Nhìn ra thế giới
Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn
16:27 | 08/10/2015

LTS: Cách đây chưa lâu, báo Bulledingue (BD) của phong trào sinh viên trong tổ chức Hội Người Việt Nam tại Pháp, có tổ chức phỏng vấn giáo sư Hoàng Xuân Hãn trên hàng loạt vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nội dung trả lời của giáo sư có thể giúp độc giả Sông Hương một số dẫn liệu mới hoặc gợi mở những cuộc trao đổi tranh luận bổ ích. Vì vậy, với sự đồng ý của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Sông Hương xin trích giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn này với độc giả.

Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn

THI CA

BD: Văn học cổ Việt Nam còn để lại những gì?

HXH: Cái còn lại chủ yếu là những bài thơ, phần nhiều là những bài thơ ngắn. Văn xuôi hầu như không còn lại gì của thời cổ. Bởi lẽ thuở ấy không có ngành in ấn, người ta phải chép tay. Chính vì vậy chỉ có những nhân vật lớn mới có thể cho khắc bản tác phẩm của họ. Mặt khác, khi mà tác phẩm đồ sộ, thì ít người chép nổi, trong lúc các bài thơ bát cú thì có nhiều may mắn lưu lại hơn bởi vì có nhiều người chép lại được. Vậy nên, khi tôi nói về những cái tồn tại, thì điều ấy không phải muốn nói rằng chúng đại biểu cho một thời đại; đấy chỉ là những gì người ta biết được về thời đại ấy mà thôi. Và, nếu văn chương đã gây một số ảnh hưởng đối với giới học thức thì tôi không nghĩ rằng nó lại gây được một ảnh hưởng sâu xa trên chính quần chúng. Ít tác phẩm bằng văn viết mà còn tồn tại đầy đủ, với sự ẩm thấp với những nạn lụt với sự thiếu thốn kỹ thuật bảo quản và nhất là chiến tranh và hỏa hoạn. Những tác phẩm còn tồn tại thường được viết bằng chữ Trung Quốc.

BD: Xin Giáo sư trưng dẫn ngắn gọn một số tác phẩm văn học Việt Nam lớn nhất mà còn tồn tại.

HXH: Thời nhà Lý (thế kỷ 12) ngoại trừ 8 văn bản quan trọng viết bằng văn xuôi được khắc trên đá và một số chiếu biểu hãy còn lại trong các biên niên, chỉ còn những bài thơ (kệ) của các tăng lữ Phật giáo. Đó là những tư tưởng ngắn gọn, sâu xa và đẹp đẽ. Chúng vẫn còn tồn tại nhờ được bảo tồn trong những ngôi chùa vùng núi Hải Dương. Những bài thơ (kệ) ấy được viết bằng chữ Trung Quốc.

Thời nhà Trần, ít ra có 9 tác phẩm trọn vẹn viết bằng chữ Trung Quốc được thu tập lại: 2 cuốn biên niên, 2 ký sự, hai tác phẩm Phật giáo, (Cao Tăng Truyện), 1 cuốn lịch sử các vị cao tăng Phật giáo, một cuốn Truyền Kỳ mạn lục và 1 cuốn Việt Điện U linh.

Ngoài những tác phẩm ấy, người ta còn tìm thấy chừng 400 bài hoặc thơ hoặc văn xuôi với những cảm hứng khác nhau.

Tiếp đến thời kỳ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, nổi bật những nhân vật lớn như sau: Nguyễn Trãi, mất năm 1442; vua Lê Thánh Tông, mất năm 1497; Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 1585, Nguyễn Dữ mất vào cuối thế kỷ 16, Lê Quý Đôn mất năm 1784.

- Những tác phẩm của Nguyễn Trãi may mắn vẫn còn tồn tại phần lớn, gồm có một cuốn Địa Dư chí, thơ ca và nhất là thư từ gởi cho các tướng lĩnh Trung Quốc. Những bài thơ quốc âm của ông có khuynh hướng diễn tả cách sống và suy nghĩ của ông; đấy là tư tưởng Khổng giáo và Đạo giáo nói chung, nghĩa là sự giản dị, yêu thiên nhiên và lánh xa ý thích quyền lực.

Thời đại Lê Thánh Tông (thế kỷ 15); nhà vua thứ 4 của Triều Lê, chủ tịch một hội Tao-Đàn. Giai đoạn này, đứng về mặt ngôn ngữ thì có điểm đáng lưu ý, nhưng đứng về mặt tư tưởng, có thể nói là tầm thường và hơi đồng phục đơn điệu.

- Thời nhà Mạc (vào thế kỷ 16) Nguyễn Bỉnh Khiêm, gọi là Trạng Trình, đã có một ảnh hưởng quan trọng bởi vì người ta nghĩ rằng ông sở đắc được những tri thức triết học thuộc nhiều xu hướng, rằng ông có thể đoán trước được tương lai bằng một lối tiên tri nào đó, nhưng theo tôi nghĩ thực ra nhờ ở chỗ ông biết tường tận hơn kẻ khác, những sự kiện mà ông có thể rút ra rằng một số trong những sự kiện ấy có thể hướng tới một chiều nào đấy. Thơ của ông hoặc bằng tiếng Trung Quốc hoặc bằng tiếng Quốc Âm cũng thấm nhuần hoặc một tư tưởng cao thâm có chất triết học hoặc một sự giản dị đầy chất người và cảnh sắc thiên nhiên.

Học trò của ông là Nguyễn Dữ, để lại cho chúng ta một tập truyện ngắn, kể những sự tích quái dị duy nhất trong nền văn học nước nhà.

Còn lại không ít những bài thơ của thế kỷ 17 và 18, giai đoạn người ta bắt chước Trung Quốc rất nhiều. Thường đấy là những bài thơ mang hình thức bút pháp cứng nhắc hơn là những tác phẩm mang cảm xúc cá nhân cho ta có thể tìm thấy những tình cảm thiết thân xúc động. Đúng ra đấy là những bài diễn giải về con người và sự vật.

Trong số những tác phẩm ấy, phải đề ra một bên các tuyển tập những bài thơ do các sứ giả Việt Nam đi sứ sang Trung Quốc làm ra, mà tiêu chuẩn để chọn lựa chúng là tính chất trí tuệ uyên bác và văn chương. Lê Quý Đôn là một trong những sứ giả ấy, nhưng ông ta trước hết là một người uyên bác. Ông để lại cho chúng ta một tác phẩm đồ sộ, chứng tích của tư chất có tính hiếu tri cao của ông và sự chính xác nghiêm túc trong nhận định của ông.

BD: Chữ viết Việt Nam ra đời như thế nào và khi nào?

HXH: Không có bằng cớ nào rõ rệt. Tôi cho rằng chữ viết Việt Nam tất nhiên phải đã ra đời vào thời kỳ lệ thuộc Trung Quốc, vào đời nhà Đường (thế kỷ 8 - thế kỷ 9) nếu không muốn nói là sớm. Quả vậy, lúc người Trung Quốc, vì lý do cai trị, đã buộc lòng phải ghi lại những nhân danh và địa danh thuần túy Việt Nam họ đã phải dùng chữ viết Trung Quốc để diễn dịch những âm Việt Nam. Từ đó, ý tưởng về một chữ viết khác với Trung Quốc nhưng vẫn bằng lối chữ Tàu nẩy sinh ra... Điều này không chỉ giới hạn riêng ở Việt Nam. Những từ đều đồng âm nhưng dị nghĩa. Nhưng có nhiều âm không thể phiên bằng chữ Trung Quốc được vì âm Trung Quốc thiếu rất nhiều về những phụ âm đầu và cuối. Ngôn ngữ Việt Nam phong phú hơn ngôn ngữ Trung Quốc đứng về mặt âm thanh: Nó gồm có nhiều âm tố hơn, đồng thời nó cũng phong phú hơn đứng về mặt âm sắc: ngôn ngữ Việt Nam có sáu âm sắc trong lúc tiếng Trung Quốc hiện thời chỉ có 4. Thuở xưa, ngôn ngữ Việt Nam lại có những âm-tê-kép đầu như: SL, KI, TL, ML, LD. Nên cần phải kết hợp 2 chữ Trung Quốc, hoặc thêm vào chữ Trung Quốc vài chi tiết để có thể phiên dịch tất cả mọi âm và để mọi người nhìn nhận được rằng đấy là âm tương đương gần gũi với ngôn ngữ Việt Nam. Chính vì thế mà những chi tiết đứng bên cạnh hay bên dưới chữ Trung Quốc đã ra đời để dễ phân biệt.

BD: Lối chữ viết ấy đã chuyển biến như thế nào? Đặc điểm của chữ Nôm ra sao?

HXH: Chính thức mà nói, phải đến thế kỷ 13 (đời Trần) mới có những văn bản tiếng Việt thực sự, đấy là những văn bản dài bằng chữ nôm, nghĩa là được viết bằng tiếng Việt và trong đó những chữ viết không hoàn toàn là chữ Trung Quốc, những văn bản ấy chẳng phải gồm những chữ Trung Quốc nữa bởi vì chữ Việt phát xuất từ chữ Trung Quốc, nhưng lại có rất nhiều chữ Trung Quốc đã mất đi nghĩa Trung Quốc mà mang một nội dung chủ nghĩa Việt Nam. Người ta gọi lối chữ viết ấy là chữ Nôm. Thêm vào đó, trong những văn bản ấy lại có những chữ không phải là chữ Trung Quốc và mang một nghĩa hoàn toàn Việt Nam, ít ra trong cách giải thích về việc kết hợp âm và ý (hài thanh và hội ý). Ta cũng có thể nói rằng trong những bản văn ấy, chữ viết Việt Nam là chính thức. Phải nói rằng thoạt tiên người ta chỉ dùng chữ tạo âm chứ không có chữ tạo ý.

- Lối chữ viết này được tầng lớp không phải là trí thức dùng, nhiều hơn là tầng lớp trí thức, bởi lẽ giới trí thức có thể dùng chữ Trung Quốc vốn rất khá. Chữ Nôm đã được dùng cho đến khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam và ngay cả về sau nữa.

- Nhờ sự kiện lối chữ này xuất hiện càng tiến về thế kỷ 14 và 15, lại càng có nhiều tác phẩm còn tồn tại được viết bằng chữ Nôm. Khởi thủy, những văn bản đó đều là những bài thơ cổ điển chưa có tiểu thuyết.


TIỂU THUYẾT

BD: Vấn đề tiểu thuyết Việt Nam như thế nào?

HXH: Ý niệm về tiểu thuyết chỉ bắt đầu vào cuối thế kỷ 14, thời Trần, với những chuyện dân gian, người ta viết ra hoặc những chuyện trào phúng hoặc những bài để giáo dục. Truyện mà người ta gọi tên là "Trinh Thử" bằng thể thơ 6-8 là 1 trong những tác phẩm mà người ta cho là thuộc vào thời đại ấy, từ đời Trần đến đầu đời Lê (đầu thế kỷ 15).

- Đồng thời cũng có một dạng tiểu thuyết khác, được viết có kèm theo những bài thơ đường luật.

- Thế kỷ 17 và 18, không thấy có những tiểu thuyết thực sự chính thức mà chỉ là những tiểu thuyết Trung Quốc được viết lại và đặt thành thơ bằng tiếng Việt, ngoại trừ có lẽ chỉ có một trường ca kể về lịch sử nước nhà được viết thành dạng thơ. Nhưng tôi thiết nghĩ rằng vào thế kỷ 17 đã cung cấp nhiều hơn cả những tiểu thuyết dân gian ít nhiều có tính cách trào phúng hoặc thuật sự vụn vặt mà về sau người ta không ưa chuộng nữa bởi lẽ nó ít tính văn học. Các chúa Trịnh thậm chí cấm các loại truyện ấy bởi vì những tác phẩm ấy có tính trào phúng chống lại người giàu và kẻ có thế lực; đấy là một trong những lý do loại hình văn học nầy đã không phát triển. Người ta đã tìm ra được chừng mười cuốn thuộc loại truyện ấy, ít quan trọng hơn nghĩa là có hơn 1.000 câu thơ.

BD: Các tiểu thuyết ấy đã được in ấn và phân phối như thế nào?

HXH: Phải đưa các văn bản ấy cho các thợ khắc chữ. Có những thợ khắc lành nghề trong 2 hoặc 3 làng ở vùng Hải Dương, nhiều gia đình của phường nổi tiếng trong các làng ấy, là LIỄU TRANG, đã khắc bản văn và in chúng trên loại giấy rất xấu để bán với giá rẻ, trong các phố phường ở Hà Nội. Lại có người mang loại truyện ấy đem về bán ở thôn quê, lẫn với các tác phẩm cổ điển, các cương mục v.v...

BD: Tại sao các "tiểu thuyết" mà giáo sư vừa nhắc đến, không được xem như là thơ mặc dù nó được viết bằng văn vần?

HXH: Bởi lẽ các truyện ấy đều là những truyện kể. Mặt khác, trong văn học nước nhà, có 2 loại khá riêng biệt: loại các truyện kể và loại thi ca thuần túy. "Thơ" có nghĩa là: "chứa đựng những tứ thơ" trong lúc các truyện kể thì lại thuật sự. Nhân dân rất thích truyện kể. Còn những nhà thơ thì rất chú ý chất thơ.


KIM VÂN KIỀU

BD: Kim Vân Kiều thuộc vào loại hình văn học nào? Cái gì làm nên sự lớn lao của tác phẩm ấy?

HXH: Điều đặc biệt ở Kim Vân Kiều chính là ở một phần nhờ sự kiện nó đã kết hợp được hai tính chất: chuyện kể và thi ca; nó cũng đáp ứng được những yêu cầu đại chúng cũng như làm thỏa mãn những thi nhân và trí thức. Mặt khác, nó được viết bằng một cảm xúc phi thường, cảm xúc của một tác giả đớn đau vì những sự kiện lịch sử. Vì lẽ ấy mà tác phẩm Kim Vân Kiều đã có một thành tựu trước chưa từng có.

BD: Phải chăng đấy là tác phẩm duy nhất thuộc về thể loại ấy?

HXH: Vâng đúng, nếu nói về loại tác phẩm liên kết được hai tính chất: Truyện kể và thi ca. Trong các tác phẩm khác, thường không có sự trộn lẫn như vậy. Cũng có một số tác giả khác đã có thể làm như vậy nhưng đấy chỉ có tính cách nhất thời và người ta cảm thấy là gượng gạo trong lúc ở Kim Vân Kiều thì rất tự nhiên từ đầu đến cuối. Nhất là về mặt ngôn ngữ, không thể có tác phẩm nào tương tự, cả trong tiếng Việt và tiếng nước ngoài.


TRÀO PHÚNG.

BD: Giáo sư trình bày về loại truyện trào phúng Việt Nam, đặc biệt là con người nổi tiếng là ông Trạng Quỳnh.

HXH: Đứng về mặt trào phúng, người ta đã sáng tạo nên một nhân vật đặt tên là Trạng Quỳnh và nhân vật đó thật sự đã hiện hữu vào giữa thế kỷ 18 vào đời Lê. Một số công trình nghiên cứu cũng đã cho phép tìm lại được lịch sử của gia đình ông ta. Trạng Quỳnh là một trong những trí thức tự cho mình được quyền phê phán nhiều kẻ khác. Vào thời trước, vấn đề ấy cũng khá tự do. Người ta dè chừng các nhân vật trí thức hay châm biếm và ma mãnh nhưng chính quyền lại nể nang họ ít nhiều và không dám tấn công họ lắm, hoặc hạ ngục họ bởi vì điều ấy thường tạo nên sự phản kháng trong dư luận quần chúng. Trạng Quỳnh kể những chuyện châm biếm và bỡn cợt chơi khăm đến cả những nhân vật có thế lực nữa. Dầu không có chứng cớ, điều ấy là thực sự có. Nhưng chung quanh nhân vật Trạng Quỳnh người ta đã tạo nên một nhân vật mà người ta đã gán ghép cho rất nhiều điều và cũng có một số điều là hoàn toàn bịa đặt.

Tất cả những điều ấy nói lên rằng tinh thần của quần chúng Việt Nam là một tinh thần phản kháng và phê phán, và như hiện nay cũng thế, đối với chính quyền vậy. Và cuối cùng mọi người đều đi đến chỗ tin thật điều mà người ta nói về các nhà lãnh đạo mà từ đó về phía họ, phải tự phê bình và sửa chữa sai lầm.

BD: Hiện nay còn lại những dấu vết gì về loại chuyện trào phúng đó không?

HXH: Tôi nghĩ rằng phải đến tận giai đoạn cận đại (khoảng 1920) mới có người kể lại chuyện Trạng Quỳnh trong một cuốn sách được in ấn đàng hoàng. Tác phẩm ấy bán rất chạy bởi vì mọi người đều khoái cái chuyện ấy và người ta thường ít nhiều tìm thấy mình trong ấy. Tùy theo từng nơi, người ta còn thêm thắt vào trong tác phẩm ấy nữa.


CÔNG GIÁO

BD: Chữ viết theo mẫu tự la tinh đã được đưa vào Việt Nam lúc nào và như thế nào?

HXH: Lối chữ theo mẫu tự la tinh đã được đưa vào Việt Nam vào thế kỷ 17 bởi những tu sĩ dòng Giêduýt Bồ Đào Nha, rồi chính AlexăngđơRôđơ đã có công in cuốn tự điển đầu tiên vào năm 1651 ở Thánh bộ Đức Tin ở La Mã. Ông đã giới thiệu sự kiện ấy trong bài Tựa. Các giáo sĩ Giêduýt Bồ Đào Nha đã áp dụng lối viết bằng mẫu tự la tinh vào ngữ âm Việt Nam, đã làm theo cách của người Việt hay người Trung Quốc đã từng làm để phiên lại những âm Việt Nam bằng chữ Trung Quốc. Nhưng điểm trội hơn là họ có riêng một hệ thống chữ cái. Các giáo sĩ Giêduýt đã cư trú ở FaiFô (tên cũ của Hội An) gần Tuaran (tên cũ của Đà Nẵng). Các cảng ấy, rất quan trọng trong các quan hệ với bên ngoài nhất là vấn đề thương mãi với người Bồ Đào Nha, người Nhật v.v..., đã thấy xuất hiện một số người Nhật công giáo mà hẳn rằng những người Nhật nầy đã phải rời nước họ vì bị ngược đãi. Những giáo sĩ Giêduýt Nhật Bản nầy biết tiếng Trung Quốc và do đó dễ dàng tiếp xúc với người Việt Nam. Theo ý kiến của tôi, hẳn họ đã đóng vai trò trung gian cho người Việt và người Bồ Đào Nha và đã thiết lập một sự cộng tác đưa đến sự sáng tạo ra lối chữ viết theo mẫu tự la tinh, áp dụng vào âm tiếng Việt.

BD: Ảnh hưởng của những người Giêduýt đối với vấn đề tôn giáo như thế nào?

HXH: Vào năm 1620, những giáo sĩ Giêduýt đã đến miền Nam Việt Nam và từ 1625 đã đến miền Bắc. Vào giai đoạn ấy, người Việt rất ôn hòa rộng rãi đối với Công giáo. Chỉ về sau mới có sự ngược đãi, đàn áp lúc mà người Âu Châu bắt đầu xâm chiếm đất đai chung quanh và lúc người ta cảm thấy cái cơ nguy về một quyền hành của một vị bá chủ ngoại quốc trên dân tộc Việt Nam. Sự giảng đạo, không có ảnh hưởng gì mấy đối với giới trí thức bởi lẽ họ luôn luôn có một sự đề kháng về tư tưởng. Không ít người Việt, ngay cả ở giới trí thức, tuy vậy, đã theo tôn giáo ấy và học tập nhiều điều với những giáo sĩ Giêduýt. Các giáo sĩ Giêduýt đã gây được ảnh hưởng trên tầng lớp mà ta có thể gọi là "cùng đinh", những người tân tòng Việt Nam quả thật sự là những tín đồ kiểu mẫu. Họ có được đức tin của người công giáo La Mã. Và đã không ít người đã tuẫn đạo.

Có những giáo sĩ Giêduýt cũng đã muốn dung hòa tư tưởng Công giáo và tư tưởng Khổng giáo lúc họ đến Trung Quốc bằng cách đồng hóa ý niệm Trời của Khổng giáo và ý niệm Thượng đế sáng tạo của người Do Thái và Công giáo. Vào thế kỷ 17, với sự giúp đỡ của các hoàng đế Thanh triều, họ đã có thể tạo ra được một ảnh hưởng to lớn tại triều đình Bắc Kinh.

BD: Công giáo có tạo ra những hậu quả trên văn học không?

HXH: Có, công giáo cũng tạo ra những hậu quả trên văn học Việt Nam. Bên cạnh cuốn tự điển của AlexăngđơRôđơ hiện nay, người ta tìm thấy những bản văn bằng chữ Nôm hoặc bằng chữ viết mẫu tự la tinh của giai đoạn ấy. Cũng có những tác phẩm viết dưới dạng thơ, ai điếu, hoặc chuyện kể về công giáo và các thánh. Dầu các văn bản ấy có thể không truyền bá ra ngoài vòng những kẻ am tường được. Theo tôi, nó cũng rất quan trọng trong mặt văn học bởi vì đó là chứng tích của ngôn ngữ giai đoạn ấy, thông qua những tín đồ.

BD: Các giáo sĩ Giêduýt đó đã tạo nên một sự cởi mở quan hệ của Việt Nam với Âu Châu không?

HXH: Không nhiều lắm. Tuy vậy phải ghi nhận rằng từ giai đoạn ấy đã có cuộc viễn du đầu tiên của người Việt sang Châu Âu. Ấy là dưới thời vua Lui 14: người Pháp đã có sứ quán và một trung đoàn quân ở Xiêm. Chính những giáo sĩ Giêduýt đã bằng một cách nào đó đã xâm chiếm nước Xiêm thoạt tiên bằng tinh thần rồi sau đó bằng quân sự. Vua Xiêm đã gởi sứ thần sang Pháp do các giáo sĩ Giêduýt hướng dẫn một người trong đoàn, có đem theo những giảng viên giáo lý người Việt trước đã sang Xiêm để học trường dạy đạo.

BD: Các giáo sĩ Giêduýt có gây ảnh hưởng trên các địa hạt khác không?

HXH: Có, về mặt vật chất, họ đã có ảnh hưởng trong những giới thuộc quan quyền, đặc biệt ở triều đình Huế, nơi mà họ đã thành công trong việc thâm nhập vào, bằng cách sử dụng nhất là những kiến thức kỹ thuật máy móc. Thí dụ như họ tặng những đồng hồ tự động chẳng hạn, đến nỗi lúc máy đồng hồ hỏng, người ta phải gọi họ đến sửa chữa. Họ lợi dụng uy tín ấy để có dịp truyền đạo cho các mệnh phụ.

BD: Những giáo sĩ Giêduýt đã bị mất ảnh hưởng của họ như thế nào?

HXH: Chính vì sự tranh chấp hiềm khích ghê gớm giữa những người Công giáo với nhau, một bên là dòng Giêduýt, một bên là dòng Frăngxixcain và Đôminicain đã làm thiệt hại nặng nề hình ảnh của tôn giáo Công giáo đối với các hoàng đế Trung Quốc và chắc chắn ở Việt Nam cũng vậy: nhất là có 1 vị giáo hoàng đã đứng về phe giáo sĩ Đôminicain và đã lên án phe Giêduýt, làm họ phải bỏ cuộc ở Viễn Đông. Ở Việt Nam, Hội Thừa sai đã dần dần thay thế các giáo sĩ Giêduýt kể từ thế kỷ 17 trở đi.


VĂN HÓA CHÀM

BD: Ngoài Phật giáo ra, Việt Nam còn có ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ không?

HXH: Văn hóa Ấn Độ, đã có một số ảnh hưởng thông qua dân tộc Chàm mà người Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn sau những cuộc chinh phạt của các giai đoạn trước. Nhân thể cũng nên phá đổ quan niệm sai lầm rằng người Việt đã tàn sát dân tộc Chàm. Những lúc xứ sở người Chàm hùng mạnh, là những lúc có chiến tranh giữa hai bên. Những tù nhân Chàm được đem về để xây dựng thành những đơn vị phục vụ cho việc đồn trú nào đấy. Khoảng đầu thế kỷ 15, nước Chàm suy yếu hẳn, các chúa Nguyễn, phát triển về phương Nam đã chiếm xứ sở của họ. Dần dần người Chàm trở thành người Việt. Tuy nhiên người Chàm ở Bình Thuận vẫn còn giữ ngôn ngữ của họ và tôn giáo Hồi của họ. Ngày nay, rất tiếc chỉ còn lại rất ít những ảnh hưởng Chàm. Phải đi ngược lên tận đời Lý (thế kỷ 12) mới tìm thấy dấu vết của ảnh hưởng này, những tù nhân Chàm có trình độ cao như các nhà sư chẳng hạn, đã trở thành những vị cao tăng ở nước Việt phía Bắc. Các nghệ sĩ cũng thế, người ta tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam những điêu khắc Chàm trong các chùa.


TÍNH DỤC.

BD: Truyền thống nhảy múa còn tồn tại ở Việt Nam không?

HXH: Trong xã hội cũ, đã có những điệu múa hát và nhất là thường có những tập quán về mặt tính dục bởi vì vấn đề sinh con đẻ cái thuở ấy là thiết yếu. Một trong những vấn đề căn bản quan trọng của Khổng giáo. Sau đó, là chống lại với mọi truyền thống được xem là tục tĩu, có hại với đạo lý. Thí dụ một quan đầu tỉnh nọ đã cấm dân làng cúng bái một vị thần vì vị thần ấy bị đánh giá là không nghiêm trang và đòi hỏi những thực hiện tính dục. Ở miền Bắc, gần đây vẫn còn có những ngôi đền mà vào thời kỳ nào đó trong năm, người ta bày lên bàn thờ những vật bằng gỗ tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và nữ ngay cả phải giả vờ giao hợp để cầu đảo tránh tai họa (hiếm muộn con cái của phụ nữ của thú vật...) trong trường hợp vị thần từ chối. Dầu có lệnh cấm, giai đoạn gần đây, vẫn còn tồn tại trong nhiều làng ở đồng bằng Bắc Bộ những tập quán tính dục tự do đứng về phương diện tính giao.


ẢNH HƯỞNG PHÁP

BD: Xin Giáo sư nói về ảnh hưởng Pháp trên văn học ở Việt Nam.

HXH: Một cảm xúc mới đã xuất hiện trong nước, trước tiên ở Nam Bộ từ 1862 (năm người Pháp chiếm Nam Bộ) rồi từ năm 1883 - 1884 trong phần còn lại của Việt Nam. Như thế, trong suốt hơn hai mươi năm, người Việt Nam đã chịu một ảnh hưởng Pháp càng ngày càng lan rộng đậm nét ở miền Nam hơn ở miền Bắc, trong mọi lĩnh vực và tất nhiên là trong lĩnh vực văn học. Việc dùng Quốc Ngữ (bằng mẫu tự la tinh) ở miền Nam được xác nhận ngay từ bước đầu là rất hiệu quả nhất là những nhân vật như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của.

BD: Trương Vĩnh Ký là ai?

HXH: Trương Vĩnh Ký là một trường hợp đặc biệt, người giảng viên giáo lý ấy sống rất gần với những vị thừa sai công giáo đã được gởi đến Pênan ở Mã Lai để kiện toàn việc học tập. Ông đã sở đắc được rất nhiều thứ tiếng nước ngoài. Ông biết hầu hết các thứ tiếng Âu Châu, không kể tiếng Thái, Kme, tiếng Mã Lai và dĩ nhiên tiếng Việt Nam. Nhà thông thái ấy biết rất tường tận tiếng Pháp.

Ông làm trung gian giữa người Pháp và Việt. Người Pháp sử dụng ông một phần vì chính trị nhưng phần lớn là để họ học tập nghiên cứu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Mặt khác, do việc thành lập một tạp chí tiếng Việt, ông đã thông tin cho người Việt những tư tưởng Âu Châu và phổ biến cách dùng lối chữ viết mới phục vụ cho văn hóa nước nhà. Ảnh hưởng nầy có phần muộn hơn ở miền Bắc nơi mà nền giáo dục bằng chữ Trung Quốc và các kỳ thi bằng chữ Trung Quốc hãy còn tồn tại. Phải đợi đến đầu thế kỷ 20 mới thấy xuất hiện phổ thông đại chúng vài cuốn sách nhỏ in bằng chữ Quốc ngữ.

BD: Xin Giáo sư cho biết những ảnh hưởng Pháp trên những tác phẩm văn học Việt Nam.

HXH: Người Pháp đã lập những trường thông ngôn mà nơi ấy người Việt buộc phải học lối viết chữ mới đồng thời với tiếng Pháp và làm những bài luận văn theo kiểu Tây phương bằng tiếng Việt. Dần dà phát triển nên ở miền Nam cũng như ở miền Bắc một loại văn xuôi bằng tiếng nước nhà vừa mang tính chất đại chúng lại vừa văn chương, từ đó đã tạo nên nền tảng cho văn học hiện đại của Việt Nam.

- Ở miền Nam, những truyện kể bằng quốc ngữ được xuất bản như: Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký vào năm 1888, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của vào những năm 1880-1885.

- Những tập sách mỏng được in ra để truyền bá đạo Công giáo chắc chắn đã gây ảnh hưởng lên cách hành văn của ngôn ngữ Việt Nam trong thời mới.

- Những bản dịch các văn bản tiếng Pháp cũng đồng thời tạo nên ảnh hưởng rất lớn lao. Quả vậy, trong lúc thâu nhận những tư tưởng của các tác giả Pháp, người ta buộc phải dùng một ngôn ngữ súc tích, mạch lạc, được bổ sung bằng từ vựng nguồn gốc bác học (từ Hán Việt) để dịch. Điều ấy cuối cùng đã cải thiện ngôn ngữ viết trên phương diện từ vựng và cấu trúc câu:

- Huỳnh Tịnh Của là tác giả của cuốn từ điển Việt Nam đầu tiên Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895-1896) và là một cuốn từ điển lớn. Ông còn tham gia vào các địa hạt khoa học và kỹ thuật nữa với các cuốn sách: Phép Toán (1867) và Sách Bác Học Sơ Giải (1887).

- Những tập san bằng chữ quốc ngữ bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, trước tiên ở Nam Bộ với tờ Tạp chí Miscellanées của Trương Vĩnh Ký, tờ Gia Định Báo và những tạp chí định kỳ xuất bản ở Sài Gòn với sự cộng tác của Hồ Biểu Chánh, tiếp theo ở miền Bắc thì có Đông Dương Tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm của ông đã rất tài ba tạo nên một hoạt động lớn lao rộng rãi.

- Việc dịch thuật các tác phẩm lớn của Trung Quốc đã mang lại một lượng từ ngữ phong phú và những câu văn chính xác súc tích. Người ta đã mang những phẩm chất ấy để áp dụng vào việc dịch các tác phẩm Pháp.

BD: Văn xuôi Việt Nam đã biến chuyển như thế nào trong giai đoạn có sự hiện diện của người Pháp? Có những phong trào văn học nào quan trọng?

HXH: Bắt đầu từ tháng Bảy 1917, tờ Nam Phong (Gió nam, gió ấm, gió làng, theo văn học Trung Quốc) xuất hiện, do cơ quan chính trị của Phủ Toàn Quyền Đông Dương khai sinh và bảo trợ với mục đích xác định hoạt động tinh thần của giới trí thức bản xứ vốn xúc động sâu xa trước cuộc chiến tranh ở Âu Châu và mưu đồ giải phóng dân tộc của các thành viên trong nhóm ông Hoàng Cường để hoạt động ở vùng biên giới Hoa Việt và cuộc nổi dậy của Hoàng Đế Duy Tân ở Huế. Sau 16 tháng, lúc chiến tranh ở Châu Âu chấm dứt, tạp chí vẫn tiếp tục và đồng thời gây ảnh hưởng càng lúc càng quan trọng lên sự chuyển biến của văn chương Việt Nam và lên ý thức về giá trị của nền văn hóa nước nhà.

- Từ vựng và hình thái văn xuôi vẫn tiếp tục cải tiến. Nhưng đứng về mặt sáng tạo thì không có sự tiến bộ nào; hầu như chẳng tác dụng gì lên giới thanh niên ngoại trừ tính lãng mạn do các bản dịch các tác phẩm Pháp mang lại và nhất là bản dịch của một tác phẩm Trung Quốc hiện đại: Tuyết Hồng lệ sử.

- Ngoài báo Nam phong, tác phẩm của Phạm Quỳnh và nhóm của ông gồm những trí thức có ít nhiều văn hóa Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh tiếp tục công việc cá nhân, chuyên tâm dịch thuật các tác phẩm chính của văn học Pháp: Môlie, La Phông ten, Victo Hugô, Alexăng Đuyma v.v... Ông đã tạo ra một lối ngôn ngữ giản phác hơn.

- Cũng vào thời kỳ ấy, sau 1920, các loại tiểu thuyết lịch sử, võ hiệp kỳ tình dịch từ tiếng Trung Quốc làm độc giả say mê. Sự phát triển của việc ấn loát bằng chữ Quốc ngữ đã tạo nên thành quả ấy!

BD: Những tác phẩm tình cảm sâu sắc hơn với một ngôn ngữ văn chương hơn đã xuất hiện vào giai đoạn này?

HXH: Tất cả mọi tác phẩm dịch thuật, từ tiếng Pháp hay từ tiếng Trung Quốc không làm giới trẻ trí thức thời ấy thỏa mãn. Họ tìm kiếm những chủ đề tiểu thuyết gần gũi với họ hơn.

- Ở miền Nam, Hồ Biểu Chánh đã bắt đầu viết những tiểu thuyết cổ điển với những nhân vật trong nước ta. Nhưng cảm xúc của ông bị bó hẹp bởi điều kiện sinh hoạt nghề nghiệp của ông vốn là một công chức (trước là thông phán sau là Đốc phủ). Tiểu thuyết của ông không biến chuyển kịp theo thời thế.

- Ở miền Bắc, một nhóm sinh viên trường Cao Đẳng Hà Nội có tiếp xúc với môn nghiên cứu tâm lý học, thưởng thức hơn các loại phân tích tâm lý của tiểu thuyết Pháp. Mặt khác, đạo lý Khổng giáo vẫn còn rất mạnh mẽ trong những gia đình tư sản ở miền Bắc đã thể hiện trong rất nhiều cưỡng chế mà giới trẻ phải gánh chịu trong tình yêu và ước vọng hành động của họ. Một trong những sinh viên ấy là Hoàng Ngọc Phách, đã xuất bản năm 1925 tiểu thuyết của ông có thể gọi là "tâm lý": Cuốn Tố Tâm, Tố Tâm là tên của nữ nhân vật của tiểu thuyết, thiếu nữ Hà Nội, chết vì buồn phiền bởi lẽ nàng không thể lấy một chàng sinh viên mà nàng yêu đắm đuối và chàng lại buộc phải cưới một cô gái khác con của một vị đại quan. Tiểu thuyết giản dị và thuần khiết xuất phát từ một cảm xúc có thực và chính đáng. Tiểu thuyết đã làm xao xuyến sâu xa trong giới trẻ thời ấy nhưng lại không có sự kế tục tức thì vì môi trường xã hội và chính trị.

- Phải đợi đến 7 năm sau, sau vụ khởi nghĩa Yên Bái và cuộc đàn áp các Xô Viết Nghệ Tĩnh thì các kết quả đầu tiên do tác phẩm Tố Tâm báo hiệu, mới đưa đến phong trào văn học Tự Lực Văn Đoàn, phong trào đã cung cấp những kiểu mẫu cho các nhà văn Việt Nam hiện đại.

BD: Xin Giáo sư nói rõ về nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

HXH: Đấy là một nhóm của những thanh niên thấm nhuần văn hóa Việt Pháp, văn hóa Việt Nam tiếp thu được nhờ môi trường chung quanh: gia đình, bạn bè, sách vở và sự quan sát cá nhân, văn hóa Pháp có được ở mức độ tối thiểu là Trung học Cao Đẳng.

Thủ lĩnh là Nguyễn Tường Tam (bút hiệu Nhất Linh) đã dấn thân vào con đường mới bằng cuốn Nho Phong xuất bản năm 1926. Tiếp theo đó, ông sang Pháp để học về bộ môn khoa học. Lúc về lại Hà Nội, ông hăng hái lôi kéo các bạn ông vào con đường mới ấy theo một mục đích thứ 2: tiêu diệt những truyền thống cũ độc đoán và lỗi thời của một quan niệm Nho giáo lạc hậu.

- Để thực hiện ý đồ ấy, ông đã thành lập một tạp chí trào phúng châm biếm: tờ Phong Hóa vào năm 1932 với một giọng điệu rất trẻ trung, rất tự do và chẳng chút tôn kính nhường nhịn. Tạp chí cho phép cả nhóm đăng thử những tác phẩm của họ, đồng thời phê phán nặng nề và có khi bất công với những người mà nhóm ấy không thích.

- Tạp chí và các tiểu thuyết do nhóm ấy xuất bản đã thành công rất lớn. Hồn bướm mơ tiên, của Khái Hưng, Đoạn tuyệt của Nhất Linh được xem như là những kiệt tác và đã kích thích cổ võ nhiều kẻ chọn đường sự nghiệp văn chương ngay cả ngoài nhóm nữa.

- Sau đó nhóm Tự Lực đã công bố một tuyên ngôn văn học xác định quan điểm của họ: Họ chống lại: sự bắt chước, những tư tưởng xã hội lạc hậu. Họ ủng hộ: nghệ thuật dân gian, văn phong giản dị, tuổi trẻ, cái đẹp, cuộc chiến đấu vì hạnh phúc nhân dân, tổ quốc xứ sở, tự do cá nhân, thực hiện tinh thần khoa học vào việc xây dựng nền văn học Việt Nam. Nhóm ân cần đón mời gia nhập những người có tác phẩm cùng chung một tinh thần ấy nhưng lại phê phán hung hăng những người chống lại, thường là rất có thể giá: những "nhân vật cũ", những người cạnh tranh trong nghề riêng lẽ hay thành nhóm, những người mácxít chấp nhận xuất đầu lộ diện.

- Có một điều là, tờ báo có rất nhiều kẻ thù. Tờ tạp chí trào phúng bị cấm đã phải thay tên bằng Ngày Nay rồi vĩnh viễn đóng cửa vào giai đoạn bắt đầu thế chiến thứ 2. Thế là đã đóng cửa một con đường chắc chắn để tự phát hiện hay tự xác định cho những tài năng trẻ: văn sĩ, kịch tác gia, thi sĩ... của thời đại ấy. Quả thế, tôi đã quên kể rằng tạp chí đã đưa lên nhiều tên tuổi của nhiều nhà thơ trong trường phái thơ Mới: Xuân Diệu, Huy Cận. Nhân vật Tú Mỡ tài ba đã cho chúng ta hằng tuần một bài thơ trào phúng làm nạn nhân phải dỡ khóc dỡ cười.

Tóm lại, nhóm Tự Lực không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại.

BD: Nhóm Tự Lực được đối xử như thế nào trong giai đoạn của họ?

HXH: Nhóm đã có rất nhiều kẻ thù vào giai đoạn cực độ của họ, đối kháng về quan niệm văn học, đối kháng vì lý do quyền lợi kinh tế và đồng thời đối kháng vì khuynh hướng chính trị. Nhóm chỉ đặt lên hàng đầu vấn đề văn học và có thể có một ít tinh thần quốc gia nhưng lại "câm lặng" hoàn toàn về vấn đề chính trị đang xẩy ra. Những người đang bí mật đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đã nhìn một cách ác cảm những bài thơ lãng mạn làm mềm trái tim, những tiểu thuyết diễm tình làm mờ trí tuệ. Những kẻ đối kháng về chính trị thì trách nhóm Tự Lực đã làm sa đọa tuổi trẻ, làm họ quay lưng với cuộc chiến đấu thực của dân tộc mà lại sa vào những cuộc chiến đấu của tình cảm, hay là của những trò chơi trí tuệ. Người ta đã gờm như dùng những từ ngữ "Tư tưởng tiểu tư sản" hoặc "Cơ hội chủ nghĩa" để đánh giá nhóm ấy.

- Thực ra, mỗi một con người trong nhóm đều có ít nhiều quan điểm chính trị của họ. Có người thì liên kết với Kháng chiến và cùng chiến đấu với họ. Có người thì liên kết với những người Nhật thất trận mục đích để thừa hưởng vũ khí của họ. Có người lại tin tưởng vào sự hứa hẹn của những người Quốc dân đảng Trung Quốc, giúp đỡ họ để có một lực lượng quân sự hùng mạnh, lúc người Pháp trở lại Bắc Kỳ, cuối cùng đều trở nên lá bài của họ. Thế rồi, đối diện với lực lượng quân sự Pháp trở lại thôn tính, ba thành phần kể trên đã trở nên thù địch nhau. Đấy là tấn kịch cuối cùng của nhóm văn học của những năm 1932-1940 mà nền văn học nước nhà đã thừa hưởng rất nhiều.

BD: Nhóm Tự Lực hiện nay được xem như thế nào ở tại Việt Nam?

HXH: Hẳn rằng đừng mong rằng cái dĩ vãng cuối cùng ấy đã được quên đi. Dường như vào giai đoạn đầu lúc hòa bình tái lập trên miền Bắc, không ai nhắc nhở đến những "kẻ lạc lối" ấy. Nhưng ngày nay, tôi nghĩ rằng những nhà văn học, và những sử gia sẽ phải thừa nhận giá trị của những thành viên trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà phần lớn đã qua đời, và phải bắt đầu lại việc xem xét nghiên cứu tác phẩm của họ.

BD: Và hiện nay, vấn đề văn học Việt Nam như thế nào?

HXH: Chiến tranh và những sự kiện chính trị lớn đã làm xáo trộn đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam trong 40 năm. Nguồn cảm hứng cho những tác phẩm văn học là vô hạn. Với một ngôn ngữ Việt đã được phong phú hóa và tinh tế hóa những thế hệ mới có đủ tầm cỡ để thực hiện một nền văn học quốc gia đích thực, dựa trên những tưởng tượng, giấc mơ cũng như trên thực tế của những cuộc chiến đấu khốc liệt. Tôi không có nhiều thì giờ để đọc, nhưng những sản phẩm văn học ở miền Nam cũng như miền Bắc, từ 40 năm nay là rất quan trọng. Những kết quả đã có đó, mọi người có thể kiểm thực nó.


CHÍNH SÁCH VĂN HÓA

BD: Giáo sư nhận định như thế nào về một số suy nghĩ của một độc giả báo Bulledingue (BD) này:

"Chúng ta không thiếu nhân tài nhưng hoặc họ vượt biên hoặc bị rơi vào quên lãng. Lỗi có phải luôn luôn bởi những nước kỹ nghệ hóa đã "thu hút chất xám" không?"... "Có những lỗi do những điều kiện "khách quan" của Việt Nam: Chiến tranh, kém phát triển, các dạng phong tỏa kiềm chế này nọ... Nhưng lỗi cũng còn do chính sách "phát huy văn hóa" của Việt Nam (và do đó lỗi của những người chủ trương chính sách ấy)".

Nói một cách khác, phải chăng có một sự lãng phí, về tài năng mà Việt Nam phải trực tiếp chịu trách nhiệm không? Nếu có, thì Việt Nam phải làm thế nào để sửa chữa?

HXH: Chắc chắn là có, đã thấy nhiều người Việt Nam thành công trong học tập nghiên cứu hay trong các dạng kinh doanh ở khắp thế giới. Nhưng những suy nghĩ này lại gợi lên những câu hỏi khác rất quan trọng sau đây:

- Có nhiều người tài năng không?

- Có thể có nhân tài trong điều kiện nào?

Nhân tài có thể thể hiện trong những điều kiện nào?

BD: Hiện nay tại sao có quá ít nhân tài nổi tiếng trên thế giới ở tại Việt Nam trên mặt văn hóa? Phải tập hợp những điều kiện nào để ủng hộ sự phát huy văn hóa Việt Nam? Ngày nay các điều kiện ấy đã có chưa?

HXH: Không, những điều kiện ấy chưa được tập hợp để ủng hộ phát huy văn hóa Việt Nam.

- Mức độ của sự phát huy ấy dễ đánh giá hơn trên mặt khoa học. Trong phạm vi khoa học, chúng ta không có điều kiện đầy đủ, ngoại trừ toán học. Người ta tìm thấy trong mặt toán học có những chiều hướng để có những người nổi tiếng. Người Việt Nam ở hải ngoại đã đóng góp vào mặt này rất nhiều.

- Nhưng trong hội họa chẳng hạn. Thế nào là sự nổi danh trên thế giới? Có nên bắt chước người Tây phương để được nổi tiếng như họ không? Và để nổi tiếng, thì ai sẽ là người tổ chức những buổi triển lãm, mời các người đến tham dự và trả tiền để họ nói tốt cho?

Như vậy cũng là cách nổi tiếng. Đây là một vấn đề rất khó xác định.

BD: Để xuất bản một tác phẩm, phải thực hiện những bước nào? gặp những khó khăn nào?

HXH: Trước tiên, có rất ít Nhà xuất bản. Và chúng lại thuộc vào tổ chức nhà nước. Mặt khác, người ta có quá ít giấy. Có cả một sự phân phối giấy cho các nhà xuất bản đấy. Thế nên, vì thiếu giấy, người ta không thể xuất bản sách được, ngay cả loại cần thiết cũng vậy, và những cuốn mà không được nhóm xuất bản đánh giá tốt thì lại càng không được in nữa. Và người ta bao giờ cũng có cái cớ để gạt bỏ những cuốn sách ấy ra.

- Không phải cũng đơn giản như ở Pháp nơi mà những cái cớ cũng không phải là thiếu. Điều kiện cốt yếu trước tiên là ở chỗ kinh tế phát triển. Khi có nhiều giấy tờ hơn, người ta lại có ít lý do để từ chối hơn.

BD: Nhưng, tách rời ra vấn đề điều kiện vật chất, phải chăng hiện nay có một sự thiếu sót hiển nhiên về tự do ngôn luận đối với vấn đề xuất bản không?

HXH: Đúng như vậy, người mà nói những điều trái với chính quyền thì không thể xuất bản được. (Điều ấy có thay đổi sau Đại Hội 6 chăng?) Nhưng ngay trong giới hạn của những điều cho phép, mọi người cũng không thể xuất bản được.

BD: Vai trò của Hội nhà văn như thế nào?

HXH: Đó là một tổ chức đoàn kết liên đới. Nhưng tôi không rõ những điều kiện để gia nhập hội.

BD: Trong lịch sử Việt Nam, những nhà sáng tác lớn có sống trong những giai đoạn có tự do rộng rãi không? Sự tự do rộng rãi phải chăng là điều cần thiết tuyệt đối để cho phép xuất hiện những sáng tác gia tài năng không?

HXH: Về mặt văn học, căn bản có nghĩa là điều quan trọng duy nhất còn tồn tại từ quá khứ văn hóa, tôi nghiệm ra điều này: càng hỗn loạn bao nhiêu lại càng có nhiều nhân tài bấy nhiêu. Trật tự không phù hợp cho sự phát triển tư tưởng, dầu ở Trung Quốc, ở Hy Lạp, ở Việt Nam hay nơi nào khác.

- Thí dụ, giai đoạn cực thịnh về văn hóa của Trung Quốc là vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, đấy là giai đoạn nảy sinh ra phong trào Bách gia chư tử. Mà giai đoạn ấy chính là thời kỳ nước Trung Quốc hỗn loạn cực kỳ.

Tại Việt Nam, tôi thấy vào giai đoạn cuối đời Lê, thế kỷ 18) đầu đời Nguyễn lại xuất hiện nhiều nhân tài, ít ra có 4 hoặc 5 nhà trí thức học giả trẻ tuổi. Nguyễn Du là một trong những người ấy. Mà đấy là giai đoạn hỗn loạn của miền Bắc, của sự suy tàn của Triều Lê và sự phát triển của Tây Sơn ở miền Nam.

BD: Hiện nay, giáo sư có biết khuynh hướng văn học nào đã được cơ quan kiểm duyệt Nhà nước chấp thuận.

HXH: Có một thời kỳ chủ nghĩa hiện thực xã hội được cổ xúy. Nhưng tôi tin rằng mọi điều đó đều giảm đi rõ rệt. Tôi có cảm tưởng rằng hiện nay lại có nhiều tự do tư tưởng hơn là như người ta tưởng. Duy chỉ có, những phương tiện để có thể thể hiện nó thì luôn luôn là quá rụt rè, nhất là bị cản trở vì những khó khăn kinh tế. Tôi tin rằng một nửa vấn đề sẽ được giải quyết nếu người Việt Nam vượt được những khó khăn kinh tế.

BD: Những nghệ sĩ, những nhà sáng tác Việt Nam, có thấm nhuần sâu sắc nền văn hóa khác và tài năng của họ là một sự đóng góp quý giá trong lãnh vực của họ, cho nhân loại thế giới, có đóng góp gì được để làm phong phú nền văn hóa Việt Nam không? mặc dầu nghệ thuật của họ có thể rất xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam. Thí dụ như: họa sĩ trừu tượng, soạn giả âm nhạc hiện đại, biểu diễn âm nhạc cổ điển như Đặng Thái Sơn, triết gia hiện đại như Trần Đức Thảo...

HXH: Tôi tin rằng Việt Nam cần phải hội nhập với thế giới càng nhiều càng tốt, có nghĩa là thế giới có sự đa dạng phong phú, từ Việt Nam cũng có sự đa dạng phong phú. Tất nhiên, nếu có kẻ có tư tưởng sâu sắc, như trong triết học chẳng hạn, thì cũng phải nên để cho toàn thế giới biết.

- Phải tuyệt đối tránh sự đồng phục trong tư tưởng cũng như trong nghệ thuật. Tất nhiên, khi đã đồng phục thì thật là "nhọc mệt" và "nguy hiểm!" Không ai có thể chắc chắn rằng có một dạng thức nào đấy luôn luôn là tốt nhất.

- Và người ta có thể tránh những kẻ tin rằng chỉ mình họ mới thủ đắc được chân lý vì chính họ là kẻ cản trở tài năng phát triển. Điều ấy rất nguy hiểm. Trên lĩnh vực văn hóa, nhà lãnh đạo cần phải có cái nhìn cao hơn, bao gồm quá khứ hiện tại và cả tương lai nữa nếu được.


- Về vấn đề Việt Kiều

BD: Bà con Việt Kiều có thể giúp vào việc giới thiệu rộng rãi văn hóa Việt nam và bảo tồn vốn liếng văn hóa dân tộc bằng biện pháp gì? Có phải chăng bằng sáng tác? Bằng góp phần vật chất như in, phát hành rộng rãi các ấn phẩm ở Việt Nam và ở nước ngoài, hoặc giúp trùng tu các đền đài miếu mạo?

HXH: Tất cả những việc ấy đều có giá trị. Nhưng còn có điều khác nữa, nhất là những gì liên hệ đến thế hệ thứ hai (như anh chẳng hạn). Trong mức độ có thể tối đa được bao nhiêu hay bấy nhiêu, phải hiểu tiếng Việt Nam, ít nhất là đọc các bản văn Việt Nam, vì ngôn ngữ hẳn là yếu tố rõ rệt nhất của bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là hễ ai không nói tiếng Việt được là đã mất bản sắc của mình, chỉ cái việc có thao thức, suy nghĩ về bản sắc đã là một bằng cớ rằng có bản sắc. Khi mà người ta muốn giúp đỡ nước nhà bằng mọi cách, khi mà người ta nghĩ tới nguồn gốc của mình thì ắt là có hiệu quả. Những Việt Kiều dầu sao cũng có nhiều phương tiện và ý tưởng hơn đồng bào trong nước về một vài địa hạt. Nếu những người gốc Việt dẫu sao về quốc tịch nào có khả năng làm những việc có tiếng tăm trên thế giới thì tôi chắc rằng điều ấy cũng có lợi cho đất nước. Ví dụ: những người được giải thưởng Nôben về vật lý gốc Trung Quốc đã trở thành người Hoa Kỳ, nhưng việc họ được trao giải có tiếng vang lớn lao trên thế giới. Họ đã trở về Trung Quốc thuyết trình, cuối cùng điều ấy cũng có lợi cho Trung Quốc.

BD: Phải chăng những hoạt động về mặt văn hóa tạo nên một địa bàn thuận lợi cho sự tụ họp và hòa hợp của tất cả những Việt Kiều mà không kể đến sự khác biệt về chính kiến? Để cho điều ấy được thực hiện, phải chăng đường lối chính trị của Việt Nam buộc phải thay đổi hay là các tổ chức Việt Kiều ở Pháp hiện nay khá chia rẽ về chính kiến phải chấp nhận một khoảng cách lớn với đường lối chính trị của Việt Nam?

HXH: Tôi đồng ý với những điều đó nhưng tôi thêm điều này: có một điều khó khăn khác gắn liền với những sự kiện mới đây và hiện vật luôn luôn là một vấn đề thời sự; đó là hiện nay có những người Việt Nam liều sự sống bằng cách vượt biên. Trong số đó, có những người thuộc về những kẻ gây trở ngại nhiều nhất cho bất cứ cuộc hòa giải nào giữa những người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi không tán thành họ, nhưng thông cảm với họ. Và không phải bao giờ những nhà trí thức cũng là những kẻ hiện nay chống lại sự hợp nhất ấy về phương diện tư tưởng. Tôi mong rằng tất cả những con người ấy, mặc dầu sự mất mát về tinh thần và vật chất hãy đoàn kết lại để gìn giữ lấy nền văn hóa của chúng ta trên chốn đất khách quê người.

BD: Theo ý ông, tương lai của cộng đoàn người gốc Việt Nam ở Pháp về bình diện văn hóa sẽ như thế nào?

HXH: Theo ý tôi mặc dầu nghĩ đến đó thật là buồn, nếu thế hệ thứ hai sẽ có một phần còn là Việt Nam thì thế hệ thứ ba sẽ chấm dứt trừ trường hợp thế hệ thứ hai có nỗ lực cần thiết để ngăn ngừa hiện trạng đó. Tôi e rằng thế hệ thứ ba ở ngoại quốc rất dễ như những người Việt Nam ở Trung Quốc: con cháu những người đã nhập tịch ấy bây giờ không ai nói đến họ nữa. Chính họ cũng không biết họ là người dân Việt Nam nữa.

ĐỖ HỮU THẠNH dịch
NKD hiệu đính.
(SH37/05&06-89)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tòa án (06/08/2015)