thống xã hội trong xu thế ồ ạt tiếp nhận những giá trị mới từ bên ngoài được gọi là Khai hóa văn minh.

Với tinh thần đó, bài viết này xem xét quá trình biến chuyển của xã hội thị dân Edo-Tokyo, nơi diễn ra nhiều thay đổi mạnh mẽ nhất trong quá trình hiện đại hóa thời Minh Trị qua nghiên cứu trường hợp là nghệ thuật kể chuyện-tấu nói Rakugo - một loại hình nghệ thuật đại chúng truyền thống tiêu biểu của thị dân Edo-Tokyo, một không gian tinh thần gắn bó lâu đời với đời sống thị dân, là nơi quần chúng thể hiện chính kiến, thái độ một cách hồn nhiên và chân thực.
 

1. Rakugo –  một truyền thống văn hóa thị dân Edo

Từ một vùng đầm lầy hoang vắng khi chế độ Mạc Phủ Tokugawa được thiết lập năm 1600, chỉ một thời gian ngắn, Edo đã trở thành một đô thị trung tâm, tập trung đông đảo các lãnh chúa và gia nhân địa phương thực hiện chế độ luân phiên trình diện đối với Mạc Phủ và dân nhập cư, chủ yếu là thương nhân và thợ thủ công từ khắp các địa phương trên cả nước. Trong khi giới võ sĩ chiếm vị thế độc tôn về chính trị, giới thị dân nắm sức mạnh kinh tế đã sáng tạo nên những giá trị văn hóa - nghệ thuật mới đại diện cho sức mạnh của mình. Văn hóa thị dân mới mẻ và khoáng đạt của Edo nảy sinh từ nhu cầu nhanh chóng xây dựng một cộng đồng chung, kết nối những mối quan hệ xã hội phức tạp và sự hỗn loạn của các phương ngữ. Kịch Kabuki, tranh in phù thế Ukiyoe... đáp ứng những nhu cầu như vậy.

Đô thị Edo thời Edo là một xã hội phong kiến coi Nho giáo là rường cột tư tưởng. Tiếng cười - hài hước, nhu cầu tự nhiên của con người, lại bị xem là hành vi bất kính. Thị dân Edo thực chất đã phải từng bước nuôi dưỡng một năng lực sinh tồn, khôn khéo tồn tại yên ổn dưới sự quản lý ngặt nghèo của các quy phạm đạo lý Giri (nghĩa lý) và Ninjo (nhân tình) của xã hội võ sĩ đạo. Tiếng cười được sáng tạo không chỉ tinh tế, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh thị dân Edo, mà còn phát huy hiệu quả như một “chất bôi trơn” trong đời sống thị dân trước những áp lực của xã hội. Nghệ thuật kể chuyện-tấu nói độc diễn Rakugo hình thành và phát triển trong các sinh hoạt cộng đồng của tầng lớp thị dân mới và được coi là đại diện của tiếng cười và óc hài hước của thị dân Edo. Nó còn là nguyên mẫu tiêu biểu của ngôn ngữ thị dân, mà đỉnh cao là phong cách của nghệ sĩ Sanyutei Encho vào cuối thời Edo, góp phần tạo nên nền tảng của ngôn ngữ cận đại Nhật Bản.

Không gian trình diễn phổ biến của Rakugo là rạp tạp kỹ Yose. Khác với các nhà hát dành cho kịch, rạp Yose quy mô nhỏ và vừa, có ở khắp nơi trong thành phố, thậm chí có nơi mật độ dày đặc đến 2-3 rạp ở một khu phố. Yose là không gian sinh hoạt giải trí cộng đồng tiện lợi, rẻ tiền phục vụ đông đảo thị dân. Vào thời kỳ này, những nơi giải trí ở Edo thường bị cấm diễn ban đêm do đề phòng hỏa hoạn[1]. Nhưng riêng đối với Yose, việc diễn vào buổi tối dần được mặc nhiên thừa nhận do sự phát triển mạnh mẽ của hình thức nghệ thuật - giải trí này đáp ứng nhu cầu của đông đảo người bình dân.

Khi văn hóa thị dân phát triển mạnh cuối thời Edo, chính quyền Mạc Phủ đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát cứng rắn. Tiêu biểu, trong Cải cách năm Tenpo 13 (1842), chính quyền kiên quyết chỉ giữ lại 15 rạp Yose có lịch sử trên 30 năm. Nhưng rồi vài năm sau, số lượng Yose lại tăng tới khoảng 700 rạp. Các rạp hầu như không chịu tác động gì từ các chính sách của chính quyền.

Sau Minh Trị Duy tân, Edo đổi tên thành Tokyo và gánh vác sứ mệnh là thủ đô của Nhật Bản. Văn hoá Edo vốn hình thành dưới thể chế chính trị hoàn toàn khác là Mạc Phủ Tokugawa, buộc phải đột ngột biến đổi về chất. Xã hội đô thị mới hình thành với một lực lượng đông đảo những quan lại, thư sinh từ khắp nơi trên cả nước và một trào lưu văn hóa mới du nhập ồ ạt các yếu tố ngoại lai phương Tây. Với bản tính năng động, cư dân Edo tương đối dễ dàng dung nạp các yếu tố mới. Chỉ một thời gian ngắn, nền văn hóa Tokyo mới đã được tạo lập.

2. Rakugo – chỗ dựa tinh thần của thị dân Tokyo mới

Từ thập niên thứ hai thời Minh Trị, Văn minh khai hóa đã mạnh mẽ lan tỏa khắp nước Nhật. Nội hàm của Văn minh khai hóa thời này là Âu hóa, thể hiện ở trào lưu học tập ít chọn lọc tới mức tiếp thu gần như mọi hiện tượng văn hóa phương Tây. Xu hướng Âu hóa đặc biệt nổi trội ở “tam đô” – Tokyo, Osaka và Kyoto. Từ một trung tâm hành chính, văn hóa mang đặc trưng quân sự võ sĩ và truyền thống Edo, Tokyo chứng kiến quá trình Âu hóa đột biến với sự xuất hiện của hàng loạt khu phố Tây ở Ginza. Kiến trúc phương Tây dần chiếm ưu thế. Trong hai thập niên đầu, chính quyền Minh Trị đã ban hành nhiều sắc lệnh, quy định ngày càng chi tiết hơn đối với rạp Yose. Lý do chủ yếu là vì chính quyền muốn kiểm soát không gian giải trí, nơi chia sẻ thông tin đời sống, chỗ dựa tinh thần của thị dân Tokyo.

 

Tuy vậy, trong guồng quay hối hả hiện đại hóa, Tokyo vẫn mang dáng dấp của một đô thị đậm tính truyền thống. Những sự biến đầu thời đại hầu như không tác động nhiều đến nghệ thuật - giải trí đại chúng. Bước vào thời Minh Trị, số lượng Yose không hề bị hạn chế. Đến khoảng những năm Minh Trị 14-15 (1881-1882), hầu như tất cả đời sống theo lề thói cũ vẫn tồn tại. Nghệ thuật tạp kỹ Yose và kể chuyện-tấu nói Rakugo là nhân tố bảo tồn những lề thói truyền thống này.

Nhà bình luận kịch nổi tiếng Okamoto Kido (1872-1939) đã nhận định “Người Tokyo từ sau thời Edo đã coi kịch nghệ và tạp kỹ Yose là những nơi bổ dưỡng thường ngày… Yose thời kỳ này rất hưng thịnh. Nhiều thăng trầm, nhưng theo tôi biết có đến 45-56 rạp, còn nếu lớn nhỏ cộng lại cũng phải trên 100 trong thời Minh Trị… Có hai loại hình Yose: Rạp tạp kỹ gồm kể chuyện - tấu nói Rakugo, xiếc, ảo thuật, diễn trò, tấu nhạc, vẽ truyền thần. Còn một loại chỉ chuyên kể chuyện Kodan…”[2]Điều thú vị là hình thức diễn hầu như không khác nhiều so với ngày nay. Những nghệ sĩ Rakugo cùng nghệ thuật tạp kỹ đã cố gắng dung hợp những yếu tố văn hoá mới. Đến giữa thời Minh Trị, Yose là sân chơi đại chúng sống động tiếng cười thị dân và cũng là nơi giải trí - nghệ thuật không thể thiếu của giới văn nhân. Sau 10 năm Duy tân, khán giả của rạp Yose được bổ sung rất nhiều quan lại, thư sinh từ khắp các địa phương - những người đến với Rakugo không chỉ để giải trí mà chủ yếu nhằm tìm hiểu một “bách khoa toàn thư về đời sống xã hội Edo - Tokyo”[3] nhằm bồi bổ vốn tri thức văn hoá mới.

3. Rakugo trong phong trào canh tân văn nghệthời Minh Trị

Minh Trị là thời đại mà canh tân còn hàm ý du nhập ý tưởng và phương pháp phương Tây, cả trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí. Trước trào lưu đó, nghệ sĩ Rakugo cũng chia làm hai phái: một bên hào hứng đổi mới, còn bên kia lại nhấn mạnh sự thuần khiết của nghệ thuật truyền thống. Sanyutei Encho, thủ lĩnh giới Rakugo là người tâm huyết bảo lưu tính thuần phác của kể chuyện - tấu nói. Ông nỗ lực kế thừa truyền thống Rakugo cổ điển, tối giản đạo cụ và sáng tác mang đậm tư tưởng Thiền tông. Bởi vậy ông đã nâng tầm Rakugo vượt khỏi chất hài hước thuần túy để trở thành các danh tác cổ điển. Năm Minh Trị 19 (1886), Enchochấp nhận Henry Black - một người nước ngoài định cư tại Nhật, một thành viên tích cực của phong trào Tự do - dân quyền - gia nhập giới Rakugo với tư cách nghệ sĩ chuyên nghiệp. Black đã dùng Rakugo như một cách tiếp cận, cập nhật những vấn đề thời sự nóng hổi của nước Nhật. Shorin Hakuen - thủ lĩnh giới Kodan và nhiều nghệ sĩ khác cũng hào hứng với xu hướng này. Bằng những thủ pháp đó, giới nghệ sĩ đại chúng truyền thống đã thực hiện được sự đổi mới ở nghệ thuật. Từ những năm 1880, Black và Encho tiên phong tiếp nhận và chuyển hóa nhiều chất liệu phương Tây bằng hàng loạt chuyển tác các tiểu thuyết văn học Âu Mỹ (hon’an-mono). Nhiều tác phẩm mang tiêu đề phương Tây được Nhật hóa hoàn toàn và phản ánh đời sống của thủ đô Tokyo trong thời kỳ Văn minh khai hóa.Điều thú vị là, Encho diễn “Meijin kurabe” năm Minh Trị 22 (1889), chỉ 2 năm sau khi nguyên tác (“La Tosca” của Victorien Sardou) được công diễn tại Pháp và sớm hơn 10 năm so với vở Opera lừng danh cùng tên của nhà soạn nhạc Puccini. Hay “Meijin Choji” được ông tự chấp bút 8 năm trước khi nguyên tác “Un Parracide”của Guy de Maupassant lần đầu tiên được giới thiệu trong tập san “Đế quốc văn học” năm Minh Trị 33 (1901). Chỉ riêng điều này cũng đã cho thấy mức độ cập nhật nhanh chóng các trào lưu văn hóa - văn minh phương Tây vào nghệ thuật kể chuyện – tấu nói Rakugo nói riêng, và vào xã hội Nhật Bản nói chung.

Một vấn đề đặt ra với Rakugo và Kodan thời Minh Trị là yêu cầu về việc nâng cao vị thế của nền nghệ thuật. Liên tiếp từ năm 1884-1886, nghệ sĩ kể chuyện Kodan Momokawa Joen và Shorin Hakuen vinh dự được biểu diễn trước Thiên Hoàng. Năm Minh Trị 24 (1891) Sanyutei Encho đại diện cho giới Rakugo cũng có được vinh dự đó. Những động thái này cho thấy nghệ thuật đại chúng đã tiếp cận được tầng lớp thượng lưu trong xã hội và chính quyền Duy tân đã nhận ra vị thế của sân khấu đại chúng trong việc nâng cao tri thức, thẩm mỹ của đông đảo dân chúng.

Hoạt động tích cực của Hội kể chuyện - tấu nói (Hanashi no kai) đã làm tăng cường giao lưu giữa các nghệ sĩ đại chúng với những người nghiệp dư xuất thân từ chính giới và doanh gia. Mức độ hâm mộ của công chúng đã làm cho loại hình nghệ thuật đại chúng này bắt rễ sâu vào đời sống. Mối thâm tình giữa Encho, thủ lĩnh của giới Rakugo với Bộ trưởng ngoại vụ Inoue Kaoru là một bằng chứng. Năm Minh Trị 19 (1886) Encho là nghệ sĩ duy nhất tham gia chuyến thị sát Hokkaido[4] của đoàn quan chức cấp cao do Bộ trưởng dẫn đầu kéo dài hơn 40 ngày. Bộ trưởng Inoue cũng là một nhân tố tích cực hỗ trợ Encho nung nấu kế hoạch cải cách nghệ thuật.

   Khoảng một thập niên từ giữa những năm 1880, nước Nhật chứng kiến phong trào tranh biện về việc lựa chọn con đường phát triển canh tân bởi một thế hệ người Nhật mới là sản phẩm của hệ thống giáo dục hậu Duy tân. Nghệ thuật hài hước cũng trở thành một tâm điểm. Các ý kiến tập trung bàn về vị trí của hài hước hay tác động của các ý niệm phương Tây về hài hước, hài kịch và nhạc kịch đối với nền sân khấu Nhật Bản. Tuy không thuộc dòng nghệ thuật chủ lưu – đối tượng chủ yếu của cuộc tranh biện, Rakugo vẫn thu hút sự quan tâm của giới trí thức với tư cách một diễn đàn cởi mở. Tiêu biểu như tiểu thuyết gia Tsubouchi Shoyo, người tiên phong canh tân nền văn học – nghệ thuật dưới ảnh hưởng của văn nghệ phương Tây, đã quan tâm tới các sáng tác của Encho trong nỗ lực tìm kiếm hình thứcđơn giản hoá ngôn ngữ văn học hiện đại. Nhà cải cách Fukuzawa Yukichi thường xuyên dẫn học trò tới xem Rakugo, là người chú ý tới khía cạnh giáo dục của hài hước.Các nghệ sĩ Rakugo cũng tích cực tham gia vào cuộc tranh biện này bàn về bản chất của hài hước thông qua nhiều diễn đàn như Kokkei shinbun (Hài hước tân văn) hay Hyakkaen (Bách hoa viên)... Tạp chí “Nghệ thuật Bách hoa viên” ra đời năm Minh Trị 22 (1889), ngày nay được đánh giá là một nguồn tư liệu quý về nghệ thuật biểu diễn thời đó.

Đột phá cách tân đối với Kabuki lúc đó lại chính là các tác giả và nghệ sĩ kể chuyện-tấu nói Rakugo và Kodan, những loại hình sân khấu bình dân vốn không được chính quyền coi trọng. Tháng 8 năm Minh Trị 25 (1892), công chúng Tokyo đón nhận nhiệt thành những trích đoạn Kabuki do chính các nghệ sĩ tấu nói biểu diễn (được gọi là thể loại kodan shibai) tại nhà hát Haruki-za. Tham gia một vai diễn là nghệ sĩ người Anh Henry Black, người đã trực tiếp học diễn xuất của Ichikawa Danjuro. Những màn diễn mới lạ với sự tham gia của nghệ sĩ nước ngoài đã làm cho nỗ lực cách tân sân khấu Kabuki thành công, đáp ứng mối quan tâm của chính quyền đang hồ hởi với sự đổi thay mang nhãn hiệu “văn minh”. Các báo Tokyo Asahi Shinbun, Chuo Shinbun và Yomiuri Shinbun đánh giá cao diễn xuất và lời thoại đặc trưng của người nước ngoài của Black. Sự xuất hiện thành công của Black trên sân khấu đại chúng thời Minh Trị gắn liền với tâm thế của một thế hệ người Nhật trưởng thành từ chế độ giáo dục mới – thế hệ muốn xóa đi tâm lý hẹp hòi thời Edo trong suốt hơn hai thế kỷ trước đó bị kiềm tỏa bởi chính sách bài ngoại, cấm đạo vô cùng hà khắc.

Theo nhận xét của nhà bình luận sân khấu Aeba Koson (1855-1922) đương thời, “sáng tác mới các tác phẩm Kabuki phần nhiều là chuyển tác dựa trên truyện Kodan hay Ninjo-banashi (Truyện nhân tình thế thái) của Rakugo. Đây là một thời kỳ lạ lùng khi các nghệ sĩ Kodan hay Rakugo giống như các nhà buôn tác phẩm… Chỉ cần có tiêu đề là tác phẩm của Encho là đã được mang danh tiếng của ông rồi.”[5]Từ những năm Minh Trị 20, những sáng tác của Sanyutei Encho, nghệ sĩ - tác giả tiêu biểu của Rakugo, đã trở thành chất liệu quan trọng, góp phần nâng đỡ thế giới Kabuki trong thời kỳ quá độ trước khi các soạn giả thế hệ mới thực sự trưởng thành.

4. Rakugo và các phong trào tiến bộ xã hội thời Minh Trị

Nếu như trước năm Minh Trị 10 (1877)[6] nước Nhật bước vào công cuộc canh tân bằng sự dẫn dắt từ trên xuống, thì giai đoạn sau đó lại chứng kiến chiều hướng vận động rõ nét từ dưới lên, lan tỏa rộng khắp trong xã hội. Trong đó có phong trào Tự do - dân quyền do các samurai cũ đứng đầu. Trong những năm 1878-1886, những lực lượng này đã tổ chức nhiều cuộc hội họp, diễn thuyết cả trên đường phố Tokyo lẫn vùng nông thôn và thành lập nhiều tờ báo làm phương tiện chuyển tải các ý tưởng của mình. Báo chí đầu thời Minh Trị có một giai đoạn tương đối tự do, hệ quả tức thời của công cuộc Duy tân. Giới chính trị cũng coi báo chí như một phương tiện hữu hiệu nên tỏ ra khá rộng rãi cả về tài chính lẫn thể chế, tạo điều kiện thúc đẩy báo chí Nhật Bản phát triển những năm đầu thập niên 1870. Cùng với việc xây dựng hệ thống giáo dục bắt buộc năm Minh Trị 5 (1872), chính quyền khuyến khích báo giới tìm cách tiếp cận đông đảo người bình dân và đưa họ hòa mình vào tiến trình Văn minh khai hóa.

Nghệ thuật kể chuyện - tấu nói với tính linh hoạt đặc thù, rất tự nhiên trở thành công cụ hữu hiệu của phong trào Tự do - Dân quyền. Nó giúp các nghệ sĩ vượt qua sự kiểm duyệt khắt khe và thích ứng với những đòi hỏi canh tân. Số lượng lớn các rạp Yose – sân chơi và diễn đàn Rakugo đã cho phép không ít nhà diễn thuyết công cộng của phong trào Tự do - dân quyền thể hiện quan điểm của mình thông qua nghệ thuật này như trường hợp Henry Black kể trên. Đây cũng là thời kỳ tên gọi mới “Rakugo” bắt đầu được sử dụng thay thế “Otoshi-banashi”, do loại hình này bị kiểm soát chặt và thường xuyên xuất hiện trên văn bản của Ty Cảnh sát với dạng viết rút gọn đọc theo âm Hán Nhật là “Rakugo” (Chơi chữ).

Năm Minh Trị 19 (1886), nhật báo Yamato Shinbun ra đời, chủ biên là tác gia nổi tiếng Sansantei Arindo, một khán giả hâm mộ Encho. Phái sinh từ “Tokyo Nichinichi Shinbun” – nhật báo đầu tiên của nước Nhật cận đại, Yamato Shinbun chuyên về giải trí và liên tục trong 10 năm đăng thường kỳ các tác phẩm tốc ký màn diễn củaEncho với kể chuyện-tấu nói. Năm Minh Trị 19 cũng là dấu mốc ra đời nhiều tờ báo có hạng như Yomiuri Shinbun, Tokyo Eiri-shinbun, hay Kanayomi Shinbun. Đây cũnglà thời điểm đánh dấu sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật tốc ký xuất bản trên các báo và tạp chí, mà nội dung chủ yếu là tác phẩm của các nghệ sĩ Rakugo và Kodan. Sự cuốn hút và tính cập nhật của các sáng tác Rakugo một mặt được chính quyền quan tâm như một phương tiện tuyên truyền cho các chính sách mới, mặt khác, được báo giới sử dụng để tiếp cận đông đảo quần chúng trong các phong trào xã hội.

 

***

Minh Trị Duy tân 1868 và trào lưu hiện đại hóa đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội Nhật Bản, đặc biệt là diện mạo của các đô thị lớn, nhất là thủ đô Tokyo – nơi là tâm điểm của nghệ thuật kể chuyện - tấu nói Rakugo và nhiều hình thức nghệ thuật đại chúng khác. Kế thừa truyền thống ngôn ngữ và nghệ thuật thị dân Edo, sự phát triển của nghệ thuật đại chúng Yose, đặc biệt là nghệ thuật kể chuyện - tấu nói Rakugo đã “chiếm một vị trí lớn trong cuộc sống người Nhật”[7] vàđóng vai trò là nhân tố quan trọng trong quá trình chuyển mình của xã hội Nhật Bản.Đó là một kênh thông tin cập nhật và phản ánh những thay đổi quan trọng của đời sống, truyền bá văn hóa mới từ phương Tây, đồng thời là một diễn đàn xã hội - nơi tranh biện nhiều luồng tư tưởng tiến bộ vì tự do dân quyền – đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nước Nhật.Điều thú vị là, chính Rakugo bằng những thử nghiệm mới của mình lại cũng là nơi bảo lưu các đặc tính truyền thống.

Sau thời Minh Trị, nghệ thuật kể chuyện - tấu nói tuy không còn được trình diễn nhiều ở Yose, nhưng vẫn tiếp tục sống trong lòng văn hoá Tokyo, và được thưởng thức như một sự hoài niệm của người Tokyo về văn hoá Edo. Những năm gần đây, với sự xuất hiện nhiều hơn trong các giảng đường và trong các nhà văn hóa công cộng, nhằm đáp ứng nhu cầu “trở lại truyền thống” của giới trẻ Nhật Bản, Rakugo dường như đang bắt đầu một cuộc hồi sinh./.

Nguồn: Nguyễn Dương Đỗ Quyên - VHNA

Tài liệu tham khảo:                                                                    

  1. Irokawa Daikichi (1985), “The Culture of Meiji Period”, Princeton University Press, Princeton, NJ.
  2. Phillip Pons(神谷幹夫訳、1992)、「江戸から東京へ・町人文化と庶民文化」、筑摩書房
  3. 倉田喜弘編(1979)、「明治の演芸1~5、演芸資料選書・1」、国立劇場
  4. 倉田喜弘(2006)、「芝居小屋と寄席の時代・遊芸から文化へ」、岩波書店
  5. 松尾正人(2004)、「日本の時代史21『明治維新と文明開化』」、吉川弘文館
  6. 芸能史研究会編(1970)、日本の古典芸能9『寄席・話芸の集成』」、平凡社

[1]Đương thời, người Nhật thường dùng nến thắp sáng vào ban đêm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn thường xuyên ở Edo. Hỏa hoạn nhiều và lớn trong thời kỳ này tới mức được ví như “Hoa của Edo”.

[2]岡本綺堂(1965)、明治劇談、青蛙房

[3]桂米朝(1976)、落語と私、ポピュラ社、東京、tr.86.

[4]Đảo Hokkaido nằm ở phía bắc của quần đảo Nhật Bản, có vị trí phòng vệ chiến lược của Nhật Bản, nhưng cho đến trước thời Minh Trị vẫn còn là một vùng đất đai hoang sơ rộng lớn. Chính quyền Duy tân đã tập trung nhiều chính sách khai thác và phát triển vùng đất này. Chuyến thị sát dài ngày của quan chức cấp cao do Bộ trưởng ngoại vụ Inoue dẫn đầu tới Hokkaido có một ý nghĩa quan trọng về kinh tế và quốc phòng.

[5] 永井啓夫(1999),「新版 三遊亭円朝」, 青蛙房, tr.152.

[6]Thời điểm kết thúc cuộc chiến Tây Nam, cuộc nội chiến, cũng là cuộc phản loạn quy mô lớn nhất và cuối cùng của giới võ sĩ đầu thời Minh Trị.

[7]Jules Adam (Bí thư thứ nhất của Công sứ Pháp tại Nhật Bản thời Minh Trị, 1900), Japanese Story-tellers (Osman Edwards dịch từ nguyên bản tiếng Pháp năm 1899), T.Hasegawa, Tokyo.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng