BỬU Ý
Nhìn học sinh ở Pháp, ta có cảm tưởng họ chơi và nghỉ nhiều hơn học.
Trước hết là nghỉ. Nghỉ mãi. Hàng tuần nghỉ thứ bảy và chủ nhật đã đành, còn nghỉ những đợt dài ngày: tháng 12 và tháng 1 nghỉ Noel và Tết tây hai tuần, tháng 2 nghỉ mười ngày để chuyển sang học kỳ hai, tháng 3 và 4 nghỉ hai tuần lễ Phục sinh, cuối tháng 6 nghỉ hè. Không kể những ngày nghỉ lẻ tẻ (thí dụ trong tháng 5 được nghỉ 4 ngày).
Trong thời gian học, nhà trường thường xuyên tổ chức những lớp học du ngoạn, chuyên chở học sinh trên những chiếc xe ca rất tiện nghi(1) đi đến những nơi lịch sử hoặc các viện bảo tàng trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh, tạo dịp cho các em học sử một cách sinh động và làm quen với các nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc của thế giới qua các thời kỳ.
Dịp nghỉ hè, học sinh bắt buộc đi nghỉ hè, hoặc ra khỏi nước, hoặc ngay trong nước, nhưng nhất thiết phải ra khỏi nhà. Nếu cha mẹ không đủ điều kiện, nhà trường sẽ tiếp sức.
Một trẻ em học ở Pháp, hàng tháng tốn kém khoảng 2000F(2). Nhưng trong tình hình các nước phương Tây khuyến khích đẻ, nhà nước phụ cấp nhiều khoản cho trẻ em, các phụ khoản linh tinh này có thể lên tới 5000F. Như vậy là trẻ em Pháp, thay vì học hành tốn kém, lại làm giàu cho cha mẹ.
Bản thân tôi đi tu nghiệp ở thành phố Besancon, tại trung tâm được gọi tắt là Clab. Đây là một trung tâm chuyên chú dạy ngôn ngữ Pháp cho người các nước khác. Học viên đủ mọi quốc tịch: Đức, Úc, Hoa Kỳ, Ma-rốc, Camơrun, Xu-đăng, Thổ, Li-băng, Palextin, Mã lai, Tàu, Nhật, Đại hàn, Việt Nam... Đa số là người châu Phi và châu Á.
Bên trong phòng học: đa số phòng học đều túc trực máy ghi âm rọi hình, tivi. Hầu như không cần đến sách, thiếu bài đến đâu thì photocopie ngay đến đó tại chỗ. Không còn khái niệm "bảng đen", mà bây giờ là bảng trắng. Không còn khái niệm "phấn" và "bụi phấn", mà bây giờ là bút lông mực xanh mực đỏ, viết đến đâu xóa đến đó.
Giờ học được tổ chức khá thoải mái: nói qua nói lại, học viên soạn một đề tài nhỏ đến lớp trình bày và đối thoại, tổ chức soạn bài theo nhóm, du ngoạn ngoài trời và đến thực địa, từng nhóm dựng từng màn kịch tự biên tự diễn.
Phương pháp dạy học mới là thầy giáo ít bận tâm đến lỗi của học trò, nhất là không nên gay gắt, chi li, nhặm lẹ đối với các lỗi; ngược lại, tạo không khí cho học trò nói, phát biểu và dần dà tự thấy ra lỗi của mình và tự chữa lấy. Trường nào thiếu phòng học thì tự động đi mướn nhà tư nhân để gây thêm phòng.
Tình trạng giáo dục Pháp hiện nay vẫn bị vướng mắc vào các vấn nạn sau đây:
- Trình độ học lực sút giảm nặng.
- Phòng ốc thiếu.
- Động lực gây thích thú học tập, đỗ đạt, tốt nghiệp bị hạn chế hoặc bế tắc.
- Lớp học đông học sinh.
- Lương bổng giáo viên cấp 1, 2, 3 chưa thỏa đáng.
Những vấn đề cần giải quyết vừa nêu trên đây, nghĩ đi nghĩ lại, có tính cách... "Tây" hơn là Việt Nam, nghĩa là có khi tỏ ra quá đáng, nảy sinh trong một xã hội quen thói tiêu thụ, yêu sách. Và tôi sẽ nói rõ thêm vì sao như vậy, vì sao tôi nghĩ như vậy.
Trước hết, xã hội Pháp là xã hội vô địch về đình công. Đình công như thể là nét tính của người Pháp chờ chực bất mãn, yêu sách, và nó lây lan rất nhanh từ giới này sang giới khác. Lúc tôi đặt chân lên đất Pháp, cuối năm 1988, gặp ngay đình công trong giới vận chuyển công cộng, cho nên tôi bước xuống máy bay là kẹt theo cái nạn xe buýt hàng không Pháp không chạy. Tàu điện ngầm (mê-trô) hủy rất nhiều tuyến. Tiếp đó là sinh viên đại học bãi khóa đòi thêm phòng ốc. Rồi đến nữ điều dưỡng bệnh viện đình chỉ làm việc. Tiếp nữa là thầy giáo tiểu học và trung học. Lây đến dân đảo Corse làm reo...
Các thầy than phiền học sinh bây giờ kém, không chịu đọc sách, học hỏi. Thí dụ, đối với những câu hỏi như: "Ki tô giáo là gì?", "Trò thử kể tên một hải cảng ở Hắc hải?", học sinh cấp 2 phần đông không trả lời được, và có trò không hiểu "tôn giáo" có nghĩa là gì. Thơ là gì ư? Không cần biết. Học sinh cần viết cho được lá thư, chuộng thuật ngữ kỹ thuật, công thương, nhắm giật cho được bằng "Tú tài", mộng vào trường Cao đẳng thương mại.
Đối với trường Pháp, một lớp 40 học sinh là một lớp đông, không học được. Lớp 35 học sinh đã là đông. Nhưng muốn nhào các lớp này lại, phải đào thêm phòng ốc và thêm trên 5 ngàn giáo viên.
Năm nay, học sinh cấp 2 và 3 trội thêm 100.000 so với năm ngoái. Trong tương lai, 80% học sinh Trung học phải có Tú tài.
Số lượng học sinh cấp 1, 2 và 3 là 14,4 triệu (trong đó 12,3 triệu học sinh trường công và 2,1 triệu ở tư thục).
Số lượng giáo viên cấp 1, 2 và 3 là 750.000 (trong đó 650.000 ở trường công và 100.000 ở trường tư).
Mỗi năm có 200.000 học sinh thi hỏng Trung học.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp, ông Lionel Jospin, ngày 10-4-1989, công bố dự luật sửa đổi ngân sách giáo dục và lương bổng giáo viên.
Trong thời gian suốt 10 năm tới, ngân sách giáo dục sẽ phụ tăng 10 tỷ F.
Giáo viên cấp 1 (306.000 người), lương hàng tháng tối thiểu là 6112F và sẽ được nâng lên 7.327 F cuối năm 1992; và lương hàng tháng tối đa là 9.836F và sẽ được nâng lên 12.981F cuối năm 1992.
Giáo viên cấp 2 và 3: lương hàng tháng tối thiểu: 6.172 F, lương hàng tháng tối đa: 10.134F, đều sẽ được nâng lương.
Như vậy là các thầy giáo ở Pháp được thỏa mãn phần nào trong những sách của họ. Phần nào thôi, chứ không hoàn toàn.
Như vậy, lương hàng tháng tối thiểu của "Thầy Tây":
Cấp 1 là: 6.112F = (6.112 x 600) = 3.667.200đ VN.
Cấp 2, 3 là: 6.172F = (6.172 x 600)= 3.703.200 đ VN.
Ta vẫn biết rằng xã hội Pháp ăn tiêu đắt đỏ, còn thêm các khoản thuế khóa, đảm phụ, đóng góp nghĩa vụ nữa...
Nhưng rõ ràng những điều kiện sinh sống, dạy học, nghỉ ngơi của thầy trò Việt Nam còn khiêm tốn quá. Ngoài ra, trong xu hướng hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các nước ngày càng gia tăng, ta còn phải suy nghĩ và đầu tư vào những khoản như hợp đồng văn hóa, phát huy tiếng Việt ở nước ngoài, dịch sách, tiếp thu và quảng bá thông tin, viết sách tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam hải ngoại, trao đổi đào tạo... Tình hình, dù sao, đang có nhiều thuận lợi...
B.Y
(TCSH40/01-1990)
-----------
(1) Xe ca, cũng giống như khách sạn, được xếp hạng từ 1 sao đến 5 sao. Xe ca loại 3 sao đã đủ tiện nghi: máy mégaphone do tài xế sử dụng nói với hành khách, vô tuyến truyền hình, phòng vệ sinh ngay trên xe, và tất cả hành lý đều thu sạch và đút vào bụng xe, chứ không để trong xe hoặc trên đầu xe.
(2) 1 F tương đương với 600đ VN.