Nhìn ra thế giới
Tài nhân hay tội nhân
15:11 | 14/01/2022

HOÀI PHƯƠNG

Việc làm tranh giả chỉ đến thế kỷ thứ 17 mới bắt đầu phát triển, trước đó người ta thường làm các đồ mỹ nghệ hay các loại tượng giả.

Tài nhân hay tội nhân
Van Meegeren bên bức vẽ "Jesus Among the Doctors" năm 1945 - Ảnh: wiki

Những người làm tranh giả là những họa sĩ không gặp may trong lĩnh vực của mình, và để tồn tại, họ phải nhờ danh của một người khác. Tuỳ vào khả năng, sở trường, những người làm tranh giả này sẽ tìm cho mình những danh họa nào đó thích hợp. Thí dụ như Pietro Vechia ở Venise chuyên vẽ giả những tranh của Gioszione và Titien. Còn Sébastien Bourdon lại chuyên trách những tranh của Poussin và Lorrain ở Thành Roma v.v... Những người buôn bán tranh giả thường kiêm nhiệm nhiều công việc: là nhà buôn, là hoạ sĩ, nhà phục chế, có khi cả giám định viên nghệ thuật nữa. Trong thời kỳ này tranh của hoạ sĩ Raphael được làm giả nhiều nhất, ông là một trong số những hoạ sĩ tài ba được rất nhiều người mến mộ. Và Terenzio da Urbino là người nổi tiếng nhất làm những tranh giả của Raphael. Nhiều người yêu thích nghệ thuật, mặc dù biết là đồ giả, nhưng không có được bản chính, cũng bằng lòng với một bản sao như thật. Đối với những khách hàng này, vấn đề chỉ còn là: thỏa thuận với người bán một giá cả hợp lý.

Trong những vụ làm tranh giả, có lẽ vụ Van Meegeren là một trong những vụ nổi tiếng nhất thế giới, và đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Van Meegeren là một anh chàng họa sĩ trẻ không tên tuổi người Hà Lan. Trong thời kỳ Đức chiếm đóng, người ta đã phát hiện anh đã bán những bức tranh quý của họa sĩ Hà Lan bậc thầy Vermeer cho một viên nguyên soái Đức quốc xã, và một vài sĩ quan Đức khác. Sau khi Berlin sụp đổ ngày 25-5-1945 anh đã bị nhà chức trách bắt giam ở nhà tù Amsterdam vì tội: Đã đem bán những bảo vật văn hóa của tổ quốc cho kẻ thù.

Khi được hỏi cung, Van Meegeren đã cực lực phản bác lời buộc tội đó, và còn cho rằng chính anh mới là người có tinh thần yêu nước hơn nhiều công dân khác, với lý do: Những bức tranh anh bán cho những sĩ quan cao cấp Đức quốc xã ấy toàn là tranh giả. Như vậy là anh đã đánh lừa được bọn phát xít, chơi khăm được nhiều vố với kẻ thù của tổ quốc mình.

Người ta không chịu nổi với sự khoác lác trơ trẽn của anh, còn những giám định viên nghệ thuật thì cảm thấy bị xúc phạm, khi anh nói mạnh thêm rằng: Không chỉ những tranh đó là tranh giả, mà còn tự tay anh làm ra chúng. Anh đề nghị cho được chứng minh, và cuối cùng lời đề nghị của anh được chấp nhận.

Van Meegeren đã vẽ lại bức "Chúa Giêsu giữa những nhà giảng đạo lý", dưới sự giám sát của cảnh sát, cai ngục và những chuyên gia, giám định viên nghệ thuật. Và tất cả mọi người đều sửng sốt trước tài năng nghệ thuật của Van Meegeren. Đúng là một tác phẩm nổi tiếng của Vermeer đang hiện nguyên hình.

Khi được hỏi tại sao anh lại làm như vậy? Van Meegeren giải thích rằng: Làm điều đó để trả thù việc câu lạc bộ nghệ thuật thành phố La Haye - nơi anh sinh sống và sáng tác, đã không thừa nhận tài năng hội hoạ của anh...

Van Meegeren bị kết án một năm tù, nhưng vì nhiều việc phức tạp liên quan đến những việc bán tranh giả mà các khách hàng đến lúc đó mới biết, họ kiện tụng anh, và vụ án đã kéo dài thành mười năm, Van Meegeren đã chết trong một cơn đau tim và rối loạn tinh thần nặng.

Vụ án làm tranh giả, bán tranh giả của Van Meegeren được dư luận của nhiều giới trong nước Hà Lan, cũng như một số nước châu Âu tranh luận nhiều lúc bấy giờ.

Một số người mà bản thân họ, cũng như gia đình, người thân đã từng là nạn nhân của bọn Đức quốc xã, đã hoan nghênh, đồng tình với "những vố chơi khăm" đó với các sĩ quan Đức, và tuyên dương anh là một "nhân sĩ yêu nước".

Một số dư luận khác cho rằng: Anh đã vẽ giống hệt, đến nỗi ngay cả những chuyên gia, giám định viên nghệ thuật không thể phân biệt đâu là tranh của Van Meegeren vẽ giả, đâu là tranh thật của Vermeer, thì anh ta phải được công nhận là một nhân tài chứ?

Một quan điểm khác của dư luận lại cho rằng: Làm tranh giả, bán tranh giả là phạm pháp. Vì vậy anh là một tội nhân.

Một vài người khác phát hiện thấy có những quan chức tòa án, những giám định viên nghệ thuật, và nhà chức trách khác cũng chẳng cao thượng, sạch sẽ gì nhiều lắm về mặt đạo đức, đã lấy chủ đề của bức tranh của Vermeer mà Van Meegeren vẽ lại "Chúa Giêsu giữa những nhà giảng đạo lý" để bình luận. Và kết luận rằng "Đời là thế đấy!".

H.P
(TCSH52/11&12-1992)
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng