Nhìn ra thế giới
Đọc sách ở Mỹ
15:01 | 24/04/2017

Tôi đến Chicago để học âm nhạc nhưng lại rất thích viết về trải nghiệm của bản thân mình về cách dạy và học văn ở Mỹ. Tôi thực sự yêu cách dạy và học văn ở đây vì tôi được tạo điều kiện và thậm chí là bị ép để đọc nhiều, viết nhiều với một tư duy sâu rộng hơn.

Đọc sách ở Mỹ

Hầu hết các đại học của Mỹ quan niệm rằng tuy các ngành nghề có yêu cầu về chuyên môn khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn phải có một nền tảng căn bản. Do đó, sinh viên tất cả các khoa đều phải hoàn thành những lớp thuộc nhiều lĩnh vực. Đó là lý do một sinh viên khoa nhạc như tôi lại phải đi học văn.

Ngay tuần đầu tiên, tôi đã bị choáng. Hồi còn ở Việt Nam, tôi cũng thuộc dạng ham đọc và đọc nhiều, nhưng số lượng các trang cần đọc mà giáo sư ở đây giao cho tôi quả thật ngoài sức tưởng tượng. Thời gian đầu, trung bình một ngày tập đàn khoảng 3 giờ. Thứ bảy và chủ nhật có thể tranh thủ tập nhiều hơn. Sau mỗi bữa học, giáo sư sẽ quy định số trang cần đọc tiếp theo, để buổi học sau làm bài trắc nghiệm đọc. Tính sơ, sau một học kỳ, tôi đã đọc xong 1 cuốn luận văn về vấn đề di cư và quyền cư trú, 3 cuốn tiểu thuyết, 1 cuốn tự truyện. Vì phải đọc nhiều, thư viện là nơi không thể nào không biết. Ngay từ những ngày đầu nhập học, trường đã tổ chức những buổi hướng dẫn về cách tìm sách trong thư viện bằng số ký hiệu và website để sinh viên có thể tự tìm những sách cần đọc trong một biển sách mênh mông.

Đọc thôi chưa đủ, tôi còn phải viết về những gì mình học được. Trong lớp, giáo sư yêu cầu chúng tôi viết nhật ký để nêu suy nghĩ về các cuốn sách và những sự kiện được tổ chức trong trường, trong thành phố Chicago. Một dạng bài tập viết khác là 3-2-1: nêu 3 ý chính của văn bản, 2 câu hỏi về những điều khó hiểu mà mình muốn hỏi tác giả, 1 câu hỏi để mở rộng tư duy. Ngoài ra, sau khi đọc xong một cuốn sách, chúng tôi còn phải viết luận văn phân tích. 

Để đọc và viết tốt, suy cho cùng, cũng là do suy nghĩ. Dần dần, tôi phát triển được cách đọc chủ động. Khi đọc một cuốn sách, cho dù là sách khoa học hay tiểu thuyết, tôi không còn đơn thuần thỏa mãn với câu chữ bên ngoài, mà phải cố gắng tìm những tầng nghĩa sâu hơn, những thông điệp ẩn trong trang giấy. Ngoài ra, chúng tôi còn phải biết cách trao đổi suy nghĩ của mình với người khác. Giờ học trong lớp không phải để thầy trò cùng nhau đọc lại văn bản, mà là để tranh luận, đặt câu hỏi và trả lời.

Một lần, tôi chia sẻ với giáo sư piano của tôi rằng thời gian đọc và viết chiếm nhiều thời gian tập đàn quá, làm tôi rất hoảng. Thật ngạc nhiên, giáo sư bảo tôi: “Đừng sợ! Dần dần em sẽ tự tìm cách cân bằng được thời gian. Tập đàn dĩ nhiên là quan trọng, nhưng đọc và viết cũng quan trọng không kém nếu em muốn học lên thạc sĩ hay thậm chí là tiến sĩ ở Mỹ. Nhưng tôi tin em sẽ làm được, đừng quá lo lắng!”.

Một điều thú vị khác là không chỉ có sinh viên đại học, mà những học sinh tiểu học ở đây cũng đã sớm được tập luyện thói quen đọc sách. Bài tập toán của các em rất dễ và nhẹ nhàng so với thời tôi còn học tiểu học. Thường thì các em chỉ làm một trang là xong bài tập về nhà. Tuy nhiên, bài tập đọc của các em lại rộng mở và đa dạng và các em được tự do chọn sách theo sở thích, miễn là phù hợp. Thấy cách các em học sinh Mỹ đọc sách, tôi lại nhớ một thời tiểu học của mình. Trong những năm tháng đó, một ngày đi học chủ yếu là để chép “vở sạch chữ đẹp”.

Sách đọc trong trường chỉ là sách giáo khoa, ngoài ra không ai bảo chúng tôi phải tìm tòi đọc thêm sách, có chăng cũng là mấy cuốn sách văn mẫu.

Tôi thực sự yêu cách dạy và học văn ở đây, nơi tôi được tạo điều kiện và thậm chí là bị ép để đọc nhiều, viết nhiều với một tư duy sâu rộng hơn. Có lẽ nhiều người sẽ bảo tôi so sánh khập khiễng nhưng tôi lại tin rằng sự giàu nghèo về vật chất không phải chìa khóa quyết định để có một nền giáo dục đủ để đào tạo được những người biết đọc và viết đúng nghĩa - hai kỹ năng giúp ta có thể tự học cả đời.

Nguồn: NGUYỄN KỲ NAM - SGGP
(Sinh  viên khoa âm nhạc, Trường Đại học North Park)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng