Nhìn ra thế giới
Chất thiền trong tác phẩm nhiếp ảnh của Hiroshi Sugimoto
09:13 | 05/08/2020

HIỀN LÊ

Hiroshi Sugimoto (sinh năm 1948 tại Tokyo) là nhà kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia người Nhật.

Chất thiền trong tác phẩm nhiếp ảnh của Hiroshi Sugimoto
Nghệ sĩ Hiroshi Sugimoto - Ảnh: internet

Là một nghệ sĩ theo trường phái tối giản (Minimalism), những tác phẩm nhiếp ảnh của ông không cầu kỳ, không tràn đầy màu sắc như nhiều tác giả khác, trong các tác phẩm của ông, chúng ta có thể thấy rõ sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, sự dung dị của bố cục, mang đậm hơi thở của thiền và của cuộc sống.

Những tác phẩm giản dị mà hàm súc

Hiroshi Sugimoto chụp những đề tài ông thích theo cách của riêng mình, những tác phẩm với chủ đề lặp lại, được chụp theo một phương pháp hoàn toàn giống nhau nhưng lại khác nhau đến từng chi tiết, là chuỗi những nhà hát với màn ảnh rực sáng, là mặt biển không một gợn sóng cắt ngang đường chân trời. Người xem quan sát được những đối tượng trong các bức ảnh một cách chân thật, nhuần nhị nhất, không có sự ảnh hưởng của các đối tượng xung quanh, hình ảnh con người được ghi nhận lại một cách lược giản nhất hoặc bị chối bỏ hoàn toàn cùng với các hoạt động náo nhiệt thường ngày, cảnh vật ở đây được ghi lại một cách đơn giản nhưng đầy cảm xúc.

Hiroshi Sugimoto chuyên chụp những tác phẩm đen trắng, không cầu kỳ, không rực rỡ màu sắc, trong cái sắc độ sáng tối ấy, đối tượng được nhìn với bản chất của chính nó. Sắc độ sáng tối trong những bức ảnh chụp tạo ra chất cảm lẫn nhau, từ đó tôn lên ánh sáng, bóng tối, đường nét, hình khối, phản ánh đối tượng một cách chính xác nhất, biểu cảm nhất mà không cần đến sự hỗ trợ của màu sắc.

Theaters. U.A. Play House. 1978

Hơn một trăm rạp hát ở châu Âu và châu Mỹ được người nghệ sĩ ghi lại trong chuỗi ảnh Theaters(1) theo một bố cục thống nhất, đăng đối với màn ảnh mang sắc độ trắng thuần làm trung tâm, xung quanh được bao phủ bởi họa tiết xen kẽ đen trắng của những tấm vải che cánh gà, những hoa văn từ các tấm trang trí trần, những hình khối từ các đường gờ, các cột trong khối kiến trúc của nhà hát và những đốm sáng hắt lên lấp lánh từ các dãy ghế. Khán giả dường như không tồn tại, họ chỉ còn là những đốm sáng cực kỳ nhỏ hoặc hoàn toàn chìm trong bóng tối. Tất cả dường như bị chi phối bởi nguồn ánh sáng đặc trưng tỏa ra từ một nơi duy nhất làm trọng tâm trong bố cục bức ảnh - điểm sáng không có bất kỳ một chi tiết nào cả nhưng đó chính là nơi diễn ra những tình yêu, nỗi khổ đau hay niềm hạnh phúc mà những ai có mặt trong khán phòng đang dõi theo.

Chuỗi ảnh Seascapes(2) là sự chia cắt của ranh giới giữa trời và biển. Mặt biển được định hình bởi một đường thẳng cắt ngang ở đường chân trời, có khi rõ ràng, tách biệt thành hai mảng sáng và tối như ở tác phẩm “Caribbean Sea, Jamaica, 1980”, có khi là sự mờ nhạt khó nhận ra như ở tác phẩm “Baltic Sea, Rügen, 1996”, cũng có thể là sự hòa quyện không còn bất kỳ ranh giới nào như ở “Ligurian Sea, Saviore, 1993”. Đến với những bức ảnh, người xem bị cuốn vào sự tìm tòi, khám phá của bản thân đối với hình ảnh thu nhận được, là sự phân chia ranh giới? Là quá trình biến đổi của vật chất? Là sự cô đơn, lạnh lẽo hay chất chứa của cả một thế giới bao bọc lấy những điểm sống đang tồn tại ở trong đó?

Seascapes. Carribean Sea, Jamaica, 1980

Là sự tĩnh lặng

Hiroshi Sugimoto đem đến cho người xem những hình ảnh mang đậm sắc thái của sự tĩnh lặng. Những bức ảnh của ông chụp có bố cục đơn giản, gần như đăng đối, là những nhà hát với các ghế lô, ánh sáng đen trắng xen kẽ dẫn đến phần màn ảnh sáng rực giữa trung tâm bức ảnh, là những cảnh biển không có tàu thuyền, không có hoạt động của con người, chỉ là sự phân chia giữa trời và biển, mênh mông mà yên bình. Khác với những cảnh biển thường được chụp với các hình ảnh của mây trời, những cánh chim cột sóng hay con người, cảnh biển của Hiroshi Sugimoto thường được chụp với một đường ngang thẳng tắp cắt chính giữa bức ảnh, chia bức ảnh thành hai mảng, cũng chính là ranh giới giữa trời và đất. Chính sự đơn giản mà cô đọng của bức ảnh mang lại cho người xem cảm xúc về sự thanh thản và vĩnh cửu một cách sâu sắc.

Trong chuỗi ảnh Architecutre, hình ảnh của tháp Effel (Eiffel Tower, 1998), của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center, 1997) hay Nhà nguyện Đức Bà Du Haut (Chapel of Notre Dame Du Haut, 1998) được chụp theo bố cục đăng đối, hài hòa và tồn tại một cách mờ ảo trong thế giới của chủ nghĩa hiện đại. Trong cái tĩnh lặng ấy, sự vận động của không gian dường như hiện hữu một cách ổn định, đều đều và vô tận(3).

Sự cô đọng của thời gian

Nhiếp ảnh là sự nắm bắt khoảnh khắc, là sự đọng lại của thời gian ngay chính lúc bức ảnh được chụp lại. Hiroshi Sugimoto sử dụng kỹ thuật phơi sáng dài như là một cách để nắm bắt thời gian diễn tiến của đối tượng từ khi khởi đầu đến khi kết thúc. Bằng chiếc máy ảnh của mình, ông mở màn trập có khi đến hàng tiếng đồng hồ, khoảng thời gian dài đó được ông nắm bắt và diễn đạt vào trong khoảnh khắc khi người xem nhìn vào bức ảnh.

Hiroshi Sugimoto đã đặt câu hỏi rằng: “Giả sử như quay một bộ phim trong một khung hình duy nhất?(4) và ông tự trả lời câu hỏi của chính mình bằng cách bước vào rạp chiếu phim với một chiếc máy ảnh, khi bộ phim bắt đầu, ông mở màn trập ở khẩu độ lớn và đóng màn trập khi bộ phim kết thúc. Trong hơn bốn mươi năm, Theatres là chuỗi hình ảnh của hơn một trăm nhà hát ở châu Âu và châu

Mỹ được chụp theo một phương pháp như vậy, bằng sắc độ đen trắng và kỹ thuật phơi sáng dài, màn ảnh chiếu phim ở trung tâm bức ảnh không còn cất chứa hình ảnh của con người hay cảnh vật của bộ phim mà chỉ là một khung hình trắng xóa. Nơi đó phủ nhận tất thảy sự có mặt của khán giả trong rạp hát, phủ nhận những diễn tiến của nhân vật trong bộ phim được trình chiếu, chỉ còn lại sự cô đọng của thời gian trong một không gian mang đậm tính chất thiền định.

In Praise of Shadow không chỉ đơn giản là chụp những ngọn lửa, Hiroshi Sugimoto ghi lại “cuộc đời của một ngọn nến” bằng cách thắp nến ngoài cửa sổ, gió thổi ngọn lửa dao động trong gió, chiếu sáng màn đêm một cách yếu ớt với tất cả nỗ lực của chính bản thân nó. Ống kính được mở từ khi ngọn nến được bắt đầu thắp lên cho đến khi lụi tàn. Hình ảnh thu lại được là sự cô đọng của thời gian trong hào quang của ánh sáng. Ngọn lửa ngay từ khi được sinh ra đã mang sự hào nhoáng, rực rỡ tự thân của nó, trong cơn gió, chúng nỗ lực đấu tranh để sinh tồn, khoảnh khắc lụi tàn cũng là lúc người nghệ sĩ đóng màn trập của máy, thu tất cả những rực rỡ hào nhoáng trong suốt quá trình tồn tại đó vào trong một bức ảnh.(5)

Tính khái niệm

Hiroshi Sugimoto nhìn nhận những tác phẩm của mình thông qua những khái niệm. Tồn tại trong đó không phải là sự sống, không phải là đối tượng hiện hữu mà là các ý niệm mang tính vĩnh hằng, bất diệt. Người xem được rũ bỏ những kinh nghiệm của bản thân về đối tượng khi nhìn vào các bức ảnh, thay vào đó là những khái niệm mang tính nguyên thủy nhất trong sự tập trung, lắng đọng của tâm thức.

In Praise of Shadow không chỉ là cuộc sống từ lúc sinh ra đến lúc lụi tàn của những ngọn nến mà trong tâm tưởng người nghệ sĩ, đó chính là Lửa, “Lửa thuần hóa đánh dấu sự lên ngôi của loài người so với các loài khác. Trong hàng chục ngàn năm, chúng ta đã thắp sáng màn đêm bằng ngọn lửa.”(6); Chuỗi tác phẩm Seascapes chụp vô số cảnh biển trong sự giao thoa giữa trời và đất đối với người nghệ sĩ chính là Nước và Không khí: “Nước và Không khí. Là những chất phổ biến nên chúng không hề thu hút sự chú ý của chúng ta… là sự khởi đầu của cuộc sống huyền thoại…”(7); Tháp Effel ở Paris, Pháp, Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York trong mắt người nghệ sĩ chính là những kiến trúc đại diện cho “sự khởi đầu của thời đại chúng ta”(8).

Sea of Buddha(9) là 48 bức ảnh chụp mang tính khái niệm, thời gian và lịch sử, những chi tiết được bổ sung sau này trong không gian chụp được loại bỏ, không sử dụng cả những ánh sáng hiện đại, chuỗi ảnh về Đức Phật nghìn tay được chụp theo một cách tự nhiên nhất như sự hình thành sơ khởi ban đầu. Trong bố cục, hình ảnh các Đức Phật nối tiếp nhau một cách vô tận, là khái niệm được sản sinh của không gian vô hạn, của sự tái sinh vô lượng trong tính lặp đi lặp lại của đối tượng được ghi nhận. Trong chuỗi ảnh Colors of Shadow, Hiroshi Sugimoto dùng ánh sáng để học tập bóng tối, đối với ông, bóng tối không chỉ là một phần của bức ảnh mà trong chính những bức ảnh đó, khái niệm về Bóng Tối thoát ra khỏi những quan niệm thông thường, đóng vai trò là đối tượng có sự vận động, có cuộc sống của riêng mình: “…trong ánh sáng buổi sáng, những cái bóng chơi tự do trên các bề mặt, bây giờ xuất hiện, bây giờ tan biến. Vào những ngày mưa, chúng đảm nhận một vai trò sâu hơn, gợi hơn.”(10)

Thế giới nghệ thuật trong những tác phẩm nhiếp ảnh của Hiroshi Sugimoto là một thế giới nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, từ những bức ảnh hai chiều trên mặt giấy, chúng ta khám phá được sự vận động của không gian trong những bố cục đăng đối, thăng bằng đến bất biến, khám phá được các cung bậc của màu sắc trong vô vàn những sắc độ đậm nhạt. Hiroshi Sugimoto đem lại cho chúng ta tầm nhìn từ một phía khác, là sự quán chiếu trong tâm tưởng của ý thức dựa trên những hình ảnh thực tế nhưng lại tách rời khỏi thực tại, là những khái niệm mới về sự tồn tại của thời gian mà đối tượng sinh khởi, tận diệt được thu lại thông qua thị giác nhưng lại tách rời khỏi thị giác để đến với ý thức tĩnh tại của thiền định.

H.L
(SHSDB37/06-2020)

 

...............................................

1. Hiroshi Sugimoto, (2016), Hiroshi Sugimoto: Theaters. Publisher: Damiani/Matsumoto.

2. Hiroshi Sugimoto, (2005), Hiroshi Sugimoto: Seascapes. Publisher: Damiani.

3. Hiroshi Sugimoto, (2019), Hiroshi Sugimoto: Architecture. Publisher: Damiani/MW Editions.

4. Carla Taban (editor), (2013), meta- and Inter-Images in Contemporary Visual Art and Culture. Leuven University Press. P.123

5. Hiroshi Sugimoto, (1999), In Praise of Shadows. Publisher: CCA Kitakyushu / Korinsha.

6, 7, 8. Hiroshi Sugimoto, Hiroshi Sugimoto Official website.

9. Hiroshi Sugimoto, (1997), Sea of Buddha. Sonnabend Sundell Editions

10. Hiroshi Sugimoto, Hiroshi Sugimoto Official website.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng