LƯƠNG DUY THỨ
(Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Quách Mạt Nhược 1892-1992)
Nói đến văn học Trung Quốc hiện đại không thể không nhắc đến Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Mạo Thuẫn, Tào Ngu, Ba Kim v.v.. Quả vậy, Quách Mạt Nhược là lão gia lớn đứng ở vị trí thứ hai sau Lỗ Tấn.
Cống hiến của ông cho nền văn hóa Trung Quốc thuộc nhiều lĩnh vực, ông là nhà nghiên cứu lịch sử, có công lớn trong việc nghiên cứu chế độ nô lệ ở Trung Quốc; là nhà nghiên cứu văn tự cổ, một trong 3 hoặc 4 học giả cùng thời giải mã được các chữ viết khác trên mai rùa xương thú (giáp cốt văn tự) 4, 5 ngàn năm về trước; là tác giả 4 tập truyện ngắn, 8 vở kịch lịch sử và hàng chục tập thơ(1). Ông còn là dịch giả thơ Tagore, Goethe, Heine, Whitman. Có thể thấy, với 96 năm tuổi thọ (1882-1978) từ buổi thiếu thời cho đến khi từ giã cõi đời, Quách Mạt Nhược đã lao động sáng tạo không mệt mỏi. Quá trình ấy cũng trải qua nhiều gian truân.
Xuất thân trong một gia đình đại địa chủ ở Tứ Xuyên, cũng như Lý Bạch ngày trước, ông giữ nhiều kỷ niệm về quê hương núi non hùng vĩ, giàu có truyền thuyết và truyện truyền kỳ. Lớn lên, ông tiếp nhận tư tưởng "Phú quốc cường binh" (nước giàu binh mạnh) của những người Cách mạng Tân Hợi. Cũng giống như Lỗ Tấn, ông sang Nhật để tìm đường, ông học ngành y. Nhưng khi cuộc "Cách mạng văn học Ngũ tứ" sôi động trên quê hương thì ông chuyển hẳn sang làm văn nghệ. Ông cùng bạn bè đang lưu học ở Nhật như Thành Phương Ngô, Úc Đạt Phu, Trương Tư Bình... thành lập Sáng tạo xã (1921) chủ trương "dùng văn học để động viên nhiệt tình cải tạo xã hội". Cùng với Hội nghiên cứu văn học của Mao Thuẫn, đây là hai đoàn thể văn học đầu tiên của Trung Quốc thời hiện đại. Năm 1923, khi ông tốt nghiệp về nước thì cuộc nội chiến giữa quân cách mạng Tôn Trung Sơn và bọn quân phiệt phương Bắc nổ ra. Ông tham gia đội quân Bắc phạt, làm phó chủ nhiệm Bộ chính trị bên cạnh Chu Ân Lai. Năm 1927 ông lại tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Xương (Bát Nhất) thành lập Hồng quân công nông. Khởi nghĩa thất bại, ông về Thượng Hải hoạt động văn hóa. Bị truy nã, ông lánh sang Nhật và ở đây 10 năm. Ông chuyên tầm nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc (đến mức Lỗ Tấn phải nhắc nhở: Cứ ẳm mãi momie rồi cũng có ngày biến thành momie!). Năm 1937 cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ. Ông về nước tham gia kháng chiến và đến 1948 thì ra khu giải phóng Diên An. Sau 1949, nước CHND Trung Quốc thành lập. Ông giữ các chức vụ Chủ tịch Hội liên Hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc, Viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc, phó chủ tịch Quốc hội và tham gia công tác Hội đồng hòa bình thế giới. Trong cách mạng văn hóa, ông bị cách chức và có thể do hoàn cảnh, có lúc quan điểm học thuật của ông không rành mạch. Khi "bè lũ 4 tên" bị hạ bệ, ông được minh oan chiêu tuyết. Khi ông qua đời, nhà nước đã làm lễ quốc tang và cho đúc tượng vàng Quách Mạt Nhược làm giải thưởng khoa học quốc gia.
Có thể nói về Quách Mạt Nhược trên nhiều lĩnh vực, mà lĩnh vực nào cũng có những cống hiến đáng kể. Riêng về văn học, ông được ghi nhận như nhà thơ lãng mạn cách mạng, nhà thơ khai phá một dòng mạch, với tập Nữ thần bốc lửa. Ông cũng được ghi nhận như nhà soạn kịch lịch sử mà vở Khuất Nguyên là tiêu biểu.
Cuộc Cách mạng văn học thời Ngũ tứ đã định hướng cho văn học mới: Phải hướng về đời sống xã hội, về tầng lớp dưới bị áp bức bóc lột; phải viết bằng bạch thoại cho đối tượng bạn đọc rộng rãi. Người có công xác định định hướng này trong lĩnh vực tiểu thuyết là Lỗ Tấn. Về thơ, phải nói đến Quách Mạt Nhược. Do cá tính sáng tạo mỗi người một vẻ, thơ Quách Mạt Nhược khác thơ Hồ Thích, cũng khác thơ Lưu Bán Nông, Văn Nhất Đa. Ông xuất hiện trên thi đàn bằng một giọng điệu hùng tráng, như tiếng kèn báo thức, như khúc nhạc ra quân. Nữ thần với những vần thơ bốc lửa cũng có tác dụng đánh thức những người "ngủ mê trong các nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ" (Lỗ Tấn) chẳng khác gì tiếng kêu cứu thảm thiết của người điên trong Nhật ký người điên của Lỗ Tấn.
Ôi! cô em tươi trẻ của tôi
Tình em ân cần anh chẳng phụ
Em cũng đừng phụ lòng anh mong nhớ
Anh đốt mình lên đỏ rực thế này
Chính vì người mà anh yêu dấu
(Than trong lò) (2)
Quách Mạt Nhược nói: "Nước Trung Hoa sau Ngũ tứ như một cô gái lanh lợi, có chí tiến thủ, chẳng khác nào người yêu trong tim tôi... Than trong lò là bài tình ca tôi gửi tặng cô ta".
Với nhiệt tình yêu nước chấy bỏng ấy, trong bài Ca tụng thể phi ông đã ngợi ca tất cả những vĩ nhân chống lại cái cũ, đòi hỏi đổi mới, cách mạng. Ông nhắc đến Marx, Engel, bên cạnh Washington, Darwin, Sajiamuni.
Ca tụng tinh thần phản kháng, ca ngợi những con người phản nghịch, nhà thơ yêu cầu triệt để giải phóng cá tính (individu) đòi hỏi một cuộc sống bao la về không gian và thời gian:
Ta là con chó trời
Ta nuốt mặt trăng
Ta nuốt mặt trời
Ta nuốt trôi mọi vì tinh tú
Ta nuốt toàn vũ trụ
Và ta tức là "tôi" đây
Tôi lao vút
Tôi thết gào
Tôi thiêu đốt
Tôi đốt thiêu như vừng lửa rực
Tôi thết gào như biển mênh mông
Tôi chạy bay như dòng điện lực
Tinh thần triệt để phá bỏ, triệt để giải phóng ấy được thể hiện đầy đủ trong bài Phượng hoàng niết bàn. Đây là một kịch thơ lấy đề tài từ thần thoại Ai Cập: Có một loại chim thần tên là Phoenix, sau khi sống đủ 500 năm thì kiếm gỗ trầm hương về để tự thiêu. Trong đống tro tàn, Phoenix lại hồi sinh, trong sáng hơn, tươi đẹp hơn và vĩnh sinh bất tử. Có nhà phê bình coi kịch thơ là một bản giao hưởng gồm bốn chương: Chương đầu là khúc dạo. Giữa bầu trời ngày giáp Tết một cặp phượng hoàng bay lượn trên không, miệng ngậm gỗ trầm hương, đem chất thành đống ở núi Đan huyệt, chuẩn bị tự thiêu. Chương 2 là lời sám hối của vợ chồng nhà chim, nguyền rủa cuộc đời đã qua:
Năm trăm năm rồi; nước mắt tuôn trào như suối
Năm trăm năm rồi như ngọn nến lâm ly
Nước mắt chảy không dứt
Ô trọc rửa không sạch
Nhục nhã tẩy không đi
Chương 3 đầy kịch tính. Một bầy chim phàm tục nhảy múa reo mừng vì phượng hoàng chết đi, từ nay chúng sẽ làm bá chủ không trung. Tất cả cái bi ổi, nhỏ nhen, trâng tráo của lũ cơ hội đã tương phản tương chiếu làm nổi bật cái cao cả của phượng hoàng và chất bi tráng của sự hy sinh.
Chương cuối là tiếng hát của sự tái sinh. Ánh sáng tắt lụi lại bừng lên. Phượng hoàng cất lời ca hoan hi chúc mừng sự vĩnh cửu, chúc mừng cuộc sống mới. Nhà thơ Quang Vị Nhiên đã khen ngợi chất hùng tráng của đoạn thơ và ví nó với bài ca hoan lạc trong khúc Giao hưởng số 9 của Beethoven.
Quách Mạt Nhược nói: “Thơ không phải làm ra mà là tuôn chảy ra. Nhà thơ chi cần biểu lộ tâm tình một cách chân thật, tự nhiên, có sao viết vậy, không phải là đẽo gọt từng câu từng chữ, vắt óc làm thơ”(3). Ông lại nói: “Chi cần biểu hiện một cách chân thật cái ý thơ trong lòng, cái strain từ đầu nguồn sinh mệnh, cái melody từ điệu đàn con tim, cái rung động của sự sống, tiếng gọi của tâm linh - ấy là thơ thật, thơ hay; là nguồn vui của loài người, là vò rượu nồng, là thiên đường an ủi" (Vương Giao: Trung Quốc tân văn học sử lược).
Nữ thần chính là những vần thơ nóng bỏng như thế. Hàng chục tập thơ tiếp theo cũng là sự tuôn chảy như thế. Có người chê thơ ông có phần Âu hóa, nhưng sự bột phát, sự bùng nổ trên lĩnh vực thơ cũng là một tất yếu để đổi mới, để tái sinh. Lại có người chê thơ ông dễ dãi, hầu như chi tuôn chảy ra(4). Nhưng đó là quan niệm của ông, cũng là một giọng điệu riêng. Sau 1949, người ta biết đến nhà thơ nhiều ở các bài ca ngợi nước Trung Hoa mới, ca ngợi cuộc sống mới, ca ngợi phương châm Trăm hoa đua nở (Tân hoa tụng, Trường xuân tập, Bách hoa tề phóng), có bài đã được phổ nhạc lưu hành rộng rãi trong nhân dân.
Kịch Quách Mạt Nhược hầu như cũng mang dáng dấp thơ. Đề tài thường là những nhân vật lịch sử đậm chất truyền kỳ: các thích khách Nhiếp Oanh, Nhiếp Chính, người con gái làm vợ vua Hung Nô Thái Văn Cơ; nữ hoàng của quyền lực và tình dục Võ Tắc Thiên... Trong hàng loạt vở kịch ấy, Khuất Nguyên có vị trí đặc biệt. Vở kịch mượn chuyện lịch sử để lên án khuynh hướng đầu hàng, lên án bọn cơ hội chính trị trong thời kháng chiến chống Nhật. Ông tập trung nhiều chi tiết trong cuộc đời của nhà thơ yêu nước cổ đại, thể hiện vỏn vẹn trong một ngày, có thể tóm tắt như sau: "Trương Nghi thuyết khách nước Tần tìm cách liên kết với Sở để nuốt Sở, Khuất Nguyên chống lại. Y bèn tìm kế ly gián vua Sở với Khuất Nguyên để thực hiện kế liên hoành. Họ Trương khéo léo đút lót Nam hậu, vợ vua Sở. Nam hậu Trịnh Tụ theo kế Trương Nghi mở tiệc ca vũ mời Trương Nghi và cả Khuất Nguyên. Khi nhà vua tới thì Trịnh Tụ giả vờ bị cảm gió, ngất xỉu, ngã vào lòng Khuất Nguyên, rồi quay lại, thấy mặt vua, nàng vùng chạy, vu cho Khuất Nguyên sàm sỡ, Khuất Nguyên bị giam vào ngục và nhà vua tiếp nhận kế liên hoành (liên kết với Tần). Mọi người đều tin là Khuất Nguyên có tội. Duy chi có Thuyền Quyên, cô học trò bé bỏng là hiểu được thầy. Nàng tố cáo âm mưu của Trịnh Tụ, nhưng nhà vua không nghe, bắt nàng bỏ ngục. Lúc này, hoàng tử nước sở đang mê đắm nàng, nhờ vậy nàng có điều kiện vào ngục thăm thầy. Phát hiện ra âm mưu của Trịnh Tụ, nàng giằng lấy cốc rượu độc trong tay thầy uống cạn, hy sinh cứu thầy để thầy lên miền Bắc sông Hán tiếp tục cuộc đấu tranh".
Viết lời tựa cho bản dịch tiếng Nga, Quách Mạt Nhược nói: "Tôi muốn mượn thời đại Khuất Nguyên để tượng trưng cho thời đại chúng ta". Trong thời đại chủ nghĩa cơ hội lộng hành, phẩm chất "đứng thẳng như cây quít, rễ cắm sâu vào đất mẹ phương Nam" của Khuất Nguyên quả là một bài học thấm thía. Chính vì vậy, mỗi lần diễn xuất, đến đoạn Bài ca sấm sét, khi Khuất Nguyên lớn tiếng chửi mắng Trương Nghi thì khán giả lại đứng dậy vỗ tay.
Chung quy, ngòi bút Quách Mạt Nhược khá nhất quán. Từ thơ đến kịch đều có một giọng điệu chung: nhiệt tình bốc lửa, sảng khoái như tuôn chảy tự nhiên từ một tấm lòng.
***
Quách Mạt Nhược có nhiều kỷ niệm với Việt Nam và văn học Việt Nam. Năm 1960, Trung Quốc ấn hành - Nhật ký trong tù của Hồ Chủ Tịch, ông đã viết bài giới thiệu với nhan đề: "Nay ở trong thơ nên có thép". Ông ca ngợi phẩm chất kiên cường, tinh thần lạc quan, thái độ ung dung tự tại của tác giả. Ông cũng ca ngợi tài thơ của Bác và nhận định: "Có một số bài đặt lẫn vào tuyển tập Đường Tống cũng không phân biệt được". Cuối bài viết ông hô lớn: Tinh thần thép của thơ ca vô sản muôn năm!
Chúng ta thấy một con người, một giọng điệu nhất quán.
Tình nghĩa đó còn thể hiện đậm đà trong dịp Quách Mạt Nhược dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc Hội Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Ông đã lên nhà sàn trò chuyện với Bác cả buổi và ấn tượng khó quên ấy được ghi lại trong bài thơ dài Hoan hô đồng chí Hồ Chí Minh viết theo thể ngũ ngôn bài luật.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Quách Mạt Nhược không chỉ là kỷ niệm một danh nhân văn hóa tầm cỡ mà còn là kỷ niệm mối thâm giao văn học Việt Nam - Trung Quốc.
L.D.T.
(TCSH52/11&12-1992)
---------------------------
(1) Công trình nghiên cứu lịch sử: Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu, Nô lệ chế thời đại, Công trình nghiên cứu văn tự cổ: Giáp cốt văn tự nghiên cứu. Tập truyện ngắn: Tháp, Lạc diệp, Mục dương ai thoại, Hàm Cốc quan. Kịch: Trác Văn Quân, Vương Chiêu Quân, Nhiếp Oanh, đường lệ chi hoa, Khuất Nguyên, Hổ Phù, Thái Văn Cơ, Võ Tắc Thiên. Thơ: Nữ Thần, Tinh Không, Bình, Tiền Mao, Khôi Phục, Tân Hoa tụng, Trường Xuân tập, Bách hoa tề phóng...
(2) Thơ Quách Mạt Nhược. Phan Văn Các dịch. NXB văn học, Hà Nội, 1964. Có sửa lại đôi chỗ cho dễ dọc.
(3) Trích theo Đặng Thai Mai: Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc - NXB Sự thật, Hà Nội, 1958.
(4) Trong cuốn Văn học hiện đại Trung Quốc, ông Nguyễn Hiến Lê coi đó là cái tật của Quách Mạt Nhược (Tác giả tự xuất bản. Saigon 1968).