Nhìn ra thế giới
Nobel Văn học 2015 - sức mạnh của sự thật
09:44 | 27/11/2015

VIỄN PHƯƠNG

Lúc 13 giờ Thụy Điển (tức 18 giờ Việt Nam), ngày 8/10 tại Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển, tên của nhà văn Svetlana Alexievich đã được xướng lên dành cho giải Nobel văn chương.

Nobel Văn học 2015 - sức mạnh của sự thật
Nhà văn Svetlana Alexievich

Thông cáo về giải thưởng lần này, Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển viết rất ngắn gọn: “Giải thưởng Nobel văn chương năm 2015 được trao cho nhà văn Belarus Svetlana Alexievich vì những tác phẩm đa giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”.

Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 ở Ivano-Frankivsk (Ukraine). Xuất thân từ một gia đình làm nghề giảng dạy và về sau Alexievich chuyển từ công việc giảng dạy sang lĩnh vực báo chí. Vì thế trong bút pháp của nữ nhà văn này có sự xuyên thấu lẫn nhau giữa hai thể loại văn học và báo chí.

Alexievich không quá xa lạ với đọc giả Việt Nam. Tạp chí Sông Hương số tháng 8 năm 1986, trong bài viết “Svetlana và tác phẩm Chiến tranh không có gương mặt người phụ nữ” (Vương Kiều chuyển ngữ) lần đầu tiên giới thiệu về tác giả này ở cuốn Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ, một trong những tác phẩm chủ chốt đại diện cho văn phong của Svetlana Alexievitch cũng đã được Nguyên Ngọc dịch ra tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, năm 1987.

Có thể nói Svetlana Alexievich là nhà văn của những điều có thật, nhà văn đứng về phía những kẻ cùng khổ, nhà văn dám đối diện trực tiếp với sự thật, đi tìm sự thật và phanh phui những dối trá ẩn mình trong lịch sử bất chấp sự áp chế bởi quyền lực từ đám đông đồng dạng để đưa thể loại văn chương phi hư cấu lên một đỉnh cao. Để chạm đến sự thật và sự chính xác của những thông số nên văn chương của nữ tác giả này đầy tư liệu, tính khoa học của một nhà lịch sử nhưng lại thấm đẫm văn phong đi ra từ một nhà văn giàu lòng nhân đạo. Vì thế đã dẫn tới một sự thật là Svetlana Alexievich dường như đã khước từ hư cấu.

Các tác phẩm này đều được xem là những biên niên sử trong thời đại mà Svetlana Alexievich cư trú. Tác phẩm của Svetlana Alexievich luôn ngồn ngộn tư liệu bởi lối làm việc của bà là đi từ những nhân chứng, những sự kiện và bà là nhà văn tôn trọng sự thật. Bà tôn trọng sự thật bởi chính bà cũng là nạn nhân của những cuộc chiến. Svetlana Alexievich nói rằng cứ bốn người Belarus thì một người chết trong cuộc xung đột và các phong trào kháng chiến. Số phận bi thảm của con người trong các trại tị nạn dưới chế độ Stalin, những cuộc đời cơ cực của các công nhân trong nhà máy Chernobyl, những vết thương khủng khiếp nơi chiến trường ở Afghanistan… đều được mô tả trong những trang viết của Svetlana Alexievich để phơi bày sự thật khi thế giới đang lao vào những cơn hoảng loạn vì bạo lực, nghèo đói và tham vọng.
 

Bìa tác phẩm “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”

Trong cuộc phỏng vấn với tên gọi Ký ức chân thực và cay đắng (bàn luận những vấn đề xoay quanh cuốn tiểu thuyết Chiến tranh không có khuôn mặt người phụ nữ giữa Etviga Giuphêrôva và Svetlana Alexievich, Etviga đã đưa ra một câu hỏi: Chị Xvet-la-na, xin chị vui lòng cho chúng tôi biết về bản thân chị và những người anh hùng trong đoản thiên tiểu thuyết của chị? Theo chúng tôi đây là một câu hỏi đụng đến sự thật mà không phải ai cũng thấy được trong văn học viết về chiến tranh. Câu hỏi đụng đến vấn đề thế nào là anh hùng, thế nào là chiến tranh, vấn đề thân phận người phụ nữ trong chiến tranh nhân loại…

Và Svetlana Alexievich đã trả lời rằng: “Hằng trăm sinh mệnh đã rơi xuống đời tôi như tuyết lở. Và hiện giờ, tôi có thể nói rằng tôi đã sống, đã chắt chiu được một ít kinh nghiệm, kinh nghiệm của kẻ khác biến thành kinh nghiệm của tôi. Một trong những nữ cựu chiến binh đã nói rằng, trở về từ mặt trận, bà cảm thấy già hơn biết bao so với những bạn bầu cùng tuổi, vì bà đã trải, đã chứng kiến bao sự biến trên đời. Trường hợp của tôi cũng vậy; tôi đã biết điều ấy và đã hiểu được mọi sự! Tôi đã tiếp xúc với những mẫu người phụ nữ thật hết sức khác nhau, có người thái độ của họ quả quyết trong chiến tranh, có người bị chiến tranh đè bẹp, có người giữ được bản chất thanh khiết, lại có người bị tước mất tinh thần mơ mộng, có người e dè khép kín, có người lại cởi mở. Đó là những phụ nữ với sức mạnh tinh thần của họ, cộng với khả năng to lớn của tâm hồn nhân bản, họ đã tạo nên chủ đề cuốn sách của tôi...”. (Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về cuộc phỏng vấn này trên Sông Hương số tháng 8/1986). Như vậy, đối với Svetlana, chiến tranh là sự tắt lụi của hàng triệu sinh mệnh và anh hùng là những người phụ nữ chịu nhiều vết thương chứ không phải tràn đầy sức mạnh mang tính sử thi huyền thoại. Và ngay cả về bản thân mình, Svetlana cũng tự cho rằng “Tôi không phải là một anh hùng”.

Là nhà văn đoạt giải Nobel văn học, dĩ nhiên lối viết của Svetlana Alexievich trước hết phải là văn học và trong văn học của bà có tính báo chí. Ngay cả bản thân bà cũng cho rằng bà từng có lúc bị mắc kẹt trong báo chí. Phát biểu sau khi được thông báo đoạt giải Nobel văn học, Svetlana Alexievich nói rằng: “Lịch sử chỉ quan tâm tới sự thật, cảm xúc luôn nằm bên lề. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi nhìn thế giới với con mắt của một nhà văn, không phải nhà sử học”. Nhìn thế giới với con mắt của một nhà văn nghĩa là với Svetlana Alexievich, viết về chiến tranh, về những sự kiện đầy chất tư liệu, nhân chứng, sự thật nhưng không phải là cách viết của một cái máy vô cảm. Mà ngược lại, nhìn thế giới qua con mắt một nhà văn là nhìn về những đớn đau bằng tất cả lòng nhân đạo, viết về nỗi đau nhưng luôn khát vọng bay tới những chân trời tươi sáng và tự do.

Trước khi nhận được giải Nobel văn học, chúng ta có thể nhắc tới các giải thưởng danh giá khác mà Svetlana Alexievich đã được vinh danh như giải Tucholsky (1996), giải Andrei Sinyavsky (1997), Leipziger Book Prize on European Understanding (1998), Friedrich-Ebert-Stiftung-Preis (1998), giải Herder (1999), National Book Critics Circle Award, Voices from Chernobyl (2005), Oxfam Novib/PEN Award (2007), Ryszard Kapuściński Award for literary reportage (2011), v.v.

Với những nhà văn được lựa chọn cho các giải Nobel văn học gần đây như: Tomas Transtrцmer (2011), Mạc Ngôn (2012), Alice Munro (2013), Patrick Modiano (2014) và Svetlana Alexievich (2015), chúng ta thấy rằng những nhà văn có xu hướng tìm tòi đổi mới trong bút pháp nghệ thuật dường như không còn là những đối tượng nằm trong tầm ngắm của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Mà nhìn chung, những lối viết giản dị, trầm lắng, gần gũi với truyền thống và hiện thực lại là những đối tượng hướng tới của hội đồng giải Nobel văn chương. Phải chăng, trong một thế giới đầy những simulacra (cái ngụy tạo) như ngày nay thì việc tìm tới chân rễ của sự thật là điều thiết thực hơn?

V.P (Tổng hợp)
(SH321/11-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Tòa án (06/08/2015)