Nhìn ra thế giới
Cô đơn kiểu Octavio Paz
09:13 | 28/10/2016

TUỆ ĐAN

Thân xác hiện hữu để rồi đem lại sức nặng và hình dạng cho sự tồn tại của chúng ta.
                        O. P.

Cô đơn kiểu Octavio Paz
Ảnh: internet

Octavio Paz sinh năm 1914 và mất năm 1998, là nhà thơ người Mexico, đồng thời cũng là chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 1990. Ông được xem là một trong số những cây viết nổi bật nhất thế kỷ XX và cũng là một trong số những nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại.

Nhà phê bình Ramón Xirau nhận xét về thơ ông: “Thơ của Octavio Paz không lập lờ giữa lời nói và im lặng; nó đưa đến một địa hạt của sự im lặng mà ở đó lời nói được cất lên.” Trong thông cáo của Hội đồng trao giải Nobel lưu ý, giải thưởng được trao cho ông vì “lối viết sôi nổi với những chân trời khoáng đạt được mô tả bởi một sự hiểu biết đầy cảm xúc và tính liêm chính nhân bản.”

Thơ ông giai đoạn đầu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa siêu thực và chủ nghĩa hiện sinh cũng như Phật giáo và Ấn độ giáo; về sau thơ ông gắn bó hơn với tình yêu, thời gian. Nói về cô đơn, ông có một tiểu luận khá dài “Mê cung của nỗi cô đơn” (The Labyrinth of Solitude), đây được xem như là một tác phẩm then chốt trong việc hiểu nền văn hóa Mexico. Một nỗi suy tư về căn tính của dân tộc khi bị coi là đã đánh mất đi giữa nền văn hóa bản địa Mỹ Latin và nền văn hóa Tây Ban Nha.

Paz cho rằng cô đơn là một sự kiện uyên nguyên của thân phận người. Chỉ con người là sinh vật duy nhất biết hắn cô đơn và cũng chỉ có hắn mới là kẻ luôn thôi thúc bản thân tìm kiếm tri kỷ. Bởi lẽ con người luôn muốn hiện thực hóa chính hắn thành tri kỷ nên hắn “không có” bản tính người đúng nghĩa nữa. Con người là kẻ hoài hương và luôn tìm kiếm sự liên lạc. Vì thế khi hắn nhận thức về chính hắn thì là khi mà hắn nhận ra sự thiếu vắng tri kỷ của hắn, đó chính là nỗi cô đơn.

Dưới lăng kính của Paz, cô đơn được hiểu như là một phương thức thể hiện ý nghĩa của sự cộng thông (communality). Chung cuộc vẫn là qua đó Paz muốn biểu đạt một trạng thái mà những người Mexico khi nhìn về dân tộc mình thì cái nhìn ấy được đặt vào trong một cái nhìn bất bình đẳng đã bị che giấu đi bởi một lớp “mặt nạ” (mask) văn hóa, khiến họ trở nên bức bí trong một thế giới cô đơn của chính mình.

Paz cho rằng người Mexico luôn luôn xa cách, trước hết với thế giới, sau đó với người khác và cuối cùng là với chính mình. Khuôn mặt của người Mexico là một chiếc mặt nạ và thậm chí kể cả nụ cười của họ cũng thế. Ngôn ngữ của họ hoàn toàn dè dặt, đầy ẩn dụ và ám chỉ, với những cụm từ dở dang trong khi sự im lặng của họ thì lại đầy màu sắc. Họ luôn cố dựng nên một bức tường lãnh đạm và xa cách giữa hiện thực với chính bản thân mình. Họ có thể cúi xuống nhưng lại không thể trở lại là chính mình, nghĩa là họ không thể chấp nhận thế giới bên ngoài thấm nhập với phần riêng tư của bản thân họ. Các mối quan hệ của họ với người khác luôn luôn bị nhuốm bởi màu sắc của sự ngờ vực, và do đó, theo Paz, tất cả họ giống như đều bị rơi vào trong một hội chứng ái kỉ dân tộc. Họ được dạy từ nhỏ để chấp nhận sự thất bại. Sự cam chịu hay nhẫn nhục là một trong số những đức tính chung nhất của họ. Họ chấp nhận sự chịu đựng khi đối diện với nỗi bất hạnh hơn cả sự thành công mĩ mãn. Đời sống của họ bị khỏa lấp trong tính hình thức cộng với sự thịnh hành của tính cách trầm tĩnh, cam chịu, mất niềm tin, mỉa mai và hồ nghi. Paz viết: “Có lẽ truyền thống của chúng ta là một trong số những hằng số của tính cách dân tộc của chúng ta, luôn gắn kết con người của chúng ta với lịch sử của chúng ta, tất cả đều xuất phát từ mối trân quý đầy tin tưởng về Hình thức của chúng ta.”

Thậm chí, một cách chua chát hơn, Paz còn cho rằng người Mexico về cơ bản chỉ là thân xác của chính họ. Thân xác là nơi gây cho họ niềm vui cũng như nỗi buồn, nó không đơn giản chỉ là bộ quần áo mà họ khoác lên mình mà vốn dĩ nó còn đem lại cho họ sự hiện diện, mãi mãi họ chẳng thể rời bỏ khỏi nó được. Người Mexico xem phụ nữ là những con người đen đúa, bí mật và thụ động. Theo Paz, người Mexico rất xuất sắc trong việc giả vờ về những đam mê của bản thân và kể cả với chính mình. Họ luôn lo phiền về cái nhìn của người khác, nên họ rút lui để trở thành một thứ bóng âm mờ đục; thay vì bước đi thì họ lại trượt đi, thay vì phát biểu thì họ lại gợi ý, thay vì phản hồi thì họ chỉ lầm bầm, thay vì than phiền thì họ lại cười. Đi từ giả vờ dần dần họ rơi vào sự bắt chước, họ luôn muốn che đậy cá tính của họ, sau cùng họ phá hủy luôn cá tính của chính mình để cam chịu cho bản thân trở thành viên đá, cái cây, bức tường, im lặng và khoảng cách.

Sau cùng, sắc thái của cô đơn được Paz hội lại nơi sự im lặng. Một sự im lặng thống trị toàn bộ dân tộc Mexico. Một sự im lặng nặng nề hơn tất cả những kim tự tháp, những sự hy sinh, những nhà thờ, những sự nổi dậy và kể cả những bài dân ca. Một sự thất bại trong việc tìm kiếm nhân dạng dân tộc. Một vòng luẩn quẩn, bế tắc đeo bám một cách dai dẳng trên xứ sở của họ. Chung cuộc, cô đơn vẫn là do họ không chịu đối thoại và liên lạc, trong cái nhìn của họ luôn chứa đựng một sự trống vắng khiến họ cam chịu trong sự im lặng của chính mình. Dần dà họ trở thành không là ai cả (Nobody). Và cuối cùng, khi xâu chuỗi tất cả những điều vừa nói ở trên, ta mới thấy được, nỗi cô đơn của nhà thơ cũng là nỗi cô đơn của cả dân tộc Mexico, một nỗi cô đơn kiểu Octavio Paz.

T.Đ  
(TCSH332/10-2016)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng