Nhìn ra thế giới
Bằng ngôn ngữ của chính mình
15:01 | 09/08/2024

Người phát ngôn của nhà xuất bản Penguin Random House Canada đã xác nhận tin Alice Munro (1931 - 2024) qua đời ngày 13/5 vừa qua tại quê hương Ontario, Canada. Bà là cây bút truyện ngắn đầu tiên, và cũng là nhà văn Canada đầu tiên đạt giải Nobel năm 2013.

Bằng ngôn ngữ của chính mình
Tác giả Alice Munro vào năm 2006 - Ảnh: wikipedia

Viện Hàn lâm Thụy Điển đã tôn vinh bà là “bậc thầy của truyện ngắn đương đại” (master of the contemporary short story). Tác phẩm của bà được đánh giá cao bởi công chúng văn chương lẫn giới phê bình, có chỗ đứng vững chắc trong tiến trình văn học hiện đại nói chung và sự phát triển của thể loại truyện ngắn nói riêng.

Sinh ra và lớn lên ở Wingham, Tây Nam Ontario trong một gia đình nông dân. Alice Munro viết truyện ngắn đầu tiên năm 19 tuổi, khi còn là sinh viên Đại học Western Ontario, nơi bà theo học trong một quãng thời gian ngắn ngủi nhờ học bổng từ năm 1949 - 1951. Bà ngưng học trước khi đủ tiêu chuẩn nhận bằng tốt nghiệp và chuyển đến Vancouver, kết hôn, trở thành một người phụ nữ nội trợ và phải đến năm 1968, bà mới in tuyển tập truyện ngắn đầu tiên Dance of the Happy Shades, tập sách lập tức đạt được giải thưởng Toàn quyền, một trong những giải thưởng cao nhất dành cho văn học nghệ thuật Canada. Tựa sách cuối cùng được xuất bản Dear life (2012). Có thể nói, bà đã dành cho văn chương gần nửa thế kỷ, chăm chỉ lao động sáng tạo nghệ thuật, với 148 truyện ngắn, 14 tập truyện độc lập. Dù liên tục đạt được những thành công rực rỡ và cơn mưa khen ngợi, nhưng Alice Munro không chọn sống cuộc đời dưới ánh hào quang. Bà vẫn trở lại quê hương Ontario, vừa viết lách vừa chăm sóc gia đình, sống một cuộc đời kín tiếng và ý nhị trước công chúng. Vì lý do sức khỏe và có lẽ cũng vì đó là tính cách của bà, Alice Munro không trực tiếp đến nhận giải Nobel và không có diễn từ nhận giải như các tác giả khác. Công ty Phát thanh Giáo dục Thụy Điển và Đài Truyền hình Thụy Điển đã thực hiện đoạn phỏng vấn này để trình chiếu vào đêm trao giải thay cho bài diễn văn của tác giả. Xin đăng đoạn phỏng vấn nói trên, nhằm thay lời tiễn biệt một tài năng truyện ngắn hiếm hoi được nhận giải Nobel.

                                     Phạm Phú Uyên Châu dịch và giới thiệu

 

ALICE MUNRO

 

Bằng ngôn ngữ của chính mình


Phỏng vấn thực hiện bởi Stefan Åsberg, và trình chiếu tại Viện Hàn lâm Thụy Điển vào ngày 7 tháng 12 năm 2013, thay cho diễn từ nhận giải của Alice Munro.

Tôi thích đọc sách từ rất sớm, từ thuở được nghe đọc Nàng tiên cá bé bỏng của Hans Christian Andersen, không biết các bạn có nhớ không, câu chuyện buồn ghê gớm. Nàng tiên cá phải lòng hoàng tử, nhưng nàng không thể lấy chàng vì nàng là tiên cá. Tiếc là chúng ta không có thời gian kể chi tiết. Nhưng hồi đó khi nghe xong câu chuyện, tôi đi ra ngoài rồi rảo bước vòng vòng quanh ngôi nhà gạch mà chúng tôi đang ở, và tôi đã sửa cho câu chuyện một kết thúc có hậu, vì tin đó là quyền chọn lựa của nàng tiên cá. Tôi chợt nghĩ rằng có một cái kết khác với lựa chọn là của tôi, nó không phải kết thúc được phổ biến cho cả thế giới này, nhưng nó là cố gắng hết mình của riêng tôi, rằng từ giờ trở đi nàng tiên cá sẽ kết hôn với hoàng tử và sống hạnh phúc mãi mãi. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng khi nàng đã hy sinh xiết bao để có được chàng. Nàng đã đổi đuôi cá của mình, lấy chân tay của người thường, để mỗi bước chân đó sẽ là đau đớn tột cùng! Nàng ấy đã sẵn sàng chịu đựng đau đớn nhường ấy vì hoàng tử nên tôi đã nghĩ nàng xứng đáng có cái kết tốt đẹp hơn là chết trên biển. Tôi đã chẳng màng việc thế giới không biết gì đến cái kết tôi mới định, trong tâm trí mình tôi cảm thấy như nó đã được công bố rồi, ngay khi tôi nghĩ ra nó. Và thế đấy, đấy chính là khởi đầu khá sớm cho sự viết.

Bà hãy cho chúng tôi biết mình đã học cách kể và viết một câu chuyện như thế nào?

Tôi tạo ra những câu chuyện suốt, ngày ấy tôi phải đi bộ khá lâu mới đến trường, và thường trong lúc dạo bước tôi sẽ nghĩ ra những câu chuyện. Càng lớn thì chúng lại càng tập trung kể về chính tôi, một nữ chính rơi vào tình huống truyện này truyện kia. Chẳng bận tâm có được xuất bản ngay hay có ai biết, có ai đọc chúng không. Bản thân câu chuyện mới quan trọng, tôi thấy thỏa mãn khi tập trung vào sự dũng cảm của nàng tiên cá nhỏ, nàng thông minh, nàng có khả năng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, bởi vì nàng sẽ dấn thân, có sức mạnh ma thuật và những điều tương tự thế.

Có quan trọng là câu chuyện phải được kể từ điểm nhìn của nữ giới không?

Tôi chưa bao giờ đặt nặng điều đó, nhưng tôi cũng chưa bao giờ tưởng tượng mình không phải là nữ, nhiều chuyện của tôi là về những cô gái hay những người đàn bà. Lớn lên ta tập trung chăm sóc cho nhu cầu của người đàn ông và cứ thế thôi, nhưng khi còn là một cô bé tôi không tự ti vì mình là phụ nữ. Có thể là do tôi sống ở vùng Ontario, ở đó kể chuyện là việc của chị em, còn đàn ông ra ngoài cáng đáng giang sơn, đàn ông không hứng thú gì với những câu chuyện. Vậy nên sự kể với tôi khá tự nhiên.

Môi trường đó đã truyền cảm hứng cho bà như thế nào?

Thực ra tôi thấy mình chưa từng cậy đến cảm hứng. Tôi đã nghĩ những câu chuyện rất quan trọng đối với thế giới và tôi muốn góp một phần trong đó, tôi muốn tiếp tục tạo ra chúng. Việc ấy chẳng liên quan gì đến ai, tôi không cần san sẻ với bất kỳ người nào. Phải là mãi sau này, tôi mới nhận ra rằng sẽ rất thú vị nếu người ta thu hút được một lượng khán giả lớn hơn.

Đối với bà, điều gì là quan trọng khi kể một câu chuyện?

Rõ ràng là thuở đầu thì quan trọng là kết thúc có hậu, dù sao thì tôi từng không chấp nhận được những kết thúc không hạnh phúc đến với những nữ chính của mình. Về sau khi bắt đầu đọc những tác phẩm như Đồi gió hú, với những cái kết không hề hạnh phúc, nó đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn quan niệm của mình và bắt đầu thích thú với bi kịch.

Sao việc mô tả cuộc sống ở thị trấn nhỏ của Canada lại thú vị đến thế?

Phải trải qua mới hiểu. Tôi nghĩ cuộc sống nào, môi trường nào cũng có thể trở nên thú vị. Tôi có thể không dũng cảm được đến thế nếu hồi đó tôi sống ở thành thị, rồi phải cạnh tranh với những người có thể nói là trình độ văn hóa nói cao hơn mình. Tôi đã không phải đương đầu với chuyện đó. Không quen biết một ai khác tạo được những câu chuyện, dù chúng không có độc giả, nên có một quãng thời gian, tôi là người duy nhất có thể tạo ra chúng.

Có phải bà luôn tự tin vào sáng tác của mình?

Một thời tôi cũng khá tự tin, nhưng nó mất dần đi khi tôi lớn lên và tiếp xúc với những cây bút khác. Từ đó tôi nhận thức được sự khó khăn của nghiệp viết có chút vượt quá những gì bản thân từng hình dung. Nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc, tôi đã vượt qua.

Bà có luôn dựng cốt truyện trước khi bắt đầu một câu chuyện không?

Tôi có, nhưng rồi thường thay đổi. Tôi bắt đầu với một cốt truyện, và tôi làm việc với cốt truyện ấy, rồi tôi thấy rằng nó đi theo một hướng khác và những sự kiện mới nảy sinh khi tôi đang viết nên nó. Nhưng ít nhất tôi phải bắt đầu với một ý tưởng rõ ràng rằng câu chuyện này viết về điều gì.

Bà sẽ bị cuốn vào câu chuyện đến mức nào khi đặt bút viết?

Ồ, vô cùng. Bạn biết không, tôi luôn phải chuẩn bị bữa trưa cho các con. Là một bà nội trợ, tôi đã học cách viết vào những khoảng rảnh rỗi. Và tôi không từ bỏ dẫu có những lúc rất nản lòng, những lúc cảm thấy điều mình viết ra không hay, thấy mình còn phải học hỏi quá nhiều điều và thấy công việc này khó khăn hơn tưởng tượng. Nhưng tôi không dừng lại, tôi không nghĩ mình đã từng như vậy.

Phần khó nhất khi bà muốn kể chuyện là gì?

Có lẽ là lúc ta đọc lại từ đầu và nhận ra nó dở chừng nào. Bạn biết đấy, lần đầu tiên ta thấy phấn khích, lần thứ hai ta thấy nó cũng khá tốt, nhưng rồi một buổi sáng ta đọc nó và bật thốt: “Vớ vẩn!”. Đấy là lúc ta phải đầu tư vào nó. Đấy là cách làm việc của tôi, tôi cho rằng câu chuyện không bao giờ có lỗi, nếu nó dở thì đấy là tại người viết đã sai.

Nhưng xoay xở thế nào nếu không hài lòng?

Rất vất vả. Nhưng tôi phải gắng nghĩ ra một cách tốt hơn để giãi bày. Ta có những nhân vật và ta vẫn chưa cho họ cơ hội bộc lộ, giờ ta phải nghĩ về họ, làm điều gì khác cho họ.

Thuở mới bắt đầu, tôi có thiên về lối văn xuôi hoa mỹ, và dần dần phải học loại bớt chúng đi. Thế nên, ta cần không ngừng suy tư về những nhân vật ấy và đi sâu vào tìm hiểu câu chuyện của họ, ta sẽ vỡ lẽ điều ban đầu ta tưởng ta đã hiểu, nhưng thực tế ta còn cần học hỏi thêm rất nhiều.

Bà đã vứt bỏ bao nhiêu truyện rồi?

À ha, khi còn trẻ tôi bỏ đi tất. Khó lòng giải thích tại sao nhưng những năm gầy đây tôi không thường làm thế nữa. Giờ đây tôi đã biết mình phải làm gì để giữ chúng sống sót. Dẫu vẫn luôn có khả năng tồn tại chỗ này chỗ kia mà tôi thấy lỗi, và ta chỉ cần quên nó đi.

Bà có bao giờ hối hận vì đã vứt bỏ một câu chuyện nào chưa?

Tôi nghĩ là không, bởi vì đến giây phút từ bỏ nghĩa là tôi đã trải qua quá đủ khốn khổ với nó, hiểu rằng từ đầu nó đã không hiệu quả. Nhưng tôi cũng đã nói đấy, ít khi lắm.

Qua thời gian, cách viết của bà thay đổi như thế nào?

Ồ, theo một cách rất dễ đoán. Ta bắt đầu viết về những nàng công chúa trẻ xinh đẹp, tiếp đến là viết về những bà nội trợ và trẻ em, sau rồi cũng đến lượt những bà già, và nó cứ vậy xảy đến thôi, không nhất thiết phải cố gắng làm bất cứ điều gì để thay đổi điều đó. Tầm nhìn của ta thay đổi.

Là một người nội trợ thành công kết hợp công việc gia đình với việc viết lách, bà có nghĩ mình có ý nghĩa với những cây bút nữ khác?

Điều đó thì tôi thực sự không rõ, tôi hy vọng mình đã làm được thế. Khi còn trẻ tôi cũng từng gặp những nhà văn nữ khác và tìm thấy cho mình sự khích lệ lớn, nhưng liệu tôi có quan trọng với người khác hay không thì tôi không biết. Tôi nghĩ phụ nữ ngày càng có nhiều - tôi sẽ không nói là ngày càng dễ dàng hơn - chỉ là càng nhiều thuận lợi để bắt tay vào viết vì một sự nghiệp, chứ không còn bị xem là trò giải trí tầm phào giết thời giờ lúc ở nhà một mình. Họ thực sự nghiêm túc trong việc viết lách, không thua kém gì cách một người đàn ông làm điều đó.

Bà nghĩ bản thân có tác động gì đến người đọc của mình, đặc biệt là với những độc giả nữ?

Ồ, tôi muốn những câu chuyện của mình lay động con người, bất kể họ có là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em. Tôi muốn những câu chuyện ấy mang một điều gì về cuộc sống, khiến họ… không phải khiến họ nói nó có thật không, mà họ cảm nhận được phần quà của sự viết, và rằng không tất yếu là kết thúc hạnh phúc hay điều gì khác, mà chỉ cần mọi điều câu chuyện kể ra đều rung động người đọc, khiến họ thấy mình trở thành một con người khác khi đọc xong.

Bà nghĩ mình là ai? Diễn đạt ấy có ý nghĩa gì với bà?

Chà, tôi lớn lên ở nông thôn, tôi lớn lên với những người phần lớn là dân Scotland gốc Ireland, và suy nghĩ phổ biến của họ là đừng cố gắng quá nhiều, đừng bao giờ nghĩ rằng mình thông minh. Một hình ảnh quen thuộc là, “À, mày tưởng mày khôn lắm đấy!” Mà trong khi đó, để viết lách thì người ta phải tin mình thông minh chứ. Trong một thời gian khá dài, tôi thấy bản thân mình là kẻ lập dị.

Bà có phải là một nhà nữ quyền sớm không?

Tôi từng không hay biết gì về từ “nữ quyền”, nhưng rõ là lớn lên ở một vùng đất thuộc Canada, nơi phụ nữ có thể viết dễ dàng hơn nam giới, tất nhiên tôi là một người theo nữ quyền rồi. Những nhà văn lớn, quan trọng vẫn là nam giới, nhưng một người phụ nữ viết truyện có lẽ ít mất uy tín hơn một người đàn ông. Bởi vì đó không phải là nghề nghiệp của đàn ông. À, cách nghĩ đó phổ biến thời tôi còn trẻ, bây giờ đã khác rồi.

Liệu cách viết của bà có khác đi nếu ngày ấy bà học xong đại học?

Quả thực có khả năng nó sẽ khiến tôi thận trọng hơn và sợ hãi hơn rất nhiều trước mong muốn trở thành nhà văn. Bởi vì càng biết nhiều về những cống hiến của người đi trước, tất yếu tôi sẽ càng nản lòng. Khả năng khi ấy tôi sẽ nghĩ điều này bất khả, nhưng tôi không cho rằng sẽ thế mãi. Chỉ một thời gian thôi, rồi thì khao khát muốn cầm bút vẫn quá lớn và tôi cũng sẽ vẫn tiến bước và thử mình.

Việc viết lách có phải là tài năng trời phú cho bà?

Những người xung quanh tôi sẽ không đồng tình nếu tôi nói thế này, nhưng đúng là không, tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một thiên phú. Tôi chỉ cho đó là điều mình có thể làm được, nếu đủ cố gắng. Vậy nên nếu gọi là một thiên phú, thì cũng không phải thiên phú dễ dàng, không phải sau Nàng tiên cá bé nhỏ.

Bà có bao giờ do dự, có bao giờ nghĩ rằng mình chưa đủ tốt?

Mọi lúc, mọi lúc! Tôi đã ném bỏ nhiều hơn là gửi đi hay hoàn thành, cứ như vậy suốt tuổi đôi mươi. Nhưng tôi vẫn cứ học viết theo cách tôi muốn. Vì vậy, không, đó không phải là một điều dễ dàng.

Mẹ của bà có ý nghĩa gì với bà?

Ôi, cảm xúc của tôi về mẹ tôi rất phức tạp, vì bà bị bệnh. Bà bị bệnh Parkinson và cần rất nhiều sự giúp đỡ. Bà nói chuyện rất khó khăn, mọi người không hiểu nổi bà đang nói gì. Dù bà vẫn là một người ưa giao tiếp, rất muốn trở thành một phần của cuộc sống xã hội, điều bất khả thi do giọng nói của bà. Vì vậy, mà tôi từng cảm thấy xấu hổ vì bà, tôi yêu mẹ nhưng ở một khía cạnh nào đó có lẽ tôi không muốn bị nhìn nhận liên quan tới bà. Tôi đã không muốn đứng đấy truyền đạt lại những điều mẹ muốn nói với mọi người. Những khó khăn như mọi trẻ vị thành niên đều có thể mắc phải khi đối diện với một ai đó, một phụ huynh khiếm khuyết. Mong muốn tuổi dậy thì của mình tự do không vướng vào những điều như thế.

Bà ấy có truyền cảm hứng cho bà theo bất kỳ cách nào không?

Có thể bà ấy đã từng làm nhưng không theo cách mà tôi có thể nhận thấy hoặc hiểu được. Tôi không nhớ ra có lúc nào mình không viết truyện, ý tôi là tôi đã không viết ra nhưng luôn kể, nhưng không kể với mẹ hay với bất kỳ ai. Mà thực ra bà đã đọc được, và bố tôi cũng thế… Mẹ tôi, tôi nghĩ, có lẽ luôn ủng hộ bất kỳ ai trở thành nhà văn. Bà ấy sẽ nghĩ đó là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng những người xung quanh tôi khi ấy không ai biết tôi muốn làm nhà văn. Vì tôi đã không để họ phát hiện ra, điều đó có vẻ như là nực cười đối với đa số họ. Bởi vì hầu hết những người tôi biết đều không đọc sách, họ sống theo một cách rất thực tế và tôi chỉ nghĩ phải che giấu lý tưởng của mình khỏi tất cả họ.

Có khó để kể một câu chuyện có thật từ góc nhìn của một người phụ nữ không?

Không, không hề, bởi theo ý tôi thì thân phận phụ nữ không khiến tôi bận tâm. Bạn biết đấy, tôi lớn lên trong hoàn cảnh khá đặc biệt: nếu ai đó đọc sách thì đó là phụ nữ, nếu ai đó có học thức thì đó thường là phụ nữ; phụ nữ có thể làm giáo viên hay những nghề nghiệp tương tự. Thế giới của đọc và viết rộng rãi hơn cho phụ nữ so với đàn ông. Đàn ông là nông dân hoặc làm các loại công việc khác.

Và bà được nuôi dạy trong một ngôi nhà của tầng lớp lao động?

Đúng.

Và đó cũng là nơi câu chuyện của bà bắt đầu?

Đúng. Tôi không nhận ra đó là nhà của tầng lớp lao động, tôi chỉ nhìn vào nơi tôi ở và viết về nó.

Và bà có thích việc luôn viết vào những thời điểm cụ thể, sắp xếp xen vào giữa lịch trình của chăm sóc con cái, nấu nướng dọn dẹp không?

Chà, tôi viết bất cứ khi nào tôi có thể. Và người chồng đầu tiên của tôi cũng giúp đỡ nhiều, đối với anh ấy, viết lách là một điều đáng ngưỡng mộ. Anh ấy không nghĩ phụ nữ không được viết, cũng như nhiều người đàn ông mà tôi gặp sau này, anh ấy coi đó là điều mà anh ấy muốn tôi làm và không hề thay đổi.

Bà có muốn những phụ nữ trẻ được truyền cảm hứng từ những cuốn sách của bà và tìm thấy cảm hứng để viết không?

Tôi không quan tâm họ cảm thấy gì miễn là họ thích đọc quyển sách. Tôi muốn mọi người tìm thấy sự tận hưởng sự tuyệt vời hơn là nguồn cảm hứng. Đó là điều tôi muốn; tôi muốn mọi người thưởng thức những cuốn sách của tôi, thấy chúng liên quan đến cuộc sống của chính họ theo nhiều cách. Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Tôi đang cố gắng nói rằng tôi không phải, tôi đoán tôi không phải, là một con người của chính trường.

Bà là con người của văn hóa?

Có thể. Tôi không chắc ý nghĩa của nó, nhưng tôi nghĩ là như vậy.

Dường như bà có một cái nhìn rất đơn giản về mọi thứ?

Phải không nhỉ? Vâng, vâng.

À, tôi đã đọc ở đâu đó rằng bà muốn mọi thứ được giải thích một cách dễ hiểu.

Tôi đồng ý. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi muốn giải thích đơn giản hóa mọi thứ, đó chỉ là cách tôi viết. Tôi nghĩ rằng hoàn toàn tự nhiên mà tôi viết thành lối thực đơn giản, chứ không hề gặng nghĩ để đạt được đơn giản như thế.

Có bao giờ bà gặp phải giai đoạn không muốn cầm bút?

Vâng tôi có. Chà, tôi đã từ bỏ việc viết lách, bao lâu rồi nhỉ, tầm một năm nay rồi. Nhưng đó là một quyết định, không phải là không còn muốn viết hay không thể viết nữa, mà là quyết định sống một cuộc đời như phần còn lại của thế giới. Bởi vì khi bạn đang viết, bạn đang làm điều người khác không thể hiểu biết, bạn chẳng thể san sẻ về nó, bạn luôn đang đi trong thế giới riêng bí mật, rồi bạn lại đang làm gì đó ở thế giới bình thường. Và tôi cảm thấy mệt mỏi vì điều đó, tôi đã làm thế cả đời, trọn vẹn cuộc đời mình rồi. Khi tôi làm việc với những nhà văn thiên về học thuật, tôi đã hơi bối rối, bởi vì tôi biết mình không thể viết theo cách đó, tôi không có năng khiếu đó.

Tôi đoán đó là một cách kể chuyện khác?

Vâng, và tôi chưa bao giờ làm việc theo cách, nói sao nhỉ, một cách có ý thức. Vâng, tất nhiên là tôi có ý thức, tôi đã làm việc theo cách tự an ủi và hài lòng hơn là theo một lý thuyết nào đó.

Bà đã bao giờ nghĩ mình sẽ đoạt giải Nobel chưa?

Ồ, không, không! Tôi là một người phụ nữ! Tôi biết có những người phụ nữ đã giành được nó. Tôi yêu quý sự vinh danh, tôi yêu nó, nhưng tôi không nghĩ đến việc đó, bởi vì hầu hết các nhà văn thường đánh giá thấp tác phẩm chính mình, đặc biệt là sau khi nó hoàn thành. Ta đâu thể đi loanh quanh và nói với bạn bè rằng tôi có thể sẽ đoạt giải Nobel. Đó đâu phải cách chuyện trò bình thường!

Do này bà có bao giờ quay lại, và đọc bất kỳ cuốn sách cũ nào của mình không?

Không! Không! Tôi sợ! Không, tôi sẽ nảy sinh một thôi thúc khủng khiếp là sửa đổi chút này chút kia, và tôi thậm chí đã sửa thật trong vài bản in để trong tủ sách, nhưng rồi tôi nhận ra chẳng ích khi nó không được sửa ở ngoài kia.

Có điều gì bà muốn nói với mọi người ở Stockholm không?

Ồ, tôi muốn nói rằng tôi rất biết ơn vì vinh dự to lớn này, rằng không có gì, không có gì trên thế giới có thể làm tôi hạnh phúc như thế này! Cảm ơn mọi người!

A.M
(TCSH425/07-2024)

 

 

Các bài đã đăng