Nhìn ra thế giới
Các tiểu thuyết viết về những trận đại dịch dạy chúng ta điều gì
14:30 | 15/09/2020

ORHAN PAMUK    

Trong bốn năm qua, tôi đã và đang viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử kể lại câu chuyện diễn ra vào năm 1901, trong suốt giai đoạn được biết đến với cái tên Trận đại dịch hạch thứ ba. Đó là một đợt bùng phát bệnh dịch hạch đã giết chết hàng triệu người ở châu Á khi mà châu Âu không chịu nhiều ảnh hưởng từ nó.

Các tiểu thuyết viết về những trận đại dịch dạy chúng ta điều gì
Orhan Pamuk năm 2009 - Ảnh: wiki

Trong hai tháng qua, bạn bè và người thân của tôi, cũng như nhà biên tập và các nhà báo biết chủ đề của cuốn tiểu thuyết đó, Đêm trường của bệnh dịch hạch, đã hỏi tôi một số câu hỏi về trận đại dịch ấy.

Điều khiến họ tò mò nhất đó là sự tương đồng giữa đại dịch vi-rút corona hiện nay và sự bùng phát lịch sử của bệnh dịch hạch và bệnh tả trong quá khứ. Có quá nhiều điểm tương đồng. Xuyên suốt lịch sử loài người và lịch sử văn học, điều làm cho các trận đại dịch giống nhau không chỉ ở điểm chung của vi trùng và vi-rút mà là những phản ứng ban đầu của chúng ta khi dịch bệnh bùng phát luôn giống nhau.

Phản ứng ban đầu đối với sự bùng phát của một trận đại dịch đó là ta luôn chậm trễ trong việc phản ứng với dịch bệnh. Trong những trang đầu của A Journal of the Plague Year (Nhật ký của năm diễn ra bệnh dịch hạch), tác phẩm văn học sáng chói nhất từng được viết về bệnh truyền nhiễm và hành vi của con người của Daniel Defoe thuật lại rằng vào năm 1664, chính quyền địa phương ở một số vùng lân cận London đã cố gắng kê khai số lượng người chết vì bệnh dịch hạch thấp hơn bằng cách báo cáo số liệu bệnh nhân tử vong vì các căn bệnh khác.

Trong cuốn tiểu thuyết xuất bản vào năm 1827, The Betrothed, có lẽ là cuốn tiểu thuyết chân thực nhất từng được viết về sự bùng phát của bệnh dịch hạch, nhà văn người Ý Alessandro Manzoni đã mô tả và ủng hộ sự tức giận của người dân địa phương trước phản ứng của chính quyền về trận dịch hạch diễn ra năm 1630 ở Milan. Mặc cho mọi thứ đang diễn ra hết sức rõ ràng như thế, nhưng người đứng đầu thành phố Milan lại phớt lờ đi mối đe dọa đến từ căn bệnh này và thậm chí quyết định không hủy bỏ lễ kỷ niệm sinh nhật cho con trai của mình. Manzoni cho ta thấy rằng sở dĩ bệnh dịch hạch lây lan nhanh chóng vì những hạn chế được đưa ra là không đủ, việc thực thi chúng còn quá lỏng lẻo và người dân đã không hề chú ý đến chúng.

Phần lớn các tài liệu về bệnh dịch hạch và các bệnh truyền nhiễm đều thể hiện sự bất cẩn và ích kỷ của những người nắm giữ quyền lực với tư cách là ngòi châm duy nhất cho cơn thịnh nộ của quần chúng. Nhưng những nhà văn giỏi nhất, như Defoe và Camus, đã mang lại cho độc giả của họ một cái nhìn mới về điều gì đó khác hơn là yếu tố chính trị ẩn bên dưới làn sóng giận dữ quá đỗi thông thường ấy, một cái gì đó nội tại hơn đối với thân phận con người.

Cuốn tiểu thuyết của Defoe cho chúng ta thấy rằng đằng sau những sự can ngăn mỏi mòn và cơn thịnh nộ không dứt còn có một sự giận dữ chống lại số phận, chống lại một ý chí thiêng liêng đang chứng kiến và thậm chí có thể tha thứ cho tất cả cái chết cùng sự đau khổ này của con người. Một cơn thịnh nộ như thế nhằm chống lại các tổ chức tôn giáo dường như không mấy chắc chắn trong việc làm thế nào để ứng phó với dịch bệnh.

Phản ứng chung và dường như không mấy thay đổi của nhân loại đối với một trận đại dịch đó là việc luôn tạo ra những tin đồn và lan truyền thông tin sai lệch. Trong suốt những trận đại dịch trong quá khứ, tin đồn chủ yếu được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch và việc không thể nhìn thấy bức tranh đầy đủ hơn.

Defoe và Manzoni đã viết về những người giữ khoảng cách khi họ gặp nhau trên đường phố trong các trận dịch hạch, nhưng thường xuyên cũng hỏi nhau về tin tức và thông tin từ các thị trấn và khu phố của nhau để họ có thể ghép lại thành một bức tranh rộng lớn hơn về căn bệnh này. Chỉ thông qua cái nhìn rộng hơn như thế, họ mới có thể hy vọng thoát khỏi cái chết và tìm kiếm một nơi an toàn để trú ẩn.

Trong một thế giới không có báo chí, đài phát thanh, truyền hình hay inter- net, đa số người mù chữ chỉ có trí tưởng tượng của họ để hiểu được mối nguy hiểm nằm ở đâu, mức độ nghiêm trọng và mức độ đau khổ mà nó có thể gây ra như thế nào. Sự phụ thuộc vào trí tưởng tượng này đã khiến nỗi sợ hãi của mỗi người mang một giọng nói riêng của nó và thấm nhuần tính chất trữ tình với các yếu tố cục bộ, tinh thần và huyền thoại.

Những tin đồn phổ biến nhất trong thời gian dịch hạch bùng phát luôn nhắm đến người đã mắc phải căn bệnh này và nguồn gốc của nó. Giống như bản thân cái ác, bệnh dịch hạch luôn được miêu tả như một thứ gì đó xa lạ đến từ bên ngoài. Nó đã càn quét ở những nơi khác trước đó, và nơi ấy giờ đây không đủ để lưu chứa nó. Trong giải thích của mình về sự lây lan của bệnh dịch hạch ở Athens, Thucydides đã bắt đầu bằng cách lưu ý rằng dịch bệnh đã bùng phát từ một nơi rất xa, ở Ethiopia và Ai Cập.

Dịch bệnh luôn là cái gì đó xa lạ từ nước ngoài, nó đến từ bên ngoài, nó được đưa vào với mục đích xấu. Tin đồn về danh tính được quy cho những ngườilúc đầu mắc phải nó luôn lan tràn và phổ biến nhất.

Trong The Betrothed, Manzoni đã mô tả một nhân vật như là hình mẫu cố định của trí tưởng tượng phổ biến trong suốt các đợt bùng phát trận dịch hạch kể từ thời Trung cổ: Mỗi ngày sẽ có một tin đồn về sự hiện diện xấu xa, quỷ quái này liên quan đến người nào làm vương vãi thứ chất lỏng bị nhiễm bệnh trên tay nắm cửa và vòi phun nước. Hoặc có lẽ nếu một ông già mệt mỏi ngồi bệt xuống sàn nhà trong nhà thờ sẽ bị buộc tội bởi một người phụ nữ đi ngang qua đó vì đã chà xát vào áo khoác của mình để truyền bệnh. Chẳng mấy chốc một đám đông sẽ tụ tập lại đó để chì chiết ông lão.

Những sự bùng phát bất ngờ và không thể kiểm soát được của bạo lực, tin đồn, hoảng loạn và nổi loạn là điều hết sức phổ biến trong các giải thích về trận đại dịch hạch từ thời Phục hưng. Marcus Aurelius đã đổ lỗi cho các tín đồ Kitô giáo ở Đế chế La Mã liên quan đến trận bệnh dịch đậu mùa Antonine, vì họ không tham gia các nghi lễ để xoa dịu cơn thịnh nộ của các vị thần La Mã. Và trong suốt những trận dịch hạch sau đó, ở cả Đế quốc Ottoman và châu Âu Kitô giáo, người Do Thái luôn bị buộc tội là đã đầu độc giếng nước từ đó gây ra dịch bệnh.

Lịch sử và văn học viết về bệnh dịch hạch cho chúng ta thấy rằng cường độ của sự đau khổ, nỗi sợ chết, sự sợ hãi siêu hình và cảm giác về điều kỳ lạ được dân chúng bị ảnh hưởng trải nghiệm cũng sẽ quyết định mức độ giận dữ và sự bất mãn chính trị của họ.

Giống như những đại dịch hạch trước đây, những tin đồn thất thiệt và lời buộc tội vô căn cứ dựa vào bản sắc quốc gia, tôn giáo, dân tộc và khu vực đã có tác động đáng kể đến cách mà các sự kiện đã diễn ra trong đợt bùng phát vi-rút corona này. Các phương tiện truyền thông cánh tả và cánh hữu đều có xu hướng khuếch đại những lời nói dối như một dự phần không thể thiếu.

Nhưng ngày nay chúng ta có quyền truy cập vào một khối lượng lớn thông tin đáng tin cậy về đại dịch mà chúng ta đang trải qua so với những người đã từng trải qua ở bất kỳ trận đại dịch nào trước đó. Đây cũng là điều làm cho nỗi sợ hãi khủng khiếp và có thể biện minh được kia mà ngày nay tất cả chúng ta đều cảm thấy trở nên khác biệt đi. Sự khủng bố của chúng ta ít được nuôi dưỡng hơn bởi những tin đồn và vơi bớt phần nào nhờ vào thông tin chính xác.

Khi chúng ta nhìn thấy các chấm đỏ xuất hiện trên bản đồ ảo của các quốc gia trên thế giới của chúng ta nhân lên, chúng ta nhận ra rằng không còn nơi nào để trốn thoát nữa. Chúng ta thậm chí không cần trí tưởng tượng của mình để bắt đầu sợ hãi trước điều tồi tệ nhất. Chúng ta xem các video với những đoàn xe quân đội trọng tải lớn màu đen chở xác chết từ các thị trấn nhỏ của Ý đến các khu vực lân cận gần đó như thể chúng ta đang xem cảnh đưa tang của chính mình.

Nỗi kinh hoàng mà chúng ta đang cảm thấy loại bỏ trí tưởng tượng và tính chất cá nhân của mình. Nó cho thấy đời sống thật mong manh làm sao và nhân loại đang cùng nhau chia sẻ điều đó như thế nào. Sợ hãi, giống như ý nghĩ về cái chết, khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, nhưng việc thừa nhận rằng tất cả chúng ta đang trải nghiệm một nỗi thống khổ tương tự như việc kéo chúng ta ra khỏi sự cô đơn.

Toàn bộ nhân loại, từ Thái Lan đến New York, giờ đây đều biết cách chia sẻ những lo lắng của chúng ta về việc sử dụng khẩu trang như thế nào và ở đâu, cách an toàn nhất để xử lý với thực phẩm mà chúng ta đã mua từ cửa hàng tạp hóa và liệu có nên tự cách ly ở nhà hay không nhắc nhở rằng chúng ta không đơn độc. Nó sản sinh một tinh thần đoàn kết. Chúng ta không còn bị thế chấp bởi nỗi sợ hãi của chúng ta nữa; chúng ta khám phá ra một sự khiêm nhường trong đó khuyến khích một sự hiểu biết lẫn nhau.

Khi tôi xem những hình ảnh được công chiếu trên truyền hình về những người đang chờ đợi bên ngoài các bệnh viện lớn nhất thế giới, tôi có thể thấy rằng nỗi kinh hoàng của tôi được chia sẻ bởi phần còn lại của nhân loại và tôi không hề cảm thấy cô đơn. Một thời gian tôi cảm thấy bớt xấu hổ về nỗi sợ hãi của mình, và ngày càng thấy nó là một phản ứng hoàn toàn cảm tính. Tôi liền nhớ lại câu châm ngôn nói về các trận đại dịch và bệnh dịch rằng những người biết sợ thì sống lâu hơn.

Cuối cùng tôi nhận ra rằng nỗi sợ hãi gợi ra hai phản ứng khác biệt trong tôi và có lẽ trong tất cả chúng ta. Đôi khi nó khiến tôi thu mình lại, hướng về sự cô độc và im lặng. Nhưng những lần khác, nó dạy tôi phải khiêm tốn và rèn luyện sự đoàn kết.

Lần đầu tiên tôi bắt đầu mơ về việc viết một cuốn tiểu thuyết kể chuyện bệnh dịch hạch cách đây 30 năm, và ngay ở giai đoạn đầu đó, tôi tập trung vào nỗi sợ hãi trước cái chết. Năm 1561, nhà văn Ogier Ghiselin de Busbecq - người từng là đại sứ của Đế chế Hapsburg ở Đế chế Ottoman dưới triều đại Suleiman the Magnificent - đã thoát khỏi bệnh dịch hạch ở Istanbul bằng cách lánh nạn trên hòn đảo Prinkipotrong vòng 6 tiếng đồng hồ, một hòn đảo nằm ở phía đông nam Istanbul trong Biển Marmara. Ông cho thấy các luật lệ cách ly được ban bố ở Istanbul không đủ nghiêm ngặt và tuyên bố rằng người Thổ Nhĩ Kỳ là những người theo “thuyết định mệnh” bởi vì tôn giáo của họ là Hồi giáo.

Khoảng một thế kỷ rưỡi sau, ngay cả Defoe khôn ngoan đã viết trong cuốn tiểu thuyết về bệnh dịch hạch ở London rằng người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi giáo “đều bày tỏ những ý niệm tiền định, với họ hồi kết của tất cả mọi người đều đã được xác định từ trước.” Cuốn tiểu thuyết viết về bệnh dịch hạch của tôi sẽ giúp tôi nghĩ đến “thuyết định mệnh” của Hồi giáo trong bối cảnh của chủ nghĩa thế tục và tính hiện đại.

Thuyết định mệnh, hay nói cách khác, xét về mặt lịch sử người ta luôn khó lòng để thuyết phục người Hồi giáo tuân thủ các biện pháp cách ly trong một trận đại dịch hơn so với các tín đồ Kitô giáo, đặc biệt là ở Đế chế Ottoman. Các cuộc biểu tình có động cơ thương mại mà các chủ cửa hàng và người dân nông thôn với mọi loại hình tín ngưỡng đều có xu hướng chung khi nhắc đến việc chống lại lệnh cách ly trong các cộng đồng Hồi giáo, bởi lý do của họ nằm ở các vấn đề liên quan đến tính đúng mực và quyền riêng tư. Ngay cả khi bước sang thế kỷ 19, tại Đế chế Ottoman, các tín đồ Hồi giáo vẫn chỉ muốn “bác sĩ Hồi giáo” chữa trị cho mình, vào thời điểm mà hầu hết các bác sĩ đều là tín đồ Kitô giáo.

Từ những năm 1850, khi du lịch bằng tàu hơi nước ngày càng rẻ hơn, những người hành hương đến vùng đất thánh Hồi giáo Mecca và Medina đã trở thành những người mang mầm bệnh và lây lan bệnh truyền nhiễm nhất trên thế giới.

