Nhìn ra thế giới
Vài kỷ niệm về lễ truy điệu Bác Hồ ở Paris
08:12 | 17/05/2017

HỒ NAM (1)
      Hồi ký

Năm 1969. Mùa thu này đến với nước Pháp sớm hơn mọi năm. Từ giữa tháng 8, dân chúng Paris đã lần lượt trở về sau thời gian đi nghỉ hè ở thôn quê, rừng núi, bãi biển trong nước và trên thế giới.

Vài kỷ niệm về lễ truy điệu Bác Hồ ở Paris
Chủ tịch đoàn lễ truy điệu Bác Hồ tại Paris ngày 4-9-1969

Từng dòng xe ô tô lại nối đuôi nhau đổ san sát ven các vệ đường... Cảnh vật cũng bắt đầu vào thu. Nếu đến giữa mùa đông, cây cảnh ở các vườn tược, công viên, núi rừng đều như những “cành khô vương tuyết phủ”(2), thì từ đầu thu này, từng hàng cây thẳng tắp trong công viên Luxembourg được cắt xén thành nhiều tầng - dưới nhỏ, càng lên cao các tầng lá càng tỏa rộng dần ra - cũng theo quy luật trời đất mà thay đổi màu sắc: tầng dưới lá bắt đầu vàng rộm, tầng giữa vàng nhạt trong khi tầng trên vẫn cố giữ bản sắc màu xanh sẫm của mùa hè nắng ấm vừa qua.

Cơ quan Tổng đại diện(4) của nước Việt Nam DCCH lúc đó đóng tại ngôi nhà hai tầng ở số 2, phố Le Verrier quận V - Paris; phía phải là phố Assas, bên kia đường là công viên Luxembourg nổi tiếng xinh đẹp mà đại văn hào Pháp Victor Hugo đã nhiều lần miêu tả trong nhiều tác phẩm lớn của ông, nhất là câu chuyện tình của nàng Collette nhỏ nhắn xinh tươi.

Ngoài cơ quan Tổng đại diện, từ năm 1968 còn có hai Đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Paris về hòa bình ở Việt Nam.

Trong nước, cả hai miền đều đánh giặc giỏi. Tại đây, hoạt động ngoại giao của các đoàn đại diện cũng như của phong trào Việt Kiều yêu nước càng sôi nổi hẳn lên. Đặc biệt là sau Tết Mậu Thân 1968, các tờ báo lớn của Pháp, tuy có bài nói về thiệt hại không nhỏ của ta, nhưng phần lớn các nhà báo nổi tiếng đều không ngớt phân tích một cách khách quan những tài năng, trí tuệ, những bí mật bất ngờ của ta cùng những thắng lợi to lớn của chiến dịch. Họ nêu những thất bại cay đắng của Mỹ trên nhiều lĩnh vực mang tính chiến lược, đồng thời cũng không quên nhắn nhủ người Mỹ nên thành thật đi vào thương lượng nghiêm chỉnh.

Trước bối cảnh đó, theo hướng dẫn của Nhà(5), cơ quan chúng tôi dự định tổ chức lễ Quốc Khánh 2/9 năm nay lớn hơn mọi năm để chào mừng ngày quốc lễ và thắng lợi lớn của quân - dân ta, cảm ơn bầu bạn khắp các nước Tây Âu - Bắc Mỹ đã và đang hết mình giúp đỡ - ủng hộ ta, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào Việt Kiều yêu nước tại Pháp và các nước Tây Âu củng cố và phát triển thêm một bước sâu rộng hơn.

Vài hôm trước đó, thông tin của Nhà cho biết diễn biến không bình thường về sức khỏe của Bác, song phần vì một lòng tin tưởng vào trình độ chuyên môn và tình cảm sâu đậm của tập thể thầy thuốc ta đối với Bác mà vững tin rồi đây sức khỏe của Bác sẽ mau chóng hồi phục; phần vì anh em chúng tôi - người ít việc nhiều nên ngày đêm lao vào các mặt công tác đối ngoại, phục vụ đàm phán và chăm lo buổi chiêu đãi được hoàn mỹ...

Lễ Quốc Khánh vừa kết thúc tốt đẹp thì đùng một cái, trưa ngày 3/9 chúng tôi nhận một bức điện hỏa tốc như sét đánh ngang tai. Anh Mai Văn Bộ, lúc đó giữ chức Tổng đại diện(6) mắt nhìn vào bức điện mà tay run bần bật, mặt đỏ sần lên, nước mắt lưng tròng. Anh không đọc nên lời mà chuyền tay nhau xem. Mọi người đều sửng sốt, cúi đầu trong im lặng nặng nề. Đến lượt chị Mai Văn Bộ, do quá xúc động, chị nấc lên rồi òa khóc. Đến lúc đó thì tất cả anh chị em chúng tôi đều không kiềm chế được nữa, cũng khóc theo, một người buột miệng nói trong đau xót vô vàn: “Thế là hết, Bác đã ra đi!”

Trong niềm đau thương vô hạn đó, một chương trình tổ chức Lễ tang Bác được nhanh chóng đưa ra thực hiện. Theo sự phân công của đ/c Tổng đại diện và đ/c Bí thư chi bộ(7), ai nấy đều nén sâu trong lòng tình cảm sâu đậm đối với Bác, lặng lẽ đau xót chuẩn bị nghi thức trọng thể cho Lễ Truy điệu Bác trong nội bộ các đoàn và tổ chức lễ viếng Bác cho quan khách ngoại giao, bầu bạn gần xa và kiều bào ta trong những ngày tiếp theo.

Chương trình Lễ tang tương đối giản dị. Thế mà khi bắt tay vào việc thì thật không đơn giản chút nào. Trong anh em chúng tôi chưa ai có kinh nghiệm tổ chức lễ Quốc tang đối với vị nguyên thủ quốc gia tại cơ quan đối ngoại đóng ở nước ngoài nên cũng không ít lúng túng, bị động. Sắc phục màu sẫm thì không thiếu, nhưng cà-vạt đen chỉ vài người có, phải mua sắm thêm băng tang màu đen may rồi, song màu áo với màu băng tang điệp vào nhau... Phải điện về nhà xin ý kiến mới có băng đen viền đỏ phía trên.

Một việc khác chiếm không ít thì giờ của đ/c trực ban: Những hồi chuông liên tiếp réo lên hai, ba máy điện thoại từ Bộ Ngoại giao, Đảng Cộng sản Pháp và các sứ quán bạn. Xúc động nhất là tiếng nói của anh em bên Trung ương hội Việt Kiều yêu nước(8), của kiều bào, của các cụ phụ lão từ khắp hai mươi chi hội Việt Kiều trên mọi miền của nước Pháp và các nước Tây Âu. Phần lớn họ không tin ở tai mình qua Đài phát thanh. Đến khi nhận được tin chính thức, bà con càng xúc động mạnh hơn trong tâm trạng đau xót ngậm ngùi luyến tiếc khôn nguôi. Chúng tôi phải trả lời cách tổ chức lễ truy điệu, thiết lập bàn thờ, nhận điện chia buồn và tiếp nhận đăng ký ngày giờ họ đến viếng Bác...

Giữa lúc tang gia bối rối như vậy thì khoảng xế chiều - chúng tôi không còn nhớ giờ giấc gì nữa - bỗng có ba tiếng chuông dè dặt gọi cổng. Đ/c thường trực mở cửa đón khách. Trước mắt chúng tôi lúc bấy giờ là một ông cụ già chừng 70 tuổi, mái tóc bạc phơ nhẹ bay theo chiều gió từ cửa lớn lùa vào, sắc mặt hồng hào, bước đi đường bệ. Đối với chúng tôi, ông là một người chưa hề quen biết. Sau vài lời chào hỏi xã giao, ông chủ động xin phép tự giới thiệu:

- Tôi là Trần Văn Hữu, cựu Thủ tướng chính phủ quốc gia!

Thật là bất ngờ! Ông Trần Văn Hữu đây ư? Chuyện cũ chắc hẳn nhiều bạn đọc đã biết rõ. Ông thủ tướng cái chính phủ bù nhìn của thực dân Pháp dưới thời “cựu hoàng” Bảo Đại từ tháng 4-1950 đến tháng 6-1952, đã từng ra mặt chống đối Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ Tịch nhằm giành độc lập dân tộc... Từ sau ngày thất thế đến nay, ông có quan hệ gì với ta đâu? Thế thì bây giờ ông đến đây, vào cái giờ phút tang tóc bận rộn này của chúng tôi để làm gì?

Hình như đọc được ý nghĩ của chúng tôi, ông Hữu nói rõ mục đích của mình:

- “Trước hết xin cáo lỗi cùng các ông về việc tôi đường đột đến mà không lấy giờ hẹn trước. Sau nữa, tôi xin được chính thức xác nhận tin cụ Chủ tịch qua đời mà tôi vừa nghe một cách đột ngột. Nếu là sự thật thì xin phép tôi được chia buồn cùng quý Tòa và xin trân trọng được phép kính viếng Cụ”.

Lại một bất ngờ nữa - Chúng tôi có phần lúng túng. Tuy nhiên, sự thật là như vậy nên đành thưa thiệt với ông: Chúng tôi cũng mới nhận được tin và như ông thấy đó, chúng tôi đang chuẩn bị nghi thức và đến 9 giờ hôm sau mới bắt đầu cử hành lễ tang.

Trước thực tế của công việc bận rộn trong cơ quan, ông Hữu tỏ vẻ thông cảm, đứng dậy tạm biệt chúng tôi. Nhưng khi nhìn sang phòng khách chính, thấy phía bên phải có bức tranh lớn thêu chân dung Bác, ông ngập ngừng giây lát rồi mặc cho anh em chúng tôi đang bề bộn xếp đặt trần thiết bàn thờ trong phòng, ông trịnh trọng đứng nghiêm chỉnh trước bức chân dung, vái mấy vái rồi quỳ lạy hai lạy đúng theo tập quán của người Việt chúng ta lạy người đang sống. Cử chỉ cẩn trọng đó của ông làm cho chúng tôi xúc động và có đôi điều suy nghĩ.

Đúng như chương trình đã định, sáng hôm sau, từ rất sớm các anh Hà Văn Lâu, Nguyễn Minh Vỹ(9) dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH; các anh Đinh Bá Thi, Phạm Văn Ba(10) dẫn đầu phái đoàn đàm phán và đoàn đại diện của Chính phủ CHMNVN; các anh Lâm Bá Châu, Nguyễn Ngọc Hà(11) dẫn đầu đoàn đại biểu Hội LHVKYN tại Pháp cùng anh Mai Văn Bộ và tất cả cán bộ nhân viên cơ quan Tổng đại diện đều mặc tang phục lễ tang, đến làm lễ truy điệu Bác.

Tiếp theo là các đoàn đại biểu của chính phủ Pháp, Đảng Cộng sản, Công đoàn, phong trào Hòa bình Pháp, các nhân sĩ, trí thức, công nhân cùng bầu bạn ngày xưa của Bác, Đại diện các Sứ quán bạn cùng đông đảo bà con kiều bào đã long trọng đến viếng Bác.

Ngoài cơ quan Tổng đại diện, tại trụ sở chính thức của hai đoàn đàm phán, cơ quan đại diện Chính phủ CHMNVN, Hội LHVKYN tại Pháp, cùng nhiều chi hội Việt Kiều khắp nơi trên đất Pháp đều tổ chức lễ truy điệu Bác một cách trọng thể.

Vài hôm sau, Ban chấp hành Trung ương Hội LHVKYN tại Pháp đã long trọng tổ chức lễ truy điệu Bác tại Hội trường Tương tế - Mutualité, hội trường lớn nhất ở nội thành Paris - Hội trường này có 2.500 ghế ngồi; nhưng quan khách đến dự ngót 5.000, kẻ ngồi người đứng chật hết các lối đi. Đoàn chủ tịch gồm các nhân sĩ, trí thức, đại biểu các tôn giáo, các đoàn thể và tổ chức VK tại Pháp, tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc mà Bác Hồ đã đề xướng. Tiêu biểu là các ông Lâm Bá Châu, Trần Văn Hữu, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, linh mục Nguyễn Đình Thi, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, cựu Trung tá Trần Đình Lan v.v... (ông Trần Đình Lan làm tình báo dưới thời Pháp trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, đã bị chính phủ Ngô Đình Diệm trục xuất từ năm 1960).


Hội sinh viên và Phật tử Việt Nam tại Pháp cũng tổ chức lễ cầu siêu cho Bác theo nghi lễ Phật giáo, Chủ lễ là Thượng tọa Thích Thiện Châu, một Thượng tọa người Anh và sư cô Mạnđàla.

Đến ngày hội hàng năm của tờ báo Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp tại công viên Vincennes, Hội Việt Kiều cũng giành một gian phòng lớn để tưởng niệm Bác. Những người yêu quý Bác Hồ đã tự động xếp thành hàng đôi nối dài chờ đến phiên mình vào viếng và ghi sổ tang.

***

Tình cảm cao quý vô biên của Kiều bào - đặc biệt là bà con đồng quan điểm, có quan hệ với ta từ lâu và của bạn bè các nước châu Âu - thật quá lớn - Từng cử chỉ, lời nói, việc làm của họ trong thời gian này đã khắc sâu vào tâm khảm tôi. Tôi xin ghi vài nét điển hình của một số người Việt sinh sống ở Pháp từ lâu mà chưa có điều kiện quan hệ với ta do những tác động chủ quan của phía đại diện chính quyền Sài Gòn tại Paris:

Lễ truy điệu Bác trong nội bộ kết thúc trước 9 giờ. Đúng 9 giờ, cơ quan Tổng đại diện mở cửa đón khách. Cánh cửa vừa mở, một đoàn người cả Việt lẫn Pháp đã xếp thành hàng dài trên vệ đường từ bao giờ. Người đứng ở hàng đầu chính là ông khách đã đến hôm trước: ông Trần Văn Hữu. Hôm nay ông đến trong bộ âu phục màu đen, thái độ trầm mặc hơn, dáng vẻ buồn rầu hơn. Ông nghiêm nghị, từ tốn đến trước bàn thờ tưởng niệm Bác lạy bốn lạy, mỗi lạy ông đều phủ phục sát đất trong giây lát. Lễ xong, ông đi lùi mấy bước rồi đến chiếc bàn ghi cảm tưởng vào sổ tang. Ông ghi, đại ý là: “Xin nghiêng mình trước anh linh của Cụ, người Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình, yêu chuộng công lý thế giới”.

Đến lượt dăm ba người quen khác nữa mà tôi không còn nhớ tên. Sau đó là một khách lạ, trên dưới 50 tuổi, khuôn khổ đậm đà, nét mặt trung hậu, cao gần 1m60 trong bộ âu phục màu sẫm. Người này có nước da ngăm ngăm đen, trông Á không hẳn Á, mà Âu thì chắc chắn là không có đường nét người Âu. Chính những đặc điểm này đã thu hút sự chú ý các cán bộ túc trực bên bàn thờ Bác. Khách đến thi lễ mấy vái trước bàn thờ Bác. Một cán bộ ngoại giao khác đến thay phiên túc trực cho tôi. Nhân đó, tôi hướng dẫn khách đến ghi cảm tưởng vào sổ tang. Nội dung lời ghi cũng tương tự như lời ông Hữu. Nhìn thoáng dưới chữ ký tôi thấy: G.Vĩnh San. Tôi khẳng định ngay rằng vị khách này có quan hệ huyết thống với người Việt chúng ta rồi. Chữ G. trong tiếng Pháp viết tắt có thể là Grigori, có thể là Georges... gì đó. Nhưng sao lại là Vĩnh San? Một luồng hồi tưởng nhanh chóng vụt đến trong đầu tôi: Vĩnh San là tên húy của cựu Hoàng đế Duy Tân - một nhà vua yêu nước - đã bị chế độ thực dân đày sang Reunion từ lâu, và đã qua đời trong một tai nạn máy bay hồi cuối năm 1945 gì đó rồi kia mà!?

Tôi mời ông vào phòng khách đối diện với phòng lễ tang dùng trà Thanh Hương từ Hà Nội gửi sang. Vừa nhấp vài ngụm nhỏ, khách khen trà nóng thơm ngon, hương vị đậm đà mà từ lâu ông ít có dịp được thưởng thức... Rồi với thái độ tự nhiên, khách chủ động tự giới thiệu:

- Tôi là Georges Vĩnh San, trưởng nam của vua Duy Tân ngày trước, hiện là Phó thanh tra Hải quan vùng Paris Bắc (Sous Inspecteur des Douanes du Paris Nord), xin thay mặt gia đình đến chia buồn với ông Tổng đại diện cùng các ông trong cơ quan và kính viếng Cụ Chủ tịch, vị lãnh tụ kính mến mà chúng tôi hằng khâm phục... Chưa rõ chính kiến của ông ra sao, nhưng sau câu chuyện ngắn ngủi ấy được biết ông là con một nhà vua yêu nước, nhiệt tình đến viếng hương hồn Bác Hồ kính yêu, chúng tôi thấy có cảm tình ngay với ông Georges. Từ mối quan hệ tình cảm cao đẹp đầu tiên đó, về sau này giữa ông Georges cùng gia đình với Đại sứ quán ta thường có mối liên hệ trên một số công việc cần thiết như chúng ta đã biết.

Chiều hôm sau, một bà cụ già ngoài 60 tuổi chưa từng quen biết đến viếng Bác. Bà ngồi bệt xuống sàn nhà, hai chân xếp “bà he” theo tập quán của phụ nữ Việt Nam, lạy Bác. Trong không khí trang nghiêm của phòng lễ, bà vừa lạy vừa nấc lên từng tiếng đứt đoạn, nước mắt chảy dài hai bên má... Vừa ra khỏi nhà, bà khóc òa lên. Mọi người kinh ngạc. Tôi liền rảo bước, dìu bà đến cuối đường Le Verrier. Anh cảnh sát Pháp nhanh chóng đến trạm điện thoại tự động giành riêng cho ngành công an, gọi tắc xi.

Trên đường đi tôi tìm lời khuyên bà hãy bình tĩnh, bớt đau buồn, ảnh hưởng đến sức khỏe... Bà vẫn ấm ức rồi khóc to hơn. Nhiều người ló đầu qua cửa sổ. Một bà cụ già cùng một bé gái - mà tôi đã làm quen trong trại hè của Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp tại rừng Fontainebleau vừa qua - cũng dìu bà một bên. Sau khi lấy lại thăng bằng và hình như cảm thấy thái độ quý mến của chúng tôi, bà bắt đầu kể trong nước mắt:

- Quê tôi ở 19 thôn vườn trầu. Ông nhà tôi vâng theo lời kêu gọi của cụ Hồ đã tham gia kháng chiến từ năm 46. Năm 50 ông bị Pháp bắt rồi biệt tích luôn. Tôi có ba con: một trai, một gái đã lập gia đình ở Sài Gòn, thằng út sang đây học bác sĩ, tôi đi theo nó...

Đến đây bà lại khóc:

Tôi chưa tham gia phong trào Việt Kiều được, bọn họ (ám chỉ Sứ quán(12) Sài Gòn tại Pháp) gây khó khăn rắc rối lắm! Nhưng trước sau tôi vẫn một lòng một dạ theo Cụ Hồ.

Bà già người Pháp cũng động viên bà. Trong nước mắt ràn rụa, bà lại khóc kể:

- “Cụ ơi! Suốt đời Cụ chỉ một mực chăm lo đất nước, không hề nghĩ đến bản thân... Đến nay Cụ ra đi không để lại được một giọt máu để nối dõi tông đường!”

Chúng tôi giải thích:

- Mấy chục triệu người Việt ta từ bắc chí Nam, đều là con cháu Bác!

- Đó là những người yêu nước, những đứa con cùng lý tưởng... Dẫu sao cũng có một chút huyết thống của Cụ vẫn quý hơn!

Ở Pháp hồi đó đã có khá đông kiều bào ta sang làm ăn sinh sống học hành. Nhưng trong những người sang từ trước năm 1945 thì phần rất đông là lính chiến và lính thợ không chuyên (gọi tắt là ONS - Ouvrier non spécialisé). Vốn liếng về tiếng Pháp của họ chỉ hạn chế trong những sinh hoạt bình thường, không đủ từ ngữ để diễn đạt những vấn đề hắc búa của cuộc sống. Trong lúc đó thì con cháu họ được sinh ra và lớn lên tại Pháp, rất thông thạo tiếng nước sở tại, ngược lại tiếng Việt thì chỉ bõm bẻm dăm ba câu. Vì muốn cho con cháu mình biết về đời hoạt động và đạo đức cách mạng của Bác Hồ, số bà con này phải dày công sưu tầm những tài liệu, bản dịch lời di chúc của Bác, điếu văn của BCH Trung ương Đảng và những bài báo nói về Bác xuất bản tại Pháp cho con cháu đọc. Các cháu cũng rất chăm chú đọc để được hiểu về Bác nhiều hơn và cố gắng sống, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ.

Tại các buổi lễ truy điệu Bác ở quận 9 - Paris và ở thành phố cảng Marseille, một bạn Pháp và một kiều bào đã cùng nói lên một dòng suy nghĩ:

- Ngày nay, muốn tìm thấy những cán bộ tận tâm, tận tụy, chí công, vô tư phục vụ nhân dân thì xin mời về Hà Nội.

Với những người làm công tác đối ngoại ở nước ngoài, chúng tôi thường nhắc nhủ nhau lời dạy của Bác từ những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ, đại ý là: "... cái kim, sợi chỉ của đồng bào cũng không được đụng đến nếu chưa được bà con đồng ý...”. Từ đó, trong chúng tôi đã hình thành một phương châm: Mỗi người cách mạng đều phải có quả tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay trong sạch.

Từ những năm trước đó, nhất là từ khi mở rộng công tác ngoại giao với cuộc hòa đàm bốn bên tại Paris về vấn đề hòa bình ở Việt Nam cho đến những năm cuối thập kỷ 70, anh chị em chúng tôi đều đã sống xứng đáng với điều mong muốn trên đây, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng mà Bác Hồ đã dày công rèn luyện, khách quan vô tư trong các mặt công tác.

Từ sau những ngày lễ tang đó, mỗi lần bồi hồi nhớ Bác, chúng tôi lại muốn lần theo vết chân của Bác. Đêm thu trời se lạnh. Chúng tôi lặng lẽ đi bách bộ trên các đường phố Arago, Jacque Challet hoặc Marché des Patriarches - là những con đường ngày xưa Bác thường lui tới làm báo Le Paria - với niềm hy vọng có một vài bước chân mình được gặp lại những vết chân của Bác trong thời đi tìm đường cứu nước. Có khi chúng tôi tới nhà số 6 Villa de Goblin, nơi Bác đã đêm đêm luận bàn việc nước với Cụ Phan Chu Trinh, hoặc đến số 9 ngõ Compoint quận 17 - Paris, ngước nhìn lên khung cửa sổ hướng về phương Đông mà Bác đã từng kêu lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Sau khi sung sướng tìm ra đường lối cứu nước trong luận cương của Lênin.

(HỒ NAM kể XUÂN HUY ghi)
(TCSH42/04&05-1990)


---------------
Ghi chú:

(1) Sinh năm 1926. Học sinh trường Paul Bert - nay là Trường PTCS Phú Hòa A-Huế, là cán bộ ngoại giao của cơ quan TĐD, làm công tác vận động chính trị - văn hóa, lãnh sự tại Pháp và các nước Tây Âu từ 1969 đến 1977.
(2-3) Hai câu thơ của Tuấn Lan, trong Hội VKYN tại Pháp.
(4) Thời gian này, quan hệ giữa ta với Pháp đang ở cấp Tổng đại diện. Từ năm 1973 - sau Hiệp định Paris được ký kết - đã nâng lên cấp Đại sứ.
(5) Chi Bộ Ngoại giao ta.
(6) Những năm cuối thập kỷ 70, anh Mai Văn Bộ giữ chức Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của ta tại Pháp.
(7) Thời gian này cả cơ quan TĐD chỉ có 1 chi bộ Đảng. Sau này thành lập Đảng ủy cơ quan.
(8) Tên của Hội trong thời gian đó, nay là Hội Người Việt tại Pháp.
(9) Phó Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ ta tại Paris.
Lúc này đ/c Lê Đức Thọ cố vấn đặc biệt của chính phủ bên cạnh đoàn đàm phán đang ở trong nước; Cố Bộ trưởng Xuân Thủy, trưởng đoàn đàm phán của chính phủ VNDCCH, về nước dự lễ tang Bác.
(10) Anh Đinh Bá Thi; Phó Trưởng đoàn đàm phán chính phủ CHMNVN tại Paris. Bộ trưởng ngoại giao chính phủ CHMNVN Nguyễn Thị Bình, về nước dự lễ tang Bác.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng