NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Nhân đọc “Lời nguyện cầu Chernobyl” - Nxb. Phụ Nữ, 2020)
Giữa năm 2020, Nxb. Phụ nữ xuất bản cùng lúc một bộ sách 3 cuốn của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich (SA) - tác giả đoạt giải Nobel văn học năm 2015 - với tổng số hơn ngàn trang khổ lớn. “Những nhân chứng cuối cùng” (Phan Xuân Loan dịch - 332 trang), “Những cậu bé kẽm” (Phan Xuân Loan dịch - 408 trang) và “Lời nguyện cầu Chernobyl” (Phạm Ngọc Thạch & Nguyễn Bích Lan dịch theo bản in đã được tác giả bổ sung năm 2013 - 364 trang). SA còn được tặng nhiều giải thưởng danh tiếng tại Liên Xô và Belarus.
Mấy năm trước, khi giải Nobel vừa công bố, dư luận nhắc nhiều đến cuốn “Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ”, nhưng đồng thời không ít bình luận trên thế giới phản ứng với nhiều khía cạnh khác nhau. “…Khi Alexievich được xướng tên cho giải Nobel văn học, một số người phản đối. Bà là phụ nữ, được rồi, họ đang cần nhiều hơn những phụ nữ đoạt giải Nobel, họ có thể nhắm mắt cho qua, nhưng ai bảo bà lại viết sách phi hư cấu, và phi hư cấu sao có thể là văn chương đích thực? “Các cây viết phi hư cấu chỉ là công dân hạng hai. (...) Chúng tôi không thể hiểu được. Nó làm tôi phát cáu”…” (Dẫn theo Hiền Trang - Tạp chí Tia sáng ngày 9/8/2020).
Quan niệm và cách đánh giá tác phẩm văn học khác nhau là lẽ thường, nhưng tôi đoán chắc những người phản ứng ở trên chưa có thì giờ (hoặc kiên nhẫn) đọc hết bộ sách 5 cuốn “Những giọng nói không tưởng” đã đưa SA đến giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh. Với bạn đọc Việt Nam, tôi tin là chỉ cần… chịu khó đọc 3 cuốn mới xuất bản nêu ở trên (trong bộ 5 cuốn đã dẫn) sẽ thấy ngay tầm vóc đáng kính nể của nữ văn sĩ Xô viết SA. Cuốn “Những nhân chứng cuối cùng” là ký ức trẻ thơ về cuộc chiến tranh vệ quốc 1941-1945; cuốn “Những cậu bé kẽm” gồm hàng trăm câu chuyện do người thân và đồng đội của những người lính còn rất trẻ hy sinh tại chiến trường Afghanistan từ 1979 - 1989 (nên gọi là “cậu bé” trong các quan tài bằng kẽm chở về Liên Xô!) kể cho tác giả nghe. Dưới đây, tôi xin bàn luận đôi điều trước hết đến cuốn thứ ba, vì có chút… liên quan! Tác phẩm này đã bán được 4 triệu bản ở nhiều nước…
1. Có chút… liên quan, nên mới nói GẦN với chúng ta, trong khi thế giới thì biến động dồn dập từng ngày, từng giờ; mà thảm họa Chernobyl cũng đã xảy ra từ 34 năm trước. Còn quê hương của SA thì chính tác giả thừa nhận “Belarus… Đối với thế giới, chúng ta hãy còn là terra incognite - vùng đất chưa được biết tới…”. Theo SA, châu Âu, chỉ gọi đây là “Bạch Nga”. Tuy vậy, điều tôi cảm thấy liên quan là khi Liên Xô còn nguyên khối, chính Tạp chí Sông Hương đã kết nghĩa với Tạp chí Nhô-man của Belarus (khi đó còn gọi là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Byelorussia), trong khuôn khổ kết nghĩa Bình Trị Thiên - Bê-lô-rút-xia! Tôi chưa có dịp đến đất nước Xô viết giáp với Tây Âu này, nhưng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và nhà văn Tô Nhuận Vỹ thì đã được đến thăm Tạp chí Nhô-man kết nghĩa vào tháng 6/1988 (khi đó, “Sông Hương” phiên âm là Nhê-man)…
