MICHAEL MARDER
Michael Marder là giáo sư triết học tại Đại học Basque Country, Vitoria-Gasteiz. Ông làm việc trong các lĩnh vực như hiện tượng học, triết học chính trị và lý luận về môi trường. Là tác giả của 10 đầu sách gồm Plant-Thinking (2013), Pyropolitics (2015), Dust (2016),… Hiện ông đang triển khai hướng tiếp cận triết học về vấn đề năng lượng vốn được truyền cảm hứng từ suy tư về cây cỏ, thực vật.
Với đại dịch virus corona mới, ý thức về sự tiếp xúc đã bị tấn công. Các cơ quan y tế kiên quyết khuyến cáo chúng ta: không đưa tay lên mặt, không chạm tay vào nắm cửa và nhất định không chạm vào người khác (không hôn lên má, bắt tay hay chào hỏi dưới các dạng tiếp xúc cơ thể khác). Rất dễ hiểu lý do đằng sau hướng dẫn như vậy. Virus này rất dễ lây lan và có thể tồn tại không chỉ trên da mà còn trên các bề mặt vô cơ trong một thời gian tương đối dài. Việc đóng khung văn hóa theo cách đó ít nhất cũng quan trọng không kém so với giải thích sinh học hay dịch tễ học.
Việc gia tốc cho các quá trình diễn ra theo một tiêu ngữ rộng rãi có tên toàn cầu hóa bao hàm sự ảo hóa (virtualization) ngày càng tăng của thế giới. Để trở thành một quả cầu (bản thân nó là một thứ hình học trừu tượng hơn là thực tế cụ thể), thế giới phải được hình dung lại như một thể thống nhất lý tưởng. Sự đồng nhất hóa văn hóa, thường bị phản đối và chỉ trích vì làm nghèo nàn và san bằng các phong tục cùng lối sống địa phương, chỉ là một tác dụng phụ của phong trào lý tưởng hóa đó.
Phần lớn công việc ảo hóa đã được Internet thực hiện, cùng với hàng loạt công nghệ để dần loại bỏ hoặc số hóa các thao tác được thực hiện bằng việc tiếp xúc: thiết bị điều khiển bằng giọng nói, vòi nước có thể mở mà không cần vặn, máy rút và xả xà phòng, chưa kể đến các phương thức thanh toán không tiếp xúc khác. Tiếp xúc dần được liên kết một cách ám ảnh với màn hình cảm ứng của điện thoại thông minh và máy tính bảng, như chúng ta đã biết, có thể là những chỗ hoàn hảo để lây nhiễm virus corona.
Nói ngắn gọn, đó là một giấc mơ toàn cầu hóa để tạo ra hiện thực không tiếp xúc, một sự kết hợp ảo mà không có sự tham gia của cơ thể. Khách du lịch và các chính trị gia, nhân viên Liên hợp quốc và các chuyên gia nước ngoài, các nhà tư vấn kinh doanh và (có cả) các học giả có thể di chuyển khắp thế giới như thể họ là những linh hồn đã lìa khỏi xác, hiện diện bằng xương bằng thịt như thể họ không thực sự hiện diện, không thực sự tiếp xúc với những nguy hiểm và tình huống bất ngờ.
Trong thời đại của virus corona mới, giấc mơ đó đã tan thành mây khói. Nó chỉ ra rằng các phương tiện giao thông của chúng ta không chỉ chở mỗi hành khách là những con người chúng ta và cả những địa điểm, có thể ở bất cứ đâu, chẳng hạn như sân bay hay chuỗi khách sạn lớn, cũng đều lưu chứa các dạng sống hoặc phi sự sống khác - vi rút. Sự dư thừa không được mời gọi và vô hình này nhắc nhở chúng ta rằng, khác xa với những linh hồn đã lìa khỏi xác, chúng ta tồn tại được là nhờ vào cơ thể mong manh của chúng ta, mà có thể trong một ngày nào đó, ta thấy bản thân đang ở bên bờ vực của bệnh hiểm nghèo hoặc cái chết.
Đại dịch virus corona báo hiệu sự trở lại của những gì đã bị đàn áp hoặc kìm nén bởi những xung năng bện chặt lấy nhau thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và ảo hóa thế giới, cụ thể là cơ thể. Và toàn bộ cơ thể được thể hiện bằng xúc giác, cơ quan tương ứng của nó không phải là bàn tay, như chúng ta tự động cho là thế, mà là da. Cũng giống như hội chứng jetlag (cơ thể chưa kịp thích nghi khi di chuyển đường dài qua nhiều múi giờ khác nhau - ND) chứng minh sự khác biệt giữa khả năng công nghệ và sinh lý của chúng ta, do đó, đại dịch hiện tại làm nổi bật những điểm bất hợp lý giữa một mặt là giấc mơ ảo hóa-toàn cầu hóa và mặt khác việc sống “trong làn da của một người”, thay vì hoàn toàn là “trong đầu óc của một người”.
Ở đây, có một sự khác biệt dường như không đáng kể giữa nhiễm trùng và lây lan. Nhiễm trùng theo nghĩa đen có nghĩa là bị nhiễm độc bên trong, khi cơ thể nhận được thứ gì đó không sạch bên trong bản thân. Sự lây lan, trong tiếng Latinh có nghĩa là “chạm vào” hoặc “dính vào”, không đòi hỏi sự xâm nhập của một chất lạ nào và có khả năng gây hại vào một sinh vật, mà là khả năng lây truyền, khả năng của các tác nhân bệnh lý nhảy từ vật chủ này sang vật chủ khác. Giống như tên gọi của nó, sự lây lan xảy ra trên bề mặt, ở giao diện của các bề mặt tiếp xúc với nhau. Nó để lại mường tượng về sự-ô-nhiễm-như-một- sự-xâm-nhập và thay vì cố định vào sự phân biệt giữa bên trong và bên ngoài (cũng như ranh giới, vách ngăn hay các màng ngăn cách giữa cả hai), thì nó lại tập trung vào chỗ tiếp xúc, không gian ở giữa khiến mỗi cơ thể trở thành nơi trung chuyển cho sự tự sao lưu của virus.
Điểm đặc biệt khác của sự lây lan là nó không đếm xỉa đến sự phân chia giữa các khu vực mà chúng ta thường coi là hoàn toàn độc lập: sinh học và kinh tế học, tâm lý học và tin học. Virus tự tái tạo trong các mô sống và các chương trình máy tính, thông qua các memes “truyền virus” hoặc thông qua việc mã hóa DNA hoặc RNA của các protein, nhờ đó chúng hoạt động. Sự lây lan giữa các thành viên của quần thể, từ loài này sang loài khác (như trong trường hợp của coronavirus), trên thị trường tài chính, thông qua tin đồn và nỗi sợ hãi, trong việc phổ biến các hệ tư tưởng, ngay cả khi nó tạo ra các vòng phản hồi giữa các khu vực khác nhau này [tác giả chỉ virus chung cho cả virus sinh học lẫn virus điện tử - ND].
Tại sao sự lây lan có phạm vi và diện tiếp cận rộng hơn đáng kể so với nhiễm trùng? Liệu không phải vì sự lây lan đòi hỏi nhiều hơn việc chùi rửa các bề mặt: giữa da và da, da và tay nắm cửa, cùng những lời đồn thổi sợ hãi và một đôi tai tiếp nhận nó, một ngân hàng mất khả năng thanh toán và các tổ chức tương tự làm mất lòng tin của nhà đầu tư, thị trường tài chính và các mô hình kinh tế điều khiển, “Nước Mỹ trên hết” và một chủ nghĩa dân tộc khác “Tôi là trên hết”? Do đó, toàn bộ sự lây lan đều liên quan đến việc tiếp xúc, không phải sự kết hợp - một yếu tố giúp nó có tốc độ và khả năng lan truyền xa và rộng.
Trở lại với đại dịch coronavirus: mặc dù động lực của xúc giác kêu gọi chúng ta trở lại cơ thể của mình, nhưng chúng ta vẫn làm như vậy dưới dấu hiệu của sự đàn áp nghiêm trọng hơn. Nếu trước cuộc khủng hoảng hiện tại, chúng ta chỉ đơn giản là đã bỏ quên cơ thể mình, không nhận thấy nó khi nó di chuyển liên tục và tương tác với các cơ thể và bề mặt khác trong một thế giới toàn cầu hóa, thì bây giờ chúng ta nhớ lại (thực sự là nhớ lại) sự tồn tại của nó trong bầu không khí của một sự phủ định có ý thức, được chắt lọc trong lệnh huấn thị “không được chạm vào” - thậm chí không được chạm vào chính mình.
Thật kỳ lạ, khoảnh khắc mà nhiều người trên khắp thế giới phải đối mặt với sự mong manh của cơ thể và cuộc sống của họ - khoảnh khắc chúng ta được gọi trở lại với sự tồn tại hữu hình của mình - chúng ta phải thực hiện các biện pháp để giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp với người khác, rút lui vào những cái kén riêng tư là những ngôi nhà của chúng ta. Cơ thể bằng xương bằng thịt sẽ sớm trở lại trên phạm vi toàn cầu khi mà quá trình ảo hóa sự tồn tại ngày càng mạnh mẽ, với đời sống xã hội hầu như chuyển giao hoàn toàn cho Internet. Trong trận đại dịch lần này, động lực của tiếp xúc tìm lại được cơ thể vừa bị đe dọa nghiêm trọng vừa là nguồn đe dọa, phục hồi lại phiên bản ảo hóa nghiêm ngặt nhất của nó.
Khoảng thời gian nghỉ ngơi tạm thoát khỏi những nhịp độ chóng vánh trong đời sống của chúng ta đối với nhiều người do đại dịch Covid-19 sẽ là dịp để chúng ta suy ngẫm về những gì đang diễn ra trước khi dịch virus này bùng phát và những gì thế giới, gồm mối quan hệ của chúng ta với nhau và với cơ thể của chúng ta có thể trông như thế nào sau khi nó lắng xuống. Làm thế nào mà virus lại can thiệp vào lịch sử tiếp xúc, được định hình bởi các quy ước xã hội, chế độ chính trị và y tế, các phát minh công nghệ? Cảm giác lây lan trong thực tế ảo ngày càng rũ bỏ “việc tiếp xúc” và bên dưới thực tế bị triệt tiêu của nó là gì? Làm thế nào để sống và nghĩ về những bề mặt, với những bề mặt chồng chéo (có khả năng lây nhiễm) mà chúng ta đã nhầm với những thứ rời rạc: cơ thể, nền kinh tế, hệ thống thông tin và hệ thống niềm tin?
Tuệ Đan dịch
từ “Contagion: Before and Beyond COVID-19”
(lareviewofbooks.org)
(TCSH390/08-2021)