VŨ THƯỜNG LINH
1. M. Prisvin - từ một nhà nông học trở thành một nhà văn nổi tiếng
Mikhail Mikhailovitr Prisvin sinh ngày 4 tháng 2 năm 1873 tại trang ấp Khrusevo (Хрущево) gần thành phố Eles (Елец), tỉnh Orlovskaia (Орловская губерния), miền Trung nước Nga. Vùng đất này nổi tiếng với cảnh thiên nhiên tươi đẹp và bạt ngàn cây cỏ. Trong những năm tháng ấu thơ, cậu bé Misa thường say sưa xem các bác nông dân cắt cỏ trên đồng, hoặc theo chân những đứa trẻ nông thôn vào rừng hái nấm, bẫy chim. Khi mới chỉ học xong lớp 1, có lần Misa đã rủ một nhóm bạn bỏ nhà đi với ý định bơi thuyền tới châu Á. Kết quả là chẳng thấy châu Á đâu, trái lại cả nhóm đã bị bắt trả về Eles, và còn bị bạn bè cười nhạo. Khi học ở trường trung học Eles, Prisvin từng bị đuổi học vì “xung đột với thầy giáo” - người thầy này về sau cũng là một nhà văn khá nổi tiếng và trở thành người bạn cùng chung chí hướng của Prisvin. Sau khi học qua các trường Trung học Tiumen, Cao đẳng Bách khoa Riga, năm 1902, Prisvin tốt nghiệp kĩ sư Nông học Đại học Tổng hợp Leipzig (Đức), làm việc ở nhiều vùng nông thôn Nga, xuất bản một số cuốn sách và bài viết về nông nghiệp.
Prisvin được nhận danh hiệu “nhà văn” ở tuổi 33, khi đã là một người từng trải. Con đường sáng tác của ông là một chuỗi tìm tòi và khám phá. Năm 1905, ông bắt đầu bước vào nghề báo chí. Năm 1906, in truyện ngắn đầu tay Sasok (Сашок). M. Prisvin là người thích đi phiêu du và thường ghi lại cảm nhận của mình về các chuyến hành trình trong những cuốn sách tạo nên tên tuổi của ông trên văn đàn nước Nga. Đi đến miền Bắc nước Nga, Prisvin viết cuốn Ở xứ sở những con chim không sợ hãi (В краю непуганых птиц, 1907). Ông kể về những thảo nguyên mênh mông vùng Kazakstan trong Aral đen (Черный Арал, 1910), nói về miền Viễn Đông trong Nhân sâm (1933)… Bộ Tuyển tập tác phẩm đầu tiên của M. Prisvin gồm ba tập được xuất bản năm 1912 - 1914.
Trong Thế chiến thứ nhất, M. Prisvin làm phóng viên chiến trường, sau đó làm giáo viên ở Smolensina. Năm 1925, ông viết Những nguồn mạch Berendei (Родники Берендея) mà năm 1935, được bổ sung in lại với tên mới Lịch thiên nhiên (Календарь природы). Từ năm 1927 đến 1930, nhà văn xuất bản bộ mới Tuyển tập tác phẩm gồm bảy tập với lời giới thiệu của M. Gorki. Năm 1940, ông viết trường ca bằng văn xuôi Phaselia (Фацелия) và tập tiểu phẩm trữ tình - triết học Giọt rừng (Лесная капель), cả hai được xuất bản năm 1943. Sau Thế chiến II, những tác phẩm đáng chú ý của M. Prisvin là Kho báu mặt trời (Кладовая солнца, 1945), Câu chuyện của thời đại chúng ta (Повесть нашего времени, 1946), Rừng thông cao vút (Корабельная чаща, 1954), Đôi mắt của đất (Глаза земли, 1957)…
Prisvin là một nhà văn đặc biệt. Nét độc đáo của tài năng Prisvin là khả năng thi vị hóa hiện thực cuộc sống. Những người cùng thời với Prisvin gọi ông là một “họa sĩ đã đem lòng yêu thiên nhiên, là nhà văn Xô Viết duy nhất mà thiên nhiên gần như đã trở thành đề tài chính của sáng tác” (Kholodova, 1994, 62). Thiên nhiên của Prisvin là một trường học nhận thức và tự nhận thức. Đời sống của cỏ cây, muông thú, của rừng, sông suối, đất đai được nhà văn tái hiện trong sự đối sánh và mối quan hệ mật thiết với đời sống con người. Thiên nhiên được nhân hóa trở thành một thực thể sống, biết suy nghĩ, có đầy đủ cảm xúc và mang tất cả những đặc trưng của thế giới nội tâm con người.
Prisvin là một nhà văn trữ tình, đồng thời là một triết gia. Toàn bộ sáng tác của ông mang đậm tính triết học. Nhà văn không bao giờ dừng lại ở việc phản ánh những gì thực mục sở thị mà luôn tư duy bằng triết lí những điều được phản ánh. Với ông, bất kì một ý tưởng khái quát về thiên nhiên và hiện thực cuộc sống đều là sự nhận thức về bản thân, là “hiểu cả thế giới trong chính bản thân mình”.
Nhà văn qua đời ngày 16 tháng 1 năm 1954 tại Moscow.
Sáng tác của Mikhail Prisvin chưa được giới thiệu và nghiên cứu rộng rãi ở Việt Nam. Độc giả Việt Nam mới chỉ biết đến ông qua những áng văn tuyệt mĩ như: Bốn mùa, Lịch thiên nhiên; Giọt rừng; Kho báu mặt trời; Phacelia và chuyện đi săn.
2. Nền tảng triết học của những chiêm nghiệm về thiên nhiên và con người trong sáng tác của M. Prisvin
Đầu thế kỷ XX, một trường phái triết học và văn hóa mang tên vũ trụ luận (tiếng Nga: Космизм, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: κόσμος nghĩa là “vũ trụ”) hình thành và phát triển ở Nga và Liên Xô. Ý tưởng chủ đạo của chủ nghĩa vũ trụ cho rằng không gian và vũ trụ là một thế giới có trật tự với con người là “công dân của thế giới”. Người sáng lập chủ nghĩa vũ trụ Nga là Nikolai Fedorovich Fedorov (1828 - 1903) - nhà tư tưởng tôn giáo, triết gia, linh mục Chính thống giáo người Nga. Ông đặt ra nhu cầu về một giai đoạn tiến hóa mới, được kiểm soát một cách có ý thức bằng tri thức phổ thông và sức lao động, loài người được kêu gọi làm chủ các lực lượng nguyên tố bên ngoài và bên trong bản thân, đi ra ngoài không gian để phát triển và biến đổi tích cực... Nhà triết học người Nga đã tiên liệu các ý tưởng về tầng quyển, đặt ra các vấn đề môi trường và đưa ra giải pháp cho nhiều vấn đề mà khoa học hiện đại đang suy nghĩ nghiêm túc. N.F. Fedorov đã tạo ra không phải một xã hội, mà là một vũ trụ không tưởng. Trọng tâm của dự án của Fedorov là ước mơ về việc làm chủ hoàn toàn bí mật của cuộc sống, chiến thắng cái chết, con người đạt được sức mạnh như thần thánh trong một vũ trụ đã biến đổi. Nhà tư tưởng người Nga thúc giục từ bỏ suy nghĩ thụ động về thế giới, từ bỏ những khái niệm siêu hình trừu tượng và đi đến định nghĩa các giá trị của trật tự “thích hợp”, xây dựng một kế hoạch cho hoạt động biến đổi của nhân loại. Tiếp nhận những quan điểm của N.F.Fedorov, trong các sáng tác của mình, Mikhail Prisvin thể hiện triết lý về sự thống nhất hoàn toàn, như sự kết hợp của vạn vật, như sự thống nhất và quan hệ ruột thịt của tất cả mọi sinh vật trên thế giới. Nhà văn đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ ruột thịt không chỉ giữa con người với con người mà còn với toàn thế giới: “Con người tồn tại trên đời không phải vì bản thân mình, mà vì sự thống nhất.” (Khalizev, 1998, online).
Trong các tác phẩm của mình, Prisvin truyền tải một cảm giác vũ trụ. Đây là cảm giác về sự rộng mở của Trái đất với Vũ trụ như một môi trường vô hạn và rộng lớn, trong đó con tàu vũ trụ trái đất của chúng ta đang bơi cùng với chúng ta - những hành khách của nó. Với tất cả tình yêu của mình dành cho thiên nhiên, Prisvin biết làm cách nào để bộc lộ bản chất của quy luật tự nhiên, dựa trên đấu tranh, cái chết, đàn áp lẫn nhau và tiêu thụ lẫn nhau (truyện Con bướm chết). Theo nhà văn, bản thân con người mang lại sự hòa hợp vào thiên nhiên và sự chiêm ngưỡng thiên nhiên có một sức hấp dẫn thẩm mĩ đặc biệt đối với con người. Và dường như thiên nhiên đang chờ đợi ở con người một “chủ nhân” thực sự, “vua của thiên nhiên”. Ở đây, ý tưởng của Fedorov được thể hiện rõ ràng rằng con người phải trở thành tâm trí của tự nhiên và biến thể của nó. Theo M.Prisvin, con người là một bộ phận của tự nhiên, là hình thức tổ chức cao nhất của nó. Ở một giai đoạn tiến hóa tự nhiên nhất định, con người đã nổi bật lên khỏi tự nhiên. Tác phẩm của Prisvin những năm 1900 - 1910 thống nhất bởi chủ đề về mối liên hệ sâu sắc giữa thiên nhiên Nga và lịch sử dân tộc, nhiệm vụ tôn giáo của người dân và giới trí thức, con đường lịch sử của nước Nga. Trong tác phẩm giai đoạn đầu của Prisvin, một hệ thống hình ảnh và motif biểu tượng chung đã được hình thành, thể hiện ý tưởng nghệ thuật trung tâm của nhà văn về tính thống nhất và quan hệ ruột thịt của sinh vật, về sự toàn vẹn của thế giới đồng cỏ (trần thế, đầy sao, “hoa tâm linh”, thế giới là đồng cỏ), một khu vườn, một bông hoa, mặt trời, thế giới hình tròn (thế giới là một vòng tròn)...
Trong các tác phẩm đầu tiên của mình, Prisvin cũng đề cập đến các vấn đề môi trường. Vì vậy, trong tiểu luận du lịch “Ở vùng đất của những con chim không sợ hãi”, ông đã thể hiện nỗi trăn trở về những cánh rừng đã bị chặt phá dọc theo bờ của một trong những con sông phía Bắc - sông Svir - đôi bờ trông buồn tẻ, buồn tẻ và cô đơn. Trong các tác phẩm của Prisvin những năm 1900 -1910, khái niệm quan hệ ruột thịt, sự hòa hợp của tự nhiên và con người đã được hình thành, sẽ được phát triển trong các tác phẩm tiếp theo của nhà văn. Trong tác phẩm sau này của mình, Prisvin tin rằng “bạn và tôi là toàn thể vũ trụ”, điều này thể hiện qua sự xuất hiện của những motif mới như phòng chứa thức ăn của mặt trời, dàn hợp xướng thế giới, nơi mỗi người đều có bài hát riêng.
3. Thế giới tự nhiên trong Giọt rừng và Kho báu mặt trời của M. Prisvin
Nhà văn K.Paustovsky, tác giả của Bông hồng vàng và Bình minh mưa, từng nhận xét: “Nếu thiên nhiên có thể cảm thấy sự biết ơn đối với con người vì con người đã thâm nhập vào đời sống của thiên nhiên và ca ngợi nó, thì trước hết sự biết ơn đó phải dành cho Mikhail Prisvin” (Prisvin, 2011, 273). Ngay từ khi mới bước chân vào làng văn, Prisvin đã gắn sáng tác của mình với thiên nhiên. Đối với Prisvin, thiên nhiên là “góc nhìn của nhà văn” cho phép nhà văn nắm bắt thực tế ở quy mô “vũ trụ”. Các tác phẩm của ông sâu lắng chất thơ, ngập tràn ánh sáng và niềm vui.
3.1. Những bước chuyển mình của thiên nhiên qua bốn mùa
Giọt rừng của M.M. Prisvin là một tác phẩm tuyệt vời về thiên nhiên, được viết dưới dạng một cuốn nhật ký đặc biệt, đó là “ngọn nguồn từ chính tâm hồn của con người”. Giọt rừng gồm gần 100 đoản văn ngắn và rất ngắn, có bài chưa đến 7 dòng ngắn ngủi, ghi lại những cảm nhận, những phát hiện tinh tường và sắc nhạy của Mikhail Prisvin về sự chuyển động bốn mùa của thiên nhiên Nga. Theo dấu chân của nhà sinh vật khí hậu học, người đọc được đắm chìm trong vẻ đẹp tinh khôi của khu rừng nước Nga, dõi theo từng chuyển động tinh tế và lặng lẽ ở những ranh giới mùa.
Mùa xuân là mùa được nhà văn miêu tả trước tiên trong tập tiểu luận Giọt rừng. Sau những ngày ngủ đông dai dẳng, mùa xuân có được sức mạnh kì diệu. Người đọc như được hòa mình vào nhịp sống hối hả của vạn vật khi xuân đến: những con bướm lim bắt đầu bay, những con kiến bò ra khỏi nơi trú ẩn và chuẩn bị cho công việc, cỏ chuyển sang màu xanh lá cây, bông hoa đầu tiên xuất hiện... Chỉ sau vài cơn mưa, thiên nhiên như bừng tỉnh: “Đi thẳng ra bờ nước, chúng tôi dường như lập tức lạc vào một xứ sở khác với khí hậu ấm nóng: nơi đây sự sống sục sôi mãnh liệt, tất cả các loài chim đầm lầy đều hót ríu ran; tiếng chim dẽ gà, chim mỏ nhát gọi mái nghe như có Chú Ngựa Gù đang phi trong không khí dần sẫm lại; gà lôi cũng cất giọng gọi bạn, đàn sếu phát tiếng kèn hiệu của mình gần như ngay bên cạnh chúng tôi; tóm lại ở đây có tất cả những gì chúng tôi yêu mến, đến cả lũ vịt trời đang bơi cũng dừng lại trước mặt chúng tôi trên mặt nước trong veo.” (Bước ngoặt của mùa xuân) (Prisvin, 2011, 71-72).
Các loài thực vật trong rừng được nhà văn miêu tả vô cùng chi tiết, thể hiện rõ sự am hiểu sâu sắc về thế giới tự nhiên: “Khi những cây bạch dương già kết hoa và những chùm hoa vàng óng che khuất đám lá nhỏ tí xíu nhú tít trên cao, trên các cây non ở phía dưới khắp nơi ta thấy những mầm lá xanh ngời bằng cỡ giọt mưa, nhưng dù vậy cả cánh rừng vẫn mang màu xám hoặc màu sô-cô-la, thì đúng lúc ấy ta bắt gặp một cây dã anh và sửng sốt: trên nền xám, những chiếc lá của nó trông mới to và rực rỡ làm sao! Những nụ hoa dã anh đã sẵn sàng bung nở. Chim tu hú cất giọng ngọt ngào nhất. Họa mi học theo lấy điệu. Cây quỉ mẫu lúc này trông cũng rất kiều diễm vì những cành đầy gai nhọn còn chưa mọc dựng lên mà đang nằm xòe trên mặt đất thành một ngôi sao lớn tuyệt đẹp. Từ dưới làn nước đen trong đầm vươn lên và nở bung trên mặt nước những bông hoa độc màu vàng…”. (Bạch dương nảy lộc) (Prisvin, 2011, 67-68); “Tôi biết trong rừng có một cây dã anh đã bao năm nay đấu tranh vì sự sống của mình: nó cố gắng mọc lên thật cao để tránh khỏi bàn tay những kẻ muốn bẻ cành của nó. Và cây dã anh đã thành công - bây giờ thân của nó hoàn toàn trơn trụi, hệt như một cây cau, không có nhánh cành nào để con người có thể bám vào trèo lên, và nó kết hoa ở trên đỉnh ngọn của mình” (Hai cây dã anh) (Prisvin, 2011, 86).
Dõi theo nhà sinh vật khí hậu học với tâm hồn hòa hợp cùng thế giới tự nhiên, người đọc cũng được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau khi mùa hạ sang, thu qua, đông đến. Sau mùa xuân hừng hực sức sống là mùa hạ ngập tràn ánh nắng: “Mặt trời thức giấc, và những tia nắng ấm rọi đến nơi nào là ở nơi đó vạn vật bừng tỉnh”. Mùa thu quyến rũ của nước Nga được miêu tả bắt đầu từ vẻ đẹp của những giọt sương ở cửa ngõ sang mùa. Nhà văn miêu tả tỉ mỉ từng chuyển động của giọt sương: “những con đường xanh trong rừng dường như đều đang thở khói, sương bốc lên khắp nơi đọng lại thành những hạt nhỏ li ti trên lá, trên cành vân sam, trên mạng nhện, trên cả dây điện thoại. Khi mặt trời lên cao và sưởi ấm không khí, những hạt nước trên dây điện thoại bắt đầu hòa vào nhau và trở nên thưa dần. Có lẽ điều này cũng diễn ra trên lá cây: ở đó những hạt nước cũng hòa vào nhau thành giọt.
Rồi cuối cùng, khi mặt trời đã sưởi đủ nóng đường dây điện thoại thì những giọt nước lớn lung linh sắc màu bắt đầu rơi xuống đất. Và cả trong rừng cây lá kim cũng như cây lá bản, không phải mưa đang rơi mà dường như những giọt nước mắt sung sướng đang tuôn. Và đặc biệt hạnh phúc đến nôn nao là cây hoàn diệp liễu khi một giọt nước từ trên cao rơi xuống làm chiếc lá nhạy cảm rung rinh; và cứ thế, cơn rung động dần lan truyền xuống dưới mỗi lúc một mạnh hơn, trong sự lặng gió hoàn toàn cây liễu hoàn diệp sáng lấp lánh run rẩy vì một giọt nước rơi” (Sương) (Prisvin, 2011, 206-207).
Những hình ảnh sinh động được nhà văn tái hiện lại tạo nên một mùa thu đặc trưng của nước Nga: “Mùa thu kéo dài như một con đường hẹp với những chỗ ngoặt gấp khúc”; “Những chiếc lá rơi thì thầm, chia tay mãi mãi”; “Tiết thu muộn nhất là khi thanh lương trà bị băng giá làm cho nhăn nhúm và trở nên (như người ta nói) ngọt lịm”…
Nếu như mùa xuân là khúc dạo đầu trong bốn mùa thì mùa đông đánh dấu sự kết thúc cho vòng tuần hoàn ấy. Mùa đông trên những trang viết của M. Prisvin hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, cảnh vật buồn man mác: “mỗi gốc cây đều phủ một tấm khăn trải bàn trắng”; “tuyết đọng lại vón mãi lên thành một khối băng làm cho ngọn bạch dương bắt đầu oằn xuống”… Nhà văn làm cho độc giả ngất ngây trước vẻ đẹp của mùa đông xứ sở bạch dương khi miêu tả vô cùng sinh động hình ảnh những cây bạch dương trong khu rừng đông. Đông đến, bạch dương trút bỏ lớp áo vàng, áo đỏ, chỉ còn trơ trọi những cành cây gầy guộc, đan vào nhau: “Tán cây trên cao xòe ra như lòng bàn tay hứng những bông tuyết rơi, tuyết đọng lại vón mãi lên thành một khối băng làm cho ngọn bạch dương bắt đầu oằn xuống. Gặp tiết trời trở ấm, tuyết lại rơi và bám thêm vào khối băng đó khiến cành phía trên của cây với khối băng lớn uốn cong cả thân cây xuống thành một cái cổng vòm, cho đến khi, rốt cuộc, cả ngọn cây với khối băng lớn vùi vào lớp tuyết trên mặt đất và bị vít chắc lại như thế cho mãi đến tận mùa xuân” (Cây bị cầm tù) (Prisvin, 2011, 263).
Cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa của nước Nga hiện dần lên sắc nét trước mắt độc giả qua những ghi chép của nhà văn-nhà sinh vật khí hậu học M. Prisvin. Đó là những quan sát tỉ mỉ, tinh tế, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về thế giới tự nhiên.
Tác phẩm tràn ngập tình yêu thiên nhiên, con người, tổ quốc, khơi dậy trong chúng ta “những tình cảm tốt đẹp”: trân trọng từng cuộc hẹn với thiên nhiên, khơi dậy mong muốn bảo vệ vẻ đẹp của thiên nhiên, dạy chúng ta biết yêu và bảo vệ thiên nhiên, quê hương mình, tổ quốc mình.
3.2. Thiên nhiên trong văn xuôi của Prisvin có ngôn ngữ riêng, có cảm xúc và tư duy
Kho báu mặt trời và những câu chuyện về thiên nhiên là một tác phẩm đáng chú ý trong những sáng tác của M. Prisvin sau Thế chiến thứ II. Cuốn sách được chia làm hai phần. Phần đầu như một bộ phim tài liệu khoa học khám phá của thiên nhiên, gồm nhiều mẩu chuyện nhỏ kể về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên nơi rừng thẳm. Trong rừng, ta có thể khám phá được sự phát triển của cây cối, của các loài chim, thú như lũ chim sẻ, gõ kiến, cú mèo, vịt trời, những con gấu. Bên cạnh đó là những loài vật nuôi với những bản năng rất riêng: vịt con thì nối đuôi theo mẹ, gà thì ấp trứng, chó thì trung thành,… Đây là những nhân vật chính trong tập truyện của tác giả. Phần hai là truyện dài nhất ở nửa cuối quyển sách, cũng là tựa đề của cuốn sách Kho báu mặt trời. Câu chuyện kể về hai đứa trẻ mồ côi là chị em Naschia và Michia về chuyến hành trình vào rừng tìm kiếm quả việt quất ngon ngọt, đầy gian nan và khó khăn nhưng thành quả thu lại thật ngọt ngào.
Trong tập truyện Kho báu mặt trời, nhà văn giải mã ngôn ngữ của động vật: “Vít vít có nghĩa là loài nào đi với loài ấy”, “Quạc quạc có nghĩa là các con là vịt, mau bơi đi” (Nhà sáng chế); Theo ngôn ngữ gà lôi “gù” chắc có nghĩa là chào, “gì” chắc là từ “mặt trời” của chúng ta” (Kho báu mặt trời). Trong truyện Cái nấm già, tiếng hót của những con chim báo mưa như đang trò chuyện với nhau về việc nhân vật tôi có uống nước từ cây nấm hay không. “Một con đoán “có uống không”?, con kia đoán “không uống” (Prisvin, 2010, 118).
Trong truyện Nhà sáng chế, nhân vật tôi thắc mắc tại sao mỗi buổi sáng chú vịt con nhỏ bé có thể leo qua được một cái giỏ cao. Để tìm hiểu nguyên nhân, buổi sáng đó người chủ đã đi rình xem sự việc gì xảy ra. Chú vịt con được buộc dải băng đã leo lên lưng của vịt mẹ, và đợi vịt mẹ thức giấc rồi sau đó nâng chú ra ngoài. Sự thông minh của con vịt con làm cho người chủ hết sức ngạc nhiên, và đặt cho chú biệt danh “nhà sáng chế”. Nhà sáng chế đó là chú vịt đầu tiên mở đường cho những con khác. “Hai ngày hôm sau buổi sáng hôm ấy, trên sàn xuất hiện cùng lúc ba chú vịt con, sau đó là năm chú, rồi nhiều hơn nữa, nhiều hơn nữa” (Prisvin, 2010, 42-43). Câu chuyện này cũng cho ta thấy trong cuộc sống con người, nếu có người tiên phong đầu tiên, người dám nghĩ ra những hướng đi khác để giải quyết vấn đề thì “nhà sáng chế” đó sẽ giúp con người ra khỏi “cái giỏ cao”, là cái đang kìm hãm con người. Có thể thấy, động vật có tư duy, chúng thông minh hơn chúng ta tưởng, chúng là những sinh vật có bộ óc sáng tạo.
3.3. Sợi dây gắn bó ruột thịt giữa muôn loài
Trong tập truyện Kho báu mặt trời, M. Prisvin viết về mối quan hệ hòa hợp giữa các loài vật với nhau, cũng như quan hệ gắn bó giữa chúng với con người. Đây chính là chủ đề thể hiện rõ nét nhất ảnh hưởng của chủ nghĩa vũ trụ Nga trong sáng tác của Prisvin.
Ai cũng biết về việc gà mái ấp trứng là một điều hiển nhiên và bình thường. Nhưng M. Prisvin lại kể về việc đó qua những câu chuyện hết sức sinh động. Hình ảnh con gà ấp trứng là một hình ảnh quen thuộc diễn ra ở những câu chuyện như Nhà sáng chế, Gà treo trên cột, Bà đầm mũi giáo. Người chủ đã đem số trứng của những con vịt, con ngan giao cho con gà mái đen ấp, mà tác giả gọi là “Bà đầm mũi giáo”. Con gà có tên “Bà đầm mũi giáo” vì sự hung hăng bởi tình mẫu tử khi bảo vệ đàn con, cái mỏ của nó như một mũi giáo lao thẳng vào kẻ thù khi con gặp nguy hiểm. Con gà có nhiệm vụ ấp trứng và chăm sóc những con vịt, con ngỗng con. Mặc dù là khác giống loài, nhưng con gà không để ý đến điều đó, “nó đối xử với lũ ngỗng con với sự quan tâm của một bà mẹ, cũng như đối với lũ gà con” (Prisvin, 2010, 44). Con gà có thể bất chấp nguy hiểm để đuổi những kẻ nó cho là gây nguy hiểm cho đàn con. Bản năng làm mẹ không chỉ có ở mỗi con người, mà nó còn có ở mọi loài: “Nó phải nằm ấp, phải cho trứng nở và chăm sóc lũ gà con, phải bảo vệ chúng khỏi kẻ thù, phải làm mọi việc đến cùng, không cho phép nghi ngờ “Chúng có phải gà con không đây?”” (Prisvin, 2010, 49). Loài vật dành tình yêu thương cho những đứa con nó nuôi, không quan trọng huyết thống. Trong khi con người vẫn còn ranh giới của huyết thống, màu da, dân tộc, thì động vật đã vượt lên ranh giới đó để yêu thương nhau.
Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên còn được thể hiện qua những lần động vật gặp nạn hay gặp khó khăn, nơi mà chúng có thể trông cậy chính là con người. “Trong thế giới của tất cả loài chim và thú, thật bất hạnh cho những con nào bị què - lũ chim thú hình như có luật lệ: không chữa thương cho những kẻ bị bệnh, không thương xót những kẻ yếu mà phải giết chết” (Prisvin, 2010, 31). Chú vịt bị gãy chân trong câu chuyện Cà Nhắc là một con vật đáng thương. Nó phải chịu sự đe dọa của những con vật nuôi khác như gà, vịt, ngỗng. Con vịt bé bỏng tội nghiệp có thể bị con ngỗng đè bẹp như một cái búa máy. Điều mà nó nghĩ đến là sự giúp đỡ của con người. “Một con vịt Cà Nhắc bé nhỏ thì có được bao nhiêu trí khôn? Nhưng dù sao, nó, với cái đầu bằng quả óc chó, cũng hiểu được rằng cứu rỗi duy nhất của mình chính là con người. Và chúng tôi thương xót chúng như một con người” (Prisvin, 2010, 32). Mỗi lần chủ đi đâu chú vịt luôn đi theo đó, và chỉ cần chủ gọi “Cà Nhắc” là chú vịt liền bay tới. Chính vì sự thông minh của chú vịt đã giúp chú sống sót khỏi tự nhiên ác nghiệt và dành được tình cảm của ông chủ. “Chúng tôi yêu thương Cà Nhắc bé bỏng như một con người. Chúng tôi bảo vệ nó, nó bám riết lấy chúng tôi và chỉ theo chúng tôi mà thôi… Ngôi nhà của con người đã thành ngôi nhà của nó” (Prisvin, 2010, 32-33). Có những lúc, đứng trên bờ vực của sự sống và cái chết, động vật chọn đặt niềm tin vào con người để bảo vệ cho nó. Trong truyện Diều hâu và sơn ca, hai người thợ săn đang kể lại câu chuyện của mình về một lần đi tìm chim đa đa trong rừng. Họ thấy một chú chim sơn ca đang bị một con diều hâu truy đuổi, sau khi trốn vào rừng để tránh diều hâu, chú chim sơn ca đó đã chạy đến bên hai người thợ săn và nhờ sự giúp đỡ. Chính vì điều này làm cho những người thợ săn hết sức ngạc nhiên và chấp nhận bảo vệ nó khỏi con chim diều hâu đang cố gắng săn cho được con mồi. “Nó chạy tới chỗ chúng tôi, con người, để được bảo vệ, bỗng cảm thấy cay cay nơi khóe mắt. Tất nhiên là thấy tội nghiệp, rất tội nghiệp” (Prisvin, 2010, 73). Chú chim sơn ca tội nghiệp đã đặt đúng niềm tin và may mắn giữ được mạng sống. Thiên nhiên đã hy vọng và đặt niềm tin vào con người như vậy, con người cũng đã đáp lại lời kêu cứu của tự nhiên, đứng ra bảo vệ những con vật yếu thế và kém may mắn. Đó cũng có thể là sự đồng cảm để hình thành mối dây liên kết tuyệt diệu giữa con người và tự nhiên.
3.4. Chiêm nghiệm về con người
Qua những hình ảnh của thiên nhiên, Prisvin gửi gắm suy nghĩ về cuộc sống, hạnh phúc, niềm vui, niềm tin, về việc tìm kiếm sự hài hòa trên thế giới và bản thân với thế giới, về con người.
Quan sát cuộc đấu tranh sinh tồn của những loài cây trong rừng, nhà văn liên tưởng tới những con người trưởng thành: “Tôi nói điều này không phải để chúng ta, những người đã trưởng thành và phức tạp, quay trở về với thời niên thiếu, mà là để trong bản thân mỗi người vẫn còn giữ được con người trẻ thơ của mình, không bao giờ quên nó và xây dựng cuộc sống của mình như một cái cây: vòm lá non tơ đầu tiên kia của cây luôn luôn ở trên cao, trong ánh sáng, còn thân cây là sức mạnh của nó, là chúng ta - những người đã trưởng thành” (Tầng lá trên cao) (Prisvin, 2011, 106).
Nhà sinh vật khí hậu học đã thể hiện nỗi sợ hãi của mình khi nghe thấy tiếng hót của những chú chim di hoa. Ông sợ rằng mình sẽ không chú ý đến chúng, “nếu như chúng nhỏ bé hơn”: “…tôi thầm nghĩ, - hôm nay tôi bỏ qua những con chim di hoa, còn ngày mai tôi sẽ bỏ qua một con người sống tử tế, và người đó sẽ chết mà tôi không hề quan tâm. Tôi hiểu rằng trong sự xao lãng này của tôi có mầm mống khởi đầu của một nhầm lẫn lớn lao căn bản nào đó” (Chia tay và gặp gỡ) (Prisvin, 2011, 111). Đó là những xúc cảm của một tâm hồn vô cùng tinh tế trong mối quan hệ với tự nhiên và con người.
4. Kết luận
Qua phân tích hai tập truyện Giọt rừngvà Kho báu mặt trời, chúng tôi nhận thấy:
Phong cảnh trong sáng tác của M.Prisvin không đơn thuần là mô tả khách quan về thiên nhiên, mà thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của nhà văn về đối tượng được miêu tả.
Nhà văn viết về thiên nhiên cũng chính là viết về con người, về những mặt tốt đẹp của tâm hồn mình.
Tác phẩm của M. Prisvin tràn ngập tình yêu thiên nhiên, con người, tổ quốc, khơi dậy trong người đọc những tình cảm tốt đẹp: trân trọng từng cuộc hẹn với thiên nhiên; mong muốn giữ gìn vẻ đẹp của thiên nhiên; yêu và bảo vệ thiên nhiên, quê hương, tổ quốc.
V.T.L
(TCSH407/01-2023)
---------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Khalizev, V. (1998), Нравственная философия Ухтомского (Triết lý đạo đức của Ukhtomsky). “Thế giới mới” Số 2 [online]. http://magazines.russ.ru/novyi mi/1998/2/rec08.html.
2. Kholodova, Z.Ya. (1994), Творчество М.М.Пришвина и литературный процесс (Sáng tác của M.M. Prisvin và tiến trình văn học). Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ivanovo.
3.Mokhnatkina, Yu.S. (2005), Философия природы в творчестве М.М.Пришвина и А.П.Платонова (Triết học thiên nhiên trong sáng tác của M.M. Prisvin và A.P. Platonov). Tóm tắt luận án tiến sĩ. Vladimir.
4.Prisvin, M. Kho báu mặt trời. Mỹ thuật, 2010.
5.Prisvin, M. Giọt rừng. Lao động, 2011.