Nhắc đến ngày tháng, có sự tình cờ khi mở mấy trang đầu cuốn sách, tôi thoáng giật mình lúc đọc dòng chữ: “Vào lúc 1 giờ 23 phút 58 giây ngày 26 tháng 4 năm 1986, một loạt tiếng nổ đã phá hủy tòa nhà và lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nằm gần biên giới Belarus…”. Ngày 26/4 cũng là ngày sinh của tôi! Việc trùng ngày và chuyện “kết nghĩa” có thể chỉ là vấn đề hình thức, nhưng trong thế giới ngày nay, đã có người viết đại ý rằng “một con bướm đập cánh ở phương Đông có thể tạo sóng ở phương Tây”. Không hẳn là ngoa ngôn đâu! Chẳng phải là con Virus-Corona hầu như vô hình vô tướng từ Vũ Hán đã vượt nửa vòng trái đất gây náo loạn cường quốc bậc nhất thế giới và cả nhân loại đó sao! Huống chi hồi đó, nhiều anh chị em “Sông Hương” cùng các vị lãnh đạo tỉnh như đồng chí Vũ Thắng, Thái Bá Nhiệm…, cả nhà văn- nhà báo Phan Quang (Thứ trưởng Bộ Thông tin) đã cùng đồng chí Anatôli Kuđravetx (Tổng biên tập Tạp chí Nhê-man) từ Minskơ sang Huế, tay trong tay, sát cánh bên nhau trong Lễ kỷ niệm 5 năm “Sông Hương” (1983 - 1988) và Lễ ký kết hợp tác giữa hai Tạp chí. Thật là gần gũi và thân thiết! “Vừa là đồng chí, vừa là anh em”; Bình Trị Thiên và Bê-lô-rút-xia lại cùng là tuyến đầu chịu đựng biết bao gian khổ, hy sinh trong chiến tranh…
Cho đến hôm nay, đọc tác phẩm của SA, rồi mở Tạp chí Sông Hương số 33 (1988) có bài tường thuật cuộc gặp gỡ thân thiết với những người bạn Xô viết, bỗng cảm thấy thật ngạc nhiên không hiểu vì sao ngày đó chẳng ai nhắc đến từ “Chernobyl”, trong khi “Sự cố Chernobyl đã trở thành thảm họa công nghệ khủng khiếp nhất thế kỷ 20… 70 ngôi làng vĩnh viễn bị chôn vùi trong lòng đất…1/5 dân số sống trên vùng đất bị nhiễm phóng xạ. Con số này là 2,1 triệu người… Ở các tỉnh Gomel và Mogileyou (nơi chịu ảnh hưởng thảm họa nặng nề nhất) tỉ lệ tử vong cao hơn ti lệ sinh là 20%... 264 ngàn héc ta đất bị loại khỏi diện tích đất canh tác…”. Đây là những con số mà SA dẫn từ “Bách khoa toàn thư Belarus” xuất bản năm 1996, tức là 10 năm sau thảm họa. Đọc hết tác phẩm của SA, tôi hiểu ra, sau thảm họa 1986 cho đến lúc Tổng biên tập Tạp chí Nhô-man sang Huế (1988) và có thể sau nhiều năm nữa, sự thật về Chernobyl thuộc loại tuyệt mật theo “cơ chế” bảo mật của Liên Xô lúc đó. Quả vậy, năm 1987, cũng vào tháng 4, tức là hậu quả thảm họa Chernobyl còn nóng bỏng với hàng triệu đồng chí mình ở “nước Cộng hòa kết nghĩa”, cùng với các nhà văn Trần Công Tấn, Văn Linh và Phong Lê, tôi có dịp được sang thăm Liên Xô và dự Hội thảo Văn học Đổi mới, nhưng tuyệt không có ai nói đến vùng đất có đến 2,1 triệu đồng bào mình đang sống dở, chết dở vì nhiễm phóng xạ! Lúc đó, “Lò phản ứng số 4, mang tên “Hầm kín” vẫn còn chứa 200 tấn nhiên liệu hạt nhân… được bọc bằng chì và bê tông… thực hiện bằng cách “điều khiển từ xa”… do đó có những khe hở… diện tích khe hở và vết nứt vượt quá 200 m2… Hầm mộ ấy là một người chết vẫn còn thở. Nó thở ra sự chết chóc…”. (Theo Tạp chí Ngọn lửa nhỏ, tháng 4/1996). Còn “theo báo mạng Belarus những năm 2002 - 2005” thì tỉ lệ ung bướu của dân Belarus so với trước thảm họa tăng 74 lần! Từ năm 1990 đến 2003 có 8.553 người tham gia khắc phục hậu quả đã chết… Cho đến nay, nhiều con số thống kê còn chưa được công bố… (Dẫn từ mục mở đầu cuốn sách với tiêu đề “Tham chiếu lịch sử”).
“Rồi họ đưa tờ giấy cho chúng tôi ký… Cam kết không tiết lộ…” (lời một người lính kể, sau thời gian được điều đến dọn sạch quanh Chernobyl.)
“…Con gái tôi đã chết vì thảm họa Chernobyl. Mà người ta muốn chúng tôi im lặng. Họ bảo rằng khoa học chưa chứng minh được… Phải đợi hàng trăm năm nữa sao?... Tôi không đợi nổi. Bà cứ ghi đi…”. (Đây là lời một người cha kể với SA. Con gái ông 7 tuổi, hơn 1 năm sau thảm họa mới chết…).
Hầu hết những nhân chứng mà SA tìm gặp đều cho biết họ đã phải câm lặng trong nhiều năm. Vì thế, SA đã tìm đến họ và bỏ ra gần 20 năm để viết cuốn sách này. Trong chương “Tác giả tự phỏng vấn bản thân về lịch sử bị bỏ quên…”, có câu: “Những đồng vị phóng xạ phân tán trên trái đất của chúng ta sẽ còn tồn tại 50, 100, 200 ngàn năm… Hoặc lâu hơn nữa… Trên quan điểm đời sống con người thì chúng là vĩnh cữu…”. Mà phóng xạ, “vật chất nhẹ và vật chất dạng khác phát tán vào không trung đã lan khắp toàn cầu: ngày 2/5 được ghi nhận tại Nhật Bản; ngày 4/5 - tại Trung Quốc; ngày 5/5 - tại Ấn Độ; ngày 5 và 6/5 - tại Mỹ và Canada”. (SA dẫn theo tư liệu của Trường Đại học quốc tế Sinh thái phóng xạ Sakharov, xuất bản tại Minsk, 1992). Do đó, tác phẩm này có nhan đề phụ là “Biên niên sử của tương lai”. Bà cũng nói rõ: “Quyển sách này không viết về thảm họa Chernobyl, mà về thế giới xung quanh Chernobyl…”. Như vậy, cũng có thể nói, SA đã dốc hết tâm huyết viết tác phẩm này để cả nhân loại hãy suy ngẫm về vận mệnh tương lai của hoàn cầu. Chỉ từng đó, đủ thấy tầm vóc khác thường của SA và tôi “ngộ” ra thảm họa Chernobyl GẦN hơn chúng ta tưởng, nhất là khi dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vẫn có nhóm người muốn khởi động lại! Và khi tôi viết bài này, báo “Tuổi trẻ” ngày 15/8/2020 đưa tin ban đầu về việc tại phân xưởng lắp ráp của Công ty TNHH kỹ thuật điện tử TONLY Việt Nam ở Quảng Ninh (doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc) có 6 công nhân cùng bị ngất xỉu không rõ nguyên nhân, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
2. Dù sao, những điều nói trên chỉ là thông tin và luận đề mà tác giả muốn mọi người thấy được toàn cảnh sự kiện một cách nhanh chóng nhất. Còn một tác phẩm văn học đích thực thì phải cho bạn đọc “cảm” được tất cả những điều đó bằng các chi tiết và số phận con người cụ thể. Tôi hình dung Ban tuyển chọn giải Nobel văn chương 2015, chỉ đọc chương mở đầu tác phẩm với nhan đề “Tiếng nói đơn độc của con người” dài đến 20 trang sách khổ lớn, đã có vị phải thốt lên: “Có chủ nhân Nobel đây rồi!”
Đọc chương này, tôi liên tưởng đến truyện ngắn “Số phận một con người” của Sôlôkhôp (1905 - 1984) viết năm 1956 đã làm chấn động văn đàn Xô viết và đã góp phần đưa ông tới giải Nobel năm 1965. Cuộc đời người lính Xôlôcôp đã được Sôlôkhôp thể hiện qua một thể loại mới gọi là “truyện ngắn - sử thi” với kết cấu kiểu bản giao hưởng (theo Từ điển Văn học - 1984”). “Tiếng nói đơn độc của con người” của SA không có yếu tổ “sử thi” - không-thời gian của tác phẩm chủ yếu chỉ là cảnh người vợ 23 tuổi Lyudmila Ignatenko (L.I) chăm sóc anh lính cứu hỏa Vasily Ignatenko (V.I) 14 ngày trong bệnh viện trước khi anh qua đời và cảnh chôn đứa con sinh non vì nhiễm xạ; nhưng 20 trang sách ôm chứa nhiều giọng điệu như một bản giao hưởng. Bên cạnh giọng anh hùng ca của V.I và đồng đội được điều cấp tốc đến dập lửa trên nóc nhà máy - “họ phải dùng chân hất những mảnh than chì nóng bỏng… Lúc đi, họ không mặc đồ bảo hộ, cứ mặc nguyên áo sơ mi mà đi. Không ai cảnh báo họ trước…” - là màn hòa tấu bi tráng của đủ loại binh sĩ, vũ khí dồn về tẩy rửa phóng xạ, hàng trăm xe buýt đưa dân sơ tán…; nhưng ấn tượng nhất vẫn là “hợp ca” kỳ lạ giữa tình yêu và cái chết. Thật xót xa khi nghe cô L.I nhắc lại với SA kỷ niệm tình yêu với V.I - “Chúng tôi mới cưới nhau. Đi ngoài đường vẫn thường nắm tay nhau… Anh ôm chặt tôi trong tay và xoay tít. Rồi hôn tôi, hôn mãi… Ban đêm anh chỉ ngủ được khi nắm tay tôi trong tay… Suốt đêm…”. Vậy mà 7 giờ sau lúc anh vụt dậy tử nửa đêm, khi lửa bốc cao trên lò Chernobyl, được tin anh đang trong bệnh viện, mặc cho cảnh sát đứng đầy xung quanh, chặn không cho ai vào, cô vẫn túm áo chị bác sĩ quen biết: “Cho tôi vào một chút thôi”. Và cô đã được thấy người chồng thân yêu vừa ôm ấp đó, nay “toàn thân sưng húp, phỏng rộp… Gần như không thấy mắt đâu”, nhưng anh bảo: “Ra khỏi đây! Đi ngay! Em đang có thai mà!...” Lúc đó, chưa ai đả động đến chuyện phóng xạ, chỉ thấy “đầy những phương tiện kỹ thuật quân sự, người ta chặn hết đường xá… tẩy rửa đường phố bằng thứ bột màu trắng…”. Tối, khi nghe tin họ sẽ đưa các người lính bị thương đi Moskva, cô và những người vợ “quyết định đi cùng chồng mình. Cho chúng tôi vào với chồng chúng tôi! Các người không có quyền! Chúng tôi đấm đá, cào cấu…”. Nhưng rồi họ lừa những người vợ về nhà lấy quần áo cho chồng - phải chạy bộ xuyên thành phố vì xe buýt ngừng chạy; khi mang túi áo quần tới thì máy bay đã cất cánh! Bất chấp, cô vẫn đến được Moskva, tìm ra bệnh viện chuyên khoa nhiễm xạ. Cô phải giấu bà bác sĩ trưởng khoa việc mình có thai và nói dối đã có hai con; nếu nói một thì bà ấy sẽ không cho vào… Trớ trêu thay, trước một tình yêu như thế, nhưng bà bác sĩ bảo: “…Nếu khóc, tôi sẽ đuổi cô ra ngay. Không ôm ấp hôn hít gì hết. Không được lại gần. Cho cô nửa giờ”! Và khi V.I muốn ôm vợ, chính cô cũng phải nói: “Ngồi yên, ngồi yên… Không ôm ấp gì ở đây hết.” Suốt những ngày ở trọ tại Moskva, cô vẫn tìm mọi cách đến với anh, nấu món ngon cho anh, dù dạ dày của anh không tiêu hóa được nữa rồi. Bản thân cô, khi được đo mức nhiễm xạ, “Quần áo, túi xách, ví, giày dép - tất cả đều “nóng đỏ”! Họ tịch thu hết. Kể cả đồ lót…”. Nhưng cô vẫn đến với anh, trong áo choàng bệnh viện cỡ 56, trong khi cỡ áo của cô là 44, dép cũng vậy, khiến anh phát hoảng… Và ngày 9 tháng 5, kỷ niệm chiến thắng phát xít, khi cô đến, anh bảo cô mở cửa sổ để xem bắn pháo hoa. “Anh đã hứa cho em thấy Moskva mà. Và hứa suốt đời sẽ tặng hoa cho em vào dịp lễ…”. Thật không ngờ, anh lấy ra từ dưới gối ba bông cẩm chướng đã nhờ cô y tá mua hộ. Cô hôn anh tha thiết: “Tình yêu của em! Duy nhất, chỉ có anh thôi!” Anh càu nhàu: “… Không được ôm! Không được hôn anh!” Mặc kệ tất cả. Kể cả khi, do ở suốt đêm, lau chùi rửa ráy, canh chừng từng hơi thở của chồng…, cô bị choáng và không thể giấu việc mình có thai đã 6 tháng. “Sao cô dám lừa tôi?” - “Cháu không còn cách nào khác… Đó là sự lừa dối thánh thiện!... Nhưng cháu được ở bên anh ấy…”. Cả khi có người nói: “Cô không được quên rằng trước mắt không còn là chồng cô nữa… Cô không muốn tự sát chứ. Tỉnh táo lại đi” thì cô nói như người mất trí: “Nhưng tôi yêu anh ấy! Tôi yêu anh ấy!”; kể cả khi họ đưa anh vào buồng áp suất đặc biệt và ngày nào đồng đội của anh cũng có người chết; y tá thì bảo thẳng: “Cô mong chờ điều gì chứ? Anh ấy nhiễm 1.600 roentgen phóng xạ, mà chỉ cần 400 là đủ chết rồi!... Đây không còn là một con người, mà là lò phản ứng. Cô sẽ cháy cùng thôi!”…
Mặc kệ! Cô gần như lăn xả vào anh, khi các cô y tá cũng ngại chạm vào thân thể trần truồng bỏng rộp của anh, hàng ngày, cô lo thay tấm vải đắp dính đầy máu… “Trên tay tôi còn dính lại những mẩu da… Tôi cắt móng tay mình đến mức chạm vào thịt chảy máu để khỏi làm xước da anh…”. Nhưng cô trở nên hung dữ khi thấy người “người ta chụp ảnh… Nói là vì khoa học. Giá mà tôi có thể tống cổ hết bọn họ ra khỏi đây! Quát mắng và đánh bọn họ!...”
Sau này, khi thuật lại những giờ phút đau thương tình yêu-cái chết cháy bỏng bên nhau, L.I đã nói với SA: “Tôi còn chưa rõ mình yêu anh tới mức nào! Anh… Chỉ có anh... Tôi thật mù quáng!... Tôi nghĩ đứa con bé bỏng ở bên trong tôi, nó được bảo vệ. Đứa con bé bỏng…”.
Hai tháng sau khi V.I qua đời, trước khi vào bệnh viện gặp bà bác sĩ trưởng khoa nhiễm xạ theo lời dặn, cô trở lại thăm “anh” tại nghĩa trang. Đúng lúc đó, cô chuyển dạ; rồi một bé gái ra đời, nhưng chỉ sống được 4 giờ! Cũng như khi mới sinh, bệnh viện không thể trao bé cho cô, khiến cô lại nổi cơn hung dữ: “Không trao cho tôi là thế nào?! Tôi sẽ không trao nó cho các người thì có! Các người muốn lấy nó để nghiên cứu khoa học, tôi căm ghét khoa học của các người! Căm ghét!...” Nhưng rồi, theo yêu cầu của cô, họ đã chôn hộp gỗ bé nhỏ dưới chân mộ người lính cứu hỏa anh hùng. Chỉ riêng cô, thảm thiết trong nỗi đau vô tận: “…Con tôi chưa có tên, chưa có gì cả… Chỉ là một linh hồn… Một linh hồn mà tôi đem chôn… Tôi đã giết con tôi… Tôi… Nó… Con tôi đã cứu mạng tôi, nó hứng toàn bộ phóng xạ vào người, như một đầu thu xạ… Cục cưng bé bỏng của tôi… Lẽ nào có thể giết chết ai đó bằng tình yêu?...”
Một tác giả đoạt giải Nobel mới viết được những trang văn như thế, mới tìm chọn được những số phận làm cả nhân loại phải thổn thức!
3. Nhưng SA còn làm được hơn thế!
Đọc đoạn trên, có thể sẽ có bạn “chê” tôi đã trích dẫn quá nhiều. Xin thưa: bình văn tác giả đoạt Nobel với dăm cuốn sách “phi hư cấu” mà không ít người cho là “văn loại 2” thì phải dẫn chứng như thế, may ra mới có sức thuyết phục. Hơn nữa, bạn có để ý không, nhiều chi tiết trong các đoạn văn trích dẫn miêu tả thảm kịch bên trời Tây 34 năm trước mà thấy GẦN chúng ta lắm lắm, thậm chí chính chúng ta đang trải qua! Thì đó, bạn có người thân không may dính Covid-19, thậm chí chỉ là F1, F2, nếu muốn đến thăm, cũng phải đứng ngoài hàng rào, giả như có “mẹo” nào đó lẻn vô được, chắc chắn sẽ bị các thầy thuốc toàn thân bao bọc kín như ở vùng nhiễm xạ gay gắt cảnh báo: “Không được ôm! Không được hôn!” mặc dù chẳng thấy gì nguy hiểm từ người thân yêu của họ. Bởi vì vi rút Covid-19, tuy thuộc “chủng loại” khác, trước mắt con người, cũng “vô hình, không mùi vị, không âm thanh” như phóng xạ! Và những người chết phải bọc kín và chôn lấp vội vàng, phun hóa chất xung quanh như ở… Chernobyl! Thôi, có lẽ chẳng cần so sánh thêm nữa…
Chính là SA, qua nhiều nhân chứng thuộc nhiều tầng lớp của thảm họa Chernobyl, đã khiến mọi người tỉnh ngộ về số phận mong manh của nhân loại trước “những thử thách khác, còn dữ dội và toàn diện hơn mà hãy còn đang giấu mặt…”; nói cách khác, bà đã tiên báo về những thảm họa “trước kia chưa từng có… chưa từng đọc trong cuốn sách nào” như các nhân chứng Chernobyl đã nói với bà. Bởi vì, không chỉ nhân dân Belarus - vùng đất bị tàn phá nặng nề do phải đối đầu trực diện đầu tiên với phát xít Đức - mà cả chúng ta, vốn đã “quen” với lịch sử chiến tranh - “Chiến tranh là thước đo của nỗi kinh hoàng”. Tuy vậy, SA ngạc nhiên khi thấy bên trong và quanh vùng nhiễm xạ “số lượng nhiều vô kể những trang thiết bị quân sự… Binh lính bước đều với những khẩu tiểu liên còn mới… KGB làm việc ngay tại nhà máy điện. Họ truy tìm gián điệp và kẻ phá hoại, có tin đồn rằng sự cố xảy ra là kế hoạch của tình báo phương Tây làm sụp đổ thành trì của chủ nghĩa xã hội. Cần phải cảnh giác.” Một tư duy quen thuộc đã hàng mấy thập kỷ. Nhưng theo SA, “sau thảm họa Chernobyl điều gì đó đã bắt đầu hé lộ… Chỉ sau một đêm… đã thực hiện một cú nhảy vọt vào hiện thực mới…”. Bà nhìn những khẩu tiểu liên trong vùng nhiễm xạ và đặt câu hỏi: “Người đó có thể bắn ai? Vật chất vật lý… Những hạt vô hình … Bắn mặt đất bị nhiễm xạ hay cây cối?...”
Bà không thể trả lời những điều đó, vì khi đến Chernobyl, trước “vườn cây trổ bông, lớp cỏ non rạng rỡ lấp lánh dưới ánh mặt trời. Chim hót líu lo… Ý nghĩ đầu tiên: tất cả đều nguyên vẹn…”. Nhưng rồi người ta đã giải thích và bà đã chứng kiến: “Không được hái hoa, đừng ngồi trên đất, đừng uống nước suối… đàn bò đến gần mép nước rồi quay lại… Bầy mèo đã ngừng ăn thịt chuột chết, xác chúng vương vãi khắp nơi…”. Quan trọng hơn là trước “hiện thực mới” này, SA buộc mọi người cùng suy ngẫm với bà: “Sự chết chóc ẩn náu khắp chốn, song đó lại là cái chết kiểu khác. Khoác những bộ mặt nạ mới… Hình mẫu kẻ thù thay đổi. Kẻ thù mới xuất hiện… Những kẻ thù… Đám cỏ đã cắt có thể giết người. Con cá đã câu, con thú đã bẫy. Quả táo… Thế giới quanh ta trước kia nhu thuận và thân thiện là thế, giờ đây gây khiếp sợ… Chúng ta bước vào thế giới mờ đục, nơi mà cái ác không đưa ra được lời giải thích nào, không bộc lộ bản thân và không biết gì đến luật lệ!”
Không phải ngẫu nhiên, trong hàng trăm, hàng ngàn lời kể của các nhân chứng, SA hai lần dẫn tiếng thét của L.I - người vợ của anh lính cứu hỏa sắp chết: “Tôi căm ghét khoa học!” Trớ trêu thay và đây cũng là bài toán “hóc búa” của nhân loại hôm nay: Cuộc sống lại không thể thiếu khoa học, hơn nữa, giới tinh hoa và vật lực đều tập trung cho khoa học, cuộc chạy đua khoa học trên hành tinh vẫn luôn ráo riết như chạy đua…sản xuất vắc-xin chống Covid-19 vậy! “Bài toán” hiện đại này đã được cổ nhân nói một cách giản dị: “Chơi dao có ngày đứt tay!”…
4. SA còn cho chúng ta thấy một khía cạnh khác. Đó là một nhà vật lý hạt nhân V. A. Borisevich, cùng cơ quan với viện sĩ Vasily Borisovich Nesterenko từng một thời sùng bái vật lý, không chấp nhận trong vũ trụ tồn tại những lực siêu nhiên, đã khẳng định với SA: “Kỷ nguyên vật lý đã kết thúc tại Chernobyl.” Và ông thú nhận “mới phát hiện triết gia mình yêu thích, Konstantin Leontiev, có ý tưởng cho rằng hậu quả của những cuộc thí nghiệm hóa học và vật lý tai hại của con người không sớm thì muộn sẽ buộc trí tuệ vũ trụ can thiệp vào các vấn đề trên trái đất của chúng ta… Bây giờ thì tôi tin rằng thế giới ba chiều đã trở nên chật chội đối với con người hiện đại…”. Sau khi nhắc lại, với thế hệ của ông “câu chuyện về nguyên tử không chỉ là về những bí mật của quốc gia, sự huyền bí…Nó còn là tuổi trẻ của chúng tôi, tương lai của chúng tôi, tôn giáo của chúng tôi”, ông nói: “Bây giờ tôi cũng tin rằng thế giới đã có kẻ cầm trịch khác, và rằng, chúng ta với những khẩu súng, những con tàu vũ trụ chỉ như đám con nít. Nhưng tôi không dám chắc về điều đó…”
Rõ là có một “hiện thực mới” sau thảm họa Chernobyl. Với SA, “hiện thực mới” ấy không hẳn đã là “thế giới đã có kẻ cầm trịch khác” (bản thân nhà vật lý cũng “hoang mang” - nói rằng tin rồi lại “chưa tin”!) - bà không viết gì thêm về chủ đề này mà lại tỏ ra thú vị khi nhiều lần dẫn các câu chuyện kỳ lạ về loài vật đã tinh nhạy trước thảm họa hơn cả con người! Như đàn bò khát nước nhưng đến bờ sông nhiễm xạ thì quay lại, giun chui sâu xuống đất, đàn ong 3 ngày liền sau vụ nổ không ra khỏi tổ… Thì ra “hệ thần kinh của chúng nhạy hơn chúng ta!... Đài, báo vẫn còn im re, nhưng bọn ong thì biết…” Và bà đặt câu hỏi: “Ai là kẻ xuất hiện trước, bền bỉ và vĩnh cửu trên mặt đất này - chúng hay chúng ta? Chúng ta còn phải học hỏi chúng cách sinh tồn, cách sống…” Cả nhà vật lý nguyên tử bị ung thư sắp mất, sau khi nói đến “thế giới đã có kẻ cầm trịch khác”, bỗng chú ý và thận trọng trước thiên nhiên: “Bỗng nhiên, tôi nhìn rõ từng chiếc lá… bầu trời tươi xanh…bầy kiến chui ra chui vào những khe nứt trên đường. “Không”, tôi thầm nghĩ, mình phải đi vòng để tránh chúng. Tôi thương chúng. Không muốn chúng chết…” Còn nhà quay phim: “Tôi bắt đầu có cái nhìn khác đối với những con vật…Cây cỏ… Chim chóc… Một con lợn lòi nhảy vọt ra từ ngôi nhà bỏ hoang đổ nát của con người… Con nai sừng tấm bước ra… Đó là những gì tôi quay… Tôi muốn làm một bộ phim mới. Nhìn mọi thứ bằng ánh mắt của loài vật… Thánh Francis giảng đạo cho bầy chim. Nói với chúng như với người ngang hàng…” Và ông nhắc SA về một nhân vật của Dostoievsky, “một người điều khiển ngựa bằng cách quất vào đôi mắt hiền lành của nó. Gã điên!”…
Bên thảm họa mà hàng ngàn con người phải lao đến giải cứu như những anh hùng, nhưng đồng thời cũng có nhận xét rằng việc đó chẳng khác gì tự sát tập thể, thì thái độ con người biết coi trọng thiên nhiên, không còn kiêu ngạo trước con ong, cái kiến… như trên không phải là “chuyện nhỏ”. Quả là “thế giới ba chiều đã trở nên chật chội.” Sau thảm họa Chernobyl, con người phải nhìn thế giới với một con mắt khác…
5. Điều cuối cùng, bàn về một tác phẩm đoạt giải Nobel về văn chương, cần nói thêm là không chỉ chương mở đầu, mà toàn bộ tác phẩm cũng diễn ra với “kết cấu kiểu bản giao hưởng” rất nhiều giọng điệu: Sau 3 mục “mở đầu” kéo người đọc vào cuộc (“Tham chiếu lịch sử” - “Tiếng nói đơn độc của con người” - “Tác giả tự phỏng vấn…”) là ba chương, chỉ tên đề mục đã đầy ấn tượng: 1 - Vùng đất của người chết; 2 - Đỉnh cao sáng tạo; 3 - Ngợi ca nỗi buồn; Và kết thúc bằng “Chương trình các tour du lịch đến Chernobyl của Hãng Lữ hành Kiev” với lời bình của SA: “Bạn nghĩ tôi mất trí chăng? Bạn nhầm rồi:… Người ta thèm những cảm giác mạnh, mới mẻ… Cuộc sống trở nên nhàm chán, và người ta muốn trải nghiệm cảm giác ớn lạnh của điều gì đó vĩnh hằng… Mời đến thăm Thánh địa Mecca của nguyên tử. Giá phải chăng.”
Đây là những dòng cuối của cuốn sách được dịch theo bản in tái bản 2013 (sau khi tác giả có điều chỉnh và bổ sung - bản in lần đầu năm 1997.) Cho đến nay, mặc dù nhân loại đã chứng kiến thêm thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) trong trận động đất ngày 13/3/2011, ý kiến giới khoa học về sử dụng công nghệ nguyên tử vẫn “phân rã”, cũng như sự “chia rẽ” trong cách điều trị người mắc Covid-19 hiện nay... Bản thân nước Nhật, đã cho ngừng một loạt nhà máy, rồi cho chạy lại và trang thông tin VinAtom của Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, ngày 20/11/2019 đã cho đăng bài của James Conca, một nhà khoa học trái đất làm việc cho nhiều cơ quan khoa học ở nhiều nước, lại cho rằng việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật là “một ý tưởng tệ hại… có nhiều người Nhật đã chết vì việc đóng cửa hơn là chết vì sóng thần, động đất… không có một ca tử vong nào do bức xạ thoát ra từ lò phản ứng…”. Tôi đọc mà không tin vào mắt mình nữa! Không hiểu James Conca viết theo trí tuệ, lương tâm một nhà khoa học chân chính hay vì cái gì khác? Trong khi đó, báo “Thời nay” (Phụ bản của báo Nhân Dân ngày 6/3/2020 lại vừa đăng bài “Xu thế đóng cửa điện hạt nhân ở châu Âu” với sự kiện nhà máy Fessenhein ở Pháp đã ngừng bước 1 và sẽ ngừng bước 2 trong tháng 6… Thì ra giới khoa học cũng lắm “trường phái” như văn chương!
Vậy là nhà văn SA, bằng tất cả tâm huyết của mình muốn giúp nhân loại tỉnh ngộ, nhưng con người vẫn khó dứt cơn “say” theo quán tính đã bao đời! Chẳng lẽ phải đợi đến ngày… tận thế, khi chỉ còn các tỷ phú sống trên… mặt trăng, con người mới thức tỉnh?
N.K.P
(SHSDB38/09-2020)