Vào đầu thế kỷ 20, để kiểm soát dòng người hành hương đến Mecca và Me- dina một khi quay trở lại đất nước của họ, người Anh đã thành lập một trong những sở cách ly hàng đầu thế giới tại Alexandria, Ai Cập.

Những sự phát triển có tính lịch sử này chịu trách nhiệm truyền bá không chỉ quan niệm rập khuôn về “thuyết định mệnh” của Hồi giáo, mà còn là định kiến cho ##rằng họ và các dân tộc khác ở châu Á vừa là người khởi phát vừa là người mang mầm bệnh truyền nhiễm duy nhất.

Khi ở phần cuối tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của Fyodor Dostoyevsky, thì Raskolnikov, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, mơ về một trận dịch hạch: “Anh ta mơ rằng cả thế giới bị kết án bởi một căn bệnh dịch hạch kỳ lạ mới xâm nhập châu Âu từ những nơi xa xôi hẻo lánh của châu Á.”

Trong các bản đồ địa lý xuất hiện từ thế kỷ 17 và 18, biên giới chính trị của Đế chế Ottoman, nơi mà thế giới bên ngoài phương Tây đầu tiên được xác lập, được đánh dấu bởi sông Danube. Nhưng biên giới văn hóa và nhân học giữa hai thế giới đã được vạch ra bởi bệnh dịch hạch và thực tế là khả năng xác nhận nguyên nhân của nó xuất phát từ khu vực phía đông sông Danube luôn cao hơn nhiều. Tất cả điều này không chỉ củng cố cho ý tưởng về thuyết định mệnh thường thấy được quy cho các nền văn hóa phương Đông và châu Á, mà còn là quan niệm đầy thiên kiến rằng dịch hạch hay các trận đại dịch khác luôn xuất phát từ thời kỳ đen tối nhất của phương Đông.

Bức tranh mà chúng ta lượm lặt được từ nhiều nguồn giải thích có tính lịch sử cho ta biết rằng ngay cả trong những trận đại dịch hạch, các nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul vẫn tiến hành tang lễ, những người than khóc vẫn đến thăm nhau để chia buồn và hòa chung nước mắt, và thay vì lo lắng về căn bệnh này đến từ đâu và đang lan rộng như thế nào, mọi người lại quan tâm nhiều hơn đến việc chuẩn bị đầy đủ cho đám tang tiếp theo.

Tuy nhiên, trong đại dịch vi-rút corona hiện nay, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cách tiếp cận thế tục, cấm tổ chức đám tang cho những người đã khuất vì căn bệnh này và đưa ra quyết định đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo vào thứ Sáu, khi những người đến viếng thường tụ tập thành các nhóm lớn để thực hiện lễ cầu nguyện quan trọng nhất trong tuần. Người Thổ Nhĩ Kỳ đã không phản đối các biện pháp này. Nỗi sợ của chúng ta lớn đến đâu thì nó cũng khôn ngoan và nhẫn nại đến đó.

Để một thế giới tốt đẹp hơn xuất hiện sau trận đại dịch này, chúng ta phải đồng tâm và nuôi dưỡng những cảm xúc khiêm nhường cùng sự đoàn kết mà thử thách hiện tại mang lại.



Tuệ Đan
dịch từ bản tiếng Anh của Ekin Oklap “What the Great Pandemic Novels Teach Us” đăng tải trên trang The New York Times.
(TCSH378/08-2020)

.........................................
Orhan Pamuk là nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2006, ông nổi tiếng trên văn đàn thế giới khi được Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn học. Các tác phẩm nổi tiếng của ông đã được dịch về Việt Nam có thể kể đến như: “Tên tôi là đỏ”, “Bảo tàng ngây thơ”, “Tuyết”… Cuốn tiểu thuyết đang hoàn thiện gần đây của ông có tên “Đêm trường của bệnh dịch hạch” (Nights of Plague).
 



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng