Nhìn ra thế giới
Người mở cánh cửa thần bí*
09:21 | 07/03/2017

Nhà văn Phan Việt, phó giáo sư-tiến sĩ giảng dạy môn xã hội học tại một trường đại học danh giá ở Mỹ, vừa chia sẻ một bí ẩn riêng tư của mình: chị đã cạo tóc xuất gia tại một ngôi chùa ở Thái Lan.

Người mở cánh cửa thần bí*
Phan Việt sinh hoạt cùng các nhà sư ở chùa Rombodhidharma, thuộc tỉnh Loei của Thái Lan. (Ảnh do tác giả cung cấp).

Như vậy Phan Việt không chỉ xuất gia trong tâm mà chị còn xuất gia trên thân, hẳn là một bước chuyển mình quan trọng trong đời người, nhất là đối với một phụ nữ trẻ.

Ở tuổi 38, Phan Việt hiện là một cây bút được hâm mộ, nhà hoạt động xã hội năng nổ, một nhân vật của công chúng... Đang thỏa sức vẫy vùng và liên tiếp tỏa sáng như vậy, nay “xuất gia” rồi, liệu chị có còn làm việc và cống hiến như trước nữa không, và chị có cảm giác gì trong giây phút quyết định xuất gia?

Phan Việt trả lời: “Ngay giây phút đó, những gồng gánh và cả quả núi lớn từ trên vai tôi được vứt ùm xuống... Chính sau khi có thể chấp nhận và bỏ xuống những ý niệm về bản thân và việc phải làm, thì tôi lại có một sự rõ ràng và tự do tôi chưa từng biết đến, để có thể làm được rất nhiều điều mà trước đây tôi đắn đo. Sống để làm gì, sống thế nào trở nên rõ ràng hơn hết.

Cái gánh nặng và quả núi lớn mà Phan Việt từng cõng trên lưng ấy là những nỗi phiền muộn trong lòng chúng ta, chủ yếu gây ra bởi chúng ta làm việc với tâm thế chỉ muốn “thu vào”, “lấy cho mình”, cố thu vén cho bản thân những thứ như tiền bạc, danh tiếng, địa vị, sự ngợi khen, hâm mộ..., vì thế khi không thu nhận được những thứ ấy, chúng ta sẽ nản chí. Việc xuất gia đã giúp chị trút bỏ được gánh nặng ấy, từ nay chị nhẹ nhõm làm mọi việc với tâm thế “mở ra” và “cho đi” mà không bám vào một mục đích, mong muốn được đền đáp nào, nhờ thế có thể làm việc không mệt mỏi... Chính là khi không còn thấy bản thân và những việc mình làm là quan trọng thì tôi lại có lòng dũng cảm và sự tử tế lớn nhất để làm được nhiều việc.

Phải chăng, Phan Việt đã hiểu được khái niệm “Tính Không” của đạo Phật. Tính Không cũng là Vô Ngã, là ít nghĩ tới cái tôi, không coi bản thân là quan trọng, tức vị tha. Chị khẳng định: ở thời điểm này, giới trí thức mà chị là một thành viên nên chỉ có cho đi, nghĩa là đem cho mọi người mọi thứ mình có, từ thứ hữu hình như tiền bạc, vật dụng... cho tới thứ vô hình như sự giáo dục, đùm bọc, cảm thông... Triết lý ấy sẽ giúp chị đứng vững và làm tròn nhiệm vụ của một thành viên giới trí thức trong thời đại bất ổn này.

Sức mạnh nào đã khiến cho Phan Việt trong ba tuần ở chùa Rombodhidharma nhanh chóng chuyển từ “không” sang đồng ý “có” cạo đầu đi tu? Xin mượn lời của nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận để nói thay chị. Không thụ lễ quy y nhưng ông Thuận thừa nhận mình là một Phật Tử, theo Phật không phải là theo một đấng thánh thần siêu đẳng nào, mà là theo tư tưởng của một nhà thông thái sáng suốt. Sức hút của đạo Phật chủ yếu là ở Thuyết nhân quả, tinh hoa của đạo Phật là Luật Karma (Nghiệp): ta luôn gặt hái cái ta đã gieo, những gì đã làm ở kiếp trước dù xấu tốt đều không mất đi, mọi nỗi khổ đau trong đời ta đều nảy sinh bởi một nghiệp chướng xấu từ kiếp trước, ta luôn phải gánh hậu quả của việc mình làm. Nói cách khác, người trí thức luôn nghĩ mình phải có ích cho mọi người. Họ theo đạo Phật chủ yếu để có một niềm tin dẫn dắt mình vừa thanh thản cống hiến nhiều hơn cho xã hội lại vừa tránh được mọi phiền muộn gây ra bởi thời cuộc nhố nhăng khó xử.

Người ta thường cho rằng tôn giáo đối lập với khoa học. Thực tế cho thấy giữa tôn giáo với giới khoa học, giới trí thức có tồn tại một mối quan hệ khó hiểu rất đáng quan tâm.

Mối quan hệ ấy được Einstein diễn tả trong câu: “Khoa học không có tôn giáo thì khập khiễng, tôn giáo không có khoa học thì mù quáng” [Science without religion is lame, religion without science is blind]. Einstein là người Do Thái nhưng thừa nhận Chúa Jesus và đánh giá rất cao đạo Phật. Ông nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như đi xa hơn khoa học”, “Phật giáo bắt đầu tại nơi khoa học kết thúc” [“If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science”, “Buddhism begins where Science ends”].

Xưa nay, trên thế giới từng có những nhà trí thức sau khi đạt tới đỉnh cao sự nghiệp lại gắn cuộc đời mình vào một niềm tin tôn giáo.

Phải chăng giữa trí thức với tôn giáo có một cánh cửa thần bí thông với nhau và một số nhà trí thức khi lên tới tầng cao nào đó sẽ mở cánh cửa ấy để bước sang một cõi nhân sinh mới?

Nghệ sĩ Trung Quốc Lý Thúc Đồng (1880-1942) là một trong những người như vậy. Ông là đại diện ưu tú kết hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc với văn hóa Phật giáo, vị cao tăng xuất sắc nhất trong Phật giáo Trung Quốc hiện đại, ngọn cờ đầu phong trào Văn hóa Mới ở nước này.

Lý Thúc Đồng là bậc đa tài, kỳ tài, kết hợp các tài năng âm nhạc, hội họa, thư pháp, nghệ thuật sân khấu, giáo dục mỹ thuật, là người đầu tiên đưa vào Trung Quốc các yếu tố văn hóa phương Tây như hội họa sơn dầu, đàn piano và kịch nói. Sau khi quy y, Lý tiếp tục đạt được những thành tựu xuất sắc về nghiên cứu Phật giáo, trở thành một trong bốn Đại Cao tăng thời Trung Hoa Dân quốc1. Ba vị kia xuất gia sớm, riêng Lý sau khi đạt tới đỉnh cao sự nghiệp mới đi tu.

Năm 26 tuổi, Lý Thúc Đồng đưa vợ con về quê rồi đi du học. Trong sáu năm ở Nhật, ông say sưa học tập, sáng tác, hoạt động xã hội, biên tập tạp chí âm nhạc, học Khoa Sơn dầu Trường Mỹ thuật Tokyo, lập đoàn kịch nói đầu tiên của Trung Quốc và diễn các vở “Trà Hoa Nữ”, “Túp lều bác Tôm” v.v... 31 tuổi, ông về nước cùng vợ mới là cô gái Nhật từng làm người mẫu khỏa thân cho ông. Tiếp đó ông hoạt động văn học-nghệ thuật và dạy học tại một số trường cao đẳng, trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Năm 38 tuổi Lý Thúc Đồng bí mật thụ lễ quy y Phật giáo tại chùa Hổ Bão ở Hàng Châu, lấy hiệu Hoằng Nhất. Trước khi xuất gia, Lý Thúc Đồng viết một bức thư cho bà vợ người Nhật như sau (tóm dịch):

Em:
Lần trước đã nói với em rồi, chắc em đã hiểu, xuất gia chỉ là chuyện sớm muộn với anh mà thôi. Thời gian qua em đã suy nghĩ và thông cảm với quyết định của anh rồi chứ? Nếu đồng ý anh làm thế thì hãy viết thư cho anh biết nhé.
Anh hiểu nỗi lòng đau khổ và tuyệt vọng của em, khi em buộc phải chấp nhận mất đi một người từng có mối quan hệ cực kỳ sâu sắc với mình. Nhưng em là một người không tầm thường. Xin em hãy nuốt ngụm rượu đắng này rồi cố gắng sống cuộc đời của mình...
Quyết định như vậy không phải là anh cạn tình bạc nghĩa. Nhưng vì để đi hết chặng đường Phật đạo xa xôi, gian nan, anh phải bỏ lại tất cả. Anh bỏ lại em, cũng bỏ lại tiếng tăm và của cải tích lũy được trong đời mình. Những thứ đó đều là mây khói thoảng qua, chẳng đáng để luyến tiếc.
Cái chúng ta cần xây dựng là nước Phật sáng láng trong tương lai, trên mảnh đất Tây Thiên cực lạc. Chúng mình sẽ gặp lại nhau ở nơi ấy nhé...
Thúc Đồng. Ngày 1 tháng Bảy năm Mậu Ngọ
.”

Hai bà vợ vô cùng đau khổ tìm đến khuyên ông trở về gia đình, nhưng ông không nghe. Bà vợ Nhật bỏ đi mất tăm còn bà vợ đầu mang các con về quê.

Một nghệ sĩ tài ba, phong lưu công tử, một trí thức lừng danh như Lý Thúc Đồng vì sao cuối cùng lại xuất gia? Hãy nghe giải thích của Phong Tử Khải (1898-1975)2, một trí thức Trung Quốc nổi tiếng cuối đời cũng tu tại gia, học trò của Lý Thúc Đồng.

Đời người có thể ví như một tòa nhà ba tầng: tầng thứ nhất là đời sống vật chất, tầng thứ hai là đời sống tinh thần, tầng thứ ba là đời sống linh hồn. Đời sống vật chất là ăn mặc ở. Đời sống tinh thần là hoạt động học thuật, văn học-nghệ thuật. Đời sống linh hồn là tôn giáo. Ai lười hoặc không đủ sức leo cầu thang thì ở tầng trệt, chỉ lo sao cho cuộc sống vật chất được đầy đủ thì thỏa mãn. Phần lớn người đời có nhân sinh quan như vậy. Những người có hứng thú hoặc có đủ sức leo cầu thang thì lên tầng hai chơi hoặc ở hẳn. Đó là những người chuyên làm học thuật, văn học-nghệ thuật, dâng đời mình cho việc nghiên cứu, sáng tác và thưởng thức văn học-nghệ thuật. Số này khá nhiều, được gọi là “nhà trí thức”, “nghệ sĩ”, “học giả”.

Còn một loại người nữa có ham muốn mạnh mẽ và sức lực kiên cường, không thỏa mãn sống ở tầng hai mà tiếp tục leo lên tầng ba. Đó là những tín đồ tôn giáo. Họ không thỏa mãn với ham muốn vật chất cũng như ham muốn tinh thần mà quyết đi tìm bằng được ngọn nguồn tận cùng của đời người. Họ cho rằng của cải vật chất cùng con cháu đều là thứ ở bên ngoài thân xác, học thuật và văn học-nghệ thuật chỉ là những cảnh đẹp tạm thời, ngay cả thân xác mình cũng chỉ là thứ tồn tại hư ảo. Họ không chịu làm kẻ nô lệ cho bản năng mà phải tìm kiếm nguồn gốc của linh hồn, căn bản của vũ trụ. Có thế mới thỏa mãn cái ham muốn sống của họ.

Có người đi thẳng từ tầng trệt lên tầng trên cùng mà không dừng lại tầng hai. Riêng Lý Thúc Đồng đi lên từng tầng một. Ông có ham muốn sống cực kỳ mạnh mẽ, làm việc gì cũng rốt ráo đến nơi đến chốn. Thời trẻ ông tận hiếu với mẹ, hết lòng yêu thương vợ con. Ở tuổi trung niên, ông dốc sức nghiên cứu nghệ thuật, phát huy thiên tài trên nhiều mặt. Nhưng vì ham muốn sống quá mạnh nên ông không thỏa mãn với cuộc sống ở tầng hai. Và thế là Lý Thúc Đồng đi lên tầng cao nhất, trở thành nhà sư Hoằng Nhất tu Tịnh Độ Tông, nghiên cứu các giới luật, trở thành bậc cao tăng hiếm thấy, được thế gian ngưỡng mộ truyền tụng.

Điểm cao nhất của cầu thang tầng hai là tầng ba. Đỉnh cao nhất của nghệ thuật thì gần gũi với tôn giáo. Từ nghệ thuật thăng hoa đến tôn giáo – dường như đó là việc mà những nhà trí thức, nghệ sĩ lớn như Lý Thúc Đồng dĩ nhiên sẽ làm, không có gì lạ. Phải chăng tiến sĩ-nhà văn Phan Việt xuất gia gieo duyên cũng là một sự thăng hoa như vậy?

Nguồn: Nguyễn Hải Hoành - Tia Sáng

---------------
* Nhân đọc bài “Tôi xuất gia gieo duyên” của Phan Việt - Tạp chí Tia Sáng số 1+2 (15/1/2017)
1 Bốn đại cao tăng thời Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949) là Hư Vân, Thái Hư, Ấn Quang, Hoằng Nhất.
2 Họa sĩ, nhà giáo dục mỹ thuật, nhà phiên dịch, người mở đầu ngành biếm họa Trung Quốc. Năm 1927 quy y đạo Phật, trở thành cư sĩ tu tại gia.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng