NGUYỄN KHOA QUẢ
Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại từ năm 1975 đến năm 1979, chưa đầy 4 năm, phía bắc Đặng Tiểu Bình - Trung Quốc đem quân đánh phá. Phía nam Khơ me đỏ Campuchia, bọn Pôn Pốt sang đánh phá các tỉnh Kiên Giang và Tây Ninh... Quân tình nguyện Việt Nam kết hợp với Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia lật đổ chế độ Pôn Pốt năm 1979, giải phóng nhân dân thoát khỏi chế độ bạo tàn diệt chủng.
Năm 1980, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên (BTT) thành lập Ban CK để giúp đỡ Lào (Ban C - giúp đỡ tỉnh Khâm Muộn và Savannakhet), giúp đỡ Camphuchia (Ban K - giúp đỡ tỉnh Xiêm Riệp). Ông Phan Thắng làm Trưởng ban, ông Hoài Nguyên, ông Hoàng Hữu Diệu, ông Nguyễn Sắc làm Phó ban.
Tôi được Sở Văn hóa cử sang Ban CK làm phóng viên ghi lại hình ảnh đoàn cán bộ cao cấp của tỉnh BTT do ông Vũ Thắng - Bí thư Tỉnh ủy cùng các ông Thái Tuấn - Sở Y tế, ông Giai - Bưu Điện BTT và một số cơ quan khác sang Campuchia làm lễ kết nghĩa, giúp bạn xây dựng lại đất nước. Thời đó BTT rất khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng vẫn sẵn sàng thắt lưng buộc bụng để sang giúp bạn. Làm việc với bạn là những người giỏi tiếng Pháp, ông Hoài Nguyên, ông Thái Tuấn, ông Giai đều giỏi tiếng Pháp nhưng giỏi giao tiếp là ông Hoài Nguyên. Hai bên nhất trí họp tại thủ đô Phnom Pênh - Campuchia, không họp tại Xiêm Riệp được vì đường sá xa xôi, an ninh không đảm bảo.
Đoàn xe của tỉnh đi Campuchia gồm xe U oát của Liên Xô chở ông Vũ Thắng, xe Jeep chở ông Giai, xe Toyota chở ông Thái Tuấn; tôi và anh Thuyết đi xe Fiat chạy sau cùng nhìn đoàn xe rất là buồn cười, giống như đoàn xe Quốc tế (Liên Xô, Ý, Nhật).
Quãng đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến thủ đô Phnom Pênh khoảng 150km, qua cửa khẩu Mộc Bài đến phà Niếc Lương thì đoàn đã được đón tiếp. Ông Cây Xỏn, ông Zu Chia - Chánh văn phòng Sở Công nghiệp và các cơ quan ra đón đoàn tay bắt mặt mừng rất vui vẻ. Đoàn qua cửa khẩu lúc bấy giờ không có passport và visa gì cả, đoàn lên xe thẳng tiến về thủ đô Phnom Pênh. Đường lên thủ đô mới giải phóng chưa được sửa chữa, xe chạy trong bụi mù của đất đỏ bazan làm mờ gương, phải phun nước quét lên gương mới thấy đường; tôi ngồi trong xe không có máy lạnh nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại. Qua ô cửa xe, tôi quan sát thấy cảnh điêu tàn xơ xác không một bóng người, lâu lâu mới thấy một vài con bò gặm cỏ dưới hàng cây thốt nốt. Gần trưa mới đến Xiêm Riệp, tôi và anh Thuyết được xếp một phòng sát với các lãnh đạo tỉnh. Trời nóng, anh Thuyết bật quạt trần để mát trong phòng. Khi bật quạt lên tôi nghe tiếng cót két lung lay muốn rơi, tôi nằm xuống nhìn lên quạt mà ái ngại, sợ quạt rơi quá chừng, liền vội đứng dậy ra ngoài. Vừa ra đến hành lang thì nghe tiếng rơi thịch một cái, hú hồn, chiếc quạt đã rơi ngay chỗ tôi nằm, suýt bỏ mạng trên đất bạn.
Sáng hôm sau, buổi làm việc giữa hai đoàn, đoàn Việt Nam gồm ông Vũ Thắng, có ông Hoài Nguyên ngồi bên cạnh giúp để làm phiên dịch cho ông Thắng; phía bạn có ông Chăn Xên - Bí thư Tỉnh ủy Xiêm Riệp, ông Zu Chia - Chánh văn phòng, Ông Cai Xỏn - Sở Công nghiệp và một số ban ngành của bạn. Với nội dung nhờ Việt Nam xây dựng lại trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà máy nước và một số công trình khác.
Sau buổi làm việc, đoàn được mời đi tham quan thủ đô, đến thăm nhà tù Stuleng, một trường trung học bọn Pôn Pốt biến trường thành nhà tù, nơi giết hại hơn 1 triệu người Campuchia rất tàn ác, dùng nhục hình tra tấn như thời Trung cổ, xiềng xích, chặt đầu moi gan, đánh đập dã man. Tôi quan sát thấy các thi thể áo quần rách rưới, những vết máu khô còn đọng lại trên gông cùm, thấy quá thê thảm. Nhà báo Dinldra sau khi trốn khỏi chế độ này có làm một bộ phim nhan đề “Cánh đồng chết” sản xuất năm 1984. Trên bức tường có treo hàng ngàn tấm ảnh nạn nhân, xương và đầu lâu xếp làm đường ranh giới Campuchia nhìn vào thấy lạnh cả người.
Đứng trước một tấm bản đồ sọ người nạn nhân bị diệt chủng |
Tiếp đến, đoàn đi thăm cố cung, thăm Chùa Vàng Chùa Bạc. Chùa được lót gạch bằng bạc, mỗi viên là l,125gr với 5329 viên), đi chân đất bước vào lạnh toát cả người, vừa trang nghiêm vừa huyền bí. Thời gian còn lại đi thăm chợ, tuy mới phục hồi chợ nhưng hàng hóa so với Việt Nam thì phong phú hơn nhiều, trái cây chôm chôm, xoài, sầu riêng... tha hồ mua rất rẻ, tiếc là hồi đó tôi không có tiền. Khi qua cửa khẩu anh em mỗi người đổi được ít đồng bạc Riên, nên dành dụm mua cái gì thiết thực, mỗi người mua một món quà nhỏ làm kỷ niệm. Riêng tôi tranh thủ mua 02 gói mì chính, thời đó Việt Nam không có, vừa dùng cho gia đình vừa chia nhỏ ra làm quà cho bà con sau chuyến đi nước ngoài về.
Sau một tháng, tôi phải lên đường đi lại chuyến thứ hai, vận chuyển xi măng để xây dựng trường học Xiêm Riệp, cùng đi với tôi có ông Sắc phó ban. Chuyến đi quá vất vả. Chiếc xe Zin của Liên Xô chở gần 4 tấn xi măng nặng nề, chạy rất chậm vì đường sá hư hỏng sau chiến tranh từ Việt Nam sang Xiêm Riệp gần 400km, đường xấu, xe hỏng trục chuyền bị rơi ra không chạy được; may ghé lại một phun sóc bên đường, anh Thuyết biết tiếng Khơ Me trọ trẹ, nói ít mà ra hiệu bằng tay thì nhiều, nhờ bà con giúp đỡ, họ sốt sắng đốt lửa rèn một vòng kim loại đỡ khúc khuỷu, anh Thuyết lấy tiền thanh toán nhưng họ không lấy, mới biết nhân dân Việt Nam hay Campuchia lúc nào cũng đầy lòng hào hiệp giúp đỡ khó khăn lúc hoạn nạn. Họ nghĩ Việt Nam đang giúp họ thoát khỏi ách Pôn Pốt tàn bạo nên họ rất biết ơn.
Đồng ruộng Campuchia năm 1980 |
Xe chạy và nghỉ đêm tại thị trấn Bắttabang, sáng hôm sau lại tiếp tục lên đường. Đoạn đường này thường hay bị bọn Pôn Pốt phục kích, tôi ngồi bên cạnh anh Sắc mà lo lắng cho số phận, sống chết như chơi. Đến ngã ba Sisôphôn giáp với Thái Lan, bọn tàn quân Pôn Pốt hoạt động thường xuyên, xe chạy không dám nghỉ lại ăn uống, nhịn đói cố gắng chạy về Xiêm Riệp. Gần tối mới đến nơi, lái xe, tôi và ông Sắc mệt lả, được bạn bố trí cho nghỉ tại Hotel De la paix. Sau một đêm nghỉ ngơi lại sức, sáng hôm sau đoàn bàn giao xi măng cho bạn. Tôi tranh thủ đi thăm anh em chuyên gia BTT sang giúp tỉnh Xiêm Riệp; gặp anh Xuân Viên, anh Hối - kiến trúc sư đang vẽ thiết kế, anh Hiếu - bác sĩ sản khoa đang đỡ đẻ cho các chị em, nét mặt người nào cũng vui vẻ, cười cười nói nói... quên cả mệt nhọc, giúp bạn như giúp mình. Trụ sở đoàn chuyên gia Việt Nam giúp bạn đóng bên một con sông nhỏ chạy qua thị xã cách đền Ăng Co 8 km, cách Biển Hồ 12km, mùa mưa nước tràn bờ nhưng về mùa khô thì chỉ còn lại vài vũng nước đục ngầu, anh em đều tắm giặt trên đó. Những người phục vụ lái xe, phiên dịch ở cùng với anh em chuyên gia Việt Nam, coi như anh em một nhà. Tôi lại đi thăm Ăngcothom, Ăngcovát gần 500 tuổi, các vũ nữ Ápsara xinh đẹp với nụ cười bí ẩn.
Sau những ngày công tác, trên đường về được biết bọn Pôn Pốt thường xuyên đặt mìn phục kích quấy phá nên ông Sắc quyết định phải đi thật sớm, đi thật nhanh qua ngã ba biên giới khi tờ mờ sáng, nhưng vì đường xấu không chạy nhanh được, lại phải đi liên tục không nghỉ ngơi ăn uống gì cả. Về gần thủ đô Phnom Pênh cách 20km, khoảng 8 - 9 giờ tối, đường sá, cầu cống bộ đội Campuchia đã kéo dây thép gai tre nứa làm hàng rào chắn ngang không cho phương tiện ra vào thủ đô. Tôi với ông Sắc tái mặt, ngồi trong ô tô nhìn qua cửa kính thấy 3 - 4 người tay cầm súng, nghĩ chắc sẽ chết vì Pôn Pốt và quân đội Campuchia lẫn lộn khó nhận ra. Anh Thuyết phiên dịch tiếng Campuchia và ra dấu bằng tay nói đây là đoàn Việt Nam sang giúp Campuchia. Họ nói lại vì lạnh quá phải gác đêm xin ít thuốc lá hút cho đỡ lạnh. Anh Thuyết liền lấy mấy bao thuốc lá đưa cho bạn và được bạn gỡ hàng rào dây thép gai và gác chắn. Xe chúng tôi thẳng tiến về thủ đô gần 10 giờ đêm, đói hoa cả mắt. Bước xuống xe người nào người nấy nằm ngửa để nghỉ ngơi ăn uống qua loa, cổ họng cháy rát, không nuốt nổi, không ai nói năng gì hết, mệt lả tìm chỗ ngủ vì cả ngày ngồi trong xe bị tê cóng.
N.K.Q
(SDB18/09-15)