AGNES ARNOLD-FORSTER
Trong khi một số quốc gia vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ ba của trận đại dịch, thì những quốc gia khác đang dần trở lại trạng thái bình thường. Kể từ ngày 21/04/2021, Đan Mạch đã cho phép các nhà hàng và quán cà phê được phục vụ trở lại, và người hâm mộ bóng đá đang trở lại khán đài. Ở những quốc gia đã triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vắc-xin, một làn gió lạc quan đang thổi bùng lên.
Tuy nhiên, bất chấp tia hy vọng này, sự không chắc chắn về những gì trong tương lai vẫn còn đó. Các bài báo nói về tình hình thế giới sẽ ra sao sau khi đại dịch kết thúc đang không ngừng gia tăng và tất cả các quốc gia đều hướng đến nhận định về cách phục hồi sau thảm họa kinh tế kéo dài một năm này.
Những câu hỏi tương tự như thế cũng đã được đặt ra cách đây hơn 100 năm, trong lúc đại dịch cúm diễn ra - còn được gọi là bệnh cúm Tây Ban Nha - vào năm 1918. Loại virus này đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người - tức khoảng một phần ba dân số thế giới vào thời điểm đó - trong bốn đợt liên tiếp. Mặc dù đại dịch này kéo dài trong một thời gian dài và thất thường mới kết thúc, nhưng sau đó là cả một thập niên kinh tế và xã hội trải qua sự thay đổi mạnh mẽ.
Giai đoạn bùng nổ này ở Bắc Mỹ và châu Âu được gọi là “những năm hai mươi bùng nổ”, được đánh dấu bằng sự thịnh vượng kinh tế, phát triển văn hóa và thay đổi xã hội. Giữa những năm 1920 và 1930, có một sự gia tốc nhanh chóng trong việc phát triển và sử dụng ô tô, máy bay, điện thoại và phim ảnh. Ở nhiều nền dân chủ, một số phụ nữ đã giành được quyền bầu cử và bắt đầu tìm được vị trí của mình trong lĩnh vực công và thị trường lao động.
Điểm tương đồng
Với tư cách là một nhà sử học về chăm sóc sức khỏe, tôi nhận thấy những điểm tương đồng nổi bật giữa thời kỳ đó và những gì mà chúng ta đang trải qua ngày nay. Và khi chúng ta bước sang những năm 20 của chính mình, thật hấp dẫn khi sử dụng lại ví dụ này để dự đoán những gì sẽ xảy ra ở phía trước sau Covid-19.
Việc triển khai vắc-xin đã làm dấy lên hy vọng chấm dứt đại dịch. Nhưng nó cũng đặt ra câu hỏi về việc hành tinh này có thể phục hồi như thế nào và liệu sự kết thúc của thời kỳ này có đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên hỗn loạn mới hay không. Cũng giống như những năm 1920, Covid-19 có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi về thế giới công việc, những sự điều hành tại chỗ và không gian dành riêng cho niềm vui trong cuộc sống của chúng ta.
Tuy nhiên, có những khác biệt quan trọng giữa hai đại dịch có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của thập niên tới. Trước hết, tuổi của các nạn nhân của đại dịch cúm năm 1918 không giống với tuổi của các nạn nhân của Covid-19.
Trận dịch cúm năm 1918 chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, trong khi nạn nhân thiệt mạng của Covid-19 chủ yếu là người già. Vì vậy, nỗi sợ hãi đã không được trải nghiệm theo cùng một cách giữa các thế hệ.
Phải thừa nhận rằng những người trẻ tuổi cũng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: vi rút đã đe dọa những người ở mọi lứa tuổi có vấn đề về sức khỏe và một số biến thể có nhiều khả năng ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi. Sức khỏe tinh thần của những người trẻ tuổi cũng được đưa vào thử thách và họ phải chịu nhiều lo lắng hơn trong suốt cả một năm thực hiện cách ly và các biện pháp dịch tễ.
Tuy nhiên, cảm giác nhẹ nhõm của họ khi sống sót sau đại dịch Covid-19 có thể không cao bằng trải nghiệm của những người trẻ tuổi từ 20 đến 30, những người sống sót sau đại dịch cúm năm 1918 và là những người có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều.
Một bối cảnh khác
Điều quan trọng cần lưu ý là dịch cúm năm 1918 xảy ra ngay sau Thế chiến thứ nhất, bản thân nó đã gây ra một sự biến động triệt để trong trật tự xã hội. Bất chấp những thảm kịch đã trải qua vào năm 2020, những thay đổi mà chúng ta đang trải qua có thể không đủ để tạo ra một kiểu chuyển đổi xã hội giống như những năm 1920. Trong số các đặc điểm chính của “những năm 20 sôi nổi” là sự từ chối các giá trị truyền thống, sự thay đổi mạnh mẽ về bản dạng giới tính và sự nở rộ của văn hóa đồng tính nam.
Tuy viễn cảnh của những năm 2020 có thể giống với “những năm 20 sôi nổi” có vẻ là một điều đáng khích lệ, nhưng đại dịch đã củng cố, thay vì thách thức, vai trò truyền thống của nam giới trong mối quan hệ với nữ giới. Tại Hoa Kỳ, cũng như ở những nước khác, nghiên cứu cho thấy nguy cơ các bà mẹ rời bỏ lực lượng lao động để lui về hỗ trợ gia đình ở nhà làm mất đi khoảng 64,5 tỷ đô la một năm tiền lương và lợi ích kinh tế.
Có lẽ, trong tâm trí của hầu hết những người nghĩ về “những năm 20 sôi nổi” là hình ảnh của hộp đêm, những vũ công ở Charleston, những nghệ sĩ nhạc jazz và những người ăn chơi. Nhưng niềm vui luôn đi kèm với cái giá của nó. Chắc chắn mọi người sẽ muốn tiệc tùng và xả hơi khi mọi thứ trở lại bình thường, nhưng việc theo đuổi niềm vui này có thể sẽ nằm ngoài khả năng của nhiều người.
Đặc biệt, những người trẻ tuổi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực tài chính liên quan đến Covid-19. Những người lao động từ 16 đến 24 tuổi hiện đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và một tương lai bấp bênh. Trong khi một số người đã vượt qua cơn bão kinh tế trong năm qua, thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Bất bình đẳng và chủ nghĩa bảo hộ
Tất nhiên, những năm 1920 không phải là thời kỳ của vui thú mãnh liệt đối với tất cả mọi người. Những bất bình đẳng tồn tại trong xã hội đã là một vấn đề nhức nhối vào thời kỳ đó, giống như ngày hôm nay. Và trong khi xã hội đã trở nên tự do hơn ở một số khía cạnh, các chính phủ cũng đã áp dụng các chính sách cứng rắn hơn và mang tính cưỡng chế hơn, cụ thể là đối với vấn đề nhập cư, đặc biệt từ các nước châu Á.
Các Đạo Luật Di trú năm 1924 hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ bằng cách nhắm mục tiêu vào người châu Á. Úc và New Zealand cũng hạn chế hay chấm dứt nhập cư đối với người châu Á, và tại Canada, Đạo luật Nhập cư đối với Trung Quốc vào năm 1923 cũng áp đặt những hạn chế tương tự.
Có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy phản ứng dữ dội như vậy có thể tái diễn vào ngày hôm nay. Tâm lý bài Á đang dâng cao và nhiều quốc gia sử dụng Covid-19 như một lý do để biện minh cho các chính sách bảo hộ và hạn chế biên giới cứng rắn hơn.
Trong niềm lạc quan dâng trào của chúng ta về tương lai, chúng ta phải lưu ý đến những tác động bất lợi mà đại dịch cũng có thể gây ra. Giống như bệnh tật có thể kích hoạt cơ chế tạo ra thay đổi xã hội tích cực, nó cũng có thể củng cố bất bình đẳng và chia rẽ hơn nữa các quốc gia và cộng đồng.
Tuệ Đan dịch
Dịch từ: La fin de la pandémie de Covid-19 marquera-t-elle un retour aux “années folles” comme en 1920? (theconversation.com).
(TCSH388/06-2021)