Nhìn ra thế giới
Hành hương miền đất thánh
08:55 | 11/07/2017

VÕ QUÊ

Trong cuộc đời mỗi người Kitô hữu, ai cũng ao ước được đặt chân đến Đất Thánh, miền đất mà Chúa Giêsu đã sinh ra, lớn lên, rao giảng Tin Mừng rồi Tử Nạn và Phục Sinh.

Hành hương miền đất thánh
Tác giả tại bức tường Thai Khóc

Một Đức Giêsu lịch sử, đã làm sống lại đất nước Do Thái. Đặt tay lên tảng đá nơi Đức Mẹ quỳ gối đáp lời “Xin Vâng”, quỳ cầu nguyện trước tảng đá mà Chúa Giêsu đã quỳ cầu nguyện trước cuộc khổ nạn, hôn kính tảng đá nơi đặt xác Chúa Giêsu hạ xuống từ thập giá… và bao nhiêu địa danh khác gắn với cuộc đời Đấng Cứu Thế, thật đáng kính hấp dẫn mời gọi”.

Chính từ lời giới thiệu lôi cuốn trên của Linh mục Nguyễn Hữu An với sự kết nối của con trai trưởng và anh chị Trần Văn Thành đã từng cùng tôi chung tour du lịch Mỹ tháng 7 năm 2016 do công ty Hoàn Mỹ thực hiện mà tôi, dù không phải là một Kitô hữu cũng đã quyết định tham gia đoàn du lịch của những người Công giáo Việt Nam do Linh mục Nguyễn Tiến Dũng dẫn đầu về Miền Đất Thánh Nazarét - Jerusalem - Bethlehem trong 8 ngày 7 đêm được Carnival Co. tổ chức từ 11/3 đến 18/3/2017.

Nghe tôi sắp sang Israel, Palestin tham quan Miền Đất Thánh đã có một số người thân, bạn bè bày tỏ sự quan ngại với tôi về một vùng đất Trung Đông bất ổn chính trị; những thảm họa khôn lường; những biến động bất ngờ; nhiều hiểm nguy có thể diễn ra đột biến… Tôi chân thành cảm ơn mối quan tâm thiết thân ấy và lặng lẽ nhờ con trai trưởng đăng ký cuộc hành hương Holly Land khi tự nhủ đùa với chính mình rằng sống chết có số, người ta đi được thì mình đi được, vả lại các tên gọi những nơi chốn ấy đã từng sống động trong trí nhớ tôi qua từng bài học địa lý thời niên thiếu nghe rất xa xôi, tưởng chừng không bao giờ mình đặt chân lên được như Địa Trung Hải, Biển Chết, Jerusalem…

Đến sân bay Tel Aviv trong ngày thứ nhất của cuộc hành hương vào lúc 9 giờ tôi thấy mình thanh thản, lâng lâng niềm vui nhỏ. Không có sự bất an nào hết! Ngôi sao David 6 cánh thanh nhã trong đại sảnh phi trường bình yên chào đón. Wallis, người hướng dẫn viên bản địa thân thiện báo tin chuyến hành hương Holly Land được khởi đầu từ giờ phút này. Tiếng Kinh sáng của đoàn ngân lên trên xe bus. Tôi hiểu, tôi đang bắt đầu hòa nhập vào tinh thần cộng đoàn của người Công giáo và cộng đoàn này có lẽ cũng đang nghĩ tôi cũng là một Kitô hữu. Lời kinh cầu từng chữ hòa thanh dọc cung đường “Kính mừng Maria đời ơn phước…”.

Thành phố cổ Caesarea nằm cách thủ đô Tel Aviv của Israel 40km về phía Bắc bên bờ Địa Trung Hải là điểm dừng đầu tiên đầy ấn tượng. Thành cổ Caesarea được vua Herod Đại Đế xây dựng những năm 20 trước công nguyên và ông đã đặt tên Ceasarea để tưởng nhớ Hoàng đế La Mã Ceasar Augustus. Được biết người La Mã trong lịch sử đi tới đâu cũng tiến hành xây thành quách, dinh thự, hào, lũy, pháo đài… để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Họ thiết lập cơ sở hạ tầng hiện đại nhất thời bấy giờ của mình ở mọi nơi. Vì thế thành cổ Caesarea được ví von như “Tiểu La Mã trong lòng Israel”. Thành phố này còn lưu lại di tích con kênh dẫn nước nổi Caesarea được vua Herod Đại Đế xây dựng từ giữa năm 23 đến 13 trước công nguyên để dẫn nước vào thành phố.

Bên bờ Địa Trung Hải


Nhìn màu nước xanh biếc của Địa Trung Hải tôi không khỏi chạnh lòng muốn được đắm mình trong sóng biển. Thời gian ngắn ngủi khi ghé nơi này không cho phép dừng lâu nên tôi chỉ kịp chạy xuống đặt hai tay mình xuống nước đại dương như muốn chứng tỏ, muốn trả lời với thời niên thiếu đã từng mơ ước của mình: “Tôi đã tới Địa Trung Hải rồi đây!”

Địa điểm tiếp theo trong ngày là được ngắm xem toàn cảnh Vườn Bahai từ trên cao, nơi đây được mệnh danh là một trong 30 vườn hoa đẹp sánh với châu Âu, được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2008 thuộc thành phố hải cảng Haifa nằm bên bờ Ðịa Trung Hải và là thành phố lớn nhất miền bắc Israel. Vườn treo Bahai được tạo dựng trên sườn ngọn núi Carmel với cảnh quang vô cùng thơ mộng, trữ tình, hết sức quyến rũ. Vườn cảnh thiết kế theo phong cách Ba Tư với nét đặc trưng quen thuộc là những khu vườn có dạng hình học; được chăm chút rất tỉ mỉ, nhiều chủng loại cây và hoa cảnh đầy màu sắc cùng hệ thống các đài phun nước được những bàn tay tài hoa trang trí điêu luyện, tinh xảo… Khu vườn nằm trên một ngọn đồi cao giữa trung tâm thành phố hướng nhìn ra bờ biển tạo nên một cảnh quan văn hóa tuyệt đẹp, là thánh địa thiêng liêng của các tín đồ theo đạo Bahai trên toàn thế giới.

Đi thuyền ngắm cảnh trên biển hồ Galilê là một chiều tuyệt vời, kỳ thú! Trong nắng gió phóng khoáng những cánh chim trời chao liệng quanh thuyền. Thủ thủy đoàn hiếu khách mời bạn hành hương chung vũ điệu vui nhộn, tưng bừng hứng khởi. Tôi níu vai bạn đồng hành nhảy nhịp nhanh, xoay tròn quên mình là người cao tuổi. Điệu múa dứt, tôi ngồi trước mũi thuyền chụp ảnh, tình cờ một cánh hải âu bay lướt trên đầu và không ngờ cánh chim ấy lưu hình trong phút giây người bạn đường trẻ là Công Danh bấm máy. Do trước khi đến với biển hồ Galilê tôi đã kịp tìm hiểu nơi này nên càng tận hưởng những gì mình đang cảm nhận. Được biết, phần lớn hoạt động giảng đạo của Chúa Giêsu diễn ra trên vùng bờ hồ này. Thời đó có một dải làng mạc và nơi định cư liên tiếp chung quanh hồ với việc buôn bán thịnh vượng và chở thuyền trên hồ. Nhiều phép lạ của Chúa Giêsu cũng xuất hiện tại đây, trong đó có việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước hồ, dẹp yên bão tố và việc biến vài cái bánh và mấy con cá biến thành số nhiều để nuôi 5.000 người tại khu Tabgha, nơi hiện nay có Nhà thờ Hóa Bánh ra nhiều mà tôi đã có dịp đến viếng thăm với sự ngưỡng mộ thầm kín. Trong tâm thức nhiều người, hồ Galilê có rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp về cuộc đời của Chúa Giêsu; đã trở thành nơi hành hương lớn của các tín hữu Kitô giáo, nhiều dịch vụ du lịch cùng nhiều nhà nghỉ cho du khách đã phát triển nơi đây.

Tiếp theo cuộc lên núi Tabor viếng thăm Nhà thờ Chúa Biến hình, nơi Chúa Giêsu biến hình trước các môn đệ là viếng thăm Nhà thờ Tiệc Cưới Cana, thánh tích này được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng của toàn cục chương trình hành hương của đoàn vì tại đây sẽ diễn ra thánh lễ và nghi thức hấp hôn cho ba cặp đôi vợ chồng tham gia trong chuyến đi là các ông bà Trần Văn Thành - Nguyễn Thị Phước (43 năm), Nguyễn Hữu Quí - Nguyễn Thị Lan (42 năm), Nguyễn Văn Kiểm - Vũ Thị Hải (42 năm). Với họ đây chính là kỷ niệm thiêng liêng, đẹp đẽ hạnh phúc nhất trong đời của người Kitô khi được hân hạnh tiến hành lễ hấp hôn tại một thánh đường mang tên Nhà thờ Tiệc Cưới do tại đây trong một tiệc cưới Chúa đã hóa nước thành rượu.

Tôi đã rất xúc động, đôi mắt cứ rưng rưng chực khóc trước cảnh bác Trần Văn Thành gần như nức nở khi ôm vai người vợ nghe Cha Nguyễn Tiến Dũng tuyên bố lễ hấp hôn đã viên thành. Chắc bác Trần Văn Thành không cầm được mắt là vì với chồng bác đã xem đây là niềm vinh dự lớn lao khi được hấp hôn nơi chốn linh thiêng một thời Chúa ban phép lạ. Nước lã hóa thành rượu. Rượu nuôi dưỡng hạnh phúc bền lâu trong từng mái ấm gia đình thủy chung đầy ơn phước. Tôi háo hức nhìn ba tấm bằng chứng nhận lễ hấp hôn của ba cặp vợ chồng đang cầm một cách kính quý trên tay họ; vội vàng và vụng về tôi chụp vội một tấm hình.

Trên đường từ Bethlehem đi Jerusalem chúng tôi đã lần lượt viếng các Thánh tích Cánh Đồng Chiên, Nhà thờ Mục Đồng, nơi các thiên thần đã truyền tin cho các mục đồng về sự kiện Chúa giáng sinh. Điểm đến nào cũng gây cho tôi niềm xúc động về những giá trị tâm linh đang được người đương thời trân trọng giữ gìn. Những dấu tích xưa dưới các tầng đất sâu vẫn còn lưu dấu; điều ấy chứng tỏ ngày xưa đã có những hiện tại diệu kỳ, tươi đẹp để hàng ngàn năm sau thành những quá khứ đầy ơn phước cho người người trên cõi thế bình an chiêm bái, viếng thăm.

Chúng tôi đã dừng lâu ở Hang Giáng Sinh mà theo tư liệu tôi được đọc nay là Nhà Thờ Giáng Sinh, một vương cung thánh đường ở Bethlehem, thuộc vùng lãnh thổ của Nhà nước Palestine. Nhà thờ này nguyên thủy do Constantinus Đại Đế và Hoàng thái hậu Helena xây dựng từ năm 327 sau Công nguyên trên vị trí mà theo truyền thống Thánh được coi là ở bên trên hang nơi sinh Chúa Giêsu. Nhà Thờ Giáng Sinh nguyên thủy được hoàn thành năm 339 sau Công nguyên và bị trận hỏa hoạn tàn phá trong thời những cuộc nổi dậy của người Samaritan ở thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Năm 565 sau Công nguyên Đế quốc Byzantine xây dựng lại nhà thờ này theo phong cách kiến trúc nguyên thủy. Sau đó đã có nhiều kiến trúc bổ sung với các tháp chuông nổi tiếng. Do lịch sử văn hóa và địa lý, nhà thờ này có một ý nghĩa tôn giáo quý giá đối với cả hai tín ngưỡng Kitô giáo và Hồi giáo. Nhà thờ Giáng Sinh được Unesco công nhận là một Di sản văn hóa thế giới, và là di sản thế giới đầu tiên thuộc Palestine được công nhận. Nhà thờ này cũng được đưa vào Danh sách di sản thế giới bị đe dọa của Unesco. Tại chính nơi Đức Mẹ Maria hạ sinh Chúa Giêsu là một ngôi sao được khắc bằng bạc 14 cánh. Những người hành hương đã kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đến lượt mình nằm phủ phục trang trọng cung kính hôn lên ngôi sao bạc. Cảnh quang thật thiêng liêng trân quý, giàu có đức tin. Gần Thánh đường Giáng sinh là Vương cung thánh đường Thánh nữ Caterina, nơi đây thường được cử hành trọng thể mỗi dịp Giáng sinh toàn thế giới.

Vừa viếng Thánh đường Giáng sinh xong thì chúng tôi nghe Cha Nguyễn Tiến Dũng thông báo mọi người phải đi bộ thật nhanh đến Nhà Thờ Hang Động Sữa - Milk Crotto - vì đã sắp tới giờ đóng cửa. Dù đoàn đã bươn bả hết mình cố nhanh chân bước nhưng vẫn không còn kịp nữa. Trong lúc mọi người đang tiu nghỉu thất vọng thì một vị linh mục từ trong nhà thờ xuất hiện với nụ cười nhân hậu; khi biết chúng tôi từ Việt Nam xa xôi đang tha thiết mong được viếng Milk Crotto, Cha Lorenso, dòng Phanxico đã rất vui vẻ, ưu ái mở cửa mời chúng tôi vào viếng Thánh đường này. Tại đây, tôi lại có dịp hiểu thêm một thánh tích mới: Nhà Thờ Hang Động Sữa - Milk Crotto. Tương truyền khi Thánh Giuse và Mẹ Maria trên đường tị nạn sang Ai Cập họ đã trú chân ở nơi đây. Một giọt sữa của Mẹ khi cho Chúa Hài đồng Giêsu bú đã rơi xuống tạo nên một phép mầu huyền nhiệm: Toàn bộ tường đá nơi này thành màu trắng như sữa. Điều kỳ diệu ở đây là niềm tin không chỉ dành cho những bà mẹ Kitô giáo nhưng mà còn từ các bà mẹ Hồi Giáo; và theo các tôn giáo khác trên thế giới. Mỗi tôn giáo có cách thức cầu nguyện khác nhau. Riêng các cặp vợ chồng Công giáo thì cạo lấy bột trắng trong các hang pha với sữa hay nước uống để nguyện cầu sinh con trẻ. Trong vòng 15 năm trở lại đây đã có trên 1700 hài nhi được sinh ra do lòng tin của các cha mẹ khi đến đây cầu nguyện và đã có nhiều lá thư tạ ơn Đức Mẹ Maria được gửi đến Hang động Sữa do các cha mẹ mới có con sau một thời gian dài hiếm muộn. Thậm chí có người còn mang các con đến đây để nói lên lòng biết ơn Đức Mẹ Maria.

Khi được ngắm nhìn bức tranh lớn hình ảnh Đức Mẹ Maria cho Chúa Hài đồng Giêsu bú, tôi đã thầm nghĩ ra hai câu lục bát rồi ngân nga theo điệu lý Chuồn chuồn hay còn gọi lý Tiểu khúc ngợi ca: Ngọt lành hương sữa Mẹ thơm. Mẹ quý yêu Chúa nguồn thương vô cùng! Với chính câu lý này tôi đã ca tặng Cha Nguyễn Tiến Dũng, trưởng đoàn hành hương nghe bên bờ Biển Chết.

Biển Chết nằm trên biên giới giữa Bờ tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Theo dòng tư liệu trên internet tôi được biết “Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. Biển Chết dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất là 400 m. Biển Chết có sức lôi cuốn đặc biệt và các du khách từ các khu vực xung quanh Địa Trung Hải trong hàng nghìn năm qua. Nó là nơi nương tựa của vua David, một trong các nơi nghỉ ngơi đầu tiên trên thế giới của Herod Đại Đế, và là nguồn cung cấp các sản phẩm như nhựa thơm cho việc ướp xác của người Ai Cập, bồ tạt để làm phân bón”.

Trên xe bus, Wallis dặn dò chúng tôi hãy cẩn thận khi lát nữa đây tắm nơi Biển Chết. Nhớ đừng cho nước vương vào mắt khi nằm ngã bềnh bồng trên Biển Chết vì độ mặn nước biển ở đây rất lớn, không tốt cho giác mạc mắt khi bị dính. Nhìn những người du khách bôi bùn đen Biển Chết lên cơ thể chỉ chừa lại những đôi mắt tinh anh hay thả ngã người thong dong trên mặt biển trong nắng chiều vàng chói, tôi có cảm giác sung sướng thầm vì chính mình đã được đến đây: Biển Chết. Một nơi mà thời học trường làng Chuồn thầy Trợ Sĩ đã kể cho chúng tôi nghe đến ngẩn ngơ và kháo nhau rằng sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy được đâu.

Nhưng giờ đây tôi đã có mặt cùng Biển Chết. Háo hức, tự tin tôi chịu khó bước lên bùn đen lồi lõm chỗ cạn chỗ sâu dính chặt đôi chân. Tay cầm tờ giấy có bài ca Tương tư khúc viết trên xe bus, tôi cẩn thận ngã người trên mặt biển. Nước Biển Chết nâng tôi nổi nhẹ tênh một cách tự nhiên mà không cần làm động tác giữ người nổi lên như đã từng tắm biển Thuận An. Tôi vốc một ngụm nước biển đưa vào miệng để biết độ mặn ra sao. Mặn! Đúng là rất mặn! Mặn chát tê đầu lưỡi! Nếm nước Biển Chết xong tôi ca Huế trên Biển Chết trong tư thế bềnh bồng. Tôi đã ca Huế ở Biển Chết rồi đó nghe các bạn của tôi ơi! Tôi tin Biển Chết đã nghe tôi hát và ít ra đã có một khoảnh khắc ca Huế sống cùng Biển Chết. Tôi may mắn được bác Trần Văn Thành trên bờ xa chụp ảnh. Tấm ảnh quý báu để đời với Biển Chết xanh trong.

Đọc trong chương trình hành hương có viếng Đồi Sọ - Golgotha, trước khi khởi hành lên 14 Chặng Đàng Thánh Giá tôi đã hỏi bác Trần Văn Thành “Đồi Sọ ở đâu?” Bác Trần Văn Thành sau đó đã rất chịu khó tìm hiểu trên bản đồ, hình ảnh, tài liệu về Đồi Sọ để trả lời tôi thật chi tiết: “Để đi 14 Chặng Đàng Thánh Giá, phải vào thành Jerusalem, qua cổng Dung Gate, nơi bắt đầu Chặng 1 là Antonia’s Fortress còn gọi là Antoni Tower; gần đó có nhà giam Chúa Giêsu (Prison of Christ) và nhà thờ nơi Chúa bị đánh bằng roi và đội mũ gai (Church of Flagellation). Đến Chặng Đàng Thánh Giá 6, Chúa gặp bà thánh Veronica trao khăn cho Chúa lau mặt (Church of St Veronica) và Đồi Sọ (tiếng Việt), còn được gọi là Đồi Calvary, nơi dựng cây thánh giá, treo Chúa và đóng đinh Chúa (Chặng Đàng Thánh Giá 11) hiện nay nằm trong quần thể của nhà thờ Church Of the Holly Sepulchre nơi có mộ Chúa Giêsu, tảng đá đặt xác Chúa Giêsu.”

14 Chặng Đàng Thánh Giá ngày nay đã thành những khu phố sầm uất với thật nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm đủ loại, phong phú sắc màu cho du khách, tại đây những người hành hương có thể thuê một cây thánh giá với số tiền 50 đô la để vác lên vai qua 14 Chặng Đàng Thánh Giá thể hiện đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa; mong được như Người cứu rỗi nỗi đớn đau trần thế. Riêng tôi, tại tảng đá đặt xác Chúa Giêsu tôi đã kính cẩn nghiêm trang áp hai bàn tay mình lên đó Hiểu và Thương trong tâm thế nhẹ nhàng.

Khi biết tôi đến tham quan Jerusalem, từ Cần Thơ nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết đã nhắc tôi trong chuyến đi này là phải đến thăm cho bằng được Bức Tường Than Khóc. May mắn thay là trong lịch trình có đến viếng nơi này nên tôi đã không phụ lời dặn dò của nữ sĩ Cần Thơ. Để vào Bức Tường Than Khóc (Western Walling) phải đi qua cổng Dung Gate, và Quảng trường Western Wall Plaza. Theo lời người hướng dẫn viên bản địa tôi được biết Bức Tường Than Khóc đôi khi còn được gọi là Bức tường phía tây hay đơn giản là Kotel, nghĩa là Bức tường; một địa điểm tôn giáo thiêng liêng, quan trọng của người Do Thái tọa lạc ở Phố cổ Jerusalem. Tại đây, có một phong tục tâm linh thiết thân là việc người hành hương viết một lời cầu nguyện trên một mảnh giấy và đặt mảnh giấy trong khe hở một nơi nào đó trong bức tường. Hơn một nửa bức tường, gồm 17 hàng tường nằm ở bên dưới đường phố, có niên đại từ cuối thời kỳ Second Temple, được Herod Đại Đế xây dựng vào khoảng năm 19 trước Công nguyên.

Hòa vào dòng người đến viếng và chụp hình nơi Bức Tường Than Khóc, tôi cũng được bạn Hương một nữ giáo dân trẻ ở Phú Quốc đồng hành chụp tấm hình kỷ niệm không phải với sự than khóc mà bằng một nụ cười. Một nụ cười thật tươi tắn tôi tự mừng tôi đã đến viếng thánh tích này!

Qua chuyến hành hương Holly Land bên cạnh việc “mục sở thị” những Thánh tích lịch sử của một vùng đất cổ tôi lưu bước chân mình, còn có sự trải nghiệm thú vị, khinh khoái, bổ ích khác là được tiếp cận với cộng đoàn Công giáo Việt Nam, những người đã đồng hành cùng tôi suốt nhiều dặm lữ hành. Tôi không bỏ sót một cuộc Thánh lễ hàng ngày nào của đoàn tại các thánh đường trầm mặc trang nghiêm. Trong lắng sâu tôi nghe được tinh hồn của những bài thánh ca cao khiết; thẩm thấu điều vi diệu từ những con người nhân hậu có đức tin bền bỉ sáng trưng. Ánh nến lung linh nơi chốn nguyện cầu tỏa ấm giấc ngủ đơn thân trong mỗi đêm đông lạnh lẽo, xa nhà. Hình ảnh các Kitô hữu kính cẩn đứng quanh Cha Nguyễn Tiến Dũng đang tay cầm Kinh thánh đọc trước các thánh tích với tôi là những hoạt cảnh tôn giáo sinh động. Lần theo từng trang kinh thánh tôi được chạm vào từng thớ đá, thảo hoa lịch sử; tận hưởng được hương bác ái, vị tin mừng; nghe trọn vẹn thanh âm bình yên những hồi chuông gióng lên từ các thánh đường được kiến trúc hài hòa, tài ba bởi các nghệ sĩ xưa đã rất toàn tâm toàn ý vì đức tin Thiên Chúa mà sáng tạo nên nhưng công trình tuyệt mỹ.

Chính vì hiểu được phần nào giá trị quý báu chuyến hành hương này nên trong một lần trên xe bus khi đoàn cầu kinh sáng, tôi đã vội vàng nguệch ngoạc bài ca Huế bày tỏ tâm tình mình vào cuộc hành hương theo làn điệu Tương tư khúc. Lúc đoàn chấm dứt buổi cầu kinh tôi xin phép đoàn cho tôi được cất cao giọng hát trong khi xe bus vẫn bon bon lướt. Tôi biết ơn đoàn đã chịu khó lắng nghe một giai điệu mà tôi biết họ mới tiếp cận lần đầu. Hồn âm nhạc, tình người đã hòa quyện trong giọng ca tôi. Tôi hiểu cho dù mình ca không hay nhưng tôi đã ước mong chuyển tải tiếng lòng mình lên đó. Ngẫu hứng tôi gõ nhịp ca rằng: “Vui cuộc hành hương trên cung đường bình an vô hạn. Thăm Thánh tích tâm hồn càng thêm rung động. Trời cao rộng. Niềm hy vọng. Cứu rỗi trần gian. Chúa mãi dương quang. Lời nguyện cầu ngân vang bao nguồn thương. Câu kinh hòa nhịp quê hương nhiều cung bậc. Hòa âm đẹp chúc cuộc đời nhau bền bỉ sắt son. Bao dung tình nghĩa yêu thương. Chúa ban hồng ân. Cuộc hành hương ơn Chúa vô cùng!”

Dường như trong tham muốn của lòng, tôi vẫn mong mình còn được tiếp tục thêm nhiều cuộc hành hương khác. Phải chăng với tôi, chuyến hành hương Miền Đất Thánh lần này mới chỉ là sự khởi đầu kỳ diệu cho những cuộc hành hương khác cuối đời!

Biết đâu.

V.Q
(SHSDB25/06-2017)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng