Nhìn ra thế giới
Hồi ức một người bán sách
08:56 | 30/09/2015

Đoản văn này được George Orwell viết năm 1936 kể về khoảng thời gian ông làm việc như một nhân viên bán sách bán thời gian tại tiệm sách cũ Booklover’s Corner tọa lạc ngay góc phố Pond Street và South End Green, thành phố London, nước Anh. Hiện nay tiệm sách cũ Booklover’s Corner không còn nữa, thay vào đó là một nhà hàng pizza, tuy nhiên ở đó còn gắn một tấm biển ghi rằng “George Orwell, nhà văn (1903 - 1950) từng sống và làm việc trong một tiệm sách ngay vị trí này”.

Hồi ức một người bán sách
George Orwell - Ảnh: internet

GEORGE ORWELL

Khi tôi làm việc trong một tiệm sách cũ - nếu bạn chưa từng làm việc ở một nơi như vậy thì rất dễ hình dung, đó là thiên đường nơi những quý nhân lớn tuổi duyên dáng lật giở không ngừng những tập giấy bọc da dê - điều gây ấn tượng nhất với tôi là rất hiếm người thực sự ham đọc sách. Tiệm sách chúng tôi có một kho tài liệu đặc biệt thú vị, tuy nhiên tôi ngờ rằng chỉ mười phần trăm số khách hàng của chúng tôi nhận ra một cuốn sách hay từ mớ hổ lốn đó. Những kẻ săn lùng bản in đầu phổ biến hơn nhiều so với những người mê văn chương, bọn sinh viên phương Đông kì kèo mặc cả những cuốn giáo trình còn đông hơn nữa, nhưng thường xuyên nhất là mấy bà cô hời hợt đi tìm mua quà sinh nhật cho cháu mình.
 

Tiệm sách cũ Booklover’s Corner - Ảnh: internet

Thường lui tới tiệm sách chúng tôi là những loại người sẽ gây phiền toái ở bất cứ đâu nhưng lại có cơ may đặc biệt trong một tiệm sách. Chẳng hạn, bà già đáng yêu “muốn có một cuốn sách không còn tái bản” (một nhu cầu rất phổ biến, vậy đó), rồi những bà cô thân thương khác từng đọc một cuốn sách hay tận năm 1897 và hỏi liệu bạn có thể tìm cho bà ta một cuốn như vậy không. Thật không may, bà ta không nhớ tựa sách hay tác giả cũng như cuốn sách nói về điều gì, nhưng bà ta nhớ rằng nó có cái bìa màu đỏ. Tuy nhiên, ngoài những loại người trên còn hai loại người nổi tiếng luôn ám ảnh những tiệm sách cũ. Một là những người phát ra mùi bánh mốc cứ ghé tiệm mỗi ngày, đôi khi nhiều lần một ngày, và cố gạ bán cho bạn những cuốn sách chẳng có giá trị. Thứ hai là những người đặt sách với số lượng lớn mà chẳng có ý định trả tiền. Tiệm sách của chúng tôi không bán chịu, do đó chúng tôi sẽ xếp những quyển sách đó sang một bên, hoặc đặt hàng giùm nếu cần, để sau đó người ta thu xếp đến nhận chúng về. Hầu như một nửa số người đã đặt sách từ chúng tôi không bao giờ quay lại. Đó là điều làm tôi đau đầu nhất. Điều gì khiến họ làm như vậy? Họ đến và yêu cầu vài cuốn sách quý hiếm và đắt tiền, hứa hẹn với chúng tôi rằng nhất định giữ chúng lại cho họ, rồi sau đó họ biến mất không bao giờ trở lại. Rõ ràng nhiều người trong số họ bị chứng hoang tưởng. Họ thường phô trương về bản thân và kể những câu chuyện tài tình nhất để giải thích làm thế nào mà họ vô ý quên ví tiền ở nhà - trong nhiều trường hợp, tôi chắc chắn những câu chuyện đó làm người khác tin sái cổ. Trong một thành phố như London luôn có rất nhiều bệnh nhân hoang tưởng lượn lờ ngoài đường, và bọn họ thường nhắm đến những tiệm sách, bởi vì đó là một trong những nơi hiếm hoi mà bọn họ có thể ngồi lỳ hàng giờ mà không mất tiền. Rốt cuộc rồi người ta cũng sẽ nhận ra ngay những kẻ này. Những lời khoa trương của bọn họ toàn là những điều cũ mèm và bâng quơ về chính bản thân họ. Thường thì chúng tôi đối phó với loại người hoang tưởng này bằng cách đặt sang một bên những cuốn sách mà hắn ta yêu cầu rồi sau đó xếp chúng trở lại kệ ngay khi hắn quay đi. Tôi nhận thấy không ai trong bọn họ trả tiền để mang sách đi cả; chỉ đơn giản là đặt hàng - tôi cảm thấy điều đó làm cho bọn họ ảo tưởng rằng họ thật sự đã tiêu tiền.

Giống như hầu hết các tiệm sách cũ, chúng tôi cũng kinh doanh thêm nhiều mặt hàng khác nữa. Chẳng hạn máy đánh chữ cũ, tem - ý tôi là tem chết. Những nhà sưu tập tem là những người kỳ quặc, ít nói, đủ thành phần, mọi lứa tuổi, nhưng chỉ toàn là nam giới; rõ ràng phụ nữ không mấy đặc biệt hứng thú với việc lấp đầy các cuốn album bằng những mẩu giấy nhiều màu nhỏ xíu. Chúng tôi cũng bán lá số tử vi với giá sáu xu được viết ra bởi những người cho rằng họ đã dự báo đúng trận động đất ở Nhật Bản. Chúng được bỏ trong phong bì dán kín và tôi chưa bao giờ thử mở ra xem, nhưng những người mua chúng thường trở lại và kể với chúng tôi rằng lá số tử vi của họ rất “đúng”. (Chắc chắn rằng bất kỳ lá số tử vi nào cũng có vẻ “đúng” nếu nó phán rằng bạn rất hấp dẫn đối với người khác giới và sai lầm tồi tệ nhất của bạn là sự rộng lượng.) Chúng tôi bán chạy nhất là sách cho trẻ con, nhất là “sách giảm giá”. Sách mới cho trẻ con toàn viết những điều khủng khiếp, đặc biệt là khi bạn thấy chúng hàng đống trong tiệm. Riêng tôi thường giới thiệu cho bọn trẻ đọc sách của Petronius Arbiter1 thay vì Peter Pan, nhưng ngay cả Barrie2 cũng còn mạnh mẽ và bổ ích hơn so với một số người bắt chước ông sau này. Vào dịp Giáng sinh, chúng tôi thường dành mười ngày đánh vật với thiệp và lịch Giáng sinh, khoảng thời gian này tuy vất vả nhưng rất có lãi khi mùa lễ kéo dài. Điều này tạo cơ hội cho tôi biết được những trò giễu cợt thô thiển khai thác trên tình cảm Thiên Chúa giáo. Những nhân viên chào hàng đến từ các hãng thiệp Giáng sinh thường gửi cho chúng tôi danh mục sản phẩm vào đầu tháng Sáu. Tôi nhớ mãi một cụm từ ghi trong hóa đơn của bọn họ. Đó là: “2 tá. Chúa hài đồng với lũ thỏ”.

Nhưng nghề làm thêm chính của chúng tôi là cho thuê sách - thường với giá “hai xu không cần đặt cọc” cho một cuốn sách năm hay sáu trăm trang, sách gì cũng được. Bọn trộm sách phải yêu quý những tiệm sách lắm! Bởi đây là cách kiếm tiền dễ nhất trên đời khi thuê một cuốn sách ở tiệm này với giá hai xu, sau đó gỡ nhãn và bán nó cho một tiệm khác để lấy một shilling. Dù vậy các tiệm sách thường nhận thấy rằng thà chấp nhận mất một số sách nhất định (mỗi tháng tiệm chúng tôi thường bị mất khoảng hơn chục cuốn) còn hơn là bắt khách phải đóng tiền cọc.

Nhà hàng pizza tại góc phố Pond Street và South End Green còn gắn tấm biển đề: “George Orwell, nhà văn (1903 - 1950) từng sống và làm việc trong một tiệm sách ngay vị trí này” - Ảnh: wiki


Tiệm chúng tôi nằm ngay vùng giáp ranh giữa 2 quận Hampstead và Camden Town, và là nơi lui tới thường xuyên của mọi loại người từ những nhà quý tộc cho đến người soát vé xe buýt. Có lẽ khách hàng thường xuyên của chúng tôi là những đại diện tiêu biểu của giới đọc sách thành London. Vì vậy, điều đáng lưu tâm là tác giả nào được ưa chuộng nhất trong trong tiệm sách của chúng tôi - phải chăng là Priestley3? Hemingway? Walpole4? hay Wodehouse5? Không, đó là Ethel M. Dell6, tiếp theo là Warwick Deeping7 và thứ ba là Jeffrey Farnol8. Tất nhiên các tiểu thuyết của Dell chỉ có phụ nữ đọc, các bà các cô mọi thành phần và đủ lứa tuổi, chứ không chỉ là các bà cô không chồng đang khao khát và mấy bà vợ béo ú trông cửa hàng thuốc lá như người ta thường nghĩ. Điều đó không có nghĩa đàn ông không đọc tiểu thuyết, nhưng sự thật là họ tránh xa những dòng sách đó. Nói nôm na, những gì người ta có thể gọi là tiểu thuyết hạng xoàng - tầm thường, ba xu, Galsworthy9 - pha loãng là tiêu chuẩn của tiểu thuyết Anh - dường như chỉ tồn tại dành cho phụ nữ. Đàn ông đọc một trong hai loại là đứng đắn hoặc trinh thám. Nhưng khả năng ngốn truyện trinh thám của họ thật đáng nể. Tôi biết một trong những vị khách quen của chúng tôi mỗi tuần đọc bốn hoặc năm cuốn trinh thám trong hơn một năm, chưa tính những cuốn mà ông mượn từ những nơi khác. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ông ta không bao giờ đọc một cuốn nào đó hai lần. Rõ ràng ông ta có một sức chứa phi thường (tôi nhẩm tính những trang sách mà ông đã đọc hàng năm có thể phủ lên một bề mặt gần ba phần tư mẫu Anh) những điều đã đọc và ghi nhớ chúng. Ông ta chả thèm quan tâm tựa sách hoặc tên tác giả, nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua cuốn sách thì ông có thể xác định rằng nó “đã được đọc rồi”.

Trong một tiệm cho thuê sách bạn biết được thị hiếu thực sự chứ không phải là sự giả bộ của mọi người, và một điều bạn sẽ ngạc nhiên rằng những tiểu thuyết gia cổ điển Anh không hề được ưa chuộng. Thật là vô ích khi cố đưa Dickens, Thackeray, Jane Austen, Trollope10, v.v vào các tiệm cho thuê sách bình dân; chẳng ai rớ tay đến những cuốn sách của họ. Mỗi khi thấy một cuốn tiểu thuyết từ thế kỷ 19 người ta liền nói, “Ồ, nhưng nó lạc hậu rồi!” Rồi lảng đi ngay lập tức. Tuy nhiên, sách của Dickens luôn dễ bán, Shakespeare cũng vậy. Dickens là một trong những tác giả mà mọi người luôn “phải đọc”, và giống như Kinh Thánh, ông được biết đến rộng rãi một cách gián tiếp. Người ta biết đến ông bởi nghe kể về tên đầu trộm đuôi cướp Bill Sikes11 hay là cái đầu hói của ông Micawber12, cũng như người ta biết Kinh Thánh bởi được kể rằng ông Moses được tìm thấy trong một cái thúng giữa đám lau sậy và được Thiên Chúa cho xem lưng. Một điểm đáng chú ý là ngày càng nhiều sách từ Hoa Kỳ được phổ biến rộng rãi. Điều nữa - làm cho các nhà xuất bản rơi vào khủng hoảng hai hoặc ba năm một lần - là truyện ngắn không được ưa chuộng. Có những người khi thuê sách lúc nào cũng “Tôi không cần truyện ngắn”, hay “Tôi không mê những mẩu chuyện cụt lủn”, một vị khách người Đức hay ghé tiệm chúng tôi thường nói như thế. Nếu bạn hỏi họ lý do tại sao, đôi khi họ giải thích rằng mỗi lần đọc một truyện ngắn thì phải mất công làm quen với một đám nhân vật mới; họ thích “nhâm nhi” một cuốn tiểu thuyết mà chẳng cần bận tâm thêm nữa sau chương đầu. Mặc dù vậy tôi tin rằng lỗi ở đây thuộc về tác giả chứ không phải là độc giả. Hầu hết các truyện ngắn Anh - Mỹ hiện đại hoàn toàn vô hồn và vô giá trị so với tiểu thuyết. Truyện ngắn là những câu chuyện khá phổ biến, truyện ngắn và tiểu thuyết của D.H. Lawrence đều phổ biến như nhau.

Tôi có muốn trở thành một người bán sách chuyên nghiệp không? Câu trả lời là không - mặc dầu ông chủ đối xử tử tế với tôi và tôi đã có những tháng ngày thật hạnh phúc nơi tiệm sách.

Với một vị trí tốt và số vốn vừa đủ, bất kỳ người có học nào cũng có thể sống an nhàn bằng cách mở một tiệm sách. Trừ khi dấn thân vào con đường buôn bán sách “quý hiếm” thì đây không phải là một nghề khó làm, và bạn khởi nghiệp với một lợi thế tuyệt vời nếu bạn biết bất cứ điều gì bên trong cuốn sách. (Hầu hết những người bán sách đều không biết. Bạn có thể kiểm chứng bằng cách lướt qua những tờ báo thương mại nơi quảng cáo đủ mọi nhu cầu của họ. Nếu bạn không đọc được mẩu quảng cáo cuốn “Decline and Fall” của Boswell thì chắc chắn bạn sẽ tìm thấy bài đăng về cuốn “The Mill on Floss” của T.S. Eliot).13 Ngoài ra, đó là một nghề kinh doanh đầy tính nhân văn mà không thể bị tầm thường hóa đến một mức độ nhất định. Các hiệp hội không bao giờ có thể ép một tiệm sách nhỏ lẻ loi phải đóng cửa như họ đã ép những tiệm tạp hóa và cửa hàng sữa. Nhưng làm ở tiệm sách rất tốn thời gian - Tôi chỉ là một nhân viên bán thời gian, nhưng ông chủ yêu cầu tôi phải làm bảy mươi giờ một tuần, đó là chưa tính thời gian làm thêm trong những chuyến gom sách bên ngoài - và đó là một nghề có hại cho sức khỏe. Một quy luật trong tiệm sách là vào mùa đông thì lạnh khủng khiếp, vì nếu nó quá ấm thì các cửa sổ sẽ bị mờ đi, mà những người bán sách cũ thì sống nhờ vào những ô cửa sổ. Những cuốn sách cho ra nhiều bụi hơn và bẩn hơn bất kỳ thứ nào khác được con người phát minh ra, và mép trên cùng của một cuốn sách là nơi lý tưởng chứa xác của lũ ruồi nhặng bị chết.

Nhưng lý do thực sự tôi không thích theo đuổi nghề bán sách là vì khi tôi làm nghề đó tôi đánh mất đi tình yêu đối với sách. Một người bán sách thì thường hay nói dối về những cuốn sách và điều đó tạo cho anh ta sự chán ghét đối với chúng; điều tồi tệ đó cứ bám riết lấy anh ta khi mà ngày nào anh ta cũng cứ lặp đi lặp lại việc lau bụi và sắp xếp chúng. Có một thời tôi thực sự say mê những cuốn sách - ngắm nhìn, ngửi và cảm nhận chúng, nhất là đối với những cuốn tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Không gì làm tôi hài lòng nhiều như thắng một cuộc đấu giá với thật nhiều sách mà chỉ tốn có một shilling. Một niềm phấn khích đặc biệt với những cuốn sách cũ kỹ mà bạn bất ngờ vớ được trong bộ sưu tập: những tập thơ nhỏ nhắn từ thế kỷ 18, những cuốn từ điển lỗi thời, những tập tiểu thuyết lẻ bộ bị lãng quên, những bộ tạp chí phụ nữ của những năm sáu mươi. Những lúc đọc bất chợt - chẳng hạn trong bồn tắm, vào đêm khuya khi bạn quá mệt mỏi không thể chợp mắt, hoặc mười lăm phút rảnh rỗi trước giờ ăn trưa - thì không gì bằng một số tạp chí Girl’s Own Paper14. Nhưng ngay khi tôi đến làm việc tại tiệm sách tôi ngừng mua sách. Nhìn khối sách khổng lồ, năm hay mười ngàn cuốn một lúc, nó làm tôi chán ngấy và thậm chí muốn phát bệnh. Giờ đây thi thoảng tôi có mua sách, nhưng chỉ khi đó là cuốn sách mà tôi thực sự muốn đọc mà không thể mượn được, và tôi không bao giờ mua sách đồng nát. Mùi vị ngọt ngào của những trang giấy cũ nát không còn quyến rũ tôi nữa. Trong tâm trí tôi lúc nào cũng in đậm hình ảnh những vị khách hoang tưởng và xác chết của lũ ruồi nhặng.

Ngô Thanh Tuấn dịch từ bản tiếng Anh “Bookshop Memories”, George Orwell, 1936.  
(SH319/09-15)


---------------
1. Petronius Arbiter (?-66): là một cận thần La Mã dưới triều đại hoàng đế Nero. Ông là tác giả của tiểu thuyết phiêu lưu trào phúng Satyricon mô tả bức tranh toàn cảnh xã hội La Mã vào thế kỷ 1.
2. James Matthew Barrie (1860 - 1937): nhà văn, nhà viết kịch người Scotland, ông là cha đẻ của nhân vật nổi tiếng Peter Pan.
3. Joseph Priestley (1733 - 1804): một nhà thần học người Anh. Ông cũng là nhà triết học tự nhiên, nhà giáo dục, và nhà lý thuyết chính trị với hơn 150 công trình được xuất bản.
4. Hugh Walpole (1884 - 1941): nhà văn Anh sinh ra ở New Zealand. Ông nổi tiếng với tác phẩm Mr. Perrin and Mr. Traill, một câu chuyện bi hài về một cuộc đụng độ chết người giữa hai thầy giáo
5. Pelham Grenville Wodehouse (1881- 1975): tiểu thuyết gia trào phúng, nhà viết truyện ngắn, nhà thơ trữ tình, nhà viết kịch nổi tiếng người Anh. Ông đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm Psmith, Journalist Leave It to Psmith.
6. Ethel M. Dell (1881 - 1939): tiểu thuyết gia người Anh, tác giả của hơn 30 cuốn tiểu thuyết lãng mạn và nhiều truyện ngắn được sáng tác trong giai đoạn từ 1911 - 1939.
7. Warwick Deeping (1877 - 1950): nhà văn người Anh, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Sorrell and Son (1925).
8. Jeffrey Farnol (1878 - 1952): tác giả người Anh, từ năm 1907 cho đến khi qua đời ông sáng tác hơn 40 tiểu thuyết lãng mạn.
9. John Galsworthy (1867 - 1933): là một nhà văn và nhà viết kịch người Anh. Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1932 nhờ bộ sử thi đồ sộ The Forsyte Saga (1906 - 1921).
10. Anthony Trollope (1815 - 1882): là một trong những tiểu thuyết gia người Anh thành công, sung mãn và được tôn trọng nhất trong thời đại Victoria.
11. Bill Sikes: nhân vật trong tiểu thuyết Oliver Twist của Charles Dicken.
12. Micawber: nhân vật trong tiểu thuyết David Copperfield của Charles Dicken.
13. Ở đây tác giả muốn chế nhạo những người bán sách thiếu hiểu biết khi nhầm lẫn tác phẩm Decline And Fall Of The Roman Empire của sử gia Edward Gibbon, tương tự The Mill on the Floss được viết bởi nhà văn George Eliot.
14. Girl’s Own Paper: là một tạp chí hàng tuần tại Anh quốc dành cho nữ giới, tồn tại từ năm 1880 đến năm 1956.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tòa án (06/08/2015)